Thứ Năm, 28 tháng 12, 2017

NGHĨ VỀ DANH GIẢI

Mùa giải thưởng tất cả rồi sẽ qua
Mọi "tem nhãn" cũng chẳng hề ở lại
Chỉ tác phẩm lưu trong lòng mãi mãi
Một chút thôi
Một chút thôi...
Thế cũng là...

Thứ Sáu, 15 tháng 12, 2017

CỰU CHIẾN BINH CHÍ ĐÁM DU CA

Đoàn ta Chí Đám anh hùng
70 năm đã lẫy lừng sông Lô
Xứng danh bộ đội Cụ Hồ
Chỉnh tề đội ngũ ta "vồ" phương Nam
Cụ Cường cao tuổi nhất đoàn
Lễ phục trắng toát các nàng ngẩn ngơ
Bác Hùng, bác Nghĩa như mơ
Thăm chiến trường cũ, bồ xưa gặp rồi
Trung tá Ngọc rất "nổi sôi"
MC Nhật Lệ đứng ngồi ko yên
Bác sĩ Tú rất là hiền
Đọc thơ súng pháo ngả nghiêng mà cười
Mấy cặp vợ chồng... Giời ơi!
Đi cùng mà chẳng cho tôi ngủ cùng?
Trần Nam thượng tá oai hùng
Thay mặt cả tỉnh chém bung đội Lào
Chủ tịch Cảnh quên mũ, sao
Vì lo sắp xếp đồng bào chuyến đi
Quân khu Ngọc Chúc tinh vi
Vừa đông vừa lại ôm đi nhiều tiền
Chiến binh Khải chúa tưởng hiền
Cướp mích đội bạn nhảy lên hát chèo
Nhìn qua tưởng chúng mình nghèo
Thế mà chen chúc chờ trèo mát xa
Làm cho các chị các bà
Ấm a ấm ức rõ là bỏ quên
Đứng lên ngồi xuống không yên
Lại đem đốt tiền vào chỗ ấy a?
Hôm này về chết với bà!
Khôn nhà dại chợ sao mà thậm ngu?
Bác tài trai đẹp vi vu
Xe bốn tỉ rưỡi cứ vù vù bay
Bình Minh, Hoàn hảo mê say
Quân khu Chí Đám chuyến này oách không?

TIẾC BIỂN


Tối qua đoàn đến Cửa Lò
Ngủ xong một phát sớm mò về luôn
Đêm nghe sóng biển dập dồn
Chị em hứng khởi mở cửa ra xem
Cụ Cường tai mắt nhập nhèm
Vội "hoi" ông Nghĩa "x...ờ...em" chỗ nào?
Gặp ngay Khải chúa ào ào:
"Tưởng gì? Biển đếch bằng ao nhà mình!
Cửa Lò ngỡ tưởng đẹp xinh
Đếch bằng cửa mình. Thôi! Liệu về mau!".
Ông Hùng tức quá nổi "cau"
Tao chưa sờ được về sao mà về?
Giường bên ông Sảo ngủ mê
Ôm em áo đỏ phê phê giấc nồng
Tiếc ơi là tiếc cái mông
Mênh "cua" biển
lại về không cả đoàn!
Đoàng!

MÃI LÀ YÊU THƯƠNG

Cùng nhau thăm lại chiến trường
Bao nhiêu kỷ niệm yêu thương hiện về
Đường dài mưa rét tái tê
Đồng đội ơi ở đâu về cùng tôi?
Còn đây những núi cùng đồi
Những khe cùng suối bồi hồi tâm can
Nhớ xưa sốt rét trên ngàn
Mưa bom, bão đạn na pan khét rừng
Nghĩa trang đường 9 rưng rưng
Trời ơi! Đồng đội đã từng có nhau
Bây giờ mày nằm ở đâu?
Nghĩa trang thành cổ chỉ màu cỏ xanh!
Về đây hàng ngũ điểm danh
Khói bom đã tạnh, chiến tranh hết rồi
Về đi thôi! Về đi thôi!
Gọi nhau! Sao chỉ bồi hồi khói hương?
Một thời Quảng Trị đau thương
Thấm bao nước mắt, máu xương đất này
Hôm nay trở lại cầm tay
Ôm nhau tóc bạc, cay cay mắt cười
Mặc mưa gió rét mù trời
Cỏ cây sông núi bời bời cứ xanh
"Đời ta gương vỡ lại lành"
Chiến trường xưa đã trở thành tráng ca
Hát mãi khúc quân hành ca
Phú Thọ - Quảng Trị mãi là yêu thương...

Thứ Sáu, 1 tháng 12, 2017

CHỮ VIỆT MỚI?

Chẳng biết mai này chữ Việt mới lên ngôi
Những liệt sĩ "chưa biết tên" liệu tìm tên được nữa?
Những linh hồn lang thang không nhà, không cửa
Tìm về quê không đọc được nữa rồi!
Bản quán mình đâu Đất Nước ơi?

ĐÊM ĐỒNG VĂN

Đêm Đồng Văn
Phố cổ chìm trong mưa rét
Những giọt mưa tí tách
Như những mũi kim châm
Đâm buốt thịt da run nhong nhóc
Chẳng biết mấy độ C mà rét đến thế này?
Rụng rời chân tay
(Dù đã mặc 3 quần dài, 4 áo
Cuộn kín 3 chăn, đủ tất, găng, mũ mão
Dạ, da, len nào thiếu thứ gì?)
Cái rét cóng tê
Cứ luồn vào châm chích
Đêm như cổ tích
Rét như chưa rét thế bao giờ
Hoa tam giác mạch ngoài kia vẫn sáng trong mơ
Mảnh mai thế, nhỏ nhoi thế và dịu dàng đến thế
Đá nở hoa cả cao nguyên diễm lệ
Ơi cô gái Lô Lô, Mông, Dao...
Váy áo, nụ cười xôn xao
Bắp chân trần và ánh mắt...
Nghiêng hết cả Đồng Văn cùng cái rét
Vào ta rồi đấy nhé
Mái ngói rêu phong rì rầm câu chuyện cổ
Bản tình ca tam giác mạch đêm nay
Dễ mấy ai được rét thế này?

