Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

NHỮNG NGÀY CUỐI NĂM





Chưa kịp làm mới mình
Thì lịch kia đã cũ
Giật mình như mê ngủ
Đã hết năm rồi ư?

Vô tình hay vô tư?
Dòng thời gian cứ chảy
Đâu chỉ là tờ giấy
Đính trên tường lịch ơi!

Ngày lại ngày rụng rơi
Đã năm cùng, tháng tận
Để bây giờ ngơ ngẩn
Đếm được mất, buồn vui

Phân loại những hên xui
Nhặt gom từng câu chữ
Cái nào “save” bộ nhớ
Cái nào “delete”, lãng quên

Gặp câu thơ đầu tiên
Bỗng thấy đời trẻ lại
Và tiếng cười con gái
Dắt xuân về bên hiên...

            Cuối năm 2014

Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

LÀM SAO ẤM ĐƯỢC?




 

Rét nào hơn rét đêm nay
Buốt thon thót, rụng ngón tay... hả giời?
Cóng tê, kim chọc khắp người
Mấy lần chăn cuộn, kêu trời vẫn run

Vườn khuya lặng ngắt, dế giun
Đường khuya cây cũng như lùn trong sương
Trời ơi! Bao kẻ tha hương!
Cửa nhà không có, chiếu giường cũng không
Nằm không được, ngồi chẳng xong
Giọt đèn đông cứng còn mong chi người?
Khổ chưa chiếu đất màn trời?
Bao nhiêu đói rét, tơi bời bấy nhiêu!

Giáng sinh, Chúa giảng bao điều
Làm sao ấm được cái nghèo đêm nay?

                   Viết lúc 2 giờ sáng 17-12-2014






Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

CÀ PHÊ LỖ


 
          Đầu giờ làm việc buổi sáng, mọi người trong đoàn nghệ thuật Chèo thường tụ tập tại phòng của Diệu Thu. Phòng cô ở tầng trệt, sát cầu thang của ngôi nhà ba tầng. Hôm nào cũng thế, các cô gái nửa nghệ sỹ, nửa viên chức, tuổi từ hai mươi, ba mươi bao giờ cũng cứ phải “chào buổi sáng” bằng một ly cà phê với nhau tại phòng này rồi mới về phòng của mình hoặc đến hội trường để tập hát. Chiều qua còn “í a í i” với nhau thế mà mới qua một đêm đã có bao nhiêu chuyện giữa các nàng. Từ chuyện chồng con đến chuyện chó mèo. Từ chuyện son phấn, quần áo đến chuyện chạy sô đêm qua, chuyện lỡ diễn tuần trước. Rồi chuyện chợ búa, hành tỏi, chuyện đàn ông, đàn ang. Cả chuyện “phây búc”, những chuyện giời ơi đất hỡi trên mạng nữa chứ. Thôi thì đủ thứ chuyện trên đời được các nàng ríu rít với nhau cả nửa tiếng đồng hồ. Đến khi ông trưởng đoàn gọi ơi ới ở phòng tập cả bọn mới giải tán cho buổi tập mới “í ì i”.
          Hơn hai chục người trong đoàn Chèo thì có quá nửa là nữ. Trong số nữ đó thì có gần chục cô còn trẻ, tuổi sàn sàn hai lăm, hai sáu. Đây là số diễn viên mới được tuyển vào đang hừng hực khí thế. Cô nào cô ấy đều trẻ đẹp, hát hay, múa dẻo. Chết nỗi, thời buổi truyền hình, băng đĩa, nhạc pop rap, hip hop quay cuồng, ca ra ô kê khắp chốn khắp nơi, nghệ thuật hát dân gian chạy hụt hơi mà vẫn bị lạc lõng. Đoàn Chèo mấy phen suýt bị giải tán, bị sáp nhập vào các đoàn nghệ thuật khác. Một số người tìm đường xin chuyển công tác. Số diễn viên gạo cội vì lòng yêu nghề nên cố kiết bám giữ lấy đoàn. Thế rồi, chủ trương “giữ gìn bản sắc dân tộc” trong xây dựng văn hóa, cấp trên đã đầu tư xây dựng mới ngôi nhà ba tầng cho đoàn Chèo và tuyển thêm diễn viên mới. Các nàng hay cà phê buổi sáng này nằm trong số đó. 

LẠY CHÚA! A-MEN!



Chẳng biết giờ này phía ấy có vui không?
Mà đằng này rét buốt buồn quá thể
Tháng tận, năm cùng, còn vài ngày lặng lẽ
 
Hững hờ trôi về mãi phía không nhau

Mùa Giáng sinh về em còn ở nơi đâu?
Bỏ mình anh quỳ dưới chân tượng Chúa
Lời nguyện cầu chỉ thấy thương và nhớ
Để giọt chuông buồn thánh thót vang ngân

Chẳng biết giờ này em có phân vân
Trước cột mốc thời gian, giữa hai năm cũ - mới
Có biết phía này có một người đứng đợi
Bên gốc thông già đêm giá buốt - Noel

Lạy Chúa lòng lành! Lạy Chúa! A-men!
Chuyển lời thương của con bay về phương ấy
Để đốm lửa đêm đông hóa thành đám cháy
Sưởi ấm tình con, a-men! A-men!
                                  Trước Giáng sinh 2014

Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014

HOA THẠCH THẢO






Mùa thu chết bởi vì hoa thạch thảo
Những đóa xinh xinh hồng, tím, trắng mê người
Ngỡ cứ tưởng qua rồi mùa giông bão
Hoa gọi rét về tê tái thế hoa ơi!

Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2014

NÓI VỚI MÙA ĐÔNG


Cuối cùng còn lại mình thôi
Vẫn biết thế, sao vẫn ngồi ngẩn ngơ?
Ngày qua như một giấc mơ
Trắng tay mà vẫn cứ chờ, đợi, trông…

Cuối cùng rồi vẫn mùa đông
Biết là biết thế mà không khỏi buồn
Đã từng nắng lửa, mưa tuôn
Sao còn giá rét bán buôn làm gì?

Thôi đành rã cánh thiên di
Chấp cha chấp chới li ti cuối trời
Nâng niu mãi chút tình rơi
Bao nhiêu thế chấp, tơi bời bấy nhiêu…

Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

THEO DẤU CHÂN LỤC BÁT NGUYÊN HÙNG



THEO DẤU CHÂN LỤC BÁT NGUYÊN HÙNG
(Đọc “Dấu chân lục bát” - Nxb Hội Nhà văn, 2014 của Nguyên Hùng)
                                                                          
          Tôi quen biết Nguyên Hùng trên mạng Internet qua những bài thơ trên blog cá nhân của anh. Ngày lại ngày những vần thơ ấy, bài thơ ấy đã hấp dẫn cuốn hút tôi. Thế rồi, tôi được anh tặng cho những tập thơ “Cánh buồm thao thức”, “Sóng không đến từ biển”, “Bay về phía bão” mà anh đã cho ra mắt bạn đọc trong những năm gần đây. Từ đọc thơ trên mạng đến đọc thơ trên sách, cảm hứng của tôi hình như cũng thăng hoa dào dạt hơn. Thơ Nguyên Hùng đầy sóng gió, nhiều hương vị biển, thấm đẫm tình đời.
Về sau gặp anh ngoài đời mới biết rằng anh quê Nghệ Tĩnh, sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, là tiến sỹ công trình thủy chuyên về hồ chứa, đê đập, nhà máy thủy điện, công trình bảo vệ bờ biển. Anh lại là chủ nhiệm mạng xã hội vnweblogs.com. Thì ra là thế. Tôi là cư dân mạng của anh mà không biết. Thảo nào thơ về biển, về tình yêu hay thế. Mới đây, tôi lại được anh tặng tập thơ “Dấu chân lục bát” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Háo hức, tò mò, tôi lập tức theo gót nàng Thơ của anh để rồi lạc giữa rừng lục bát rợp mát ý tình, như men say, như ru ngủ và bồng bềnh miên man tự lúc nào cũng không biết. 

Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

TIẾNG ĐIẾU CÀY

     

Khi vui rong róc giòn vang
Hội hè, đình đám cả làng cùng say
Thuốc thơm đỏ nõ chuyền tay
Điếu kêu xoe xóe, khói bay mù trời

Lúc buồn xịt xịt hụt hơi
Đóm châm mấy bận tắt rồi lại châm
Người tư lự, điếu lặng câm
Có ai tri kỷ, tri âm thế này?

Đã từng vụt Nhật, đập Tây
Gậy phang kẻ trộm lăn quay đã từng…
Chắt chiu mưa nắng ở rừng
Trộn thêm mặn muối, cay gừng... điếu kêu

Chẳng là trúc sáo, tre tiêu
Chỉ là tiếng điếu mà phiêu hút hồn
Say như điếu đổ cả thôn
Cứ rong róc thế, vô ngôn tháng ngày

                           Chủ nhật, 22-11-2014


Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2014

MƯA THÁNG MƯỜI


Hửng nắng một ngày
Hôm nay
Trời lại mưa…

Mưa tháng mười
Không thành cơn ào ạt
Không dầm dề, rả rích
Mưa phùn bay bay, bay bay…
Cùng gió mùa đủ để ngọt thêm cái rét
Đủ để cho nhau thèm hơi ấm nồng nàn da diết
Đủ để những cô đơn trong ngơ ngác đợi chờ

Tháng mười
Mưa lưa thưa
Đủ để khói đốt đồng bay lên thơm lừng cánh bãi
Đủ cho lũ trẻ trâu mê mải
Chơi trò vợ chồng xì sụp nướng khoai, ngô
Đầu tóc ướt hết rồi vẫn cứ cười trong cái rét co ro…

Mưa tháng mười
Lạ chưa?
Có câu thơ ngủ quên trên tầng tháp cổ
Chàng thi sĩ quên quên nhớ nhớ
Mải miết đi tìm…


                         Chủ nhật, 16/11/2014

Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

TA VẪN CỨ LÀ TA

                   
          
          Có những người
          Vừa mới đây thôi còn “mày tao chí tớ”
          Mà hôm nay bỗng dưng thớ lợ
          “Cậu cậu tôi tôi” hờ hững nhạt phèo
          Như chưa từng đã cùng cảnh gieo neo
          Áo ngắn một thời, đầu trần chân đất
          Chỉ vì hôm nay bởi cái tài chạy chọt
          Cục đất đã thành ông tượng cao sang

          Có những bạn văn mà câu chữ làng nhàng
          Nhưng khéo bon chen, giỏi khuếch trương, tài dán tem, nhãn, mác
          Trở thành “nhà” nọ, “nhà” kia
          Vỗ vỗ vai ta với giọng bề trên lên lớp
          Nhìn đời bằng nửa con mắt
          Khuyên ta nên viết thế nọ, thế kia, thế khác…
          Cùng mớ lý luận cao siêu, rỗng tuếch, rối mù
          Ta nhìn bạn xưa lòng dạ ngẩn ngơ

          Thôi, đành vậy!
Ta cứ nhà quê - một gã chăn bò
          Vui với cỏ cây, ruộng đồng, trời đất
          Với bạn bè ta (kể cả ảo trên “phây”) cũng hiền lành chân chất
          Chẳng bon chen, danh hão, chức quyền
          Trải lòng cùng với thiên nhiên

          Chắt chiu con chữ người hiền mà thơ…

Thứ Ba, 4 tháng 11, 2014

VỢ TÔI BẢO THẾ



 

Người ta "nhà" nọ, "nhà" kia
Chồng em - một gã nhà quê khù khờ
Cả đời chẳng biết làm thơ
Chỉ say tục ngữ, nương nhờ ca dao

Khi buồn đàn sáo nghêu ngao
Lúc vui "quốc lủi" thao thao một mình
Chốn đông người chỉ lặng thinh
Gặp nơi hoạn nạn nhiệt tình xông pha

Mấy đời toàn quét lá đa
Không "tem, nhãn, mác" để mà xưng danh
Chồng em - con cái nhà lành
Không quen chạy chọt, chẳng rành luồn leo

Nhọc công "mèo vẫn hoàn mèo"
Vẫn ca vọng cổ, vẫn chèo lới lơ
Chẳng là nghệ sĩ, nhà thơ
Mà em yêu đến thẫn thờ chồng ơi!

Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

CUỐI TUẦN



Cuối tuần, cuối tháng rồi sao?
Cả cuối năm nữa, ôi chao là buồn!
Đã qua chớp bể, mưa nguồn
Đã trong giá rét, mưa tuôn...thế mà...

Tháng ngày vùn vụt trôi qua
Xác xơ trông ngóng em xa tít mù
Tàn thu, tàn thu, tàn thu...
Chỉ nghe vẳng tiếng chim gù...buồn tênh...
  
                             Thứ 6, 31/10/2014

BIỂN ĐÊM

Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

THÙY THỦ THƯ



        Đã hết giờ làm việc buổi sáng từ lâu mà ông Thi vẫn cứ ngồi giương cặp kính lão đọc tạp chí. Thùy hết đứng lại ngồi, vào lại ra, làm các động tác “gợi ý” để về mà ông ấy vẫn không “ý kiến” gì. Mọi người trong cơ quan về hết cả rồi. Phòng nào phòng ấy đã đóng cửa. Riêng cửa phòng thư viện vẫn mở toang. Trong phòng chỉ còn hai người: Thùy và ông nhà thơ tên Thi. Hôm nào cũng thế, ông này đến từ lúc cơ quan chưa có ai. Dựng chiếc xe đạp ở góc sân, thong thả lấy bao thuốc lá trong túi ra, rút một điếu, đảo đầu nọ đầu kia, gõ gõ mấy lần ông mới châm lửa hút. Ngậm điếu thuốc lá trên môi, ông nhẹ nhàng ngồi xuống ghế đá, khoan khoái thả khói lên trời. Phong thái rất ung dung tự tại. Về hưu rồi, có việc gì đâu mà ông phải vội.
Thú vui của ông Thi là đến cơ quan văn nghệ đọc sách báo xem tác phẩm của bạn bè văn chương. Và quan trọng hơn, ở đó có cô Thùy thủ thư cao ráo, xinh đẹp như người mẫu. Sáng nào cũng thế, chờ Thùy đến mở cửa, bước vào phòng xong, ông liền bước theo sau. Người đầu tiên “xông phòng thư viện” là ông. Được đọc sách báo, được ngắm người đẹp và tán gẫu với nàng thì còn gì bằng. Nhiều hôm, ông đọc sách báo thì ít mà ngắm trộm Thùy thì nhiều. Khổ thế. Cái thói đa tình của nhà thơ nó vẫn thế. Khối hôm ở thư viện hội về, ông gõ máy không kịp những tứ thơ vừa xuất hiện. Hôm nay cũng vậy, ông cố nán lại đây cũng từ cái ý ấy.
          Quá sốt ruột, chồng con ở nhà đang mong, cuối cùng Thùy phải lên tiếng: “Anh ơi! Hết giờ rồi, anh về nghỉ chiều lại đến đọc tiếp nhé! Em cũng phải về đây”. Ông Thi thoáng giật mình ngẩng lên. Nhướn cặp mắt dưới hai tròng kính lão, ông chăm chăm nhìn Thùy. “Ơ! Đã hết giờ rồi hả em? Nhanh thật. Lại phải xa em rồi!”. Ông Thi buông quyển tạp chí, bần thần tiếc nuối. Thùy cười cười. Hai tay nàng làm động tác thu dọn số sách báo trên bàn ngầm nhắc khéo ông Thi một lần nữa. Ông Thi đứng dậy, giơ tay ý chừng để bắt tay chào Thùy. Thói quen hồi đang chức ông không bỏ được. Thùy miễn cưỡng bắt tay ông. “Tạm biệt!”, ông Thi nói và bước thấp bước cao ra xe. Hơi ấm bàn tay Thùy làm cho ông lâng lâng.
          Từ ngày Thùy về công tác ở cái hội đặc thù này, không khí cơ quan sôi động hẳn lên. Bao nhiêu năm, ở đây toàn những vị nhiều tuổi. Họ hơi bị khác người. Bác thì tóc rậm, râu dài. Ông thì quần áo các kiểu, có phần luộm thuộm nữa. Các bá, các dì cũng xuê xoa, xồ sệ hết cả. Thế mà, đùng một cái, một cô gái đẹp như tiên sa về công tác bảo sao mà không khác lạ. Trẻ đẹp, duyên dáng, Thùy lại có nước da trắng hồng. Khuôn mặt trái xoan, đôi mắt thăm thẳm buồn cùng hai má bầu bĩnh với hai cái lúm đồng tiền chết người như hút hồn bao kẻ đàn ông háo sắc. Mái tóc Thùy đen nhánh xõa ngang vai, luôn bồng bềnh theo nhịp đi của nàng. Thùy cao một mét bảy, hơn mấy bác cùng cơ quan cả một cái đầu. Nàng mặc váy, chẳng cần đi tất, đôi chân nàng vẫn cứ nuột nà khiến ai đã nhìn rồi thì không thể nhìn đi chỗ khác được nữa. Cánh đàn ông xì xầm “sao lại có em chân dài ngon thế ở cái cơ quan này nhỉ?”. “Đúng là gái một con”. Cánh đàn bà thì...ngầm ghen tị. “Ngày xưa chúng tao đâu có kém”. 

Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

HÀM RỒNG



Một mình đứng giữa Hàm Rồng
Vắng em mây gió cũng không là gì
Sapa - cô gái đương thì
Còn tôi đá núi xanh rì rêu phong

 alt
 

Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

MÊ MẢI LẠC TRONG “LÔNG GÀ VÀ LÁ CHUỐI”



MÊ MẢI LẠC TRONG “LÔNG GÀ VÀ LÁ CHUỐI”

(Đọc “Lông gà và lá chuối” - Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh của Du An)

          Mỗi một người viết văn đều chọn cho mình một vùng đất để thể hiện trong văn chương. Hay nói chính xác ra chính vùng đất mà tác giả sinh sống đã ảnh hưởng, đã quyết định đến mạch nguồn cảm xúc, đến sắc màu tác phẩm văn học của mình. Vùng đất, nghề nghiệp của tác giả là những cái thể hiện rõ nhất, không thể giấu được, tạo nên sự thành công nhất qua mỗi trang văn của từng tác giả. Người ta thường gọi đó là dấu ấn vùng miền, dấu ấn nghề nghiệp. Sống thế nào thì văn thế ấy.
          Tập truyện ngắn “Lông gà và lá chuối’ (Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh - 2014) của Du An - hội viên Hội VHNT Điên Biên, có nhiều năm là giáo viên miền Tây Bắc cũng mang đậm dấu ấn vùng miền và nghề nghiệp của anh. Bao trùm xuyên suốt tập truyện là khung cảnh miền rừng núi Tây Bắc, là chuyện thầy trò vùng cao. 17 truyện ngắn trong tập thì truyện nào cũng “dính dáng” đến bản làng, nương rẫy và có đến 10 truyện viết về nghề giáo và giáo viên cắm bản. Hình ảnh thầy trò, trường lớp vùng cao với các góc cạnh được anh “cắp lớp”, “chiếu chụp” đưa thành truyện thật sinh động, hấp dẫn. 

Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

“MƯA DẮT NGANG CHIỀU” QUA MỘT RỪNG TỪ LÁY



“MƯA DẮT NGANG CHIỀU” QUA MỘT RỪNG TỪ LÁY
(Nhân đọc tập thơ “Mưa dắt ngang chiều” - Nxb Hội Nhà văn 2014 của Lâm Bằng) 
                                                           

          Để có bài thơ hay, người làm thơ phải tìm được tứ thơ độc đáo, tình thơ sâu lắng để từ đó triển khai câu chữ chuyển tải ý tưởng, tình cảm của mình. Công đoạn sắp xếp ý tứ, chọn câu, chọn từ thuộc về kỹ năng, nghệ thuật của từng người. Cũng tứ ấy, tình ấy nhưng người này được bài thơ hay, người khác thì chỉ được bài thơ nhàn nhạt, không tạo được ấn tượng gì. Làm thơ là nghệ thuật sử dụng câu chữ. Mỗi câu, mỗi chữ phải cân nhắc, chọn lọc sao cho đắc địa, trở thành “mắt thơ” làm cho câu thơ lấp lánh. Nhiều câu thơ lấp lánh sẽ có được bài thơ hay.
          Tập thơ “Mưa dắt ngang chiều” (Nxb Hội Nhà văn - 2014) của tác giả Lâm Bằng - Trưởng phòng Trị sự, biên tập viên tạp chí Xứ Thanh, Phó Trưởng Ban Thơ Hội VHNT Thanh Hóa là một tập thơ dụng công tu từ và đạt được hiệu quả khá rõ rệt. Anh có nhiều tứ thơ độc đáo, cảm xúc trào dâng khi viết, đến độ mê mị, nhưng anh lại rất tỉnh táo trong việc tu từ, chọn những từ đắt nên tập thơ rất ám ảnh. Bao trùm cả tập thơ là nghệ thuật dùng từ láy, mà lại là những “từ láy độc” nên bài thơ nào trong tập cũng hay, cũng ấn tượng, khiến người đọc phải ngỡ ngàng. 

Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

CÔ ĐÔI THƯỢNG NGÀN



         Bà Hà ở xóm Mai chết. Tin đó bỗng chốc loang ra cả làng Cổ Cò. Chẳng ai bất ngờ cả vì ai cũng đoán được kết cục này. Bị ung thư phổi, bà ấy trụ được gần năm thế là giỏi lắm rồi. Tốt thuốc, tốt chăm lắm rồi. Mấy tháng nay, nằm liệt giường liệt chiếu, ăn dầm đái dề, dở sống dở chết trông bà ấy tội lắm. Thôi thì đi sớm cho nhẹ mệnh. Cứ nằm thế bà Hà khổ đã đành mà cả đến con cháu người nhà cũng khổ. Nghĩ là thế nhưng ai cũng thương bà. Chết sớm quá. Mới có hơn bốn chục tuổi đời, vừa qua đận gian khó thì đã phải ra đi. Âu cũng là số phận. Chống sao được mệnh trời.
          Bên nhà ông Khắc có tiếng “pịt pịt”. Mọi người biết ngay là ông ấy chuẩn bị đi đám. Đó là tiếng khởi động của “con 81” ghẻ. Có lẽ nó là cái xe máy cổ nhất còn sót lại của làng Cổ Cò. Ngày trước nó long lanh lắm. Kim vàng giọt lệ. Cúp tôm, yếm trắng. Vỏ nhựa màu cọ rêu bóng loáng... Trông đã thèm chứ chưa nói là được cưỡi lên nó nhé. Thế mà bây giờ nó cóc cạy, bong tróc hết sơn, trơ bộ khung sắt sét gỉ vàng khè. Không yếm che, không đuôi xe. Hai cái lốp mòn trọc lốc tha hồ rung lắc đuổi nhau trên đường làng. Cái yên cũng rách nát, lòi cả miếng mút cao su xám xỉn ra ngoài. Trên đó là bộ mông rúm ró cùng cái lưng dài ngoẵng, cái đầu vênh vênh của ông Khắc. Xe ông Khắc đi đến đâu cả làng biết đến đó, ngay cả lúc khởi động. Có bận, ông ấy chào chủ nhà đến mấy lượt mà con xe vẫn cứ pịt pịt, pẹt pẹt mãi chẳng chịu nổ để ông về. 

THAO THỨC MÙA TƯƠNG



         Cả tuần nay, ông Thạo thao thức không sao ngủ được. Sau bữa tiệc bạn ông chiêu đãi chiều nay ở quán Tùng béo về, ông Thạo lại gần như thức trắng thêm một đêm nữa. Quán thằng ấy toàn tôm, cua, ốc, ếch mà đông khách thế cơ chứ. Nó kiếm đâu được loại tương khá ra phết, dẫu so với tương bố mẹ ông làm ngày xưa thì vẫn chưa bằng. Hay có lẽ, lâu ngày ông không ăn tương nên mới cảm thấy ngon đến vậy. Mà dạo này ti vi, đài báo hay nói đến chất hóa học, chất bẩn trong thực phẩm thế nhỉ? Cả chin-su, xì dầu có cái chất gì gây ung thư nữa cơ chứ? Sợ quá! Nhiều nhà xóm ông không dám mua nước chấm, chỉ dùng bột canh, muối trắng thôi. Có nhà đã chuyển sang dùng tương. Nhưng tương chợ nhạt thếch, lõng bõng chẳng ra làm sao cả. Thằng Tùng chẳng ta thán rằng kiếm được chai tương ngon bây giờ xa và khó lắm đó sao? Vậy thì tại sao ta không khôi phục lại nghề làm tương, cái nghề mà làng ông xưa kia đã sống nhờ nó, nổi tiếng nhờ nó? Nghĩ tới đó, mắt ông sáng lên trong đêm. Ông bật dậy gọi bà Thạo dậy cùng. Bà Thạo dụi hai con mắt ngơ ngác.
Ông thủ thỉ với bà những điều mà cả tuần nay ông đã trăn trở. Bà thấy không, chương trình nông thôn mới đã làm bộ mặt làng mình rạng rỡ hẳn ra. Đường nhựa, bê tông vào tận từng ngõ xóm. Nhà tầng thi nhau nâng cao. Khách sạn, nhà hàng, quán sá đua nhau mở. Nông thôn bây giờ có khác nào phố xá. Thế nhưng, tôi thấy có vẻ chưa ổn định, chưa vững chắc cho lắm. Việc làm vẫn là vấn đề nan giải phải không bà? Ruộng đất bị các dự án lấy gần hết. Lao động thừa ra. Người ta chạy khắp nơi tìm công ăn việc làm. Lên phố. Vào Nam. Ra nước ngoài. Ngay như thằng Thi, con mình, cũng Tây Nguyên, Sài Gòn mấy đận mà khi về vẫn cứ rỗng túi. Đến con dâu ông cũng dập dờn mấy bận định lên phố làm ô-sin. Tháng ba ngày tám làng vắng teo. Toàn ông già, bà cả với lũ trẻ con. Có lẽ đông đủ nhất, ồn ào nhất vẫn là mấy ngày Tết.

Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

NGUYỆT THỰC





Đêm qua nguyệt thực toàn phần
Trong đêm tối
Tôi thất thần
Tìm em
Xóm làng nháo nhác cả lên
Bao nhiêu thùng chậu, trống chiêng gõ dồn
Trong nhà, ngoài ngõ, cuối thôn
Chập cheng, chan chát, inh uôm, thì thùng...
Ngác ngơ ngõ hẻm, hang cùng
Sao rằm mà lại mịt mùng, nhá nhem?
Làng gọi trăng, tôi gọi em
Rạc chân, khản giọng bước đêm phạc phờ
Thế rồi như một giấc mơ
Trăng kìa!
Sáng quá!
Bất ngờ hiện ra...
Cả em nữa, cũng cười òa
Hú hồn tôi, cứ ngỡ là... mất nhau!

                    Nguyệt thực, Rằm tháng 9, Giáp Ngọ - 2014

Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

SỚM THU

                                


Sớm nay mới thực mùa thu
Gió hiu hiu thổi, sương mù giăng giăng
Nắng vàng như thể ánh trăng
Se se cái lạnh, dùng dằng lá rơi
Bỗng dưng hồn vía chơi vơi
Ngoài kia mùa cưới, em ơi, đã về!

Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

CÁI BỤI TRE



 
Con đường liên xã còn đúng đoạn qua nhà ông Bảo là xong. Tất cả tuyến dài gần chục cây số chạy dọc xã đều đã rộng rãi, rải nhựa át phan bóng lì, xe chạy êm ru. Ấy thế mà, đến đoạn này, nó bỗng khựng lại, chắn lù lù trước mặt là bụi tre to tướng của nhà ông Bảo. Cả đoạn gần trăm mét lổn nhổn đất đá, ổ trâu, ổ gà xe phải lựa bánh nhích từng tí một. Đã cho xe bò chậm như thế mà bụi vẫn cuốn theo bốc mù mịt. Hễ có trận mưa thì nó lầy lội làm cho cả người và xe ngã bì bạch. Có đứa học sinh quần áo lấm bê bết, phải quay xe về bỏ buổi học, đến tội. Rất nhiều người không chịu được đã chửi đổng nghe rất khó lọt tai. Vậy mà lão Bảo vẫn coi như không biết gì. Ban giải phóng mặt bằng của xã nhiều lần đến nhà lão vận động, thuyết phục, giải thích đền bù lão vẫn khăng khăng không chịu nhận bồi thường. Lão đòi giá quá cao, chẳng vào mức quy định nào cả. Thế nên, trục đường chính huyết mạch nằm trong chương trình xây dựng nông thôn mới của xã vẫn bị ách tắc, không thể khánh thành được.  
Lãnh đạo xã, thôn đau đầu về cái búi tre nhà lão Bảo. Có ý kiến dùng biện pháp cưỡng chế. Lại có ý kiến “thôi thì đáp ứng yêu cầu của ông ấy cho xong, cho nó được việc”. Tính đi tính lại cả hai phương án đều không phù hợp. Cưỡng chế thì đơn giản nhưng để lại dư âm không tốt cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Đã đành pháp luật là phải nghiêm minh nhưng chưa đến mức phải xử lý như thế. Nếu vận động thuyết phục được thì cứ cố gắng. Dân làng hàng xã cả, có phải người ngoài đâu mà hơi tí thì cưỡng chế. Họ chưa thông thì tiếp tục giải thích cho họ thông. Gì chứ được sự đồng thuận thì vẫn hơn. Còn phương án “cứ đền bù thỏa đáng” thì cũng không ổn. Được ông Bảo nhưng còn bao nhiêu hộ trước nữa, có hộ còn hiến đất làm đường thì sao? Ngộ nhỡ có ai đó theo ông Bảo đòi tính lại đền bù thì phức tạp thêm là cái chắc. 

Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

TIẾNG CHIM GÙ



   

Chỉ còn đây tiếng chim gù
Gọi người khản giọng, chiều thu héo tàn
Mưa đã tan, gió đã tan
Mà sao lòng dạ ngổn ngang thế này?

KHÓC EM RỂ

Mất 18h ngày 24-9-2014, tức mùng 01 tháng 9 năm Giáp Ngọ
alt

Thôi em nằm lại chốn này
Xác thân gửi đất, hồn bay về trời
Thế là xong một kiếp người
Thế là cát bụi, trời ơi, thế là...
Bỏ con, bỏ vợ, bỏ nhà
Bỏ lại tất cả...thế là em đi...
Biết là sinh ký tử quy
Vẫn đau cái khúc biệt ly quá chừng
Dọc ngang trời đất đã từng
Gian nan mặn muối, cay gừng mà thương
Một chân gửi lại chiến trường
Đạn bom một thuở kiên cường em tôi
Giờ em nằm ở góc đồi
Lạnh ba thước đất, hỡi ôi, còn gì?
Em về với cõi vô vi
Yêu thương gửi lại, độ trì vợ con...
Thôi đừng kèn trống nỉ non
Cho em yên nghỉ vẹn tròn giấc thu
Thôi đừng hương khói mịt mù
Để em nhẹ bước vân du đường trời
Thế là xong một kiếp người
Lạy em, lạy đất, lạy trời...mà đau...

Thứ Tư, 24 tháng 9, 2014

ĐAU MẮT ĐỎ

 

Bỗng dưng hai mắt đỏ lừ
Kèm nhèm toàn nhử nhức như gai cào
Mở ra không được, nhắm vào
Bút rứt, nhặm nhụa, nôn nao, bồn chồn...
Trời ơi! Cửa sổ tâm hồn
Ngóng em đỏ mắt, quá buồn mà đau...

Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

BÃO TAN

Bão đã tan rồi chỉ còn gió và mưa
Cẩn thận nhé em ơi kẻo sạt đường, lở đất
Dù đã cuối thu cũng xin đừng để mất
Tháng hạ, ngày xuân cùng điệu hát Lới lơ...

Bão đã tan rồi anh lại làm thơ
Xua đi gió mưa hong bao nhiêu kỷ niệm
Gọi nắng vàng lên và mong chờ em đến
Chút thơ tình dâng cho em cuối thu...
 
Hình ảnh: BÃO TAN

Bão đã tan rồi chỉ còn gió và mưa
Cẩn thận nhé em ơi kẻo sạt đường, lở đất
Dù đã cuối thu cũng xin đừng để mất
Tháng hạ, ngày xuân cùng điệu hát Lới lơ...

Bão đã tan rồi anh lại làm thơ
Xua đi gió mưa hong bao nhiêu kỷ niệm
Gọi nắng vàng lên và mong chờ em đến
Chút thơ tình dâng cho em cuối thu...

Thứ Ba, 16 tháng 9, 2014

MỜI ANH VỀ YÊN LẬP QUÊ EM




Vượt dốc Đá Thờ mời anh đến quê em
Yên Lập đây, núi rừng xanh ngút ngát
Khe Cháu, Khỉ Dòm...ầm ào con thác
Tiếng của đại ngàn ca hát đã ngàn năm

Đập Thượng Long, hồ Ly trong đêm trăng
Quê hương em đẹp bồng bềnh hư ảo
Xúng xính Mường, Dao khoe sắc màu váy áo
Điệu múa sênh tiền bao du khách nao nao

Tiếng trống, tiếng chuông theo điệu nhảy chênh chao
Đêm đâm đuống cả trời sao nghiêng ngả
Vũ điệu trống đu đưa anh về cõi lạ
Cần rượu cong rồi vít mi mắt em cong?

Em sẽ đưa anh về thăm Mỹ Lung
Thưởng thức dẻo ngon hương nếp thơm Gà Gáy
Cá Sỉnh Ngòi Lao ăn một lần nhớ mãi
Suối Tiên này đưa ta đi trong mơ

Yên Lập quê em thành nhạc, thành thơ
Bàn hùng ca chiến khu xưa Phục Cổ
Ngọc Lập, Xuân An...bao nhiêu địa chỉ đỏ
Truyền thống anh hùng năm tháng sáng ngời lên

Em dắt tay anh về thăm quê em
Yên Lập yêu thương ngày mỗi ngày đổi mới
Nắng gió vùng cao cùng nụ cười phơi phới
Nghiêng ngả rượu cần trong ánh mắt ta say...