Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

“DỖI” VÀ TÌNH YÊU NHÃ MY-(Đọc tập thơ Dỗi – Nxb Hội Nhà văn 2011 của Trần Nhã My)


alt
            Tôi có may mắn là được đọc toàn bộ bản thảo tập thơ Trần Nhã My (người vừa dự hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII năm ngoái). Cảm nhận đầu tiên của tôi về thơ chị là mới và hay. Hôm nay, tập thơ đầu tay - đứa con tinh thần với cái tên ngắn gọn - DỖI - đã ra đời. Từ gần trăm bài thơ bản thảo chỉ còn lại 45 bài trong tập chứng tỏ sự chắt lọc, chọn lựa khá cẩn thận, kỹ càng của chị và nhà xuất bản. Về hình thức, DỖI cũng lạ, khổ sách vuông (20x19), màu khá bắt mắt, bìa trình bày đẹp, tạo ấn tượng ban đầu cho độc giả. Sách dày 92 trang do nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Tuy nhiên, điều này chưa nói lên được gì, quan trọng là chất lượng những bài thơ bên trong. 
            Bốn mươi lăm bài thơ DỖI là bốn mươi lăm khoảnh khắc yêu thương, nỗi niềm nhung nhớ của Trần Nhã My trải ra trên từng trang sách. Bao trùm lên tất thảy là tình yêu lứa đôi, tình yêu cuộc sống quê hương của chị. Đây là gam màu chủ đạo, là giai điệu chính, là tiếng lòng của DỖI. 
           Không có nhà thơ nào lại không viết thơ tình. Nhã My cũng không nằm ngoài quy luật đó. Thơ tình của chị cũng da diết, khắc khoải, cũng vật vã đớn đau, cũng nồng nàn cháy bỏng và tràn trề niềm hy vọng. Tuy nhiên, tình yêu ở chị như hiện hữu đâu đó, có lúc như sờ nắm được, có lúc lại mờ ảo xa xôi. Cứ sắc sắc không không, cứ hư hư ảo ảo để người đọc cùng người thơ cứ dấn thân, cứ mải mê kiếm tìm theo những câu thơ khắc khoải, đắm đuối của chị. 
         Có tới 11 bài thơ trong DỖI liên quan đến đêm, chiếm tới một phần tư tập thơ, trong đó 5 bài tiêu đề có chữ "đêm" ("Đêm", "Đêm hồ Núi Cốc", "Đêm không anh", "Đêm qua", "Đêm trẻ") và 6 bài thơ có nội dung đêm ("Đi về phía không nhau", "Giấc ngủ không tròn", "Giấc mơ phố núi", "Mơ giấc yên bình", "Giáng sinh không anh", "Phác thảo anh"). Những bài thơ đêm này không hề tăm tối, trái lại rất sáng tươi và hy vọng. Mười một bài thơ đêm trong tập nhưng không lặp lại, không nhàm chán, càng đọc càng ám ảnh, càng thấy yêu thương hơn. 

          Đây là bài thơ chỉ duy nhất có từ "Đêm" ở tiêu đề của chị. "Màu đen lọ mọ bước đến/ Nằm im/ Dù có trăng sao khoả lấp/ Dù có đèn cao áp trùm chăn/ Dỗ dành/ Đêm/ Không anh/ Đêm/ đen nhưng không thơm như ly cà phê mỗi sáng/ Đen/ Nhưng không bồng bềnh như mái tóc của anh/ Cũng chẳng giống đôi giày da quen thuộc của anh/ Và cả bộ comple anh thường mặc". Phải nhớ mong người yêu lắm Trần Nhã My mới thấy những gì thân thuộc của người yêu hiện về trong đêm như thế. Ly cà phê, mái tóc, đôi giày da, bộ comple đen sẫm lại, đen hơn cả đêm đen chỉ riêng Trần Nhã My nhìn rõ. Để rồi "Đêm/ Không giày giơ vuốt/ Đêm không anh/ Nỗi buồn nhe nanh/ Cào xước". Kết bài thơ thật ám ảnh, đọc nghe xót xa lắm. Âm "trắc" của từ "xước" cuối cùng khiến những con tim đa cảm cũng rớm máu.
         Trần Nhã My có 2 bài thơ vẽ người yêu trong đêm: "Đêm không anh" và "Phác thảo anh". Hai bài này có thể nói là đỉnh cao về nỗi nhớ người yêu của chị. Ở "Phác thảo anh", Trần Nhã My viết: "Cọ màu nằm lăn lóc/ giá vẽ chỏng chơ/ Giấy rô ki ngơ ngác phạc phờ/ Em vẽ gì trong đêm vắng/ Đêm không trăng/ gió lạnh/ Đêm không anh/ Vắng lặng đến không cùng". Lại một đêm không anh, lại không ngủ được. Đêm vắng lặng đến không cùng đến nỗi tờ giấy rô ki cũng "ngơ ngác, phạc phờ" thì ghê quá, trống vắng quá. Đồ vật còn thế nữa là người. "Em vu vơ nhát kéo/ giấy rô ki cắt thành hình chữ nhật/ Đưa ngang tầm mắt/ Giơ lên trời cao/ Chi chít những vì sao/ hường về phương ấy" để "Vẽ chân dung anh vào trái tim em". 
          Còn “Đêm không anh” thì: "Bức tranh em vừa bùa chú phù thuỷ nguệch ngoạc/ Xanh đỏ tím vàng lam chàm bạc/ Nét dọc nét ngang nét đứng nét nghiêng/ Chấm chấm quệt quệt vô hồn nỗi nhớ anh/ Mông lung màu sáng tối"..."Bức tranh độc nhất của em/ Vẽ trong đêm cuồng không anh/ Nhớ- thương - giận - hờn tràn ra bảng màu tội nghiệp". Đoạn đầu không dùng dấu phảy, ý thơ, câu thơ cứ tràn ra phải chăng hoạ sỹ - nhà thơ này không làm chủ được mình nữa, đang lên cơn "bùa chú phù thuỷ"? Thì đúng rồi, "Vẽ trong đêm cuồng không anh" cơ mà. Đoạn cuối tác giả dùng những dấu gạch nối giữa "nhớ thương hờn giận" đã mang lại hiệu quả khác: nhấn mạnh, dằn xuống từng từ như khắc sâu thêm tâm trạng. Nhớ đến thế là cùng.
        "Đêm hồ Núi Cốc", "Giấc mơ phố núi" và "Mơ giấc yên bình" thật đáng yêu. Viết về những nơi tác giả đã đến nhưng mỗi bài lại thể hiện một khác. Ở hồ Núi Cốc là sự hờn dỗi: "Hồ lim dim ngủ/ Trăng vàng trải mật luênh loang/ Luênh loang/ Bốn bàn chân giận dỗi/ Hờn trách gió trăng/ Chưa bước cuối đường đã quay trở lại". Không nói hai người, chỉ gián tiếp là "bốn bàn chân giận dỗi" trong đêm trăng thôi nhưng ai cũng biết đó là một đôi tình nhân. Chi tiết "Đêm về để quên chìa khoá ngoài cửa" tưởng như kỳ cục mà thật thơ và lãng mạn. Để rồi trong đêm đó "Chàng Cốc ngủ không ngon/ Nàng Công trở mình thức giấc" và họ cùng "Mở sách/ Viết thêm một trang huyền thoại". Huyền thoại hồ Núi Cốc và huyền thoại về tình yêu của họ. Được biết bài thơ này sau khi đưa lên trang blog cá nhân của chị, in trên một số báo thì Công ty Du lịch Thái Nguyên đã xin chị đưa về trang chủ website của họ. 
         Còn "Giấc mơ phố núi" thì thật đẹp. "Sau chuyến đi Pleiku về/ Căn phòng chật thơm mùi hoa cúc/ Vọng lời ami dạy cô gái Jalai/ Trên tường, dốc trầm dốc bổng ngắc ngư/ Sương mù rơi ướt gối". Mỗi câu thơ một trạng thái: ngửi (chật thơm mùi hoa cúc), nghe (vọng lời ami dạy), nhìn ("trên tường dốc trầm, dốc bổng ngắc ngư" - nhớ là trên tường chứ không phải trên đường, mơ mà!), và cảm (sương mù rơi ướt gối - đây là người thơ đã khóc trong mơ vì nhớ). Để rồi: "Những giọt cà phê phố núi tràn vào thơ/ Nâng giấc mơ/ Bồng bềnh/ Bồng bềnh..."
         Trong "Mơ giấc yên bình" thì người thơ: "Ngả đầu vào vai anh/ Thấy năm tháng dồn về bao kỷ niệm/ Đếm từng nhịp tim anh/ Lòng mình thổn thức/ Thấy dòng thác Phú Cường rạo rực/ Tung bọt trắng cả giấc mơ/ Hoa nhã my đua nở/ Rộ lên một màu tim tím/ Tím hết phương anh/ Đợi chờ". Đúng là một giấc mơ đẹp. 
          Cũng trong mạch thơ đêm, các bài sau mỗi bài chị chọn một tứ riêng, cách thể hiện riêng tạo được hiệu quả khá tốt. "Đêm trẻ" 20 năm và nhiều năm sau nữa đêm có còn đen như nhung, điệu valse có còn "nhàu nhĩ mốc meo" và "anh có còn thức trắng?" vì nhớ em, yêu em nữa không? "Đi về phía không nhau" buồn da diết, như vô vọng, đọc lên nấc nghẹn giữa chừng. Chỉ vì "tin nhắn từ số máy lạ/ sao lại nghĩ của người quen" khiến trái tim nhạy cảm, thảng thốt của người thơ nhớ về người năm ấy mà "Giấc ngủ không tròn". "Giáng sinh không anh" thì người thơ là: "Có cô gái choàng khăn len qua cổ/ Đôi mắt long lanh/ Chắp tay/ Amen điều gì mà trong giấc mơ đêm sau/ Không còn cô đơn nữa/ Vì có nỗi buồn đi theo". "Không còn cô đơn nữa vì có nỗi buồn đi theo" là rất mới, rất lạ, tưởng vô lý mà có lý vô cùng. Đó cũng là hạnh phúc của tình yêu.
alt
         Đồng thời với mạch thơ "đêm", DỖI còn có chùm thơ về mùa thu khá ấn tượng. Mặc dù tác giả sống ở "Phương em rạch ròi hai mùa mưa nắng/ Chẳng có gió thu đua đưa"nhưng qua "lời anh nói" thế là "Sao bỗng dưng lành lạnh/ Se se ngọn heo may tưởng tượng"để rồi "Gom nắng vàng thu vào trong ánh mắt/ Nhốt heo may phương anh trong tóc em bồng bềnh/ Áo em ủ nỗi nhớ hình chiếc lá/ Chiếc lá vàng/ Rớt rơi vào kỷ niệm/ Co quắp nỗi nhớ mùa thu/ Mùa em chưa từng gặp bao giờ" (Thu mơ). Có lẽ đây cũng là điều kỳ diệu của tình yêu. Chỉ tình yêu mới có cách lý giải của nó. Nơi chỉ có hai mùa mưa nắng rạch ròi mà mơ về mùa thu như thế, để "nỗi nhớ hình chiếc lá", "co quắp" như thế thì chỉ có Trần Nhã My. Tin tưởng mùa thu, yêu mùa thu, cùng mùa thu trốn chạy, "ập vào mùa thu", Trần Nhã My có những câu thơ thật đẹp. "Em gùi mùa thu trên lưng/ Nắng trải nhẹ vai gầy/ Bước đi giữa heo may" và đến khi mùa đông đang dồn đuổi theo thì "Em cố trốn chạy/ vấp ngã/ Đổ nhào/ Em ập vào mùa thu/ Hổn hển/ Mùa thu cõng em/ Đi/ Mải miết" (Em và mùa thu). Từ "gùi mùa thu trên lưng" đến "mùa thu cõng em đi mải miết" tưởng như lật ngược, vô lý nhưng mới thấy rằng em và mùa thu quấn quít với nhau biết chừng nào. 
         Trần Nhã My khéo léo cập nhật mượn và đưa những ngôn từ thời @ vào bài thơ tình của mình khiến cho rất nhiều độc giả tuổi teen thích thơ chị. "Viết lúc anh tắt yahoo chat" là một ví dụ. Bài thơ này luôn chiếm đỉnh cao, dẫn đầu về lượng độc giả truy cập và comment trong trang blog Hoa Nhã My và blog cá nhân của chị. 
        "Anh chỉ tắt yahoo thôi mà lòng em đau nhói/ Có phải anh xa đâu mà em muốn khóc/ Mai lại gặp nhau/ Yahoo cười/ Sao cứ trăn trở/ Anh đang ở ngay đây/ Có đâu xa mà buồn đến vậy?". Và người thơ tự an ủi mình rằng: điện thoại đây, alo, nhắn tin bất cứ lúc nào, rồi laptop đây mở ra có cả ngôi nhà blog sang trọng với bao nhiêu là "hình ảnh, phim, nhạc, lung linh sắc màu", "lộng lẫy những hoa văn tình cảm từ các comments của bè bạn/ Thật giàu có với của cải do chúng mình tạo ra là những bài thơ". Thế thì sao cứ phải trăn trở, "mai lại gặp nhau" cơ mà! Và "Yahoo lại cười". Đúng là thời đại tin học, tình yêu vốn đã không biên giới rồi, giờ được công nghệ hiện đại tiếp sức thì dù có xa mấy cũng vẫn ở bên nhau. Các cụ xưa "yêu nhau tam tứ núi cũng trèo/ ngũ lục sông cũng lội, thất bát đèo cũng qua", nhớ thương gửi theo cánh chim trời, cả năm, thậm chí mấy năm mới nhận được thư nhau, còn bây giờ chỉ cần cầm điện thoại lên, mở laptop ra là có nhau. Ấy vậy mà "Anh chỉ tắt yahoo thôi mà lòng em đau nhói". Thế mới biết người thơ yêu đến chừng nào.
         Thời @ người ta có cách yêu kiểu @. "Viết blog cho em/ Anh bảo đây là nhà hai đứa/ Thiết kế xong mọi thứ/ Trao passwords/ Anh nói đây là chìa khoá hai đứa dùng chung". Và họ đã lấy ngôi nhà blog đó làm ngôi nhà hạnh phúc, là chốn đi về. Từ ngôi nhà ấy, với tình yêu bỏng cháy họ đã yêu cuộc sống này hơn, mặc dù: "Em hạnh phúc trong căn nhà tưởng tượng/ Blog - nhà ảo/ Anh ảo/ Em ảo/ Đánh lừa nỗi nhớ xa nhau". Thương quá những mối tình như thế.
          Các bài "Giấu một vết đau", "Chờ tin anh" cũng vậy. Nỗi khắc khoải nhớ người yêu, mong tin người yêu trong buổi nổi "sóng" này cũng không kém phần bạo liệt, đau đáu của cái thời gió, núi, mây, trăng ngày trước. Khi "Màn hình chèo queo/ Chuông không hư không reo/ Hộp thư đến/ Trắng tinh/ Hộp thư đi - không/ Thư đã gửi - không/ Nháp - rỗng/ Vẫn mong/ Thuê bao quý khách thường nhắn tin hiện đang bận/ Sẽ nhắn lại sau ít phút" (Chờ tin anh). Ai đã yêu và từng qua những giây phút này mới cảm thông và chia sẻ tâm trạn hụt hẫng, chơi vơi, vô vọng này với người thơ Trần Nhã My. 
         Thời @ cũng là thời chứng khoán. Những cổ phiếu, cổ tức, những thị phần, sàn giao dịch được Trần Nhã My đưa vào thơ mà lại là thơ tình một cách thật tài tình khéo léo. Đọc "Yêu thời chứng khoán" với "Phiên giao dịch lại thơ/ Giá trị giao dịch bằng ly cà phê sữa đá/ những nụ hôn qua net lúc xa xôi" mà yêu quá đời này. 
          Bằng ngôn từ thời hiện đại, với thể thơ tự do, Trần Nhã My đã tung tẩy đưa độc giả, dẫn dụ độc giả đi trong thế giới tình yêu của mình. Dù ảo, dù thật, tất cả đều cuồng nhớ, đều mãnh liệt và đắm say. Thơ tình Trần Nhã My thăng hoa, bứt phá, không cần vần điệu, không đẽo gọt câu chữ, chỉ có cảm xúc, cảm xúc làm nền, làm tứ. Vừa bám sát hiện thực cuộc sống, vừa lãng mạn phiêu du. Phải thế chăng mà thơ của chị ám ảnh, gây được ấn tượng với độc giả, nhất là những độc giả trẻ? 
          Cùng với mảng thơ tình yêu lứa đôi, DỖI còn có hơn chục bài thơ về tình yêu quê hương, đất nước rất thành công. Từ con cò, cây điều, cây dầu đến ngọn núi, dòng sông, vũ nữ...tất cả vào thơ chị lung linh, tươi rói. Ta gặp bức tranh "Buổi sớm Hoà Hiệp" thật đẹp: "Hoà Hiệp lần đầu tôi tới/ Xanh rẫy cao su, chín đỏ vườn chôm chôm/ Tôi lạc giữa thiên nhiên tươi rói/ Hoà Hiệp trong veo/ Không khói bụi/ Như đi biệt tăm tiếng xe cộ lầm rầm/ Suối Bà Sự rót trinh nguyên vào ngày mới".
         Hay trong bài "Vũ nữ hoá đá" cũng vậy. Đất Bình Thạnh đẹp quá nên cô gái trong đội múa Apsara năm nào đã quên đường về, ở lại đây, "dâng cho Bình Thạnh điệu Apsara rực cháy" qua: "Bao thế kỷ du hoang/ Cô gái  không mặc áo/  nắng Bình Thạnh lung linh huyền ảo/ Không làm bạc tóc em/ Gió không sờn da dm/ Tháng năm không còng nổi dáng em/ Thon thả".
        Trần Nhã My luôn trăn trở, đau đáu nhớ về những kỷ niệm xưa, ký ức ngày cũ luôn hiện lên trong chị. "Tuổi thơ treo lủng lẳng trên những trái điều xanh, vàng, đỏ/ Lung linh trong nắng, khe khẽ gọi mùa" (Cây điều trước ngõ). Câu thơ rất hình ảnh khiến ai đó cũng phải giật mình. Ký ức đó là dòng sông (Bài thơ viết hộ), là cây dầu nổi tiếng của quê hưong chị. "Gió trải hoa dầu từng cánh/ Xoay xoay tròn lự/ Đậu trên vai buổi chiều xa lắc" (Ký ức hoa dầu). Và chị nghĩ cánh hoa dầu rơi trong gió ấy biết đâu nay mai sẽ trở thành vật bán đấu giá vì nó hiếm hoặc không còn nữa. Ký ức đó còn là cây cầu, ngọn núi (Nhìn về phía núi) là giọt nắng lung linh (Nắng), là cánh cò và câu ca dao (Đau lòng cò ơi). Quê hương trong chị còn là những người nông dân thật thà, chất phác, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng trong họ luôn ẩn chứa một tâm hồn thi sĩ. Bài thơ "Ra phố" rất thành công ở góc nhìn  thông cảm, yêu thương, có phần ngộ nghĩnh hồn nhiên của chị.
        Ở góc độ khác chị lại nhìn, nhớ quê hương thật táo bạo. Ta hãy xem hình ảnh này thì rõ:"Đứng trên cầu Gò Dầu/ Thẳng người đo dáng núi/ Dư một cái đầu trên chóp đỉnh/ Với tay/ Lấy mây trắng làm khăn voan choàng cổ/ Áo váy xanh xoè rộng in trời"... "Dù xa xôi/ Vẫn muốn về/ Đứng trên cầu Gò Dầu/ Mà đo dáng núi/ Thấy mình nhỏ/ Nhỏ dần/ Trong bóng núi yêu thương"
         Ngày trước, thi sĩ Hồ Xuân Hương đã "Giơ tay với thử trời cao thấp/ Xoạc cẳng đo xem đất vắn dài" thì nay Trần Nhã My lấy thân mình để đo dáng núi, lấy mây trắng làm khăn voan choàng cổ. Hình ảnh thật đẹp khi chị phát hiện ra núi Bà Đen quê chị như một chiếc váy xanh khổng lồ hiện lên dưới trời mây trắng và chị đứng từ cầu Gò Dầu nhìn về phía đó, lúc đầu tưởng mình cao hơn núi một cái đầu nhưng càng về sau, nhất là khi xa quê mới "thấy mình nhỏ/ nhỏ dần/ trong bóng núi yêu thương". Núi hay là quê hương che chở, ôm ấp, nâng niu chị, theo bước chân chị đi suốt cuộc đời. 
        Trần Nhã My có cả một bài thơ dài giới thiệu về Tây Ninh mà người đọc cứ trầm trồ, cứ xuýt xoa trước vẻ đẹp của đất và người "miền Đông gian lao mà anh dũng" ấy. Đọc và nhớ (với người đã sinh sống hoặc công tác ở đây), và tưởng tượng (với ai chưa từng đến đó). Chỉ nguyên bài thơ "Tây Ninh quê em" cũng chứng tỏ chị yêu quê hương biết chừng nào, cũng đáng để ngành du lịch Tây Ninh lấy bài thơ đó để quảng bá hình ảnh của tỉnh. 
        Dù viết về tình yêu lứa đôi hay tình yêu quê hương, Trần Nhã My đều trải lòng mình theo con chữ và dòng cảm xúc. Không gượng gạo, đóng kịch, không uốn éo làm dáng, chị viết bằng tất cả tấm lòng và trái tim mình. Chị "tung tẩy những câu thơ tự do" (ý nhà thơ Trần Hoàng Vy), không câu nệ vần điệu nên thoả sức bứt phá, thể hiện. Thơ chị không véo von, cải lương, dễ dãi, cũng không đánh đố người đọc bằng việc làm xiếc câu chữ. Tuy nhiên, thơ là ý tại ngôn ngoại, có nhiều bài của chị phải đọc đi đọc lại mới thấy cái lấp lánh trong tứ thơ, ý thơ. Thơ Trần Nhã My vừa hiện đại, vừa truyền thống. Tuy chị chưa chắc có ý thức về điều này nhưng bản thân các bài thơ của DỖI đã nói lên điều đó. Sự nhuần nhuyễn giữa yếu tố truyền thống và yếu tố hiện đại khiến thơ Trần Nhã My dễ đi vào lòng người ở các lứa tuổi. Ngoài việc cập nhật thông tin, sử dụng ngôn từ thời @, chị còn mạnh dạn sáng tạo ngôn từ mới dễ chấp nhận, làm phong phú thêm kho tàng từ ngữ của mình. "Lõi chõi" ("Nền nhạc lõi chõi gõ" trong Cà phê một mình), "ngơ ngáo ngày", "kình chống" (Chờ tin anh), "dốc trầm dốc bổng ngắc ngư" (Giấc mơ phố núi), "tròn lự" (Ký ức hoa dầu), "mọ mại" (Không cần phải khai thật đâu anh)...
           Kết thúc tập thơ DỖI là bài thơ "Về phương anh". Không biết có phải chủ ý của tác giả không nhưng thêm một lần nữa tôi thấy tình yêu của Trần Nhã My thật mãnh liệt. Đi theo tiếng gọi tình yêu một cách si mê, như thôi miên, như một cái máy, chị cứ theo tình yêu dẫn dụ "Cứ hướng về phương anh/ Mặc cho trước mặt em đèn đỏ". 
          Dù là tập thơ đầu tay nhưng DỖI đã tạo một ấn tượng sâu sắc, khẳng định vị thế trong làng thơ. Trong lúc cả nước làm thơ, nhà nhà làm thơ, khi mà các trường phái thơ còn đang tranh cãi lẫn nhau thì DỖI vẫn tự tin, đàng hoàng chiếm lĩnh tấm lòng độc giả. Mới mà không lạ, hay mà không duyên dáng cầu kỳ, DỖI thực sự là một tập thơ đáng đọc. Dỗi hờn đấy mà đáng yêu lắm đấy. Xin chúc mừng tác giả thơ trẻ Trần Nhã My với đứa con tinh thần đầu đời này. Hy vọng tác giả sẽ tiếp tục có những thi phẩm mới hay hơn nữa.

2 nhận xét:

  1. Woa! em vừa mới được thông báo là có thơ tặng vậy mà anh đã có ngay một bài hoành tờ - ráng thế này thì em chịu anh thật. Bài viết có con mắt nhà nghề của người đọc được tâm của nhà thơ nữ, và như cái gọi là đồng bệnh tương liên- hay mà thi vị nữa. Cảm ơn anh nhiều nhiều và chúc chị dâu sẽ mãi thành công

    Trả lờiXóa