Thứ Hai, 9 tháng 10, 2017

MỘT CHÙM XUÂN

Xuân Thu nay đã hiu rồi
Xuân Anh ngã ngựa thì thôi, còn gì?
Xuân Quang - phó Cục ngu si
Thanh tra phong bì - tiền mất tật mang
Xuân Thanh bỏ nước, bỏ làng
Quay về đầu thú giờ đang mịt mù
Xuân Sơn "tắt điện" rũ tù
Trời ơi! Cả một lũ ngu thế này?
"Xuân Ông" hiu - rõ ban ngày
Còn lũ chúng mày sao gọi là Xuân?


                      Ngày 08-10-2017

Thứ Sáu, 6 tháng 10, 2017

THẾ LÀ ĐÃ HẾT TRUNG THU

Thế là đã hết Trung Thu
Chỉ còn những tiếng chim gù gọi nhau
Đỏ xanh bỏ cả đi đâu?
Chỏng chơ trống ếch sân sau bẽ bàng
Chẳng còn rồng rắn khắp làng
Em thành thiếu nữ rộn ràng phố xa
Nắm tay nhau
mới hôm qua

Mà nay em của người ta mất rồi!

XÓM CUA ĐƯỜNG

Xóm mình ở giữa cua đường
Gạo tiền thì ít, yêu thương thì nhiều

Luận Thiệu cửa ngõ tiền tiêu
Ô tô hai chiếc sớm chiều vi vu
Ông Điển Thanh cuối quân khu
Trang trại mấy cái, thóc thu đầy nhà
Hạnh Trung chăm chỉ thật thà
Sửa xe, nấu rượu tà tà tiến lên
Toản Anh buôn bán có duyên
Đại gia gạch ngói phất lên hàng đầu
Thiết Xuyến hùng hục như trâu
Bếp ga, điệu thoại theo sau kém gì
Nam Bình đổi mới tư duy
Lương hưu nhất xóm, hươu thì trăm con
Ngọc Sinh rau quả mà son
Năm năm trưởng xóm sòn sòn ô tô
Vân Hưng trẻ nhất tha hồ
Con ngoan, vợ đẹp, đầy bồ tiền tiêu

Xóm mình biết mấy thương yêu
Tám nhà như một, nhiễu điều giá gương
Cùng nhau chung một cua đường
Tối đèn tắt lửa yêu thương thuận hòa…


                        Trung Thu 2017

Thứ Ba, 19 tháng 9, 2017

DÙNG DẰNG NHA TRANG

Biển biết mai ta về hình như cũng buồn hơn?
Cả chiều nay sóng cũng không buồn vỗ
Hoàng hôn dùng dằng, đất trời lặng gió
Bãi cát dài níu giữ bước chân ta

Đằm mình lần này với biển nữa rồi xa
Nước quấn riết ôm ta như cũng hờn cũng dỗi
Chẳng biết có làn nước nào hôi hổi
Quấn em năm nào nay đang quấn ta đây?

Ngày mai ta đi, biển nhớ dâng đầy
Hàng dừa xanh xõa tóc buồn hiu hắt
Nào có khóc đâu mà lệ trào khóe mắt
“Sầu lên đây hoang vu…”

Ơi Nha Trang! Nha Trang chiều thu!
Ta đã ngấm những mặn mòi của biển
Mai xa rồi bước sơn khê ước hẹn
Biển nhớ tên em khắc khoải gọi ta về…


                      Nha Trang, 19/9/2017

DIỄN CA TRẠI VIẾT NHA TRANG

Đoàn văn nghệ sĩ Phú Tho (Thọ)
Bút Tre cài ngực vào lò Nha Trang
Câu xoan, quần ngố rộn ràng
Ô tô, tàu hỏa, lại càng máy bay
Gặp nhau cởi dạ phơi bày
Trên giời, dưới biển, còn say hơn tiền

Nguyễn Quang Thuyên đến đầu tiên
Ngày nào cũng chỉ đòi lên Trại phò (phó)
Long đong Trại trưởng Chõe bò
Phòng riêng nhường nhạc sĩ lo gảy đàn
Kấn Tùng Lâm - vợ, xe sang
Ngày lai (lái) đêm lại rộn ràng giã gao (gạo)
Nguyễn Đình Phúc số “hoa đào”
Cà phê trắng lốp ào ào thơ ra
Trại pho (phó) Phúc Nghị đào hoa
Người xưa - tình ngỡ như già vưỡn ngon
Bùi Thuần Mỹ đỏ duyên son
Bạn thơ vẫn đợi mỏi mòn “Bến xưa”
Hoa si (sĩ) Bá Đạo chẳng vừa
Cà phê vẽ gái, sững sờ mỹ nhân
Lăng xăng Minh Thái xa, gần
Trèo tường săn ảnh trược chần (chân) máu rơi
Hoàng Sâm khôn nhất trần đời
Sớm mai rình chụp toàn chơi… gái Tàu
Bác Bùi Ngọc Quế rất mau (máu)
Nộp dăm truyện ngắn lên tàu phượt Nam
Nguyễn Duy Phượng cũng rất ngang
Chưa xong kịch bản đã sang Sài Gòn
Nguyễn Anh Tuấn tưởng còn non
Trưởng đoàn Đà Lạt chẳng con nào bàu
Trần Minh Chuyên thật buồn đau
Ba ngày - bố mất quay đầu ra ngay
Nguyễn Khắc Bình thế mà hay
Rù rì thơ chảy cả ngày lẫn đêm…

Mười lăm ngày trại êm đềm
Mười tư người thật như đêm (đếm) chúng tồi (tôi)
Yêu nhau như thịt với xôi
Văn, thơ, nhạc, họa…Tuyệt vời Phú Tho!


                   Nha Trang 5-19/9/2017

DƯỚI CHÂN TƯỢNG PHẬT

Dưới bàn chân Phật là bánh xe Pháp luân
Chuyển động không ngừng Vô minh lên Giác ngộ
Từ Địa ngục đến Niết bàn ngời tỏ
Mọi mê lầm phiền não cũng tiêu tan

Con về đây Long Sơn tự, Nha Trang
Đức Phật nằm - ngủ bình yên hay thức?
Con lạc giữa không không sắc sắc
“Nhị thập nhân duyên” thăm thẳm đường đời

Dưới bàn chân Phật con thấy cả Đất Trời
Cả cõi Người theo Pháp Luân chuyển động
Ngoài xa kia Biển ầm ào dậy sóng
Phật ở trong con tĩnh tại, an nhiên…


                         Nha Trang, ngày 17-9-2017

THU NHA TRANG

Nha Trang thu rồi, quê nhà đã thu chưa?
Thu ở trong này lạ lắm
Biển cứ xanh và cát thì cứ trắng
Nắng vàng lên rực rỡ đến vô cùng
Chuông nhà thờ ngân rung
Nghiêng hết Nha Trang về phía biển
Xa tít chân trời những cánh buồm ẩn hiện
Gió ào ào không phải gió heo may
Chẳng thấy chuồn chuồn bay
Chỉ có nắng và gió
Chỉ thấy ầm ào sóng vỗ
Và bãi biển chiều nay ngàn ngạt những người
Những thịt, những da, những vùng vẫy nói cười
Những hotel chọc trời
Cả những “xì là xì lồ” lạ hoắc
Một mình lang thang ngơ ngác
Chẳng biết giờ này quê nhà đã thu chưa?


                               Nha Trang, 11-9-2017

Thứ Sáu, 18 tháng 8, 2017

GIAO THÔNG SINGAPORE

Giao thông Singapore buồn lắm
Không một tiếng còi, không cảnh sát lăm le
Chục làn đường xe lầm lũi cứ đi
Không lấn làn, không chen ngang, không hối hả
Xe máy, bộ hành cũng ở đâu hết cả?
Cao điểm sáng chiều vẫn bình lặng, buồn thiu
Giao thông Singapore rối rắm khê nhiêu
Tầng thấp, tầng cao, chéo xiên phức tạp
Lại còn chui sâu dưới đất
Cũng tầng nọ, tầng kia… trèo lên nhau ngoằn ngoèo
Tàu điện vèo vèo
Cả thành phố “âm ti” nhộn nhịp
Xuống rồi chẳng biết đường lên?
Giao thông Singapore có cần thiết sạch thế không?
Không bụi bùn, không rác lá, không gạch vôi bừa bãi…
Đường cứ như lau như li, xanh miên man - đến ngại
Không thuốc lá, thuốc lào nên sợi khói cũng không
Người Singapore tham gia giao thông
Còn dại lắm khi sang đường cứ phải tìm đúng vạch
Làn bên rộng, lái xe cũng không biết đường lạng lách
Có còi chẳng biết dùng còi
Cứ lầm lũi bám đuôi nhau đi thôi
Lắm đường thế sao trạm BOT ít thế?
Thật dại!
Mấy ngày tham gia giao thông Singapore
Cứ ngỡ là trong mơ
Ơ hơ…!
Ơ hơ…!

Ngày 8-10/8/2017

Thứ Năm, 3 tháng 8, 2017

MƯA THU

Có cần thiết đón Thu là cứ phải mưa không?
Mà suốt từ sớm qua đến nay hết cơn này cơn khác
Sao không mây trắng, nắng vàng, trời xanh bát ngát?
Mà cứ não nề mưa rơi?
“Trầm lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi”
Giọt giọt ghi ta thánh thót buồn quá thể
Có nhất thiết Thu về là lại mưa như thế?
Ai nức nở bên thềm trong mưa rơi hoang vu?
Cớ làm sao mà mưa gió ơi Thu?
Chức Nữ Ngưu Lang gặp nhau mừng cũng khóc?
Lắt lẻo cầu tre, mịt mù Ô Thước
Tháng cô hồn ai lang thang trong mưa?
Không biết giờ này em ai đón, ai đưa?
Anh chực khóc vì phương trời xa quá
“Xin cho bốn mùa đất trời lặng gió”
“Đường trần em đi…” Thu ru hiền hòa….
Sớm mai, mùng 3-8-2017

Thứ Ba, 1 tháng 8, 2017

THU ĐÃ VỀ RỒI

Sớm nay Thu đã về rồi
Vàng mơ sắc nắng, bồi hồi sương giăng
Hình như hạ vẫn dùng dằng
Còn đem giông bão dọa trăng mịt mù?
Kệ giời! Thu vẫn cứ Thu
Thì đây khản tiếng chim gù gọi nhau?
Ngồi buồn ngẫu hứng đôi câu
Rỉ tai gió nói: "Đón mau Thu về"

Thứ Năm, 27 tháng 7, 2017

TỰ CHUYỂN HÓA "TÀI MÔI"

Bùn thải, sỉ than "tự chuyển hoá" rồi
Thành "vật chất" - một phạm trù triết học
"Xả thải" hoá "nhận chìm" (từ đẹp)
"Tài nguyên môi trường" tự chuyển hoá "tài môi"
Bởi môi tài nên múa mép tài thôi
Lôi bảy nhà khoa học khảo sát ma, trên giấy
Ba trên bảy vị này giãy nảy:
"Họ mạo danh, tôi có biết gì đâu?".
Báo chí, làng Phây khiến Bộ bù đầu
Giải thích, thanh minh rằng: "sẽ thêm khảo sát,
Mới chỉ thử thôi nên vội đừng thắc mắc (?)"...
Ối giời ơi! Quy trình bị lộn trình!
FOSMOSA nhìn thấy mà kinh
Nay Vĩnh Tân cũng lăm le giết biển
"Tự chuyển hoá" là đây sao còn tìm với kiếm?
"Liêm chính", "kiến tạo" gì khi còn để những tài môi?

CỜ ĐÃ TÀN RỒI!

Cờ đã tàn rồi, sao lão vẫn ngồi đây?
Quân sĩ đâu rồi?
Chống tay nhìn thế cuộc!
Tôi với lão
Buồn vui cùng non nước
Dưới chân sóng vỗ
Trên đầu mây bay...
Bán đảo Sơn Trà sau cơn bão số 2
Cờ đã tàn rồi!
Trắng tay
Tôi với lão
Lơ lửng lưng trời
Ai buồn hơn ai?
             Tháng 7-2017

Thứ Năm, 15 tháng 6, 2017

DẤU ẤN THÁNG 6

Bỏ biên chế giáo viên
Tiến quân ca bỗng dưng được cấp phép
Bán đảo Sơn Trà nát bét
Đối thoại bất ngờ bị yêu cầu giải trình
Rồi lại bất ngờ hủy quyết định, xin lỗi người đối thoại
Dư luận sững sờ, uể oải
Cục trưởng, Thứ trưởng ơi!
Những chính sách trên trời
Làm rối bời dưới đất
Sân bay, sân gold Tân Sơn Nhất
Sân nào mang dáng đứng Việt Nam?
Có ai về Yên Bái ngắm biệt phủ nhà quan,
Xem một ngày 6 quyết định quan ra phù phép
Biến 13 ngàn mét vuông đất công thành đất nhà mình
Có ai về Bắc Ninh?
Để biết “không được tố cáo cấp trên qua mạng”
Để thấy cả họ làm quan, oách lắm
Con cháu, vợ chồng, dâu rể, thông gia
Chức nọ, tước kia toàn những người nhà…
Tháng sáu nóng bất thường, nghị trường cũng bất thường oi nóng
Những phát ngôn ấn tượng
Luật sư phải tổ giác thân chủ của mình
Lấy tinh thần chống Mỹ quyết chiến đấu hy sinh
để lo vệ sinh an toàn thực phẩm
Lo dân trí thấp mà đâm ra lẩm cẩm
Sợ trưng cầu dân ý không được lòng cấp trên (?)
Tháng 6 cháy trời, cây Hà Nội không yên
Chặt - Không chặt? Thót tim lo cụ cây đốn ngã
Đất nước thế nào mà phải cần nhiều vệ sĩ?
Hình như cán bộ xa dân?
Giải cứu lợn chưa xong
Ngoảnh lại đã thấy nợ công chồng chất
Ai đi đêm? Kẻ nào rút ruột tàu vỏ sắt?
Để biển Đông giông tố hoành hành
Thêm những công trình nghìn tỉ đắp chăn
Tháng sáu oi nồng sắp bão
Năm chục năm nay chưa nóng thế bao giờ…
                    Viết trước cơn bão số 1-2017

Thứ Năm, 8 tháng 6, 2017

MUỘN MÀNG QUAN HỌ

Chiều nay về với Bắc Ninh
Một mình,
Thôi!
Chỉ một mình
Thế thôi!
Hội Lim tan đã lâu rồi
Câu quan họ
Bỏ mặc tôi
Thẫn thờ…
Sông Cầu nước chảy lơ thơ
“Hừ la”, “ứ hự”…bây giờ trắng tay
Bến xưa vắng ngắt thế này?
“Trèo lên quán dốc”, tóc mây trắng trời
Gọi người khản giọng, tàn hơi
Trúc xinh …
Tôi mãi là người đến sau!


                          Ngày 08-6-2017

Thứ Tư, 24 tháng 5, 2017

CHIA TAY TUỔI HỌC TRÒ

Mới ngày nào sáu tuổi tới trường
Ngác ngác ngơ ngơ, mẹ dắt tay từng bước
Nói đến học là dỗi hờn, khóc lóc
Thế mà nay tất cả sắp xa rồi!

Mười hai năm đèn sách vèo trôi
Thầy, bạn đây mai bỗng thành ngày cũ
Đã xa đâu mà rưng rưng miền nhớ?
Tuổi mười tám cầm tay sao ngơ ngác thế này?

Buổi học cuối cùng ít phút nữa chia tay
“Tí quậy”, “Hùng vô” bỗng dưng trầm tư thế?
“Giang vẹt”, “Linh roe” cũng âm thầm lặng lẽ
Tất cả sắp xa rồi! Sao không nói gì đi?

Thế là hết những ngày học và thi
“Nhất quỷ, nhì ma”… Thôi! Cũng không còn nữa!
Áo dài ơi, mấy vần thơ viết dở
Đã kịp trao đâu vẫn giấu ở kia kìa

Thế là xa trường lớp, bạn bè
Xa thầy cô, xa bảng đen, phấn trắng
Tuổi học trò sẽ thành thời xa vắng
Cháy một góc trời phượng thắm gọi tên nhau

Mới hôm nào chào lớp Một xôn xao
Nay chào tuổi học trò rưng rưng muốn khóc
Nức nở ve kêu, nhìn nhau lặng phắc
Em chẳng muốn làm người lớn, thầy cô ơi!

Dừng lại đi! Thời gian hỡi! Đừng trôi!
Cho mãi bên nhau thầy trò, trường lớp
Lời ly biệt xin ai đừng nói trước
Cứ mãi vẹn nguyên như phút giây này…

Nào đã khóc đâu mà khóe mắt cay cay?
Nào đã xa đâu mà luyến lưu đến thế?
Lớp 12 ơi mãi trong tim bạn nhé!
Bay bốn phương trời vẫn mãi nhớ về nhau…


                        Mùa hạ 2017

CÀNH VẢI GIÀ

Cành vải già cũng cỡ chừng trăm tuổi 
Thương chủ nghèo còn ứa quả tong teo
Ngày lại ngày chỉ nhìn không dám hái
Thương cây đời
Thơ cho quên gieo neo...


