Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

SỰ CỐ NHẠC CHỜ

       alt

       Đua đòi với bàn dân thiên hạ, Choẽ bò em quyết định sắm cái điện thoại di động. Biết được ý định này của em, vợ em phản đối ghê lắm. Nào là: gọi cho ai? Ai gọi cho? Có ma nào để ý đến cái lão chăn bò như ông mà “alo” với chả “a liếc”. Suốt ngày trên đồi, theo đít đàn bò thì cần gì phải điện thoại di động? Mặt vợ tôi cong vênh. Môi bà vẩu lên. Mắt bà hấp háy có vẻ khiêu khích. Được lúc, bà ấy nghệt mặt ra: “Hay là ông tình ý với con nào nên di động để cho dễ trò mèo chuột? Nói đi. Khai mau ra đi. Đừng có bịt mắt gái già này. Ông cứ liệu cái thần hồn với tôi”.
        Khổ thế cơ chứ! Đúng là đàn bà. Hơi tí thì ghen lồng ghen lộn lên. Mà có cái gì để ghen? Nghĩ thì chỉ được cái nghĩ ngắn. Cả làng người ta “di động” kia kìa, bà biết chửa? Mang danh là hộ sản xuất kinh doanh giỏi thế mà vưỡn đếch có cái điện thoại di động. Bò nhiều để làm gì? Giàu mà làm gì? Giàu mà không sang thì cũng vứt nha! Ở đời, nhiều khi cũng cần phải có cái mác, phải tạo dáng. Chẳng thế ai biết anh là ai? Chưa chi đã gầm lên! Bực cả mình! Lũ trẻ nhà em thì ngược lại, chúng vỗ tay hoan hô ủng hộ bố. Thế là em quyết luôn cái “NÓ KÌA” đời mới nhất các bác ạ.
        Kể ra đầu tư vào cái đó thì nó cũng hơi bị phí vì đi chăn bò thì di động để làm cái quái gì cơ chứ? Kệ. Em cứ trang bị. Thời buổi công nghệ thông tin không có di động nó yếu lính đi. Đi đâu có cái di động nó tự tin hơn lên rất nhiều. Chả thế, cánh ca sĩ, “sâu bít” gì đấy chúng còn chơi đồng hồ đeo tay tiền tỉ, áo quần, váy, nhẫn tiền triệu đô cả. Chẳng qua cũng chỉ là muốn khẳng định thương hiệu cho mình mà thôi các bác nhỉ?

         Nhờ lũ trẻ tập huấn cho buổi sáng em tạm biết sử dụng cái “Nó-kìa”. Mua cái bao da bằng da cá mập, em luồn nó vào cái dây lưng, thắt ngang mình. Đầu em đội mũ phớt rộng vành, chân đi giày “Cô-xư-ghin” (nóng cũng phải đeo), tay phải cầm cái roi tre dài, tay trái kéo theo cái điếu cày, chỉ nhìn qua thế thôi cũng đã thấy “thương hiệu” Chõe bò rồi. Oách lắm các bác ạ. Trước kia em hay mặc quần ta, quần đùi đi thả bò nhưng từ ngày có cái bao da này em phải diện toàn quần tây, quần âu đấy. Nên nhớ là cái bao điện thoại di động phải “yêu tiên” để về phía trước bụng, giữa đoạn rốn và cái xương hông nhô lên. Phải hơi trễ trễ một tí nó mới sành điệu. Chỗ này dễ phát hiện. Chẳng cần nói nhiều, chẳng cần nhìn lâu, chỉ thoáng qua là biết. Nhiều người có của không biết khoe, lại đeo nó ở bên hông, lệch về phía lưng. Đeo như thế thì cánh tay nó che mất còn nhìn thấy quái gì di động nữa? Phí. Rất phí. Thà đừng có đeo còn hơn. Ăn chơi cũng phải có bài của nó chứ, tưởng bỡn à?
        Thế là cái nokia lúc nào cũng ở bên em, thành vật bất ly thân. Cứ chỗ nào đám đông là em lại lôi nó ra khỏi vỏ bao, áp tai vào, bấm số nhoay nhoáy, “alo” oang oang. Oách lắm. Ra dáng phết. Làm ăn lớn nó phải thế. Chõe bò là phải thế. Thực ra, có ai gọi cho em đâu? Mà em cũng đếch biết gọi cho ai nữa. Em nói chuyện một mình đấy các bác ạ. Cái ngữ em như đã nói ở trên thì có ma nào nó gọi. Ấy thế mà các bà, các cô cứ trợn tròn mắt, xuýt xoa mồm, thì thì thầm thầm với nhau. Cái lão Chõe bò này công nhận oách thật. Đúng là một ông chủ trang trại bò điển hình của xã. Chồng người ta thế chứ. Thức thời, giỏi giang, phong độ. Trông mà thèm. Em nghe thấy hết nhưng cứ lờ đi coi như không có chuyện gì xảy ra. Thế nó mới có giá các bác ạ? Còn vợ em thì nửa tự hào, nửa lại lo lắng. Đêm về bà ấy rít trong kẽ răng nhắc nhở, răn đe, ngăn chặn.
        Một hôm, xã em mở lớp khuyến nông, tập huấn về chăn nuôi bò. Em được đi học lớp này. Đúng chuyên ngành rồi. Học cho nó mở mang đầu óc. Em bí nhất cái khoản phối giống và đỡ đẻ cho bò. Thế nên, lớp học này với em là quan trọng lắm.
        Em ngồi ngay giữa lớp. Hàng trăm học viên chứ ít đâu. Toàn nông dân cả. Điểm qua chỉ có mấy tay máu mặt có di động thôi. Em nổi bật giữa mọi người vì cái “no-kia” to đùng đeo kè kè ở thắt lưng. Với lại, cái tên Choẽ bò của em quá nổi tiếng rồi. Hộ chăn nuôi giỏi nhất nhì xã đấy các bác ạ. Hội nghị nào của xã cũng có em. Lãnh đạo xã lấy gương em cho mọi người học tập. Ban đầu em còn rón rén, e lệ, sau thấy mọi người nể trọng thực sự thì em càng tự tin hơn. Em thường ngồi hàng thứ hai, tuyến giữa, ngay sau bác chủ tịch, hoặc bí thư chủ trì hội nghị. Lúc chụp ảnh cũng vậy. Với vị trí ấy em vừa độ khiêm tốn, đúng độ sang, lại hay được lên truyền hình. Cứ thế, tiếng tăm, hình ảnh em nổi lên. Thế là em cũng đâm nghiện lên hình, lên ti vi mới chết chứ.
          Lớp học này cũng vậy, em chọn khu trung tâm để ngồi. Giờ học đang im phăng phắc thì cái no-kia của em nó lại réo lên. Như mọi lần là em khoái lắm. Cứ dềnh dang mãi, cho nhạc nó kêu đến sốt ruột em mới nghe. Thế mới oai. Lại có người liên hệ công tác chứ gì? Hay bàn hợp đồng làm ăn gì chăng? Tha hồ cho em oang oang bốc phét. Thế nhưng lúc này là đang giờ học. Cái nhạc chờ của em mấy đứa nó cài cho lại là nhạc còi báo động. Nó réo lên. Nó rú lên. Nó rít lên. Cả lớp học đổ dồn con mắt về phía em. Em vội vã bấm nút đỏ. Tịt luôn. Vừa yên ổn đâu đấy, nó lại réo lên lần nữa. Em lại vội bấm nút đỏ. Nó lại tịt. Rồi chưa kịp chép bài nó lại giãy đành đạch trong túi quần em. Em lại phải thò tay vào dí lại nút đỏ. Khổ thế cơ chứ.
         Cái em nông dân ngồi bên cạnh bảo em: “Bác phải đặt chế độ rung đi, hoặc tắt hẳn nó đi. Đang học mà!”. “Tắt thế nào được. Còn bao nhiêu mối làm ăn, hợp tác của tôi. Bỏ sao được”. Em cự nự lại. “Thế thì bác cài chế độ rung ấy”, cô gái nhắc lại. Em đếch thèm nói gì. Thực ra, em chả biết cài đặt thế nào các bác ạ. Chẳng lẽ lại hỏi cô ấy? Hoá ra mình dốt à? Thế mà bảo sành điệu? Thế rồi, nó lại réo lên mấy lần nữa. Tức quá. Mất lịch sự quá. Vô duyên quá. Cuối cùng, em đành bấm bụng ngượng ngùng nhờ cái cô gái ấy cài đặt chế độ rung cho. Từ đấy đổ đi mới tạm yên cho lớp học.
        Lúc giải lao, mấy thằng thanh niên choai choai cứ nhìn em và cười rúc rích với nhau. Có đứa đến gần lân la: “Bác Chõe có cái di động đời mới oách quá. Cho chúng cháu xem tí”. “Số máy của bác bao nhiêu cho cháu xin số để tiện liên hệ?”. Đừng hòng có xem nha. Xin số thì ông cho, chứ xem máy thì dứt khoát không. Của hàng đống tiền đâu phải cục gạch mà ai sờ cũng được. Thế là em chỉ đọc số máy của em cho chúng nó. Chẳng ngờ mấy đứa ghi xong cười toáng lên. Thì ra, chúng nó đã biết số của em và vừa nãy, trong lúc học, đứa nọ truyền tai đứa kia và thế là chúng nó lần lượt thi nhau bấm gọi.
         Lần khác, xã lại tổ chức hội thảo về chăn nuôi bò. Mời toàn các nhà khoa học và những hộ nông dân điển hình, tiên tiến của huyện tham dự. Tất nhiên, Chõe bò em có một bản tham luận quan trọng, gần như là “đinh” của cuộc hội thảo này. Chủ đề hội thảo là “Bò và vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế”. Nghe cái tiêu đề đã sởn da gà rồi. Không ngờ cái nghiệp chăn bò của mình, cái con bò vàng “ngu như bò” ấy lại quan trọng đến thế. Em có cảm tưởng như là thêm một lần người ta tôn vinh em (!). Thế nên, em chuẩn bị bài diễn văn, à quên, bài tham luận tỉ mỉ, chu đáo lắm.
         Đúng là cuộc hội thảo hoành tráng. Toàn giáo sư, tiến sỹ, quan chức bực cả. Ở nhà em tự tin thế, thế mà đến đây em lại hồi hộp, nhớn nhác thế cơ chứ. Bản lĩnh bay đi hết. Khai mạc đề dẫn xong, em lấy lại bình tĩnh dần. Đặc biệt từ lúc mấy em truyền hình chõ ống kính vào em là em quên hết sợ hãi. Cứ nghĩ tối nay được lên ti vi thì em đếch còn sợ bố con thằng nào nữa cả. Và, khi người ta mời em lên tham luận, em đĩnh đạc, đàng hoàng bước lên bục và không quên chỉnh cái bao di động cho nó nhô hẳn ra trước bụng.
          Vừa kính thưa được mấy vị thì đùng một phát chiếc di động của em giãy đành đạch ở trên bàn chỗ em ngồi. Tiếng còi báo động rú lên. Cả hội trường trợn tròn mắt. Tất cả hướng về chỗ em ngồi lúc nãy. Mấy bác đại biểu lạ hoắc ngồi cạnh em nhìn chiếc di động xoay tròn trên bàn không dám mó tay. Thì ra, khi em lên bục đã quên chưa đưa cái noki-a vào bao. Tiếng còi báo động cứ thế rú lên hết đợt nọ đến đợt kia phá tan cái không khí im lặng, trang nghiêm của cuộc hội thảo. Em sợ quá, xin lỗi chủ tịch đoàn chạy về bịt ngay cái mồm noki-a vô duyên này lại.
         Từ đó trở đi em đâm mất bình tĩnh. Người em run cầm cập. Đọc tham luận ngắc nga ngắc ngứ. Bác chủ tịch đoàn phải động viên: “Bác Chõe cứ bình tĩnh tự tin nha. Di động của bác may là để ở chỗ ngồi, chứ bác mà mang lên bục, nó rú lên qua micro thì cả xã này lại tưởng cháy nhà, chết người ấy chứ? Bác tiếp tục trình bày bản tham luận của mình cho tự tin nha. Bác làm sao cứ nói thế. Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý đó. Mà bác thì làm tốt lắm mà!”.
       Thế là em lấy lại bình tĩnh và tự tin dần. Việc trước tiên là em cài chế độ rung cho cái nok-a đã. Bịt mõm nó lại, không cho nó kêu vô tổ chức nữa. Xấu hổ lắm.
        Đúng là xấu hổ thật các bác ạ. Em tưởng thông minh mà vẫn cứ “ngu như bò”. Nhưng mà như thế lại hoá hay. Cả xã, cả huyện, thậm chí cả tỉnh nữa người ta biết Choẽ bò em có điện thoại di động. Em vưỡn cứ oách phải không các bác? Chả thế lại không ư! Thì vưỡn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét