Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2015

“TỔ QUỐC Ở TRƯỜNG SA” NHỮNG VẦN THƠ DUNG DỊ MÀ CHÁY RỰC TIN YÊU



Nguyễn Thị Việt Nga
                                                                      (Hội VHNT Hải Dương)

Trường Sa, chỉ hai tiếng thiêng liêng ấy thôi đã gợi lên biết bao xao xuyến, rưng rưng, thổn thức trong trái tim của mỗi người con đất Việt. Với các văn nghệ sỹ, những người “nhạy cảm nhất trong những người nhạy cảm”, thì Trường Sa càng gợi nhớ, gợi thương, nhất là với những ai đã từng may mắn được đến với Trường Sa một lần trong đời. Cái may mắn ấy, tác giả Đỗ Xuân Thu đã trải.
Là người con Đất Tổ, mảnh đất thiêng nơi cội nguồn dân tộc, Đỗ Xuân Thu luôn ao ước được đến Trường Sa. Nếu Phú Thọ là “Đất Tổ” thì biển Đông mênh mông sóng vỗ chính là “Quê Cha” của mỗi chúng ta - truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, bất cứ ai là con dân nước Việt cũng đều đã thuộc lòng. Cho nên, Đỗ Xuân Thu đến với Trường Sa không phải trong tâm thế đi khám phá một địa danh mới mẻ - dù mình chưa từng được đến trong đời - mà là đến với một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ Quốc, là người con lần đầu tiên về với “quê Cha”. Chính thế cho nên Trường Sa hiện lên trong thơ anh vừa thiêng liêng, xúc động lại rất đỗi bình dị, thân thương.
Chuyến hải trình gói gọn chỉ chục ngày, với 11 đảo và điểm đảo nhưng dâng trào biết bao cảm xúc. Những vần thơ mải miết tuôn trào, hối hả như đua cùng cảm xúc. Nhịp trái tim đang phập phồng náo nức cứ tràn trong mỗi dòng thơ. Tất cả 35 bài thơ trong tập đều rất chụm ở chủ đề: “Tổ quốc ở Trường Sa”. Chỉ có Trường Sa và Tổ quốc, Tổ quốc và Trường Sa, dẫu cho trong những vần thơ cháy bỏng gửi đến người yêu hay những phút lặng lòng xa xót trước biển lớn mênh mông, tưởng nhớ những người con đất Mẹ đã vĩnh viễn nằm trong lòng biển. 

HỒN BIỂN VIỆT RÌ RẦM TRONG “TỔ QUỐC Ở TRƯỜNG SA”



(Thơ Đỗ Xuân Thu - Hội Liên hiệp VHNT Phú Thọ ấn hành tháng 7/2015)

                                                                   Trương Thị Thương Huyền
                                                                        (Hội VHNT Hải Dương)

          Không nhiều lời, không nhiều hình ảnh và câu từ chau chuốt, không có chỗ cho cả những gì màu mè, gượng gạo, “Tổ quốc ở Trường Sa” tập hợp tất cả những gì giản dị nhất, dễ gần nhất trong giọng thơ Đỗ Xuân Thu.
35 bài thơ gọn gàng và xinh xắn - 35 kỷ niệm (có lẽ là đẹp nhất) trong hải trình thăm Trường Sa găm lại trong trái tim của con người đa tình Đỗ Xuân Thu đã đủ để “dựng” nên tập thơ này. Số lượng không nhiều, con chữ không lắm nhưng tình ý gửi gắm trong “Tổ quốc ở Trường Sa” lại dạt dào như sóng biển. Và cái mảnh đất thiếu đủ thứ cho nhu cầu của cuộc sống và chỉ thừa nắng gió và muối mặn ấy đã neo vào thơ Đỗ Xuân Thu bằng những gì đời thường nhất, nói cách khác, trong hải trình đến “quần đảo bão tố” này, Trường Sa được Đỗ Xuân Thu tái hiện bằng cảm xúc chân thành nhất của trái tim một người viết.
Đọc “Tổ quốc ở Trường Sa”, điều đầu tiên người đọc nhận ra là mỗi hòn đảo của quần đảo thân yêu của Tổ quốc hiện lên bằng xương, bằng thịt, bằng nắng, bằng gió, bằng gian khổ, khó khăn và bằng cả lãng mạn bay bổng. Trường Sa trong thơ Đỗ Xuân Thu đủ địa danh, hình hài, đủ góc nhìn ấn tượng như Song Tử, Sinh Tồn, Len Đao, Gạc Ma, Đá Lớn B, Đá Đông… với những hình ảnh riêng có của mảnh đất này: “Cầu vồng trên đảo Đá Đông”, “Tiếng ru trưa ở đảo Sinh Tồn”, “Bên cột mốc chủ quyền”, “Tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma”, “Đền thờ Bác Hồ ở đảo Trường Sa”, “Bia liệt sĩ trên đảo Sinh Tồn”, “Cột mốc ở Trường Sa”, “Nước ngọt ở Trường Sa”… 

NHỮNG KHAY RAU TRÊN NÓC NHÀ GIÀN



 
Tít trên sân thượng nhà giàn
Cao hai chục mét ở ngang lưng trời
Nóc “chòi chim” giữa biển khơi
Những khay rau vẫn xanh tươi lạ kỳ

Trèo lên mà ngắm ngay đi
Như vườn thượng uyển mê ly thế này!
Mồng tơi, rau muống, rau đay
Cải xoong, hành, tỏi, ớt cay… đủ mùa

Bão giông thông thốc gió lùa
Nắng như đổ lửa vẫn thua sức người
Chắt chiu từng giọt mưa rơi
Từng ca nước… tắm, giặt rồi tưới rau

Ngày bốn lít có nhiều đâu
Nước như xa xỉ nhắc nhau liệu dùng
Dành rau công đoạn cuối cùng
Nước lên sân thượng tưới từng gốc cây

Vườn rau xanh giữa trời mây
Che nắng, chắn gió, gom khay để thành
Hòa vào trời biển mà xanh
Hiên ngang thế, hỡi các anh - nhà giàn!

                                 Ngày 21- 6-2015







ĐẢO SINH TỒN



     
Không phải ngẫu nhiên mà tên đảo Sinh Tồn
Giữa đại dương mênh mông muôn trùng sóng gió
Cờ Tổ quốc thiêng liêng rực đỏ
Phần phật tung bay trong nắng ngời ngời

Tôi đã tới đây và thầm gọi Mẹ ơi!
Theo dấu chân Cha Lạc Long Quân mở nước
Cờ đỏ sao vàng tung bay phía trước
Dấu mốc chủ quyền bừng sáng biển xanh

Chiến sĩ hải quân - yêu lắm các anh
Chắc tay súng đảo sinh tồn mãi mãi
Truyền thống cha ông xưa trao lại
Mãi mãi trường tồn, mãi mãi sinh sôi

Xịn giữ mãi phút giây này trong tôi
Từ Đất Tổ lầu đầu tiên tới đảo
Xúc động, tự hào, tin yêu, hoài bão…
Mãi mãi ngời lên cùng tên gọi Sinh Tồn…

                          Ngày 5 tháng 6 năm 2015



TRÊN TÀU TRƯỜNG SA 571



Bỏ lại đằng sau những luống sóng xôn xao
Cánh đồng biển chiều nay mênh mông xanh đẹp quá
571, hướng Trường Sa hối hả
Háo hức lắm rồi, nhanh, nhanh nữa tàu ơi!

Mình gặp nhau đây từ bốn phương trời
Tướng sĩ, quân dân, gái trai, già trẻ
Mang yêu thương từ đất liền quê mẹ
Những trái tim hồng xao xuyến với Trường Sa

Thợ điện, văn công say sưa hát tình ca
Nhà sư tụng kinh cũng bồi hồi với biển
Này cô sinh viên! Hình như em có hẹn?
Với lính hải quân nào mà má cứ hồng lên

Nhà báo, nhiếp ảnh gia chẳng kịp làm duyên
Chạy ngược, chạy xuôi ghi hình, chụp ảnh
Anh thủy thủ ơi! Thương các anh nhiều lắm
Dậy sớm, thức khuya chu đáo cho đoàn

Biển hát chiều nay mênh mang, mênh mang
Nhanh tí nữa! Tàu ơi! Nhanh tí nữa!
Nhịp đập tim ta hòa nhịp tàu sóng vỗ
Khúc hát tàu Trường sa 571 anh hùng

                                  Ngày 06/6/2015

TRĂNG TRƯỜNG SA



Trăng dưới biển, trăng trên trời
Trường Sa ở giữa ngời ngời trong nhau
Đảo trôi như một con tàu
Mênh mông vũ trụ một màu trăng thanh

Sao trời, sao biển long lanh
Bao nhiêu giọt ngọc đính thành gấm hoa
Sóng lấp lóa, gió hiền hòa
Tãi trăng ra biển loang xa cuối trời

Nghĩ gì thế thi sĩ ơi?
Phải anh đang lạc về thời hồng hoang?
Thả hồn theo những lang thang
Trường Sa dát bạc dát vàng biển trăng…

                               Tháng 6-2015


THƠ BÚT TRE Ở TRƯỜNG SA



Đoàn Phú Thọ đến Trường Sa
Mang theo mấy túi thơ quà Bút Tre
Dặn rồi ai đọc nấy nghe
Mà vẫn xúm xít, xăm xoe rồi cười

Chuyện ran dưới biển, trên trời
Vỗ đùi đánh đét - gặp người Văn Lang
Ở quê nói phét cả làng
Ra đây giữa biển lại càng vung tay

Bút Tre càng đọc càng say
Dìm sóng biển xuống, kéo ngày dài thêm
Lính đảo cười ngả cười nghiêng
Bao nhiêu gian khó muộn phiền tiêu tan

Bỗng dưng thơ cũng tuôn tràn
Bút Tre, bút hóp trình làng đua nhau
Phú Thọ trước, lính đảo sau
Thứ tư mà ngỡ “Gặp nhau cuối tuần”

Chặt câu, bẻ chữ, ngắt vần
Trường Sa bỗng chốc hóa gần lạ chưa?

                              Tháng 6-2015






TIẾNG RU TRƯA Ở ĐẢO SINH TỒN



Giữa biển Đông trưa tháng sáu chang chang
Gió trốn biệt, biển mệt nhoài nằm thở
Sóng lấp lóa, nắng như đổ lửa
Đảo nổi, đảo chìm như luộc, như sôi

Trên đảo Sinh Tồn chợt tiếng “à ơi”
Nghe vọng lại thân thương, da diết quá
Cái vạc, cái cò, cái hải âu - rất lạ
Bống bống bồng bồng, ru hỡi hời ru

Lòng bỗng nhiên dịu mát mùa thu
Như giữa quê nhà tiếng võng đưa kẽo kẹt
Lại nhớ sớm nay lũ trẻ con ríu rít
Đảo có trường rồi con chữ nảy mầm lên

Dưới nắng trưa hè đảo thật bình yên
Cây bão táp, phong ba xanh rờn tỏa bóng
Vấn vít lời ru bài ca bên cánh võng
Thấy cả ngày mai tươi sáng đảo Sinh Tồn

                     Đảo Sinh Tồn, mùng 06-6-2015

TẠM BIỆT TÀU TRƯỜNG SA 571



Chỉ còn hôm nay nữa thôi
Hải trình Trường Sa sẽ hết
Ngày mai nói lời tạm biệt
Mà nay lòng đã rưng rưng

10 ngày lênh đênh biển Đông
Với Trường Sa 571
Mười ngày đã thân, đã thuộc
Đã thành người lính hải quân

Điều lệnh lễ tiết tác phong
Nội vụ, giờ ăn, giờ nghỉ
“Chú ý! Toàn tàu chú ý!”
Kéo còi náo nức Trường Sa

11 điểm đảo đã qua
Bao nhiêu nghĩa tình gửi lại
Cùng 2 nhà giàn vững chãi
Còn neo đậu mãi trong tim

2 lễ tưởng niệm thiêng liêng
1 buổi chào cờ đặc biệt
Bao cuộc giao lưu ca hát
Còn lưu dấu mãi trong lòng

10 ngày lênh đênh biển Đông
Với Trường Sa 571
Chẳng thể nào quên cho được
Thủy thủ đoàn tàu yêu thương

Những người vất vả sớm hôm
Chăm lo bữa ăn, giấc ngủ
Lái tàu, xuồng qua sóng dữ
Để đoàn vui vẻ an toàn

Ngày mai kẻ bắc, người nam
Chẳng thể nào quên tình biển
Trường Sa một lần đã đến
Mà thiêng liêng quá trong đời

Tạm biệt 571 ơi!
Xin đừng kéo còi dài thế
Thôi đành vẫy tay chào nhé
Thôi đành lưu luyến xa nhau

Cho dù có đi nơi đâu
Không quên hải trình năm ấy
Kỷ niệm này xin giữ mãi
Dạt dào sóng vỗ Trường Sa…

                 Ngày 10/6/2015

RA ĐÂY BỖNG THẤY



Đã đi quá nửa đường đời
Lâng lâng say với bao lời tán dương
Bon chen ở chốn quan trường
Ra đây bỗng thấy tầm thường - lạ chưa?

Những ngày nắng cháy khát mưa
Những đêm bão tố gọi bờ… mù xa
Thương nhau coi đảo là nhà
Chắc tay lính biển, phong ba sá gì

Ở đây không tính toan chi
Chỉ căn nước ngọt chi li từng ngày
Vẫn xanh rau ở trong khay
Vẫn thơm hoa cúc, vẫn cay ớt gừng

Bao nhiêu gian khó đã từng
Ra đây bỗng thấy quá chừng nhỏ nhoi
Thương yêu lắm! Lính đảo ơi!
Tôi xin ôm cả biển trời Trường Sa…

                               Tháng 6-2015



TRƯỜNG SA - QUÊ NHÀ



Ngỡ như ở giữa quê nhà
Nào hay đang ở Trường Sa ngàn trùng
Tiếng chuông chùa “binh boong” rung
Trẻ con múa hát vui cùng thầy cô

Trong lồng chim hót líu lô
Ô hay, gió biển cứ đùa chao nghiêng?
“Trên rừng ba sáu thứ chim”
Ra đây theo lính làm duyên mấy lồng

Này đây hoa cúc, hoa hồng
Phong ba bám đá, rau trồng xanh khay
Đất quê ra với đảo này
Chở bao nhiêu gói để nay thành làng

Này đây hoa mướp trổ vàng
Cũng bầu bí, cũng rộn ràng bướm ong
Từng ca nước ngọt đếm đong
Mồ hôi đổ xuống ròng ròng mà xanh

Đàn gà chiếp chiếp vây quanh
Cục ta cục tác, đảo thành xóm quê
Biển xanh sóng vỗ bốn bề
Ngỡ đây là chốn đi về - Trường Sa!

                             Tháng 6-2015

NHỮNG CHIẾC CÚC ÁO MIỀN BIÊN



Trên một triệu ki-lô-mét vuông mênh mông biển Đông
Trải dài hơn ba ngàn hai trăm sáu mươi cây số
Là vạt áo xanh của Tổ quốc Tiên Rồng
Với hơn ba ngàn hòn đảo lớn nhỏ
Cùng Hoàng Sa, Trường Sa
Giữa biển trời bao la
Mỗi hòn đảo là nhà
Là những chiếc cúc áo
Đóng chặt vạt áo miền biên
Những chiến sĩ hải quân trung kiên
Giữ ấm áp cơ thể thiêng liêng Tổ quốc
Những chiếc cúc áo xếp hình Đất Nước
Thành chữ S, tạo dáng hình tia chớp
Đất Nước tựa lưng dãy Trường Sơn
Vạt áo xanh sóng biển rập rờn
Đất Nước bên bờ sóng
Từ địa đầu Móng Cái
Đến mũi Cà Mau
Một con tàu
Thẳng tiến

NHỚ



Chẳng có 3G để gửi ảnh cho em
Nhớ chồng nhớ đành lưu vào bộ nhớ
Biển Trường Sa muôn trùng sóng vỗ
Bao ảnh hình đành cất giữ trong tim

NÁO NỨC TRƯỜNG SA



Sóng biển ầm ào mà không sóng vina
Mặt biển thẫm xanh - màn hình trắng toát
Anh nhớ em, nước biển đầy vẫn khát
Dằng dặc chân trời, náo nức phía Trường Sa

              Ra đảo Trường Sa ngày 02/6/2015

CƯỜI RA NƯỚC MẮT



 Thanh Khê

Vấn đề đặt ra trong truyện ngắn này không mới. Đó là, những giá trị truyền thống tốt đẹp bị băng hoại mau chóng và tác động hai mặt của công nghệ kỹ thuật tới con người trong đời sống xã hội hiện đại. Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức rất lớn do cơ chế kinh tế thị trường và quá trình hội nhập sâu rộng vào toàn cầu mang lại.
Truyện ngắn Internet về làng của Đỗ Xuân Thu là một “lát cắt” cuộc sống ở nông thôn Việt Nam hiện nay, chứa đựng những bi hài cười ra nước mắt mà thế hệ già hay trẻ cũng có thể vướng mắc vào. Cái lưới vô hình của nền kinh tế thị trường sẽ trùm chụp lên tất thảy mọi người, kể cả mặt tốt và xấu của nó, cũng như dòng chảy hội nhập đang được số hóa sẽ cuốn tất cả mọi cá thể trên hành tinh này theo nó. Ranh giới giữa cái tốt và cái xấu thật mong manh và không phải lúc nào con người ta cũng có thể nhận biết được. Xã hội đang bị cuốn theo sức hút của đồng tiền, bị mê dụ bởi những phương tiện công nghệ hiện đại, bị ngập đắm triền miên trong những thế giới trái chiều vừa thực dụng vừa ảo giác với sự cô đơn có chiều hướng ngày càng tăng.
Câu chuyện về hai nhân vật chính trong tác phẩm này - lão Quých và Thủy - là một phần đời sống của xã hội đương thời. Họ thuộc hai lớp người khác nhau, hai thế hệ cách xa nhau, một già một trẻ. Lão Quých tuổi đã lục tuần. Thủy là nữ sinh đang độ tuổi teen. Cả hai ở chung trong một gia đình có thể gọi là khá giả tại cái làng Cổ Cò đang ngấp nghé lên thị trấn với mối quan hệ là ông ngoại và cháu gái.
Khoan hãy đi sâu vào mối quan hệ đầy những bất ngờ và oái oăm giữa lão Quých và cô bé Thủy mà trước tiên ta thử xem cái gọi là cơ chế kinh tế thị trường đã tác động lên vùng quê này ra sao. Làng Cổ Cò đã không còn như xưa, ruộng đất người ta cho mượn cho thuê hết để tập trung vào làm ngành nghề dịch vụ. Nhờ dồn điền đổi thửa nên một số ít hộ còn tập trung vào cây lúa đời sống cũng đã được cải thiện đáng kể. Làng Cổ Cò bây giờ đã đổi thịt thay da, tưng bừng khởi sắc, nhà nào cũng có tivi, tủ lạnh, xe máy, có nhà đã có ôtô, nhiều nhà nối mạng internet. Xét về kinh tế, đó là bước tiến vượt bậc mà cách đây không lâu người nông dân chân lấm tay bùn có nằm mơ cũng chả thấy. Văn minh vật chất đạt được những bước tiến bộ rất dài nhưng đời sống văn hóa đang ẩn chứa nhiều hiểm họa. Cái bề ngoài nhìn thấy được là sự xô bồ, hối hả, gấp gáp của cuộc sống: Mặt trời còn tít trên cao mà đèn xanh, đèn đỏ nhấp nháy loạn xạ. Loa đài inh oang. Xe cộ chạy vù vù. Thanh niên tụ tập hò hát inh ỏi trong các quán bia hơi, karaoke, game online. Mấy đứa con gái còn váy ngắn, áo hai dây... Cái ẩn vào bên trong là những giá trị truyền thống tốt đẹp có từ bao đời nay đang bị xem nhẹ, mai một và biến thái theo chiều hư hoại. Chuyện giỗ mẹ (vợ lão Quých) cũng được hai cô con gái lão quán triệt rằng giỗ năm lẻ thì bố và anh thứ tổ chức, giỗ năm tròn thì cả nhà sẽ sum vầy đông đủ khiến lão Quých ức quá phải chửi lên Mả cha chúng nó chứ, giỗ mẹ mà chúng cũng quy ra năm tròn, năm chẵn. Đấy là gì nếu không phải là biểu hiện của sự giải thiêng? Mọi cái, mọi chuyện đều được quy ra tiền, quy ra lãi...
Xã hội coi đồng tiền trên hết là xã hội của những rập rình bất ổn, của những mầm ổ tội ác và phổ biến nhất là hội chứng cô đơn. Con người cảm thấy cô đơn, rất cô đơn trong xã hội đông đúc đồng loại, cô đơn ngay trong chính gia đình mình. Được sự tiếp sức của các phương tiện kỹ thuật công nghệ hiện đại, con người trốn sự đơn côi bằng cách chui vào thế giới ảo, thế giới không kiểm soát được. Họ chìm đắm trong thế giới không thực đó, tìm sự chia sẻ ở đấy mà không biết những bi kịch đang chờ đón mình phía trước. Đấy là bi kịch của thời kỹ trị, khi một bộ phận chưa đủ sức đề kháng với những tác dụng phụ nhưng rất nguy hại của nó.
Đã tới lúc ta nói đến mối quan hệ của lão Quých và Thủy. Một ông, một cháu; một già, một trẻ đều đam mê internet. Ông là hiepsilangthang. Cháu là meoconcodon. Trên mạng nào ai biết được “Hiệp sĩ lang thang” như thế nào và “Mèo con cô đơn” ra làm sao. Họ chát chít và rồi yêu nhau trong thế giới ảo mung lung vô định ấy. Từ thế giới ảo họ bước ra thế giới thật, hẹn hò nhau và lão Quých đã nghĩ tới cái nhà nghỉ Thiên Thai trên phố huyện. Vì yêu mà lão phải sống khác mình, nghĩa là phải nói dối, phải cố làm trẻ lại bằng cách học hỏi để hiểu và diễn đạt với người mình yêu bằng ngôn ngữ tuổi teen. Rõ tội. Lão đã tìm đến nơi hò hẹn để cuối cùng chẳng thấy meoconcodon đâu mà lại gặp cháu ngoại của mình là Thủy. Đến lúc đó, người đọc cũng không đoán định được người yêu của lão là ai, phải đến ngày giỗ vợ lão thì mọi chuyện mới được hé mở. Bi kịch thay, hài hước thay, meoconcodon không ai khác lại chính là cháu gái của lão – một dạng cô đơn khác có trong xã hội ta hiện nay. Lão choáng váng. Đôi mắt của vợ lão trong di ảnh chính là cái nhìn nghiêm khắc trách cứ của truyền thống. May mà, lão đã sớm phát hiện ra “người yêu” của mình là ai nếu không thì còn hứng phải cái bi kịch thảm hại hơn nữa.
Cốt truyện của Internet về làng không có gì đặc biệt nhưng truyện ngắn này hấp dẫn bởi nghệ thuật tả chân khá nhuần nhuyễn và cách dẫn dắt câu chuyện, bố trí tình huống vừa hợp lý, vừa bất ngờ của tác giả. Nếu không am hiểu internet, blog, facebook... thì Đỗ Xuân Thu đã không thể kể được câu chuyện chát chít của các nhân vật sinh động đến vậy. Diễn tả tâm lý hành vi của nhân vật cũng là một thế mạnh của tác giả truyện ngắn này

NGHỆ SĨ NHÍ VÀ CON CHÂU CHẤU



Bất ngờ nhất đêm văn nghệ Trường Sa
Mười em nhỏ, tuổi từ ba đến tám
Rồng rắn lên mây, nu na nu nống
“Trường Sa quê em”(*) múa hát tưng bừng

Bé ba tuổi ngộ nghĩnh quá chừng
Vừa biểu diễn vừa nhìn con châu chấu
Đang chập choạng trước ánh đèn sân khấu
Bài hát vừa xong, em vồ nó và cười

Rồi hồn nhiên cúi chào mọi người
Tất cả reo hò vỗ tay không dứt
Mười nghệ sĩ nhí đêm nay đẹp nhất
Lại tranh nhau châu chấu, cào cào

Đêm Trường Sa lung linh đầy sao
Biển yên bình rì rầm sóng vỗ
Tiếng hát các em như vẫn còn đâu đó
Yêu quá chừng lứa công dân đầu tiên

Từ đảo này các em lớn lên
Tiếp bước cha anh là chủ nhân của đảo
Không thể quên đêm cào cào châu chấu
Trước cột mốc chủ quyền hát “Trường Sa quê em”(*).

                                      Trường Sa, đêm 08-6-2015

 

(*) Tên bài hát tự biên của quân dân thị trấn Trường Sa

LỜI THỀ VỚI BIỂN




(Tặng đồng đội cũ Lê Hồng Vân - TUV, Chủ tịch UBND t.phố Việt Trì)

Rời quân ngũ đã mấy chục năm rồi
Ra đảo Trường Sa tôi lại thành chiến sĩ
Quân lệnh như sơn cả giờ ăn, giấc nghỉ
Tái ngũ - lính già cùng lính trẻ vô tư

Mười lời thề ngỡ tưởng đã xa xưa
Bỗng sớm nay buổi chào cờ đặc biệt
Trên đảo Sinh Tồn lại vang lên mãnh liệt
“Chúng tôi, quân nhân trong quân đội nhân dân…”

Tôi - lính già lặng phắc giữa hàng quân
Người nổi da gà, mắt hướng cờ Tổ quốc
Mười lời thề, từng lời, từng lời một
Lại gọi nhau trong tim óc hiện về

Trẻ lại tôi - cái tuổi say mê
Thuở binh nhất, binh nhì ra đi cứu nước
Thuở đánh giặc phía Nam, chặn thù phía Bắc
Để bây giờ đĩnh đạc giữa Trường Sa

Nắm chặt tay thề trước Tiên Tổ, ông cha
Giữ vững chủ quyền thiêng liêng biển đảo
Không gục ngã trước kẻ thù, giông bão
“Chúng tôi - quân nhân trong quân đội nhân dân…”

Tiến bước dưới quân kỳ rầm rập những bàn chân
Lính trẻ, lính già chỉnh tề đội ngũ
Thắm đỏ trong tim mười lời thề danh dự
Có chúng tôi đây những người lính anh hùng…

                                      Tháng 6-2015