                        Mùa vải 2017

Thứ Tư, 10 tháng 5, 2017

HOA PHƯỢNG VÀ TIẾNG VE

Em biết tiếng ve có màu gì không?
Mà sớm nay cả góc trời rực đỏ
Lũ trẻ nhìn nhau. Ơ kìa! Phượng nở!
Ngơ ngác cổng trường. Ràn rạt tiếng ve ngân
Hạ đến rồi ư? Lòng bất chợt bâng khuâng
Lại thi nữa? Biết bao điều chưa nói
Bài thơ tình mấy câu vừa viết vội
Vẫn giấu ngăn bàn chưa kịp gửi cho nhau
Tuổi học trò sao bỗng vội qua mau?
Chùm phượng vĩ râm ran lời ly biệt
Ve gọi phượng về hay phượng kêu da diết?
Bạn nghĩ gì mà trong mắt chơi vơi?
Đừng vội đến đây mùa hè ơi!
Tắt tiếng ve đi, tắt cả màu phượng đỏ
Để cho ta kịp những điều dang dở
Cứ ngúng nguẩy đuôi gà, cứ mơ mộng vô tư…

Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

ĐI HỎI VỢ CHO CHÁU TRAI

Đi hỏi vợ cho cháu trai
Giữ chân trưởng đoàn - Oai phết!
Quy hoạch, quy trình chẳng biết
Tự nhiên cờ cứ đến tay
Bạn bè ngày xưa "tao" - "mày"
Hôm nay "ông - tôi" đến lạ
"Người xưa" - gọi "bà" kỳ quá
Kính thưa... mấy chỗ suýt nhầm
Ăn cơm thiên hạ mòn mâm
Về làng ngọng lô, ngọng líu
Việc họ "à ờ", ngượng nghịu 
Cứ như đang tuổi học trò
Trưởng đoàn nhà trai - rất to
Lụng thụng áo the, khăn xếp
Cả họ trông vào - cứ quyết
"Người xưa" - sao "bà" cứ cười?
Chẳng cùng nhau suốt cuộc đời
Thì nay chung con, chung cháu
Duyên mình vẫn còn nương náu
Quả cau, miếng trầu hôm nay

Hạnh phúc cháu cầm trên tay
Tôi - bà, trưởng đoàn hai họ
Chẳng cần nói nhiều vẫn tỏ
Tình yêu ngày ấy - bây giờ...
Ăn hỏi Thịnh 07-5-2017

Thứ Tư, 3 tháng 5, 2017

ĐÁ MỒ CÔI

Mẹ cha giờ ở đâu rồi?
Mà sao đá lại mồ côi thế này?
Lẻ loi, lăn lóc tháng ngày
Cứ trơ phận đá, cứ dày dạn sương

Thề chém đá
Lời yêu thương
Đổ mồ hôi 
Vẫn can trường
Tin 
Yêu
Tháng năm hóa đá rong rêu
Bão giông dựng một túp lều...mồ côi

Thứ Hai, 24 tháng 4, 2017

SAO LẠI DẮT THU VÀO MÙA HẠ?

Hết tháng ba rồi sao vẫn rét nàng Bân?
Mơ mộng thế dắt thu về đầu hạ
Xuân đã đi rồi sao vẫn còn nấn ná?
Lại rét mưa, mưa rét cứ dùng dằng

Tiếng ve kêu đánh thức bằng lăng
Cô bé giật mình bút vung trời - mực tím
Nhòa trong mưa bao nhiêu kỷ niệm
Sấm chớp đì đùng giục giã mùa đi

Áo cộc, áo len các kiểu lạ kỳ
Đỏng đảnh thế tháng giao mùa ngúng nguẩy
Em tuổi mười lăm hay em mười bảy?
Để đất trời cũng ngúng nguẩy theo em

Vừa nắng lại mưa như lạ, như quen
Chăn cất lâu rồi sao vẫn còn gió rét?
Rón rén nơi nao mùa hè có biết

Có một người đang co ro chờ nhau? 

Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017

TRONG ÁNH MẮT THẦN HẠNH PHÚC

Em chưa một lần tới Namuga
Chỉ nghe thấy trên ti vi, đài, báo
Nơi sản xuất camera tuyệt hảo
Những “mắt thần” cho điện thoại thông minh

Ở nơi đây đẹp nghĩa, thắm tình
Chủ cùng thợ như người nhà - vui lắm
Chẳng ồn ào, càng không hề bụi bặm
Hiện đại vô cùng dây truyền mới êm ro

Chuyện Namuaga kể nghe như mơ
Thanh niên làng bỗng nhiên thành thợ máy
Công nghệ cao, bấm màn hình nhấp nháy
Đồng phục lượt là, phòng lạnh suốt hai ca

Đồng lương cao thương hạt thóc quê nhà
Chân đá bóng nhớ những ngày lội ruộng
Xuất cơm ca nhớ canh cà rau muống
Đàn hát vũ trường thương nhớ lắm bờ tre…

Làm ở nơi này ngỡ tưởng xứ Kim Chi
Yêu, yêu lắm Namuga Phú Thọ
Em sẽ về cùng anh ở đó
Trong ánh “mắt thần” hạnh phúc sẽ bay lên…

Chủ Nhật, 9 tháng 4, 2017

"CHỈ CÒN EM VỚI ANH"

“Con đường xưa em đi” người ta đã cấm rồi!
“Màu hoa đỏ” cũng chẳng còn thấy nữa (?)
Anh lơ ngơ tìm về lối cũ
Ai lấp mất rồi cả cánh “Rừng xưa”?
Em “mỏi mòn như đá vọng phu”
Da diết câu ca “Từ là từ phu tướng”
Dặn anh “đường dù xa ong bướm
Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang…”
Thế mà giờ “Dạ cổ hoài lang”
Gan ruột vậy người ta cũng cấm (?)
“Anh làm thơ vu quy khách qua đường” đông lắm
Hỏi còn ai lắng nghe?
“Con đường xưa em đi thời gian có quên gì”
Sao bỗng chốc người ta rào lấp lối?
Chẳng biết mai này tục ngữ, ca dao, tiếu lâm, câu đối…
Không rõ nguồn họ cũng cấm thì sao?
Bó tay rồi! Hỡi đất thấp, trời cao!
“Ôi gan vàng quặn đau” cấm, cấm!
Nhưng dù sao
“Đá mòn kia vẫn ghi một đêm trăng” đẹp lắm
“Chỉ còn em với anh”…

Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2017

THỬ HẬU HIỆN ĐẠI TA TÀU GIAO KẾT PHỐI HỢP

Hảo su cù lăng lủng trẻo buông tròng
Xoong thủng, chảo thủng
Đương nấu khộc
Nồi đồng nấu ếch
Nồi đất nấu ốc
Thúng mủng
Lùng tùng xòe
Kinh không?

