Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

CHIỀU KHÔNG TẮT NẮNG (chương 5)



5
           Từ ngày nhận chức đội trưởng đội xe trâu hợp tác ông Dẫn hoạt bát hẳn lên. Mọi công việc chủ nhiệm giao cho đội xe ông đều hoàn thành một cách nhanh chóng. Đặc biệt, chiến dịch chở thóc giao nộp thuế cho Nhà nước nhờ có đội xe trâu của ông mà tiến độ nhanh hơn hẳn các vụ trước.
          Phải nói rằng sự tái lập đội xe và việc ông được giữ chức đội trưởng đội xe “vô lăng dây” này công lớn là nhờ phó chủ nhiệm Dụ, thằng em trai láu lỉnh của ông. Không có Dụ thì đừng bao giờ ông mơ được cái chân “lái xe trâu” chứ đừng nói đến cái chức đó. Thời buổi “5 khâu, 3 khâu” nhà nào có được con trâu thì chỉ có nhất. Ngoài việc đội chuyên làm đất cày bừa ruộng cho nhà mình ra, gia đình có trâu còn tranh thủ con trâu đó để cày đi, bừa lại cho kỹ, rồi còn phân của nó nữa tha hồ mà bón ruộng bảo sao mà lúa không tốt. Hơn nữa, còn nhiều việc khác nhờ có con trâu mà tiện lợi thêm bao nhiêu lần. Nào chở phân gio ra đồng, nào chở lúa ngô khi thu hoạch về nhà, xe quệt, xe cải tiến không có con trâu làm sao mà kéo được. Người khác oằn vai, è cổ ra mà gánh gánh gồng gồng, đằng này có trâu cứ vô tư gặt hái, trưa xếp lúa lên xe quát một câu là trâu nó cõng về tận nhà. 

CHIỀU KHÔNG TẮT NẮNG (chương 4)



4
           Mới bảnh mắt trời đã oi bức, ngột ngạt đến khó chịu. Rôm sảy thi nhau cắn đốt khắp người. Mồi hôi dấp dính, Dụ đưa tay gãi sồn sột. Chắc lại cắp có bão. Vừa trên giường lăn xuống đất, Loan, vợ Dụ đã nhấm nhẳn: “Anh dậy sớm nhớ tắm cho con lợn. Oi bức thế này người còn không chịu được nữa là nó”.  Dụ rọ roạy, hai tay bo đầu, trở mình nằm quay mặt vào trong. Loan vừa vấn tóc vừa nói: “Cửa nhà cơ nghiệp trông tất vào nó đấy. Nó mà ốm thì treo niêu”. “Biết rồi! Lải nhải mãi!”. Dụ bực dọc cằn hằn. “Biết vưỡn phải nói - Vợ Dụ chặn họng - Em tranh thủ chạy chợ kiếm thêm mấy đồng đóng học cho con. Nhớ tắm cho nó cẩn thận vào”. Nói xong Loan quày quả đôi quang thúng ra ngõ. Dụ uể oải vươn vai, ngoác miệng ngáp một cái rõ dài rồi mới bước khỏi giường.
          Cắm máy bơm, bóp bẹp đầu ống dẫn, Dụ chĩa vòi nước vào con lợn nòi to như con bê đang đứng choán hết cả gian chuồng. Áp lực bơm khá mạnh nước phun ra re re. Lúc chuyển tay, tia nước bắn vào chân rát ràn rạt. Mát thật! Tỉnh cả người! Có vẻ thích thú con lợn đứng yên để cho Dụ phụt nước. Khoái quá, nó rên lên ụt ịt, lắc lắc cái đầu, vẫy đôi tai để những giọt nước bắn ra tung toé. Bụi, phân trên người nó theo tia nước rơi lả tả xuống nền xi măng. Dụ chĩa vòi nước dồn tất cả rác rưởi, bùn đất xuống hố phân.

CHIỀU KHÔNG TẮT NẮNG (chương 3)



3

 Trại chăn nuôi của hợp tác xã nằm ở chân đồi toàn sim mua lau lách. Trước kia vạt đồi này là cánh rừng khá rậm rạp, sau đó người ta phát đốt để làm nương sắn. Được mấy năm đầu sắn khá tốt. Mỗi gốc chí ít cũng được ba bốn cân củ. Dần dần, nước mưa xói mòn, đất màu trôi hết trơ lại toàn sỏi son. Cây sắn le ve bằng cái xe điếu. Đang mùa mưa đáng ra lá sắn phải xanh ri, rậm rịt, kín đất vậy mà nhìn vào nương sắn vẫn thấy khẳng khiu cành lá, trơ ra cả đất. Cỏ cũng chẳng mọc nổi. Củ sắn giờ chỉ là những cái rễ dài loằng ngoằng, dài hơn cả thân cây. Chán quá, người ta đành bỏ đất hoang. Cỏ tranh, sim, mua được dịp mọc lại. Tưởng có nghị quyết sáu “bung ra” cho phép mọi người khai hoang, phục hoá trồng cấy sẽ có người đến canh tác lại vạt đồi này nhưng cũng chẳng có ma nào ngó tới. Thế nên, mấy căn nhà của trại chăn nuôi vốn đã lụp sụp rồi giờ bị chìm lút trong cỏ hoang trông lại càng điêu tàn hơn.
Khu chuồng lợn trống huơ trống huếch. Mái ngói xập xệ. Đòn tay dui mè có gian mọt gãy cảm tưởng như khẽ động vào là xuống cả mái. Ngói vỡ xếp thành đống trên nền chuồng. Cỏ tranh, cây cứt lợn mọc vào cả hố phân, chọc qua cả nền xi măng thi nhau ngóc đầu xanh tốt. Gian kho thức ăn ẩm mốc mùi rất khó chịu. Khu bể chứa, chỗ nấu cám lợn tanh bành. Cả một khu ba dãy chuồng, hai dãy nhà và kho đều ở trong tình trạng ấy. Duy chỉ có khu tập thể là còn khả dĩ hơn.

CHIỀU KHÔNG TẮT NẮNG (chương 2)



2
         
           Thực hiện chủ trương “tiến lên sản xuất lớn” của Đảng, năm 1976, các hợp tác xã nông nghiệp theo quy mô làng của xã Tân Phong đã được hợp nhất lại thành một hợp tác xã với quy mô toàn xã. Chưa bao giờ khí thế làm ăn lớn lại hừng hực như giai đoạn này. Ai cũng kỳ vọng vào sự ăn lên làm ra, sự hỗ trợ tương tác lẫn nhau giữa các hợp tác xã nhỏ trong một hợp tác xã lớn. Vùng lúa năng xuất cao ư? Có Đại Hải. Cần ngô xuất khẩu ư? Có Biên Giang. Cần thịt lợn, thịt gà ư? Hợp tác La Hương đầy. Cần gạch ngói, vôi cát ư? Về Ngọc Hoà không thiếu. Muốn có gỗ, tre lâm sản ư? Ngược lên đầu xã đến hợp tác Lâm Hữu mà lấy. Chao ôi, thế mạnh của các hợp tác xã cùng trong một xã như vậy mà bấy lâu nay sao chẳng ai nhận ra nhỉ? Ấu trĩ quá. Manh mún quá. Cứ tách rời nhau để làm ăn nhỏ lẻ thế này bao giờ cho Tân Phong mở mày mở mặt lên được?
Khi có chủ trương của trên về đổi mới các hợp tác xã nông nghiệp, đưa nông nghiệp tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, lúc bấy giờ mọi xã viên trong năm hợp tác xã trên đều cảm thấy cần có nhau. Ai cũng muốn có gạo trắng, thịt ngon, có gạch hồng, ngói đỏ của hợp tác này, hợp tác nọ. Cái mà trước kia chỉ hợp tác ấy mới có thì nay đã là của hợp tác xã mình rồi. Phải dựa vào nhau mà sống, mà làm giàu chứ. Thế là, khi đảng bộ xã đưa ra nghị quyết sát nhập các hợp tác xã nông nghiệp của các làng lại với nhau thì từ cán bộ đến xã viên, từ Lâm Hữu đến Ngọc Hoà, từ Biên Giang đến Đại Hải ai ai cũng nhất trí liền. Được cái tài sản vốn liếng của cả năm anh này cũng sàn sàn như nhau nên chẳng ai quan tâm lắm đến việc vốn nhiều hay vốn ít khi hợp nhất. Với lại, đó là của tập thể có phải ở trong túi ai đâu mà suy tính. Hơn nữa, đây là góp lại với nhau để làm ăn lớn cơ mà, ai lại tính toán chi li làm gì? Ý thức tập thể, tinh thần xã hội chủ nghĩa để đâu?  Trước kia cá thể vào hợp tác xã phải đóng cổ phần, góp ruộng đất, trâu bò còn chẳng cân nhắc tính toán nữa là. Thế cho nên cái sự hợp nhất năm hợp tác xã nông nghiệp lên quy mô toàn xã của xã Tân Phong diễn ra thật chóng vánh, thuận lợi. 

CHIỀU KHÔNG TẮT NẮNG (chương 1)



1
 
          Cuộc họp ban quản trị hợp tác xã chiều nay làm Dụ trằn trọc mãi không sao ngủ được. Trở mình hết bên nọ lại bên kia hai mắt Dụ vẫn chong chong. Tức thật! Thế này thì tức thật! Cái lão Trung trưởng ban kiểm soát lại dám hoạnh hoẹ mình trước cuộc họp mới tức chứ! Chủ nhiệm chẳng nói gì thì thôi đằng này lão ta lại đưa cái việc tậu trâu kéo cho hợp tác xã của mình ra giữa hội nghị bảo sao mà không tức. Nào là “đồng chí Dụ tự ý quyết mua năm con trâu kéo khi chưa có nghị quyết của ban quản trị là sai, là vi phạm chế độ làm việc tập thể”. Nào là “năm con trâu đó chẳng hơn gì số trâu mà hợp tác xã đã có”. Lại còn giá cả nữa chứ. Lão làm cứ như là mình ăn lờ lãi ở đây nhiều lắm ấy.
          Cũng phải công nhận cái lão ma xó này tinh, y như lão nằm trong bụng mình vậy. Mọi động tác, mọi việc làm của Dụ không qua được mắt lão. Kể ra như người khác thì Dụ cũng “phân phối” cho lão một ít, đằng này lão lại khăng khăng phản đối khi Dụ vừa gợi ý. Chết là chết ở cái chỗ ấy. Lão nắm được thóp mình cũng ở cái chỗ ấy. Biết thế chẳng hở ra cho lão thì hơn. Cũng may, Dụ cũng chỉ mới nói gần nói xa thôi chứ chẳng có bằng cớ gì để cho lão diệt mình.

Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

SỰ CỐ NHẠC CHỜ

       alt

       Đua đòi với bàn dân thiên hạ, Choẽ bò em quyết định sắm cái điện thoại di động. Biết được ý định này của em, vợ em phản đối ghê lắm. Nào là: gọi cho ai? Ai gọi cho? Có ma nào để ý đến cái lão chăn bò như ông mà “alo” với chả “a liếc”. Suốt ngày trên đồi, theo đít đàn bò thì cần gì phải điện thoại di động? Mặt vợ tôi cong vênh. Môi bà vẩu lên. Mắt bà hấp háy có vẻ khiêu khích. Được lúc, bà ấy nghệt mặt ra: “Hay là ông tình ý với con nào nên di động để cho dễ trò mèo chuột? Nói đi. Khai mau ra đi. Đừng có bịt mắt gái già này. Ông cứ liệu cái thần hồn với tôi”.
        Khổ thế cơ chứ! Đúng là đàn bà. Hơi tí thì ghen lồng ghen lộn lên. Mà có cái gì để ghen? Nghĩ thì chỉ được cái nghĩ ngắn. Cả làng người ta “di động” kia kìa, bà biết chửa? Mang danh là hộ sản xuất kinh doanh giỏi thế mà vưỡn đếch có cái điện thoại di động. Bò nhiều để làm gì? Giàu mà làm gì? Giàu mà không sang thì cũng vứt nha! Ở đời, nhiều khi cũng cần phải có cái mác, phải tạo dáng. Chẳng thế ai biết anh là ai? Chưa chi đã gầm lên! Bực cả mình! Lũ trẻ nhà em thì ngược lại, chúng vỗ tay hoan hô ủng hộ bố. Thế là em quyết luôn cái “NÓ KÌA” đời mới nhất các bác ạ.
        Kể ra đầu tư vào cái đó thì nó cũng hơi bị phí vì đi chăn bò thì di động để làm cái quái gì cơ chứ? Kệ. Em cứ trang bị. Thời buổi công nghệ thông tin không có di động nó yếu lính đi. Đi đâu có cái di động nó tự tin hơn lên rất nhiều. Chả thế, cánh ca sĩ, “sâu bít” gì đấy chúng còn chơi đồng hồ đeo tay tiền tỉ, áo quần, váy, nhẫn tiền triệu đô cả. Chẳng qua cũng chỉ là muốn khẳng định thương hiệu cho mình mà thôi các bác nhỉ?