2
- Huân, cháu
chạy lên làng Đám xem việc chuẩn bị trận địa thuỷ lôi giả của du kích xã đến
đâu rồi về báo cáo ngay cho chú nhé. Gặp anh Diệm chủ tịch mặt trận Việt Minh
ấy, nghe chưa?
Ông Doãn Tuế
ra lệnh cho Huân. Huân đứng nghiêm, một tay cậu đưa lên ngang đầu chào theo
kiểu nhà binh:
- Báo cáo thủ
trưởng, rõ!
Ông Doãn Tuế
cười, xoa đầu Huân:
- Ra dáng gớm
nhỉ? Nhanh nhanh về báo cáo cho chú biết ngay nghe.
Huân ba chân
bốn cẳng chạy ù đi. Cậu ta vui lắm. Từ ngày theo các chú bộ đội, giữ chân liên
lạc đến đợt này là Huân vui nhất. Huân vui vì được trực tiếp tham gia chiến đấu
trả thù cho gia đình, cho làng bản. Lòng căm thù giặc đến cháy bỏng của cậu sắp
được biến thành hiện thực. Nghĩ đến cái ngày giặc Pháp đốt làng, giết hết những
người thân của Huân mà Huân cảm thấy uất nghẹn lên tận cổ.
Hôm ấy cũng
như bao ngày khác, cái bản nhỏ của Huân nằm cheo leo trên sườn núi vẫn bình yên
đón một ngày mới. Khi Huân chuẩn bị lên rừng thả trâu thì bất ngờ lù lù một đoàn xe tăng thiết giáp của giặc
kéo lên. Chúng chia quân lùng sục bắt bớ dồn tất cả những người trong bản ra
tập trung tại gốc si giữa làng. Trẻ già, trai gái một xâu một xốc mấy chục con
người sợ hãi bước đi trước mũi súng kẻ thù. Chúng tra khảo tìm kiếm cán bộ cách
mạng. Không ai hé răng nửa lời. Bọn chúng điên tiết đốt phá hơn chục ngôi nhà
trong bản. Vẫn không ai nhúc nhích. Cuối cùng, lũ chó săn ấy đã điên cuồng nổ
súng vào đoàn người. Bố, mẹ, anh em, người thân, hàng xóm của Huân trúng đạn ngã
xuống. Huân cũng bị một viên đạn vào đùi gục xuống trong vòng tay của mẹ. Huân
mê man bất tỉnh. Mãi đến đêm, Huân mới tỉnh lại. Cậu ngơ ngác giữa các chú bộ
đội xung quanh. “Sống rồi!”. Tiếng ai đó cất lên. Về sau, Huân được biết bản
của cậu đã bị giặc Pháp đốt sạch, giết sạch, may mà cậu được mẹ chở che nên vẫn
còn sống sót. Và Huân, cậu bé mười một tuổi ấy đã mất hết cha mẹ, người thân,
mất cả bản làng yêu dấu bước chân vào bộ đội đi kháng chiến với một mối thù
giặc hơn bất cứ một người nào. Huân được các chú bộ đội cưu mang, dạy dỗ quý
như con, như em của họ. Lần này theo đơn vị về Tiên Phong triển khai kế hoạch
đánh Pháp, chặn bước chân của chúng lên chiến khu Việt Bắc, Huân cảm thấy hăng
hái vô cùng. Phải đem hết sức mình vào trận đánh này để trả thù cho cha mẹ, cho
quê hương. Huân không nề hà một việc gì khi chỉ huy đơn vị giao cho.
Mấy hôm nay
không khí chuẩn bị chiến dịch của xã này rậm rịch hẳn lên. Đi đến chỗ nào người
ta cũng bàn tán chuyện đánh Pháp. Đơn vị Huân chuyển pháo mấy bận cuối cùng đã
về đặt ngay tại bờ sông trên bến gần nhà ông Hiếu. Mấy trung đội kéo pháo rải
dọc bờ sông làng Ngọc Chúc đón lõng tàu địch. Hôm bọn chúng ngược Tuyên Quang,
đơn vị Huân được lệnh nhả đạn. Kết quả chẳng ăn thua gì. Bọn chúng mở hết tốc
lực chạy thoát. Ban chỉ huy đơn vị rút kinh nghiệm thấy pháo ta đặt xa sông
quá, kỹ thuật bắn pháo của bộ đội chưa tốt, lần đầu tiên ra trận nên chưa bắn
trúng được tàu giặc. Từ đó, đơn vị quyết tâm mai phục chờ bọn giặc quay xuôi sẽ
chiến đấu trả thù. Kế hoạch tác chiến được chuẩn bị khá tỉ mỉ. Pháo được kéo ra
đặt dọc theo bờ sông ngay sát mép nước. Dưới các lùm cây um tùm là những khẩu
pháo của đơn vị Huân. Các bộ phận làm trận địa giả cũng tích cực khẩn trương
vào cuộc.
Trên bờ phía
xã Tiên Phong bộ đội cùng du kích làm trận địa pháo giả. Người ta lấy những
đoạn tre, đoạn vàu quấn rơm xung quanh rồi dựng ngược nó lên chĩa lên trời.
Xung quanh cũng đắp ụ đất, cũng cắm cây lá nguỵ trang. Những thằng bù nhìn rơm
đứng như những pháo phủ. Các ụ pháo đó được bố trí khá dày đặc ở khu đồng Guốc,
trên Gò Nhỏ trông xa như một trận địa pháo thực thụ. Bọn máy bay Pháp chắc chắn
phải hoảng sợ trước một trận địa pháo như thế này. Phía bên kia sông, du kích
hai xã Hữu Đô, Đại Nghĩa có nhiệm vụ lấy củi đuốc, rơm rạ, nứa tép tươi chất
lên thành từng đống dọc theo bờ sông. Tất cả có hai mươi ba đống cả thảy. Trên
từng đống đó họ còn bố trí thùng phi chứa thuốc nổ và chất dễ cháy để khi có
lệnh sẽ đồng loạt phát hoả. Lửa khói ngút trời. Tiếng nổ của nứa tép tươi, của
thùng phi khi bị đốt sẽ rền vang, liên thanh như tiếng súng. Phía Tiên Phong
pháo bắn, phía Hữu Đô, Đại Nghĩa súng nổ cùng với toàn bộ chuông nhà thờ, kẻng,
mõ của nhân dân hai bên bờ đồng loạt nổi lên. Khói lửa mù trời sẽ kéo quân địch
vào một trận đồ bát quái.
Dưới sông,
đoạn chảy qua xã Sóc Đăng, du kích đã bố trí kè chắn tàu chiến Pháp. Mấy chục
chiếc thuyền nan của dân được họ tự nguyện đánh đắm. Tre, gỗ, sắt, đá được huy
động. Một bờ kè ngầm đã được hoàn thành trong thời gian rất ngắn. Trên đoạn
chảy qua xã Tiên Phong về phía ngược, một trận địa thuỷ lôi giả được thiết kế.
Phải nói rằng đây thực sự là một sáng tạo của quân và dân ta. Những quả bưởi
được người ta gọt vỏ rồi dùng nhọ nồi trộn với dầu luyn bôi đen thả trên sông
nổi lập lờ như những quả thuỷ lôi thật. Mấy ngàn quả bưởi được nhân dân Tiên
Phong tới tấp gánh ra bến sông giao nộp cho tổ du kích làm thuỷ lôi giả. Phương
án là tàu Pháp gặp “thuỷ lôi” sẽ phải chạy dạt vào bờ Tiên Phong. Lúc đó pháo
ta với phương châm “đặt gần bắn thẳng” sẽ phát huy tác dụng.
Trong chương
trình làm trận địa giả thì vấn đề “thuỷ lôi” là phức tạp nhất. Làm sao cho bọn
địch phải thấy đó là những quả thuỷ lôi thật? Bôi đen như thế nào để khi xuống
nước quả bưởi vẫn có một màu đen sì? Lúc đầu người ta dùng nhọ nồi trộn mỡ quét
vào vỏ xanh của quả bưởi nhưng khi thả những quả bưởi này xuống nước thì nhọ
nồi trôi tuột đi hết trơ lại nguyên xi quả bưởi ban đầu. Sau đó, người ta gọt
bỏ vỏ trước khi bôi nhọ nồi nhưng kết quả cũng không khá được bao nhiêu. Quả
bưởi vẫn bị lộ ra. Cuối cùng, người ta dùng nhọ nồi trộn dầu luyn quét lên vỏ
trắng của quả bưởi và phơi nó ra nắng vài ngày. Cứ trộn, bôi, phơi mấy lần như
thế sau đó mới thả “thuỷ lôi” xuống sông. Kết quả rất rất tốt. Tuy nhiên, “thuỷ
lôi” trôi lung tung trên khắp mặt sông. Như vậy chưa thể đánh lừa được bọn địch
và chưa nhử địch vào trận địa của ta được. Lại một câu hỏi nữa làm đau đầu
những “kiến trúc sư” trận thuỷ lôi chiến dịch.
Ông Doãn Tuế
sốt ruột lắm. Theo tin từ trên xuống thì bọn tàu Pháp kéo xuôi sắp sửa qua đây.
Chúng không thể tiến công được vào căn cứ địa kháng chiến của ta. Đi đến đâu
cũng bị bộ đội và du kích ta bủa vây đánh chặn buộc chúng phải rút lui, huỷ bỏ
kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của chúng. Thế mà trận địa giả trên sông của ta
vẫn chưa xong. Theo phương án tác chiến, bọn tàu Pháp gặp thuỷ lôi bên bờ Hữu
Đô sẽ dạt sang bên bờ Tiên Phong. Khẩu pháo đặt dưới gốc duối, cạnh cây si bến
ông Hiếu, chỗ đoạn sông cong nhất, có thể phát hiện sớm nhất tàu địch sẽ nổ
phát súng đầu tiên cho chiến dịch. Muốn bắn trúng ngay từ loạt đạn đầu thì tàu
địch phải đi sát khẩu pháo của ta. Phát hoả đầu tiên có ý nghĩa quyết định cho
cả trận đánh. Làm thế nào để kéo tàu Pháp đến trước họng pháo để mà nhả đạn?
Chỉ có trận địa thuỷ lôi mới làm cho chúng hoảng sợ mà chạy dạt sang bờ bên
này. “Chế tạo” được “thuỷ lôi” rồi nhưng bố trí nó thì chưa đúng dự định. Ông
Doãn Tuế sốt ruột vì ý đó.
Huân gặp được
anh Diệm ngay tại bến Gành. Tổ du kích xã đang tất bật chế tác thuỷ lôi. Huân
truyền đạt mệnh lệnh của ông Doãn Tuế. Anh Diệm tươi cười nói với Huân:
- Chú mày về
nói với chỉ huy cứ yên tâm. Tìm được cách cố định thuỷ lôi rồi. Từ giờ đến
chiều sẽ xong.
- Cách gì thế
hả anh?
Huân sốt ruột
hỏi lại. Diệm chỉ vào số du kích đang thao tác:
- Chú em nhìn
thì rõ. Đấy chốc! Chúng tớ dùng dây thép nhỏ xiên qua từng quả bưởi xâu chúng
lại thành từng xâu. Mỗi xâu bốn, năm quả. Mỗi quả cách nhau ba bốn mét. Sau đó,
chúng tớ dùng thuyền chở chúng sang bờ bên kia, cho người lặn xuống găm từng
xâu lại. Chúng sẽ nổi lập lờ như thuỷ lôi thật. Đấy chú xem, ổn chưa.
Diệm chỉ tay
ra sông. Mấy con thuyền đang rập rờn trên sông phía bờ Hữu Đô. Huân ngớn mãi
người lên để nhìn:
- Xa quá, em
chẳng nhìn rõ gì cả.
- Thế có thấy
thuyền chở “thuỷ lôi” không?
- Có. Em thấy
cả mấy anh đang rải bưởi nữa nhưng thuỷ lôi thì em chẳng thấy đâu hết?
- Thấy thế nào
được - Diệm ôn tồn giải thích - Chú làm
cứ như bom tấn không bằng . Ở đây mà nhìn thấy được “thuỷ lôi” thì có hoạ là
mắt thánh. Quả bưởi bé thế kia làm sao mà thấy được. Hơn nữa nó lại nổi lập lờ
trên mặt nước. Chỉ có ngồi trên thuyền mới thấy thôi chú ạ.
- Thế thì tôi
với anh Diệm phải xuống sông “mục sở thị” mới được.
Một tiếng nói
vang lên cắt ngang cuộc trao đổi giữa Huân và Diệm. Hai người quay lại thì gặp
ông Doãn Tuế. Họ chào nhau. Ông Doãn Tuế nói:
- Cử cậu Huân
đi rồi nhưng tôi không yên tâm lại phải lên ngay chỗ anh xem các anh chuẩn bị
đến đâu rồi. Sốt ruột quá. Trên báo về là ngày mai bọn nó sẽ qua đây đấy anh
Diệm ạ.
- Thế hả? May
quá, chúng tôi cũng vừa tìm ra được cách cố định thuỷ lôi sáng nay xong. Hiện
giờ anh em đang rải chúng. Mời anh xuống thuyền ta đi kiểm tra lần cuối.
Diệm bắc loa
tay gọi một chiếc thuyền gần đó đưa ông Doãn Tuế đi kiểm tra trận địa. Huân
cũng được đi cùng.
Ông Doãn Tuế
rất hài lòng với trận địa thuỷ lôi do du kích xã Tiên Phong thiết kế. Nắm chặt
tay Diệm, ông nói:
- Chuẩn bị sẵn
sàng nhé! Quyết chiến thắng! Đồng ý chứ?
- Đồng ý!
Hai vị chỉ huy
cười và nhìn thẳng vào mắt nhau một cách ý nhị. Ông Doãn Tuế cùng Huân trở lại
trận địa pháo dưới làng Ngọc Chúc. Diệm cũng tất tưởi đi đốc thúc kiểm tra các
tổ trực chiến của du kích xã. Họ hồi hộp chờ đón giờ phút phát hoả trận đánh.
10 giờ 30 phút
ngày 24 tháng 10 năm 1947. Tin báo tàu Pháp xuôi đã vào đến địa phận xã Tiên
Phong từ trạm gác Đầu Mầu chuyển về. Tổ liên lạc chạy tất bật. Trạm nó báo cho
trạm kia. Đồng thời với việc chạy chân của tổ liên lạc, những tín hiệu riêng
như gõ kẻng, đốt lửa đã kịp thời loan báo vị trí của tàu Pháp trên sông Lô.
Lệnh chuẩn bị chiến đấu được phát ra. Mọi người căng mắt nhìn ra sông. Huân
theo sát ông Doãn Tuế.
Kia rồi! Chúng
đã vào đến trận địa “thuỷ lôi” của ta rồi! Chiếc đầu tiên đột ngột rẽ ngoặt
sang bờ làng Lã Hoàng. Cả đoàn tàu bốn chiếc cùng dẫn xác vào trận địa. Đúng dự
định của ta rồi! Ông Doãn Tuế reo thầm trong bụng. Huân ngớn mãi người lên để
nhìn. Tim Huân đập thình thịch. Chưa bao giờ Huân cảm thấy hồi hộp như lúc này.
Hình như những chiến sỹ xung quanh Huân cũng cùng một tâm trạng đó. Mọi người
như nín thở theo dõi lũ tàu giặc.
Nòng pháo rê
theo sự di chuyển của chiếc tàu đi đầu. Một phút. Hai phút trôi qua. Nó hiện ra
rõ quá ngay trước nòng pháo. Cả thân tàu lọt trong vòng ngắm. Không khí căng
thẳng im lìm bao trùm lên khắp trận địa. Chỉ nghe có tiếng ca nô địch rì rì
trên sông. Đã trông rõ cả thằng Pháp đang cởi trần trùng trục đi lại trên tàu.
Chúng không hay biết gì về trận địa mai phục của ta.
Trên bờ, tất
cả đang chờ lệnh của ông Doãn Tuế. Ông Doãn Tuế cũng căng mắt hồi hộp không
kém. Không thể để nó chạy thoát như hôm chúng nó ngược. Chờ nó gần thêm chút
nữa. Một chút nữa. Chợt tay ông phất xuống một cách dứt khoát. Khẩu pháo gầm
lên. Quả đạn vút đi. Một tiếng nổ vang trời lộng óc phát ra. Huân rùng mình bịt
chặt hai tai. Mắt anh hơi nhắm lại. Rồi tiếng reo hò dậy đất vang lên:
- Trúng rồi!
Hoan hô bộ đội! Trúng rồi.
Tiếng chuông
nhà thờ Lã Hoàng dồn dập vang lên. Theo đó là tiếng mõ, tiếng kẻng, tiếng thanh
la từ đầu xã đến cuối xã khắp hai bên bờ sông đồng loạt nổi lên. Những đống lửa
bờ bên kia cũng đồng loạt bốc cháy. Tiếng nứa tép nổ đôm đốp. Tiếng thùng phuy
chứa thuốc súng nổ ình oàng hoà cùng tiếng pháo của bộ đội ran lên. Khói lửa mù
trời. Tiếng hò reo hai bên bờ dậy đất. Quân Pháp trên tàu hoảng loạn tột độ.
Chúng hoàn toàn lọt vào trận đồ bát quái của ta.
Chiếc tàu đầu
tiên chìm dần xuống sông. Ba chiếc khác cũng bị trúng đạn. Quan quân Pháp lóp
ngóp bơi. Có đứa chìm nghỉm theo chiếc tàu xuống cùng Hà Bá. Máu giặc loang đỏ
cả một đoạn sông. Một chiếc tàu bị thương dạt vào bờ Hữu Đô. Một số lính nhảy
vội lên bờ hòng tháo thân. Du kích hai xã bên đó liền truy đuổi chúng sát nút.
Lửa khói của trận địa giả càng làm cho bọn chúng kinh hoàng. Chiếc tàu đi cuối
cùng thấy vậy quay đầu tháo chạy lên Tuyên Quang. Bọn máy bay trên trời cũng
nháo nhác không biết đâu mà lần.
Pháo ta tiếp
tục nhả đạn truy kích địch. Du kích nhiều người sướng quá nhảy cẫng lên khỏi
giao thông hào để reo hò. Họ ôm nhau. Họ vỗ tay, làm đủ các động tác để chào
mừng chiến thắng. Trong làng, tiếng chuông, tiếng kẻng, tiếng trống vẫn dồn dập
thúc giục. Huân cũng hô to:
- Bắn. Bắn nữa
đi.
Cậu ta vung
tay chém mạnh xuống như ông Doãn Tuế khi ra lệnh phát hoả.
- Ái. Anh làm
cái gì thế?
Chợt có người
vỗ mạnh vào người Huân, anh giật mình tỉnh giấc. Cậu Tiến đang nhăn nhó vì cú
chém tay của Huân ban nãy. Thì ra anh đang nằm mơ. Cơn mơ tan biến. Huân giụi
mắt nhìn quanh. Mặt trời đã chếch về phía tây, ngay trên đỉnh gò Đồn phía bên
kia sông. Ánh nắng chiều lọt qua kẽ lá cây si dọi vào mắt anh khiến cho Huân
phải lấy tay che mắt lại. Ngoài kia dòng sông lấp loáng. Dưới bến phà khá im
ắng. Nhà phà đã lên bờ nghỉ hết cả. Huân giơ tay nhìn đồng hồ. Thế mà đã ba giờ
chiều. Anh đã chợp mắt được gần một tiếng đồng hồ. Giờ này là giờ “cao điểm”
máy bay oanh tạc buổi chiều nên không có cái ôtô nào qua.
- Chúng ta đi
chứ anh, kẻo tối mất? Hiến giục Huân.
- Ừ. Nào mang
ba lô đi các cậu.
Huân nhắc hai
chiến sỹ trẻ và xăm xăm đi trước.
- Các cậu biết
không - Huân tiếp tục mạch hồi tưởng trong giấc mơ ban nãy - Hồi năm bốn bảy,
vào khoảng cuối tháng mười thì phải, đơn vị tớ rải quân từ bến phà này cho mãi
lên tới tận đầu xã. Cứ bờ sông mà ém. Một đường hào giao thông dài hơn chín cây
số đã được dân xã này đào xong chỉ trong có hai ngày hai đêm. Tớ làm nhiệm vụ
liên lạc, chạy suốt từ đầu xã đến cuối xã. Mỏi nhừ chân nhưng mà vui lắm. Bộ
đội ta kéo pháo ra sát mép nước bờ sông. Các bố hồi ấy táo bạo lắm. Lần đầu
pháo binh ra trận đã có kinh nghiệm gì đâu. Pháo lại toàn loại thần công cổ lỗ
sỹ chứ được như bây giờ? Ấy vậy mà dám đặt pháo như thế để bắn tàu Pháp mới ác
chứ. Lát nữa tớ chỉ các cậu xem chỗ đặt khẩu pháo phát hoả đầu tiên cho trận đánh
ngày đó.
Huân vừa đi
vừa kể cho Hiến và Tiến nghe về trận đánh năm xưa.
- Anh có vẻ
say sưa và rất nhớ về trận đánh đó nhỉ?
Tiến xốc lại
chiếc ba lô trên vai hỏi Huân.
- Đúng. Đó là
trận đánh đầu tiên của đời mình mà. Mới mười ba tuổi tớ đã ra trận các cậu bảo
không nhớ sao được? Rồi các cậu cũng thế ấn tượng trận đánh đầu tiên sâu sắc
lắm. Giờ lại đi trên chiến trường cũ, tớ có cảm giác như đang sống lại cái thời oanh liệt ấy. Các cậu biết không, chiến
thắng sông Lô thu đông năm “bốn bảy” có ý nghĩa quan trọng lắm. Nó đánh tan âm
mưu của thực dân Pháp định “đánh nhanh thắng nhanh” để chiếm hoàn toàn nước ta
đấy. Nhờ chiến thắng này chúng ta đã chuyển được thế chiến lược từ cầm cự sang
tích cực phản công, bảo vệ an toàn chiến khu Việt Bắc, căn cứ địa kháng chiến
của ta. Tuyến vận chuyển đường sông Lô của địch bị cắt đứt hoàn toàn. Máy bay
địch phải thả dù tiếp tế cho Tuyên Quang. Nhân dân cả nước nức lòng có thêm sức
mạnh bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ nhưng nhất định thắng lợi như
lời Bác Hồ kêu gọi. Và đối với bộ đội chúng mình, nhất là pháo binh lại càng tự
tin để chiến thắng. Báo chí của Pháp gọi trận đánh sông Lô ấy là “thảm hoạ Đoan
Hùng” .
- Và nhạc sỹ
Văn Cao sau chiến thắng ấy đã có bài hát “Sông Lô”, một trường ca bất hủ phải
không anh?
Hiến xen ngang
lời của Huân. Huân gật đầu xác nhận:
- Đúng vậy.
Chuyến đi của Văn Cao lên Việt Bắc đúng vào lúc giặc Pháp thua trận đang trên
đường rút quân trở về. Đi đến đâu bọn địch cũng đốt phá cướp bóc đến đó. Văn
Cao đã nhìn thấy những xóm làng bên sông bị đốt trụi, trong đó cả làng Ngọc
Chúc chúng ta đang đi này. Những nền “nhà khô trơ than xám” cùng với
niềm vui trên những khuôn mặt của dân chúng sau chiến thắng sông Lô trở về dựng
lại nhà cửa trong bóng đêm gió rét và “từng sân bao bóng người quanh lửa
hồng”. Văn Cao đã dừng chân chứng kiến những “thây giặc trôi trở về ngập
bờ” trên nhiều khúc sông mà ông đã đi qua. Âm hưởng chiến thắng bừng sáng
trong những gương mặt của các cụ già, của những bé thơ, của những “đoàn quân
thời chinh chiến” mà ông gặp gỡ trên đường lên chiến khu. Dòng sông Lô bình
dị từ ngàn xưa không còn nữa. Trước mặt ông nó đã trở nên hùng vĩ, bao la, tràn
trề sức sống. Văn Cao đã tìm gặp ông Doãn Tuế là người chỉ huy trận đánh này.
Hai người đi dọc theo bờ sông Lô nơi trận đánh xảy ra. Những vạt lau cháy còn
loang lổ khói súng. Rồi ông lại xuôi bè dọc theo dòng sông tìm hiểu những sự
thay đổi của dòng chảy, cảm nhận hơi thở, nhịp đập ẩn chứa trong lòng con sông.
Ông lặng ngắm những xóm làng ẩn hiện giữa một màu xanh ngát của núi rừng dọc
hai bên sông trong những buổi chiều khói lam phảng phất thanh bình và thơ mộng.
Và âm hưởng giai điệu của bản trường cả vút lên. Tác phẩm này đã được in trang
trọng trên Tạp chí Văn nghệ đầu tiên tháng 3 năm 1948 đó.
Huân nói say
sưa như một cán bộ tuyên giáo. Bao nhiêu kỷ niệm cũ ùa về. Anh cảm thấy tự hào
đặt bước chân lên chiến trường cũ năm xưa bên những đồng đội mới của mình. Tiến
mơ màng huýt sáo bản trường ca “Sông Lô”.
Làng Ngọc Chúc
khá vắng vẻ. Thỉnh thoảng có tiếng gà eo óc gáy. Cây cối hai bờ sông vẫn um
tùm, xanh ri. Hình như người dân ở đây đi sơ tán hết thì phải. Nhà nào nhà ấy
đóng cửa im ỉm. Đi được một đoạn, Huân dừng lại. Anh đưa cặp mắt ngó ngược ngó
xuôi nhận dạng con đường. Chỗ này khác trước nhiều quá. Bờ sông lở mãi tận vào
trong. Cát khá nhiều. Trông giống đoạn nhà cậu Trọng lắm nhưng sao cứ ngờ ngợ
thế nào ấy. Con đường ven sông trước kia cứ bám bờ mà đi sao bây giờ lại quặt
vào phía trong nhỉ? Lối xuống bến cát sao lại rộng thế kia? Ngày trước làm gì
có bãi cát nào rộng thế?
Đang lơ ngơ
như vậy thì có lũ trẻ chạy từ trong làng ra. Huân vội vã túm lấy một đứa hỏi:
- Các cháu cho
chú hỏi nhà bà Sự ở chỗ nào? Sắp đến chưa?
Mấy đứa bị hỏi
đột ngột, chúng dừng cả lại. Nhìn từ đầu đến chân ba chiến sỹ, một đứa trong
bọn lắc đầu. Cả bọn lang lảng quay đi. Tiến vội tóm tay đứa khác lôi lại:
- Chỉ cho chú
biết đi! Đến nhà bà Sự còn xa không các cháu?
- Chúng cháu
không biết bà Sự ạ. Các chú đi mà hỏi người lớn ấy.
Thằng
bé gỡ tay Tiến và nói. Huân vội cố hỏi:
-
Nhà bà Sự ở gần gốc duối to ấy. Đi lối nào hả các cháu?
-
Chúng cháu cũng không biết ạ.
Nói
đoạn, cả mấy đứa kéo nhau đi. Chúng nó thì thầm với nhau cả ba người đều nghe
thấy:
-
Bộ đội thật chúng mày ạ. Tao thấy các chú ấy có súng, có sao trên mũ mà.
-
Đừng vội tin. Nhỡ đâu gián điệp cải trang thì sao? Cô giáo chả dặn là phải thực
hiện “ba không” là gì. Bọn gián điệp này tinh vi lắm. Chúng giả dạng đủ kiểu
người rồi vào làng dò la, sau đó đánh điện báo về Mỹ đó. Khi máy bay đến, chúng
mới ngồi nấp ở một chỗ rồi làm hiệu cho nó thả bom nhé.
-
Đúng đấy. Phải cảnh giác. Bố tớ cũng bảo đừng vội tin những người lạ vào làng
bất kể đó là ai.
Cả
ba người nhìn nhau. Thì ra các cậu nhóc thực hiện “ba không”. Thời chiến có
khác, đến trẻ con cũng ngấm sâu tinh thần cảnh giác. Biết không thể làm thế nào
khác được, Huân bảo Hiến, Tiến đành chờ xem có ai đó đi qua để hỏi.
Lát
sau, phía cuối đường có tiếng mấy cô gái léo nhéo. Đang ngồi nghỉ, Tiến đứng
bật dậy:
-
Anh Huân để em. Em hỏi chỉ một câu là các cô ấy phải chỉ ngay. Trông đứng đắn,
nghiêm túc thế này làm sao mà không tin được? Có khi còn có cảm tình, yêu nữa
là đằng khác.
-
Thôi đi bố. Đừng có bẻm mép nữa. Tối bố nó đến nơi rồi còn tán phét.
Hiến
ngấm ngẳn với Tiến. Mặc, Tiến vẫn vuốt lại quần áo, tóc tai, đội mũ nghiêm chỉnh.
Sau đó cậu đứng ra giữa đường nở một nụ cười tươi chờ đợi. Tốp con gái quang
gánh thấy người lạ phía trước liền im lặng, không ai nói gì. Họ nhìn ba chàng
bộ đội. Khi họ đến gần, Tiến cười hỏi:
-
Chào các em. Các em cho bọn anh hỏi thăm đường về nhà bà Sự làng ta đi lối nào
em nhỉ?
Một
cô gái khá xinh đứng lại. Cô nhìn Tiến chăm chú.
-
Anh hỏi nhà bà Sự?
-
Vâng, nhà bà Sự em ạ - Tiến vồ vập.
-
Nhưng bà Sự nào? Ở làng em có tới bốn, năm bà Sự. Mẹ em cũng là bà Sự, bà cái
Tịch đây cũng tên là Sự. Thế các anh có đến không?
Mấy
cô gái bấm nhau nhìn cô vừa nói, cười khúc khích. Tiến lúng túng giây lát rồi
lại bẻm mép tán:
-
À… bà Sự nhà ở gần gốc duối to nhất làng ấy! Bọn anh đến đó rồi sẽ tới thăm bà
Sự nhà các em sau. Nhé.
-
Nhưng mà các anh tìm nhà bà Sự làm gì? Hay là tìm cái Hà con nhà bà ấy?
Cô
gái cũng không vừa, trêu lại.
-
Chúng tôi về đây công tác, mong các cô chỉ đường giùm.
Huân
sốt ruột nói. Cô gái liếc một cái sắc lẹm lên người Huân. Sao mũ, quân hàm,
quân hiệu nghiêm chỉnh gớm. Trẻ thế mà cũng trung uý cơ đấy. Trông cũng khá đẹp
trai. Của hiếm đây. Phải trêu cho anh này một trận mới được. Ở gần ngay nhà bà
Sự ấy rồi mà không biết lại cứ hỏi. Dứt khoát mình sẽ không nói, không chỉ gì
hết. Mặc kệ anh ta xoay xoả. Chắc lại về tăng cường cho đơn vị kho đạn đây. Thể
nào mai kia chẳng lại được làm việc với nhau? Thế thì hôm nay hãy cứ đợi đấy đã
nhé. Cho nó ấn tượng buổi đầu gặp mặt.
-
Nhà bà Sự ấy còn xa lắm, hay là các anh về nhà bà Sự, mẹ em, nghỉ tạm rồi sớm
mai chúng em sẽ dẫn các anh đến tận nơi.
Mấy
cô gái lại bấm nhau cười. Họ nhao nhao:
-
Phải đấy.
-
Đừng nghe cái Phương nó nói. Nhà nó xa hơn nhà em. Các anh về nhà em, bà em
cũng tên là Sự mà. Ngay cuối xóm kia thôi.
-
Nào đưa ba lô đây chúng em gánh cho.
Huân
thoáng đỏ mặt:
-
Cảm ơn các cô. Bảy giờ tối nay chúng tôi phải có mặt ở nhà bà Sự rồi, không thể
tới nhà các em được. Hẹn khi khác nhất định chúng tôi sẽ tới.
-
Thế thì buồn quá - Cô tên là Phương tiếp tục.
Chợt
lũ trẻ ở đâu đó quay lại ngó nghiêng nhìn mấy chú bộ đội đang bị các cô gái
làng quây trêu. Chúng cùng đồng thanh:
-
Đường Tuyên Quang đi lối nào em nhỉ? Lấy em rồi em sẽ chỉ đường cho.
Chúng
hát theo giai điệu bài hát “Hành quân xa” của nhạc sỹ Đỗ Nhuận. Vừa hát chúng
vừa vỗ tay. Nghe thấy thế cả Huân, Hiến, Tiến và các cô gái cùng đỏ mặt. Họ
thoáng nhìn nhau giây lát. Phương liền lao về phía mấy đứa trẻ. Các cô gái còn
lại cũng vùng đuổi theo. Người nọ nắm quanh gánh của người kia léo nhéo. Bọn
trẻ con chạy trước, mấy cô gái đuổi theo sau. Tiếng bọn trẻ con hát, tiếng các
cô gái cười vang lên trong sắc nắng chiều vàng rực rỡ. Ba chàng lính ngẩn ngơ.
Mãi sau Hiến mới nói:
-
Thế nào ông Tiến? Chẳng bốc phét nữa đi.
-
Nhưng mà hay các cậu ạ - Huân dàn hoà - Công nhận các cô gái ở đây lém thật.
Đến cậu Tiến mà cũng phải thua nữa là. Đẹp! Đẹp lắm. Chiều rơi bên bến sông
Lô, gặp em một thoáng ngẩn ngơ một đời. Xin đừng bỏ đi người ơi! Để tôi tìm
nhặt nụ cười bâng khuâng.
-
A! anh Huân lại có thơ rồi! Người đẹp, cảnh đẹp thế chẳng trách nào anh nổi
hứng thật. Biết đâu về đây anh lại chẳng tìm được bến đậu ấy chứ.
Tiến
và Hiếu cùng reo lên. Họ quên hẳn cái ba lô nặng trên vai và đoạn đường còn lại
không biết ngắn dài thế nào. Tiếng cười các cô gái vẫn từ xa vọng lại. Chợt một
cụ già từ trong vườn bước ra:
- Các chú hỏi
thăm nhà bà Sự cạnh gốc duối phải không?
-
Vâng ạ. Ông chỉ cho chúng cháu đường đi tới đó với. Nãy giờ hỏi mấy đứa trẻ và
các cô gái chẳng ai bảo cho. Xin ông làm ơn giúp chúng cháu.
-
Các chú là bộ đội phải không?
-
Vâng ạ. Chúng cháu về đây công tác ạ.
-
Tôi biết. Nhìn các chú là tôi đoán ra ngay. Bọn trẻ con nó không chỉ đường cho
các chú là chúng nó “ba không” đấy. Còn các cô gái, mấy đứa quỷ sứ ấy chúng nó
trêu đấy.
-
Dạ, vâng ạ. Chúng cháu biết ạ.
Huân
lễ phép đáp lại. Cụ già chỉ tay về phía một con đường:
-
Đi theo con đường này này. Đến chỗ ngã ba kia thì rẽ phải lại ra bờ sông. Sau
đó cứ theo bờ sông mà đi. Khi nào thấy cây si to đùng ngay bờ sông là đến. Cây
duối ở cạnh cây si. Không phải hỏi thăm ai cả.
-
Vâng ạ. Chúng cháu cảm ơn cụ ạ.
Huân
xúc động. Ba người lại khoác ba lô lên vai và đi theo hướng cụ già chỉ.
-
Đúng là gốc duối cạnh cây si ngày xưa các cậu ạ.
-
Sao bảo anh thông thuộc ở đây lắm rồi cơ mà? Tiến hỏi Huân.
-
Thuộc. Nhưng mà hai chục năm nay rồi các cậu bảo bố ai mà nhớ hết được. Với lại
nó còn thay đổi nữa chứ. Cái đoạn lúc nãy là sông lở, họ mở đường khác, trồng
cây linh tinh, dân làng sơ tán cả nên tớ không biết đâu mà lần. Rồi các cậu sẽ
thấy, ở đây thú vị lắm, nên thơ lắm.
-
Chả trách mới về đến đầu làng mà anh đã có thơ rồi. Xem ra cái cô Phương ấy
“chết” anh rồi đấy.
Ba
người vừa đi chuyện trò vui vẻ. Gió hạ từ sông Lô thổi tới làm cho họ tỉnh
người. Chiều dần buông trên sông. Tiếng mõ trâu gõ lốc cốc từ cánh đồng xa vọng
lại. Cây duối to đã hiện ra trước mặt. Họ rảo bước nhanh hơn về phía đó.
Xác
định đúng ngôi nhà năm xưa, Huân hăm hở dẫn hai chiến sỹ bước vào cổng. Trong
nhà vắng lặng. Anh gọi to mấy lần sau đó mới có người thưa. Một bà chừng hơn
năm chục tuổi từ góc vườn chạy ra cổng:
-
Các chú hỏi ai?
-
Cho anh em con hỏi đây có phải nhà bà Sự không ạ?
-
Đúng rồi, tôi đây! Thế các chú là ai?
-
Dạ, con là … là Huân ạ.
-
Huân nào nhỉ?
-
Dạ, Huân làm liên lạc trong đơn vị pháo binh năm xưa bắn tàu chiến Pháp đóng ở
nhà ta đấy? Bà không nhớ con à?
-
Trời ơi! Thằng Huân! Trông chững trạc thế làm sao mà bá nhớ được.
Bà
Sự sung sướng reo lên. Rồi bà quay vào trong gọi to:
-
Thằng Huân nó về này ông Hiếu ơi! Mau ra mà đón nó!
Một
người đàn ông từ phía sau ngôi nhà cũng tất tưởi chạy ra. Ông ôm chầm lấy Huân.
Bà Sự nắm lấy tay Huân lắc lắc:
-
Lớn quá rồi. Chẳng còn lách chách như cái hồi ấy nữa. Thôi, vào nhà cả đi.
Ba
người theo hai ông bà đi vào nhà. Huân vội hỏi:
-
Các em nhà ta đâu cả hả bá? Huân đổi cách xưng hô.
-
Chúng nó đi làm chưa về.
- Em Hà chắc
lớn lắm rồi bá nhỉ?
- Ừ. Thì mày
còn như thế này nữa là nó. Thế nhưng nó tồ lắm.
Bà sự cười hở
lợi.
-
À mà bá ơi! Thế cậu Trọng “bông lau” bây giờ ra sao rồi ạ?
-
Nó bị thương ở Khe Lau sau đó giải ngũ bây giờ ở với con trai mãi tận Lào Cai
thì phải. Gớm, sao chúng mày nhớ nhau thế?
- Còn cậu
Thỉnh con cụ Bái nữa bá?
- Làm giáo
viên. Đang dạy ở trong huyện đó. Cậu ấy vẫn hay kể về trận đánh sông Lô cho học
sinh nghe lắm. Thế về đợt này ở luôn đây chứ?
-
Vâng ạ. Chúng con được lệnh về cắm chốt ở đây để cùng với địa phương lo vận
chuyển, bốc dỡ kho đạn bá ạ. Bác bá cho chúng con ở nhà ta nhé!
-
Được rồi! Khỏi lo! Ông xã đội cũng vừa ở đây về. Ông ấy đi báo họp gấp. Tối nay
họ lấy nhà bá để họp bàn kế hoạch ấy đấy. Mấy tuần nay các anh trên Z cũng đến
liên hệ bãi để đạn và nơi ăn nghỉ cho bộ đội. Sắp đánh nhau to rồi phải không?
-
Gớm cái bà này. Để cho chúng nó nghỉ ngơi tắm rửa cái đã rồi tối tha hồ mà nói
chuyện.
Ông
Hiếu xen ngang lời bà Sự.
-
Thì cứ để bá cháu tôi nói chuyện tí đã nào. Bao nhiêu năm rồi mà ông cứ vội.
Giờ đến tối chỉ có mỗi việc ngủ nghỉ chứ đi đâu mà lo.
-
Tối các ông ấy còn họp, bà không nhớ à?
-
Ừ nhỉ! Thôi chúng mày cất ba lô vào kia rồi ra giếng mà rửa ráy tắm giặt. Tối
bá cháu mình nói chuyện tiếp.
Vừa
đi lấy chậu thau, khăn mặt bà Sự vừa hỏi với thêm câu nữa:
- À mà Huân
ơi, mày đã vợ con gì chưa?
Huân cười lớn:
- Chưa gì cả
bá ạ. Chuyến này bá làm mối cho con một cô nhé!
- Được rồi!
Chỉ sợ mày kén thôi!
Bà Sự chỉ chỗ
cho ba chiến sỹ ra giếng. Huân, Hiến, Tiến quẳng vội ba lô xuống và đi tắm rửa.
Hiến, Tiến vui sướng như được trở về nhà. Còn Huân nhìn ông Hiếu bà Sự cứ bâng
khuâng. Anh muốn gọi to lên hai tiếng “Bố ơi!, Mẹ ơi!”. Hoàng hôn đã buông
xuống từ lâu. Trời nhá nhem tối. Đàn gà nháo nhác gọi mẹ lên chuồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét