Thứ Năm, 6 tháng 12, 2012

MÁY THẨM ĐỊNH TÁC PHẨM



            Trong các cuộc chấm thi, khó nhất là chấm các tác phẩm văn học. Điểm của mỗi tác phẩm phụ thuộc vào trình độ cảm thụ văn chương, hứng thú, tình cảm và trách nhiệm của mỗi vị giám khảo. Lắm khi còn phụ thuộc cả vấn đề thời tiết nữa. Trời nắng nóng, không khí ngột ngạt mà đọc, thẩm định một cuốn tiểu thuyết thì gay rồi. Hoặc hoàn cảnh gia đình, bản thân bị vợ quát, bồ chê thì tác phẩm mà vị ấy thẩm định có nguy cơ rớt hạng là cái chắc. Hơn nữa, các cụ bảo: “Văn mình vợ người” thì bao giờ chấm thi cho nó khách quan được cơ chứ?
          Sau mỗi đợt trao giải, không thể tránh khỏi điều nọ tiếng kia. Báo chí tha hồ lên tiếng. Người ca ngợi nhiều mà kẻ chê bai cũng lắm. Lắm phen, thành viên ban giám khảo phải trốn hoặc đánh bài lì trước dư luận. Nhiều nơi, nhiều ngành có sáng kiến thành lập hội đồng chuyên môn để thẩm định, chấm chọn tác phẩm. Khổ nỗi, thành viên của hội đồng cũng chỉ là “cơ cấu”. Thì cũng đủ thanh niên, phụ nữ, dân vận, báo chí, giáo dục, văn hoá… nghĩa là có liên quan tí chút đến chữ nghĩa là có chân trong “hội đồng”. Tác phẩm được photo cho mỗi vị một bản nhưng… có mấy vị đã đọc? Thế nên, khi họp hội đồng thẩm định thì các vị chủ yếu là “chấm theo danh”, “dựa vào nhau để thống nhất ý kiến”. Bỏ phiếu cũng chỉ là hình thức. Tác giả nào có danh rồi sẽ quan tâm trước tiên. Sau đó đến các tác giả vận động được nguồn tài trợ lớn cho cuộc thi sẽ được ưu tiên “cất nhắc”. Và sau rốt là phần quan trọng nhất, quan tâm nhất của các vị hội đồng: nhận phong bì thù lao của ban tổ chức. 
          Trước tình hình phức tạp như con bọ cạp đó, Tổng Công ty Thế giới số Tọc Hin đã cho ra đời một loại máy đặc biệt có số hiệu là 04 với bí danh là “Vô Tư” chuyên thẩm định các tác phẩm văn học, kể cả chấm chọn người mẫu, hoa hậu nữa. Máy ra đến đâu bán hết veo đến đó. Nguyên lý hoạt động của máy này là cần chấm điểm, chọn, phân ngôi thứ bậc cho cái gì thì cho cái đó vào máy, máy sẽ nghiền ra, phân tích, định vị, định lượng, định tính một cách vô tư, khách quan để có được kết quả chính xác nhất. Có loại máy lại hoạt động dựa trên cơ chế ngửi tác phẩm để định loại. Công xuất làm việc rất lớn. Hiệu xuất làm việc rất cao. Thời gian thẩm định siêu tốc. Giá cả máy lại hữu nghị. Vì vậy, máy bán chạy hơn tôm tươi. Không chỉ các cơ quan văn học, nghệ thuật đặt mua mà còn cả các hội đồng thi đua khen thưởng các cấp, các ban tổ chức các cuộc thi hoa hậu người mẫu cũng săn lùng để có được cái máy Vô Tư này.
          Nhờ có máy Vô Tư, mặc dù có rất nhiều cuộc thi sáng tác, viết báo nhưng kết quả cuộc thi vẫn liên tục được công bố, không sai sót, nhầm lẫn. Chẳng còn tình trạng “văn mình vợ người” nữa. Cũng hết thời nhất thân, nhì quen rồi. Ấy là lĩnh vực văn học, báo chí.
          Riêng lĩnh vực thi người thì phức tạp hơn. Cho chị em vào máy nghiền thì…ghê quá, chả hoa hậu làm dám hiến thân. Ban tổ chức các cuộc thi này đành chọn loại máy Vô Tư ngửi. Không rõ người ta thiết kế bộ phận cảm biến cho cơ chế ngửi thế nào để tìm được người đẹp nhưng Tây nó làm thì có bao giờ sai. Phải tin đồ ngoại chứ. Mấy công ty, đoàn thể áp dụng thử loại máy Vô Tư ngửi để chấm thi thì kết quả khả quan lắm. Từ thí sinh dự thi đến thành viên ban tổ chức, rồi cả dư luận đều chịu tài cái máy.
          Đến lĩnh vực thi đua thì hơi bị khó. Tác phẩm thi đua thường đa dạng, phức tạp, nhiều chiều. Một dòng máy chưa thể đánh giá hết phong trào. Không thể cho phong trào vào máy nghiền được. Cũng không thể ngửi được phong trào thi đua. Cho nên, lĩnh vực này vưỡn phải do con người đảm nhiệm. Và đề tài khoa học cấp thế giới về máy thẩm định “tác phẩm” phong trào thi đua đã khởi động. Các nhà khoa học vào cuộc. Cuối cùng thì cái máy này cũng ra đời.
          Năm nay, mùa tổng kết đã tới. Cả tuần nay, máy thẩm định phong trào thi đua hoạt động hết công xuất. Quá nhiều báo cáo thành tích để nó thẩm định. Thì bao nhiêu là máy sản xuất báo cáo cũng đang ầm ầm chạy cả ngày lẫn đêm kia bảo sao nó thẩm định kịp? Nhà máy in phong bì cũng gia tăng công xuất. Lãnh đạo sốt ruột quá. Nhanh nhanh để người ta còn tổ chức hội nghị, còn chạy sô tổng kết chứ.
          Đang nước sôi lửa bỏng như thế thì...mất điện. Ông ngành điện bảo cờ đầu năm nay phải là tôi, nếu không, các ông cứ đi mà tổng kết. Thế là hội đồng thi đua tặc lưỡi: thì cho nó cái cờ đầu. Và thế là điện lại có ngay để các loại máy hoạt động. Tiếp đến là hết giấy! Không còn giấy để in báo cáo nữa. Lại cho ngành giấy cái cờ đầu nữa. Giấy lại ra. Báo cáo thành tích lại nối nhau dài dằng dặc.
          Sắp ra kết quả thi đua (trừ 2 ngành kia yêu tiên cung cấp điện và giấy đã có cờ rồi) thì máy xảy ra sự cố. Nó cứ trơ trơ ra báo đèn vàng. Nó yêu cầu thẩm định các sếp để hoàn tất quá trình xử lý thông tin. Chẳng ngờ hôm thẩm định, không sếp nào có mặt. Tất cả đều báo ốm hoặc đi công tác đột xuất. Chờ hết ngày vẫn không có sếp nào đến để cho máy nó ngửi. Cuối cùng, nó phải báo đèn đỏ và huỷ quá trình thẩm định. Thế là việc xếp loại phong trào thi đua lại phải làm lại từ đầu. Người ta không dùng máy nữa mà dùng...họp. Họp liên miên. Họp và họp. Hai ngành kia cũng phải thu cờ để họp xếp loại lại. Cuối năm này chỉ thấy họp là họp. Vui lắm.
          Chỉ có chiếc máy thẩm định “tác phẩm” phong trào thi đua là nằm đắp chiếu bỏ đó buồn thiu.

2 nhận xét:

  1. có người bảo đi chợ đến hàng cá rất tanh nhưng có những cái tanh mà người ta vẫn đua nhau ngửi - ấy là giấy khen và các loại thành tích ảo - tóm lại làm thì như mèo mửa nhưng báo cáo cứ như rồng. Bài viết châm biếm rất nhẹ nhàng mà cũng sâu sắc. cảm ơn và chúc mừng anh

    Trả lờiXóa