Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2016

CHẦM CHẬM LẠI ĐI, THỜI GIAN ƠI!

Chẳng thể nào quay lại năm hai không mười sáu được nữa rồi!
Ngày làm việc cuối cùng - thứ sáu này - tâm trạng quá!
Dùng dắng, ngẩn ngơ, bần thần… đến lạ
Chỉ có kim giây cứ vô tình trôi, trôi…

Chầm chậm lại đi, thời gian ơi!
Cho ta nhâm nhi ngày tháng cũ
Viết nốt câu thơ vẫn còn dang dở
Và kịp nói lời Yêu, đừng để lỡ chuyến đò

Chầm chậm lại đi kim phút, kim giờ
Chặn kim giây đừng vù vù như thế
Ta còn biết bao nhiêu điều dâu bể
Chậm lại đi - Trái Đất ơi! Đừng quay!

Chỉ còn ngày mai, năm cũ sẽ chia tay
Tất cả xa xưa và bây giờ cũng trở thành quá khứ
Làm sao… Làm sao để quay về ngày cũ?
Chầm chậm lại đi! Thời gian ơi!


                               Sớm mai, thứ sáu, 30-12-2016

Thứ Năm, 29 tháng 12, 2016

NHỚ TIẾNG SÁO QUÊ HƯƠNG

           Có lẽ trong các loại nhạc cụ mang âm hưởng đồng quê thì cây sáo là nhạc cụ phổ thông nhất bởi nó dễ làm, gọn nhẹ và cũng dễ sử dụng. Đàn bầu, nhị, hồ, đàn tam, đàn tứ… có nhiều bộ phận và phải qua bàn tay chế tạo của các nghệ nhân, các nhạc sĩ có kinh nghiệm thì mới có thể có được một cây đàn chuẩn. Riêng cây sáo thì chỉ cần một đoạn ống trúc, ống nứa khoét lỗ theo những khoảng cách nhất định là xong. Cây sáo dài ngắn khác nhau nhưng dài nhất cũng chỉ trên dưới bốn mươi xăng-ti-mét nên rất gọn, có thể đúc túi, giắt quanh người đi khắp nơi đây đó. Cần lúc nào là rút nó ra đưa lên miệng và thổi. Tiếng sáo véo von réo rắt như tiếng chim kêu, như nước suối chảy. Hay dở do năng khiếu của mỗi người thổi. Thế nên, ngày trước làng tôi hầu như thanh niên nào cũng có cây sáo và cũng đều biết thổi sáo. Những đêm trăng sáng, tiếng sáo gọi bạn vút lên giữa xóm này, xóm nọ nghe vui lắm.

QUÁN CÓC CHIỀU CUỐI NĂM

Chiều nay, gió mùa đông bắc lại tràn về. Bầu trời xám xịt. Mây như sà hẳn xuống. Gió thông thốc thổi từng cơn ào ào. Tôi co ro cúm rúm trong cái áo vét đi liêu xiêu trong chiều gió bấc. Hết giờ làm việc rồi. Không có gì vội vã cả. Tôi sà vào cái quán cóc quen bên đường gọi một chén trà nóng. Đón chén trà ấy từ tay bà cụ già chủ quán, tôi xoay xoay nó trên tay rồi đưa lên miệng nhấp một ngụm. Hương trà tỏa ra thơm ngào ngạt. Vị trà chan chát ngòn ngọt thấm sâu vào đầu lưỡi. Tôi chép chép miệng thưởng thức. “Rượu khà, trà chép”, các cụ chả bảo thế là gì. Nào tôi có định chép miệng đâu mà nó cứ tự nhiên thế đấy chứ. Phản xạ vô điều kiện đó chăng?
          Thế là chỉ có chén trà nóng thôi mà hầu hết các giác quan trong con người tôi đều được thưởng thức. Nước trà xanh như pha mật lợn để mắt nhìn. Mùi trà thơm ngào ngạt quyến rũ để mũi ngửi. Vị trà chát ngọt tê tê nơi đầu lưỡi để miệng uống. Cái nóng của chén trà tỏa vào lớp da tay, xoay xoay vào thành chén mà hít hà cho tai cũng được nghe, được sướng cùng. Chẳng phải nghệ thuật trà đạo, chỉ là chén trà nóng cuối năm quán cóc ven đường mà cũng thú vị, khoan khoái đến lạ lùng.
          Quán cóc của bà cụ này đơn sơ lắm. Cái chõng tre trên đó bày hoa quả, bánh kẹo và vài bao thuốc lá... Cái ấm giỏ trong đó là chiếc ấm tích lúc nào trà cũng nóng. Chiếc điếu cày dựng bên. Ba cái ghế băng kê ba góc, quây quanh lấy cái bàn. Lỏng chỏng quanh đó là mấy cái ghế chữ K phòng khi quán đông khách. Quán lợp lá, che phên nứa đủ để tránh được gió lùa. Vì đây là khu đất giải tỏa nên quán cũng chỉ làm tạm. Cạnh đó, một đống lửa được nhóm lên. Gốc tre cùng với trấu giữ cho bếp luôn đỏ than và ấm khói. Thi thoảng một đụn khói lại cuộn lên cay toét mắt. Ấy vậy mà khách cứ xúm xít bâu quanh chật ních. Ai nấy đều hơ tay xuýt xoa cùng gió rét.
          Quán cóc này là nơi tụ tập của cánh xe ôm, là nơi hẹn hò của khách, là điểm dừng chân thư giãn ngắm cảnh phố phường của những người như tôi chiều nay. Bởi thế, đây cũng thu thập khá nhiều chuyện. Từ chuyện thế giới, khu vực đến chuyện làng nọ, phố kia. Từ chuyện sao, mốt, đến chuyện vụ án, ngoại tình. Từ chuyện công sở giấy mực đến chuyện ruộng vườn, cày cấy... Chuyện nào cũng hấp dẫn, ly kỳ. Không ồn ã, ầm ào, xô bồ như quán bia mùa hạ, ở đây, chiều cuối năm này, ở cái quán cóc tuềnh toàng này chỉ có những câu chuyện của những người lao động. Thế nên, chuyện vui, chuyện tiếu lâm gây cười là chính. Chuyện làm ăn, kiếm tiền tiêu Tết, lo Tết là chủ yếu. Chuyện giá cả, việc làm là quan trọng. Bàn chuyện thế giới cũng chỉ là thông tin cho nhau biết để mà “nâng cao nhận thức” như cánh văn phòng chúng tôi hay thường gọi.
          Chẳng cần nhiều tiền, chẳng phân biệt sang nghèo đều vào được quán cóc. Thậm chí không tiền cũng ngồi ở quán cóc được. Hút nhờ một điếu thuốc lào, ngồi nhờ hơi ấm của bếp lửa trong khi đợi người đã hẹn. Có bữa, cùng với bà cụ chủ quán còn thêm mấy ông già ngồi chơi cờ tướng giết thời gian nữa. Cánh xe ôm chờ khách thì đương nhiên rồi. Quán cứ thế mà đông vui. Ở cái chỗ nửa phố nửa quê này chuyện cứ thế mà rôm rả. Bởi thế, gió mùa đông bắc về, rét là vậy, thế mà tôi và nhiều người vẫn cứ muốn ngồi ở quán cóc để liêu xiêu ngồi ngắm dòng người xe giờ cao điểm đang nườm nượp chảy trên phố. Cuối năm nên ai cũng vội. Chúng tôi cũng vội lắm chứ nhưng hình như ai cũng cố chọn cho mình giây phút thảnh thơi, sống chậm lại thì phải. Tôi thì đương nhiên rồi.

