Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

Ổ RƠM VÀ BẾP LỬA

 alt
         Mấy hôm nay, trời mưa rét quá. Đường làng lầy lội. Quốc lộ cũng thế. Xe cộ đi lấm lem bùn đất. Chẳng mấy ai muốn ra đường giữa cái mưa, cái rét này. Nhìn bầu trời xám xịt, rả rích mưa, nhoè nhoẹt ướt mà kinh. Đúng kiểu mưa phùn gió bấc. Tôi cũng ru rú ở nhà. Cửa phòng đóng kín mít. Ấy thế mà cái rét vẫn len lỏi lùa vào khiến đôi lúc tôi cũng phải khẽ rùng mình vì lạnh. Thế rồi, tự nhiên tôi nhớ quá ổ rơm vàng và bếp lửa hồng ngày trước.
        Hồi đó, cách nay vài chục năm, trời rét lắm. Làm gì có chăn ga, gối đệm như bây giờ. Nhà nào giàu lắm thì có chăn bông. Đa số là chăn chiên, chăn sợi. Người ta còn lấy chăn bông làm chỉ tiêu thống kê mức độ giàu nghèo của một miền quê cơ mà. Giờ nghe cứ như cổ tích. Cũng chẳng có áo len, quần dạ, không quần bò, áo gió, cũng hiếm găng tay, tất chân đủ kiểu đủ mốt như bây giờ. Người nào khá giả thì áo bông sù sụ, tươm tất hơn thì có thêm cái áo len cổ lọ, áo mút Thái Lan đỏ chói bên trong. Đa số chỉ phong phanh áo sợi. Có người còn giữ lại được cái áo trấn thủ "ba sáu đường gian khổ" từ thời bộ đội chống Pháp mặc bó chặt lấy người cho ấm. Người nghèo thường độn những áo cũ, áo rách vào bên trong, mặc ba bốn cái liền để chống rét. Mà sao dạo ấy thời tiết cũng rét ghê rét gớm thế không biết. Mùa đông, có đợt nhiệt độ ban ngày xuống dưới mười độ, buốt căm căm. Đã nghèo, thiếu cái mặc trời lại còn làm thêm cái rét. Có ở trong cảnh đó mới hiểu mục tiêu "ấm no, hạnh phúc" mà cha ông ta phấn đấu có ý nghĩa quan trọng biết chừng nào. 
        Để "chiến đấu" và thích nghi với cái rét, người ta nghĩ ra nhiều cách mà cái cách dễ làm nhất, hiệu quả nhất là đốt lửa sưởi ấm, là dùng những sản vật tự nhiên để chống rét. Còn gì thú vị hơn khi mưa phùn gió bấc, ngoài trời rét căm căm mà được ngồi quây quần bên bếp lửa hồng sưởi ấm. Vợ chồng cái con, ông bà, cha mẹ...buổi tối cơm nước xong ngồi quanh bếp lửa chuyện trò. Thêm vài ông hàng xóm, mấy đứa trẻ nhà bên nữa thì thôi rồi, rét chẳng còn là gì nữa cả. Lửa hồng lách tách reo, bếp than rừng rực đỏ, ấm chè nóng toả hương, củ sắn, củ khoai lùi cháy khét cùng những câu chuyện về ruộng vườn, về giỗ chạp, về cưới hỏi... cứ râm ran, rì rầm mãi tới tận khuya mặc cho ngoài trời gió bấc từng cơn hun hút thổi.
 alt
       Ngày đó, nhiều củi tha hồ mà đốt. Gốc cây ở rừng, gốc tre ở vườn, đầu cành, cuối rễ, cục vấu chẳng bổ được...tất cả đều được cất để dành cho dần vào bếp lửa. Hôm nào được cái gốc to thì lửa đượm phải biết. Sưởi xong, gom những cục than hồng đó vào cái chậu sắt để dưới gầm giường tiêp tục sưởi ấm suốt cả đêm. Có loại gốc khi đốt lên toả hương thơm ngào ngạt đến nỗi bây giờ cứ thấy bếp nhà ai toả khói bay, chỉ hơi có mùi ngai ngái thôi là tôi lại nhớ về bếp lửa hồng đêm đông thuở ấy biết chừng nào. 
         Nhà nào không có nhiều củi, nhiều gốc cây thì ủ trấu để sưởi. Ăn cơm tối xong, bố tôi đổ đống trấu to vào bếp nhóm đống củi bên cạnh cho trấu bén lửa rồi ủ lại. Thế là một lúc sau, đống trấu bén lửa, khói toả ra ấm cả căn nhà. Sưởi ấm bằng bếp trấu tuy không rực bằng bếp củi nhưng nó lại rất đượm và nồng nàn. Cháy âm ỉ. Rất ít khói. Thơm mùi rạ rơm. Cháy đến đâu tro trắng đến đó. Lấy que cời lên thì mới thấy bên trong đống trấu than cũng rực hồng không kém gì bếp củi. Mẹ tôi còn tận dụng bếp trấu vừa sưởi ấm vừa "vần" nồi ngô, nồi khoai. Sáng sau thức dậy, bếp tàn thì khoai, ngô cũng vừa chín tới. Hầm kiểu này, dù khoai hay ngô ăn cũng đều ngon. Chín nục, vừa đượm vừa thơm. Trong cái rét sớm mai, bụng đang đói, bưng bát ngô, cầm củ khoai "vần" từ bếp trấu nghi ngút khói, xì xà xì xụp nhai thì không còn gì thú vị bằng. 
         Những đêm đông giá rét, bố tôi thường trải ổ nằm ngay cạnh bếp lửa. Vội thì rải rơm rối ra, trên trải cái chiếu cói. Thường thì bố tôi đánh gianh rạ để lót ổ. Cứ hai cái gianh quay ngọn vào trong đối nhau, quay đầu nan ra ngoài, thế là thành cái đệm êm ái, ấm áp. Phải là rạ nếp mới bền. Lúa nếp cao cây, gặt phần trên còn lại rạ. Cắt rạ phơi khô, bỏ bớt những rác và lá nhặm, sau đó đánh thành phên gianh. Chặt tấm gianh bằng đầu phía gốc có nan rồi trải lên giường hoặc xuống đất làm nệm để ngủ. Nằm loại nệm "madein" đồng quê này êm lắm, ấm lắm. Tuy nhiên, nếu chiếu rách, hoặc quẫy đạp như lũ trẻ chúng tôi làm hở chiếu ra, da thịt cọ vào loại nệm này thì rặm phải biết. Ấy thế mà anh em chúng tôi cứ trùm chăn chiên lên, quần nhau trên cái ổ rơm này, rúc rích mãi tận khuya mới ngủ. Đêm nào đùa giãy quá thì y như rằng đêm đó em tôi lại tè dầm ra ổ, sớm ra phải phơi tấm gianh đó cho nó bốc bớt mùi khai để tối còn lót ổ. Cùng với rạ rơm, bố tôi còn cắt những tàu lá chuối khô lót thêm vào dưới chiếu. Rọ roạy. Sột soạt. Khúc khích. Anh em chúng tôi chẳng còn biết rét buốt là gì nữa.
          Mới đó mà đã mấy chục năm. Bây giờ mọi thứ đủ đầy, chẳng còn phải lo cái ăn, cái mặc nữa. Mục tiêu bây giờ là ăn ngon, mặc đẹp, chơi sang. Riêng về chống rét thôi cũng thừa thãi mọi thứ. Giàu thì máy điều hoà nhiệt độ hai chiều. Khá giả thì đổi mốt len, dạ các kiểu. Nằm thì có đệm mút Kim Đan, Hàn Quốc. Chăn ga, gối đệm bồng bềnh thơm nức nước hoa.  Chẳng còn ai phải mặc áo sợi phong phanh, áo bông sù sụ, độn áo rách để chống rét nữa. Ấy vậy mà tôi vẫn cứ nhớ hoài cái không khí ấm cúng cả nhà quây quần bên bếp lửa, ổ rơm  vàng xa xưa trong những ngày đông giá rét. Trong phòng điều hoà nhiệt độ, trên chiếc giường chăn ấm đệm êm mà sao tôi vẫn có cảm giác lạnh lẽo thế này? Đâu rồi bếp lửa? Đâu rồi ổ rơm? Đâu rồi cái không khí nồng ấm gia đình ngày xưa mỗi khi mưa phùn gió bấc? Giữa đủ đầy sao vẫn cứ thấy chơi vơi...?

2 nhận xét:

  1. nhớ mùi rơm ngai ngái - nhớ tết quê và nhớ tất cả. Đúng là sống ở đây em vẫn không quen bởi mặt người đôi khi nhìn meo méo đầy giả tạo anh ạ. Bài viết hay xúc động và đầy những hình ảnh của hoài niệm. chúc anh luôn vui và hạnh phúc

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất vui vì có em đồng cảm .người quê chân chất thật thà. Cảnh quê thiên nhiên tự tại. Kỷ niệm làng quê còn mãi. Chúc em luôn nhớ quê và vững bước.

      Xóa