Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

“MƯA DẮT NGANG CHIỀU” QUA MỘT RỪNG TỪ LÁY



“MƯA DẮT NGANG CHIỀU” QUA MỘT RỪNG TỪ LÁY
(Nhân đọc tập thơ “Mưa dắt ngang chiều” - Nxb Hội Nhà văn 2014 của Lâm Bằng) 
                                                           

          Để có bài thơ hay, người làm thơ phải tìm được tứ thơ độc đáo, tình thơ sâu lắng để từ đó triển khai câu chữ chuyển tải ý tưởng, tình cảm của mình. Công đoạn sắp xếp ý tứ, chọn câu, chọn từ thuộc về kỹ năng, nghệ thuật của từng người. Cũng tứ ấy, tình ấy nhưng người này được bài thơ hay, người khác thì chỉ được bài thơ nhàn nhạt, không tạo được ấn tượng gì. Làm thơ là nghệ thuật sử dụng câu chữ. Mỗi câu, mỗi chữ phải cân nhắc, chọn lọc sao cho đắc địa, trở thành “mắt thơ” làm cho câu thơ lấp lánh. Nhiều câu thơ lấp lánh sẽ có được bài thơ hay.
          Tập thơ “Mưa dắt ngang chiều” (Nxb Hội Nhà văn - 2014) của tác giả Lâm Bằng - Trưởng phòng Trị sự, biên tập viên tạp chí Xứ Thanh, Phó Trưởng Ban Thơ Hội VHNT Thanh Hóa là một tập thơ dụng công tu từ và đạt được hiệu quả khá rõ rệt. Anh có nhiều tứ thơ độc đáo, cảm xúc trào dâng khi viết, đến độ mê mị, nhưng anh lại rất tỉnh táo trong việc tu từ, chọn những từ đắt nên tập thơ rất ám ảnh. Bao trùm cả tập thơ là nghệ thuật dùng từ láy, mà lại là những “từ láy độc” nên bài thơ nào trong tập cũng hay, cũng ấn tượng, khiến người đọc phải ngỡ ngàng. 

Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

CÔ ĐÔI THƯỢNG NGÀN



         Bà Hà ở xóm Mai chết. Tin đó bỗng chốc loang ra cả làng Cổ Cò. Chẳng ai bất ngờ cả vì ai cũng đoán được kết cục này. Bị ung thư phổi, bà ấy trụ được gần năm thế là giỏi lắm rồi. Tốt thuốc, tốt chăm lắm rồi. Mấy tháng nay, nằm liệt giường liệt chiếu, ăn dầm đái dề, dở sống dở chết trông bà ấy tội lắm. Thôi thì đi sớm cho nhẹ mệnh. Cứ nằm thế bà Hà khổ đã đành mà cả đến con cháu người nhà cũng khổ. Nghĩ là thế nhưng ai cũng thương bà. Chết sớm quá. Mới có hơn bốn chục tuổi đời, vừa qua đận gian khó thì đã phải ra đi. Âu cũng là số phận. Chống sao được mệnh trời.
          Bên nhà ông Khắc có tiếng “pịt pịt”. Mọi người biết ngay là ông ấy chuẩn bị đi đám. Đó là tiếng khởi động của “con 81” ghẻ. Có lẽ nó là cái xe máy cổ nhất còn sót lại của làng Cổ Cò. Ngày trước nó long lanh lắm. Kim vàng giọt lệ. Cúp tôm, yếm trắng. Vỏ nhựa màu cọ rêu bóng loáng... Trông đã thèm chứ chưa nói là được cưỡi lên nó nhé. Thế mà bây giờ nó cóc cạy, bong tróc hết sơn, trơ bộ khung sắt sét gỉ vàng khè. Không yếm che, không đuôi xe. Hai cái lốp mòn trọc lốc tha hồ rung lắc đuổi nhau trên đường làng. Cái yên cũng rách nát, lòi cả miếng mút cao su xám xỉn ra ngoài. Trên đó là bộ mông rúm ró cùng cái lưng dài ngoẵng, cái đầu vênh vênh của ông Khắc. Xe ông Khắc đi đến đâu cả làng biết đến đó, ngay cả lúc khởi động. Có bận, ông ấy chào chủ nhà đến mấy lượt mà con xe vẫn cứ pịt pịt, pẹt pẹt mãi chẳng chịu nổ để ông về. 

THAO THỨC MÙA TƯƠNG



         Cả tuần nay, ông Thạo thao thức không sao ngủ được. Sau bữa tiệc bạn ông chiêu đãi chiều nay ở quán Tùng béo về, ông Thạo lại gần như thức trắng thêm một đêm nữa. Quán thằng ấy toàn tôm, cua, ốc, ếch mà đông khách thế cơ chứ. Nó kiếm đâu được loại tương khá ra phết, dẫu so với tương bố mẹ ông làm ngày xưa thì vẫn chưa bằng. Hay có lẽ, lâu ngày ông không ăn tương nên mới cảm thấy ngon đến vậy. Mà dạo này ti vi, đài báo hay nói đến chất hóa học, chất bẩn trong thực phẩm thế nhỉ? Cả chin-su, xì dầu có cái chất gì gây ung thư nữa cơ chứ? Sợ quá! Nhiều nhà xóm ông không dám mua nước chấm, chỉ dùng bột canh, muối trắng thôi. Có nhà đã chuyển sang dùng tương. Nhưng tương chợ nhạt thếch, lõng bõng chẳng ra làm sao cả. Thằng Tùng chẳng ta thán rằng kiếm được chai tương ngon bây giờ xa và khó lắm đó sao? Vậy thì tại sao ta không khôi phục lại nghề làm tương, cái nghề mà làng ông xưa kia đã sống nhờ nó, nổi tiếng nhờ nó? Nghĩ tới đó, mắt ông sáng lên trong đêm. Ông bật dậy gọi bà Thạo dậy cùng. Bà Thạo dụi hai con mắt ngơ ngác.
Ông thủ thỉ với bà những điều mà cả tuần nay ông đã trăn trở. Bà thấy không, chương trình nông thôn mới đã làm bộ mặt làng mình rạng rỡ hẳn ra. Đường nhựa, bê tông vào tận từng ngõ xóm. Nhà tầng thi nhau nâng cao. Khách sạn, nhà hàng, quán sá đua nhau mở. Nông thôn bây giờ có khác nào phố xá. Thế nhưng, tôi thấy có vẻ chưa ổn định, chưa vững chắc cho lắm. Việc làm vẫn là vấn đề nan giải phải không bà? Ruộng đất bị các dự án lấy gần hết. Lao động thừa ra. Người ta chạy khắp nơi tìm công ăn việc làm. Lên phố. Vào Nam. Ra nước ngoài. Ngay như thằng Thi, con mình, cũng Tây Nguyên, Sài Gòn mấy đận mà khi về vẫn cứ rỗng túi. Đến con dâu ông cũng dập dờn mấy bận định lên phố làm ô-sin. Tháng ba ngày tám làng vắng teo. Toàn ông già, bà cả với lũ trẻ con. Có lẽ đông đủ nhất, ồn ào nhất vẫn là mấy ngày Tết.