Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2013

SAO LẠI THI VÀO NHỮNG NGÀY NÀY?



 

Trời ơi! Sao lại thi vào những ngày này?
Khi tiếng ve ran trên những vòm cây nức nở
Khi tím ngắt bằng lăng và cháy trời phượng đỏ
Khi tuổi học trò dùng dắng sắp trôi qua

Buổi học cuối cùng tan lớp chẳng ai ra
Những ánh mắt nhìn nhau thảng thốt
Cô bé ơi, hình như em chực khóc?
Mười hai năm đèn sách hết rồi ư?

Giấu gửi cho em, nhận nhé một trang thư
Trong ngăn bàn đó, chỗ của me, xoài, ổi
Chẳng sin, cost đâu, chỉ những câu thơ viết vội
Và cánh phượng hồng ép trong sổ này đây

Sao lại thi vào những ngày này?
Khi bao nhiêu điều vẫn còn đang ấp ủ
Tiếc quá những ngày qua để bây giờ dang dở
Điên hết cả đầu đừng kêu nữa ve ơi!

Xin thời gian dừng lại, đừng trôi
Đừng thi nữa, dành mực tím để bằng lăng tím nữa
Dành mực đỏ, dấu son cho phương hồng rực lửa
Cháy bùng lên sáng mãi những ngày này

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (KHÚC VĨ THANH - chương cuối)



KHÚC VĨ THANH

Kể từ ngày đó, Huân đi biền biệt. Bảy năm trời không một dòng tin của Phương, của quê nhà. Chiến dịch này nối tiếp chiến dịch kia, địa chỉ thay đổi liên tục, cho nên thư từ bị thất lạc. Mấy năm đầu, Huân thường xuyên viết thư cho Phương. Về sau, anh không viết nữa, chỉ có ghi nhật ký. Quyển nhật ký của anh dày cộp, nặng trong ba lô. Huân nâng niu giữ nó chỉ có sau khẩu súng. Tôi, người bạn thân nhất của Huân, được Huân tin tưởng kể cho nghe về mối tình của anh bên dòng Lô lịch sử một cách say sưa nhất. Trong trí tưởng tượng của mình, tôi mơ màng nghĩ về Phương và trân trọng mối tình của họ.
Ngày 29-4-1975, Huân đã ngã xuống trước cửa ngõ Sài Gòn. Một quả pháo đã bắn tới chụp lên người Huân trong lúc cả đơn vị đang tấn công đồn giặc. Tôi bò tới bên Huân. Người anh bê bết máu. Tôi vòng tay ôm Huân. Anh từ từ mỏ to đôi mắt nhìn tôi. Giọng Huân thều thào: “Đạt ơi, tao chết mất. Mày giữ giùm tao quyển nhật ký. Khi nào giải phóng mày nhớ về sông Lô tìm Phương. Đưa cho… cô… ấy…nhé”. Nói xong Huân nhắm mắt lại. Tôi ôm chặt lấy Huân: “Không. Mày phải sống. Mày phải về với Phương”. Huân lại mở mắt ra đờ đẫn nhìn tôi. Anh nở một nụ cười và thều thào nói: “Muộn mất rồi... Ở lại mạnh giỏi nhé! Anh… đi đây… Phư…ơng… Phương… ơ… ơi!”. Huân ưỡn mình một cái rồi ngoẹo cổ trên tay tôi. Tôi ghì chặt lấy thi thể của Huân và gục đầu lên ngực bạn. Người tôi rung lên những tiếng nấc nghẹn ngào. 

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (chương 32)



32
Đò cập bến. Ông Thạc và Phương vội vã lên bờ. Hai người náo nức. Ai cũng muốn về nhà thật nhanh để loan báo cho mọi người biết không khí của cuộc họp Quân khu đồng thời vừa tránh được giờ cao điểm máy bay. Báo cáo của ông Thạc, của Phương được hội nghị đánh giá cao. Không ngờ sáng kiến phá bom trên sông Lô nói riêng và kinh nghiệm tổ chức phá bom nói chung của xã Chí Đám lại được cả hội nghị lắng nghe và hưởng ứng đến thế. Giờ giải lao, các đại biểu còn tranh thủ hỏi thêm hai người những chi tiết mà họ quan tâm. Thủ trưởng Quân khu kết luận hội nghị biểu dương cán bộ chiến sỹ dân quân xã Chí Đám đã phát huy tốt truyền thống sông Lô lịch sử lập chiến công mới trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và phát động phong trào thi đua toàn quân khu học tập Chí Đám.
Đáng ra, sau hội nghị, các đại biểu sẽ dự một lớp tập huấn mấy ngày nữa song do kế hoạch thay đổi, chương trình được rút ngắn lại. Vì vậy, ông Thạc và Phương được về sớm hơn kế hoạch ba ngày. Thực chất, Phương cũng nóng ruột lắm. Tự nhiên mấy ngày qua, ruột gan cô cồn cào như có lửa đốt. Hai tai cô nóng bừng. Cô hắt hơi liên tục. Ông Thạc cũng thế. Vừa lo nước lụt, vừa lo hàng lên. Và hình như có cả điều gì đó khiến ông và Phương cứ bứt rứt khó chịu. Họ chỉ muốn về. Cho nên khi nghe ban tổ chức lớp học tuyên bố rút ngắn thời gian tập huấn, hai người thở phào và tan lớp họ bắt xe về ngay.

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (chương 31)



31
 Sáng nay, trời quang mây tạnh. Không còn u ám như mấy hôm trước nữa, bầu trời đã được trả lại màu xanh và ánh nắng ban mai. Ngoài sông nước bắt đầu rút. Trong vườn chim chóc hót véo von đón chào một ngày mới.
Huân bần thần gấp quần áo cho vào ba lô. Ông Hiếu ngồi trầm tư quan sát Huân. Thỉnh thoảng ông lại rít một điếu thuốc lào kêu rong róc phá tan bầu không khí trầm lặng trong gia đình. Cái Hiền cứ quấn lấy anh năn nỉ:
- Anh Huân đi mấy hôm thì về nhé.
- Ừ. Anh đi công tác vài ngày thôi mà. Ở nhà chơi ngoan kẻo mẹ mắng, nghe chưa?
- Vâng. Nhưng anh nhớ phải về với em đấy.
Cái Hiền nũng nịu nhắc lại. Bà Sự cầm gói xôi đưa cho Huân:
- Đúc cái này vào ba lô đi đường lúc nào đói thì ăn.
Nghĩa chợt nhớ ra điều gì gọi Hà:
- Hà! Cầm quả bưởi ở chum thóc ra cho anh Huân.
- Vẫn còn bưởi à? Tao tưởng hôm nọ mang cho dân quân làm thuỷ lôi trên sông hết rồi? Ông Hiếu hỏi Nghĩa.
- Vâng. Anh em con còn mấy quả giấu trong hòm thóc từ hôm hạ bưởi cơ. Chúng con làm vốn riêng đấy.
Nghĩa thật thà đáp. Ông Hiếu bật cười:
- Cha bố anh. Chỉ được cái khôn lỏi. Thế lại đâm ra được việc. Xem giấu được mấy quả mang ra đưa cho anh mày tất đi.