Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (chương 7)



7

Gà vừa mới gáy canh hai đã nghe thấy tiếng ông Thạc oang oang từ đầu xóm:
- Đắn ơi! Dậy ra bến nhé!
- Bà Thinh ơi! Gọi giúp tôi cô Gái dậy để đi nàm dân quân nhé.
- Côi ơi! Dậy chưa? Đi thôi! Nhớ gọi chúng nó đi cùng đấy!
Ông Thạc đạp cái xe lọc cọc, đến cổng nhà nào là ông vừa ngồi trên xe vừa réo tên người nhà đó. Tiếng chó sủa ăng ẳng suốt dọc đường từ đầu xóm đến cuối xóm theo bước xe của ông. Rồi tiếng người í ới gọi nhau, tiếng gà râm ran gáy, lũ chó được thể thi nhau sủa vang cả làng. Làng Ngọc Chúc bị đánh thức. Lão Phia vừa chợp mắt bị những âm thanh đó dội đến bực bội nói một mình: “Mẹ cha chúng nó chứ. Ngủ cũng không yên!”.
Bến Đền Mom và Bến Xưởng rầm rập bước chân và ồn ào tiếng người. Theo kế hoạch, sáng nay dân quân xã tổ chức sửa sang cả hai bến, chuẩn bị lối lên xuống bốc đạn. Ông Thạc, ông Chi, Phương và Huân đang hội ý để phân công công việc. Đêm về sáng khá lạnh. Trăng cuối tháng mảnh mai ở góc trời. Ngã ba sông bát ngát ánh trăng. Phía bên Hữu Đô làng chài vẫn ngủ yên. Có chiếc thuyền ai đi đánh cá sớm khua mái chèo làm cho sóng nước vỗ vào bờ nghe róc rách, ì oạp. Làn sương mỏng trên sông gợi cho người ta cái cảm giác lành lạnh mờ ảo. Dưới bến lũ thanh niên chí choé trêu chọc nhau.  

Ông Thạc phụ trách bến Xưởng cùng với B cơ động của Gái. Ông Chi xuống bến Đền Mom. Ba chiến sỹ chịu trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật cho cả hai bến. Họ toả đi dưới trăng.
- Các đồng chí! Tiếng Phương nói to với mọi người - Bộ phận nam giới yêu cầu các đồng chí khuân vác, dọn hết số đá để gọn vào một chỗ lấy đường cho tàu vào và người đi lên bờ. Bộ phận nữ lấy cuốc xẻng đánh bậc làm đường và phát dọn bãi để hàng trên bờ cạnh gốc cây si, cây duối. Yêu cầu chúng ta tập trung làm xong trước 8 giờ để tránh máy bay nó đến.
- Nó đến thì kệ nó. Việc gì mà phải sợ hả đồng chí B trưởng?
Tiếng ai đó cất lên. Phương nói tiếp:
- Không được chủ quan. Mọi người hãy bắt tay vào việc đi. Tổ đồng chí Huân đây sẽ hướng dẫn các đồng chí thiết kế bãi để hàng. Các đồng chí nam theo tôi.
- Anh Huân ơi, lên với em!
- Chúng mình làm bãi hàng theo kiểu nền nhà anh nhé!
Mấy cô gái lại chọc Huân. Ông Thạch dở đùa dở thật quát họ:
- Mấy cái đứa này… Chỉ được cái tán dóc.
- Không dóc đâu bố ơi! Coi như … là gì chúng mày nhỉ?
- Là đôi ta như bóng với hình, như cây với cội như mình với ta chứ còn là gì nữa?
- Gớm. Thơ phú ghê nhỉ? Coi như nà nhà thơ xóm nhé.
Ông Thạc tán theo. Tiếng cười ré lên. Huân ấp úng không nói được câu nào. Nếu không phải vì trời tối thì có lẽ mọi người sẽ thấy mặt anh đỏ lựng lên rồi.
Phía dưới mép nước sông, cánh con trai đang hì hục khuân những hòn đá to tướng dẹp sang một bên. Chỗ này thường ngày là nơi các bà, các chị của làng ra sông giặt giũ. Những hòn đá này là nơi để họ ngồi hoặc để chậu quần áo. Đang là mùa hạ nên nước sông Lô dâng đầy. Bãi đá mùa khô hở ra lổn nhổn, mùa này chìm hết cả. Chúng lập lờ như cái bẫy. Xà lan, tàu, thuyền cập bến rất khó khăn. Chúng phải đậu mãi ngoài xa rồi từ đó bắc cầu bằng những tấm gỗ để người khuân hàng lên bờ. Cái cầu vừa chênh va chênh vênh, vừa lùng bùng oặt oẹo đến đi không còn khó chứ nói gì đến vác hàng. Sơ sểnh một tí là cả người và hàng sẽ lăn tòm xuống bãi đá ngầm đó ngay. Nhiệm vụ của cánh đàn ông là phải khơi thông bến đá đó. Mặc dù có ánh trăng nhưng bóng cây sung trùm xuống nên chỗ họ làm vẫn tối om.
Thân lầm lì lội bì bà bì bõm một mình khuân hết hòn đá nọ đến hòn đá kia. Có viên anh vừa bê lên được ngang ngực thì nó trơn quá tuột tay lại rơi xuống. Nước bắn lên tung toé ướt hết cả quần áo. Mò mẫm. Cạy, bẩy. Trượt, ngã. Có hòn to quá, mấy người phải xúm vào lăn nó chuyển dịch dưới nước. Những hòn nhỏ hơn được những cánh tay cuồn cuộn những thịt của đám đàn ông vớt lên và vứt chúng ra chỗ khác. Tiếng đá rơi tì tũm. Lúc mới xuống làm họ còn cảm thấy mát mẻ dễ chịu thế mà bây giờ người nào người ấy ướt đẫm mồ hôi. Có người cởi áo vứt lên bờ cho khỏi vướng víu.
Hoàn lăng xăng chạy chỗ nọ chỗ kia. Mỗi chỗ anh lại bấu tay vào một tí. Mấy ông trung tuổi thấy thế liền bảo:
- Cậu Hoàn làm ở chỗ nào thì làm hẳn chỗ đó. Cứ chạy đi chạy lại thế này vướng cẳng lắm.
- Cháu phải đôn đốc anh em chứ.
Hoàn chống chế. Anh loanh quanh bên Phương. Trong khi đó, Phương xắn quần cao lên đến tận bẹn lội xuống nước cùng mọi người mò vớt đá. Đôi mắt Hoàn không rời cặp đùi trắng nõn của Phương đang lấp loá cùng dòng nước dưới trăng.
Huân cũng xuống sông cùng anh em dân quân.
- Các bạn tập trung nạo vét đoạn này cho tôi. Từ chỗ bóng cây sung kia lên đến đây là được rồi. Chú ý những hòn đá ngầm kẻo xà lan vào bị kẹt thì mất công toi.
Vừa nói Huân vừa dò bước theo dòng nước. Anh vấp phải hòn đá và ngã dúi dụi. Hai tay Huân chới với. May mà tóm được Thân đang ở gần đó.
- Chỗ này tối quá, ai có đèn pin soi lên một tí.
Vừa thấy Hoàn lóng ngóng ở đầu kia đã lại nghe thấy anh cất tiếng ở đầu này rồi.
- Cậu nào bảo đèn đóm thế? Máy bay nó đến nện cho bỏ xừ.
Ông Thạc quát lại.
- Nhưng mà tối lắm.
- Tối cũng phải nàm. Ai cũng phải no cảnh giác, đừng có đùa với bọn Mỹ.
- Ai cũng no cả chỉ còn mỗi cháu đói thôi, bác Thạc ơi.
- Con Xuân hả? Cố cho xong rồi sáng ra về tha hồ mà ăn con ạ. Chưa nàm đã kêu đói rồi.
- Bác “coi như nà” ơi! Sao lúc nãy bác bảo có mấy đồng chí bộ đội chỉ đạo kỹ thuật mà cháu chẳng thấy ai thế? Bây giờ nàm thế lào?
- Tưởng cậu Tiến ở trên đó?
- Có thấy đâu bác ơi! Bác tìm ngay cho chúng cháu đi, anh nào cũng được.
- Bác đừng tin các cô ấy. Cháu vẫn đang làm cùng đây.
Tiến đột ngột lên lời. Lũ con gái lại ré lên cười. Họ ném Tiến, rồi ném nhau bì bụp bằng  những cục đất nhỏ. Có viên rơi cả vào đầu ông Thạc.
- Anh Thân ơi! Anh còn ở dưới đó hay đã trôi sông rồi? Cái Liên nó đang ngóng anh đây này.
- Anh Hoàn ơi, lên đây với em.
Tất cả mọi người vừa làm vừa nói cười vui vẻ. Đã qua mấy đợt gà gáy cũng chẳng ai để ý nữa. Tang tảng sáng. Lác đác đã thấy người đi chợ. Tiếng lũ lợn nhà bà Sự  rống lên đòi ăn kêu eng éc vang ra tận bến.
Hiến từ bến Đền Mom lên. Ông Thạc vội hỏi:
- Tình hình dưới thế nào? ổn chưa?
- Cũng tàm tạm rồi bác ạ. Bác Chi đang cho anh em nghỉ giải lao.
- Thế hả? Coi như nà ổn.
Quay xuống sông, ông Thạc hô to:
- Giải nao đã các đồng chí. Nát nữa ta nại nàm tiếp.
Cánh đàn ông nhảy vội lên bờ. Mấy tay thanh niên quây lấy bọn con gái ngồi dưới gốc duối. Ông Thạc cùng Huân đến bên:
- Cô Xuân đâu rồi. Đói thì tranh thủ về mà ăn đi. Tí nữa nàm bằng xong mới nghỉ đấy.
- Dạ, báo cáo bác, cháu no rồi ạ.
Bà Sự và bà Tuệ người gánh xôi, người gánh nước ra cho cánh dân quân. Chưa kịp để ông Thạc ý kiến, mọi người quây ngay lấy hai bà. Người cầm bát xì xụp uống nước. Người thò tay vào thúng xôi bốc lấy một nắm ăn ngon lành. Ba chàng bộ đội vẫn lơ ngơ ở vòng ngoài. Phương bốc một nắm xôi to tướng đưa cho Huân:
- Mời anh!
Huân đón lấy và cảm ơn. Tiến nháy Hiến cũng chen vào thúng xôi. Hai người vừa chen vừa đùa các cô gái. Chợt Phương thấy Thân vẫn bần thần đứng mãi tận gốc tre, cô vội quay vào bốc lấy một nắm xôi nữa ra đưa cho anh. Thân ngượng ngập xoa vội hai tay vào vạt áo và cầm lấy nắm xôi của Phương.
Họ ăn uống nghỉ ngơi một lúc sau lại tiếp tục công việc. Tối qua vác đạn, sáng nay dọn bến mà không thấy ai kêu ca điều gì. Ai cũng cố hết sức mình cho chóng xong công việc. Ban ngày, việc vớt đá, dọn đường thuận lợi hơn.
Khoảng gần tám giờ, khi mọi người đang cố kiết làm nốt phần việc cuối cùng thì bỗng nghe thấy tiếng kẻng báo động. Tiếng kẻng từ bên Vân Du, rồi đến trên đỉnh Hang Khay, sau đó cả trên đỉnh núi Đám đều vang lên một cách gấp gáp và giục giã. Tiếng máy bay ì ì từ xa. Ông Thạc lấy tay che trên mắt nhìn lên bầu trời trong xanh chửi đổng:
- Tiên nhân chúng nó. Sao hôm nay nạinên sớm thế?
Ông quay về phía mọi người ra lệnh:
- Tất cả tạm nghỉ, tìm ngay hầm trú ẩn.
Mọi người buông vội cuốc, xẻng lao vào các hầm xung quanh bến bãi. Hoàn nhanh chân phi trước. Anh chiếm ngay cái hầm gần nhất và ngồi gọn trong đó. Lũ máy bay đã ở ngay trên đỉnh đầu. Thân và một vài người nữa lom khom đi về phía vườn bà Sự. Bầu trời náo động bởi tiếng máy bay. Chúng lao vút qua. Kinh nghiệm cho thấy những hôm nó thả bom bên xã Thọ Sơn, Ngọc Quan thì khi quay lại chúng mới sinh sự. Cả khu bến lặng băng.
Rồi đột ngột bầu trời như vỡ ra bởi tiếng gầm rú như điên loạn của lũ máy bay Mỹ. Phương ngồi ở dưới hầm ngước lên thấy chúng đang rạch ngang rạch dọc xé nát bầu trời. Bất ngờ một tốp máy bay bốn chiếc cùng lao xuống. Nó rít lên ghê rợn. Tai Phương như ù đi. Mặt đất bỗng nhiên rung rinh chao đảo. Nó như căng ra, co rúm lại rồi lại nảy bật lên. Hàng loạt tiếng bom nổ nối tiếp nhau. Gần. Gần lắm. Hình như thấy cả đất đá bay bình bịch trên miệng hầm. Thôi chết! Nó ném bom xuống làng mình thật rồi! Phương khẽ kêu lên. Cô chợt nghĩ tới mẹ. Không biết sáng nay mẹ đã kịp vào nơi sơ tán chưa. Đất đá, cành cây gãy bay vèo vèo rơi bừa bãi. Khói bom khét lẹt mùi diêm sinh lẫn với đất vụn xộc tới đến nghẹt thở.
Vừa dứt loạt bom đầu lại thấy lũ máy bay khác lao đến. Tiếng nó rít lên lộng óc. Lại ầm ầm bom nổ. Phía cầu treo. Phía quốc lộ. Cả khu cấp hai cũ nữa… Căn hầm rung lên nghiêng ngả. Mùi thuốc bom khét lẹt.
Đây là lần đầu tiên máy bay Mỹ dội bom xuống làng Ngọc Chúc. Cho nên đa số mọi người đều rất hoảng sợ, nhất là cánh trẻ. Mấy chàng mọi hôm ba hoa lắm thế mà hôm nay cũng bo đầu ngồi im thin thít. Thì bọn họ đã được nếm mùi chiến tranh bao giờ đâu. Hoàn ngồi run nhong nhóc ở góc hầm. May mà chỉ có một mình anh không thì…
Mấy lần Phương định ngoi lên khỏi hầm nhưng đều bị Liên lôi lại.
- Sao mày liều thế? Nó đang gầm rú thả bom ầm ầm thế lên để làm gì?
- Nhưng tao lo lắm. Hình như nó ném trúng trường cấp hai cũ thì phải? Chỉ sợ mẹ tao đi làm ở đồng Cây Xoan thôi.
- Lo cũng chẳng được. Bình tĩnh đã.
Nói vậy nhưng Liên cũng sợ lắm. Người cô run lẩy bẩy. Lũ máy bay lại xé trời lao xuống. Hai người ôm chặt lấy nhau, nhắm mắt, bịt tai chờ bom nổ.
Phải mất đến gần một tiếng đồng hồ bầu trời mới yên trở lại. Mãi một lúc lâu sau tiếng kẻng báo yên từ đồi Hang Khay mới vang lên. Mọi người vội chui ra khỏi hầm. Tất cả đều hướng về phía quốc lộ và khu vực đầu cầu. Ở đó, khói bom vẫn bay lên đen kịt cả bầu trời.
Ông Thạc nói với mọi người:
- Tất cả các đồng chí hãy toả đi đến ngay chỗ nó vừa thả bom xem có ai bận gì không? Tổ chức tìm kiếm, cứu chữa những người bị bom. Khẩn trương nên. Hết sức cảnh giác đề phòng chúng quay nại.
Mọi người lao đi. Phương hấp tấp chạy trước tiên. Có lúc bị vấp, cô ngã dúi dụi về phía trước. Thỉnh thoảng tiếng bom từ phía đó vẫn nổ oành oành. Ông Thạc cũng nhảy lên chiếc xe đạp đạp theo họ.
Hoàn lóp ngóp từ dưới hầm chui lên. Anh ngơ ngác không còn thấy ai ở bến nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét