Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (Chương 30)



30
          Phương đi được ba hôm thì nước sông đứng. Nó chỉ cách mặt đê chừng hai, ba chục phân nữa thì tràn qua. Công việc chống lụt coi như tạm ổn. Mọi người thở phào nghỉ bù mấy ngày vật lộn với sông nước. Huân ngủ một mạch từ nửa đêm hôm qua cho đến hơn mười giờ sáng hôm nay anh mới tỉnh giấc. Nắng le lói ngoài sân. Huân uể oải rụi mắt. Nhà bà Sự đi đâu vắng cả. Anh cựa mình vươn vai chưa muốn dậy.
          - Huân dậy rồi đấy à? Mệt thì cứ ngủ thêm đi.
          Tiếng bà Sự dưới bếp vọng lên. Huân nhỏm hẳn người:
          - Con mệt quá ngủ thiếp một mạch chẳng còn biết trời đất là gì nữa. Mấy giờ rồi hả mẹ?
          - Mười giờ.
          Huân giật mình:
          - Thôi chết! Trưa quá rồi. Bố con với các em đâu hả mẹ?
          - Vào cả trại rồi. Thôi, dậy ăn sáng đi cho nó tỉnh sự.
          - Con không ăn đâu - Huân vừa lấy khăn mặt vừa nói - Để trưa ăn luôn thể. Con không đói, chỉ mệt thôi.
          - Mấy ngày liền quần quật thế ai chẳng mệt - Bà Sự thông cảm - Cái Phương với ông Thạc đi được ba hôm rồi đấy nhỉ?
          - Vâng ạ!
          - Nó họp ở đâu thế? Mấy ngày hả Huân?
          - Ở Vĩnh Yên mẹ ạ. Một tuần thì phải.
          - Họp gì mà lâu thế? Bà Sự ca cẩm.
          - Không, họp chỉ có hai ngày thôi. Thời gian còn lại là tập huấn.
          - Thế hả? Lát nữa vào đây mẹ có chuyện muốn nói với con.
          Huân thoáng giật mình. Có điều gì để bà Sự quan tâm chăng? Chắc lại chuyện giục anh lấy vợ? Nghĩ thế Huân khẽ mỉm cười. 

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (Chương 29)



29
 “Keng… keng keng… Keng… keng keng…”. Tiếng kẻng báo động lại nổi lên. Suốt từ sáng đến giờ mấy lượt kẻng báo động. Hết báo động máy bay lại báo động đắp đê chống lụt. B dân quân của Phương mệt nhoài. Mấy ngày nay nước sông Lô, sông Chảy lên nhanh quá. Bầu trời lúc nào cũng xám xịt. Mưa tầm tã. Trong đồng ngập úng hết cả. Ngoài sông, nước thượng nguồn dồn về lưng lửng lưng đê. Cây cối, thậm chí cả nhà cửa nữa nổi lều bều xoáy tít rồi chìm nghỉm theo dòng nước chảy. Bọt đục ngầu. Ngã ba sông rộng ra một cách dễ sợ. Giun, kiến bò lổm ngổm trên bờ, bám đầy vào cây lá ven sông. Mới vào đầu mùa mưa đã dính ngay trận lụt to thế cơ chứ.
Tuyến đê dài hơn bảy cây số của xã toàn người là người. Trừ những người (chủ yếu là bà già và trẻ con) trong nơi sơ tán, ở làng còn ai đều ra đê hết. Mặc lũ máy bay quần đảo trên đầu, người ta vẫn hối thúc nhau giữ đê cứu lúa.
Vừa ở đê về xong, Phương và vội miếng cơm rồi khoác vội khẩu súng và chiếc áo mưa chạy về phía có tiếng kẻng. Đường mưa trơn lầy lội mấy bận cô suýt ngã. Những hạt mưa đầu mùa quất vào mặt cô rát ràn rạt. Phương vừa chạy vừa lấy tay vuốt nước mưa. Mọi người đã tập trung đông đủ tại sân kho hợp tác. Lệnh cứu đạn được ban ra. Nhiệm vụ của B dân quân của Phương là bốc toàn bộ số hòm đạn ngoài bãi kia lên ôtô trước khi nước ngập tới. 

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (Chương 28)



28
           Chuyện Phương và Huân yêu nhau loang ra cả làng Ngọc Chúc. Bà Thinh nghe thấy nửa mừng nửa lo. Mừng vì con gái bà đã tìm được người yêu, một sỹ quan quân đội hẳn hoi. Cậu Huân ấy lành hiền, chất phác và dũng cảm nữa. Hơn một năm công tác ở đây chẳng có điều tiếng gì xấu đối với Huân cả. Ngày đêm, Huân bám bến  kho, bãi đạn và liên tục có mặt trong các trận phá bom. Nó quan hệ với mọi người đúng mực, khiêm tốn. Ngay cả việc tìm hiểu Phương thôi mãi mới đây nó mới xin phép bà đấy chứ. Bà biết nó để ý con gái bà từ lâu nhưng nó vốn từ tốn và thận trọng không như những đứa thanh niên khác. Môi trường quân đội và tuổi tác đã cho Huân sự chín chắn và từng trải đó. Thế nhưng bà lại lo ở một vài điểm khác. Thứ nhất là Huân mồ côi cha mẹ, không anh em họ hàng, không quê hương bản quán. Chỉ nghe đồn rằng nó là người sống sót duy nhất của cả một bản nào đó qua một trận càn quét dã man của giặc Pháp. Thứ hai, Huân là bộ đội, cuộc chiến dữ dội ác liệt này sống chết biết ra sao? Nhiều đêm nằm trong khu sơ tán nghe tiếng bom nổ bà lo cho con thắt ruột. Bà thương con bao nhiêu lại nhớ chồng bấy nhiêu. Chẳng lẽ đời con mình lại giống bà nữa chăng? Chồng bà ngày trước nào có biết mặt đứa con gái yêu quý của mình. Chiến dịch nọ nối tiếp chiến dịch kia, quanh năm suốt đời những súng với đạn để rồi khi chiến thắng đã ở trong tầm tay thì ông ấy lại ngã xuống ngay ngày cuối cùng của chiến dịch Điện Biên phủ. Bây giờ lại đến Huân? Thì cứ cho nó là chồng của con Phương đi, là con rể của mình đi thì hòn tên mũi đạn kia nó có chừa ra không? Làng này đã có bao nhiêu người đàn bà goá như bà vì chiến tranh? Nghĩ đi lại nghĩ lại số con gái làng Ngọc Chúc này đứa nào chẳng có người yêu đi bộ đội! Cái Côi đấy, nó chờ thằng Dung bốn, năm năm rồi cũng chỉ từ một miếng trầu chạm ngõ. Lại con Tịch nữa, cũng yêu cái anh gì bộ đội về giúp làng phá bom đấy thôi? Thanh niên trai tráng làng này hỏi có mấy đứa được ở nhà? Chúng nó ngoài mặt trận cả. Chiến tranh đâu có chừa ai? Con gái làng đầy ra đấy. Đứa nào đứa ấy cứ hơ hớ cả ra. Chỗ nào cũng chỉ thấy rặt con gái. Việc gì cũng đến chúng nó cả. Ngay con Phương nhà mình cũng hai ba, hai bốn tuổi rồi mà có thằng con trai làng nào ở nhà mà tình với ý? Có thằng nào bà ưng ý thì chúng đi bộ đội hết cả. Chưa kịp nhắm nhe gì thì chúng nó đã đi. Ngỡ tưởng chúng hò hẹn nhau cuối cùng lại hoá không. Bây giờ nghe tin nó với thằng Huân bà mừng nhiều hơn là lo.

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (Chương 26)

26
            Sau mấy ngày tàu xe vất vả, cuối cùng Hoàn cũng đã lên được đến Sơn La, nơi anh trai của Hoàn đang làm thợ xẻ trên đó. Ông Phơ đã ở đây hơn tuần nay rồi. Không hiểu ông bị tai nạn gì mà vừa mới lên đã có điện khẩn về báo cho Hoàn? Hoàn vô cùng sốt ruột lo cho bố mình. Đang yên đang lành ông lại lên đó làm gì cơ chứ? Cứ ở nhà trong khu sơ tán thì đã sao? Mà cái anh Khải nhà mình nữa, suốt mấy tháng trời chẳng có tin tức gì cả? Người gì mà gan thế không biết? Ở nhà bom đạn ầm ầm mà cấm có lấy một lời hỏi thăm xem bố mẹ và các em ra sao? Lạ thật!
Thời chiến, xe cộ khó khăn, anh phải vẫy hết xe nọ đến xe kia, kể cả xe quân sự để đi. May quá, ra đến bến phà Hoàn đi nhờ được một chiếc xe quân sự lên đến Yên Bái. Sau đó đi nhờ tiếp mấy chặng nữa anh mới lên được đến chỗ anh trai mình đang làm thợ xẻ ở đó.

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (Chương 27)



27
 Sau thắng lợi phá bom trên sông Lô, đội cảm tử của ông Chi bắt tay vào phá bom trên đất liền. Đây là một việc vô cùng nguy hiểm, phức tạp. Những quả bom tấn, bom tạ chui sâu vào lòng đất, nằm yên dưới đó chờ dịp nổ. Cứ thấy hơi sắt là nó nổ. Những ngày đầu, mấy con trâu đeo mõ bằng dây xích sắt cũng đã tan xác vì chúng. Người ta phải thay hết dây treo mõ bằng chạc cho an toàn.
Tổ phòng không phải căng ra để theo dõi, đánh dấu toạ độ những quả bom từ trường chết người nọ sau mỗi trận ném bom. Mật độ khá dày đặc. Chỉ riêng mấy mảnh ruộng khu Cầu Cụt đã có tới sáu quả bom. Làng Ngọc Chúc, Phượng Hùng và Lã Hoàng có tới mấy chục quả bom chưa nổ. Huân và ông Chi đã lăn lộn cùng tổ cảm tử phá từng quả một. Hàng trăm người chia nhau ra để đào. Vừa đào vừa dò tìm. Cuộc truy tìm phá bom từ trường đã cuốn hút mọi người quên ăn, quên ngủ.

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (Chương 25)



25
 Chưa sáng hẳn mà những người trong đội cảm tử phá bom đã có mặt ở nhà ông Chi. Ông Thạc cũng đợi ở đó từ lâu. Một lúc sau, toàn ban thường vụ đảng uỷ cũng có mặt. Ba gian nhà ông Chi được xếp dọn lại kê bàn ghế, trang trí cờ, hoa khá trang trọng. Mọi người long trọng làm lễ truy điệu các chiến sỹ cảm tử phá bom. Ai cũng xác định đây là nhiệm vụ cực kỳ nguy hiểm, sống chết chưa biết thế nào. Thế nhưng không một ai sợ chết. Lễ truy điệu này càng chứng tỏ tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của anh em trong đội.
Ông Thạc, ông Chi trong bộ quân phục mới với sắc mặt lạnh như tiền. Theo sau đó là đa số chiến sỹ dân quân trong B của Phương. Kia là Tịch, Xuân, Côi, Đắn; đây là Khang, Lý, Liên, Hải… Mọi người vẫn túm tụm nhau cười đùa. Một số cha mẹ của họ cũng từ nơi sơ tán về vội để chứng kiến sự kiện quan trọng này. Không một ai kêu ca, phàn nàn trách cứ. Họ đều tự hào phấn khởi vì có con em của mình tham gia đợt đầu trong đội cảm tử quân. Ai cũng như nhớ về cái thuở đánh Pháp năm “47” hồi nào. Số thanh niên viết đơn nhưng chưa được duyệt cũng kéo đến cả. Cũng có một vài lời kì kèo, năn nỉ với lãnh đạo xã trước khi vào buổi lễ nhưng ông Thạc quắc mắt: “Đây nà nệnh quân sự. Các đồng chí phải chấp hành. Coi như nà tham gia đợt sau”.

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (Chương 24)



24
Từ hôm bị bộ ba Phương, Tịch, Xuân liên kết phản đối ý kiến góp ý của mình Hoàn bực lắm. Cay nhất là Phương đã không thuộc về mình nữa. Không những thế, xem ra họ còn coi thường mình. Gặp họ, Hoàn có cảm giác như mặt họ cứ vênh lên, nhất là cái Xuân. Riêng Phương thì vẫn lầm lì, kín đáo như trước. Tuy vậy, ánh mắt của cô ấy dành cho Huân thì không thể nào giấu nổi được Hoàn. Huân và Phương, hai người đã công khai sóng đôi với nhau. Chết cái lũ thanh niên lại vào hùa với họ mới ức chứ. Hoàn cảm thấy nhục nhã ê chề. Đành rằng buổi gặp riêng họ hôm đó không ai nói ra nhưng tự Hoàn cảm thấy bẽ mặt thế nào ấy. Đường đường mình là một bí thư chi đoàn, vừa đẹp trai, vừa lắm tài vặt thế mà lại thua cái tay bộ đội vơ với già đinh cóc tía mới lạ chứ. Hắn lại nẫng tay trên của mình à? Hoàn đâm ra căm tức với Huân. Giá hắn đừng về đây thì đâu đến nỗi. Thanh niên làng này ở nhà còn ai hơn ta đâu?

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (Chương 23)



23
Đơn vị pháo tên lửa lặng lẽ rút khỏi làng Ngọc Chúc vào một đêm tối trời cuối tháng hai. Người ta bàn tán với nhau khá nhiều xung quanh việc này. Người nói: “Mất công dàn trận địa mà chẳng bắn được phát nào, chán bỏ mẹ”. Kẻ chê: “Các ông chỉ huy kém quá, sao không phụt cho nó một quả cho đã đời”. Người yếu bóng vía hơn thì chép miệng: “Thôi, đi cũng được. Từ ngày họ về đây máy bay nó đánh dữ quá. Không khéo chết lây ấy chứ chả bỡn?”. Ông Phơ cũng góp chuyện: “Khéo mà bị lộ các ông ạ. Chả thế nó đánh ngay từ đêm đầu họ về?”. Lão Phia ra vẻ hiểu biết: “Các bố chỉ được cái đoán mò. Chiến thuật quân sự nghi binh trận giả, biết thế nào được. Năm “bốn bảy” đấy, pháo giả đánh lừa tàu bay thật của Pháp hẳn hoi, biết đâu các vị bây giờ cũng giương đông kích tây cũng nên”… Đa số mọi người ai cũng muốn đơn vị này ở lại bắn nhau với bọn nó một trận cho đã đời. Ai lại để nó hoành hành mãi, tức bỏ cha đi ấy chứ.
Đúng là từ ngày đơn vị pháo về đây mật độ oanh tạc của bọn Mỹ tăng lên thật. Điều này có nguyên nhân chủ yếu của nó là bọn Mỹ bị thua đau ở miền Nam chúng mới mở rộng chiến tranh ra phá hoại miền Bắc. Khu vực này từ lâu chúng đã nghi có kho trung chuyển vũ khí nên chúng được thể càng ném bom vô tội vạ biến làng Ngọc Chúc và khu vực ngã ba sông này thành biển lửa, thành Cồn Cỏ của Đoan Hùng. Và cũng có thể biết đâu đấy trận địa bị lộ cũng chừng. Chúng vừa đánh vào trận địa, vừa tìm diệt kho đạn của ta. Thôi thì cứ để giả giả hư hư như trước có khi lại an toàn. Thì đấy, mấy năm rồi bọn chúng đánh hơi cả đấy nhưng có quả bom nào ném trúng vào kho đạn của ta đâu? Thử bắn chúng một phát pháo xem, chúng lại chả bâu vào như đỉa ấy à? Lúc đó, nguy hiểm biết chừng nào. Lợi bất cập hại là cái chắc. Hơn nữa, nhiều nơi cần pháo bảo vệ hơn, đánh đấm vô tư hơn nên chuyển đơn vị này đi là phải. 

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (Chương 22)



22
 Họp uỷ ban xã xong, ông Thạc lọc cọc đạp xe vào khu sơ tán. Cấp trên yêu cầu phối hợp chặt chẽ hơn nữa với đơn vị pháo tên lửa bảo vệ ngã ba sông. Mấy ngày nay lũ máy bay đánh rát quá. Hình như chúng đánh hơi thấy sự bố trí trận địa của ta? Làng xóm triệt để sơ tán, vắng tanh, vắng ngắt. Hai bên đường hố bom chi chít. Mấy thửa ruộng khu Tổ Đỉa bị bom đánh khoét thành những cái hố rộng như cái ao. Lúa đang thì con gái mấy hôm trước xanh đen là thế, thế mà qua mấy trận bom ruộng nào ruộng ấy xác xơ, nham nhở.
Đến dốc chỗ nhà bà Út, cây ngái ở bên đường trùm ra loà xoà làm cho đoạn đường này chưa hết chiều mà đã tối om. Chiếc xe vấp phải hòn đá giữa đường nhảy chồm lên. Ông Thạc loạng choạng suýt ngã. Ông vội vã bóp phanh. Bỗng đánh phựt một cái và chếc xe cứ thế ầm ầm lao xuống dốc. Phanh sau đứt, phanh trước không có, ông Thạc luống cuống co chân trái lên đút bàn chân đang đi dép cao su của mình vào giữa hai cái càng xe bánh trước. Rất may là chiếc lốp trước của ông bị rách khá rộng phải lấy dây cao su cuốn vào nên ông đã tháo bỏ cả phanh trước, cả gác-đờ-bu đi cho dễ chạy nên mới có chỗ để mà đút chân vào làm má phanh như cánh thanh niên vẫn làm. Chiếc xe lực khực chồm nên mấy vòng thì đứng khựng lại. Bàn chân ông đã bị đút quá nửa cùng với chiếc dép cao su vào giữa hai cái càng xe trước. Ông Thạc không làm thế nào xuống được khỏi chiếc xe. Ông vẫn ngồi nguyên trên yên. Chân phải ông chống xuống đất. Chiếc xe nghiêng đi như sắp đổ. Chiếc xà cột da thõng xuống gần sát đất càng làm cho ông thêm vướng víu. Ông coi như nà ngã ngồi.

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (Chương 21)



21

Đúng như nhận định của ông Thạc, mấy ngày nay bọn Mỹ tăng số lần đánh phá xã lên một cách đột ngột. Nhiều hôm chúng đánh cả chiều chẳng còn theo quy luật nào cả, dở chứng đủ thứ. Không lúc nào là không nghe thấy tiếng bom ì ầm từ các nơi dội đến. Việt Trì, thị xã Phú Thọ, Yên Bái rồi cả phía Tuyên Quang nữa. Có đêm đang ngon giấc thì lũ chó cắn trộm ấy vèo qua một cái và ình ình tiếng bom nổ hàng dây hàng dẫy kèm theo. Đảng uỷ, Uỷ ban xã đã có nghị quyết về việc tăng cường lãnh đạo chỉ đạo đối phó với tình hình mới. Việc sơ tán được thực hiện triệt để. Công tác sản xuất phải hết sức tranh thủ vào lúc không có máy bay, nhất là ban đêm, kiên quyết không bỏ đất hoang, ruộng trắng. Lực lượng dân quân được tổ chức biên chế lại cho phù hợp với khả năng đánh rát, đánh dài ngày của bọn giặc trời, vừa đảm bảo an toàn cho sản xuất lại vừa đảm bảo việc bốc dỡ đạn dược, canh gác phòng không. 

NGẪU HỨNG MƯA



 
Bỗng dưng sầm sập mưa tuôn  
Em và anh - biết ai buồn hơn ai?
 Gió xô như tiếng thở dài
 Mưa như nước mắt chảy ngoài mái hiên

Em còn nhớ hay đã quên?  
Chiều mưa hôm ấy nép trên ngực này  
Chiếc ô nghiêng ngả gió lay  
Ngỡ như nhấc cả chiều bay lên giời

Bây giờ ào ạt mưa rơi  
Ngồi đây mà ướt cả người khổ không?  
Cánh cò bay giữa cơn dông  
Chấp cha chấp chới mênh mông lối về...

                             Mưa 08-5-2013