Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

CHIỀU KHÔNG TẮT NẮNG (chương 3)



3

 Trại chăn nuôi của hợp tác xã nằm ở chân đồi toàn sim mua lau lách. Trước kia vạt đồi này là cánh rừng khá rậm rạp, sau đó người ta phát đốt để làm nương sắn. Được mấy năm đầu sắn khá tốt. Mỗi gốc chí ít cũng được ba bốn cân củ. Dần dần, nước mưa xói mòn, đất màu trôi hết trơ lại toàn sỏi son. Cây sắn le ve bằng cái xe điếu. Đang mùa mưa đáng ra lá sắn phải xanh ri, rậm rịt, kín đất vậy mà nhìn vào nương sắn vẫn thấy khẳng khiu cành lá, trơ ra cả đất. Cỏ cũng chẳng mọc nổi. Củ sắn giờ chỉ là những cái rễ dài loằng ngoằng, dài hơn cả thân cây. Chán quá, người ta đành bỏ đất hoang. Cỏ tranh, sim, mua được dịp mọc lại. Tưởng có nghị quyết sáu “bung ra” cho phép mọi người khai hoang, phục hoá trồng cấy sẽ có người đến canh tác lại vạt đồi này nhưng cũng chẳng có ma nào ngó tới. Thế nên, mấy căn nhà của trại chăn nuôi vốn đã lụp sụp rồi giờ bị chìm lút trong cỏ hoang trông lại càng điêu tàn hơn.
Khu chuồng lợn trống huơ trống huếch. Mái ngói xập xệ. Đòn tay dui mè có gian mọt gãy cảm tưởng như khẽ động vào là xuống cả mái. Ngói vỡ xếp thành đống trên nền chuồng. Cỏ tranh, cây cứt lợn mọc vào cả hố phân, chọc qua cả nền xi măng thi nhau ngóc đầu xanh tốt. Gian kho thức ăn ẩm mốc mùi rất khó chịu. Khu bể chứa, chỗ nấu cám lợn tanh bành. Cả một khu ba dãy chuồng, hai dãy nhà và kho đều ở trong tình trạng ấy. Duy chỉ có khu tập thể là còn khả dĩ hơn.

Dụ cưỡi chiếc xe đạp Lin-côn rạp người, cong mông phóng đến trại. Đây là “cơ quan” chính của anh. Ngoài các buổi trực trên trụ sở, anh dành hết cả thời giờ cho trại chăn nuôi. Có mấy lý do cho anh phải ưu tiên sự chỉ đạo của mình tại nơi đây. Một là, với cương vị phó chủ nhiệm phụ trách chăn nuôi, nhiệm vụ của anh là phải “đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính cho hợp tác xã”, trong đó chăn nuôi lợn là mũi nhọn cốt tử. Mục tiêu 5 tấn thóc, 2 đầu lợn trên một héc ta gieo trồng đã nói lên điều đó. Hai là, lý do này hơi tế nhị, anh phải  kiểm tra kèm cặp đồng chí nữ trại trưởng thực hiện các kế hoạch về trại theo nghị quyết của ban quản trị. Cô Huê, ba mươi tuổi, vẫn phòng không gối chiếc, tận tuỵ với nghề nuôi lợn cùng với đội chăn nuôi của cô rất cần có phó chủ nhiệm chỉ đạo trực tiếp. Được cái, Huê rất có tinh thần trách nhiệm với công việc, cô gần như cả ngày đêm trực ở trại.
Giao ban ban quản trị xong, Dụ tức tốc xuống trại. Anh đang phởn chí vì chủ nhiệm Hải phổ biến tinh thần hoá giá đàn lợn. Kể cũng thấy tiêng tiếc thế nào ấy. Hết lợn thì cái trại này liệu có còn không? Nếu hết trại, tức là giải thể nó thì... khó có điều kiện cho Dụ tiếp xúc với Huê. Tình đang nồng, hơi đang bén mà phải xa nhau thì nhớ lắm. Hơn nữa nếu phải giải thể trại thì còn đâu những bữa ca ba bồi dưỡng toàn thịt gà mái tơ, trứng luộc trứng rán đủ kiểu trong những đêm  anh xuống kiểm tra trại, cùng làm, cùng ăn, cùng nghỉ với chị em tổ chăn nuôi. Với lại, còn bao nhiêu cuộc liên hoan ban quản trị, họp uỷ ban, tiếp khách nữa chứ. Lại ra chợ mua thịt à? Tiếc, tiếc lắm. Nhưng có chủ trương của huyện, có nghị quyết của ban quản trị, lại đang cần tiền trả cho vụ trâu kéo nên Dụ thấy cũng đường được. Mặt khác, nghĩ đến khoản lời có thể kiếm được qua việc bán tống bán táng đàn lợn (Dụ nghĩ vậy), anh cũng vui vui. Tiền lời từ lũ trâu kéo cộng với số lãi từ việc bán lợn chí ít cũng được vài trăm bỏ túi là cái chắc. Mới có mấy năm tham gia ban quản trị mà Dụ cảm thấy dễ làm ăn quá, chẳng như ngày xưa thồ rau cong đít mà mỗi ngày lãi chỉ vài đồng.
Dụ cân nhắc: không nên bán lẻ từng con lợn cho xã viên, nát vốn. Hơn nữa,  biết đâu họ bắt lợn về rồi nợ tiền lại hoặc trừ vào khoản hợp tác nợ họ vôi, gạch, ngói thì sao? Hợp tác đang cần tiền bán kiểu ấy thì vứt. Tốt nhất, gọi tay “Tư ba toa” vào bán cả mớ cho hắn là gọn. Tiền tươi, lại cả món, vừa được việc, vừa đỡ phải sổ sách lằng nhằng. Cái chính là bán thế thì Dụ mới dễ “a bê xê” được. Nhớ đến “Tư ba toa” Dụ lại ứa nước bọt vì món lòng trễ tiết canh mỗi buổi sáng của hắn. Việc của em Huê... thôi thì, bấc đến đâu dầu đến đấy. Thiếu gì lý do gặp nhau.
Mải tính toán Dụ phóng xe vào cổng trại lúc nào không hay. Mấy con chó quen hơi ngoe nguẩy đuôi rối rít ra đón anh. Ông Tu bảo vệ thấy Dụ đến hỏi ngay từ lúc Dụ chưa xuống xe:
- Hôm nay có gì phấn khởi thế hả chú Dụ?
- Chào bác Tu. Cháu lúc nào chả thế. Phải yêu đời mới trẻ lâu, sống lâu được bác ạ. Chị em đâu hết rồi hả bác?
Vừa gạt chân chống, dựng chiếc xe đạp vào cây rơm Dụ vừa vồn vã hỏi.
- Đứa đi thả trâu, đứa đang cho lợn ăn - Ông Tu thủng thẳng trả lời - Vào đây uống nước đã.
- Vâng. Bác cứ pha đi. Cháu ra xem mấy con trâu thế nào đã.
- Xem trâu hay xem con Huê?
Ông Tu trêu chọc. Dụ cười cười:
- Bác nói thế con vợ cháu nó nghe được thì chết.
- Tại con Huê nó cứ hay nhắc đến anh, tôi đùa tí thôi mà.
- Lần sau cháu cấm bác đùa kiểu ấy nhé. Chẳng những vợ cháu nghe được sẽ rầy rà mà còn mồm miệng thế gian nữa. Lắm kẻ ghen ăn ghét ở, bác đùa thế là chết cháu đấy. Lúc đó đừng bảo cháu ghép tội bác nói xấu cán bộ.
- Gớm, hôm nay bố mày hắc gớm nhỉ?
 Ông Tu nhăn nhăn mặt khá bất ngờ trước thái độ của Dụ. Ra cái vẻ. Chẳng lẽ ông lại rình tóm chúng mày cho biết mặt.
Dụ cắp cái cặp da đen to tướng đi về phía chuồng trại. Anh đang quan tâm đến mấy con trâu kéo chưa giao cho ai vẫn gửi nhờ đội chăn nuôi của Huê trông nom. Phải nẹt cái lão Tu này như vậy kẻo lão cứ dở đùa dở thật ảnh hưởng đến uy tín của mình. Mà Huê cũng lạ thật, cứ bô bô cái mồm. Đã ăn vụng lại còn không biết chùi mép.
Qua dãy chuồng lợn nái, mấy con “cơ bản” đang ộ ệ vác cái bụng chửa nằm thở. Được giá bây giờ khéo chỉ có lũ này. Dụ nghĩ vậy và đi nhanh đến dãy lợn bột. Huê đang chổng mông cọ rửa máng cho lợn ăn. Đôi bắp chân trần như hút hồn anh. Cả cái cặp mông tròn lẳn kia nữa. Dụ dán mắt vào những thứ đó của Huê. Anh đảo mắt ra xung quanh. Không có ai. Dụ nhón chân nhẹ nhàng tiếp cận Huê. Đến sát Huê, Dụ dừng lại giây lát quan sát xung quanh một lần nữa. Khi chắc chắn không có ai, Dụ mới khẽ đặt chiếc cặp da xuống và vòng tay ra sau lưng Huê ôm đè lên người cô. Huê giật mình ngẩng phắt đầu lên suýt kêu thành tiếng. Dụ vội lấy tay bịt miệng cô lại. Nhận ra Dụ, Huê lấy hai tay ẩn anh ra. Mặc cho tay Huê đầy cám lợn, Dụ vẫn xấn xổ ôm ghì lấy cô hôn lấy hôn để. Mãi sau, Dụ mới buông Huê ra và hỏi:
- Mấy đứa đâu rồi em?
- Đi thả trâu cho anh chứ còn đi đâu nữa.
- Có năm con trâu mà cả đội đi thả à?
- Không, có cái Tân thôi. Còn lại ba đứa phải đi vớt bèo.
Huê nhấm nhẳn.
- Trâu với chả bò, chỉ làm khổ chúng em.
Dụ véo vào má Huê:
- Khổ thì anh đền. Chỉ sợ mấy hôm nữa lại không được khổ ấy chứ.
- Anh bảo sao? Không được khổ nữa á? Huê hỏi lại.
- Sắp bán lợn rồi, giải thể trại đến nơi rồi.
- Cái gì?
Huê ngơ ngác hỏi lại. Dụ ghé miệng sát vào tai Huê:
- Sắp giải thể trại chăn nuôi rồi! Thật đấy!
Đôi mắt Huê tròn xoe nhìn Dụ. Dụ quên cả cái điều mình vừa nói đắm đuối ngắm Huê. Đẹp. Đẹp quá. Những lúc như thế này nhìn Huê lại càng đẹp.
- Anh nói đùa hay thật đấy?
Huê hỏi lại lần nữa cho chắc chắn. Dụ sực tỉnh:
- Thật chứ lại bỡn à. Suỵt... Nhưng mà be bé cái mồm chứ. Về phòng anh nói cho mà nghe.
Họ dắt nhau về phòng của Huê. Dụ lấy tay phủi lại chỗ cám dính trên vạt áo bước theo Huê. Họ đi qua phòng ông Tu như không có chuyện gì vừa xảy ra. Dụ mở toang cánh cửa phòng Huê bước vào.
- Bây giờ anh nói nghiêm túc với em nhé, ban quản trị vừa họp sáng nay thống nhất hoá giá đàn lợn và từng bước giải thể trại chăn nuôi. Họp xong, anh tức tốc về đây để bàn với em cách giải quyết. Việc này bước đầu chỉ hai chúng ta biết với nhau, đừng vội cho mấy đứa trong tổ biết đấy nhé. Công tác tổ chức mà, tránh ảnh hưởng tư tưởng của chị em, cả ông Tu nữa.
Huê ngồi thần người. Chả lẽ lại thế ư? Bao nhiêu năm vun đắp, gắn bó với trại chẳng lẽ chỉ một cái quyết định mà tan đàn sẻ nghé ư?
- Thôi, không nghĩ ngợi gì nữa. Bàn ngay vào việc đi kẻo không kịp.
Dụ giục Huê. Huê ngơ ngác:
- Anh bảo việc gì? Ban quản trị bán lợn, giải thể trại thì cử người xuống mà làm chứ chúng em biết gì.
- Cô này hay nhỉ? Đúng là đàn bà. Nói như em thì cần gì phải bàn.
Dụ hạ giọng thì thào:
- Em kiểm ngay xem thóc, gạo, ngô, đỗ, lạc, vừng... trong kho còn nhiều không? Đối chiếu sổ sách cho khớp. Cả trứng gà, trứng vịt nữa. Ăn uống vô tội vạ như vậy nhỡ thâm hụt mang tiếng ra. Xem có thể “chế biến” được thì “chế biến”. Anh ủng hộ. Nhớ là phải kiểm tra đối khớp lại toàn bộ sổ sách, bảng chu chuyển đàn gia súc, phiếu xuất, phiếu nhập, phiếu thu, phiếu chi... tất cả cho rõ ràng rành mạch. Lão Trung là chúa hay nhòm ngó.
- Anh yên tâm. Muốn làm thế nào thì làm phải cho em một ít vốn đấy nhé. Bao nhiêu năm làm ở trại mà về hai bàn tay trắng là không xong đâu.
- Thì thế mới phải bàn.
Dụ ghé sát tai Huê thì thào:
- Việc hoá giá đàn lợn phải làm thật êm đẹp. Anh sẽ đạo diễn cho lão “Tư ba toa” mua số lợn bột, thậm chí cả số lợn nái nữa cũng được. Yêu cầu em, từ hôm nay đến hôm bán làm thế nào cho lũ lợn nó... nó đổ bệnh ra là được.
Huê tròn mắt ngạc nhiên:
- Anh... anh...
- Bé bé cái mồm thôi, cô ngốc ạ. Nghĩa là làm ra vẻ lũ lợn nó ốm, sụt cân, chê cám để ghìm giá xuống với tay Tư. Thực ra là bịt mắt ban quản trị, ban kiểm soát, ghìm giá với bọn họ. Còn với tay Tư, anh sẽ nói nhỏ với nó là đàn lợn chẳng làm sao cả. Cứ giá thị trường mà mua. Tất nhiên sẽ giảm vài giá. Chênh lệch đó anh với em cùng hưởng.
Đến lúc này Huê mới hiểu ra cái trò ma quái của Dụ.
- Chịu anh. Đúng là “phá chủ nhiệm hợp tác xã”.
Dụ một tay bịt mồm Huê, tay kia thọc vào ngực cô:
- Giữ cái mồm cái miệng đấy, kẻo chết cả lũ. Cứ thế nhá. Bây giờ anh sang ông Tu uống nước tán chuyện với lão ấy một lúc coi bình thường như mọi khi. À mà này, em phải giữ mồm miệng với lão Tu nghe chửa. Hình như lão biết chuyện của anh với em rồi thì phải.
- Gớm! Chỉ được cái lo hão. Em có mỗi cái mồm mà cứ bắt giữ mãi, lấy mồm đâu mà ăn, mà uống.
Huê ngấm ngoẳn nguýt yêu Dụ. Dụ thấy nóng ran cả người. Tuy nhiên, Dụ vẫn cảnh giác với sự khôn ngoan của một con cáo.
- Trưa nay, cho chúng nó về hết đi, anh đến đền em. Cổng phía trên đồi nhé.
Nói xong, Dụ kéo cổ Huê lại phía mình và hôn cô đánh chụt một cái. Đoạn, anh rảo bước về phía phòng bảo vệ. Ông Tu đang ngồi bên ấm chè chờ anh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét