Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

“DỖI” VÀ TÌNH YÊU NHÃ MY-(Đọc tập thơ Dỗi – Nxb Hội Nhà văn 2011 của Trần Nhã My)


alt
            Tôi có may mắn là được đọc toàn bộ bản thảo tập thơ Trần Nhã My (người vừa dự hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII năm ngoái). Cảm nhận đầu tiên của tôi về thơ chị là mới và hay. Hôm nay, tập thơ đầu tay - đứa con tinh thần với cái tên ngắn gọn - DỖI - đã ra đời. Từ gần trăm bài thơ bản thảo chỉ còn lại 45 bài trong tập chứng tỏ sự chắt lọc, chọn lựa khá cẩn thận, kỹ càng của chị và nhà xuất bản. Về hình thức, DỖI cũng lạ, khổ sách vuông (20x19), màu khá bắt mắt, bìa trình bày đẹp, tạo ấn tượng ban đầu cho độc giả. Sách dày 92 trang do nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Tuy nhiên, điều này chưa nói lên được gì, quan trọng là chất lượng những bài thơ bên trong. 
            Bốn mươi lăm bài thơ DỖI là bốn mươi lăm khoảnh khắc yêu thương, nỗi niềm nhung nhớ của Trần Nhã My trải ra trên từng trang sách. Bao trùm lên tất thảy là tình yêu lứa đôi, tình yêu cuộc sống quê hương của chị. Đây là gam màu chủ đạo, là giai điệu chính, là tiếng lòng của DỖI. 
           Không có nhà thơ nào lại không viết thơ tình. Nhã My cũng không nằm ngoài quy luật đó. Thơ tình của chị cũng da diết, khắc khoải, cũng vật vã đớn đau, cũng nồng nàn cháy bỏng và tràn trề niềm hy vọng. Tuy nhiên, tình yêu ở chị như hiện hữu đâu đó, có lúc như sờ nắm được, có lúc lại mờ ảo xa xôi. Cứ sắc sắc không không, cứ hư hư ảo ảo để người đọc cùng người thơ cứ dấn thân, cứ mải mê kiếm tìm theo những câu thơ khắc khoải, đắm đuối của chị. 
         Có tới 11 bài thơ trong DỖI liên quan đến đêm, chiếm tới một phần tư tập thơ, trong đó 5 bài tiêu đề có chữ "đêm" ("Đêm", "Đêm hồ Núi Cốc", "Đêm không anh", "Đêm qua", "Đêm trẻ") và 6 bài thơ có nội dung đêm ("Đi về phía không nhau", "Giấc ngủ không tròn", "Giấc mơ phố núi", "Mơ giấc yên bình", "Giáng sinh không anh", "Phác thảo anh"). Những bài thơ đêm này không hề tăm tối, trái lại rất sáng tươi và hy vọng. Mười một bài thơ đêm trong tập nhưng không lặp lại, không nhàm chán, càng đọc càng ám ảnh, càng thấy yêu thương hơn. 

Thứ Năm, 6 tháng 12, 2012

MÁY THẨM ĐỊNH TÁC PHẨM



            Trong các cuộc chấm thi, khó nhất là chấm các tác phẩm văn học. Điểm của mỗi tác phẩm phụ thuộc vào trình độ cảm thụ văn chương, hứng thú, tình cảm và trách nhiệm của mỗi vị giám khảo. Lắm khi còn phụ thuộc cả vấn đề thời tiết nữa. Trời nắng nóng, không khí ngột ngạt mà đọc, thẩm định một cuốn tiểu thuyết thì gay rồi. Hoặc hoàn cảnh gia đình, bản thân bị vợ quát, bồ chê thì tác phẩm mà vị ấy thẩm định có nguy cơ rớt hạng là cái chắc. Hơn nữa, các cụ bảo: “Văn mình vợ người” thì bao giờ chấm thi cho nó khách quan được cơ chứ?
          Sau mỗi đợt trao giải, không thể tránh khỏi điều nọ tiếng kia. Báo chí tha hồ lên tiếng. Người ca ngợi nhiều mà kẻ chê bai cũng lắm. Lắm phen, thành viên ban giám khảo phải trốn hoặc đánh bài lì trước dư luận. Nhiều nơi, nhiều ngành có sáng kiến thành lập hội đồng chuyên môn để thẩm định, chấm chọn tác phẩm. Khổ nỗi, thành viên của hội đồng cũng chỉ là “cơ cấu”. Thì cũng đủ thanh niên, phụ nữ, dân vận, báo chí, giáo dục, văn hoá… nghĩa là có liên quan tí chút đến chữ nghĩa là có chân trong “hội đồng”. Tác phẩm được photo cho mỗi vị một bản nhưng… có mấy vị đã đọc? Thế nên, khi họp hội đồng thẩm định thì các vị chủ yếu là “chấm theo danh”, “dựa vào nhau để thống nhất ý kiến”. Bỏ phiếu cũng chỉ là hình thức. Tác giả nào có danh rồi sẽ quan tâm trước tiên. Sau đó đến các tác giả vận động được nguồn tài trợ lớn cho cuộc thi sẽ được ưu tiên “cất nhắc”. Và sau rốt là phần quan trọng nhất, quan tâm nhất của các vị hội đồng: nhận phong bì thù lao của ban tổ chức. 

Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

Ổ RƠM VÀ BẾP LỬA

 alt
         Mấy hôm nay, trời mưa rét quá. Đường làng lầy lội. Quốc lộ cũng thế. Xe cộ đi lấm lem bùn đất. Chẳng mấy ai muốn ra đường giữa cái mưa, cái rét này. Nhìn bầu trời xám xịt, rả rích mưa, nhoè nhoẹt ướt mà kinh. Đúng kiểu mưa phùn gió bấc. Tôi cũng ru rú ở nhà. Cửa phòng đóng kín mít. Ấy thế mà cái rét vẫn len lỏi lùa vào khiến đôi lúc tôi cũng phải khẽ rùng mình vì lạnh. Thế rồi, tự nhiên tôi nhớ quá ổ rơm vàng và bếp lửa hồng ngày trước.
        Hồi đó, cách nay vài chục năm, trời rét lắm. Làm gì có chăn ga, gối đệm như bây giờ. Nhà nào giàu lắm thì có chăn bông. Đa số là chăn chiên, chăn sợi. Người ta còn lấy chăn bông làm chỉ tiêu thống kê mức độ giàu nghèo của một miền quê cơ mà. Giờ nghe cứ như cổ tích. Cũng chẳng có áo len, quần dạ, không quần bò, áo gió, cũng hiếm găng tay, tất chân đủ kiểu đủ mốt như bây giờ. Người nào khá giả thì áo bông sù sụ, tươm tất hơn thì có thêm cái áo len cổ lọ, áo mút Thái Lan đỏ chói bên trong. Đa số chỉ phong phanh áo sợi. Có người còn giữ lại được cái áo trấn thủ "ba sáu đường gian khổ" từ thời bộ đội chống Pháp mặc bó chặt lấy người cho ấm. Người nghèo thường độn những áo cũ, áo rách vào bên trong, mặc ba bốn cái liền để chống rét. Mà sao dạo ấy thời tiết cũng rét ghê rét gớm thế không biết. Mùa đông, có đợt nhiệt độ ban ngày xuống dưới mười độ, buốt căm căm. Đã nghèo, thiếu cái mặc trời lại còn làm thêm cái rét. Có ở trong cảnh đó mới hiểu mục tiêu "ấm no, hạnh phúc" mà cha ông ta phấn đấu có ý nghĩa quan trọng biết chừng nào. 
        Để "chiến đấu" và thích nghi với cái rét, người ta nghĩ ra nhiều cách mà cái cách dễ làm nhất, hiệu quả nhất là đốt lửa sưởi ấm, là dùng những sản vật tự nhiên để chống rét. Còn gì thú vị hơn khi mưa phùn gió bấc, ngoài trời rét căm căm mà được ngồi quây quần bên bếp lửa hồng sưởi ấm. Vợ chồng cái con, ông bà, cha mẹ...buổi tối cơm nước xong ngồi quanh bếp lửa chuyện trò. Thêm vài ông hàng xóm, mấy đứa trẻ nhà bên nữa thì thôi rồi, rét chẳng còn là gì nữa cả. Lửa hồng lách tách reo, bếp than rừng rực đỏ, ấm chè nóng toả hương, củ sắn, củ khoai lùi cháy khét cùng những câu chuyện về ruộng vườn, về giỗ chạp, về cưới hỏi... cứ râm ran, rì rầm mãi tới tận khuya mặc cho ngoài trời gió bấc từng cơn hun hút thổi.

Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

ĐÊM DƯỚI CHÂN NÚI BÀ ĐEN

        altChập tối, núi Bà Đen dần hiện lên đen thẫm giữa trời đêm. Càng khuya, bóng núi càng sừng sững. Trời đêm mênh mông đầy sao. Những cơn gió phóng túng ào tới khiến da thịt tôi mơn man. Lạ thật. Giờ này ngoài bắc rét lắm. Thế mà ở đây, ngay chân núi Bà Đen này, rất nhiều gió và gió thì tôi lại cảm thấy mát mẻ, dễ chịu mới lạ chứ. Tôi cùng em khoác tay nhau tha thẩn dạo chơi trong đêm, thả hồn cùng những vì sao khuya lấp lánh và những cơn gió hoang đùa rỡn mái tóc em bềnh bồng. Vạt rừng cao su trước mặt khi thì im lặng như để ý bước chân chúng tôi, khi thì rì rào rủ rỉ điều gì đó mỗi khi có ngọn gió thoảng qua.
          Cả ngày nay chúng tôi lên núi Bà Đen. Ngồi trong cabin cáp treo, tôi tha hồ thả tầm mắt ngắm nhìn bốn phía. Tít xa kia là hồ Dầu Tiếng, mặt nước lấp loáng dưới ánh mặt trời. Gần hơn nữa là cánh đồng, là từng vạt rừng cao su trải dài từ ngay trước mặt tôi cho tới xa tít tắp. Mênh mông. Bát ngát. Thật lạ, bốn phía bằng phẳng thẳng cánh cò bay như thế, thế mà lại nổi lên ở đây một ngọn núi cao gần ngàn mét. Chả trách, từ rất xa, ở bất cứ phía nào ta cũng nhìn thấy núi Bà Đen nổi lên sừng sững một góc trời. Nằm giữa hai con sông Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông, đây là ngọn núi cao nhất miền Nam. Do luôn được bao phủ bởi những đám mây trắng nên đỉnh núi Bà Đen trông giống như được khoác một tấm lụa mỏng. Ngọn núi này là niềm tự hào cả về danh lam thắng cảnh, cả về di tích lịch sử, văn hóa tâm linh của người Tây Ninh. Nói đến Tây Ninh là người ta nghĩ ngay đến núi Bà Đen. Thì cả xứ “miền Đông gian lao mà anh dũng” này duy nhất có một ngọn núi nổi lên cao vời vợi như thế, với bao huyền thoại, kỳ tích như thế bảo sao mà không nổi tiếng. Ao ước mãi, lần này tôi mới đến được núi Bà, lại được chính em dẫn tôi đi thật hạnh phúc quá chừng.