Thứ Ba, 21 tháng 3, 2017

GIAO MÙA

Vừa nghe tin nắng mới lên
Đã nghe tiếng sấm vang rền xa xa
Vẫn chưa đến độ tháng ba
Mà sao tím thế hoa cà, hoa xoan?

Hình như trời cũng đa đoan?
Nắng mưa, nóng lạnh trái ngang dỗi hờn
Ngồi buồn lo kép nghĩ đơn
Vì đâu? Chẳng rõ nguồn cơn thế này?

Xuân phân đã gãy đôi ngày
Nửa xưa tiếc nuối, nửa nay hững hờ
Nhện buồn thì nhện giăng tơ

Ta buồn rủ chữ chơi thơ gọi người…

Thứ Hai, 13 tháng 3, 2017

CÂY GẠO ĐẦU LÔ

Lại tháng ba rồi, em còn nhớ hay quên?
Cây gạo Đầu Lô sớm nay bừng đốm lửa
Sông Lô xanh cũng nhuộm hồng màu nhớ
Bao kẻ giật mình luống cuống bước qua đây
Sáo sậu, chào mào ríu rít đậu trên cây
Hình như chúng thắp lửa hồng gọi bạn?
Đứng ở bến sông anh mơ về xa lắm
Em ở phương nào có về theo cánh chim?
Bao nhiêu năm anh lặn lội kiếm tìm
Hoa gạo rụng bao mùa, em nơi nào chẳng thấy?
Cứ tháng ba lại bùng lên rực cháy
Một khoảng trời ngơ ngác với Đầu Lô…

Chủ Nhật, 12 tháng 3, 2017

CÓ AI BÁN CỘI BỒ ĐỀ?

Dạo này cạn mất nguồn thơ
Mùa yêu thất bát, bơ phờ áo cơm
Chữ câu ngơ ngác thằng Bờm
Bước chân phố vướng rạ rơm gọi về
Ngáo thơ còn đắm cơn mê

Có ai bán cội bồ đề tôi mua?

THƠ MÙNG 8 THÁNG BA

MẸ
Con làm bao nhiêu bài thơ
Một câu về Mẹ vẫn ngơ ngác vần

VỢ
Anh đã làm thơ về mọi thứ trên đời
Vẫn không viết nổi lấy một câu về Vợ
Cứ cầm bút lên là thấy mình xấu hổ
Vợ đẹp vô cùng! Thơ bất lực thơ ơi!

EM
Dành em riêng một góc trời
Một đêm
Hơn cả một đời
Khau Vai
Bao nhiêu thành quách, đền đài
Cũng cháy rụi

Hiện hình hài...chỉ Em!

Thứ Năm, 16 tháng 2, 2017

ĐỢI QUÀ VALENTINE


Chờ đến giờ này vưỡn chẳng thấy gì đâu
Không chocolate, không hoa hồng, không không gì hết
Không tin nhắn, không a-lô, không không chít chát
Không không gì, không không không không…
Ngày lễ Tình nhân
Không va lung tung
Thôi!
Cởi quần áo dài ra
Ta đi bộ!

365 NGÀY TÌNH NHÂN


Không có lẽ chỉ ngày này họ mới yêu nhau
Với anh, 365 ngày trong năm đều là ngày Tình yêu em nhé
Dành tất cả cho em tháng ngày đâu có kể
Triệu triệu bông hồng có nghĩa lý gì đâu?

Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2017

THEO EM


Hội Thơ tan đã lâu rồi
Bóng Thơ gió cuốn. Về thôi em à!
Mơ làm gì nữa người ta?
Anh xin bỏ hết cửa nhà theo em!

Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2017

XIN EM ĐỪNG THẢ LÊN TRỜI


Xin em đừng thả lên trời
Câu thơ tôi viết - những lời yêu em
Cần chi đông đúc người xem
Cứ da diết ở trong tim thế này

Đã đau lời nói gió bay
Lại buồn thêm cánh thơ này về đâu?
Lời thương ngỡ gửi cho nhau
Nào hay bóng vỡ, chữ câu rã rời

Ngọn cây, bãi rác, trùng khơi…
Rủi may phận chữ thơ rơi mịt mùng
Tưởng lên cao với trùng phùng
Ngờ đâu dông bão nổ tung phương nào?

Lắng trong muôn sự ồn ào
Câu thơ anh vẫn dạt dào lời yêu
Khoảng trời riêng đẹp bao nhiêu
Em đừng thả bóng vào chiều mà đau


           Nguyên tiêu Đinh Dậu, 2017

Thứ Hai, 6 tháng 2, 2017

HỘI THƠ


Hội Thơ đua với hội làng
Bao nhiêu thi sĩ mơ màng du xuân
Túi đeo toàn chữ với vần
Lơ mơ tứ lạ, bần thần dáng xinh

Gió xuân nồng nã đa tình
Dìu mây say khướt, mái đình ngả nghiêng
Đỏ xanh rộn rã trống chiêng
Mưa xuân phơi phới, tháng giêng nõn nà

Một rừng thơ phú bung ra
Chữ câu giăng mắc í a khắp làng
Com ple, cà vạt thật sang
Áo the, khăn xếp rộn ràng hội Thơ

Khi thì thầm trong lơ mơ
Lúc hăng chém gió, tung thơ, lên đồng...
Bao nhiêu hạt mưa chưa chồng
Ríu nhau chết lặng trên không đứng nhìn

Phải đâu trăm, chục, vạn, nghìn
Một câu thơ đã yêu tin lắm rồi
Hội Thơ không đến thì thôi
Đến thì đờ đẫn đứng ngồi mà say…


              Mùng Mười, tháng Giêng, Bính Thân

Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2017

NĂM DẬU NÓI CHUYỆN GÀ


(Trả lời phỏng vấn Đài Phát thanh truyền hình Phú Thọ của ông
Đỗ Xuân Thu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp VHNT Phú Thọ)

1. Phóng viên: Trong đời sống của con người, con gà gắn bó gần gũi như thế nào?
          Ông Đỗ Xuân Thu:
          + Về mặt tinh thần:
- Trong văn hóa phương Đông, gà là một trong 12 con giáp với biểu tượng Dậu; nằm trong lục súc (ngựa, trâu, , chó, lợn, gà).
- Gắn chặt với nhiều hệ thống tín ngưỡng và thờ cúng tôn giáo với tư cách là lễ vật (vật hiến tế hay vật tế thần).
- Tiếng gà trống gáy là tiếng đồng hồ báo thức cho con người ở những vùng quê êm ả.
+ Về mặt vật chất: Con gà đem lại đem lại nhiều lợi ích về kinh tế cho con người, nhất là thực phẩm (trứng gà, thịt gà), dược phẩm (trứng gà dưỡng da, bồi dưỡng người ốm, cạo gió), đồ dùng hàng ngày (lông gà làm chổi, quạt, áo lông, quả cầu…), phân gà làm phân bón (cây ớt, cây thuốc lá rất ưa loại phân gà).
2. Phóng viên: Xin ông cho biết những đặc tính tốt của con gà?
Ông Đỗ Xuân Thu:
Đó là tính bầy đàn, mắn đẻ, siêng năng, chịu khó.      
3. Phóng viên: Trong quan niệm dân gian Việt Nam, con gà tượng trưng cho điều gì?
Ông Đỗ Xuân Thu:
- Cho điều tốt lành. Gà gáy sáng gọi mặt trời lên, ngày mới tới, xua đi đêm tối, trừ tà ma…
- Cho 5 đức tính tốt của người quân tử: Văn (cái mào đỏ tựa mũ cánh chuồn của quan văn, bộ lông sặc sỡ như văn công); (mỏ nhọn cong như kiếm, cựa gà bén nhọn như gươm - vũ khí để đấu chọi), Dũng (không sợ địch thủ, sẵn sàng giao chiến), Nhân (có cái ăn thì gọi nhau cùng hưởng, thường kiếm ăn bên đàn gà mái nuôi con nhỏ, có mồi thường nhường cho cả mẹ con, có chim ác rình rập nó xả thân bảo vệ), Tín (gáy sáng đúng giờ, không ngày nào quên).

Thứ Ba, 24 tháng 1, 2017

NGẪU HỨNG CHỢ HOA SỚM MAI


Chợ quê chẳng rõ mặt người
Hay bảy Tết sương mù trời - ríu ran
Quất, đào, tùng, cúc, trúc, lan
Cả em nữa…đẹp miên man, ảo mờ

Chào mời ríu rít như thơ
Phả hơi sương khói, mởn mơ má hồng
Bao nhiêu giọt sương chưa chồng
Giăng giăng trước mặt, phập phồng sau lưng

Tôi như một kẻ ngố rừng
Ngác ngơ giữa chợ một vùng hoa tiên
Nụ hoa e ấp giọt đêm
Trong veo sương đậu má em bồi hồi

Tinh mơ mờ ảo sương trôi
Chợ hoa nghiêng ngả một tôi bồng bềnh
         
                                                Sớm mai, 27 Tết Đinh Dậu

Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2017

SAO VẪN CHƯA VỀ, VỢ ƠI?


SAO VẪN CHƯA VỀ, VỢ ƠI?

Hai nhăm Tết rồi, sao chưa về vợ ơi?
Để bố con anh cứ ra trông vào ngóng
Bếp vẫn lạnh tanh, con co ro rét cóng
Ngơ ngác mắt buồn trông từng chuyến xe qua

Làm cả năm, ô-sin nhà người ta
Tháng tận, năm cùng bán mồ hôi, nước mắt
Lo Tết nhà người - nhà mình chưa có Tết
Xe chật, tàu đông, đêm nay về được không?

Về đi em cho có vợ có chồng
Có các con, cả nhà ta hạnh phúc
Dẫu ít tiền nhưng quây quần sum họp
Đào, quất ngoài vườn, con ríu rít cười vui

Hai nhăm Tết rồi, về đi nhé, vợ ơi!
Chẳng Tết to thì ta làm Tết bé
Gà ngoài chuồng, dăm cân nếp, tẻ
Cũng bánh trái, thịt thà, cũng thơm ngát hương hoa

Về đi em, mai tảo mộ ông bà
Ít đủ, nhiều no, em về là có Tết
Tiếng cười em sẽ xua đi giá rét
Về nhanh lên, nhanh lên nhé, vợ ơi!


                        Chiều hai lăm Tết Đinh Dậu

Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2017

TÁO QUÂN

Cả năm xó bếp Táo ngồi
Nhọ nhem với những xong, nồi, chảo, ghênh
Khi thì lạnh ngắt buồn tênh
Lúc thì nóng rực thác ghềnh lửa reo

Tro than bạn với con mèo
Đàn ông hai vị ngồi theo một bà
Chẳng ngang hàng tựa tam đa
Chân kiềng ba góc ba ta chụm đầu

Khi Vua Bếp, lúc Đầu Rau
Có sao? Vẫn cứ bên nhau lửa hồng
Một vợ có những hai chồng
Vẫn hòa thuận, vẫn ấm nồng yêu thương

Người ta Vua tựa thiên đường
Ngai vàng chễm chệ chính trường minh quân
Đằng này Vua Bếp dưới chân
Chỉ góc với xó, bạn dân đêm ngày

Hài hia, mũ áo hôm nay
Ngày mai cưỡi cá Táo bay lên giời
Sớ dài dằng dặc kín lời
Xin Táo trình tấu thấu Trời giúp dân

                 Đêm 22 tháng Chạp, Bính Thân

Thứ Ba, 17 tháng 1, 2017

ĐỢI CON VỀ TẾT


Sao tới chiều nay vẫn chưa về hả con?
Tết hàng xóm đã đông vui lắm lắm
Nhà người ta xi xao gói bánh
Mẹ vẫn thở dài ngồi tựa cửa chờ trông?

Liệu Tết này con có về không?
Xa xôi quá, rét mưa, đường lại tắc?
Làm cả năm lương lo ba ngày Tết
Những lại đi, về thương con lắm, con ơi!

Cũng tại số duyên con lấy chồng xa xôi
Những ngày này cũng nhớ buồn lắm chứ
Về trước? Về sau? Lễ quà đủ thứ?
Con nhỏ đèo bòng biết tính sao đây?

Mẹ hiểu điều này mắt vẫn cứ cay cay
Vẫn khắc khoải mong con về cùng cháu
Bánh mẹ gói rồi chỉ chờ con về nấu
Đêm ba mươi quanh bếp lửa quây quần

Qua ngõ nhà ta người xe ầm ầm
Thấy dáng quen quen mẹ vội vàng đứng ngóng
Không phải con?
Lại bần thần, hụt hẫng
Con vẫn chưa về?
Xuân Tết cứ ào đi…
                        Chiều 20 tháng Chạp, Bính Thân

Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2017

MAI SAU CÓ CÒN?


Mai sau ở tuổi chín tư
Yêu anh - em có còn như lúc này?
Ôm anh còn chặt vòng tay?
Nụ hôn còn có đắm say nồng nàn?

Em còn hát khúc Điệp Lan?
Liệu anh còn gảy được đàn nữa không?
Xưng hô còn có mặn nồng?
“Anh, em”? 
Hay “cụ”? 
Hay “ông” với “bà”?

Em còn son phấn, nước hoa?
Mắt em lúc đó có là hồ thu?
Có “lai” “phây búc” vô tư?
“Seo phì”, “pốt” ảnh, “”meo” thư, “chát”, “còm”…?

Rừng già nhưng núi mãi non
Em còn váy ngắn, có còn hai dây?
Có còn má đỏ hây hây?
Có còn đứng cắn móng tay thẹn thùng?

Dù cho giông gió bão bùng
Răng long, đầu bạc…thủy chung em à!
Mai sau trăm tuổi về già
Tình ta mãi mãi vẫn là đắm say…
                   Trước Tết Đinh Dậu - 2017

Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2017

HÀNH TRÌNH GỌI CHỮ NHỌC NHẰN

(Đọc tập thơ “Gọi chữ”  của Đỗ Xuân Thu - Nxb Hội Nhà văn 2016)
                                                   Vũ Thị Thanh Minh
Tác giả Đỗ Xuân Thu đã viết 24 đầu sách, riêng thơ tác giả đã có 11 tập. Tập thơ lục bát “Gọi chữ” (Nxb Hội Nhà văn 2016) là tập sách thứ 24 của anh. Tác giả viết rất nhiều về các đề tài gắn liền với công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, cơ chế thị trường, mở cửa giao lưu hội nhập toàn cầu… Anh là người có tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc, sáng tạo, điều đó khiến độc giả phải khâm phục.
Chủ ý của anh được gửi gắm trong bài thơ “Gọi chữ” và cũng chính là tiêu đề chung của tập thơ. Chữ là ngôn ngữ phi vật thể nhưng ngôn ngữ lại là công cụ độc đáo để xây dựng nên hình tượng văn học và xây dựng nên hình tượng của các ngành nghệ thuật cụ thể khác. Ngôn ngữ có sẵn trong dân gian, nhưng không phải ai cũng có khả năng lựa chọn, sắp xếp nó để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật hấp dẫn người đọc, người nghe. Tên tập thơ có tính chất gợi hình, gợi cảm, gợi liên tưởng sâu, rộng. Chữ - ngôn ngữ không tự đến với mọi người đặc biệt là đối với nhà văn, nhà thơ. Nhà thơ phải “gọi” nó, gọi chính xác  tên nó thì “chữ” mới xuất hiện. Đó là điều khó. Ai đã sinh ra và đặt tên cho “chữ”? Chính là nhà văn, nhà thơ. Đỗ Xuân Thu đã gọi những đứa con tinh thần của mình từ trang sách bước ra cuộc đời để sống trong bộn bề cuộc sống hôm nay.

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2017

THÁNG CHẠP BỎ BÙA

Rằm tháng chạp vợ lên chùa
Tôi ngồi (trộm vía) bỏ bùa cho em
Phải lòng cô bé Lọ Lem
Mưa rơi đồng lõa buông rèm… mưa rơi…

Kể từ buổi ấy nàng ơi!
Ngày ngơ ngẩn nhớ, đêm vời vợi mong
Bùng nhùng giữa mớ bòng bong
Tôi ngơ ngác ngỡ như không phải mình (?)

Còn em thì cứ vô tình
Ngày ngày qua ngõ một mình “í a”…
Vô tư ngúng nguẩy đuôi gà
Mắt cười thế…Chết người ta…Còn gì!

Tôi ngồi đờ đẫn, vân vi
Vợ tôi bắt gặp hồ nghi, ngỡ ngàng
Trộm yêu bị tóm quả tang
Bắt đền em đã trái ngang bỏ bùa

Tháng củ mật - chớ có đùa
Vợ tôi lên chùa cầu giữ vía tôi
Em qua ngõ… lại cười rồi?
Trời ơi!
Tôi có là tôi không hà?

Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2017

XIN ĐỪNG VỘI TẾT

Giá đừng có Tết thì hay
Khỏi thêm một tuổi, đỡ gay gắt tiền
Cứ xuân dằng dặc triền miên
Cứ em mười tám đằm duyên thuở nào

Trẻ con cứ hát đồng dao
Mẹ cha cứ khỏe hồng hào như xưa
Còn ta thì cứ mộng mơ
Không lo cơm áo, chỉ thơ với đời…

Chầm chậm nhé, thời gian ơi!
Làm sao quay lại cái thời trẻ trai?
Cái thời trúc thẹn cùng mai
Đuôi gà ngúng nguẩy, mắt nai, má hồng

Anh chưa vợ, em chưa chồng
Bờ sông cây cải chưa ngồng, chưa hoa
Cái thời xa tít mù xa
Xin đừng vội Tết để ta ngược nguồn!


              Sớm mai,11 tháng chạp Bính Thân