Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (KHÚC VĨ THANH - chương cuối)



KHÚC VĨ THANH

Kể từ ngày đó, Huân đi biền biệt. Bảy năm trời không một dòng tin của Phương, của quê nhà. Chiến dịch này nối tiếp chiến dịch kia, địa chỉ thay đổi liên tục, cho nên thư từ bị thất lạc. Mấy năm đầu, Huân thường xuyên viết thư cho Phương. Về sau, anh không viết nữa, chỉ có ghi nhật ký. Quyển nhật ký của anh dày cộp, nặng trong ba lô. Huân nâng niu giữ nó chỉ có sau khẩu súng. Tôi, người bạn thân nhất của Huân, được Huân tin tưởng kể cho nghe về mối tình của anh bên dòng Lô lịch sử một cách say sưa nhất. Trong trí tưởng tượng của mình, tôi mơ màng nghĩ về Phương và trân trọng mối tình của họ.
Ngày 29-4-1975, Huân đã ngã xuống trước cửa ngõ Sài Gòn. Một quả pháo đã bắn tới chụp lên người Huân trong lúc cả đơn vị đang tấn công đồn giặc. Tôi bò tới bên Huân. Người anh bê bết máu. Tôi vòng tay ôm Huân. Anh từ từ mỏ to đôi mắt nhìn tôi. Giọng Huân thều thào: “Đạt ơi, tao chết mất. Mày giữ giùm tao quyển nhật ký. Khi nào giải phóng mày nhớ về sông Lô tìm Phương. Đưa cho… cô… ấy…nhé”. Nói xong Huân nhắm mắt lại. Tôi ôm chặt lấy Huân: “Không. Mày phải sống. Mày phải về với Phương”. Huân lại mở mắt ra đờ đẫn nhìn tôi. Anh nở một nụ cười và thều thào nói: “Muộn mất rồi... Ở lại mạnh giỏi nhé! Anh… đi đây… Phư…ơng… Phương… ơ… ơi!”. Huân ưỡn mình một cái rồi ngoẹo cổ trên tay tôi. Tôi ghì chặt lấy thi thể của Huân và gục đầu lên ngực bạn. Người tôi rung lên những tiếng nấc nghẹn ngào. 

Chôn cất Huân xong, cả đơn vị tôi vào trận mới với quyết tâm lớn: trả thù cho Huân, người tiểu đoàn trưởng mẫu mực của đơn vị chúng tôi.
Hôm sau, Sài Gòn giải phóng. Không khí chiến thắng tràn ngập đất nước. Mọi người như mê, như say trước ngày toàn thắng. Tôi bần thần giở quyển nhật ký của Huân ra đọc mà lòng quặn đau như thắt, nước mắt lã chã rơi. Huân ơi! Giá mày sống đến ngày hôm nay để được tận mắt chứng kiến không khí hào hùng có một không hai này thì vui biết mấy. Ngày mày trở về gặp Phương đã ở trong tay. Thế mà… Thôi, cứ yên nghỉ đi Huân nhé. Nhất định tao sẽ về tìm Phương cho mày.
Tôi bận túi bụi trong ban quân quản thành phố. Đến khi ổn ổn đâu đấy, chưa kịp thực hiện ý định đó thì cấp trên cử tôi đi học Liên Xô. Trên đất bạn quyển nhật ký của Huân tôi luôn giữ nó bên mình như một báu vật. Tôi không muốn nhờ bất kỳ ai, kể cả bưu điện, kể cả tổ chức để gửi nó về cho Phương. Thứ nhất là không đúng ý định của Huân. Thứ hai, tôi muốn gặp Phương để biết thêm người con gái ấy và mối tình thơ mộng của họ. Tôi muốn kể cho Phương nghe về Huân với những tháng ngày anh nhớ Phương da diết. Tôi muốn tự tay mình mang về cho Phương. Tôi có viết mấy lá thư về theo địa chỉ của Huân cho tôi nhưng đều bặt vô âm tín. Thực tâm, tôi nghĩ có lẽ Phương đã đi lấy chồng và việc làm của mình biết đâu lại ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình nhà Phương. Cho nên, tôi không gửi thư nữa và quyết tự mình về làng Ngọc Chúc tìm Phương rồi sau đó sẽ liệu bề xử lý.
Mãi đến năm 1980 tôi mới từ nước ngoài trở về. Việc đầu tiên là tôi tìm về Chí Đám, nơi có chiến thắng sông Lô lịch sử. Chẳng khó khăn gì lắm vì một địa danh nổi tiếng như thế nên ai cũng biết. Thế nhưng khi tới nơi, tôi chẳng thấy cái làng Ngọc Chúc ven sông thơ mộng như trong quyển nhật ký của Huân đâu nữa. Chỉ có mỗi gốc si già bên ngôi đền cổ kính (Đền Mom), cạnh bến phà là đúng như Huân tả. Làng Ngọc Chúc đâu rồi? Sao chỉ còn lại một bãi ngô dài xanh ngút mắt thế này? Hỏi thăm mấy người, họ cho biết: năm 1976, thực hiện chủ trương sản xuất lớn, xã người ta đã quy hoạch vùng dân cư mới trong đồi. Làng Ngọc Chúc chuyển vào đó để lấy đất bãi cho trồng ngô sản xuất lương thực. Thế cho nên mới có một vùng ngô bao la này. Chỉ có gia đình bà Sự là vẫn ở nguyên chỗ cũ, cạnh Bến Xưởng. Nhắc đến những địa danh đó, tôi mừng quá. Theo sự chỉ dẫn của mọi người tôi tìm đến nhà bà Sự.
Nghe tin có bạn của Huân về, mọi người kéo đến khá đông. Những người thân của Huân trong quyển nhật ký còn khá đủ. Ông bà Hiếu, Sự (bố mẹ nuôi của Huân), ông Thạc, ông Chi, ông Thỉnh cùng cả Tịch, Côi, Đắn nữa… Duy chỉ có người tôi cần gặp là Phương và mẹ của cô thì không còn nữa.
Mọi người vui vẻ, vồn vã bao nhiêu khi gặp tôi thì lại đau buồn bấy nhiêu khi nói về gia đình của Phương. Họ cũng biết tin Huân mất và đã tổ chức báo tử năm 1976 khi mà cả Phương và mẹ của cô đều không còn. Số anh em nhập ngũ của làng năm 1968 chẳng có ai về nữa, trong đó có cả Thân. Chất, người yêu của Tịch thì bị hy sinh tại thị xã Phú Thọ trong một trận ném bom. Dung, chồng chưa cưới của Côi cũng ngã xuống tại mặt trận Quảng Trị… Cha con ông Phơ ở hẳn trên Sơn La không dám về làng vì xấu hổ.
Bà Sự cho biết: sau khi Huân đi, những tháng đầu, Phương đều nhận được thư của Huân. Cô ấy vui lắm. Cả trung đội dân quân do Phương phụ trách đều đọc chung những lá thư do Huân viết. Phương cũng viết thư cho Huân. Cứ theo địa chỉ cũ mà gửi. Càng về sau càng không thấy nhận được thư của Huân nữa nhưng Phương vẫn cứ viết và cứ gửi. Phương vẫn hy vọng đợi chờ. Chiến tranh, đến con người còn thất lạc nhau nữa là thư từ!
Sang đầu những năm bảy mươi, giặc Mỹ thôi không đánh phá Đoan Hùng  và việc bốc dỡ đạn dược cũng đã khép lại. Các gia đình sơ tán trở về bắt tay xây dựng cuộc sống mới. Mẹ con Phương cũng trở lại ngôi nhà cũ. Hàng ngày hai mẹ con chèo đò đưa khách sang sông. Nhiều người ngấp nghé Phương, mặc dù lúc đó Phương đã gần ba mươi tuổi. Có kẻ bắn tin đánh tiếng sang dèm pha, phá bỏ mối tình như tiểu thuyết ấy của cô. Bố mẹ nuôi của Huân cũng mấy lần gợi ý cho Phương “đi bước nữa”. Mặc, Phương vẫn một lòng một dạ đợi chờ Huân. Hàng ngày, Phương thường gội đầu bằng nước lá bưởi, chải tóc bằng cái lược của Huân tặng trước lúc lên đường. Cô ngồi hàng giờ lặng ngắm lá trầu và quả cau đã héo khô vì năm tháng. Phương đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần những lá thư của Huân gửi cho cô. Đôi mắt Phương mơ hồ nhìn về phía chân trời xa hy vọng, chờ đợi. Bà Thinh nhìn con thở dài.
Thế rồi, bà Thinh mất. Bà mất trong một trận ốm kéo dài. Còn lại mình Phương trong căn nhà trống trải. Bà Sự phải cho mấy đứa con gái sang ở cùng Phương cho vui. Trận lụt năm 1973, Phương cũng đi theo mẹ vì cứu mấy người chết đuối. Xác cô người ta vớt được giữa ngã ba sông. Đám ma Phương cả làng Ngọc Chúc đưa tiễn. Thương cô, mọi người không khóc được, nước mắt nuốt vào trong, lặng lẽ theo cô ra tận nghĩa địa. Các vãi cầu kinh suốt ngày đêm trong đền Mom. Những đêm sau, các vãi ra đền  trong làn sương trắng đục mờ mờ ảo ảo, một vài vãi nhìn thấy bóng một người con gái áo trắng đi từ đền ra sông. Dáng đi thanh thoát nhẹ nhàng lắm. Đặc biệt những hôm trăng suông hình bóng ấy mới lung linh huyền ảo làm sao. Thế nhưng, hình như ai gặp cái bóng ấy đều không có một cảm giác sợ hãi nào cả, chỉ thấy nó cứ bâng khuâng thế nào ấy, rất khó diễn tả. Họ bảo đó là hình ảnh của Phương hiện về với làng Ngọc Chúc, với sông Lô. Bà Sự đã bốc thêm cho cô một bát hương ở Đền. Những ngày tuần, các vãi đều tụng cầu cho Phương.
Tôi nghe chuyện cũng cảm thấy lâng lâng lạ.
Trở về cơ quan, một ý tưởng vụt loé trong đầu tôi: phải viết một tác phẩm gì đó để ghi lại mối tình này, ghi lại những ngày khói lửa của làng Ngọc Chúc, của cả quân và dân Chí Đám trong hai cuộc kháng chiến. Điều này càng thôi thúc tôi khi bà Sự cho tôi xem lá thư của Huân viết cho Phương lúc rời làng đi chiến đấu. Huân mơ sau ngày chiến thắng trở về sẽ đi học lớp viết văn để viết về nơi mà Huân đã sống và chiến đấu, viết về Tình yêu và viết về Phương. Chả thế mà quyển nhật ký của Huân đã dày đặc những chữ của những tháng năm ấy. Phải yêu thương lắm mảnh đất ấy, con người ấy Huân mới ghi lại những dòng cảm xúc mộc mạc chân thành đó. Vâng, tôi phải viết dẫu tôi chẳng giỏi giang gì về môn văn. Nó là cái gì: truyện ngắn, truyện ký hay tiểu thuyết hoặc bất cứ thể loại nào đối với tôi không quan trọng lắm. Điều quan trọng hơn cả đó là tôi viết để tạ lỗi cùng Huân cùng những đồng đội của tôi đã ngã xuống vì quê hương, viết để tạ ơn những người đã làm nên chiến thắng sông Lô lịch sử, đã không quản ngày đêm suốt mấy năm trời dưới bom rơi đạn nổ để vác hàng vạn tấn đạn phục vụ chiến trường, viết về tình yêu trong chiến tranh, những mối tình mà đến nay một số người không thể nào hiểu nổi. Tôi sẽ làm nốt công việc mà Huân còn dang dở.
Lực bất tòng tâm, mãi đến năm 1998, nghĩa là gần hai chục năm sau, xã Chí Đám được tuyên dương danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân mà tác phẩm của tôi vẫn chưa xong. Một số nhân vật đã đi vào cõi vĩnh hằng. Tôi như người mắc nợ. Mỗi lần về qua đất bưởi, gặp các cụ già nơi đây để lấy thêm tư liệu thì ai cũng thường mở đầu bằng một câu mà tôi thuộc đến nằm lòng, đó là: “Ngày ấy… bên sông Lô…”. Tôi ra ngã ba sông nhìn lên tượng đài chiến thắng, giở lại quyển nhật ký của Huân, tai lắng nghe tiếng chuông chùa Đền Mom mà lòng tôi day dứt. Đêm nhẩn nha dạo bước dưới trăng bên bờ sông Lô lộng gió, về nằm nghe sóng nước sông Lô thì thầm tôi như thấy cả Huân và Phương hiện về, rồi ruột gan tôi cồn cào như lửa đốt. Và tôi đã cầm bút viết “Ngày ấy bên sông Lô” bằng chính cái câu mở đầu của các cụ làng Ngọc Chúc mỗi khi nhớ về những tháng năm đánh giặc.
Toàn bộ câu chuyện trên tôi dựng lại từ tư liệu của Huân, có thêm thắt, hư cấu, đổi tên một số nhân vật. Cốt truyện tôi vẫn trung thành với những gì Huân đã ghi chép trong quyển nhật ký và những lời các cụ nơi đây kể lại. Sau khi xong bản thảo, tôi có đưa cho ông Thỉnh, con cụ Bái, là giáo viên văn đã nghỉ hưu, bạn cùng thời với Huân xin ông tham góp ý kiến. Ông có điều chỉnh bổ sung giúp tôi hoàn thành tác phẩm này.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng những đau thương mất mát của nó vẫn còn mãi đến bây giờ. Bên cạnh niềm tự hào, cái vĩ đại của nó, chúng ta đang phải tiếp tục hàn gắn những vết thương do chiến tranh để lại. Trong sự ngọt ngào của hạnh phúc hôm nay, tôi cùng các cụ làng Ngọc Chúc trở về “ngày ấy bên sông Lô”, một thuở oanh liệt hào hùng để tự hào hơn, trân trọng hơn những gì cha ông ta đã tạo dựng. Đó cũng là một nén hương thơm xin thắp trước mộ Huân và Phương, trước những người đồng đội của tôi và những người con của làng Ngọc Chúc thân yêu đã yên nghỉ trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Viết đến đây, bất chợt giai điệu và âm hưởng của bản “Trường ca Sông Lô” của cố nhạc sỹ Văn Cao vút lên trong đầu tôi, đưa tôi về “ngày ấy bên sông Lô”. “Dòng… sông… Lô… trôi…”. Có phải tự ngàn đời xưa sông Lô vẫn vậy? Ơ kìa! Cả hương bưởi nữa! Sao nồng nàn da diết thế… sông Lô?

             Bắt đầu viết tại trại sáng tác Quân đội - Đại Lải tháng 9-2003.
                                         Hoàn thành tháng 3-2004

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét