Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (chương 15)



15
          Con đường về khu sơ tán khá xóc. Hai ven đường rặt những ổ bom bi. Cứ cách 5, 6 mét lại có một cái hố sâu như cái nón. Phải công nhận bọn Mỹ rải bom khá chuẩn. Cứ con đường nào cụt là chúng nhè vào thả bom. Có lẽ chúng đoán con đường ấy dẫn đến khu quân sự, kho tàng chăng? Hai cái làng nhỏ Ngọc Chúc, Phượng Hùng này ngoài quốc lộ 2 và bến phà ra không có đoạn đường nào mà chúng không rải bom.
          Hoàn xắn quần, phanh áo cắm cúi đạp xe. Đầu anh nghiêng bên nọ, bên kia, mông cong lên phởn chí đạp. Mái tóc khá rậm bờm lên bay trong gió. Vừa lượn xe tránh ổ gà Hoàn vừa huýt sáo. Thì có hôm nào anh cảm thấy tự hào như hôm nay đâu. Mình cũng được việc đấy chứ. Bí thư chi đoàn phải thế chứ. Thế mà bố mình lại cứ lo xa vớ vẩn. Cụ đúng là cổ quá. Thương con chẳng phải đường.
          - Cứu tôi với! Có ai ở trên đường không? Cứ…cứu!
          Hoàn thoáng giật mình nghe tiếng kêu. Anh chùng chân đạp nghiêng đầu nghe ngóng. Tiếng người kêu lại vọng tới:
          - Cứu tôi với! Làng nước ơi!

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (chương 14)



14
- Đứa nào kia? Mặc áo trắng thế để làm mồi cho máy bay à? Điếc hay sao mà không nghe kẻng báo động? Có xuống hầm ngay không chết bây giờ?
          Hoàn đang luống cuống ngó trước nhìn sau để tìm hầm trú ẩn thì tiếng ai đó từ mé đồi bên kia quát sang. Thực ra anh đã nghe thấy tiếng kẻng báo động và đã vứt vội chiếc xe đạp vào vệ đường rồi nhưng tìm mãi vẫn chẳng thấy cái hầm nào cả. Tiếng máy bay đã vút qua trên dầu. Hoàn lom khom chạy. Kinh nghiệm cho anh biết chỉ lát nữa thôi lũ máy bay này sẽ quay lại và thi nhau ném bom. Tổ cha chúng nó ngày nào cũng thế, từ 8-9 giờ sáng lại quần đảo cái làng này ven sông này.
          - Máy bay nó quay lại đấy. Thằng áo trắng kia, mày là gián điệp hay sao mà không tìm nơi trú ẩn? Định cho cả làng này chết cả à?
          Tiếng quát lại vang lên. Hoàn hoảng quá. Chân anh ríu lại. Hoàn lấy tay giật tung hàng cúc áo, cởi nó ra vứt vào bụi rậm. Tiếng máy bay rít lên to dần. Anh có cảm giác là nó đang nhằm mình lao xuống. Người anh run cầm cập. Vẫn không thấy cái hầm nào đâu cả. Cả cái làng Ngọc Chúc này lặng phắc. Chỉ còn lại tiếng máy bay đang gầm rú trên đầu.

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (chương 13)



13

          Thấm thoắt thế mà Huân và tổ công tác đã về Chí Đám được hơn 6 tháng. Mùa mưa bão đã qua. Rất may là vụ lũ lụt năm nay nước sông Lô không có gì ghê gớm lắm. Kế hoạch bốc dỡ đạn dược diễn ra suôn sẻ, kể cả những hôm có hàng “đặc biệt”. Suốt từ ngày về xã đến nay công việc cuốn hút anh bù đầu. Bọn Mỹ không ngày nào là không cho máy bay dội bom xuống làng Ngọc Chúc, Phượng Hùng. Đánh hơi được đây là điểm chu chuyển vũ khí quan trọng của ta, chúng cứ nhè quốc lộ số 2, bến phà, cầu phao, dãy núi Gò Cả, Hang Khay, đồng Guốc, đồng Sảng, làng Phượng Hùng, xóm Gò Măng mà ném bom. Trong khi đó hàng của ta xếp sờ sờ hàng chục đống, chất cao như mái nhà, nằm rải rác trong làng Ngọc Chúc ven sông Lô, nơi mà chúng không ngờ tới nhất thì vẫn an toàn vô sự. Kỳ lạ nhất là bao nhiêu đạn dược xếp cao mấy đống xung quanh ngôi đền cổ sát ngay bến phà cũng vô can. Phải chăng thần thánh cũng phù hộ cho dân làng Ngọc Chúc nói riêng và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta nói chung?
Ngày Huân chỉ huy tránh bom Mỹ, tối lại cùng dân quân vác đạn. Không tối nào được nghỉ. Đêm về lăn lưng ra là ngủ. Có đêm anh ngủ trong nhà bà Sự. Có đêm Huân lại chui ngay vào trong lều bạt, nằm lăn ra trên hòm đạn mà ngủ. Thói quen ghi nhật ký, làm thơ của anh chẳng duy trì được nữa. 

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (chương 12)



12

          Đang trong khu sơ tán thì Phương nghe thấy tiếng kẻng. Theo phản xạ, cô dỏng tai nghe ngóng. Không phải kẻng của trạm gác phòng không trên đỉnh Hang Khay. Tiếng kẻng này từ làng Ngọc Chúc vọng tới. Phương chăm chú lắng nghe. Vừa dứt một hồi thì tiếng kẻng trở lên dồn dập. Báo động! Đúng là tiếng kẻng báo động rồi! “Keng… keng keng, keng… keng keng…”. Nhịp đánh ngũ liên này đích thị là báo động thật rồi! Nhưng mà báo động cái gì nhỉ? Hay là cháy nhà ai? Bà Thinh cũng nhớn nhác.
          Phương nói với mẹ:
          - Con phải về trước đây mẹ ạ. Không biết họ báo động cái gì cơ chứ?
          Bà Thinh lo lắng:
          - Con phải cẩn thận đấy.
          - Mẹ yên tâm. Không phải báo động máy bay đâu. Chắc có việc gì gấp nên xã đội người ta mới gõ kẻng đấy. Thôi, tối nay mẹ ở với bá Thi, đừng về nữa. Một mình con về cũng được.
          Phương vừa quay đầu chiếc xe đạp vừa nói với mẹ. Chiều nay, lúc ở dưới đồng lên, cô đạp vội xe vào đây để đón mẹ về nhà. Mấy ngày nay nó đánh dữ quá nên mọi người đều phải đi sơ tán. Riêng B dân quân và chi đoàn thanh niên vẫn bám làng trực chiến và sản xuất. Bà Thinh nhớ nhà quá chỉ muốn về. Bà nhắn mấy người bảo Phương vào đón bà, cho bà về nhà một đêm. Thế mà chưa kịp về đã lại báo động.
- Con Phương nó nói phải đấy. Dì đừng có về làng bây giờ, nguy hiểm lắm. Dì về chỉ vướng cẳng nó thôi. Cứ ở đây với vợ chồng tôi. Có gì nó sẽ thông tin cho sau.

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (chương 11)



11

          Lão Phia lọc cọc đạp chiếc xe đạp vào khu sơ tán. Chiếc túi dết đeo bên hông lão đựng đầy máy lửa, kim, chỉ, xà phòng, mì chính và cả thuốc lá nữa. Không hiểu bằng cách nào mà lão lại kiếm được toàn những thứ quý hiếm như thế để bán lẻ kiếm lời. Rất nhẹ nhàng mà lãi lại cao. Có người bảo lão thân quen với mấy vị thương nghiệp huyện xin được chỉ tiêu hàng cung cấp. Những vị thạo tin hơn thì nói rằng lão có mối là con mẹ goá, nhân viên cửa hàng mua bán huyện tuồn hàng ra cho lão. Nhìn lão không ai bảo rằng lão đi buôn. Xe đạp Phượng hoàng màu cánh chả mới coóng. Đài đeo bên hông nói oang oang dọc đường. Lão lại ăn mặc khá tươm tất cứ như là đang đi họp huyện vậy. Cán bộ xã khối người không theo kịp lão.
          Thời chiến hàng họ khan hiếm, đến cái kim, sợi chỉ người ta cũng đem phân phối. Càng hiếm hàng, lão càng dễ buôn bán. Cứ tinh mơ sáng là người ta thấy lão đạp xe sang phà xuống huyện rồi mãi đến chiều tối mới thấy lão về khu sơ tán. Khi mọi người đang lục tục gọi nhau về làng thì lão đón đường rao hàng bán lẻ cho họ. Toàn thứ hàng phân phối, ai cũng có nhu cầu nên việc bán mua của lão rất nhanh. Thì ở làng này chỉ có lão làm việc đó chứ có còn ai nữa đâu mà chả buôn bán nhanh? Mặc cho dân làng vừa tránh máy bay vừa lo công điểm hợp tác lão cứ đi buôn. Ông Trung, đội trưởng mấy lần cảnh cáo lão về việc thiếu nghĩa vụ công điểm lão chỉ cười trừ. Lo gì, mai kia cân đối lương thực giỏi lắm các ông liệt tôi vào hạng đong giá cao là cùng chứ gì? Giá cao thì giá cao, ông đếch sợ. Mấy ngày buôn của ông là xong hết. Tiền. Có tiền là có tất cả. Đi làm chày chãy cả ngày ngoài đồng mới được chín, mười điểm, mai kia công lại chỉ đạt có dăm bảy lạng thì có hoạ mà ăn cháo. Rồi biết đâu đang phơi lưng giữa đồng máy bay nó đến chạy không kịp, trúng bom tan xác như bà Dương thì có phải phí đời không? Thế cho nên thượng sách là chỉ có đi buôn. Vừa nhàn nhã, an toàn lại vừa tiền tươi thóc thật. Lão thấy mình khôn hơn bao nhiêu người của làng. Làng này chỉ có lão Phơ là hiểu mình. Nghĩ vậy lão thò tay vặn chiết áp của chiếc đài bán dẫn bên hông cho nó nói to lên. 

Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (chương 10)



10

          Ban chỉ huy xã đội đau đầu vì mật độ đánh phá của máy bay Mỹ ngày càng dày hơn. Những ngày đầu nó chỉ đánh khoảng hai, ba mươi phút buổi sáng thôi nhưng càng về sau nó càng kéo dai. Có sáng nó “chơi” đến gần tiếng đồng hồ. Có hôm nó đánh cả buổi chiều. Nhiều đêm ngủ cũng không yên vì chúng nó. Nhiều loại bom mới đã xuất hiện, trong đó tai hại nhất là cái thằng bom bi. Bom bi rải khắp ruộng, khắp đồi, chỗ nào cũng chi chít hố bom. Mà mả cha chúng nó chứ, thả bom gì mà nó tính toán cứ vuông như mắt sàng. Mỗi mắt sàng một quả bom. Bom lớn bom bé, bom mẹ bom con như ngô rang quãi vung vãi khắp cả. Cây cối xác xơ, tướp hết lá vì bom. Lợn, gà, trâu, bò chết la liệt cũng vì bom.
          Từ trên trạm gác phòng không, tổ trực chiến quan sát thấy những chùm bom máy bay thả xuống lừng lững hàng xâu hàng xốc đen ngòm cả một khoảng trời. Gần tới mặt đất thì từng quả lại tự nhiên bung ra thành hai mảnh và tung ra hàng trăm quả bom con khác. Những quả bom con đó chạm đất lại nổ ra hàng ngàn, hàng vạn viên bi tung toé. Có nhiều quả bom con không kịp nổ nằm lăn lóc khắp nơi. Nguy hại chính là cái lũ này. Lũ bom con có hình dáng trông như những quả trẩu, khá xinh xắn rất dễ cho trẻ con nhặt đùa nghịch. Lúc đó nó mới nổ, chết người như bỡn. Vô phúc ai cày cuốc hoặc vô tình đá phải thì cũng cầm chắc cái chết. Chính vì vậy mà chẳng ai dám đi đâu, làm gì trong vùng bom bi nữa. Cứ tình hình này thì sản xuất sẽ bị ngừng trệ hết. Làm thế nào để giải quyết được lũ bom tai quái này? Câu hỏi đó không chỉ đau đầu lãnh đạo xã, ban chỉ huy xã đội và toàn thể người dân hai làng Ngọc Chúc và Phượng Hùng.   

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (chương 9)



9

          Cơm tối xong, ông Phơ bảo đứa con gái út trải chiếu ra hè, mang ấm chén, điếu cày để ông ngồi hóng mát. Xúc miệng òng ọc xong, ông nhổ toẹt ngụm nước ra phía sau rồi vớ cái điếu cày nạp thuốc. Rít một hơi rõ dài rồi ông khoan khoái chụm miệng nhả khói lên trời.
- Mẹ bố nó chứ. Trời với đất. Nóng thế không biết.
Ông vớ cái quạt lá cọ quạt phành phạch. Không một tí gió. Trời oi nồng ngột ngạt đến khó chịu. Hình như sắp có bão. Buổi chiều lũ chuồn chuồn bay hàng đàn sát mặt đất. Bây giờ lũ mối ở đâu ra như vỡ tổ cũng kéo đến thi nhau lao vào chiếc đèn chai đang treo trước cửa. Nhiều con chết lăn xuống sân vơ lại có hàng đống. Mà dạo này sao lại khó mưa đến thế. Gần hết tháng sáu rồi mà chân ruộng vàn cao vẫn bị hạn nứt nẻ không làm sao mà cấy được. Bão thì bão mẹ nó đi cho ông nhờ. Đang cần nước để cấy nốt chân cao đây. Nghĩ thì nghĩ vậy chứ hợp tác họ lo nhiều chứ ông Phơ lo mấy. Có cái nó nóng quá khiến ông bực cả mình.
Rít tiếp điếu thuốc lào thứ hai, ông Phơ gọi đứa con gái út:
- Hương! Xem anh Hoàn mày đâu gọi về cho bố bảo.
Hương đang cùng mẹ rửa bát ngoài giếng nói vọng vào:
- Anh Hoàn anh ấy đi vác đạn rồi. Hình như ra đến cổng rồi bố ạ.
- Ra gọi ngay anh mày về, bỗ có việc.
Ông Phơ giục. Hương bỏ dở đống bát đó cho mẹ rồi le te chạy ra cổng. Hai anh em Hoàn về. Hoàn ngạc nhiên hỏi ông Phơ:
- Có việc gì thế bố?
- Mày cứ ngồi đây rồi tao khắc nói.
Ông Phơ chỉ Hoàn góc chiếu trống. Hoàn vẫn đứng ở giữa sân:
- Có việc gì bố nói nhanh lên để con còn đi vác đạn.
- Đạn với bom gì! Ở nhà. Tối nay tôi cần nói chuyện với anh.
Ông Phơ đổi cách xưng hô và xẵng giọng với Hoàn.
Hoàn phụng phịu miễn cưỡng ngồi xuống. Ông Phơ rề rà:
          - Dạo này bọn Mỹ đánh ác quá. Không ngày nào là nó không dội bom xuống làng mình. Đúng không?
- Thì vẫn - Hoàn chỏng lỏn - Nó đánh thì kệ nó. Thành quy luật rồi, mình cứ tránh cái giờ đó ra mà làm. Có sao?
Ông Phơ vẫn thủng thẳng:
- Vẫn biết thế. Nhưng mà sau cái hôm ông Tộ, bà Dương chết, lại thêm mấy người nữa thiệt mạng. Tao lo lắm. Cứ cái đà này thì chẳng biết thế nào được.
Ông bỏ lửng câu nói ở đó nhìn Hoàn thăm dò. Hoàn sốt ruột:
- Thế bố định thế nào?
Ông Phơ chớp lấy câu hỏi của Hoàn ngọt nhạt:
- Bố tính con lên chỗ hai anh làm mộc ở Sơn La lánh một thời gian xem sao? Ở nhà bố mẹ với em Hương đã đi sơ tán rồi. Ban ngày nhà mình ở tất trong khu sơ tán chỉ còn có mỗi con là ở ngoài này. Bố lo lắm. Chả lẽ con lại đi sơ tán nốt thì lũ thanh niên nó nói cho. Cho nên, bố nghĩ rồi, tốt nhất là bố lấy lý do cho con lên Sơn La là ổn. Cái nhà lão Phia kia cũng tính đưa cả nhà về quê vợ trên đó đó. Ở trên ấy máy bay Mỹ nó không đánh tới đâu, chứ ở dưới này bom rơi đạn lạc biết thế nào được?

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (chương 8)



8

          Trận bom đầu tiên dội xuống xã Chí Đám vô cùng ác liệt. Mặc dù đã được quán triệt từ trước và đã chứng kiến những xã xung quanh bị máy bay Mỹ đánh phá nhưng mọi người đều không khỏi bàng hoàng. Bảo bị bất ngờ ư? Không đúng. Vì tất cả đều đã chuẩn bị sẵn sàng vào cuộc từ lâu rồi. Đảng uỷ, uỷ ban, xã đội, rồi các hợp tác xã, các ban, ngành đoàn thể đều đã được triển khai quán triệt chỉ thị của cấp trên, đã chuyển trạng thái từ thời bình sang thời chiến. Ấy vậy mà khi loạt bom đầu tiên nổ rung chuyển đất làng mình mọi người vẫn không khỏi bàng hoàng. Có người vẫn còn nửa tin nửa ngờ cho rằng nó ném bom vào xã bên kia chứ không phải xã mình. Chỉ đến khi loạt bom thứ hai dội xuống, căn hầm của mình chao đảo rung lên thì họ mới tin rằng đó là sự thật.
 Vừa dứt tiếng kẻng báo yên tất cả mọi người trong xã đều hướng về làng Ngọc Chúc. Số người đi sơ tán hớt hơ hớt hải chạy về làng. Ai nấy đều sốt ruột xem lại nhà cửa của mình có bị gì không. Đặc biệt những nhà có người thân chưa đi sơ tán lại càng lo gấp bội. Người nọ trồ vào người kia hỏi nhau nháo nhác. Cánh dân quân từ bến chạy về cũng ríu hết cả chân.
          Phương gặp mẹ ngay trên đường. Bà Thinh đầu tóc rũ rượi cũng đang lao ra bến để tìm Phương. Bà sờ khắp người đứa con gái yêu của mình xem có bị gì không. Đến khi tin chắc rằng Phương vẫn nguyên lành thì bà ôm chầm lấy cô. Hai mẹ con cùng khóc. Mãi một lúc sau, cô mới nói với mẹ: “Bây giờ mẹ hãy về nhà đi. Con còn phải cùng anh em dân quân đi kiểm tra xem làng xóm có ai bị sao không”. Nói đoạn, cô buông mẹ chạy về xóm Đầu Cầu. Bà Thinh dặn với theo: “Hãy cẩn thận đấy. Nhớ về ăn cơm trưa, mẹ chờ”. 

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (chương 7)



7

Gà vừa mới gáy canh hai đã nghe thấy tiếng ông Thạc oang oang từ đầu xóm:
- Đắn ơi! Dậy ra bến nhé!
- Bà Thinh ơi! Gọi giúp tôi cô Gái dậy để đi nàm dân quân nhé.
- Côi ơi! Dậy chưa? Đi thôi! Nhớ gọi chúng nó đi cùng đấy!
Ông Thạc đạp cái xe lọc cọc, đến cổng nhà nào là ông vừa ngồi trên xe vừa réo tên người nhà đó. Tiếng chó sủa ăng ẳng suốt dọc đường từ đầu xóm đến cuối xóm theo bước xe của ông. Rồi tiếng người í ới gọi nhau, tiếng gà râm ran gáy, lũ chó được thể thi nhau sủa vang cả làng. Làng Ngọc Chúc bị đánh thức. Lão Phia vừa chợp mắt bị những âm thanh đó dội đến bực bội nói một mình: “Mẹ cha chúng nó chứ. Ngủ cũng không yên!”.
Bến Đền Mom và Bến Xưởng rầm rập bước chân và ồn ào tiếng người. Theo kế hoạch, sáng nay dân quân xã tổ chức sửa sang cả hai bến, chuẩn bị lối lên xuống bốc đạn. Ông Thạc, ông Chi, Phương và Huân đang hội ý để phân công công việc. Đêm về sáng khá lạnh. Trăng cuối tháng mảnh mai ở góc trời. Ngã ba sông bát ngát ánh trăng. Phía bên Hữu Đô làng chài vẫn ngủ yên. Có chiếc thuyền ai đi đánh cá sớm khua mái chèo làm cho sóng nước vỗ vào bờ nghe róc rách, ì oạp. Làn sương mỏng trên sông gợi cho người ta cái cảm giác lành lạnh mờ ảo. Dưới bến lũ thanh niên chí choé trêu chọc nhau.  

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (chương 6)



6

Vừa chập tối, Hoàn đã đạp xe đến nhà bà Thinh. Anh ăn mặc khá gọn gàng, đầu tóc chải bóng lộn, sực nước hoa thơm phức. Áo pupơluyn trắng sơ vin bỏ vào trong chiếc quần simili màu cỏ úa là thẳng cứng. Hoàn đi đôi dép nhựa tiền phong trắng nom thật oách. Cả làng Ngọc Chúc này hiếm có thanh niên nào đủ bộ áo cánh như thế. Không tối nào là Hoàn không có mặt ở nhà bà Thinh. Anh đến đó để lân la tán tỉnh Phương. Tối nay, ngoài lý do chủ yếu đó, Hoàn còn tổ chức cuộc họp chi đoàn để triển khai kế hoạch của xã về chuyển trạng thái sang thời chiến. Cho nên Hoàn đã đến sớm hơn mọi khi.
Nhà bà Thinh ở ngay bến sông, cạnh cây si già cao nhất nhì xóm. Một căn nhà gỗ ba gian lợp lá cọ khá xinh xắn. Tuy nhà chỉ có hai mẹ con nhưng nhà bà lúc nào cũng có khách, nhất là vào buổi tối, đặc biệt là lũ thanh niên. Họ đến đó vì nhà bà lúc nào cũng sạch sẽ, ngăn nắp, tính bà lại xởi lởi, hiếu khách. Hơn nữa, cô con gái của bà vừa xinh đẹp, nết na lại vừa duyên dáng hiền thảo. Bạn trai, bạn gái của con gái bà thường lấy nhà bà làm địa điểm hò hẹn nhau, trò chuyện tâm sự sau một ngày lao động vất vả. Nhà bà luôn đầy ắp tiếng cười và tự nhiên thành “trụ sở” của thanh niên làng Ngọc Chúc.
Bà Thinh đang lúi húi ở bếp đun nước. Bao giờ cũng thế, cứ biết có cuộc họp chi đoàn hay B dân quân là bà lại chuẩn bị nồi nước chè xanh rõ to. Tiếng củi nổ lách tách hắt ánh lửa ra sân sáng cả một vùng. Hoàn xăm xoe đi vào bếp hỏi thay cho lời chào:
- Bá Thinh ạ! Nhà mình ăn cơm chưa hả bá?
- Anh Hoàn à? Nhà tôi ăn rồi. Tối nay họp chi đoàn phải không? Tôi thấy con Phương nó bảo thế?
- Vâng ạ. Thế em Phương đâu rồi hả bá?
- Em nó đang tắm. Mời anh lên nhà xơi nước.
- Vâng ạ. Bá mặc cháu. Mà bá đang đun nước à? Để đấy cháu trông cho.
- Thôi, anh cứ kệ tôi. Quần áo thế mà vào bếp thì nhọ nhem trông làm sao được.
Bà Thinh vừa dun củi vào bếp vừa nhìn Hoàn nói. Hoàn hơi lúng túng, anh chống chế:
- Chẳng sao đâu bá ạ. Bẩn lại giặt, lo gì.
Như để chứng minh cho câu nói của mình, Hoàn loe xoe đến bên bếp lửa định ngồi xuống. Bà Thinh thấy thế vội gàn lại:
- Ấy ấy, mặc tôi. Anh lên xem ấm chén bàn ghế trên nhà đi. Nồi nước cũng sắp sôi rồi. Tôi đun ù tí là xong bây giờ mà.

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (chương 5)



5
           
          Sáng nay, Huân và ông Chi, xã đội phó, cùng hai chiến sỹ Hiến, Tiến đi kiểm tra lại bến bãi chuẩn bị cho việc tăng cường tiếp nhận và bốc dỡ đạn dược. Làng Ngọc Chúc nằm dọc bờ sông Lô kéo dài đến cửa sông Chảy, suốt từ Bến Xưởng xuống đến Đền Mom cây cối um tùm rất thuận tiện cho việc chuyên chở và cất giấu vũ khí. Nguyên khu Cửa Đình đã có bốn cây đa to, rồi còn những cây si, cây sung khác cũng đều sum suê cành lá. Cây si ở sau Đền xanh ngắt quanh năm, tán lá rộng hàng trăm mét vuông, bóng trùm kín ngôi đền tha hồ cho dân làng ngồi nghỉ hóng gió sông Lô những trưa hè tới. Xung quanh làng, luỹ tre xanh bao bọc toả bóng ôm ấp những ngôi nhà mái rạ, mái tranh. Đứng từ xa nhìn tới hoặc từ trên cao nhìn xuống người ta thấy làng Ngọc Chúc như một khu rừng bên bờ ngã ba sông. Trên bến dưới thuyền, giọng hò, câu hát, tiếng những người giặt giũ í ới gọi nhau vang động cả dòng nước. Làng quê rợp bóng cây xanh, yên ả, thanh bình soi bóng xuống dòng sông Lô trong xanh lộng gió.
Huân nhìn mấy cây sung to cành lá trùm cả xuống sông nói với ông Chi:
          - Chỗ này cho xà lan ẩn náu khi có máy bay địch thì chỉ có nhất.
          - Thì hơn năm nay rồi đạn dược mình chất đầy ra đấy mà thắng máy bay Mỹ nó có phát hiện ra đâu.
          Ông Chi đưa tay chỉ ra đống hòm đạn chất chềnh ềnh cao như cái nhà giữa bãi soi nói với Huân. Huân nhìn vậy thoáng nhíu mày có vẻ lo lo. Sao lại chủ quan thế không biết? 

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (chương 4)



4

          Trung đội dân quân làng Ngọc Chúc do Phương làm B trưởng đa số là thanh nữ và một vài ông trung niên. Cánh thanh niên đều đi bộ đội và ra mặt trận hết. Mấy năm nay trai làng thi nhau nhập ngũ. Làng bây giờ còn lại toàn đàn bà và trẻ em. Cho nên mọi việc lớn bé trong làng đều do phụ nữ và một số đàn ông trung niên đảm nhận. Mấy tay thanh niên còn lại ở làng thì một là đối tượng miễn hoãn nghĩa vụ quân sự, hai là có tật bệnh gì đấy mà quân đội không thể tuyển được. Một số rất ít khác thì vì những lý do “tế nhị” mà qua các đợt tuyển quân họ vẫn ở nhà. Tất cả số này là của “quý hiếm” trong làng. Có việc gì nặng nhọc là người ta vẫn gọi đến họ. Dù sao thì “yếu trâu vẫn còn hơn khoẻ bò”.
          Phương là con liệt sỹ. Bố cô đã hy sinh ở Điện biên năm 1954 để lại người vợ trẻ và một đứa con gái. Mẹ cô đứng vậy nuôi con từ lúc Gái mới mười một tuổi. Vào lứa tuổi dậy thì, Phương càng phô bày vẻ đẹp. Phương không đẹp rực rỡ, kiêu sa như một số cô gái khác, cô đẹp một cách chân quê, dịu dàng, thầm kín. Dáng người đậm đà. Gương mặt trái xoan. Tuy lam lũ sông nước, ruộng đồng nhưng nước da của Phương bao giờ cũng trắng hồng. Do mồ côi bố từ nhỏ nên Phương vừa có sự cứng rắn như một đấng nam nhi, mặt khác ở cô cũng có cả sự dịu dàng duyên dáng rất nữ tính. Nếu bị kẻ nào sàm sỡ, trêu chọc Phương sẵn sàng lên lớp cho người đó biết mặt. Ngược lại, khi ai đó có đùa bỡn một câu bóng gió xa xôi thì Phương e thẹn cúi đầu, đôi má ửng đỏ.
Năm nay Phương đã hai mươi hai, cái tuổi khá “cứng” của đời người con gái làng Ngọc Chúc. Xinh đẹp, giỏi giang như vậy mà tại sao Phương vẫn chưa đi lấy chồng? Hơn nữa, Phương hoạt động xã hội rất sôi nổi? Phải nói cô rất có khiếu về lĩnh vực này. Chả thế mà cô được đảng uỷ, uỷ ban xã giao cho cái chức B trưởng dân quân một B đầu sóng ngọn gió, trong khi đó có đến ba, bốn thanh niên trai tráng khoẻ mạnh khác ở nhà. Nhiều người đến làng, nhất là mấy anh bộ đội trên nhà máy Z vẫn thường đặt câu hỏi như thế về Phương. 

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (chương 3)



3

          Cuộc họp đột xuất của ban chỉ huy quân sự xã tối nay được tổ chức ngay tại nhà bà Sự. Người đầu tiên đến là ông Thạc. Ông dựng chiếc xe đạp “Stec ling” đầu vênh của mình ngay trước sân rồi vào nhà. Ông Hiếu rót nước mời ông Thạc:
- Có việc gì quan trọng mà họp gấp thế hả ông xã đội?
- Vâng. Có việc quan trọng thì mới họp chứ. Gấp lắm ông ạ. Công việc thời gian tới sẽ bù đầu cho mà xem. À, thế bảo có mấy chú bộ đội về ở nhà mình đã về chưa hả ông?
- Về rồi. Các chú ấy đang tắm ngoài giếng ấy.
- May quá. Trên thông báo là sẽ có người bổ sung, thế mà đúng thật. Quân đội có khác. Tác phong ghê.
Ông Thạc móc túi lấy bao thuốc lá. Ông nghiện thuốc lá nặng. Ông lấy ra một điếu rồi bẻ nó làm đôi. Đút nửa điếu vào bao, còn nửa điếu kia ông châm lửa hút. Thuốc lá hiếm, sổ nghiện ông hút cũng không đủ phải mua thêm thuốc ngoài. Bình quân mỗi ngày ông Thạc phải hút hết một bao Trường Sơn. Loại Trường Sơn đen thôi. Mỗi lần hút ông chỉ hút có nửa điếu. Thèm lắm nhưng cũng phải chia nó ra cho đều trong ngày. Hai đầu ngón tay (ngón cái và ngón trỏ) của ông cháy xém, vàng khè. Nhìn ông rít thuốc đến người không nghiện cũng phải phát thèm, nhất là khi điếu thuốc chỉ còn có một đoạn cháy đỏ đến đầu ngón tay. Ông bóp hai đầu ngón tay mím điếu thuốc lại bẹp dí rồi cho nó vào miệng, roe môi ra và rít lấy rít để. Hai má ông tóp lại. Miệng ông vẩu ra. Điếu thuốc đỏ lừ đến nỗi không còn gì để cháy thêm nữa thì ông mới vứt bỏ nó. Thậm chí có bận, ông còn cố tình lấy giấy cuốn nối thêm vào điếu thuốc để rít cho bằng hết thuốc mới thôi. Ông Thạc có kiểu thả khói thuốc lá rất điệu nghệ, những chữ o vòng trên vòng dưới cuốn vào nhau bay lên lượn lờ như rồng múa. Hai mắt ông lờ đờ nhìn theo làn khói bay một cách khoan khoái. Cánh thanh niên một số đứa ti toe học theo nhưng không được. 

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (chương 2)



2

- Huân, cháu chạy lên làng Đám xem việc chuẩn bị trận địa thuỷ lôi giả của du kích xã đến đâu rồi về báo cáo ngay cho chú nhé. Gặp anh Diệm chủ tịch mặt trận Việt Minh ấy, nghe chưa?
Ông Doãn Tuế ra lệnh cho Huân. Huân đứng nghiêm, một tay cậu đưa lên ngang đầu chào theo kiểu nhà binh:
- Báo cáo thủ trưởng, rõ!
Ông Doãn Tuế cười, xoa đầu Huân:
- Ra dáng gớm nhỉ? Nhanh nhanh về báo cáo cho chú biết ngay nghe.
Huân ba chân bốn cẳng chạy ù đi. Cậu ta vui lắm. Từ ngày theo các chú bộ đội, giữ chân liên lạc đến đợt này là Huân vui nhất. Huân vui vì được trực tiếp tham gia chiến đấu trả thù cho gia đình, cho làng bản. Lòng căm thù giặc đến cháy bỏng của cậu sắp được biến thành hiện thực. Nghĩ đến cái ngày giặc Pháp đốt làng, giết hết những người thân của Huân mà Huân cảm thấy uất nghẹn lên tận cổ.
Hôm ấy cũng như bao ngày khác, cái bản nhỏ của Huân nằm cheo leo trên sườn núi vẫn bình yên đón một ngày mới. Khi Huân chuẩn bị lên rừng thả trâu thì bất ngờ  lù lù một đoàn xe tăng thiết giáp của giặc kéo lên. Chúng chia quân lùng sục bắt bớ dồn tất cả những người trong bản ra tập trung tại gốc si giữa làng. Trẻ già, trai gái một xâu một xốc mấy chục con người sợ hãi bước đi trước mũi súng kẻ thù. Chúng tra khảo tìm kiếm cán bộ cách mạng. Không ai hé răng nửa lời. Bọn chúng điên tiết đốt phá hơn chục ngôi nhà trong bản. Vẫn không ai nhúc nhích. Cuối cùng, lũ chó săn ấy đã điên cuồng nổ súng vào đoàn người. Bố, mẹ, anh em, người thân, hàng xóm của Huân trúng đạn ngã xuống. Huân cũng bị một viên đạn vào đùi gục xuống trong vòng tay của mẹ. Huân mê man bất tỉnh. Mãi đến đêm, Huân mới tỉnh lại. Cậu ngơ ngác giữa các chú bộ đội xung quanh. “Sống rồi!”. Tiếng ai đó cất lên. Về sau, Huân được biết bản của cậu đã bị giặc Pháp đốt sạch, giết sạch, may mà cậu được mẹ chở che nên vẫn còn sống sót. Và Huân, cậu bé mười một tuổi ấy đã mất hết cha mẹ, người thân, mất cả bản làng yêu dấu bước chân vào bộ đội đi kháng chiến với một mối thù giặc hơn bất cứ một người nào. Huân được các chú bộ đội cưu mang, dạy dỗ quý như con, như em của họ. Lần này theo đơn vị về Tiên Phong triển khai kế hoạch đánh Pháp, chặn bước chân của chúng lên chiến khu Việt Bắc, Huân cảm thấy hăng hái vô cùng. Phải đem hết sức mình vào trận đánh này để trả thù cho cha mẹ, cho quê hương. Huân không nề hà một việc gì khi chỉ huy đơn vị giao cho.

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (Chương 1)



1

          Nhận được lệnh điều động của cấp trên, Huân cùng Hiến, Tiến hăm hở lên đường. Ba người súng ống, ba lô, quân tư trang nghiêm chỉnh từ Bắc Thái vượt đèo Khế, qua Tuyên Quang, theo quốc lộ 2 về Đoan Hùng. Kể từ cái hôm đơn vị Huân tháo pháo rút khỏi trận địa bên bờ sông Lô đến giờ thấm thoắt đã hai mươi năm. Hai mươi năm biết bao nhiêu thay đổi. Huân từ một cậu bé liên lạc loắt choắt nay đã là trung uý sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam. Ba mươi mốt tuổi rồi còn gì. Vừa ra khỏi cuộc kháng chiến chống Pháp chưa được bao năm, dân tộc ta lại bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Ở miền Bắc còn được mấy năm hoà bình nhưng miền Nam thì chưa một ngày ngơi tiếng súng. Chiến tranh nối tiếp chiến tranh, Huân chưa kịp nghỉ ngơi, chưa kịp chuyển ngành thì anh được quân đội giữ lại. Tốt nghiệp trường sỹ quan anh lại tiếp tục theo con đường binh nghiệp. Hôm nay, về nơi sông xưa bến cũ lòng Huân cảm thấy hồi hộp vô cùng.
Bấy giờ là mùa hạ năm 1967. Giặc Mỹ đang mở rộng chiến tranh leo thang đánh phá miền Bắc. Mục tiêu của chúng là làm suy yếu hậu phương của ta, cắt đứt các tuyến đường giao thông tiếp tế cho miền Nam. Cho nên cầu, phà, đường bộ, đường sắt, cả đường sông nữa đều là mục tiêu đánh phá hàng đầu của chúng.
          Đoan Hùng là một huyện nằm ở phía bắc của tỉnh Phú Thọ, là điểm nút giao thông quan trọng cả đường sông và đường bộ nối liền thủ đô và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ với các tỉnh trung du, miền núi Việt Bắc, Tây Bắc. Về đường bộ có quốc lộ 70 từ Lào Cai về gặp quốc lộ số 2 tại trung tâm của huyện. Về đường sông, Đoan Hùng là nơi gặp gỡ của hai con sông: sông Lô và sông Chảy. Trên địa bàn huyện có nhiều nhà máy và đơn vị quân đội đóng quân. Hơn nữa, tiếp giáp với huyện về phía bắc có nhà máy  Z2 của quân đội chuyên sản xuất và kiểm định vũ khí. Cho nên, Đoan Hùng trở thành mục tiêu đánh phá của máy bay Mỹ. Quốc lộ 2, bến phà, cầu treo không ngày nào là không bị chúng oanh tạc, ném bom. Việc vận chuyển vũ khí về nhà máy Z2 để kiểm định và rồi từ đó lại toả ra các chiến trường theo đường bộ gặp không ít khó khăn. Do đó, quân khu đã quyết định lấy sông Lô làm con đường chở đạn dược vũ khí. Vận chuyển đường sông vừa rẻ, vừa được nhiều lại an toàn hơn đường bộ. Xã Chí Đám nằm bên bờ ngã ba sông đã được chọn để làm nơi tập kết vũ khí. Hơn một năm nay, kế hoạch trung chuyển này được thực hiện khá tốt đẹp. Hàng ngàn tấn đạn dược đã được người dân Tiên Phong và các xã lân cận vận chuyển bốc dỡ an toàn, bảo đảm bí mật. Đây là kho trung chuyển ngoài trời lớn nhất của quân khu. Huân được giao nhiệm vụ về tăng cường cho cái kho đặc biệt đó. Một nhiệm vụ vô cùng mới mẻ và nặng nề đối với anh.

Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

MƯA RỬA ĐỀN



 
        Hà đang chăm chú đọc lại bản kiểm kê cổ vật thì chuông điện thoại reo vang. Cô vội nhấc ống nghe. “A lô! Xin lỗi. Có phải chị là Hà không ạ?”. “Vâng. Tôi đây. Ai ở đầu dây đó?”. Hà khiêm tốn hỏi lại. “Ô! Chào người đẹp! Không nhận ra nhau ư?”. Tiếng người đàn ông đầu dây reo lên. Hà lúng túng: “Dạ. Xin lỗi. Ai đó ạ?”. “Người quen đây. Bạn cố thử đoán xem nào?”. Im lặng. Quái, giọng của ai mà lạ thế cơ chứ? Hà chưa nghe thấy bao giờ. “Vẫn chưa nhận ra nhau ư? Có phải Hà bảo tàng không đấy?”. Tiếng người đầu dây bên kia thúc giục. Hà giật thót người. Đúng là họ gọi mình rồi. Cuối cùng cô đành thú thật: “Dạ. Em không đoán được ai cả. Anh là ai đó?”. Có tiếng cười vang trong ống nghe. “Sơn đây! “Sơn kíp lê” đây! Nhận ra chưa?”. Hà reo lên: “Ôi! Anh Sơn! Làm em cứ đoán mò mãi. Anh đang ở đâu đấy?”. “Hà Nội! Nhớ em quá, điện lên nói chuyện cho vui”. “Thôi anh đừng tán dóc nữa. Có việc gì vậy anh?”. “Thế cứ có việc mới gọi điện cho em được chắc?”. Giọng Sơn có vẻ hờn dỗi. “Không. Mọi lần anh toàn nhắn tin, hôm nay gọi điện, thấy lạ em mới hỏi thế. Chưa chi đã tự ái rồi”. Hà lúng túng thanh minh. “Đùa vậy thôi. Có việc đấy Hà ạ. Đầu tháng ba, trước Hội một tuần anh sẽ lên chỗ em để xin ít tài liệu về sự tích mưa rửa đền. Em giúp anh nhé”. Tiếng Sơn nghiêm túc trở lại. Hà vội đáp: “Tất nhiên rồi! Anh lên nhé. Lên ở cho qua hết Hội luôn thể, anh sẽ được chứng kiến cảnh mưa rửa đền. Tha hồ cho anh viết. Bằng chán vạn những lời em nói ấy chứ”.