          Tôi đã từng đi nhiều nơi, đến nhiều điểm sang trọng nhưng chưa bao giờ thoải mái, tự tin, gần gũi như được ngồi ở những quán cóc, đặc biệt là cái quán cóc bé nhỏ đơn sơ này của quê tôi. Phải chăng đó là sự bình yên của cuộc sống, là nốt nhạc ngân dài, là khoảng lặng yêu thương trong bản hòa tấu xô bồ của nhịp đời hối hả? Chiều cuối năm! Em ơi, về cùng anh quán cóc! Về đi em mà thương nhớ thuở sinh viên gian khó một thời. Về đi em để tìm lại kỷ niệm hẹn hò xưa ngày ấy. Quán cóc vẫn còn đây. Mùi ngô nướng, khoai nướng vẫn đang tỏa thơm ngào ngạt đâu đây. Cả làn khói trong đống lửa hồng kia nữa. Nó cũng vừa bay lên, sực vào mắt anh cay xè như thổi thêm vào lòng anh những thương cùng nhớ. Rét đấy mà cũng ấm áp nồng nàn lắm đấy. Quán cóc ơi, chiều cuối năm!

Thứ Ba, 27 tháng 12, 2016

THÁNG CÔ HỒN

Tháng cô hồn lén lút về đêm qua
Đã mang theo cả một trời giông bão
Mưa trút nước,
Gió đùng đùng,
Điên đảo
Sấm chớp đì đoành
Xé rách toạc sớm mai

Tháng cô hồn ập cơn bão số hai
Dọn đường về cho Ngưu Lang, Chức Nữ
Đổ nước mắt trời để những ngày gặp gỡ
Rả rích giọt buồn mưa ngâu, mưa ngâu…

Sông, biển chết rồi linh hồn cá về đâu?
Rừng cũng hết đất cằn trơ sỏi đá
Dự án nọ kia xới lộn tung mồ mả
Ô nhiễm môi trường…
Hồn vất vưởng bơ vơ

Tháng cô hồn
Giông, bão, gió, mưa…
Xá tội vong nhân,
Lạy xin trời thương xót
Cho những linh hồn qua những ngày đắng đót
“Đường trần em đi… yêu thương thật thà” (*)

                     Sớm mai, mùng Một tháng Bảy, Bính Thân


(*) Ý bài hát “Hoa vàng mấy độ” của Trịnh Công Sơn

HALLOWEEN

Thiên hạ bây giờ nhiều mặt nạ lắm rồi
Chẳng cần vẽ tô, trát bôi gì nữa nhé
Em thế nào thì cứ nguyên như thế
Ma quỷ mà chi, Halloween ơi!

Ngày bình thường cũng đã thấy chơi vơi
Những thơn thớt nói cười, những bắt tay giả lả
Cứ ngỡ thân quen mà mưu mô xảo trá
Vì ghế, vì tiền… bao nhiêu rắn giả lươn

Hàng giả bây giờ y như thật luôn
(Người còn giả huống là hàng em nhỉ?)
Đừng thêm nữa những ma cùng quỷ
Sợ lắm rồi, đâu cần Halloween!

Hãy dành cho nhau sự thật, niềm tin
Quẳng tất cả những hóa trang, giả dối
Hãy chính là ta dẫu cõi đời chật chội
Chan chứa Tình yêu cùng sát cánh đi lên…


                               Halloween 2016

NHỚ NGHỀ DẠY HỌC XƯA

Chẳng thể nào về được lại ngày xưa
Cái thời mê say đứng trên bục giảng
Cái thời những cặp mắt hồn nhiên trong sáng
Ngắm nhìn tôi và nuốt lấy từng lời

Văng vẳng đâu đây tiếng gọi “Thầy ơi!”
Giật thót tim - mình đã từng nhà giáo?
20 tháng 11 lại về
Hồn lại trong giông bão
Ngơ ngẩn đường đời thương nhớ quá ngày xưa!

Trả lại tôi đi những học trò mộng mơ
Trả lại tôi nhé bảng đen cùng phấn trắng
Những đồng nghiệp thân thương cùng những trang giáo án
Những lời kính yêu trọng vọng lắm: “Thưa thầy”…

Ngày nhà giáo Việt Nam - tất cả vẫn còn đây
Ríu rít học trò thăm thầy cô vui quá
Chỉ có tôi cứ chông chênh đến lạ
Nghiệp mới, xa trường, xa chốn cũ…rưng rưng

Đồng nghiệp xưa ơi!
Học trò ơi!
Chúc mừng!
Ngày nhà giáo Việt Nam tưng bừng vui nhé!
Này hát, này đàn, này hoa tươi… cứ thế
Vang mãi bài ca “Người giáo viên nhân dân”…


                                    Ngày 19-11-2016

Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016

ĐỢI QUÀ GIÁNG SINH

Giáng sinh - thức trọn đêm qua
Sáng ra tìm quà vẫn chẳng thấy đâu?
Đen sì ống khói trên đầu
Ông Nô-en - tít tận đâu cuối trời?

Con tuần lộc mất tăm hơi
Chỉ cây thông đứng giữa trời vi vu
Điều ước đã gửi trong thư
Đến giờ chẳng thấy coi như… cũng tàn

Nào đâu dám ước cao sang
Chỉ mong Chúa đến đem nàng cho tôi
Thế mà tuyết trắng như vôi
Để đêm trắng lạnh tôi ngồi chờ trông

Cuối cùng không vẫn hoàn không
Cuối năm, tôi - kẻ sang sông lỡ đò
A-men, Chúa vẫn phớt lờ
Nhiệm màu chi? Chỉ là mơ hão huyền!

May còn sót lại que diêm
Nhặt gom ngày cũ nhóm lên chút này
Tôi cùng ống khói loay hoay

Lửa bùng reo rủ khói bay lên trời 

Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2016

CÓ MỘT TÌNH YÊU TRONG THƠ NGUYỄN ĐÌNH ẢNH

Hồi còn đang đi học, và công tác ở xã, tôi đã đọc, đã mê thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh rồi. Những bài thơ tình của anh, tôi và một số bạn bè học sinh thanh niên đã chuyền tay nhau chép. Choáng ngợp bởi khí phách của “Chào Đất Nước”, tự hào bởi những bài thơ về Đền Hùng, về Đất Tổ; say sưa với những bài thơ tình của anh. Và chính điều này đã dẫn dụ tôi chập chững bước vào con đường thi ca theo anh. Tập thơ “Hương bưởi” đầu tay và hai tập thơ “Trung du”, “Đất nhớ” tiếp theo của tôi ra đời có công lớn của nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh và nhà viết kịch Trịnh Hoài Đức. Nhà viết kịch Trịnh Hoài Đức động viên, khích lệ tôi tập hợp các bài thơ đã viết để “ra tập”, để “làm chứng minh thư giới thiệu vào Hội”. Nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh hồi đó là Chủ tịch Hội VHNT Vĩnh Phú là người biên tập, chỉnh sửa và giúp tôi ra sách. Chính hai ông cùng với họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng - Chủ tịch Hội VHNT Phú Thọ sau này đã “dẫn lối”, “đưa đường” để tôi “bỏ thuyền, bỏ lái, bỏ cả dòng sông”, bỏ đường quan trường để đi làm văn nghệ. Từ Phó Ban Tuyên giáo huyện ủy, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện, tôi “một nước” về Hội VHNT tỉnh giữ chân Phó Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Đất Tổ để được làm việc với nhà viết kịch Trịnh Hoài Đức và họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng. Lúc này, nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh đã nghỉ hưu.

CÙNG NGUYỄN LÊ HẰNG “XẾP HÀNG MUA KÝ ỨC”

        Nguyễn Lê Hằng vừa cho ra mắt bạn đọc tập thơ thứ hai của mình đúng ngày cuối cùng của năm 2015. Tập thơ “CHÚNG TA XẾP HÀNG MUA KÝ ỨC” gồm 58 bài (104 trang khổ 13x19) do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 12/2015. Tên tập thơ hay hay khiến tôi liên tưởng đến “Cho tôi một vé về tuổi thơ” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Tuy vậy, khi đọc tập thơ mới biết Nguyễn Lê Hằng đưa tôi về miền ký ức không phải chuyến đi giản đơn mà chuyến đi ấy, hành trình ấy phải “xếp hàng”, phải “mua” để về được cái miền thiêng liêng ấy.
Chúng ta đều biết, ký ức là quá trình tâm lý phản ánh lại trong óc những hình ảnh của sự vật và hiện tượng đã tri giác được hoặc những tư tưởng, tình cảm, hành động về những sự vật và hiện tượng đó. Đó là những mảnh vụn lúc dày lúc mỏng, lúc xa lúc gần của mỗi người. Những mảnh vụn rời rạc ấy ghép lại thành một bức tranh có người thấy đẹp, có người thấy không, nhưng đó vẫn là một phần quan trọng đã từng đi qua trong đời. Và tôi đã mê mải theo người thơ Nguyễn Lê Hằng lạc về miền ký ức của chị.

“NÉT XƯA” - NHỮNG VẦN THƠ TRI ÂN QUÁ KHỨ, QUÊ HƯƠNG

       “Nét xưa” là tập thơ thứ hai của tác giả thơ Nguyễn Thị Va vừa được Nhà xuất bản Lao động ấn hành quý IV năm 2016. Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, tâm hồn thi sĩ của chị vẫn thăng hoa, tỏa sáng qua 45 thi phẩm trong tập sách này, vẫn nối tiếp mạch nguồn thơ trong trẻo của “Tâm sự tuổi vàng” ở tập thơ trước. Người thơ trong chị vẫn nồng nàn da diết đáng yêu biết nhường nào. Tâm hồn nhạy cảm yêu đời, yêu người, yêu cuộc sống của chị thật trân trọng đáng quý.
          Mạch nguồn chủ đạo trong “Nét xưa” là những hoài niệm, nhung nhớ của tác giả về ngày xưa, về một thời quá vãng đúng như tên gọi của tập sách. Nhớ những dấu ấn thời gian đầy kỷ niệm của tác giả. Nhớ những địa danh, vùng đất tác giả đã đi qua. Nhớ những con người yêu thương tác giả đã gặp. Nguyễn Thị Va nhớ không chỉ để mà nhớ mà nhớ là để tri ân, để sống tốt đẹp hơn, hoàn thiện mình hơn, vươn lên, hướng tới chân, thiện, mỹ trong cuộc sống con người.

TÍ TỊ TÂM TƯ

Chẳng có tiền để ra mắt tập thơ
Không được lên sóng, ghi hình gì đâu nhé
Cứ cặm cụi cô đơn, cứ âm thầm lặng lẽ
Da diết đêm ngày câu chữ trải lòng thôi

Chọn đáy sông để thao thiết dòng trôi
Chọn vắng vẻ để phô bày khờ dại
Yêu cuồng xiết như mai không tồn tại
Sống hết mình rút ruột để mà Thơ…


Đời bon chen mà mình cứ lơ ngơ
Nhìn chỗ nào cũng đáng yêu quá đỗi
Sống rất chậm mà dòng đời chảy vội
Túc tắc xe bò chở thơ bán, thơ ơi!

MỪNG CHÁU GÁI LẤY CHỒNG

Vui quá hôm nay cháu gái lấy chồng
Chẳng phải đất khách quê người mà cùng thôn cùng xóm
Nhà gái, nhà trai đã hiểu nhau nhiều lắm
Cùng gốc Hà Tây lên Chí Đám hôm nay

Từ quốc lộ 2 tới chân núi Hang Khay
Chỉ ới một câu đã có ngay hai cháu
Rể thảo, gái ngoan như đôi chim về đậu
Ríu rít hiên nhà vang mãi khúc tình ca

Bác chẳng dặn nhiều, cháu đâu lấy chồng xa
Chỉ đôi câu nhớ nằm lòng cháu nhé
Phận dâu con nhớ chu toàn mọi lẽ
Trên kính, dưới nhường, trong ấm, ngoài êm

Công việc gia đình, dòng họ, tổ tiên
Nội ngoại hai bên, anh trên, em dưới
Dẫu là út vẫn dịu dàng vun xới
Chăm sóc cây đời cho ấm bới, tươi xanh

Giang là sông dòng nước mát ngọt lành
Thơ là nhạc đắm đuối dòng hạnh phúc
Thuận vợ, thuận chồng, biển Đông tiến bước
Con cái sum vầy, ngoan ngoãn đẹp như mơ

Có chồng rồi cháu phải sống khác xưa
Không nhõng nhẽo như cái ngày đi học
Là vợ, là dâu, cô giáo luôn chuẩn mực
Trong họ, ngoài làng ai cũng quý, cũng yêu

Xin phép hội hôn tôi dặn cháu đôi điều
Xin gửi cháu cho nhà trai đấy nhé
Sống gửi thịt, chết gửi xương, đúng thế
Khôn dạy ít, dại dạy nhiều cho trọn đạo dâu con

Hạnh phúc Giang Thơ chung cuộc vuông tròn
Hai họ, bốn bên cùng chung tay xây đắp
Làng Phượng Hùng thêm một gia đình hạnh phúc
Cùng vỗ tay nào mừng vui quá hôm nay!


          Ngày 23/12/2016 (25 - Mười Một - Bính Thân)

Thứ Tư, 7 tháng 12, 2016

YÊU EM TUỔI CHÍN MƯƠI

Chẳng biết sau này khi ở tuổi chín mươi
Em có còn yêu anh nhiều không nhỉ?
Hay chê anh một lão già xấu xí?
Để quẩn quanh vui với cháu con?

Tuổi chín mươi răng hết, lợi còn
(Mà cái lợi ở đời ai chẳng thích)
Vẫn yêu vô cùng em ơi có biết?
Dẫu chân chậm mắt mờ “phông phằng phuổi phương phì”

Tuổi chín mươi mình nhìn nhau cười khì
Em có còn cắn móng tay nũng nịu?
Có liếc mắt đưa tình, có giận hờn khóc mếu?
Khi anh dại khờ theo cơn gió vô tư

Tuổi chín mươi có còn “chát”, còn thư?
Còn “phây búc”, còn “email” hò hẹn?
Còn “seo phì”, còn “hai dây” chưng diện?
Váy ngắn, chân dài có còn nữa hay không?

Gì thì gì anh vẫn cứ mặn nồng
Vẫn yêu em như đôi mươi, mười tám
Vẫn hăm hở, si tình, vẫn nồng nàn say đắm
“Pha phiết phô phùng phem phơi phiết phông?”


                                 Ngày 01-10-2016

TRỞ LẠI GÒ DẦU

Trở lại Gò Dầu / vùng đất phương Nam
Tìm kỷ niệm xưa / bên sông Vàm Cỏ
Bến xưa còn đó
Mà người thương… nay đâu?

Ngọt ngào giọng hò / Gọi mãi tên nhau
Thì thầm dòng sông / Đêm trăng mờ tỏ
Thuyền ai đậu đó
Sao em tôi… không về?

Người ơi!
Sông mênh mang con nước lớn ròng
Lục bình dìu nhau trôi nở hoa tím biếc
Anh ngắm trăng, ngắm sông thầm tiếc
Ngày xưa… sao không nói một lời?
Để bây giờ
Chơi vơi…chơi vơi…

Người ơi!
Bao yêu thương năm tháng mong chờ
Ngày trở lại không nhau buồn dâng da diết
Sông cứ trôi, bến xưa nào biết
Ầu ơ… sông ru gió vọng về
Để ví dầu
Thương nhau…thương nhau…

Trở lại Gò Dầu / vùng đất phương Nam
Tìm kỷ niệm xưa / bên sông Vàm Cỏ
Bến xưa còn đó

Mà người thương… nay… đâu?

CÙNG ANH ĐI ĐÓN MÙA THU

Không biết phương trời nào em có thấy mùa thu?
Dịu dàng lắm, về tự bao giờ chẳng rõ
Chỉ biết đêm qua trống ếch tùng rinh rinh khắp ngõ
Trăng ngời ngời trôi theo
Rồng rắn lên mây lũ trẻ hò reo
Đèn ông sao, đèn lồng, đèn cá…
Đám rước tưng bừng nối đuôi nhau vui quá!
Mình anh ngơ ngác bên đường

Chẳng biết phương nào có bảng lảng mây sương?
Như sớm nay thu dịu dàng qua ngõ?
Có xao xác lá vàng rắc đầy lối cỏ?
Thị có thơm gọi cô Tấm tìm về?
Có heo may giăng mắc bùa mê?
Theo cánh chuồn chuồn chở câu thơ tháng tám?
Bến xưa con đò mắc cạn
Sông Lô chùng chình vào thu…

Chẳng biết phương xa có nghe tiếng chim gù?
Yêu thương lắm mới dặt dìu đến thế!
Nắng vàng mơ, gió hiu hiu rất nhẹ
Trời trong xanh, mây trắng nhởn nhơ bay…
Kìa! Em ơi có hay?
Mùa thu! Mùa thu đã về rồi đó!
Còn chần chừ chi nữa?
Em cũng về đi cùng anh đón thu sang!


                        Sớm mùng 10 tháng 9-2016

HALLOWEEN

Thiên hạ bây giờ nhiều mặt nạ lắm rồi
Chẳng cần vẽ tô, trát bôi gì nữa nhé
Em thế nào thì cứ nguyên như thế
Ma quỷ mà chi, Halloween ơi!

Ngày bình thường cũng đã thấy chơi vơi
Những thơn thớt nói cười, những bắt tay giả lả
Cứ ngỡ thân quen mà mưu mô xảo trá
Vì ghế, vì tiền… bao nhiêu rắn giả lươn

Hàng giả bây giờ y như thật luôn
(Người còn giả huống là hàng em nhỉ?)
Đừng thêm nữa những ma cùng quỷ
Sợ lắm rồi, đâu cần Halloween!

Hãy dành cho nhau sự thật, niềm tin
Quẳng tất cả những hóa trang, giả dối
Hãy chính là ta dẫu cõi đời chật chội
Chan chứa Tình yêu cùng sát cánh đi lên…


                               Halloween 2016

CHUYỆN XƯA Ở BỘ CÔNG THƯƠNG

Bộ Công có chuyện lạ đời
Quan lộ vọt tiến lắm người như mơ
Thi tuyển công chức giả vờ
Cháu con nhất loạt phất cờ tiến lên
Bày trò mị dưới, dối trên
Lộ đề nên trúng toàn tên người nhà
Trịnh Xuân Thanh lắm trò ma
Quỹ đen, số đỏ với là biển xanh
Anh hùng Lao động dán danh
Lỗ ba ngàn tỷ vẫn khanh khách cười
Vũ Đình Duy cũng tuyệt vời
Bỏ lỗ để chạy lấy người, thật siêu
2000 tỷ lỗ đâu nhiều?
Lên Trung ương Cục sớm chiều nhởn nhơ
Vũ Quang Hải tuổi còn thơ
Đã Tổng, đã Vụ, đã mơ triều đình
25 tuổi kể cũng kinh
Một năm công chức đã rinh Vụ rồi
Đua nhau kiếm ghế sếp ngồi
Ngoi lên từ lỗ, bôi vôi quan trường
"Ối giời ôi! Bộ Công thương

Con đường kỳ ảo là đường công danh”

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2016

BẢN TÌNH CA SÔNG CHẢY

        “Hãng hàng không Jetstar xin trân trọng thông báo: quý khách trên chuyến bay BL795 từ thành phố Hồ Chí Minh đi Hà Nội, thời gian dự kiến khởi hành lúc 14 giờ 15 phút nay xin chậm lại thêm 30 phút nữa vì lý do thời tiết xấu. Chúng tôi thành thực xin lỗi quý khách. Mong quý khách thông cảm”.
          Tiếng loa vừa dứt là tiếng chuông đặc trưng của nhà ga vang lên “từng tưng tứng” một cách vô duyên rồi tắt ngấm. Mọi người nhốn nháo. Kẻ thở dài. Người văng tục. Tất cả ngao ngán. Đây là lần thứ hai báo chậm giờ. Lần trước đã xin lui lại 30 phút. Lần này thêm 30 phút nữa. Vị chi là vừa một tiếng. Từ 13 giờ 45 ghi trên vé, hoãn đến 14 giờ 15, và giờ cộng 30 phút nữa sẽ thành 14 giờ 45 phút, tức là gần 3 giờ chiều mới bay. Mà chắc gì giờ ấy đã cất cánh được? Hay lại hoãn, lại lùi lần nữa? Quá tam ba bận thì… Các máy điện thoại được kề tai. Tiếng a-lô “à, ừ” báo chậm giờ bay, lùi giờ đón cùng rộ lên một chập.
          Như bao hành khách khác có mặt tại đây, Quân nhìn đồng hồ thở dài. Nhung cũng thế. Hai người nhìn nhau với con mắt mệt mỏi. Niềm háo hức đưa người yêu lần đầu tiên về quê ra mắt mẹ của Nhung lại càng dồn nén hơn. Cô chỉ muốn bay ngay lúc này, vù ngay về bên mẹ, sà vào lòng mẹ mà nũng nịu, mà khoe với mẹ rằng: “Mẹ ơi! Con đưa người yêu - chồng chưa cưới của con về ra mắt mẹ đây! Anh ấy đây này, mẹ!”.

XIN GIÔNG BÃO CHỪA EM RA

Chiều nay bão đã ập về
Mưa trút nước,
Gió tứ bề
quật
quăng,
Sấm đùng đùng,
Chớp nhì nhằng
Đất trời mù mịt tối sầm như đêm
Muôn loài trong cuộc đảo điên
Cửa rung, nhà lắc,
Mưa rền rĩ mưa…
Phương xa em kịp về chưa?
Giời ơi! Giông bão! Xin chừa em ra!
Ước gì trở lại ngày qua
Cứ êm ả thế để mà yêu nhau…


              Giữa cơn bão số 3, 2016

ĐÀN ÔNG PHÚ THỌ

Đàn ông Phú Thọ tuyệt vời
Hào hoa, phong nhã, ngời ngời, chuẩn “men”
Giống nòi chính gốc Rồng Tiên
Sinh chính Đất Tổ - trăm miền ước ao

Đàn ông Phú Thọ to cao
Dẫu khiêm tốn - Vẫn như sao chói lòa
Giỏi việc nước, đảm việc nhà
Hiền ngoan chăm chỉ, nghĩ là mê ngay

Đàn ông Phú Thọ cực hay
Đã yêu - Yêu đắm, yêu say kiệt cùng
Đúng là con cháu Vua Hùng
Thông minh, nhân hậu, bao dung, lắm tài…

Đàn ông Phú Thọ cực oai
“Lên Đông - Đông tĩnh, xuống Đoài - Đoài yên”
Đã làm - Hùng hục như điên
Đã chơi - Chơi nhẵn túi tiền… như không

Đàn ông Phú Thọ cực ngông
Kim cương còn sợ, sắt đồng càng kinh
Vung tay đổ quán, xiêu đình
Chọc trời khuấy nước, coi khinh sự đời

Đàn ông Phú Thọ hay cười
Đi đâu cũng được chào mời đón đưa
Kính trên, nhường dưới, dạ thưa
Chẳng cần “rốc-két” vẫn thừa sức trai

Chị em khao khát thở dài:
“Ước gì sớm được trúc mai một nhà”
“Ước gì làm vợ người ta”
                           Đàn ông Phú Thọ đúng là… Giấc Mơ

DÃ QUỲ

Trời ơi!
Sao lại dã quỳ?
Vàng như không thể có gì vàng hơn!
Cứ như dỗi, cứ như hờn
Không nhau
Đẹp cũng buồn hơn bao giờ
Cứ như nhạc, cứ như thơ
Níu thu
Vàng đến sững sờ
Cao nguyên…


DÂN VĂN PHÒNG

Đừng nghĩ văn phòng dân “cạo giấy” nghe anh
Đút chân gậm bàn chỉ lên “phây” “chít chát”
Trong phòng lạnh, toàn quần là áo lượt
Tám chuyện, buôn dưa không phải thế anh à!

Dân văn phòng khó chu đáo việc nhà
Đi sớm, về khuya, việc cơ quan chồng chất
Hàng núi hồ sơ, công văn, nghị quyết
Chỉ thị, thông tư, đi, đến… bù đầu

Dân văn phòng toàn đi trước về sau
Hội nghị liên miên, lo từ chỗ ngồi, chè nước
Đến kịch bản, chương trình, ai sau, ai trước?
Rồi ăn uống, phong bì; đủ văn bản, giấy tờ?

Dân văn phòng không được phép chậm giờ
Lãnh đạo cần bất luận khuya hay sớm
“Đi tắt, đón đầu”, tháp tùng thủ trưởng
Hiểu rộng, biết sâu sáng suốt tham mưu

Dân văn phòng tiếp khách thật đáng yêu
Bộ mặt cơ quan, hết mình trong giao tiếp
Khách đến vừa lòng, khách đi luyến tiếc
(Chỉ uống rượu thôi cũng đã mệt lắm rồi)

Dân văn phòng yêu nghiêng ngửa đất trời
(Riêng việc này anh biết rồi đấy nhé)
Dân văn phòng toàn gái xinh, trai trẻ

Vất vả, yêu đời, tự hào lắm anh ơi!

ẤN TƯỢNG CÁN BỘ LÃNH ĐẠO QUẢNG NINH

Chõe bò em được dự một số hội nghị văn học nghệ thuật do trung ương hoặc khu vực tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh. Lần nào cũng vậy, em đều được tiếp xúc với các vị lãnh đạo ở đây và đều giữ lại những ấn tượng tốt đẹp về họ. Xin kể hai vị:
Cách đây khoảng 6 hay 7 năm gì đó, hội nghị tập huấn công tác lý luận phê bình văn học ngệ thuật trung ương dành cho các tỉnh khu vực phía Bắc tổ chức tại Quảng Ninh. Tổng kết bế mạc lớp học, tỉnh Quảng Ninh có buổi gặp gỡ chiêu đãi văn nghệ sĩ tại đảo Tuần Châu. Đêm trăng sáng ngời, biển dạt dào sóng vỗ, các bàn tiệc bày trần ngoài trời ngay sát bờ biển. Khai mạc ngắn gọn sau đó là vào tiệc. Sau phút nâng ly chúc tụng chung xong, mọi người vừa ăn uống, vừa chuyện trò vui vẻ. Chõe bò em thấy một người nhỏ bé, nhanh nhẹn đi từng mâm cười nói xởi lởi chúc tụng. Không bỏ sót một bàn nào. Người ấy đi rồi, em hỏi mấy bác cùng mâm: “Ai vậy?”. Họ nói: “Ông Vũ Đức Đam - Chủ tịch UBND tỉnh đấy”. Em ớ người. Chủ tịch tỉnh mà trẻ thế hả? Trẻ hơn em gần chục tuổi cơ mà! Lại dân dã quá vậy? Đến lúc giao lưu văn nghệ, ông này chạy lên sân khấu hát với mọi người. Áo bỏ ngoài quần, chân tay nhún nhảy, hát hò thoải mái vô tư. Nhìn ông giống cán bộ đoàn, cán bộ văn hóa hơn là Chủ tịch tỉnh. Em nói với mấy bác cùng mâm: “Tay này còn tiến xa nữa đấy”. Quả đúng vậy, chỉ ít năm sau ông đã là Bí thư tỉnh ủy và bây giờ thì Phó Thủ tướng Chính phủ rồi.

TẢN MẠN MÙA GIÁNG SINH

Đã nửa đêm, tôi không tài nào chợp mắt được. Thời gian này đang mùa giáng sinh. Rét. Rét tê, rét tái. Rét cắt thịt cắt da. Rét buốt thon thót. Đêm nay rét lại tăng cường. Năm nào cũng vậy, cứ mùa giáng sinh, đêm Noel là trời lại rét ghê rét gớm. Khi ngồi gõ máy những dòng này thì ngoài trời kia, vô tuyến báo lúc tối là Hà Nội đêm nay nhiệt độ sẽ xuống tới 13 độ C. Hà Nội còn thế chắc thành phố ngã ba sông này còn không biết rét đến độ nào? Ngồi trong phòng kín như bưng, quần dài, quần ngủ, áo len, áo gió, mũ lông tùm hụp, cả tất chân nữa, thế mà thi thoảng tôi cũng rùng mình lên vì rét. Sao không trùm kín chăn mà ngủ lại thức để làm gì? Thì thế mới lạ. Tính tôi nó thế. Càng đêm càng nhìn sâu, càng lắng nghe được tiếng lòng mình nhất. Tiếng đêm không rõ từ đâu mà nó cứ thủ thỉ thù thì, cứ da da diết diết khiến cho đôi mắt cứ chong chong, ngơ ngơ ngác ngác đến lạ kỳ.

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2016

THĂNG HOA CÙNG “LỜI MẸ” - TẬP CA KHÚC ĐẦU TAY CỦA NHẠC SĨ KHÁNH NHUNG

Trên tay tôi là tập ca khúc “Lời mẹ” của nhạc sĩ Khánh Nhung - hội viên Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Phú Thọ. Đây là tập ca khúc đầu tiên của chị do nhà xuất bản Thanh niên ấn hành tháng 10-2016. Là người sáng tác văn học, nghệ thuật ai cũng mong muốn có riêng cho mình những tập sách để quảng bá tác phẩm và để tự khẳng định mình trong sự nghiệp sáng tác. Tập sách đầu tay, đứa con tinh thần đầu lòng càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết với mỗi văn nghệ sĩ. Cảm xúc trào dâng, hồi hộp lo lắng, nâng niu trên tay, ngắm nghía nó, hy vọng nó sẽ được độc giả, dư luận đón nhận. Khánh Nhung cũng không ngoài tâm trạng đó khi “Lời mẹ” xinh xắn, trang nhã, với 20 ca khúc chọn lọc in trong tập sách này.
Không như sách văn học, sách in các bản nhạc, các ca khúc phải có cách đọc riêng. Không chỉ đọc bằng mắt mà còn phải đọc cả bằng miệng, bằng tai, bằng tay nữa. Mắt đọc lời nhìn nhạc. Miệng “í i” hát theo. Tay gõ nhịp giữ phách. Tai tự mình lắng nghe. Tất cả các “cơ quan” ấy vừa “làm việc” vừa thẩm định. Có nghĩa là phải “đọc” bằng cả trái tim tình cảm của mình, phải hòa đồng với nhạc sĩ qua từng con chữ, nốt nhạc. Rất may, tôi cũng võ vẽ biết nhạc, chơi được một số nhạc cụ và hầu hết các ca khúc trong tập “Lời mẹ” này tôi đã được nghe, được xem chính tác giả và các nghệ sĩ thể hiện qua các chương trình văn nghệ, các hội diễn, trên đài Tiếng nói Việt Nam và đài Phát thanh truyền hình Phú Thọ nên cảm nhận được ngay về đứa con tinh thần đầu tiên của Khánh Nhung.

NGÀ NGÀ SAY CÙNG “LỤC BÁT PHỐ”

(Đọc tập thơ “Lục bát phố” - Nxb Hội Nhà văn, 2015 của Vũ Thanh Hoa)
                                                      
          Tiếp nối nguồn thơ, mạch thơ ào ạt tràn đầy năng lượng của 2 tập thơ “Trong em có người đàn bà khác” và “Lời cầu hôn đêm qua”, Vũ Thanh Hoa (hội viên Hội VHNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vừa cho ra mắt bạn đọc tập thơ “Lục bát phố” với chuyên biệt một thể loại thơ, đó là thể thơ lục bát truyền thống. Cái tên sách lạ, đọc đã thấy hấp dẫn rồi - Lục bát phố!
          Tôi hào hứng đọc và bị cuốn hút theo suốt 46 bài cả tập. Chẳng biết vô tình hay cố ý mà tác giả chọn lựa 46 bài thơ. Con số này đúng bằng số tuổi của tác giả. Vũ Thanh Hoa sinh năm 1969, tuổi Kỷ Dậu, vị chi năm nay là 46 mùa xuân qua. Chắc hẳn là dụng ý của chị?
Xin nói ngay rằng, lục bát Vũ Thanh Hoa trong tập này toàn những bài hay, mới và lạ, đắm đuối một chữ tình. Một suối thơ tình dào dạt, khắc khoải, cuồn cuộn chảy, chảy lênh loang, cuốn hút người đọc. Chủ đề tình yêu bao trùm cả tập thơ.    

Thứ Ba, 2 tháng 2, 2016

LÀM SAO BÂY GIỜ?

Anh để ý em từ lâu lắm rồi
Chỉ có điều chưa dám nói mà thôi
Tháng ngày ngơ ngẩn, đêm thao thức
Hồn vía lang thang theo mây trôi

Tự hỏi bao lần như thế phải lòng không?
Không gặp người ta, cứ nhớ nhớ mong mong
Này mắt, này môi, này dáng hình, mái tóc...
Có hẹn gì đâu sao cứ trông?

Tự hỏi bao lần như thế phải là yêu?
Mà cứ lâng lâng sớm lẫn chiều
Nhiều khi cười hát vô duyên cớ
Gọi thầm tên em trong phiêu diêu

Làm sao bây giờ được em ơi?
Làm sao cho anh khỏi chơi vơi?
Làm sao...Anh bắt đền em đấy
Hãy nói đi em, dẫu một lời...
                    Chiều 13-01-2016

MỪNG THỌ BỐ VỢ TUỔI 90

Con chẳng là con đẻ của cha
Chỉ là rể thôi nhưng cha luôn coi là rể quý
Không phải khách như người ta thường nghĩ
Mà là trai - con của bố lâu rồi

Gả con gái cho con về chốn xa xôi
Hẳn bố tin và thương con nhiều lắm
Công dưỡng dục, sinh thành con khắc vào tâm khảm
Suốt cuộc đời bố tất bật, yêu thương

Các chị con mỗi người một phương
Vợ và em con theo nhau vào bộ đội
Em lấy chồng, em Tây Nguyên vẫy gọi
Còn một em câu hát tắt nửa chừng

Nhà đông con bố mẹ cứ nai lưng
Cọ, lúa, sắn, khoai quanh năm cày cuốc
Dưới ruộng, trên đồi, chạy xuôi, chạy ngược
Tần tảo sớm hôm nuôi con lớn thành người

Ở nơi xa chúng con gọi bố ơi!
Thương bố quá tuổi già đêm trở gió
Con về cũng vội vàng sấp ngửa
Thăm hỏi đôi lời tít tít rồi đi

Bố dặn con từng tí chi ly
Cứ như con vẫn còn thơ bé
Lo cho con hơn lo mình, vẫn thế
Bố mãi tuyệt vời, yêu bố lắm, bố ơi!

Mừng xuân nay bố tuổi chín mươi
Làng xã hân hoan, cháu con hội tụ
Phúc lộc đầy đàn, ấm no vừa đủ
Rạng rỡ nụ cười vui quá là vui

Cầu chúc cho bố luôn khỏe yêu đời
Là chỗ dựa cho chúng con, các cháu
                           Là tự hào, là niềm tin yêu dấu

                          Bóng đại thọ trùm cứ mãi mãi xanh tươi…

NGÀY VỀ QUÊ MẸ

Con chỉ muốn nhà mình như mãi ngày xưa
Chị em con quẩn quanh cùng bố mẹ
Học và chơi, những trò chơi con trẻ
Bố mẹ đi làm sớm tối lại bên con

Lấy chồng xa, thương bố mẹ nhiều hơn
Năm chỉ đôi lần đưa cháu về thăm ngoại
Tay xách, nách mang đường thì xa ngái
Tất bật vội vàng đôi ba bữa lại đi

Đùm dúm cho con bao nhiêu thứ quà quê
Gạo nếp, gà, măng, trứng, chuối, vừng, lạc, đỗ…
“Của nhà làm ra không phải mua mà sợ”
Mẹ dặn dò con, hôn hít cháu, bần thần

Quà con mang về mẹ vẫn cất để dành
Cho các cháu, bảo bố “phần chúng nó”
Đã đôi lần bánh mốc xanh mốc đỏ
Nhịn miệng cả đời, thương mẹ lắm mẹ ơi!

Ở nơi xa khi trái nắng trở trời
Đêm bố mẹ ho, con nơi này xót ruột
Xa xôi quá, thôi cũng đành bất lực
Chỉ cầu mong nhà ta mãi yên bình

Ước trở lại ngày xưa, mẹ nhỉ, nhà mình
Quây quần bên nhau chị em con chí chóe
Đứa ôm bố, đứa dỗi hờn nũng mẹ
Cứ nồng nàn ấm áp thế quê hương…


                        Ngày mùng 3-01-2016

QUÁN CÓC CHIỀU CUỐI NĂM

      Chiều nay, gió mùa đông bắc lại tràn về. Bầu trời xám xịt. Mây như sà hẳn xuống. Gió thông thốc thổi từng cơn ào ào. Tôi co ro cúm rúm trong cái áo vét đi liêu xiêu trong chiều gió bấc. Hết giờ làm việc rồi. Không có gì vội vã cả. Tôi sà vào cái quán cóc quen bên đường gọi một chén trà nóng. Đón chén trà ấy từ tay bà cụ già chủ quán, tôi xoay xoay nó trên tay rồi đưa lên miệng nhấp một ngụm. Hương trà tỏa ra thơm ngào ngạt. Vị trà chan chát ngòn ngọt thấm sâu vào đầu lưỡi. Tôi chép chép miệng thưởng thức. “Rượu khà, trà chép”, các cụ chả bảo thế là gì. Nào tôi có định chép miệng đâu mà nó cứ tự nhiên thế đấy chứ. Phản xạ vô điều kiện đó chăng?
          Thế là chỉ có chén trà nóng thôi mà hầu hết các giác quan trong con người tôi đều được thưởng thức. Nước trà xanh như pha mật lợn để mắt nhìn. Mùi trà thơm ngào ngạt quyến rũ để mũi ngửi. Vị trà chát ngọt tê tê nơi đầu lưỡi để miệng uống. Cái nóng của chén trà tỏa vào lớp da tay, xoay xoay vào thành chén mà hít hà cho tai cũng được nghe, được sướng cùng. Chẳng phải nghệ thuật trà đạo, chỉ là chén trà nóng cuối năm quán cóc ven đường mà cũng thú vị, khoan khoái đến lạ lùng.

THÚ CHƠI HOA ĐÀO TẾT

       “Chưa phải Tết mà hoa đào rộ nở/ Ào ào Xuân hớn hở từng giờ”. Câu thơ của nhà thơ Tố Hữu sao lại đúng vào năm nay đến thế. Sớm nay, trên đường tới cơ quan, bất ngờ nhìn sang bên đường tôi thấy cây đào trong vườn nhà ai đó bung nở những bông hoa đầu tiên. Rồi trên những chiếc ô-tô về xuôi, cùng với lá dong, ống dang là những cành đào chất trên nóc xe, để trong thùng phía sau xe nữa. Nhìn cảnh ấy cái rét cuối năm trong tôi cũng tự nhiên tan biến. Người tôi lâng lâng. Cảm giác hân hoan háo hức lạ thường. Và tự nhiên tôi nghĩ tới Tết, vui như Tết.
          Chẳng biết tự bao giờ hoa đào gắn với ngày Tết. Hoa đào nở ấy là Tết đã đến. Hoa đào nở là tín hiệu mùa Xuân về. Hoa đào là biểu tượng ngày Tết của miền Bắc, mang đến niềm vui tưng bừng, rực rỡ cho muôn người. Màu đỏ vốn dĩ là gam nóng, tính dương rồi cộng với không khí ấm áp mùa xuân nữa khiến cho hoa đào xứng vị chúa tể của các loài hoa ngày Tết. Chẳng biết Tết cỗ bàn ra sao, no đủ đến cỡ nào nếu không có cành đào thì xem ra không khí Tết của nhà ấy chưa được đầy đủ lắm. Bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ ư? Vẫn cần lắm một cành đào để cho ra khí Tết. Bởi thế chăng mà nhà nào nhà nấy khi sắm Tết dứt khoát phải sắm cho mình, nghèo thì một cành đào, khá giả thì một cây đào thế. Cành đào cắm trên ban thờ, chậu đào thế để ở phòng khách. Có thế mới ra Tết. Có thế mới ấm áp, mới là mùa Xuân.

NHỚ TIẾNG SÁO QUÊ HƯƠNG?

       Có lẽ trong các loại nhạc cụ mang âm hưởng đồng quê thì cây sáo là nhạc cụ phổ thông nhất bởi nó dễ làm, gọn nhẹ và cũng dễ sử dụng. Đàn bầu, nhị, hồ, đàn tam, đàn tứ… có nhiều bộ phận và phải qua bàn tay chế tạo của các nghệ nhân, các nhạc sĩ có kinh nghiệm thì mới có thể có được một cây đàn chuẩn. Riêng cây sáo thì chỉ cần một đoạn ống trúc, ống nứa khoét lỗ theo những khoảng cách nhất định là xong. Cây sáo dài ngắn khác nhau nhưng dài nhất cũng chỉ trên dưới bốn mươi xăng-ti-mét nên rất gọn, có thể đúc túi, giắt quanh người đi khắp nơi đây đó. Cần lúc nào là rút nó ra đưa lên miệng và thổi. Tiếng sáo véo von réo rắt như tiếng chim kêu, như nước suối chảy. Hay dở do năng khiếu của mỗi người thổi. Thế nên, ngày trước làng tôi hầu như thanh niên nào cũng có cây sáo và cũng đều biết thổi sáo. Những đêm trăng sáng, tiếng sáo gọi bạn vút lên giữa xóm này, xóm nọ nghe vui lắm.