Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

TIỄN BIỆT NĂM 2012

alt         Thế là chỉ còn đúng 5 ngày nữa thì năm 2012 sẽ kết thúc. Ta đang đi nốt những ngày cuối cùng của tuần cuối cùng năm 2012 thân thương, cái năm mà cả thế giới hồi hộp nín thở vượt qua “ngày tận thế” theo lịch của người Maya. Mấy hôm nay, bao sự kiện dồn dập đến với chúng ta: kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên phủ trên không với 12 ngày đêm máu lửa chiến đấu với B52 của giặc Mỹ trên bầu trời Hà Nội, 68 năm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam, rồi xôn xao “ngày tận thế 21-12-2102”, rồi lễ giáng sinh, Noel đón chào năm mới... Khắp nơi, các ngành các cấp tổ chức tổng kết năm, đón nhận các danh hiệu, trao giải thưởng các loại... Không khí thật tưng bừng nhộn nhịp mặc thời tiết đang trong những ngày giá rét đến run người.
          Tuy không thiêng liêng bằng việc tiễn đưa năm âm lịch cũ, náo nức đón chờ đêm giao thừa Tết Nguyên đán nhưng việc tiễn năm dương lịch về quá khứ cũng xôn xang, bồi hồi lắm. Trước thềm năm mới 2013, giờ phút chia tay năm cũ sắp đến, thêm một cột mốc thời gian của đời người bảo sao không lưu luyến, không bồi hồi được cơ chứ. Như một ga dừng bến đậu, ngày cuối năm 31-12 là dịp để cho mỗi người ngoái lại nhìn về năm cũ, về con đường ta đã qua, tổng kết lại những gì được và chưa được trong một chặng đường 365 ngày hối hả, bận rộn. Mười sự kiện hay mười hoạt động nổi bật được các cấp, các ngành tổng kết bình chọn. Mười phát ngôn, mười hình ảnh, mười phát minh, mười gương mặt ấn tượng rồi còn bao nhiêu cái “mười” nữa được người ta chọn lựa để đúc rút thành những dấu ấn của một năm đã qua.

Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

CUỐI NĂM NGỒI UỐNG NHAU



 
 Loanh quanh đã cuối năm rồi
                    Thời gian vùn vụt vèo trôi, giật mình
                    Mải mê trong cuộc mưu sinh
                    Nào hay "tận thế" thình lình vừa qua

                    Phận mình mỏng tựa lá đa
                    Con sâu cái kiến có là chi đâu
                    Cõi đời biển rộng sông sâu
                    Thân cò lặn lội bể dâu tháng ngày

                    Không hay "tận thế" mà hay
                    Cứ vô tư sống, cứ say đắm tình
                    Đêm mai Thiên Chúa Giáng sinh
                    Tôi nằm trong cỏ một mình mộng mơ

                    Ước gì trở lại như xưa
                   (Chỉ trừ cái ác lọc lừa dối gian)
                    Thương yêu tất cả nhân gian
                    Hoà bình, hạnh phúc ngập tràn nơi nơi

                    Cuối năm gom nhặt nụ cười
                    Ủ thơ làm rượu ta ngồi uống nhau...

Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

CUỐI NĂM TÍNH SỔ



 
Không bút mực, không máy tính
Không laptop, không Ipad, không computer
Không sổ sách, không giấy tờ
Điện đèn cũng không nốt
Ngồi yên, nhắm mắt
Tính sổ đời ta cuối năm
Bao khúc thăng trầm
Những thắng thua được mất
Ta cứ vô tư đầu trần chân đất
Trải lòng ra cùng với bao người
Những mong câu hát nụ cười
Sao có lúc lại gặt về quả đắng?
Có người mới hôm qua là bạn
Mà nay đã thấy khác lắm rồi
Phải chức, phải quyền, phải lợi đã chia phôi?
Phải gang không mật mỡ kiến bò đi hết cả?
Sao bỗng dưng trở thành xa lạ?
Phép trừ hay phép chia đây?
Như gió thoảng, mây bay
Thôi! Bỏ qua! Không nghĩ gì cho vướng bận.
Này đây phép cộng
Những nơi ta đã từng qua
Bạn bè bốn phương thân thiết một nhà
Mạch văn, nguồn thơ cảm hứng tuôn trào dào dạt
Gặp nhau như cơn khát
Tình em theo cấp số nhân
Ngày tháng giao du đường bốn mùa xuân
Cả mạng ảo cũng tưng bừng ríu rít
Cuối năm nhìn đâu cũng vô cùng thân thiết
Nhắm mắt lại cũng biết
Ta chưa giàu thế bao giờ...

Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

BÓNG DÁNG EM



 
Dạo phố chiều nay chỉ một mình tôi
Đi hay về cũng chẳng còn biết nữa
Ngơ ngác giữa dòng đời mặc đèn xanh đèn đỏ
Họ một lối về, tôi ngã năm, ngã ba...

Có phải đoạn đường này em đã từng qua?
Dáng ai kia sao giống em đến thế
Xe At-ti-la điệu đàng quành chỗ rẽ
Màu áo em nổi bật giữa bao người

Chỗ này đây em đã từng ngồi
Quán cà phê có cái tên Nửa nhớ
Ghế trống không nhưng vẫn còn hơi thở
Cả ánh nhìn dùng dắng vẫn còn đây

Bao lứa đôi đang tay trong tay
Chiều công viên dập dìu thơ mộng quá
Một mình tôi co ro trên ghế đá
Em ngồi phía này, đêm đó phải không em

Thành phố bây giờ như cũng rộng dài thêm
Đâu cũng thấy bóng em, đâu cũng là kỷ niệm
Đâu cũng nồng nàn, đâu cũng thương cũng mến
Nỗi buồn này yêu lắm, dịu dàng ơi!

Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

VIẾT TRƯỚC NGÀY TẬN THẾ



 
Ngày 21-12-2012
Ngày chỉ có số 1, s 2
Hai số một lần ngược chỗ
Duy nhất số 0 chen vào đứng giữa
Thế mà sẽ chẳng còn gì nữa
Trái đất này tiêu tan
Trở về số 0
Tất cả kết thúc
Không giận hờn, không yêu thương, không còn oan ức
Không hoà bình, chiến tranh, không dân và chẳng còn quan chức
Cỏ cây, hoa lá, chim muông...
Tất cả đều không
Cũng chẳng biết còn không những linh hồn vật vờ trong vũ trụ?
Cũng chẳng biết còn không để cho trú ngụ?
Chỉ còn đêm nay
Hai mươi tư giờ nữa
Cầu Phật? Lạy Chúa?
A di đà! A men!
Liệu có còn kịp không?

Sao vẫn có kẻ nhận hối lộ, ôm giữ ghì chiếc ghế?
Vẫn vơ vét của tiền trước ngày tận thế?
Vẫn mơ chức quyền khi tất cả sắp về 0?
Em và anh và dòng sông
Và cỏ cây, hoa lá, chim muông...
Đã khóc, đã cười, đã hờn giận, yêu thương
Giây phút cuối cùng càng yêu thương em nhé
Mặc cho ngày tận thế
Quyết không về số 0
Ta hoá đời mình thành cát bụi mênh mông
Thành những nguyên tử Tình yêu lang thang trong vũ trụ
Thông điệp Hoà bình, Tình yêu bất tử
Cho muôn đời mai sau...

                                                                   Ngày 18-12-2012

Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

TẢN MẠN MÙA GIÁNG SINH



Đã nửa đêm, tôi không tài nào chợp mắt được. Thời gian này đang mùa giáng sinh. Rét. Rét tê, rét tái. Rét cắt thịt cắt da. Rét buốt thon thót. Đêm nay rét lại tăng cường. Năm nào cũng vậy, cứ mùa giáng sinh, đêm Noel là trời lại rét ghê rét gớm. Khi ngồi gõ máy những dòng này thì ngoài trời kia, vô tuyến báo lúc tối là Hà Nội đêm nay nhiệt độ sẽ xuống tới 13 độ C. Hà Nội còn thế chắc thành phố ngã ba sông này còn không biết rét đến độ nào? Ngồi trong phòng kín như bưng, quần dài, quần ngủ, áo len, áo gió, mũ lông tùm hụp, cả tất chân nữa, thế mà thi thoảng tôi cũng rùng mình lên vì rét. Sao không trùm kín chăn mà ngủ lại thức để làm gì? Thì thế mới lạ. Tính tôi nó thế. Càng đêm càng nhìn sâu, càng lắng nghe được tiếng lòng mình nhất. Tiếng đêm không rõ từ đâu mà nó cứ thủ thỉ thù thì, cứ da da diết diết khiến cho đôi mắt cứ chong chong, ngơ ngơ ngác ngác đến lạ kỳ.
Trong 24 tiếng đồng hồ của một ngày khoảng thời gian lắng đọng nhất đó là về ban đêm. Sau một ngày làm việc căng thẳng, nhộn nhịp, xô bồ với cuộc sống mưu sinh, đêm về là lúc ta nhìn lại mình, nhớ lại những gì của ban ngày tất bật, để một chút chiêm nghiệm ngắn ngủi trên đường đời. Đó là khoảnh khắc để cho đôi lứa yêu nhau. Còn tôi, đêm nay cô đơn. Xung quanh, ngoài kia là giá rét. Tôi chỉ biết cuộn tròn trong chăn mà lắng nghe hơi thở của chính mình, của trời đất và vũ trụ. Với trí tưởng tượng của mình, tôi đang cảm nhận tình yêu của em từ phương trời xa ngái. Này đây tươi rói dáng hình em. Này đây nồng nàn hơi thở em. Này đây những kỷ niệm của chúng tôi những ngày bên nhau. 

Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

TẬP LÀM THƠ




Cố chế tạo một bài thơ
Theo kiểu cách tân, hiện đại
Thử dấn thân theo trường phái hậu hiện đại
Bẻ tứ tung những câu văn xuôi
Thả con chữ thuồi luồi
Chế những từ lạ hoắc
Không điệu vần
Trúc trắc
Bí tắc
Oải
U
Ơ

Loanh quanh mãi vẫn ở góc bờ
Trong thửa ruộng năm sào với cái tôm cái tép
Với những câu ca dao vỗ về cơn đói rét
Vẫn trắc trắc bằng bằng 
Cuối cùng lại về lục bát mẹ đây
Ta cổ hủ cỗi già hay vẫn quá thơ ngây?
Trong cuộc kiếm tìm loay hoay mụ mị 
Ngổn ngang ý nghĩ
Ý nghĩ dẫn ta về 
Cánh đồng ngày xưa thôn quê
Có mẹ cha ông bà cuốc cày lam lũ
Ta ngồi ngây trắng trang giấy những đêm không ngủ
Ảo ảnh vô hình vần thơ bay lên...

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

NGÀY ĐẶC BIÊT 12-12


 

120 cô dâu chú rể
Cả Sài Gòn bồng bềnh men say
12 tháng 12 năm 12 này
Cửa hạnh phúc 120 ngôi nhà mới mở
Những nụ cười rạng rỡ
Ngập tràn hoa
Bản tình ca
Và những nụ hôn tưởng chừng như không bao giờ dứt

Ở tít xa xôi phương bắc
Cũng hôm nay
Người ta phóng vệ tinh lên trời bất chấp
Mọi sự cản ngăn của 6 bên, của Liên hợp quốc
Hoà bình hay chiến tranh
Tình yêu hay súng đạn
Thời cơ hay vận hạn
Những con số 12?

Tôi ngồi quán lai rai
Nghĩ về con số 12 - một giáp
Cùng với chuột, trâu, hổ, mèo, rồng, rắn...
12 con số đồng hồ
Kim phút lờ đờ
Kim giây đuổi theo hộc tốc
12 phút nữa là 12 giờ
Ba kim chập một
12 tiếng của ngày hôm nay
Sài Gòn hoa và nụ hôn đắm say
Triều Tiên khói mịt mù tiếng nổ
12 tiếng nữa
Sài Gòn muốn ngày dài thêm
Còn Triều Tiên?
Ai mà biết được
Ơi cái ngày đặc biệt
Toàn con số 12!

Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

ĐỪNG LÊN HÌNH NỮA EM ƠI!

                               


Đừng lên hình nữa em ơi!
Tôi van em đấy, khổ tôi quá chừng!
Bỗng dưng mong gặp người dưng
Bỗng dưng lại sợ... mong đừng gặp em

Cứ giờ ấy lại cuống lên
Chờ em cô phát thanh viên lên hình
Bỗng dưng tim đập thình thình
Ngây ngô ngồi ngắm em xinh kia kìa

Đêm khuya ú ớ ngủ mê
Gọi tên em mãi, như hề - khổ không?
Biết là sáo đã sang sông
Mà sao vẫn muốn đan lồng, kết hoa...

Thôi đành mơ mộng từ xa
Ti vi đặt bốn góc nhà đợi em
Ơ kìa! Cô phát thanh viên!
Van em, em hãy hiện lên... anh chờ!


Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

LÀM SAO QUA ĐƯỢC MÙA ĐÔNG?



 

Làm sao qua được mùa đông?
Thuyền thơ giữa dòng buốt giá
Gió bấc mưa phùn nghiêng ngả
Chữ câu đông cứng mất rồi!

Làm sao tìm lại cho tôi?
Vàng thu một thời xa lắc
Cùng em đêm trăng vằng vặc
Bồng bềnh trôi trong thu mơ

Làm sao về lại ngày xưa?
Bến yêu bây giờ đã lở
Câu thơ hãy còn dang dở
Chiếc lá cuối cùng gió bay

Làm sao qua được sông đây?
Bờ xuân vẫn còn xa ngái
Chẳng thể nào quay trở lại
Có ai chờ tôi đấy không?

Làm sao qua được mùa đông?
Lập bập vần thơ rét cóng
Sông băng mà lòng dậy sóng
Làm sao? Làm sao...bây giờ?

Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

“DỖI” VÀ TÌNH YÊU NHÃ MY-(Đọc tập thơ Dỗi – Nxb Hội Nhà văn 2011 của Trần Nhã My)


alt
            Tôi có may mắn là được đọc toàn bộ bản thảo tập thơ Trần Nhã My (người vừa dự hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII năm ngoái). Cảm nhận đầu tiên của tôi về thơ chị là mới và hay. Hôm nay, tập thơ đầu tay - đứa con tinh thần với cái tên ngắn gọn - DỖI - đã ra đời. Từ gần trăm bài thơ bản thảo chỉ còn lại 45 bài trong tập chứng tỏ sự chắt lọc, chọn lựa khá cẩn thận, kỹ càng của chị và nhà xuất bản. Về hình thức, DỖI cũng lạ, khổ sách vuông (20x19), màu khá bắt mắt, bìa trình bày đẹp, tạo ấn tượng ban đầu cho độc giả. Sách dày 92 trang do nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Tuy nhiên, điều này chưa nói lên được gì, quan trọng là chất lượng những bài thơ bên trong. 
            Bốn mươi lăm bài thơ DỖI là bốn mươi lăm khoảnh khắc yêu thương, nỗi niềm nhung nhớ của Trần Nhã My trải ra trên từng trang sách. Bao trùm lên tất thảy là tình yêu lứa đôi, tình yêu cuộc sống quê hương của chị. Đây là gam màu chủ đạo, là giai điệu chính, là tiếng lòng của DỖI. 
           Không có nhà thơ nào lại không viết thơ tình. Nhã My cũng không nằm ngoài quy luật đó. Thơ tình của chị cũng da diết, khắc khoải, cũng vật vã đớn đau, cũng nồng nàn cháy bỏng và tràn trề niềm hy vọng. Tuy nhiên, tình yêu ở chị như hiện hữu đâu đó, có lúc như sờ nắm được, có lúc lại mờ ảo xa xôi. Cứ sắc sắc không không, cứ hư hư ảo ảo để người đọc cùng người thơ cứ dấn thân, cứ mải mê kiếm tìm theo những câu thơ khắc khoải, đắm đuối của chị. 
         Có tới 11 bài thơ trong DỖI liên quan đến đêm, chiếm tới một phần tư tập thơ, trong đó 5 bài tiêu đề có chữ "đêm" ("Đêm", "Đêm hồ Núi Cốc", "Đêm không anh", "Đêm qua", "Đêm trẻ") và 6 bài thơ có nội dung đêm ("Đi về phía không nhau", "Giấc ngủ không tròn", "Giấc mơ phố núi", "Mơ giấc yên bình", "Giáng sinh không anh", "Phác thảo anh"). Những bài thơ đêm này không hề tăm tối, trái lại rất sáng tươi và hy vọng. Mười một bài thơ đêm trong tập nhưng không lặp lại, không nhàm chán, càng đọc càng ám ảnh, càng thấy yêu thương hơn. 

Thứ Năm, 6 tháng 12, 2012

MÁY THẨM ĐỊNH TÁC PHẨM



            Trong các cuộc chấm thi, khó nhất là chấm các tác phẩm văn học. Điểm của mỗi tác phẩm phụ thuộc vào trình độ cảm thụ văn chương, hứng thú, tình cảm và trách nhiệm của mỗi vị giám khảo. Lắm khi còn phụ thuộc cả vấn đề thời tiết nữa. Trời nắng nóng, không khí ngột ngạt mà đọc, thẩm định một cuốn tiểu thuyết thì gay rồi. Hoặc hoàn cảnh gia đình, bản thân bị vợ quát, bồ chê thì tác phẩm mà vị ấy thẩm định có nguy cơ rớt hạng là cái chắc. Hơn nữa, các cụ bảo: “Văn mình vợ người” thì bao giờ chấm thi cho nó khách quan được cơ chứ?
          Sau mỗi đợt trao giải, không thể tránh khỏi điều nọ tiếng kia. Báo chí tha hồ lên tiếng. Người ca ngợi nhiều mà kẻ chê bai cũng lắm. Lắm phen, thành viên ban giám khảo phải trốn hoặc đánh bài lì trước dư luận. Nhiều nơi, nhiều ngành có sáng kiến thành lập hội đồng chuyên môn để thẩm định, chấm chọn tác phẩm. Khổ nỗi, thành viên của hội đồng cũng chỉ là “cơ cấu”. Thì cũng đủ thanh niên, phụ nữ, dân vận, báo chí, giáo dục, văn hoá… nghĩa là có liên quan tí chút đến chữ nghĩa là có chân trong “hội đồng”. Tác phẩm được photo cho mỗi vị một bản nhưng… có mấy vị đã đọc? Thế nên, khi họp hội đồng thẩm định thì các vị chủ yếu là “chấm theo danh”, “dựa vào nhau để thống nhất ý kiến”. Bỏ phiếu cũng chỉ là hình thức. Tác giả nào có danh rồi sẽ quan tâm trước tiên. Sau đó đến các tác giả vận động được nguồn tài trợ lớn cho cuộc thi sẽ được ưu tiên “cất nhắc”. Và sau rốt là phần quan trọng nhất, quan tâm nhất của các vị hội đồng: nhận phong bì thù lao của ban tổ chức. 

Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

Ổ RƠM VÀ BẾP LỬA

 alt
         Mấy hôm nay, trời mưa rét quá. Đường làng lầy lội. Quốc lộ cũng thế. Xe cộ đi lấm lem bùn đất. Chẳng mấy ai muốn ra đường giữa cái mưa, cái rét này. Nhìn bầu trời xám xịt, rả rích mưa, nhoè nhoẹt ướt mà kinh. Đúng kiểu mưa phùn gió bấc. Tôi cũng ru rú ở nhà. Cửa phòng đóng kín mít. Ấy thế mà cái rét vẫn len lỏi lùa vào khiến đôi lúc tôi cũng phải khẽ rùng mình vì lạnh. Thế rồi, tự nhiên tôi nhớ quá ổ rơm vàng và bếp lửa hồng ngày trước.
        Hồi đó, cách nay vài chục năm, trời rét lắm. Làm gì có chăn ga, gối đệm như bây giờ. Nhà nào giàu lắm thì có chăn bông. Đa số là chăn chiên, chăn sợi. Người ta còn lấy chăn bông làm chỉ tiêu thống kê mức độ giàu nghèo của một miền quê cơ mà. Giờ nghe cứ như cổ tích. Cũng chẳng có áo len, quần dạ, không quần bò, áo gió, cũng hiếm găng tay, tất chân đủ kiểu đủ mốt như bây giờ. Người nào khá giả thì áo bông sù sụ, tươm tất hơn thì có thêm cái áo len cổ lọ, áo mút Thái Lan đỏ chói bên trong. Đa số chỉ phong phanh áo sợi. Có người còn giữ lại được cái áo trấn thủ "ba sáu đường gian khổ" từ thời bộ đội chống Pháp mặc bó chặt lấy người cho ấm. Người nghèo thường độn những áo cũ, áo rách vào bên trong, mặc ba bốn cái liền để chống rét. Mà sao dạo ấy thời tiết cũng rét ghê rét gớm thế không biết. Mùa đông, có đợt nhiệt độ ban ngày xuống dưới mười độ, buốt căm căm. Đã nghèo, thiếu cái mặc trời lại còn làm thêm cái rét. Có ở trong cảnh đó mới hiểu mục tiêu "ấm no, hạnh phúc" mà cha ông ta phấn đấu có ý nghĩa quan trọng biết chừng nào. 
        Để "chiến đấu" và thích nghi với cái rét, người ta nghĩ ra nhiều cách mà cái cách dễ làm nhất, hiệu quả nhất là đốt lửa sưởi ấm, là dùng những sản vật tự nhiên để chống rét. Còn gì thú vị hơn khi mưa phùn gió bấc, ngoài trời rét căm căm mà được ngồi quây quần bên bếp lửa hồng sưởi ấm. Vợ chồng cái con, ông bà, cha mẹ...buổi tối cơm nước xong ngồi quanh bếp lửa chuyện trò. Thêm vài ông hàng xóm, mấy đứa trẻ nhà bên nữa thì thôi rồi, rét chẳng còn là gì nữa cả. Lửa hồng lách tách reo, bếp than rừng rực đỏ, ấm chè nóng toả hương, củ sắn, củ khoai lùi cháy khét cùng những câu chuyện về ruộng vườn, về giỗ chạp, về cưới hỏi... cứ râm ran, rì rầm mãi tới tận khuya mặc cho ngoài trời gió bấc từng cơn hun hút thổi.

Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

ĐÊM DƯỚI CHÂN NÚI BÀ ĐEN

        altChập tối, núi Bà Đen dần hiện lên đen thẫm giữa trời đêm. Càng khuya, bóng núi càng sừng sững. Trời đêm mênh mông đầy sao. Những cơn gió phóng túng ào tới khiến da thịt tôi mơn man. Lạ thật. Giờ này ngoài bắc rét lắm. Thế mà ở đây, ngay chân núi Bà Đen này, rất nhiều gió và gió thì tôi lại cảm thấy mát mẻ, dễ chịu mới lạ chứ. Tôi cùng em khoác tay nhau tha thẩn dạo chơi trong đêm, thả hồn cùng những vì sao khuya lấp lánh và những cơn gió hoang đùa rỡn mái tóc em bềnh bồng. Vạt rừng cao su trước mặt khi thì im lặng như để ý bước chân chúng tôi, khi thì rì rào rủ rỉ điều gì đó mỗi khi có ngọn gió thoảng qua.
          Cả ngày nay chúng tôi lên núi Bà Đen. Ngồi trong cabin cáp treo, tôi tha hồ thả tầm mắt ngắm nhìn bốn phía. Tít xa kia là hồ Dầu Tiếng, mặt nước lấp loáng dưới ánh mặt trời. Gần hơn nữa là cánh đồng, là từng vạt rừng cao su trải dài từ ngay trước mặt tôi cho tới xa tít tắp. Mênh mông. Bát ngát. Thật lạ, bốn phía bằng phẳng thẳng cánh cò bay như thế, thế mà lại nổi lên ở đây một ngọn núi cao gần ngàn mét. Chả trách, từ rất xa, ở bất cứ phía nào ta cũng nhìn thấy núi Bà Đen nổi lên sừng sững một góc trời. Nằm giữa hai con sông Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông, đây là ngọn núi cao nhất miền Nam. Do luôn được bao phủ bởi những đám mây trắng nên đỉnh núi Bà Đen trông giống như được khoác một tấm lụa mỏng. Ngọn núi này là niềm tự hào cả về danh lam thắng cảnh, cả về di tích lịch sử, văn hóa tâm linh của người Tây Ninh. Nói đến Tây Ninh là người ta nghĩ ngay đến núi Bà Đen. Thì cả xứ “miền Đông gian lao mà anh dũng” này duy nhất có một ngọn núi nổi lên cao vời vợi như thế, với bao huyền thoại, kỳ tích như thế bảo sao mà không nổi tiếng. Ao ước mãi, lần này tôi mới đến được núi Bà, lại được chính em dẫn tôi đi thật hạnh phúc quá chừng. 

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

CHOẼ BÒ VÀ BÁO CÁO TỔNG KẾT NĂM



 
Dạo này, Choẽ bò em được các bác Hội Văn nghệ tỉnh trưng dụng lên làm thư ký văn phòng. Điều này em chưa bao giờ ngờ tới, lại càng không dám nghĩ tới. Ấy thế mà nó lại xảy ra đúng lúc đàn bò nhà em vào vụ rét cần phải chăm sóc nhất. Tuy thế, em quyết bỏ đàn bò để lên tỉnh nhận nhiệm vụ cao sang vĩ đại này. Có mà mơ cũng không được nhé.
Vợ em nửa mừng vui, nửa lo lắng. Có lẽ lo lắng là hơn cả. Thì nó hiện lên sờ sờ trên khuôn mặt dầm mưa dãi nắng đầy hương vị mùi bò nhà em kia kìa, giấu thế nào được? Không lo sao được khi phong độ như em thế này mà lên tỉnh, lại đi với cánh văn chương nữa có hoạ mà gửi trứng cho ác? Bò đói, bò chết rét không sợ bằng chồng mình sa ngã. Nhưng nghĩ lại, thời cơ ngàn năm có một, chồng mình lại say văn chương, dịp may hiếm có, không đi lúc này thì còn lúc nào nữa? Mí lại, họ chỉ trưng tập thời gian thôi, mai kia ông ấy về lại càng có hứng thả bò, làm thơ, càng yêu đời hơn chẳng tốt quá rồi còn gì. Thế là vợ em ngơ ngẩn bịn rịn tiễn đưa em đi. Nàng đứng nhìn theo mãi bóng em hun hút tút mút giữa một chiều đông khi những gió bấc đang tràn về buốt giá.
Ông trưởng hội cười cười giao việc cho em: “Ông giúp chúng tôi món báo cáo tổng kết cuối năm nhé. Món này nhiều quá, cơ quan làm không xuể. Ông có khiếu văn chương, khả năng viết báo cáo sẽ tốt. Cánh trẻ yếu khoản này lắm. Trong số hội viên, lãnh đạo hội thấy chỉ có ông may ra làm được món này. Cứ tích cực làm đi, nếu tốt thì cơ quan tuyển dụng ông luôn đó”. Choẽ bò em hơi bị bất ngờ. Tưởng lên hội làm thơ viết văn ai ngờ lại đi viết báo cáo? Nhưng nghĩ đến “tuyển dụng” vào cơ quan văn nghệ, em lại thấy hăng hái liền. Gì bằng được làm văn nghệ chuyên nghiệp? Văn nghệ sỹ chính cống nha! Đâu phải theo đít đàn bò, làm thơ từ bò nữa? Tha hồ vi vu. Tha hồ sáng tác. Cái vụ báo cáo này bất quá vài ngày thì xong chứ mấy? Họ thử thách mình đây. Ừ, thì viết. Sợ đếch gì. Thơ ông làm được, văn ông viết được, báo ông gõ được thì báo cáo là cái quái gì! Choẽ bò này đếch sợ nha!

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2012

ĐÊM QUA - RÉT

alt
ĐÊM QUA
Đêm qua em ngủ với chồng
Bỏ mây chết đuối dòng sông đục ngầu
Khuya nghe tiếng thét trên lầu
Có người đợi ở đầu cầu vỡ tim!


alt 
 RÉT
Không em đã rét lắm rồi!
Li thêm gió bấc liên hồi cùng mưa
Trùm chăn co quắp - khổ chưa?
Cứ run nhong nhóc...tôi thừa một tôi!

Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012

"ĐỒNG CHIỀU GỐC RẠ " ƠI, NHỚ LẮM

         alt
        Có một khung cảnh tuổi thơ cứ ám ảnh mãi trong tôi, theo tôi đi suốt cuộc đời. Mỗi khi đông về nó lại hiện lên rờ rỡ như níu kéo tôi, dắt tôi về với những ngày xa xưa ấy. Đó là khung cảnh khói đốt đồng của một chiều đông giá rét. Làn khói bay như mơ, đồng chiều trơ gốc rạ, bầu trời xám xịt, gió bấc rít từng cơn, lũ trẻ trâu chúng tôi nô đùa quanh đống lửa hồng đang nghi ngút khói. Đàn trâu nhẩn nha gặm cỏ quanh đâu đó. Cả cánh đồng mênh mông vắng tanh vắng ngắt, nếu không có lũ trẻ trâu chúng tôi và đống lửa chắc sẽ hiu quạnh biết chừng nào. 
         Mùa đông buồn tẻ và cô đơn. Cánh đồng mùa đông có lẽ buồn nhất trong năm. Mùa xuân là mùa gieo trồng. Cấy lúa chiêm, tra đỗ, vừng, trồng rau, cà, chăm sóc lúa... Câu ca dao "Tháng chạp là tháng trồng khoai/ Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà/ Tháng ba cày vỡ ruộng ra/ Tháng tư gieo mạ thuận hoà mọi nơi..." đã thuộc nằm lòng trong tôi. Lúc nào trên cánh đồng cũng có người tất bật chăm bón, vun trồng. Mùa hạ, cánh đồng lại càng bận rộn hơn. Gặt chiêm xong là phải làm vụ mùa ngay. Vừa gặt lúa, vừa tra mạ, vừa làm đất chuẩn bị cho vụ mùa. Chậm ngày nào là vụ mùa kém thu ngày đó. Các cụ chả dạy "mùa hơn đêm, chiêm hơn xướng" đó là gì. Cánh đồng mua hè vui lắm. Tiếng người í ới gọi nhau, tiếng giục trâu cày bừa "vặt, diệt" râm ran từ sớm chí tối trên đồng. Còn mùa thu, cánh đồng hiền hoà hơn. Lúa mùa đang thì con gái, người ta chỉ còn việc làm cỏ, bón phân chăm sóc lúa. Không ngày nào là không có người vác cuốc ra đồng. Dẫu chẳng có việc gì thì bố tôi cũng vác cuốc đi thăm lúa. Dẫn nước về ruộng, đắp lại cái trổ mới vỡ... Và nếu chẳng có việc gì nữa thì bố tôi chống cuốc ngắm nhìn cánh đồng xanh mướt mát đang mơn man trong nắng gió thu, nhìn những sóng lúa đang đuổi nhau hết đợt nọ đến đợt kia mà hởi lòng hởi dạ. Chẳng mấy chốc lại đến "ngày tháng mười chưa cười đã tối" để cánh đồng tíu tít vào vụ gặt. Gặt mùa xong, còn mấy tháng nữa mới đến vụ chiêm. Chẳng mấy ai ra đồng vào mùa đông nữa. Thì có việc gì đâu mà họ ra đồng cơ chứ. Ngày xưa làm gì có vụ đông. Thế nên, tháng mười gặt hái xong là người ta bỏ không ruộng đồng mấy tháng liền. Cánh đồng trơ gốc rạ. Tha hồ cho lũ trẻ và đàn trâu nô đùa. Cánh đồng lúc này là thế giới riêng của lũ trẻ chúng tôi. 

Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

CHỊ VE CHAI

 

                             Ruộng không, nghề, vốn cũng không
Gia tài chỉ chiếc xe tồng tộc thôi
Khi đạp ngược, lúc dắt xuôi
Vòng quay cơm áo lần hồi sớm trưa

Chị gom đầu thẹo đuôi thừa
Những đồ phế thải đang chờ bỏ đi
Lọ chai, sắt vụn, vòng bi,
Lon bia, giấy lộn, ti vi, chậu thùng...

Dọc ngang len lỏi khắp vùng
Bán mua bao cái ngượng ngùng làm vui
Trải bao cay đắng ngọt bùi
Nuôi con đại học không lui chí bền

Đi từ đồng nát mà lên
Nhặt gom mảnh vỡ xây nền tương lai
Chiều quê bóng chị đổ dài
Cồng kềnh sắt vụn, ve chai... chị cười...

                                           Tháng 11-2012