Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

CHIỀU KHÔNG TẮT NẮNG (chương 10)



10
Tiến độ gặt mùa và giao nộp thuế đang thuận lợi thì ban quản trị nhận được nhiều đơn đề nghị “xét giảm” của các đội sản xuất. Cánh đồng trũng, giống bao thai cấy muộn vụ này tưởng khá nào ngờ khi trỗ gặp bão cuối mùa cộng với rét sớm đã “há mồm” ra cả lũ. Hết tháng mười ta rồi mà bông lúa vẫn chẳng ngậm được đòng cứ chơ chơ chỏng ngược lên trời. Có thửa còn bị sâu đục thân, sâu cắn gié phá hoại bông nào bông ấy trắng bệch cả ra. Đã vậy, đầu tháng rồi trận gió mùa đông bắc tràn về sớm đã làm cho cây lúa đổ rạp hết cả lượt. Những bông lúa ngắn tũn cố ngóc đầu lên mà vẫn không thoát khỏi mặt nước lấp xấp, lênh láng. Kiểu này rồi thì lửng lép hết. Trông vào mấy hạt thóc mẩy thì chúng lại có nguy cơ mọc mầm. Nhìn những thửa ruộng đó ai cũng cảm thấy xót ruột.  
Chủ nhiệm Hải đau đầu trước tập đơn xin “xét giảm” do Quý, phó chủ nhiệm đưa lại. Dự kiến ngày công phương án vụ này đang ở mức tám lạng, hơn vụ trước hai lạng lại đang có nguy cơ đổ vỡ. Ngay từ đầu vụ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của thường vụ xã, ban quản trị đã phổ biến chủ trương không “xét giảm”. Thực tế thời tiết vụ này so với các vụ trước cũng thuận lợi hơn, lúa đều và khá hơn. Kết quả gặt thống kê cũng chứng tỏ điều đó. Năng xuất các trà lúa đều cao hơn năng xuất khoán. Cứ theo số liệu ấy thì lợi ích của xã viên cũng sẽ bảo đảm. Như vậy, sản lượng chung của hợp tác xã sẽ đúng như kế hoạch dự kiến. Quản lý chặt khâu duyệt công điểm chắc chắn giá trị ngày công sẽ được nâng lên. 

CHIỀU KHÔNG TẮT NẮNG (chương 9)



9
 Loan quấy quả xuống sông gánh nước để tưới nốt luống rau cuối cùng. Đôi ô roa toòng teng trên vai chị rớt những giọt nước xuống làm lối đi nhão nhoét. Nhanh thế. Đã sắp tối rồi. Bờ bên kia khói bếp, hơi sương quyện với nhau làm thành một dải mây mỏng tang như chiếc khăn voan lượn lờ quấn lấy bờ tre, rặng chuối. Cả mặt sông cũng thế. Làn sương mỏng nhờ nhờ dắt những con thuyền như trôi vào huyền ảo. Tiếng gọi nhau í ới, tiếng sóng nước vỗ vào bờ oàm oạp, tiếng ai đó giặt quần áo vỗ đập bì bõm... tất cả những âm thanh ấy trộn vào nhau loang ra trên mặt sông. Mấy luống cải đang trổ ngồng sắc hoa vàng suộm trong ánh hoàng hôn. Cây đa từ cuối bãi bóng đổ dài theo bãi soi trùm lên cả lối đi của chị. Vạn vật hai bên bờ như dài ngoẵng ra nằm ườn lên hết cả mặt bãi. Vũ trụ đang bò dần vào ranh giới giữa ngày và đêm. Vạt rau nhà chị theo nải sông, trải dài từ sát mặt nước lên đến bờ trông như tấm thảm vàng ai bỏ quên ở bến.
Làng chị mùa này sống nhờ vào những thước soi rau. Mùa cạn, lòng sông thu hẹp lại. Nước sông lùi ra mãi tít ngoài kia để lại hai bên bờ những vạt đất trống. Dân làng thi nhau chiếm những khoảng đất đó để trồng rau. Vì là đất không ổn định, luôn thay đổi theo dòng nước nên hợp tác xã chẳng quản lý làm gì. Từ xưa cũng vậy. Tuy nhiên, chỉ từ khi có nghị quyết sáu “bung ra” người ta mới dám trồng rau màu trên những vạt đất đó. Trước kia, ai dám thế. Đất phù sa màu mỡ vậy mà chẳng ai dám động nhát cuốc nào. Rõ là đang mùa rau, đất đai thì bỏ không như thế mà nhà nào cũng phải ra chợ mua bắp cải, su hào mới tức chứ. Thì rau của đội chuyên rau hợp tác phân phối đủ làm sao được mà chả phải mua? 

CHIỀU KHÔNG TẮT NẮNG (chương 8)



8
 Chờ cho đoàn hoá giá đàn lợn về hết, Huê buông mình đánh phịch một cái xuống chiếc giường cá nhân trong căn phòng của trại. Thế là hết. Thế là xong. Từ nay chẳng còn phải lo lắng thức khuya dậy sớm vì lũ lợn ấy nữa. Hơn chục năm gắn bó với chuồng trại cám bã, với lợn với gà giờ cũng sắp sửa kết thúc. Hết cả mùi hoi nồng của lợn, mùi chua loét khẳm lặm của phân gà, phân vịt, cái mùi đặc trưng của trại mà nhiều hôm xa nó khiến cho Huê bỗng giật mình nhớ đến nôn nao. Cũng chẳng còn phải nghe tiếng lợn réo, gà kêu khi đến bữa nữa. Tất cả đang lùi về quá khứ. Còn hơn chục con lợn nái kia, chỉ tuần sau nữa thôi là nó cũng được thanh lý về theo chủ mới. Nghĩ đến đó, Huê tủi thân nước mắt cứ tự nhiên ứa ra.
Vào trại chăn nuôi từ năm hai mươi tuổi, trông đi ngoảnh lại Huê đã có chục năm theo đuổi gắn bó với nghề. Tiếng là nghề nhưng Huê đâu có được học đến đầu đến đũa. Hết lớp bảy, Huê được hợp tác xã La Hương cử đi học lớp sơ cấp chăn nuôi ba tháng. Tốt nghiệp xong, Huê về thì hợp tác xã cũ giải thể để thành lập hợp tác xã mới toàn xã. Là người có nghiệp vụ chăn nuôi duy nhất của năm hợp tác nhỏ nên cô được đảng uỷ, uỷ ban xã xếp ngay cái chân trại phó trại chăn nuôi của hợp tác xã lớn. Vốn tính nhanh nhẹn, hoạt bát, có khiếu ăn nói cộng với kiến thức đã học, Huê dần dần thay thế vị trí của bà trại trưởng. Cô giữ chân trại trưởng khi vừa tuổi hai lăm. Cả làng, cả xã ai cũng mừng cho Huê sớm có “địa vị” công tác. Quả thực, cô là điểm sáng trong việc tổ chức quản lý trại. Sản lượng thịt, trứng tăng dần qua các năm. Mấy năm dưới quyền Huê, trại hầu như không có dịch bệnh. 

CHIỀU KHÔNG TẮT NẮNG (chương 7)



7
 Từ ngày Dụ nhận chức phó chủ nhiệm hợp tác xã, công việc gia đình đổ tất lên đầu Loan. Gần mẫu ruộng, hơn hai sào soi khoán quản chị bơi không hết việc. Suốt ngày đầu tắt mặt tối ngoài đồng, tối về chị lại lo cơm nước lợn gà phục vụ chồng con. Lắm hôm, chị phải dậy từ ba bốn giờ sáng. Hôm thì xay thóc giã gạo, hôm thì băm bèo nấu cám lợn. Ba đứa con chị đều đang tuổi ăn tuổi học, chẳng đứa nào giúp được việc gì. Thế nên mới ngoài ba mươi tuổi mà trông Loan già xọm hẳn đi. Được cái, trời cho chị sức khoẻ cùng cái tính hay lam hay làm, nhẫn nhịn yêu chồng, thương con. Chị chẳng bao giờ kêu ca hay phàn nàn với ai về hoàn cảnh của mình. Người ngoài ai cũng bảo chị sướng, có chồng là cán bộ đứng hàng thứ hai của hợp tác, chỉ sau có mỗi chủ nhiệm Hải. Ba đứa con chị, trai có, gái có, đều ngoan và học giỏi. Thằng cả đang theo học cấp ba. Ở làng chị, người học lên cấp ba ít lắm. Thế nên, mặc dù rất vất vả song chị vẫn động viên Quân, đứa con đầu yêu quý nhất mực của chị tập trung vào việc học hành.  

CHIỀU KHÔNG TẮT NẮNG (chương 6)



6
           Trụ sở hợp tác Hợp Nhất hôm nay người ra người vào khá tấp nập. Phòng chủ nhiệm Hải đang có khách của huyện. Quý, phó chủ nhiệm trồng trọt đang cùng ông Hải tiếp khách. Mấy vị trên phòng nông nghiệp huyện về kiểm tra tiến độ thu hoạch vụ mùa, làm phương án và kết quả gặt thống kê của hợp tác xã Hợp Nhất. Phòng bên, ban kế toán đang giải quyết các chứng từ thu chi xuất nhập với xã viên. Hôm nay là ngày giao dịch nên suốt từ lúc mở cửa trụ sở đến giờ người ra kẻ vào khá đông. Đông nhất vẫn là chỗ ông Huân, kế toán viên phụ trách ngành nghề. Biết hợp tác xã vừa ra mấy lò gạch nên các hộ thi nhau đến đòi nợ. Ai cũng chìa chiếc phiếu thu tiền mua gạch từ đời nảo đời nào của ban quản trị các khoá trước ra trước mặt ông Huân để đòi được ưu tiên phiếu xuất. Nhiều người bức xúc quá cáu om lên.
- Tôi mua gạch cách đây bốn năm rồi, đi năm lần bảy lượt mòn cổng nhà các ông, chai đít ở trụ sở mà vẫn chưa được viên gạch nào là thế nào? Định xây cái chuồng lợn mà đào móng đi, đào móng lại mấy lần cuối cùng vẫn không xong. Các ông làm ăn thế à?
- Bà mới có bốn năm. Tôi đây này, sáu năm rồi, từ đời ông Cát chủ nhiệm cơ. Ông ấy chết đã ba năm rồi, sang đến tiểu rồi mà tôi vẫn chưa có gạch nhé.
- Thì bà theo ông ấy mà đòi - Người kia vặc lại.
- Ông nói thế mà được à? Bảo bán gạch lấy tiền để Đại hội hợp tác xã, Đại hội xong sẽ trả thế mà giờ đã qua ba cái Đại hội rồi vẫn chỉ có mỗi tờ giấy này thôi đấy. Hợp tác với chả hợp te. Sốt cả ruột.
Bà Cúc vừa nói vừa giơ cái tờ phiếu thu nhàu nát dí sát mặt ông Huân. Ông Huân bực quá gắt:
- Các ông, các bà có bình tĩnh cho tôi làm việc không? Gạch ít, nợ nhiều phải để cho chúng tôi trả dần chứ?
- Dần. Dần đến bao giờ. Sao lúc thu tiền lo việc thì nhanh thế?
- Tôi chỉ là người giúp việc - Ông Huân nổi cáu - Các vị sang mà hỏi ban quản trị.

3 THI SĨ, 300 CÂY SỐ VÀ 3 GIỜ HỘI NGỘ



       lưu 
       Biết tin tôi đi trại sáng tác ở Vũng Tàu, cũng chỉ qua mạng thôi, anh Nghiêm Khánh đã comment bài viết “Nụ hôn biển” trong trang của tôi rằng “Biết tin từ những chiếc còm”, bạn mình đang ở Vũng Tàu nhưng không biết có lịch trống không để mình ra chơi với bạn cho thoả chí? Mà không có thông tin? Giờ phát hiện bạn có thêm nụ hôn mới tặng đời nên ghé thăm tiện thể trình bày nguyện vọng như thế, không biết có được chăng?”. Ối giời ơi! Anh khiêm tốn quá. Cứ làm như là tôi cao xa quá vậy. Còn gì hơn đi xa mà có bạn đến thăm nữa cơ chứ? Tôi liền “alô” cho anh ngay. Hẹn anh sau chuyến ra Côn Đảo thì trân trọng mời anh và một số văn nghệ sỹ Tây Ninh tới thăm. Tôi nhắc anh mời giúp anh Tài, Nhã My đi cùng, nếu còn chỗ thì mời giúp ai nữa mà anh thân cho vui. Anh bảo “Dứt khoát sẽ gặp bạn. Lần trước xin gặp ở sân bay Tân Sơn Nhất không được rồi, lần này phải gặp được nhau đấy nhé”. Chả là lần trước tôi dẫn đoàn đi thăm các tỉnh miền Tây Nam bộ, tới mũi Cà Mau, anh theo dõi trên mạng thấy vậy muốn được gặp tôi trước lúc tôi lên máy bay về nhưng hôm đó, tôi đổi lịch đi Vũng Tàu thế là anh em tôi không gặp nhau được.
            Chưa biết mặt mũi anh thế nào, đọc thơ văn anh trên blog thấy cũng thú vị và đáng yêu lắm. Anh khiêm tốn, đôi lúc hình như còn tự ti nữa thì phải. Ngay trước nhà blog của anh, anh đã treo “Người yêu thơ và mới tập làm thơ. Hiện đang sinh sống công tác ở Long Hoa, Tây Ninh”. Qua tìm hiểu bạn bè, biết anh công tác ở ngành kiểm sát, nhà rất khá giả, có xe riêng và rất yêu thơ, quảng giao và cũng có máu…phượt như tôi. Anh thường tự lái xe tổ chức nhiều chuyến đi tham quan cùng một số văn nghệ sỹ bạn bè của anh. Con người này, chỉ ngần ấy thông tin tôi cũng cảm thấy “chơi” được. Thế nên, còn gì bằng chuyến đi này tôi được gặp anh.