Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

CHIỀU KHÔNG TẮT NẮNG (chương 2)



2
         
           Thực hiện chủ trương “tiến lên sản xuất lớn” của Đảng, năm 1976, các hợp tác xã nông nghiệp theo quy mô làng của xã Tân Phong đã được hợp nhất lại thành một hợp tác xã với quy mô toàn xã. Chưa bao giờ khí thế làm ăn lớn lại hừng hực như giai đoạn này. Ai cũng kỳ vọng vào sự ăn lên làm ra, sự hỗ trợ tương tác lẫn nhau giữa các hợp tác xã nhỏ trong một hợp tác xã lớn. Vùng lúa năng xuất cao ư? Có Đại Hải. Cần ngô xuất khẩu ư? Có Biên Giang. Cần thịt lợn, thịt gà ư? Hợp tác La Hương đầy. Cần gạch ngói, vôi cát ư? Về Ngọc Hoà không thiếu. Muốn có gỗ, tre lâm sản ư? Ngược lên đầu xã đến hợp tác Lâm Hữu mà lấy. Chao ôi, thế mạnh của các hợp tác xã cùng trong một xã như vậy mà bấy lâu nay sao chẳng ai nhận ra nhỉ? Ấu trĩ quá. Manh mún quá. Cứ tách rời nhau để làm ăn nhỏ lẻ thế này bao giờ cho Tân Phong mở mày mở mặt lên được?
Khi có chủ trương của trên về đổi mới các hợp tác xã nông nghiệp, đưa nông nghiệp tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, lúc bấy giờ mọi xã viên trong năm hợp tác xã trên đều cảm thấy cần có nhau. Ai cũng muốn có gạo trắng, thịt ngon, có gạch hồng, ngói đỏ của hợp tác này, hợp tác nọ. Cái mà trước kia chỉ hợp tác ấy mới có thì nay đã là của hợp tác xã mình rồi. Phải dựa vào nhau mà sống, mà làm giàu chứ. Thế là, khi đảng bộ xã đưa ra nghị quyết sát nhập các hợp tác xã nông nghiệp của các làng lại với nhau thì từ cán bộ đến xã viên, từ Lâm Hữu đến Ngọc Hoà, từ Biên Giang đến Đại Hải ai ai cũng nhất trí liền. Được cái tài sản vốn liếng của cả năm anh này cũng sàn sàn như nhau nên chẳng ai quan tâm lắm đến việc vốn nhiều hay vốn ít khi hợp nhất. Với lại, đó là của tập thể có phải ở trong túi ai đâu mà suy tính. Hơn nữa, đây là góp lại với nhau để làm ăn lớn cơ mà, ai lại tính toán chi li làm gì? Ý thức tập thể, tinh thần xã hội chủ nghĩa để đâu?  Trước kia cá thể vào hợp tác xã phải đóng cổ phần, góp ruộng đất, trâu bò còn chẳng cân nhắc tính toán nữa là. Thế cho nên cái sự hợp nhất năm hợp tác xã nông nghiệp lên quy mô toàn xã của xã Tân Phong diễn ra thật chóng vánh, thuận lợi. 

Duy chỉ có một điểm gây tranh cãi, bàn luận nhất từ cán bộ đến xã viên, trên khắp các hợp tác xã nhỏ là việc đặt tên cho hợp tác xã lớn. Các quan điểm, các trường phái, mọi ý kiến đều diễn ra rất sôi nổi. “Thì lấy ngay tên Tân Phong mà gọi chứ sao? Vừa là tên xã vừa là tên hợp tác, ý nghĩa quá rồi còn gì?”. “Không được. Xã là xã, hợp tác là hợp tác. Không thể lẫn lộn như thế được”. “Thế ông bảo đặt tên là gì?”, người kia vặc lại. “Thế mới phải nghĩ. Đặt tên cho con đã khó rồi, đặt tên cho cả một hợp tác lớn đâu phải chuyện thường”. Ông này vê râu ra chiều ngẫm nghĩ cẩn trọng lắm.
Ở một nhóm khác người ta lại có ý kiến là ghép các chữ của hợp tác xã nhỏ lại mà làm nên tên hợp tác xã lớn. Ví như nếu ghép các chữ đầu thì có “Lâm Đại La Biên Ngọc”. Nếu ghép các chữ cuối lại được “Hữu Hải Hương Giang Hoà”. Có thể thay đổi trật tự các chữ ấy để được cái tên nghe cho thuận hơn. “Đại Ngọc Biên Lâm La” hay “Giang Hữu Hải Hương Hoà” chẳng hạn. “Không được. Ông ghép thế thằng nào chịu đứng cuối? Ngọc Hoà ư? Lâm Hữu ư? Chả lẽ xã viên của những hợp tác này kém cỏi?”. “Thì cứ theo vị trí địa lý từ đầu xã xuống cuối xã mà ghép”. “Nói như ông có hoạ mà... Với lại tên hợp xã nông nghiệp gì mà dài dằng dặc thế, dấu má khắc thế chó nào được?’. “Ông chỉ được cái lo bò trắng răng. Khó gì cái đó”. “Thôi thôi thôi! Tôi xin các ông. Chưa chi lại cãi nhau rồi!”, một người can. Ông khác chêm vào: “Nghe cứ như tên người các ông ạ. Chẳng biết to lớn ở đâu nhưng em nghe cái tên ấy nó lại có vẻ be bé thé nào ấy”.
Thế là việc đặt tên cho hợp tác mới cả trong hội nghị và ở những cuộc bàn tán trở lên bí rị. Cuối cùng, dung hoà các trường phái, ông bí thư đảng uỷ xã đưa ra cái tên chung chung “Hợp tác xã nông nghiệp Hợp Nhất”. Chẳng thể bàn cãi hơn, mọi người đành nhất trí, đành “Hợp Nhất”.
Hợp tác xã Hợp Nhất hoạt động được mười năm nhưng hiệu quả kinh doanh của nó chẳng được như người ta mong đợi. Tệ “dong công phóng điểm”, nạn “cha chung không ai khóc”, tình trạng “đi muộn về sớm” đã làm cho giá trị ngày công của hợp tác xã cứ tụt mãi đi. Mới đầu mỗi công còn được một cân thóc sau rồi năm lạng, bốn lạng hai và đến năm cuối của nhiệm kỳ thứ ba thì nó đã xuống đến ba lạng mốt. Đói. Đồng ruộng lúa má le ve, ngô khoai vàng vọt. Chuồng trại tập thể lợn gà cũng gầy xác gầy xơ. Lò gạch, lò ngói xuân thu nhị kỳ cả năm cả vụ mới đốt được vài khói. Tre gỗ trên rừng cũng bị khai thác vãn sau mấy chiến dịch “tiến quân lên đồi”. Dư nợ của hợp tác ngày càng chất đống. Ngược lại, nhà các ông trong ban quản trị thì cứ giàu mãi lên. Xã viên ngán ngẩm bỏ công việc hợp tác xã xoay sở đi buôn. Đến khi khoán “5 khâu, 3 khâu” thay cho “3 khoán” thì tình hình hợp tác có khá lên đôi chút.
Năm 1986, trước luồng gió đổi mới, hết nhiệm kỳ thứ ba, sang nhiệm kỳ bốn toàn bộ ban quản trị cũ đã được thay thế bằng một ban quản trị mới trẻ hơn, năng động hơn. Chủ nhiệm Hải, sỹ quan quân đội về nghỉ chế độ là người cao tuổi nhất, anh cũng mới chỉ có bốn nhăm. Về tháng trước, tháng sau vào đúng dịp Đại hội hợp tác xã, anh được đảng uỷ giao nhiệm vụ ứng cử chức chủ nhiệm. Cả xã này chọn được ai hơn anh. Chỉ huy bao nhiêu quân còn được nữa là làm chủ nhiệm hợp tác xã. Ông bí thư, ông chủ tịch xã vớ được anh như vớ được vàng. “Cậu phải giúp chúng tớ vực cái hợp tác xã này lên mới được. Mấy năm nay bí bét quá”. Họ nói với anh như vậy. Hải chưa kịp từ chối thì một trăm phần trăm đại biểu xã viên trong đại hội đã bầu anh giữ chức chủ nhiệm hợp tác xã. Thế là bắt buộc anh phải lên cương chỉ huy con ngựa mới.
Từ một người chuyên trồng và buôn bán cải bắp kiêm nghề hoạn lợn, thú y, Dụ được xã viên tín nhiệm bầu vào ban quản trị hợp tác xã. Về tuổi tác trong ban quản trị, anh là người đứng thứ hai sau chủ nhiệm Hải. Ba bảy tuổi, tốt nghiệp trung cấp chăn nuôi, anh là niềm hy vọng của dân làng La Hương. Còn lại ba vị khác toàn ở tuổi ba mươi, ba mốt. Họ được cơ cấu theo khu vực, theo các hợp tác xã nhỏ ngày trước. Thế nên, bộ máy cán bộ hợp tác xã Hợp Nhất thuộc diện trẻ nhất trong toàn huyện. Có người ví ban quản trị hợp tác Hợp Nhất như ban chấp hành xã đoàn, quả không ngoa. Phải nói rằng lãnh đạo huyện, lãnh đạo xã rất mạnh dạn trong việc đổi mới công tác cán bộ của hợp tác xã Hợp Nhất. Do vai trò đứng mũi chịu sào của chủ nhiệm Hải cộng với sự năng động của tuổi trẻ các thành viên ban quản trị, tình hình sản xuất kinh doanh của hợp tác có bước thay đổi rõ rệt.
Lúc nhận chức phó chủ nhiệm hợp tác xã phụ trách chăn nuôi, Dụ quá bất ngờ. Được vào ban quản trị đã không ngờ tới rồi, giờ lại được ban thường vụ đảng uỷ giao cho cái chức thường trực chỉ đạo, điều hành hợp tác xã giúp chủ nhiệm Hải bảo sao mà anh không ngỡ ngàng. Ba lăm tuổi, trung cấp chăn nuôi, đảng viên trẻ đó là những thế mạnh của Dụ. Thực ra, anh cũng nằm trong quy hoạch cán bộ chủ chốt, chủ nhiệm hẳn hoi, của hợp tác xã La Hương. Tuy nhiên, khi anh ra trường về thì La Hương đã được sát nhập với các hợp tác xã khác thành hợp tác xã Hợp Nhất và tình trạng của Hợp Nhất thì bí bét quá nên Dụ bỏ việc đi buôn rau và hoạn lợn. Đến nhiệm kỳ bốn này, ban quản trị khoá ba bị loại hoặc chuyển công tác, anh được lãnh đạo xã gọi lại giao nhiệm vụ đúng với ngành nghề đã học.
Cùng cấp phó cho chủ nhiệm Hải với Dụ có Quý. Quý ít hơn Dụ ba tuổi, vừa tốt nghiệp sơ cấp trồng trọt. Anh được giao chức phó chủ nhiệm trồng trọt đúng chuyên môn đã học. Lẽ ra, phó chủ nhiệm trồng trọt phải là “phó trực” như các hợp tác khác trong huyện nhưng do ít tuổi hơn Dụ, trình độ mới chỉ sơ cấp, lại vừa ra trường nên Quý chỉ được giao “phó thường” sau “phó trực” là Dụ. Như vậy là hợp lý cả về tuổi tác và trình độ. Hai uỷ viên còn lại, trong đó có một nữ, đều sàn sàn tuổi Quý và chưa ai có trình độ chuyên môn về kỹ thuật hay quản lý. Dụ nổi lên vị trí thứ hai khá rõ trong ban quản trị. Về trình độ, Dụ cao nhất trong ban quản trị. Thế nên, từ chỗ ngỡ ngàng với nhiệm vụ lúc ban đầu dần dần vài năm sau Dụ đã quyết đoán nhiều việc không cần ý kiến của chủ nhiệm, như việc tậu trâu vừa rồi chẳng hạn. Tiếng là chủ nhiệm nhưng Hải chẳng có chuyên môn gì về nông nghiệp ngoài cái “bằng” sỹ quan quân đội. Xã viên tin anh, ban quản trị phục anh, đảng uỷ giao nhiệm vụ cho anh chính vì anh là người nhiều tuổi đời và tuổi đảng nhất trong ban quản trị. Hơn nữa, hàm đại uý hét ra lửa của anh cũng giúp anh thu phục mọi người. Người ta nghĩ đã là sỹ quan quân đội thì làm việc gì ở địa phương cũng được.
Ngược lại với ban quản trị, ban kiểm soát của hợp tác xã Hợp Nhất lại toàn các vị cao tuổi. Đứng đầu là ông Trung, 56 tuổi. Hai uỷ viên còn lại cũng đều trên năm mươi. Họ là những lão nông chi điền, những đảng viên kỳ cựu, có người là uỷ viên ban chấp hành phụ nữ xã kiêm nhiệm nên nắm khá chắc những công việc của mình, đặc biệt là ông Trung. Với chức năng giám sát, kiểm tra, ban kiểm soát hợp tác xã đã làm tốt nhiệm vụ của xã viên giao cho. Các cuộc họp của ban quản trị, nếu không mời được cả ban kiểm soát thì Hải đều mời ông Trung đến dự.  Ông dự với tư cách vừa là trưởng ban kiểm soát vừa là người đồng chí đồng đội lớn tuổi của anh.
Như mọi cuộc họp trước, cứ họp xong là ông Trung ra xe về ngay. Hôm nay, ông nấn ná ngồi lại. Chờ cho hết người, trong phòng chỉ còn ông và Hải, ông Trung vỗ vai Hải:
- Chú Hải này, tôi thấy chủ giải quyết cái vụ trâu bò của thằng Dụ như thế là chưa ổn lắm đâu. Chú phải cảnh giác với nó. Ngựa non háu đá. Không khéo nó dắt mũi cả chú và tôi đấy.
- Thì bác bảo em phải xử lý thế nào hơn được nữa. Phương án Dụ đưa ra kể cũng hợp lý đấy chứ. Hay là...
Hải bỏ lửng câu hỏi. Ông Trung thoáng cau mày:
- Chú định nói hay là tôi không tin chú chứ gì? Nếu vậy, tôi đã không nói với chú. Cùng bộ đội về làng tôi hiểu chú chứ. Nhưng dù sao cũng cần theo dõi, uốn nắn thằng Dụ cho nó lên người. Thằng này thông minh, giỏi tính toán làm ăn kinh tế, chỉ phải cái hay lợi dụng. Tôi nói thật đấy. Chú mới về chưa hiểu hết nó đâu.
- Vâng. Bác nói vậy em sẽ để tâm đến nó.
Hải vừa soạn công văn vừa trả lời ông Trung.
- Chú phải kiểm tra lại xem tình hình dưới trại chăn nuôi thế nào? Thóc, ngô xuất bao nhiêu về đấy mà lợn vẫn chẳng lớn được thế? Còn hơn chục con lợn bột còi cọc hay là ta bán quách nó đi rồi giải thể cái trại này cho đỡ mệt?
- Vâng, em cũng đã tính đến việc ấy rồi. Nhân tiện có hướng dẫn của huyện, hợp tác xã nào có trại chăn nuôi không có hiệu quả thì cho phép giải thể, giao về cho các hộ gia đình.
- Huyện có chủ trương thế à?
Ông Trung hỏi lại.
- Vâng, công văn hướng dẫn đây anh.
Cầm tờ công văn Hải đưa, ông Trung đọc lướt nhanh.
- Đúng. Cần phải như thế. Giống như đàn trâu trước đây cũng vậy. Chuồng trại tập thể, cày bừa tập trung. Ai đời con trâu suốt ngày hùng hục như thế, thế mà tối đến lại bắt nó ngủ tập trung, giao cho một người chăm sóc, rơm rạ no đói thế nào mặc xác nó, bảo sao mà nó không chết. Lại toàn lấy lao động phụ, yếu sức khoẻ ra trông nom chuồng trại mới lạ chứ. Ông già, thương binh, bệnh binh không làm đồng được thì giao cho cái chân quản chuồng trâu. Chú bảo thế có buồn cười không? Mùa nóng còn đỡ, mùa đông chuồng trại tuềnh toàng chống sao nổi cái rét.
- Thế nhưng giao trâu về cho nhóm hộ quản, luân phiên nhau cày bừa cũng chưa ổn lắm đâu. Em thấy nhà nào đến phiên trâu thì họ đều tranh thủ bắt nó làm quá sức. Kiểu này cũng chết anh ạ.
Hải tiếp lời ông Trung. Ông Trung khề khà:
- Đã đành là vậy nhưng vẫn hơn nuôi chúng tập trung. Trâu giao cho hộ người nào được nuôi họ vẫn có trách nhiệm hơn. Anh không ở nhà không biết chứ ngày trước mỗi vụ rét về tha hồ mà ăn thịt trâu. Nhiều hôm đội cày đi làm đến chuồng dắt trâu thì thấy trâu chết còng queo tự bao giờ. Cha chung không ai khóc mà chú.
- Em biết. Thế nhưng mỗi vụ mấy chục công, mỗi công mấy lạng thóc như hiện nay thì mấy người gắn bó và có trách nhiệm với con trâu đâu. Cứ bảo con trâu là đầu cơ nghiệp nhưng con trâu hợp tác khác con trâu của gia đình đấy bác ạ.
- Tất nhiên. Nếu chỉ nói về công điểm thì nói làm gì. Nhà nào được nuôi trâu họ sẽ được quyền chủ động hơn trong khâu làm đất, được tranh thủ sử dụng nó trong lúc nông nhàn, được tí phân bón. Đó là những thứ họ cần chứ mấy chục công hợp tác trả cho họ thì nhằm nhò gì. Chả thế mà nhà nào cũng muốn giành quyền nuôi trâu.
- Nhắc đến việc này em lại nhớ đến việc phải thanh lý hoá giá số trâu phế canh để lấy tiền trả cho số trâu kéo mà cậu Dụ mới dắt về. Khó quá. Biết rút trâu của đội nào ra được cơ chứ?
- Thế không còn khoản nào khác ư?
- Khoản nào bác? Nợ đầm đìa như chúa Chổm. Gạch ngói ra được lò nào là người ta tranh nhau vác phiếu đến đòi nợ.
- Thế thì bí thật đấy. Hay là vay ngân hàng?
Ông Trung gợi ý. Nét mặt Hải thoáng dãn ra. Như vậy là ông Trung cũng đã ủng hộ việc mua trâu kéo.
- Không được đâu bác ơi. Dư nợ nhiều lắm rồi, lại quá hạn nữa. Họ không cho vay đâu.
- Bí ghê nhỉ?
- Vâng. Thế em mới bực với thằng Dụ. Nhưng cái việc tổ chức lại đội xe trâu em thấy hay hay nên mới quyết chứ. Thuế khoá lại đến nơi rồi, không biết tính sao bây giờ. Cuối năm, dồn cả vụ chiêm vào thành mấy trăm tấn chứ ít à?
Hải thở dài nhăn nhó. Nhìn mặt anh khó đăm đăm. Ông Trung cũng bo đầu bóp trán.
- Hay là lại bán gạch ngói?
- Bán gạch ngói ư?
Hải thần người hỏi lại. Anh hỏi ông Trung mà như hỏi chính mình. Đây là sách của ban quản trị các khoá trước. Cứ bí tiền là họ lại “nghị quyết” bán non gạch ngói. Họp đảng bộ cần ăn uống ư? Bán gạch ngói. Cần chi phí tuyển quân ư? Bán gạch ngói. Tiếp khách trên về ư? Bán gạch ngói... Chết cái, bao nhiêu việc của uỷ ban, của đảng bộ đều dồn cho hợp tác xã lo nên ban quản trị chẳng còn cách nào hơn là... “bán gạch ngói”. Vì là bán non nên giá bán rất rẻ. Ban quản trị họp lại thống nhất giá bán, số lượng bán và giao cho ban kế toán thực hiện. Lập tức chỉ tiêu bán gạch ngói được thông báo. Rộng rãi thì các đội biết, nhiều người biết. Hẹp hơn thì chỉ có cán bộ hợp tác xã biết. Chả thế mà ông kế toán trưởng cũ hiện nay còn gần chục vạn gạch trong hợp tác xã chưa lấy được.
Sau khi có “nghị quyết” người mua chỉ việc đem tiền đến nộp cho kế toán, kế toán viết cho cái phiếu, thế là xong. Kể cũng lạ, bỏ mấy chục đồng cho hợp tác để lấy một tờ giấy, một cái phiếu thu rồi chưa biết bao giờ lấy được gạch ngói mà người ta vẫn tranh nhau nộp tiền. Thế nên, dồn ba khoá trước để lại, Hải đã phải tiếp nhận nợ mấy chục triệu viên gạch, hàng chục vạn viên ngói và gần ngàn tấn vôi. Chả lẽ bây giờ ta lại dẫm vào vết xe đổ của khoá trước ư?
Ông Trung thấy Hải trầm ngâm liền nói tiếp:
- Theo tôi, chỉ cần chọn lấy mấy con trâu già phế canh, thật sự không cày bừa được nữa thì hoá giá nó đi. Thiếu đâu đành bán gạch ngói non vậy.
- Không được đâu bác ơi! Em không thể làm theo kiểu đó được.
- Thế thì làm thế nào bây giờ?
- Em cũng chưa rõ. Nhưng cứ để em tính đã.
Hải lại nhíu mày đăm chiêu. Căn phòng trở nên im ắng. Hai người ngồi tư lự với ngổn ngang bao ý nghĩ trong đầu. Quả là vô cùng khó khăn với một hợp tác vốn quỹ chẳng có gì. Đúng là lực bất tòng tâm. Làm kinh tế khó thật.
- Hay là... hoá giá bán toàn bộ số lợn ở trại đi hả bác? Mình làm theo hướng dẫn của huyện.
Hải thận trọng đưa ra ý kiến.
- Bán lợn à?
Ông Trung hỏi lại. Mấy ngón tay ông gõ gõ lên mặt bàn.
- Cũng được. Để làm chó gì mấy con lợn còi. Tốn thóc gạo, cám bã. Tốn công sức. Chú quyết đi. Tôi ủng hộ.
- Vâng. Để sáng mai em hội ý ban quản trị đã. Bác cho em mượn cái điếu.
- Để tớ hút xong đã.
Lúc bấy giờ Hải mới để ý cái điếu cày trong tay ông Trung. Điếu thuốc to tướng ông vê tự bao giờ vẫn vàng ươm ở đầu nõ. Thì ra mải bàn công việc ông quên cả việc hút thuốc. Mấy lần bật lửa châm đóm, đóm tắt mấy lần mà ông vẫn chưa hút được. Bây giờ nhắc đến, cơn nghiện của ông mới lại được dịp nổi lên.
Tiếng rít điếu cày của hai người vang lên rong róc trong căn phòng trụ sở hợp tác xã nghe khá vui tai. Ngoài kia, mọi người đang hối hả, í ới gọi nhau khuân vác, xe, gánh lúa về. Làn sương mỏng hoà quyện với khói lam chiều như một dải lụa vắt ngang luỹ tre làng ven sông. Thoáng thấy khi heo may lành lạnh ùa vào căn phòng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét