Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2017

HÀNH TRÌNH GỌI CHỮ NHỌC NHẰN

(Đọc tập thơ “Gọi chữ”  của Đỗ Xuân Thu - Nxb Hội Nhà văn 2016)
                                                   Vũ Thị Thanh Minh
Tác giả Đỗ Xuân Thu đã viết 24 đầu sách, riêng thơ tác giả đã có 11 tập. Tập thơ lục bát “Gọi chữ” (Nxb Hội Nhà văn 2016) là tập sách thứ 24 của anh. Tác giả viết rất nhiều về các đề tài gắn liền với công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, cơ chế thị trường, mở cửa giao lưu hội nhập toàn cầu… Anh là người có tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc, sáng tạo, điều đó khiến độc giả phải khâm phục.
Chủ ý của anh được gửi gắm trong bài thơ “Gọi chữ” và cũng chính là tiêu đề chung của tập thơ. Chữ là ngôn ngữ phi vật thể nhưng ngôn ngữ lại là công cụ độc đáo để xây dựng nên hình tượng văn học và xây dựng nên hình tượng của các ngành nghệ thuật cụ thể khác. Ngôn ngữ có sẵn trong dân gian, nhưng không phải ai cũng có khả năng lựa chọn, sắp xếp nó để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật hấp dẫn người đọc, người nghe. Tên tập thơ có tính chất gợi hình, gợi cảm, gợi liên tưởng sâu, rộng. Chữ - ngôn ngữ không tự đến với mọi người đặc biệt là đối với nhà văn, nhà thơ. Nhà thơ phải “gọi” nó, gọi chính xác  tên nó thì “chữ” mới xuất hiện. Đó là điều khó. Ai đã sinh ra và đặt tên cho “chữ”? Chính là nhà văn, nhà thơ. Đỗ Xuân Thu đã gọi những đứa con tinh thần của mình từ trang sách bước ra cuộc đời để sống trong bộn bề cuộc sống hôm nay.

“Chữ” của nhà thơ đã trở thành những sinh vật có linh hồn hiện lên trong tâm tưởng của độc giả. “Chữ” đi theo sự chỉ huy, dẫn dắt tài hoa của anh: “Lại lùa đàn chữ ra đồng” (Gọi chữ). Sự phát hiện của Đỗ Xuân Thu rất mới lạ gây ấn tượng cho người đọc. Những điều mà các bộ môn nghệ thuật khác không diễn tả được thì Đỗ Xuân Thu đã diễn tả sống động trong thơ mình: “Chữ lội bì bõm nông sâu”, “Khi vui chữ hát tình tang/ Lới lơ xênh phách, điệu đàng í a”,  “Lúc buồn giọt chữ châu sa/ Thấm ba thước đất, đau ba tầng trời”, “Mồ hôi đổ xuống bời bời chữ lên”, “Gọi nhau câu chữ mà nên mùa vàng”(Gọi chữ)
Không chỉ có tài gọi chữ đi cùng mà tác giả còn “gieo”, trồng con chữ ngày càng tươi tốt, xum xuê: “Trong tay chẳng có xu nào/ Chỉ hai bốn chữ gieo, đào, bứng, xây…” (Nhà văn)
Những điều phi lý ấy lại hoàn toàn có lý khi đọc các tác phẩm thơ, văn của tác giả. Chữ không phụ lòng anh. Tác giả đã có thành quả: Chữ đã trở thành vật phẩm được bày thành kính lên mâm: “Xẩy sàng cho dẻo đôi tay/ Nhặt dăm chữ mẩy tôi bày lên mâm(Lục bát một mình)
Tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác một cách thích thú.
Tác giả còn dành những tình cảm chân thành, sâu sắc của mình cho những người thân yêu, quê hương, đất nước. Đây là những câu thơ anh viết về người cha của mình: “Còng lưng cõng những quắt quay đói nghèo” (Vu Lan vàng mã dâng cha). Tôi vô cùng cảm động thấm thía khi đọc câu thơ gợi hình, gợi cảm ấy. Cách viết của anh về mẹ cũng rất ấn tượng: “Mẹ rằng chữ mẹ ít thôi” nhưng mẹ lại là “Mẹ - kho cổ tích ly kỳ tôi nghe(Chữ của mẹ tôi). Bao nhiêu yêu thương, trân trọng của người con dành cho mẹ: Chữ mẹ ít nhưng mẹ lại nuôi dưỡng được các con nên người, nên danh. Anh tự hào về mẹ mình. Mẹ bình thường mà vĩ đại. Tôi chợt nhớ đến câu thơ của Nhà thơ Nguyễn Duy: “Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn” mà cảm nhận được người mẹ của Đỗ Xuân Thu. Những thành ngữ, ca dao, những câu chuyện cổ tích ly kỳ của mẹ đã nuôi dưỡng tâm hồn nhà thơ. Anh có tài gọi chữ thế mà đối với mẹ anh vẫn chưa “gọi” đúng được chữ nào để diễn tả hết công ơn dưỡng dục, sinh thành to lớn của mẹ dành cho mình: “Con làm bao nhiêu bài thơ/ Một câu về Mẹ vẫn ngơ ngác vần(Mẹ ơi, hãy về!)
Câu thơ thấm thía và da diết, pha chút ân hận vì con không thể nào diễn đạt hết công ơn trời biển của mẹ. Ngoài ra, tác giả còn dành tình cảm của mình với những người thân trong gia đình, phải chứng kiến cảnh ra đi mãi mãi của em trai: “Bắc Nam xa tít mù khơi/ Âm dương cách biệt… bời bời mà đau…” (Khóc em trai). Chứng kiến cảnh em rể cũng ra đi mãi mãi: “Thế là xong một kiếp người/ Thế là cát bụi, trời ơi, thế là…” (Thế là em đi). Không có chữ nào nói về tiếng khóc mà người đọc cứ như nghe thấy tiếng khóc đang vang lên xé ruột, buốt gan, thấu trời, thấu đất của người anh, của một người đàn ông.
Khi tiễn vợ đi chợ tình Khau Vai anh lại rất dịu dàng, đằm thắm: “Chợ tình em cứ đi đi/ Tình xưa được buổi vân vi tỏ bày/ Thì em cuối mắt cùng mày/ Cứ như ngày cũ mà say với người/ Lỡ duyên lạc phận tại trời/ Trả em cho họ khóc, cười một đêm/ Thì em cứ đáp cứ đền/ Ngày kia về lại bình yên… anh chờ(Tiễn vợ đi chợ tình Khau Vai).
Tác giả là một người đàn ông đích thực, đắm say phong tình nhưng rất vị tha, nhân hậu. Một số người đàn ông không dám nói ra những lời nói ấy, sợ mang tiếng kém vợ, sợ vợ. Tôi nhớ tới Tú Xương nói lời “thương vợ” đã khiến cho biết bao thế hệ độc giả ngưỡng mộ nhà thơ. Nhiều bạn đọc đã thuộc lòng câu thơ của Nhà thơ nước Nga - Puskin: “Cầu cho em gặp được người tình như tôi đã yêu em”. Là một người phụ nữ nên tôi rất xúc động và hạnh phúc khi đọc những câu thơ tiễn vợ đi chợ tình Khau Vai của Đỗ Xuân Thu.
Đỗ Xuân Thu còn dành tình cảm của mình cho dân làng. Anh thương dân làng trong cơn lũ kinh hoàng: “Lũ như bạch tuộc, thuồng luồng/ Bỗng dưng quét sạch cả tương lẫn cà/ Chìm trong nước mắt ông bà/ Làng tôi vượt lũ bơi qua cõi người…”(Làng tôi trong lũ).
Đỗ Xuân Thu tự hào về quê hương Phú Thọ: “Thả hồn theo cánh hạc bay/ Cứ về Phú Thọ mà say bềnh bồng” (Phú Thọ - Đất cội nguồn).
Anh yêu những cánh đồng làng thậm chí cả những ngọn khói đốt đồng đã vẽ lên bức tranh quê mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam: “Ngắm đồng cuối buổi chiều nay/ Bỗng dưng khóe mắt cay cay nhớ bầm/ Khói lên đất thở thì thầm/ Hóa mây, khói vẽ mấy tầng dáng quê…(Khói đốt đồng).
Tác giả không quên lễ hội Trò Trám đặc sắc của làng Tứ Xã - Lâm Thao - Phú Thọ, lễ hội có một không hai của vùng Đất Tổ. Đặc biệt, Nhà thơ lắng nghe tiếng đàn bầu Việt Nam, tiếng đàn bầu đã đi vào dân gian từ ngàn xưa…
Ở trong anh luôn luôn hòa quyện sự yêu thương với trăn trở, nghĩ suy. Điều đó đã tạo nên phong cách riêng của thơ Đỗ Xuân Thu. Tác giả hồ hởi, vui tin trước sự đổi mới, hội nhập của làng quê, đất nước Việt Nam. Tâm hồn trong sáng, phiêu du, sống hết mình, yêu hết mình, đúng là phong cách, tính cách của một thi nhân lãng tử: “Khoác vai sải bước giang hồ/ Bạc đầu cưỡi ngọn sóng xô và cười…(Đếm tuổi),Vẫn mơ lên đỉnh Phù Vân/ Vẫn lang thang những bước chân hải hồ”, “Cứ yêu rút ruột đời tằm mà yêu…(Vu vơ ngày cuối năm).
Nhưng anh buồn lòng phải chứng kiến những thói ba hoa, chích chòe: “Ối người tan cửa nát nhà/ Trời ơi! Cái thói ba hoa chích chòe”(Chém gió). Đỗ Xuân Thu ghét cay, ghét đắng những dây leo hại cây chủ, những dây leo ấy hay chính là những kẻ không có tài năng, chỉ biết dựa dẫm, ăn tàn phá hại của công: “Lạ gì cái giống dây leo/ Muôn đời cũng chỉ ăn theo thôi mà(Loài dây leo).
Nhà thơ hay dân làng hao gầy trước cảnh: “Đất trao dự án Tầu Tây/ Không nghề, tính mãi đến gầy cả đêm”, “Những mơ đất khách đổi đời/ Nghề không, ruộng hết… làng ơi là làng!” (Làng ơi - Tháng Giêng!).
Mạng Internet đem lại biết bao lợi ích cho cộng đồng, nhưng kèm theo nó lại có bao tác hại? Sự lo lắng của anh không phải không có căn cứ. Nhìn lũ trẻ chơi game mà anh lạnh toát cả người”, “rùng mình nhớ chiến trường xưa”. Hậu quả chơi game của lũ trẻ khiến Nhà thơ đau đớn, xót xa, liên tưởng: “Bao nhiêu tướng tá anh hùng/ Huân chương đeo những tột cùng nỗi đau/ Tưởng bình yên mãi về sau/ Ai hay lũ trẻ bắn nhau đùng đoàng/ Trò chơi thảm sát tương tàn/ Hình như nhân loại vẫn đang lầm đường?” (Ngồi xem lũ trẻ chơi game).
Câu hỏi của Đỗ Xuân Thu xoáy sâu nhức buốt trong tâm tưởng của biết bao người cũng đang hãi hùng trước những thảm họa do bạo lực của con người gây ra. Anh thẫn thờ, hụt hẫng khi nghĩ về tương lai đám trẻ thơ ở thành phố có còn tuổi thơ nữa hay không; bởi chúng đang lạc vào những “cõi ảo, tình âm”, không giao tiếp với đời thường. Chúng không tự hào với những gì có thật cha ông để lại, mà chúng lại tự hào với những “đai vàng, đỏ”. Anh thật sự lo lắng: “Biết đâu bến nước, sân đình/ Bỏ trăng ngơ ngác một mình cuối thôn”, “Liệu rằng rồi tới mai sau/ Tuổi thơ ngày ấy biết đâu mà tìm?...” (Bây giờ tìm lại tuổi thơ).
Tác giả có đớn đau nhưng không tuyệt vọng. Đỗ Xuân Thu lại đem đến cho đời một niềm tin chân thành, giản dị: “Mặc ai hương sắc ầm ầm/ Leo heo dây mướp lặng thầm mà hoa(Hoa mướp).
Đỗ Xuân Thu có một tâm hồn nhạy cảm, dễ rung động với tất cả những âm thanh buồn vui của con người, của cuộc đời.
“Gọi chữ” đúng với nghĩa tường minh và nghĩa chuyển của nó. Nhà thơ đã có tài năng “gọi chữ” một cách chính xác nên tác giả đã diễn tả được những tình huống, những chu cảnh, những hiện tượng, những cảm xúc… có sức lay động trái tim người đọc qua những hình tượng nghệ thuật sáng tạo, mới lạ nhưng vẫn rất chân thành, giản dị như những lời nói dân gian, vừa có tính cá thể, vừa có tính khái quát, điển hình cao: “Hát Xoan đầu xóm, cuối thôn/ Ghẹo ai ánh mắt hớp hồn người ta(Phú Thọ - Đất cội nguồn),  “Xé mình ra để hóa thân/ Mảnh làm vua, mảnh làm dân, làm hề… Rút ruột gan hóa trăm nghề/ Tỏa đi khắp nẻo nhận về chữ câu” (Nhà văn). Đó chính là tác giả hay những nhà văn khác?
Chuyện cá nhân hay chuyện thế sự cuộc đời được anh diễn đạt rất hình tượng: “Quyết không cam chịu đi còng/ Ngẩng đầu lên, chớ lòng vòng ta ơi(Đau vai gáy ngẫu hứng).
Còn đây là tiếng đàn bầu Việt Nam. Tiếng đàn đã chiếm được cảm tình của bạn bè quốc tê: “Một sợi dây, một ống bơ/ Mà nghiêng hết cả bến bờ nhân gian/ Chẳng là điện tử Oocgan/ Mà thu hồn vía cả làng thăng hoa…” (Đàn bầu). Người xưa dặn con gái: “Đàn bầu ai gẩy thì nghe/ Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu”. Còn Đỗ Xuân Thu thì sáng tạo: Đàn bầu đã thu hồn vía của cả làng chứ không phải chỉ riêng người đàn bà.
Tập thơ “Gọi chữ” còn chứng minh tài năng sử dụng sáng tạo thể thơ lục bát của tác giả. Các bài thơ lục bát ngọt ngào, du dương, da diết, rất quen thuộc nhưng cũng rất bất ngờ, độc đáo, mới lạ qua cách ngắt dòng của Đỗ Xuân Thu: “Bao năm xuôi ngược đường đời/ Vẫn rưng rức đỏ một trời Mộc Miên/ Tưởng rằng quá khứ ngủ yên/ Bất ngờ hoa gạo!/ Bùng lên!/ Cháy rồi!(Hoa gạo).
Đỗ Xuân Thu còn sử dụng rất nhiều các dấu chấm lửng trong tập thơ nên bài thơ khép lại, lời hết, ý chưa hết:  “Ước gì trở lại ngày qua/ Cứ êm ả thế để mà yêu nhau… (Xin giông bão chừa em ra),Xin mời hàng xứ tránh ra/ Cho phường Trò Trám… loa loa… trình trò(Hội Trò Trám).
Anh đã bồi đắp thêm vào dòng sông lục bát những hạt phù sa màu mỡ, làm xanh tốt cánh đồng thi ca dân tộc.
Tập thơ “Gọi chữ” đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc, giúp bạn đọc hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ trong cuộc đời.


V.T.T.M

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét