Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (Chương 28)



28
           Chuyện Phương và Huân yêu nhau loang ra cả làng Ngọc Chúc. Bà Thinh nghe thấy nửa mừng nửa lo. Mừng vì con gái bà đã tìm được người yêu, một sỹ quan quân đội hẳn hoi. Cậu Huân ấy lành hiền, chất phác và dũng cảm nữa. Hơn một năm công tác ở đây chẳng có điều tiếng gì xấu đối với Huân cả. Ngày đêm, Huân bám bến  kho, bãi đạn và liên tục có mặt trong các trận phá bom. Nó quan hệ với mọi người đúng mực, khiêm tốn. Ngay cả việc tìm hiểu Phương thôi mãi mới đây nó mới xin phép bà đấy chứ. Bà biết nó để ý con gái bà từ lâu nhưng nó vốn từ tốn và thận trọng không như những đứa thanh niên khác. Môi trường quân đội và tuổi tác đã cho Huân sự chín chắn và từng trải đó. Thế nhưng bà lại lo ở một vài điểm khác. Thứ nhất là Huân mồ côi cha mẹ, không anh em họ hàng, không quê hương bản quán. Chỉ nghe đồn rằng nó là người sống sót duy nhất của cả một bản nào đó qua một trận càn quét dã man của giặc Pháp. Thứ hai, Huân là bộ đội, cuộc chiến dữ dội ác liệt này sống chết biết ra sao? Nhiều đêm nằm trong khu sơ tán nghe tiếng bom nổ bà lo cho con thắt ruột. Bà thương con bao nhiêu lại nhớ chồng bấy nhiêu. Chẳng lẽ đời con mình lại giống bà nữa chăng? Chồng bà ngày trước nào có biết mặt đứa con gái yêu quý của mình. Chiến dịch nọ nối tiếp chiến dịch kia, quanh năm suốt đời những súng với đạn để rồi khi chiến thắng đã ở trong tầm tay thì ông ấy lại ngã xuống ngay ngày cuối cùng của chiến dịch Điện Biên phủ. Bây giờ lại đến Huân? Thì cứ cho nó là chồng của con Phương đi, là con rể của mình đi thì hòn tên mũi đạn kia nó có chừa ra không? Làng này đã có bao nhiêu người đàn bà goá như bà vì chiến tranh? Nghĩ đi lại nghĩ lại số con gái làng Ngọc Chúc này đứa nào chẳng có người yêu đi bộ đội! Cái Côi đấy, nó chờ thằng Dung bốn, năm năm rồi cũng chỉ từ một miếng trầu chạm ngõ. Lại con Tịch nữa, cũng yêu cái anh gì bộ đội về giúp làng phá bom đấy thôi? Thanh niên trai tráng làng này hỏi có mấy đứa được ở nhà? Chúng nó ngoài mặt trận cả. Chiến tranh đâu có chừa ai? Con gái làng đầy ra đấy. Đứa nào đứa ấy cứ hơ hớ cả ra. Chỗ nào cũng chỉ thấy rặt con gái. Việc gì cũng đến chúng nó cả. Ngay con Phương nhà mình cũng hai ba, hai bốn tuổi rồi mà có thằng con trai làng nào ở nhà mà tình với ý? Có thằng nào bà ưng ý thì chúng đi bộ đội hết cả. Chưa kịp nhắm nhe gì thì chúng nó đã đi. Ngỡ tưởng chúng hò hẹn nhau cuối cùng lại hoá không. Bây giờ nghe tin nó với thằng Huân bà mừng nhiều hơn là lo.

          Nghĩ đến đây bà lại nhớ tới thằng Hoàn con nhà lão Phơ. Nó bảo đi nuôi bố nó bị tai nạn sao mấy tháng rồi vẫn chẳng thấy hai cha con nhà nó đâu cả. Hay là nó chạy trốn? Dám lắm. Gì chứ con người ấy bà dám chắc là sẽ như thế. Tai nạn gì nhà nó? Chẳng qua là sợ bom quá nên trốn tránh ẩn náu một thời gian đây mà? Thế mà ngày nó ở làng nó cứ xoắn lấy con Phương nhà mình! May mà con gái bà tỉnh táo không thì nặng nợ với kẻ hèn nhát đó. Đấy, trai làng như nó đấy, tích sự gì? Chẳng qua là chỉ được cái bẻm mép, nhờ có anh nó đã đi bộ đội nên nó mới được ở nhà, được các ông ấy cho làm cái chức bí thư chi đoàn chứ không thì có còn lâu nhá. Dưng mà… sao mấy bố lãnh đạo xã lại nhìn nhận con người thiển cận thế không biết? Bây giờ nó bỏ chạy rồi mới trắng mắt ra. Suýt nữa lại còn đưa nó vào danh sách đối tượng kết nạp đảng nữa chứ? Cả cái lão Thạc nữa, chỉ được cái cả tin. Nó cơ hội như thế mà vẫn tin dùng nó? Bà mừng cho con Phương bà tinh mắt, tinh đời, không thì… Đấy, bảo con trai làng như nó mà làm gì? Chẳng bù cho thằng Ngân, thằng Thân và bao đứa khác nữa. Chúng nó có sợ gì hòn tên mũi đạn? Làm trai phải thế chứ.
          Còn về tuổi tác của thằng Huân, điều này đối với bà không quan trọng lắm. Nó nhiều tuổi thật đấy nhưng như thế lại hoá hay. Có thế nó mới chững chạc, nghiêm túc. Có thế nó mới rèn bảo được con gái của bà. Mà chúng nó có chênh lệch nhau bao nhiêu? Mười tuổi, chưa đến một “can”. Chẳng có sao cả. Có kẻ nói con gái bà ham cái cấp bậc trung uý của nó. Đúng là hồ đồ. Người ta yêu nhau vì hợp tính hợp nết, vì cùng chung lý tưởng, mục đích chứ phải đâu vì quyền chức? Người khác lại rỉ tai bà: “Thời buổi bây giờ bà chọn đâu được người như thằng Huân? Theo tôi, cho chúng nó cưới sớm ngày nào hay ngày ấy”. Bà nghe chỉ ậm ừ. Ấy thế mà rồi cũng có người bảo bà tự cao tự đại, chê ỏng chê eo hết đứa thanh niên này đến thằng con trai khác. Đến cả trung uý Huân bà còn chê nữa là? Đúng là miệng lưỡi thế gian. Nào bà có được nói thế bao giờ? Phải tội chết. Ờ, dưng mà nếu hai đứa chúng nó quyết chí lấy nhau thật thì tổ chức đám cưới như thế nào nhỉ? Mình đàn bà con gái lại có mỗi một mình nó? Họ hàng thân thích đằng nhà Huân cũng có ai đâu? Chẳng lẽ cưới mà không có thông gia? Mà cũng chẳng sao. Cốt chúng nó thật sự yêu nhau là được. Nó vừa là con rể lại vừa là con trai bà. Câu nệ quá gì về thủ tục. Nghĩ vậy bà Thinh vui lắm. Bà như thấy mình đang tất bật lo cho đám cưới của con bà.
          - Bà Thinh có nhà không đấy?
          Đang vơ vẩn với những ý nghĩ trên bà Thinh chợt nghe thấy tiếng ai gọi ngoài ngõ. Bà lật đật ra mở cổng. Bà Sự đang bỏm bẻm nhai trầu đứng chờ ở đó.
          - Chào bà Sự. Bà đi đâu mà vào tận khu sơ tán này thế?
          - Thì vào thăm bà chứ đi đâu? Ông, bà Thi có nhà không hả bà?
          - Không, bác bá em lên nương cả rồi. Có mỗi mình em ở nhà thôi. Buồn quá. Mời bà vào trong nhà xơi nước. Nhớ làng chỉ muốn về thôi bà ạ.
          Bà Thinh vừa pha nước vừa vồn vã nói chuyện với bà Sự. Bà đang nóng ruột muốn nghe bao nhiêu chuyện của làng. Đến gần tuần nay bà chưa về ngoài đó. Sốt ruột quá. Cái Phương con bà cũng gan lắm, nó có thèm vào thăm bà đâu. Bà Sự vui vẻ kể cho bà Thinh nghe đủ thứ chuyện của làng. Từ chuyện phá bom, vác đạn đến chuyện huy động nghĩa vụ lương thực, thực phẩm. Từ chuyện cây lúa cây ngô ngoài đồng đến chuyện con trâu, con lợn mỗi nhà. Chuyện nào cũng rôm cả. Bà Thinh như thấy toàn cảnh làng mình hiện lên trước mắt. Nhớ thế cơ chứ. Chỉ đây với đó có mấy cây số thôi mà nhớ làng nhiều đêm đến không ngủ được.
          Loanh quanh mãi chuyện làng, đột nhiên bà Thinh hạ giọng thì thầm:
          - Bà cho em hỏi chuyện này nhưng… bà phải giữ kín cho em đấy nhé?
          Bà Sự thấy lạ dừng nhai trầu nhìn bà Thinh:
          - Có chuyện gì vậy bà?
          - Nhưng bà phải hứa giữ kín cho em cơ?
          - Rồi! Có việc gì quan trọng mà bà cứ úp mở mãi thế?
          - Là… là cái chuyện con Phương nhà em với thằng Huân bộ đội ấy mà?
          - Tưởng chuyện gì. Thế mà bà cứ phải rào trước đón sau. Thì chúng nó làm sao?
          - Có phải hai đứa nó tình ý gì với nhau không hả bà?
          Bà Thinh ngó trước nhìn sau rồi khẽ nói vào tai bà Sự. Bà Sự suýt phì cười nhưng thấy nét mặt nghiêm trọng của bà Thinh nên lại thôi. Bà Sự thăm dò:
          - Nếu chúng nó tình ý với nhau thì bà tính sao?
          Bà Thinh ngồi nghệt ra. Mình đang hỏi bà ấy thì bà ấy lại hỏi mình. Rõ chủ động lại rơi vào thế bị động. Đúng là cán bộ có khác. Ơ, nhưng sao mình lại hỏi bà Sự cái chuyện này được nhỉ? Bà ấy là mẹ nuôi của thằng Huân. Bà ấy chẳng có ý kiến gì thì chớ đằng này mình lại xăm xoe hỏi trước mới lạ. Chẳng hoá ra nhà gái lại chủ động cái việc đó à? Nghĩ vậy, bà Thinh chợt im bặt, lúng túng nhìn bà Sự thăm dò. Bà Sự vừa nhai trầu vừa nói:
          - Thực ra tôi vào thăm bà cũng vì chuyện của hai đứa đấy.
          Bà Thinh thoáng giật mình. Bà Sự tiếp tục:
          - Chẳng nói thì bà cũng rõ, tôi coi thằng Huân như con cái trong nhà. Suốt từ ngày đánh tàu Pháp đến giờ nó với nhà tôi có biết bao nhiêu kỷ niệm. Từ cậu bé liên lạc giờ nó đã trở thành một sỹ quan quân đội trực tiếp chiến đấu trên đất làng Ngọc Chúc. Bấy nhiêu năm gia đình tôi đủ hiểu về nó, nó cũng coi nhà tôi như nhà của mình. Giặc Pháp đã giết cả làng nó, trong đó có cha mẹ và họ hàng nhà nó nên hơn ai hết nó hiểu nỗi đau không có gia đình, người thân. Nó rất thiếu thốn tình cảm, rất cần sự chở che. Đơn vị bộ đội đã cưu mang nó, dạy dỗ nó trưởng thành. Nó xin phép gia đình tôi được làm con nuôi và thực sự nó đã coi vợ chồng tôi như cha như mẹ. Tôi rất mừng vì nó đã tìm hiểu cái Phương con bà. Hai đứa chúng nó thật sự thương yêu nhau, quấn quít bên nhau và cùng phấn đấu để hoàn thành mọi nhiệm vụ, dù nhiệm vụ đó có hiểm nguy đến mấy. Tôi cũng tự hào vì chúng nó. Hôm nay, tôi vào thăm bà cũng vì chuyện đó đấy.
          Bà Thinh tròn mắt ngạc nhiên. Không ngờ bà Sự lại nói cái việc ấy một cách chủ động, rành rọt và cụ thể đến thế. Và cái điều băn khoăn của bà đã được bà Sự giải quyết một cách thấu đáo.
          - Thằng Huân nó nói với tôi - Bà Sự tỉ tê - Rằng điều băn khoăn nhất của nó là liệu bà có chấp nhận nó, một đứa trẻ mồ côi, một người lấy quân đội là nhà làm con rể không? Và nếu được thì tổ chức đám cưới như thế nào? Tuổi của nó cũng đã nhiều rồi.
          Đúng ý của Bà Thinh. Bà chăm chú lắng nghe.
          - Tôi thì tôi nói với nó thế này - Bà Sự tiếp - Cốt nhất là chúng mày yêu nhau, quyết tâm xây dựng gia đình với nhau thì không có gì khó khăn cả. Bà Thinh chứ phải ai mà lo? Vợ liệt sỹ, bỏ cả đời ra thờ chồng nuôi con chả vì con chứ vì ai nữa? Tao với bà Thinh cùng đơn vị sẽ đứng ra lo cho chúng mày. Thời chiến, đời sống mới, toàn cán bộ, đảng viên cả phải gương mẫu chứ. Việc gì phải môn đăng hộ đối phải không bà? Nhà tôi và đơn vị nó là nhà trai. Bà là nhà gái. Chẳng lẽ lại không môn đăng hộ đối, không lo được cho chúng nó? Bà có đồng ý thế không?
          Bà Sự nói một hơi tuồn tuột ra cái kế hoạch tổ chức đám cưới của Gái và Huân cứ như mọi việc đã đâu vào đấy cả rồi. Bà Thinh không kịp phản ứng gì, bà Sự nói tiếp:
          - Mọi người ngoài làng đều vun vào cho hai đứa đấy. Thời buổi chiến tranh không nên cầu toàn cả bà ạ. Bà nhất trí với tôi chứ?
          - Thì để xem ý các cháu nó thế nào đã?
          Bà Thinh dè dặt. Bà Sự tiếp lời:
          - Thế nào? Chúng nó chẳng chín mùi quá rồi còn gì. Thằng Huân nó báo cáo xin phép tôi rồi, còn bà?
          - Dạ. Nó cũng xin phép em cho tìm hiểu con Phương rồi nhưng chưa…
          - Chưa gì nữa?  Phải. Chưa hỏi việc cưới xin chứ gì? Thế tôi mới hỏi bà. Người lớn nói với nhau trước đã sau rồi thứ tự sẽ tiếp sau. Bà đồng ý thế nhé?
          - Thì bà cứ để thư thư cho em hỏi cháu nó đã.
          - Rồi! Nhưng cứ chuẩn bị sẵn đi là vừa bà Thinh ạ.
          Hai bà còn nói chuyện khá lâu với nhau về việc này. Trong khi bà Sự sồn sồn bao nhiêu thì bà Thinh chỉ ngồi nghe bấy nhiêu. Bà Sự nói chuyện cưới xin của Huân và Phương cứ ào ào như bàn việc hợp tác xã của bà ấy vậy. Chẳng có vòng vo Tam quốc làm gì. Chả trách bà ấy làm được chủ nhiệm là phải.
          Mãi đến gần trưa bà Sự mới ở khu sơ tán về. Bà Thinh đem sự kiện này nói lại với vợ chồng bà Thi. Cả nhà bà vừa mừng lại vừa phân vân nhưng có lẽ điều mừng là nhiều hơn cả. Họ đang ăn cơm trưa thì Gái đến. Mọi người xúm lại hỏi Phương. Phương thú thật về tình yêu của mình với Huân nhưng việc cưới xin thì cô chưa nghĩ tới. Bà Thi tham gia:
          - Nếu cháu thực sự yêu thương nó thì theo bá nên sớm có cơi trầu cho phải lẽ. Mình là phận gái, danh phải chính, ngôn phải thuận. Đừng để cho dân làng dị nghị dèm pha. Bá thấy thằng Huân nó được đấy. Lấy nó, nó ở rể trông nom mẹ cháu thì nhất rồi còn gì?
          - Có mà trông. Anh ấy bộ đội nay đây mai đó biết thế nào được.
          Phương ngúng nguẩy. Bà Thinh gắt:
- Thì mày có yêu nó không?
- Tất nhiên là có chứ – Phương khẳng định.
- Có thì phải đàng hoàng con ạ. Bà Sự với bá Thi nói đúng đấy. Thời chiến này đừng có hoa lá cành mà khổ đấy con ạ.
- Hoa lá cành? Mẹ bảo con gái mẹ thế hả? Thế là mẹ đồng ý rồi đấy nhé.
Phương chạy lại ôm bà Thinh. Cả nhà họ cùng cười trước sự việc không ngờ này. Phương thấy rạo rực vô cùng. Cô chỉ muốn gặp ngay Huân để thông báo cái sự kiện nọ. Mọi người đều tưởng tượng ra ngày mà Phương và Huân nên vợ thành chồng.
Xa xa, thỉnh thoảng tiếng bom nổ từ phía Việt Trì vẫn ì ùng vọng tới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét