Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (chương 16)



16

          Sáng tháng mười, sương mù dày đặc. Cách nhau mấy bước chân cũng không nhìn rõ mặt. Từng hạt sương li ti bay lượn lờ, luồn lách cả vào những khe cửa mang theo hơi lạnh buốt giá. Màu sương đục trắng như sữa. Năm nay rét sớm. Sương muối buốt thon thót. Ai nấy đều co ro cúm rúm vì rét. Hơi thở phả ra đến đâu đóng băng lại thành sương đến đó. Mỗi khi nói ta có cảm tưởng như có một luồng khói đang phả ra từ miệng. Tiếng nói nghe méo mó, không thật. Chúng như bị đông cứng lại khi vừa mới thoát ra khỏi miệng. Đêm sương ngày nắng, công việc thu hoạch vụ mùa bận túi bụi. Vừa gặt lúa, trục tuốt lúa lại vừa làm rau màu vụ đông. Riêng tổ khoa học của Gái còn phải chăm sóc thêm mấy thửa ruộng bèo hoa dâu giống nữa. Mọi người như căng ra cùng rét và công việc.
          Sáng nay, Phương cùng Khang, Hà và mấy người nữa cho bèo dâu ăn. Mấy ngày vừa qua rét quá, bèo hoa dâu đỏ quạch. Đã xuất hiện những đám bèo chết đỏ. Họ phải gánh tro bếp ra quãi đều trên mặt ruộng để chống rét cho chúng. Cầm cây sào nứa trên tay, Phương xuýt xoa mấy bận vẫn chưa thò được đôi chân xuống ruộng. Bờ cỏ trắng sũng hơi sương. Đặt bước chân vào chỗ nào là thành vệt chỗ đó. Những cánh bèo dâu cũng như xúm xít lại với nhau để chống rét. Mặt nước như đóng băng trông thấy mà rùng mình. Hà, Liên ôm nhau rúm ró vì rét. Hai hàm răng của họ đánh vào nhau lập cập như nhịp đàn. Bờ bên kia cả Khang cũng thế. Anh gọi với sang:
          - Buốt lắm Phương à? Hay để lát nữa nắng lên, tan sương rồi hãy xuống?
          - Không được đâu anh ạ. Lúc ấy máy bay nó đến phơi lưng ra cho nó bắn mình à? Cứ nhảy xuống. Rồi sẽ quen.
          Nói đoạn, Phương mắm môi nhảy xuống ruộng trước. Cô khẽ rùng mình. Ngàn mũi kim đâm vào hai bắp chân trần của Phương buốt thon thót. Cầm cây sào nứa trên tay cô khẽ dập dập đều lên những cánh bèo dâu nhỏ xíu. Tro tan ra. Dập đến đâu, mặt ruộng bèo dâu sáng ra đến đó. Mười ngón tay Phương đỏ rần vì buốt giá. Theo Phương, Khang, Hà rồi Xuân cũng cùng ào xuống ruộng. Tiếng dập bèo hoa dâu vang lên “lắp sắp” nghe rất vui tai. Mọi người vừa làm vừa nói cười để quên đi cái rét.

          - Tịch ơ…ơi! Có Tịch ở ngoài đấy không đơ… đới?
          Có tiếng người đàn ông từ trên đường gọi với xuống. Xuân nhanh nhảu:
          - Co…có. Nó ở dưới này này.
          Khang nhìn Xuân ngơ ngác. Phương cũng dừng sào ngó sang. Làm gì có cái Tịch ở đây mà con bé Xuân nó lại mau mồm bảo có cơ chứ? Xuân rúc rích:
          - Anh Chất đấy. Để em trêu anh ấy một mẻ.
          Cả bọn cùng cười đồng tình.
          - Em ở đâu, Tịch ơi?
          Đúng tiếng Chất, lính công binh tỉnh đội thật. Nghe có vẻ dồn dập lắm.
          - Đơ…đơi. Em ở đơi, anh Chất ơi!
          Xuân lại dẻo mỏ bắc tay lên miệng làm loa gọi to. Một bóng người nhập nhoà trong sương lật đật bước thấp bước cao nhảy qua các bờ ruộng đến chỗ họ. Khi đã nhìn rõ bóng những người trên ruộng bèo, Chất dừng lại thở trong hơi sương:
          - Chào các bạn! Cho mình gặp Tịch một lát.
          - Anh Chất hả? Anh tìm Tịch làm gì mà gấp gáp thế?
Lại tiếng Xuân rào đón.
          - Tôi… tôi tìm cô ấy có chút việc riêng mà. Tịch làm ở ruộng nào hả em?
          - Kia kìa. Nó đang cho bèo dâu ăn ở phía ruộng đó đó.
          Xuân chỉ sang ruộng của Phương. Chất lật đật đi tới. Qua màn sương Chất nhìn thấy một cô gái đội nón, bịt khăn tùm hụp che kín mặt.
          - Tịch! Lên anh nhờ cái đã!
          Phía sau, Xuân phá ra cười. Đằng này, Phương cũng không nhịn được nữa, bật cười theo. Chất trên bờ ngơ ngác. Lúc này, Khang mới lên tiếng:
          - Không có Tịch ở đây đâu, các cô ấy đùa đấy.
          - Khô… không có Tịch ở đây hả các bạn?
          - Không. Mà cậu tìm cô ấy có việc gì? Khang hỏi lại.
          - Tôi tìm Tịch để chào cô ấy về đơn vị. Tiện đây tôi cũng xin chào các bạn, tôi có lệnh phải về đơn vị ngay ngày nay rồi.
          Cả bọn dừng cười và nhao nhao cùng lên bờ:
          - Sao? Chuyển đi hả anh Chất?
          - Tưởng anh vẫn ở bên Hữu Đô cơ mà?
          - Anh đi hẳn hay chỉ về đơn vị thời gian rồi lại lên?
          Những câu hỏi rối rít ríu vào nhau làm cho Chất lúng túng. Phần vì rét, phần vì mong được gặp Tịch, lại ngập giữa những câu hỏi dồn dập đó làm cho người anh run lên.
          - Mình tập huấn phá bom cho bên Hữu Đô xong thì có lệnh của tỉnh đội gọi về. Không biết về hẳn hay chỉ một thời gian. Quân đội khó mà nói trước được. Bọn Mỹ dạo này đánh phá tỉnh mình ghê quá. Có khi mình về lại được điều sang huyện khác cũng nên. Thế hôm nay Tịch không làm bèo hoa dâu hả các bạn?
          - Không - Phương đáp - Nó đến phiên trực gác máy bay. Giờ đang ngồi trên đỉnh đồi Hang Khay kia kìa. Anh muốn gặp nó thì phải lên đó.
          Phương giơ tay chỉ về bóng núi mờ sẫm trong sương phía trước mặt. Chất nhìn theo thoáng buồn. Xuân loe xoe:
          - Thế anh có lên đó không? Khá cao đấy.
          - Có. Tôi phải gặp Tịch trước lúc chia tay mới được.
          - Đúng đấy. Cậu nên gặp cô ấy.
          Khang hùa theo. Chất hỏi tiếp mọi người:
          - Thế lên đó bằng lối nào hả các bạn?
          - Anh cứ qua cổng nhà ông Thạc rồi theo lối mòn trên vách lô đá mà lên. Dốc lắm. Cẩn thận không trượt chân ngã xuống Đầm Sen thì khổ.
          Phương sốt sắng nói với Chất. Chất vội vàng:
          -  Vậy hả? Thế thì chào các bạn, tôi phải đi đây. Chúc tất cả ở lại mạnh giỏi quyết thắng nhé.
          Nói đoạn, Chất nắm chặt tay từng người rồi ù chạy đi. Bóng anh nhoà dần trong màn sương. Phương, Khang, Hà, Xuân nhìn hút theo mãi Chất.
          - Đúng là tình yêu có khác - Xuân loe xoe - Các cụ nói cấm có câu nào sai Liên nhỉ?
          - Chứ lại không? “Yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua” mà.  Liên ra vẻ hiểu biết đáp lại.
          - Còn cái Phương nữa? Mai kia anh Huân mà đi thì có lẽ nó khóc mấy ngày chứ chẳng bỡn.
          Phương giơ tay đấm Xuân thùm thụp. Mọi người lại tiếp tục xuống ruộng dập nốt chỗ bèo còn lại. Vừa làm Phương vừa nghĩ đến câu nói của Xuân. Con ranh ấy cái gì cũng biết. Nó là con ma xó cũng chừng? Thực lòng Phương có cảm tình với Huân từ lâu rồi, nhất là cái hôm anh lấy thân mình che chắn bom cho Gái.
          Hôm ấy, Phương và Huân vừa họp xã đội xong đang trên đường đi về thì bất ngờ máy bay nó đến. Không như mọi lần, lượt về chúng mới ném bom, lần này chúng lao đến và cắt bom luôn. Máy bay bay thấp quá. Tưởng chừng như nó ở sát ngay trên đầu. Phương đang luống cuống tìm hầm thì cô thấy Huân lao đến dìm người mình xuống. Một tiếng nổ đinh tai nhức óc vang lên. Đất đá bay rào rào. Hai người nằm đè lên nhau cắm mặt xuống đất. Xung quanh bom nổ ầm ầm. Mãi sau, lũ máy bay cút họ mới lồm ngồm ngồi dậy. Mặt người nào người ấy đen sạm vì khói bom và bụi đất. Huân nhăn nhó có vẻ đau đớn. Phương quên cả ngượng ngùng vội vã hỏi: “Có sao không anh”. Huân sờ khắp người mình, lắc đầu: “Không sao cả. Mấy hòn đá to rơi vào người chỉ đau một tí thôi. May mà nó không rơi vào đầu, không bị mảnh bom nào văng tới, không thì…”. Lúc đó, cả hai người mới nhìn nhau ngượng ngập. Mặt Huân đỏ lựng lên: “Thông cảm cho anh nhé”. Phương ngúng nguẩy chạy ù đi.
          Cái cảm giác khi Huân nằm đè lên mình và hơi thở của anh, mặc dù giữa bom rơi đạn nổ, vẫn còn ngây ngất với Phương mãi tới tận bây giờ. Người gì mọi ngày nhát gái thế, thế mà hôm ấy lại liều đến vậy! May mà có anh ấy không thì mình bị ăn mấy cồ đá rồi cũng nên. Phương để ý đến Huân từ dạo đó. Còn Huân sau “vụ” ấy lại càng bẽn lẽn hơn. Những tối vác đạn, những ngày họp xã đội, gặp Phương, anh cứ lóng nga lóng ngóng thế nào ấy. Chẳng bù cho Chất, về sau Huân mấy tháng, lại đấp đoảng công việc với xã (anh chỉ có nhiệm vụ hướng dẫn phá bom thôi) nhưng khi yêu Tịch là yêu dữ dội  luôn.
          Chất vừa đi vừa chạy đến cổng ông Thạc. Sương đã dần tan. Rét thế mà áo anh đẫm mồ hôi. Anh vào chào ông Thạc, tiện thể gửi luôn chiếc ba lô để leo núi.
          Chất hăm hở trèo dốc. Rừng Hang Khay rậm rịt, cây cối um tùm đẫm hơi sương. Sương núi trên những cành lá quệt vào người anh làm cho áo anh đã ướt vì mỗ hôi lại càng ướt đẫm thêm. Hơi lạnh từ núi đá toát ra làm cho Chất có cảm giác mát dịu. Nhiều đoạn, anh phải bám lấy sợi dây rừng theo lối mòn mà leo lên. Dốc quá. Chênh vênh quá. Thăm thẳm dưới kia là Đầm Sen. Sơ sểnh một tí là trượt chân ngã như bỡn. Thế mà ngày nào tổ gác máy bay trên trạm phòng không này cũng phải lên xuống để lấy nước sinh hoạt.
          - Ơ! Anh Chất! Anh đi đâu thế này?
          Chất một tay đang chống lên đầu gối, một tay tóm lấy đoạn dây rừng để leo lên thì nghe thấy tiếng nói từ phía trên. Anh dừng lại thở và ngước nhìn lên. Một cô gái đang xuống dốc. Chất thoáng chút ngỡ ngàng.
          - Anh không nhận ra em à? Em là Đắn đây. Hôm anh chả hướng dẫn em nhặt bom bi mãi là gì!
          - Đắn à! Anh nhớ rồi. Thế em đi đâu đấy?
          - Em xuống núi lấy nước. Anh tìm cái Tịch phải không?
          - Ừ. Anh vừa lên tìm Tịch vừa chào các em trong tổ phòng không luôn.
          - Thế anh đi đâu?
          Chưa để cho Chất kịp nói hết câu, Đắn vội vàng hỏi lại.
          - Anh về tỉnh đội. Anh phải đi ngay sáng nay.
          - Sao vội thế anh?
          - Lệnh cấp trên mà.
          Hai người đứng nói chuyện với nhau một lúc thì chia tay. Đắn nói với Chất:
          - Thôi, anh lên đó đi. Trên ấy đang có cái Tịch và cái Côi trực đấy. Em phải đi lấy nước đây, trưa em mới lên.
          - Thế hả? Cảm ơn Đắn nhé. Chúc em ở lại mạnh giỏi nghe.
          - Vâng. Anh nhớ chăm sóc cái Tịch đấy. Đừng quên bọn em nghe anh.
          Đắn nháy mắt cười với Chất đầy ý nhị. Cô lách qua người anh xuống núi. Hai cái ống bương to tướng trên lưng Đắn như vít cô ở lại. Chất bần thần nhìn Đắn một lát rồi tiếp tục leo lên. Sương trên đỉnh núi hình như loãng hơn. Đã thấy le lói ánh mặt trời phía đằng đông rọi tới.
          Trạm phòng không Hang khay đặt ngay trên đỉnh núi. Một túp lều lợp lá mía tuềnh toàng hở bốn phía. Lán nằm nửa chìm nửa nổi trong đất, xung quanh tán cây xanh che kín. Chất nhảy vào một đoạn giao thông hào tiến lại gần. Anh thấy Tịch và Côi đang ngồi sưởi giữa lán. Họ đang đun nấu cái gì đó. Chiếc nồi trên bếp sôi ùng ục toả hơi ra nắp vung. Một chiếc phản ghép kê bên cạnh. Trên chiếc phản đó là mấy quyển sách, cái lược, cái gương và những đồ dùng của con gái. Ba khẩu súng K44 dựng ngay cạnh thành phản. Khẩu 12 ly 7 đặt ở góc hầm phía bên kia. Nòng nó được nguỵ trang khá kỹ ngóc lên trời trông như một gốc cây quấn đầy dây leo xung quanh. Hai cô gái không biết có một người đang quan sát họ.
          - Chào các em!
          Chất lên tiếng. Hai cô gái giật bắn mình. Họ suýt nữa thì kêu lên. Khi trấn tĩnh lại cả hai cùng ngơ ngác vì sự xuất hiện khá đường đột của Chất. Riêng Tịch càng không ngờ Chất lại có mặt trên đỉnh đồi này.
          - Gác sách như các em thế này thì chết. Địch đến nó bắt sống chứ chẳng bỡn.
          Chất đùa tiếp. Côi đáp lại:
          - Bọn em gác giặc trời chứ có gác giặc đất đâu mà lo.
          - Giặc nào mà chẳng là giặc.
          - Nhưng giặc trời bọn em chỉ có việc nghe và gõ kẻng báo động thôi, cần gì phải cảnh giác với xung quanh hả anh. Bọn này thì chỉ có tiếng ì ì từ xa hay bên trạm khác gõ kẻng thì chúng em phát hiện ngay được mà. Có chăng chỉ coi chừng lũ lợn rừng, khỉ độc thì có.
          Quả thực núi Hang Khay này rất rậm rạp và có nhiều thú rừng sinh sống. Từ lợn rừng, gà cỏ, đến chim chóc các loại. Riêng khỉ thì nhiều vô kể. Chúng có hàng đàn. Một phía là Đầm Sen, một phía là bềnh sậy. Trên rừng cây cối đan xen nhau, dưới thung sậy, sặt, lau lác chen chúc nhau mọc. Có hôm, lũ khỉ tinh nghịch kéo cả đàn đến vây quanh lán phòng không trêu ghẹo các cô gái. Đêm đến, các cô phân nhau thức gác máy bay. Những người được ngủ có đêm không ngủ được, nhất là những đêm đầu lên đây. Tiếng tắc kè kêu, tiếng lợn rừng đi ràn rạt ngay cạnh lán ngủ. Về sau quen dần, họ cũng dạn với cả những âm thanh đó.
          Từ lúc Chất xuất hiện, Tịch lúng túng như gà mắc tóc. Tim cô đập thình thịch. Không hiểu anh ấy lên đây có việc gì gấp thế. Hai người ngầm hỏi nhau qua ánh mắt nhưng Tịch vẫn hồi hộp quá. Côi thấy vậy hỏi Chất:
          - Có việc gì mà anh lên đây sớm vậy? Anh có gặp cái Côi nó xuống núi không?
          - Có. Anh lên đây chào các em để về đơn vị.
          - Về đơn vị?
          Tịch tròn xoe mắt nhìn anh. Chất gật đầu.
          - Thế mới phải lên sớm chứ. Anh phải đi ngay sáng nay.
          Đoán được ý định của Chất, Côi tế nhị:
          - Anh Chất ở đây nói chuyện với Tịch nhé. Em ra phía núi đằng kia dọn nốt số đất đoạn giao thông hào hôm qua bị bom nó ném trúng.
          Côi tìm cái xẻng và chui ra khỏi lán. Tịch nói với theo:
          - Thế không ở lại ăn sắn đã à?
          - Không. Hai người cứ ăn đi. Tí nữa tớ về ăn sau cũng được.
          Tiếng Côi hút dần phía cuối giao thông hào.
          Còn lại hai người, Tịch nhìn Chất lí nhí:
          - Anh đi thật à?
          - Ừ.
          - Anh ngồi xuống đây cho ấm đã. Mà làm sao áo anh ướt hết cả thế này?
          - Sương đấy. Gớm, sáng nay sương mù nhiều quá.
          Chất ngồi xuống bên bếp lửa cạnh Tịch. Anh giấu không cho Tịch biết áo anh ướt còn do cả mồ hôi anh chạy bộ và leo dốc lên đây nữa. Anh chẳng cảm thấy rét một chút nào cả. Hai người ngồi yên lặng bên nhau. Tịch cầm que củi cời than trong bếp lửa. Tiếng củi ốt ết cháy nổ lép bép. Tàn than bắn ra như hoa cà hoa cải. Nồi sắn trên bếp sôi lịch bịch toả một mùi thơm thật dễ chịu.
          Mãi sau, Chất phá tan bầu không khí im lặng:
          - Sao không làm phên liếp che chắn xung quanh cho đỡ rét hả em?
          - Che thế nào được anh - Tịch nói - Bọn em cần thoáng đãng để nghe tiếng máy bay từ xa, nghe tiếng kẻng báo động chuyển tiếp từ các trạm khác trong huyện tới chứ. Bịt kín hết thì nghe thế nào được.
          - Thế thì mùa rét rét lắm em nhỉ?
          - Vâng. Rét ghê gớm ấy anh ạ. Nhất là hôm nào gió mùa đông bắc tràn về hoặc mưa phùn gió bấc thì khổ phải biết. Trên đỉnh cao này tha hồ cho gió nó hoành hành. Bọn em không đứa nào ngủ được đâu. Phần vì lo máy bay nó đến. Phần vì rét nữa. Cứ phải trùm chăn kín quanh người mà ngồi.
          - Cơm nước ra sao hả em?
          - Nấu nướng tại chỗ. Gạo em có cả một thùng dự trữ kia. Chỉ có khoản nước là khổ. Hôm nào cũng phải phân công nhau xuống núi đèo lên được ba, bốn bắng để dùng. Tắm giặt phải thay phiên nhau về nhà vậy.
          - Đúng là gian khổ còn hơn cả bộ đội bọn anh. Thương lắm Tịch à.
          Chất cầm tay Tịch nói và nhìn sâu vào mắt cô. Hai người lặng ngắm nhau và không nói gì nữa. Ánh lửa hắt lên làm cho khuôn mặt
họ hồng hào hẳn. Một khoảng lặng giữa chừng câu chuyện.
          - Bố mẹ dạo này thế nào hả em? Hai cụ vẫn khoẻ cả chứ?
          - Vâng. Các cụ vẫn ở trong nơi sơ tán.
          - Còn Tuyên, em trai em thế nào?
          - Cu cậu vẫn nghịch lắm. Nó nhắc tới anh luôn. Nó bảo sau này lớn lên nhất định nó sẽ đi bộ đội giống anh Chất.
          - Thế hả? Ngộ ghê. Em cho anh gửi lời chào bố mẹ và các em nhé.
          Tịch đang vui bỗng buồn hẳn xuống. Trong lòng cô rộn lên bao điều khó tả. Bao giờ lại được gặp anh? Liệu Chất có giữ lời yêu mình không? Chiến tranh bom đạn thế biết có còn được gặp nhau? Tịch ngập ngừng hỏi Chất.
          - Anh đi có nhớ gì không?
          - Nhớ chứ. Nhớ nhiều nữa là đằng khác.
          - Anh nhớ gì?
          - Thế mà còn hỏi.
          Cả hai lại lặng yên. Bao kỷ niệm từ ngày quen biết rồi yêu nhau của họ dồn dập hiện về. Có thể nói tình yêu sét đánh đã đến với họ ngay từ ánh mắt đầu tiên gặp nhau. Và cả hai đều đi vào tình yêu một cách rất tự nhiên y như là nó phải như thế.
Chất liếc vội chiếc đồng hồ đeo tay. Sắp đến giờ phải xa Tịch rồi. Trời đã tan hết sương. Mặt trời đã lên khá cao. Anh nắm chặt bàn tay nhỏ nhắn của Tịch nói vội vã:
          - Chờ anh Tịch nhé. Nhất định chờ anh nghe.
          Tịch nhìn anh khẽ gật đầu. Cô nói trong ngàn ngạt nước mắt:
          - Anh đi nhớ giữ gìn sức khoẻ. Ở đâu thư về cho em đấy. Em sẽ chờ anh.
          Họ đắm đuối nhìn nhau. Bất ngờ, Tịch gục đầu vào ngực Chất. Chất vòng tay ôm chặt Tịch vào lòng. Hai cặp môi tìm đến nhau quấn quýt. Nụ hôn đầu đời đến với họ mới tự nhiên làm sao. Chất bế hẳn Tịch lên lòng mình. Tịch ngửa mặt ra ngắm Chất. Chiếc cúc ngực áo Tịch bật ra để hở khuôn ngực trắng ngần của cô. Cặp vú thây lẩy của Tịch áp sát vào người Chất. Họ lại đắm đuối quấn quýt hôn nhau… Nồi sắn trên bếp sôi bậm bục.
          Côi đang xúc đất dưới giao thông hào thì cô nghe thấy tiếng ì ì từ xa. Hình như tiếng máy bay. Côi chống xẻng nghe ngóng. Tiếng ì ì rõ dần. Tiếng kẻng từ Gò Củi phía Vân Du rộ lên. Côi gào to về phía lán:
          - Máy bay đến đấy. Gõ kẻng báo động đi Tịch ơi!
          Một phút rồi hai phút trôi qua. Vẫn không thấy Tịch động tĩnh gì. Quái, cái con này làm gì mà không gõ kẻng cơ chứ? Côi lại quát to:
          - Máy bay. Gõ kẻng báo động đi, Tịch ơi!
          Vẫn không có tín hiệu gì. Tiếng máy bay to dần. Côi vứt vội chiếc xẻng, lao theo đường hầm về phía lán. Chợt cô sững người lại tròn xoe mắt. Chất và Tịch vẫn đang quấn quýt hôn nhau. Mặc. Cô lao đến cầm lấy chiếc búa gõ vào vỏ quả bom treo trên miệng hầm. “Keng… keng keng, keng… keng keng…”.
Chất và Tịch bị tiếng kẻng ngay bên cạnh gõ chói tai liền buông nhau ra. Họ sực tỉnh. Tiếng máy bay đã gầm rú ngay trên đầu. Tịch bỏ Chất lại vớ vòng nguỵ trang đeo vào người rồi nhảy vội lên miệng hầm. Cô đã trở lại vị trí chiến đấu. Theo phản xạ, Chất cũng lao đến bên giá súng cầm lấy một khẩu chạy về phía giao thông hào bên cạnh.
- Tịch! Côi! Sao các em lại đứng trên đó?
Chất lo lắng hỏi hai cô gái. Tịch quay về phía Chất:
- Anh yên tâm. Bọn em đứng ở đây còn để quan sát máy bay và đếm bom.
Thì ra thế. Trong lòng Chất dội lên một sự cảm phục và càng yêu thêm những cô gái này hơn. Giữa cái nắng mùa đông, trên đỉnh núi cao hiện rõ hai cô gái đang lồng lộng đứng canh trời bất chấp sự hiểm nguy của bom đạn đã làm cho anh ao ước trở thành người hoạ sỹ để vẽ nhanh hình ảnh đẹp đẽ đáng yêu này.
Bọn máy bay Mỹ bắt đầu chúi xuống để cắt bom. Trên cao nhìn những chiếc máy bay lừng lững quần đảo. Chúng lao xuống về phía ngã ba sông. Bọn này lại đánh phá bến phà rồi. Từng chùm bom bắt đầu rơi. Những quả bom lúc lỉu thằng lẵng chen chúc nhau rơi trong không trung. Tịch, Côi quên cả Chất đang ở đó căng mắt dõi theo những quả bom đó.
- Nhiều bom quá! Không đếm được đâu Tịch ơi!
Tiếng Côi vang lên trong tiếng gào thét của bọn giặc trời.
- Cố mà đếm. Không đếm được bom thì đếm số máy bay lao xuống rồi suy ra. Nhớ nghe cả tiếng nổ của bom nữa nhé!
Dưới giao thông hào hơn ai hết, là chiến sỹ công binh Chất rất hiểu ý đó của Tịch. Cô làm như vậy để tính ra được tổng số bom, đặc biệt là số bom chưa nổ để có kế hoạch phá huỷ.
Có chiếc máy bay liều lĩnh sà xuống rất thấp. Chúng bay lách ngay lưng chừng núi, dưới chân mọi người trông to như con cá mập lừng lững đen sì vút qua. Tưởng chừng nếu như có cây sào là có thể ngáng chúng lại được. Nó rú lên điên loạn. Cây cối ngả nghiêng. Chim chóc, thú rừng cũng im thít, chạy trốn đâu hết cả. Tiếng gào rú của những chiếc máy bay thốc vào giao thông hào đặc quánh. Tiếng bom nổ từ phía bến phà rung lên đến tận đây. Tai Chất ù đi. Hai cô gái vẫn hiên ngang đứng giữa trời.
Lũ giặc quần đảo đến gần tiếng đồng hồ rồi chúng cút. Bầu trời yên ắng trở lại như không có chuyện gì xảy ra. Tịch, Côi quay mặt nhìn bốn hướng lắng nghe. Không có dấu hiệu gì là bọn chúng quay trở lại.
- Tớ gõ kẻng báo yên nhé?
Côi hỏi Tịch.
- Chờ tí đã. Xem trạm núi Đám thế nào - Tịch nói.
Trạm núi Đám là trạm phòng không của bộ đội. Trạm này có phương tiện quan sat, nghe ngóng tốt hơn và giữ nhiệm vụ trạm chính của cả khu vực. Nó nằm cách trạm Hang Khay 5 cây số đường chim bay. Tiếng kẻng của nó vọng tới khá nhỏ, phải căng tai ra mới nghe được. Nhiều hôm, bọn Tịch và Côi gõ kẻng báo động rồi mới nghe thấy trạm đó phát tín hiệu. Thường thì bọn máy bay từ Thái Lan sang hoặc ở hạm đội 7 phía biển Đông lên cho nên bao giờ trạm Hang Khay cũng phát hiện ra trước.
Tiếng kẻng báo yên từ Gò Củi (Vân Du) vọng tới. Tịch gật đầu ra hiệu cho Côi. Côi cầm chiếc búa dõng dạc gõ những tiếng kẻng kéo dài báo hiệu sự bình yên trở lại cho làng quê. Chất vội vã nói với hai cô gái:
- Thôi, anh phải đi đây. Các em ở lại mạnh giỏi nhé!
Tịch chạy đến bên Chất:
- Anh đi vội quá, em chẳng có gì kỷ niệm.
- Không cần đâu Tịch ạ. Em ở trong này rồi này.
Chất vỗ vỗ tay vào ngực mình. Họ đắm đuối nhìn nhau giây lát. Chất nắm lấy bàn tay Tịch đặt lên ngực mình:
- Nhớ chờ anh, em nhé!
Tịch khẽ gật đầu. Hai khoé mắt cô ươn ướt. Chất dùng dằng mãi mới dứt khoát quay đi. Côi nói với Chất:
- Anh Chất đi mạnh khoẻ nhé. Nhớ viết thư về cho bọn em nghe!
- Ừ. Yên trí. Nhất định anh sẽ trở lại.
- Anh Chất! Đợi em đã.
Côi nhanh nhảu đến bên nồi sắn mở vung. Nó đã cạn nước từ bao giờ. Mấy củ sắn dưới đáy nồi cháy đen, thơm phức. Cô nhanh tay chọn mấy củ ngon nhất nóng hôi hổi đưa cho Tịch:
- Mày cầm đưa cho anh ấy.
Tịch lấy vội cái khăn mùi xoa của mình gói mấy củ sắn đó dúi vào tay Chất.
- Anh cầm đi ăn cho đỡ đói. Nhớ cẩn thận giữ gìn nghe anh!
Chất lao vội xuống núi. Hai cô gái nhìn theo hút mãi bóng anh. Lúc này Tịch mới oà lên khóc nức nở.
- Hay nhỉ! Mày đúng chẳng ra làm sao cả. Anh ấy sẽ trở về cơ mà.
- Nhưng mà anh ấy đi đột ngột quá, tao chẳng có gì làm kỷ niệm.
- Vẽ chuyện. Cái việc mày làm lúc nãy còn bằng chán vạn những thứ kỷ niệm theo kiểu tiểu thư, tiểu thuyết ấy nhé. Mày là đứa hạnh phúc nhất đấy.
Côi an ủi bạn. Tịch gục đầu vào ngực Côi. Người cô rung lên theo tiếng nấc nghẹn ngào. Trong tiếng khóc ấy có cả niềm hạnh phúc vị ngọt ngào của cái hôn đầu đời ban nãy còn đọng lại trên môi cô.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét