Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (chương 20)



20

Tịch nhảy chân sáo ra khỏi nhà để lên núi Hang Khay thay gác cho Côi. Mấy hôm xuống núi đi làm “202” đào xúc đất, đẩy xe cải tiến làm cho cô mệt nhoài. Ông Niên Tính, đội trưởng đội 202 nói với mọi người trong đội:
- Cái Tịch từ ngày lên núi làm gián tiếp gác phòng không hình như nó ươn người ra thì phải. Tao trông nó phờ phạc như là ốm nghén ấy.
- Cái ông này. Nghén cái gì mà nghén? Ông chỉ được cái tầm bậy.
- Nó nhớ anh Chất đấy.
- Thì là nghén tương tư. Ông ấy nói cũng có phần đúng đấy. Ông Niên nhỉ?
Mấy đứa con gái đứa bênh Tịch, đứa ủng hộ ông Niên. Họ chĩa vào Tịch lao nhao. Xuân quẳng xẻng chống nạnh nói với đội trưởng:
- Ông tưởng gác máy bay làm gián tiếp là nhàn lắm phỏng? Ông thử lên một buổi xem sao? Nguyên chuyện rét mướt, mất ngủ đã ốm người ra rồi chứ chưa nói gì đến vác nước lên núi, đến đếm bom, đào tăng sê đâu nhé. Đấy, hôm máy bay nó nện cho cả ngày tưởng chúng nó đi toi hết chứ tưởng “gián tiếp” à? Gián, có mà gián cái khỉ gió. Còn trực tiếp hơn cả chúng ta ấy.

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (chương 19)



19
 Cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân làm nức lòng nhân dân cả nước. Tết ấy, làng Ngọc Chúc vui lắm. Tin thắng trận bay về liên tiếp. Chỗ nào người ta cũng bàn tán về chiến cục miền Nam. “Thằng Mỹ thua to đến nơi rồi. Nhất định nó phải cút về nước sớm”. “Chắc chắn cái mẻ đạn đặc biệt dân mình vác đêm nào cũng góp phần làm nên những chiến công đó”. Không khí Tết tưng bừng cả xã. Ai cũng gom góp lợn gà, bánh chưng hoàn thành nghĩa vụ sớm gửi ra tiền tuyến. Ông Ưu chủ nhiệm cửa hàng vui ra mặt. Chưa có tết nào huy động nghĩa vụ thực phẩm lại nhanh, gọn như Tết này. Nhà nhà đua nhau, các hợp tác xã đua nhau. Lợn, gà, trứng, đỗ, lạc chất đầy xe kìn kìn chở về huyện. Lão Phia cũng hăng hái tham gia trong đội vận chuyển thực phẩm của cửa hàng từ các đội sản xuất về giao cho xã. Ngoài đồng, lúa xuân cấy đến đâu xanh đến đó. Ban quản trị của bà Sự chạy như con thoi giữa đội nọ đội kia điều hành nước nôi, mạ muỗi.
Ban chỉ huy xã đội bên cạnh niềm vui chung đó cũng tất bật với kế hoạch quân sự cho năm mới. Theo nhận định của trên, giặc Mỹ thua đau ở miền Nam nhất định chúng sẽ cắn càn ra miền Bắc. Chắc chắn cuộc chiến rồi đây sẽ gay go hơn, ác liệt hơn. Máy bay chúng nó sẽ oanh tạc nhiều hơn. Vì thế, kế hoạch tu sửa hầm hào, sơ tán dân, vận chuyển và bảo vệ kho đạn, nâng cao cảnh giác luôn được ông Thạc, ông Chi và anh em dân quân nhắc tới. Bận rộn nhất là việc thực hiện lệnh tổng động viên của trên. Chiến trường đang cần người, yêu cầu miền Bắc chi viện. Một đợt tuyển quân đột xuất được tổ chức ngay sau khi Tết xong. Thanh niên làng Ngọc Chúc nô nức đăng ký tình nguyện. Chỉ tiêu trên giao có chục người mà số người đăng ký đã lên tới trên ba mươi. Hầu như số thanh niên trai tráng của làng đều đăng ký hết. Nhiều lá đơn viết bằng máu đọc lên rất xúc động. Người ta tranh nhau đi bộ đội. Trong số đó có cả Thân. Ông Thạc bù đầu về giải thích tiêu chuẩn tham gia quân đội kỳ này. 

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (chương 18)



18
           Cơm tối xong, Hiến và Tiến xin phép Huân vào khu sơ tán chơi. Đêm nay họ và dân quân xã cùng được nghỉ vì hàng không lên. Hiếm có một đêm thư thả như thế. Còn lại mình Huân ngoài bãi đạn, anh chui vào nhà bạt hí hoáy ghi nhật ký.
          Ngọc Chúc ngày… tháng… năm…
          Hôm nay, hàng không lên. Cả tháng trời đêm nay mới được nghỉ. Suôt gần hai năm qua, đêm nào cũng thế bến sông này rầm rập bước chân người. Mỗi tối, dân quân xã phải khuân vác hàng chục tấn đạn. Một tháng có 30 đêm thì chí ít cũng phải có tới 28 đêm vác đạn. Sơ sơ tính đến đêm nay cũng khoảng ngót nghét mấy ngàn tấn đạn dược qua vai những thanh niên xã này rồi. Càng nghĩ càng phục lực lượng dân quân những người như ông Thạc, ông Chi, như Phương, như Tịch, như Thân, như Khang và bao người khác nữa. Họ là những chiến sỹ hậu phương thầm lặng phục vụ cho chiến trường. Mình vô cùng biết ơn họ. Nhờ có họ mà mình hoàn thành nhiệm vụ.
          Đêm qua, lúc ở bến, Phương là người vác hòm đạn cuối cùng từ xà lan lên. Nhìn em bé nhỏ vác hòm đạn to đùng mà thương quá. Lúc em đi qua trước mặt mình, nghe hơi thở gấp gáp của em mình không sao cầm lòng được. Từ cái hôm che bom cho em đến giờ, gặp Phương mình cứ cảm thấy lúng túng thế nào ấy. Cứ nghĩ đến cái lúc nằm đè lên em là người mình nóng ran. Sao lúc ấy mình liều thế cơ chứ? Liệu Phương có thông cảm cho mình không? Hình như em cũng ngượng ngùng như mình thì phải? 

NGẢY ẤY BÊN SÔNG (chương 17)



17
          Sau cái hôm được ông Thạc và Hoàn cứu cho thoát chết ở hầm, lão Phia nhìn hai người này với con mắt khác hẳn. Với ông Thạc, lão Phia khá nể trọng. Ngồi đâu lão cũng ca ngợi ông xã đội trưởng làng mình. Còn Hoàn, ông phia phục anh lắm. Không ngờ cái thằng trông thư sinh ẽo ợt thế mà dũng cảm đáo để. Hôm lão Phia đến thăm bà Năm bà cũng không ngớt lời khen nó. Chả bù cho bố nó. Cái hồi năm bốn bảy, người ta chuẩn bị đánh tây ầm ầm, cả làng trên xóm dưới rậm rịch, ấy vậy mà lão ta lại dẫn vợ con chạy mãi vào tận trong Minh Cầm để sơ tán.
          Cuộc đời lão Phia khá đặc biệt. Năm chục tuổi đầu lão đã có năm người con. Toàn con gái cả. Vợ lão là người dân tộc, quê mãi tít tận trên Sơn La. Bà ấy lành như cục đất. Cả ngày bà chẳng nói lấy một lời. Việc đồng áng, vườn tược bà đảm đang hết. Một nách năm đứa con, bà lầm lụi bươn chải. Chẳng bù cho lão Phia lươn khươn hết chỗ nọ đến chỗ kia. Lão chán bà vì bà chỉ sinh cho lão toàn một lũ vịt giời. Càng cố đẻ càng vịt giời. Thế có ức không cơ chứ? Mấy tay trong làng được thể càng trêu lão. “Cái lão Phia ấy à, đái không qua ngọn cỏ chả trách đẻ toàn con gái là phải. Mâm dưới. Mâm dưới. Con người ta đi bộ đội ầm ầm mà con lão liễu yếu đào tơ chỉ quẩn quanh xó bếp. Cho lão ngồi mâm dưới”. Bố thằng Hoàn cứ phẩy tay về phía lão Phia mỗi khi nhà ai có cỗ mời hai người. Càng cãi, càng phản ứng thì làng lại càng lộ mình, họ lại càng trêu kích thêm. Thượng sách là im lặng và làm theo cách của mình. Bảo ông chỉ được làm bố đĩ nhưng làng này thử hỏi đã có thằng đàn ông nào được như ông? 

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (chương 16)



16

          Sáng tháng mười, sương mù dày đặc. Cách nhau mấy bước chân cũng không nhìn rõ mặt. Từng hạt sương li ti bay lượn lờ, luồn lách cả vào những khe cửa mang theo hơi lạnh buốt giá. Màu sương đục trắng như sữa. Năm nay rét sớm. Sương muối buốt thon thót. Ai nấy đều co ro cúm rúm vì rét. Hơi thở phả ra đến đâu đóng băng lại thành sương đến đó. Mỗi khi nói ta có cảm tưởng như có một luồng khói đang phả ra từ miệng. Tiếng nói nghe méo mó, không thật. Chúng như bị đông cứng lại khi vừa mới thoát ra khỏi miệng. Đêm sương ngày nắng, công việc thu hoạch vụ mùa bận túi bụi. Vừa gặt lúa, trục tuốt lúa lại vừa làm rau màu vụ đông. Riêng tổ khoa học của Gái còn phải chăm sóc thêm mấy thửa ruộng bèo hoa dâu giống nữa. Mọi người như căng ra cùng rét và công việc.
          Sáng nay, Phương cùng Khang, Hà và mấy người nữa cho bèo dâu ăn. Mấy ngày vừa qua rét quá, bèo hoa dâu đỏ quạch. Đã xuất hiện những đám bèo chết đỏ. Họ phải gánh tro bếp ra quãi đều trên mặt ruộng để chống rét cho chúng. Cầm cây sào nứa trên tay, Phương xuýt xoa mấy bận vẫn chưa thò được đôi chân xuống ruộng. Bờ cỏ trắng sũng hơi sương. Đặt bước chân vào chỗ nào là thành vệt chỗ đó. Những cánh bèo dâu cũng như xúm xít lại với nhau để chống rét. Mặt nước như đóng băng trông thấy mà rùng mình. Hà, Liên ôm nhau rúm ró vì rét. Hai hàm răng của họ đánh vào nhau lập cập như nhịp đàn. Bờ bên kia cả Khang cũng thế. Anh gọi với sang:
          - Buốt lắm Phương à? Hay để lát nữa nắng lên, tan sương rồi hãy xuống?
          - Không được đâu anh ạ. Lúc ấy máy bay nó đến phơi lưng ra cho nó bắn mình à? Cứ nhảy xuống. Rồi sẽ quen.
          Nói đoạn, Phương mắm môi nhảy xuống ruộng trước. Cô khẽ rùng mình. Ngàn mũi kim đâm vào hai bắp chân trần của Phương buốt thon thót. Cầm cây sào nứa trên tay cô khẽ dập dập đều lên những cánh bèo dâu nhỏ xíu. Tro tan ra. Dập đến đâu, mặt ruộng bèo dâu sáng ra đến đó. Mười ngón tay Phương đỏ rần vì buốt giá. Theo Phương, Khang, Hà rồi Xuân cũng cùng ào xuống ruộng. Tiếng dập bèo hoa dâu vang lên “lắp sắp” nghe rất vui tai. Mọi người vừa làm vừa nói cười để quên đi cái rét.