Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (chương 9)



9

          Cơm tối xong, ông Phơ bảo đứa con gái út trải chiếu ra hè, mang ấm chén, điếu cày để ông ngồi hóng mát. Xúc miệng òng ọc xong, ông nhổ toẹt ngụm nước ra phía sau rồi vớ cái điếu cày nạp thuốc. Rít một hơi rõ dài rồi ông khoan khoái chụm miệng nhả khói lên trời.
- Mẹ bố nó chứ. Trời với đất. Nóng thế không biết.
Ông vớ cái quạt lá cọ quạt phành phạch. Không một tí gió. Trời oi nồng ngột ngạt đến khó chịu. Hình như sắp có bão. Buổi chiều lũ chuồn chuồn bay hàng đàn sát mặt đất. Bây giờ lũ mối ở đâu ra như vỡ tổ cũng kéo đến thi nhau lao vào chiếc đèn chai đang treo trước cửa. Nhiều con chết lăn xuống sân vơ lại có hàng đống. Mà dạo này sao lại khó mưa đến thế. Gần hết tháng sáu rồi mà chân ruộng vàn cao vẫn bị hạn nứt nẻ không làm sao mà cấy được. Bão thì bão mẹ nó đi cho ông nhờ. Đang cần nước để cấy nốt chân cao đây. Nghĩ thì nghĩ vậy chứ hợp tác họ lo nhiều chứ ông Phơ lo mấy. Có cái nó nóng quá khiến ông bực cả mình.
Rít tiếp điếu thuốc lào thứ hai, ông Phơ gọi đứa con gái út:
- Hương! Xem anh Hoàn mày đâu gọi về cho bố bảo.
Hương đang cùng mẹ rửa bát ngoài giếng nói vọng vào:
- Anh Hoàn anh ấy đi vác đạn rồi. Hình như ra đến cổng rồi bố ạ.
- Ra gọi ngay anh mày về, bỗ có việc.
Ông Phơ giục. Hương bỏ dở đống bát đó cho mẹ rồi le te chạy ra cổng. Hai anh em Hoàn về. Hoàn ngạc nhiên hỏi ông Phơ:
- Có việc gì thế bố?
- Mày cứ ngồi đây rồi tao khắc nói.
Ông Phơ chỉ Hoàn góc chiếu trống. Hoàn vẫn đứng ở giữa sân:
- Có việc gì bố nói nhanh lên để con còn đi vác đạn.
- Đạn với bom gì! Ở nhà. Tối nay tôi cần nói chuyện với anh.
Ông Phơ đổi cách xưng hô và xẵng giọng với Hoàn.
Hoàn phụng phịu miễn cưỡng ngồi xuống. Ông Phơ rề rà:
          - Dạo này bọn Mỹ đánh ác quá. Không ngày nào là nó không dội bom xuống làng mình. Đúng không?
- Thì vẫn - Hoàn chỏng lỏn - Nó đánh thì kệ nó. Thành quy luật rồi, mình cứ tránh cái giờ đó ra mà làm. Có sao?
Ông Phơ vẫn thủng thẳng:
- Vẫn biết thế. Nhưng mà sau cái hôm ông Tộ, bà Dương chết, lại thêm mấy người nữa thiệt mạng. Tao lo lắm. Cứ cái đà này thì chẳng biết thế nào được.
Ông bỏ lửng câu nói ở đó nhìn Hoàn thăm dò. Hoàn sốt ruột:
- Thế bố định thế nào?
Ông Phơ chớp lấy câu hỏi của Hoàn ngọt nhạt:
- Bố tính con lên chỗ hai anh làm mộc ở Sơn La lánh một thời gian xem sao? Ở nhà bố mẹ với em Hương đã đi sơ tán rồi. Ban ngày nhà mình ở tất trong khu sơ tán chỉ còn có mỗi con là ở ngoài này. Bố lo lắm. Chả lẽ con lại đi sơ tán nốt thì lũ thanh niên nó nói cho. Cho nên, bố nghĩ rồi, tốt nhất là bố lấy lý do cho con lên Sơn La là ổn. Cái nhà lão Phia kia cũng tính đưa cả nhà về quê vợ trên đó đó. Ở trên ấy máy bay Mỹ nó không đánh tới đâu, chứ ở dưới này bom rơi đạn lạc biết thế nào được?

Hoàn đã biết ý định của bố. Ông rất nhát máy bay. Chả thế mà xã chưa triển khai kế hoạch sơ tán ông đã hỏi nhờ một nhà người quen tận mãi trong Minh Cầm rồi. Đến khi có lệnh chính thức thì ông đã đi đầu dẫn vợ con vào rừng ngay từ tối hôm phát lệnh. Ông cùng bà chuyên chở thóc gạo, quần áo, nồi niêu, xoong chảo y như cái hổi tản cư chạy giặc thời Pháp. Xã phổ biến chỉ sơ tán ban ngày, ban đêm lại về sản xuất, ngủ nghỉ và chỉ mang theo gạo nước sinh hoạt trong ngày thôi còn các thứ đều để lại nhà tất nhưng ông không nghe. Ông bảo người đâu của đấy, tin thế nào được. Còn việc sản xuất, thanh niên chúng nó lo là chính chứ những người như ông bà gần hết tuổi lao động rồi bắt làm gì mãi. Hoàn đã bị chi đoàn kiểm điểm cho một trận rằng là bí thư chi đoàn mà không vận động được gia đình thực hiện kế hoạch của xã. Thế mà bây giờ bảo Hoàn đi Sơn La thì…
Thực ra, Hoàn cũng sợ lắm. Cái hôm máy bay nó ném bom đầu tiên khi trung đội dân quân chạy hết về xóm rồi còn anh thì vẫn ngơ ngác đứng ở bến. Đến khi hoàn hồn chạy về gặp liền hai cái xác chết máu me bê bết anh bủn rủn chân tay, lạnh hết cả người. Hoàn không dám đi đưa đám họ. Lấy cớ bị đau đầu anh nằm tịt ở nhà chẳng đi vác đạn đêm đó nữa. Thế rồi mãi sau Hoàn cũng quen với tiếng máy bay, tiếng bom nổ. Cương vị bí thư chi đoàn nhiều lúc làm cho Hoàn phải gồng lên vượt qua. Đặc biệt, nhìn đám con gái vẫn phơi phới hò hát, vẫn vô tư cười đùa Hoàn cảm thấy hơi bị xấu hổ. Hơn nữa, phải thể hiện với Phương chứ. Anh cố giấu đi nỗi sợ sệt của mình mỗi khi máy bay đến ném bom.
          Nghe bố nói vậy, Hoàn giãy nảy:
          - Không được đâu bố ơi! Đang nước sôi lửa bỏng thế này mà bỏ đi thì dân làng người ta cười chết. Hơn nữa con lại là bí thư thanh niên, thư ký đội sản xuất. Bỏ đi chẳng hoá ra là trốn tránh à?
          - Trốn? Trốn cái gì mà trốn? Chẳng qua là tạm lánh một thời gian cho qua cái đoạn ác liệt này rồi lại về mà làm chứ có gì mà phải sợ?
          - Bố nói dễ nghe nhỉ? Cái lúc người ta cần mình nhất mà mình lại bỏ đi thì chẳng phải là trốn là gì?
          - Gớm! Nghe ghê nhỉ? Mày là cái thá gì mà họ cần?
          - Là gì ư? Con là bí thư chi đoàn, là thư ký đội sản xuất. Lại không quan trọng hả bố?
          - Thôi đi! Có cô thì chợ cũng đông, cô đi lấy chồng thì chợ vẫn vui. Vắng anh đã có người khác.
          - Bố lại ca dao. Con không đi đâu cả.
          Hoàn hậm hực nói.
          - Mày có học mà ngu lắm con ạ. Thiếu gì lý do êm ái cho mày đi. Bố mày đây này, bố sẽ chịu tất.
          Ông Phơ bắt đầu bực mình. Hoàn rất hiểu tính bố. Phải nói rằng ông ấy chèo chống khá linh hoạt ở cái làng này. Vụ nào xét cân đối công điểm, gia đình ông cũng đều bị thiếu nghĩa vụ, không được bán điều hoà. Ông chấp nhận. Giá cao thì giá cao. Hai đứa con ông làm thợ mộc gửi tiền về thì có giá cao nữa ông cũng mua được tất. Vả lại giá cao của hợp tác xã còn rẻ chán so với giá ngoài. Mấy đợt tuyển quân, ông đều nắm trước được tình hình. Ông bí mật cho Hoàn lúc thì đi lên với hai anh, lúc thì xuôi về quê có việc. Hoàn vô tư theo sự sắp đặt của bố. Thế nhưng những lần đó anh thấy những lý do của bố mình để anh đi đều không đúng. Lần thì “hai anh mày bị tai nạn có người nhắn mày phải lên ngay”, lần thì  “ông bác ở dưới xuôi ốm nặng hai bố con mình phải về gấp”… Khi xong việc đâu đấy, nghĩa là khi lũ thanh niên làng đã lên đường nhập ngũ rồi thì ông Phơ mới nói thật với Hoàn. Lần này, ông lại chủ động nói ngay từ đầu với nó. Không ngờ nó lại cãi lại mới ức chứ.
          Ông Phơ rất khéo nói. Với ai trong làng ông cũng ngọt xớt, chẳng mất lòng ai bao giờ. Hoàn cũng học được ở ông cái tính đó. Học hết lớp 7, Hoàn ở nhà. Sẵn khẩu khiếu ăn nói, đàn hát, Hoàn được chỉ định làm bí thư chi đoàn. Thì lũ trai làng đi bộ đội hết có còn ai nữa để mà làm? Đáng ra, Hoàn còn kiêm luôn cả chức B trưởng dân quân nữa cơ nhưng xã người ta thấy anh thư sinh quá. Hô “nghiêm” tập hợp dân quân mà Hoàn lại cười thì không thể làm công tác quân sự được. Thôi, để cho nó làm bí thư chi đoàn kiêm thư ký đội sản xuất là được rồi. Nó tính toán nhanh, chữ nghĩa đẹp, hát, nói giỏi vào hai việc ấy là hợp. Phải nói những năm đầu khi chưa có chiến tranh phong trào đoàn của làng Ngọc Chúc rất khá. Hoàn là “của hiếm” của cánh thanh nữ thôn quê.
          Hoàn cắn môi suy nghĩ. Thực ra, lý do để anh không nghe lời bố duy nhất vẫn chỉ là Phương. Anh sợ xa Phương. Người ta bảo nhất cự ly nhì tốc độ, lên tận trên đó biết thế nào được. Đến ở gần bên nhau, ngày nào cũng làm việc với nhau mà anh vẫn còn chưa tiếp cận được Phương nữa là. Bao nhiêu kẻ dòm ngó. Đi lên đó có hoạ mà cho chúng nó ở nhà tha hồ tán tỉnh. Không. Không đi đâu cả. Máy bay thì máy bay. Nó chỉ có chốc có lát chứ liên tục đâu mà sợ.
Thấy Hoàn im lặng hồi lâu, ông Phơ khích con:
          - Mày tiếc cái chức bí thư chi đoàn chứ gì? Hay là tiếc thư ký đội sản xuất? Chẳng là cái gì sất. Một quả bom là đi toi tất. Đừng háo danh con ạ.
          Bà Phơ rửa bát xong cũng lên tham gia:
          - Bố con tính phải đấy. Con cứ tạm lánh lên đó thời gian rồi sau về lại làm. Lo gì. Chứ ở nhà bom đạn thế này không yên tâm đâu.
          Hoàn cự nự:
          - Bố mẹ cứ nói thế. Người ta còn ra chiến trường còn chẳng sợ nữa là.
          - Người ta khác. Mình khác. Đồ ngu. Với lại chiến trường thì nhà này đã có cái thằng anh mày rồi. Đấy, đi bộ đội hơn năm mà có thấy tin tức gì không? Sống chết biết thế nào? Chết ở chiến trường còn có danh có giá chứ chết ở nhà như ông Tộ, bà Dương đấy thì được cái gì? Tao hỏi mày được cái gì?
          Ông Phơ cầm cái chén nước dằn mạnh xuống nền hè. Bà Phơ can:
          - Ông cứ bình tĩnh xem con nó thế nào nào?
          - Bình tĩnh. Bà bảo tôi bình tĩnh cái gì? Bom nó nổ oành oành ra. Mình ngồi trong nơi sơ tán sốt ruột với con bao nhiêu mà nó có biết cho đâu. Mày lo đóng góp à? Một mình anh mày là đủ rồi. Nghe chửa?
          Hương thấy bố nổi nóng với anh nó nem nép vào cánh cửa.
Chợt có tiếng chó sủa ngoài ngõ. Lão Phia vừa quát chó vừa lù lù đi vào. Bà Phơ gọi Hương ra giữ chó cho lão Phia. Ông Phơ quay lại tư thế ngồi.
          - Ông bà từ chỗ sơ tán về lúc nào thế?
          Lão Phia hỏi thay cho câu chào. Ông Phơ trở lại bình thường đáp:
          - Ông Phia à? Chúng tôi về lúc chập tối. Thế ông không vào chỗ sơ tán à?
          - Có. Cũng vừa về tới đây đây. Gớm sáng nay nó ném bom rát quá, tưởng nhà mình bay mẹ nó rồi ông ạ.
          Hoàn rót nước mời lão Phia.
          - Thế tối nay không đi vác đạn hả cậu Hoàn?
          - Có ạ. Cháu đi muộn một tí.
          - Khổ. Suốt ngày bom với chả đạn. Chẳng được nghỉ tí nào. Mẹ cha cái thằng Mỹ chứ.
          Lão Phia chửi đổng. Vừa lúc ngoài cổng có tiếng gọi:
          - Hoàn ơi! Cậu điều cho 10 người ngày mai tát nước đồng mạ nhé. Nhớ đi ngay đi kẻo lỡ việc.
          Ông Trung đội trưởng sản xuất đang lọc cọc đạp xe đi gọi các nhóm trưởng để điều việc hợp tác ngày mai. Vớ được lý do đó, Hoàn đứng dậy chào ông Phia và bố mẹ để đi.
          - Ông ngồi chơi với bố mẹ cháu, cháu xin phép đi kẻo ông Trung lại mắng. Con đi bố mẹ ạ.
          Hoàn vút ra cổng bỏ mặc câu chuyện đang dở dang giữa anh với bố mẹ. Bầu trời chi chít sao. Kiểu này còn nắng lâu đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét