Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

ANH VÀ EM VÀ MÙA THU




Anh đưa em dạo thủ đô gió ngàn
Giữa mùa kháng chiến
Em dịu dàng hơn trong nắng thu phương Bắc
Từng sợi gió rớt xuống sông Lô thì thầm
Ô tô anh lướt nhanh
Vừa kể em nghe chuyện ngày xưa ông cha ta đánh giặc
Giọng anh vui như hát
Như văn công đang hát
Giữa Đèo Khế chông chênh vách núi
Loằng ngoằng con đường rắn lượn
Gió mây tình tự
Qua rồi cái thuở mè nheo chắn lối
Đá núi ngoan hiền nằm ngủ
Những thửa ruộng bậc thang như váy ai phơi vắt ngang trời
Chè xanh ngút mắt
Hoa văn điểm xuyến trên nền mây trắng bay
Tóc em bay
Như lượt thượt bàn tay
Níu kéo những quả đồi xanh mướt vụt qua
Quên sao được
Những ngày gian khổ ông cha
ATK
Lịch sử
Cho tiếng cười em trong veo
Cho tiếng hát em vút cao
Giữa thủ đô gió ngàn…

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

ĐÁM GIỖ ÔNG TÔI


Đã lâu lắm rồi, không nhớ từ khi nào nữa ba mẹ tôi đã di dời hài cốt ông cố về chôn ở mảnh vườn nhà, mỗi năm gia đình tôi đều tổ chức đám giỗ ông. Từ khi nhà còn nghèo cho đến lúc khấm khá, năm nào ba mẹ tôi cũng lo chu đáo ngày giỗ ông. Ông là người anh ruột của bà cố nội tôi, là con thứ 6 trong gia đình. Ông không có gia đình riêng, không vợ con gì cả. Nghe ba và bà nội kể lại, ông cố nội mất sớm, ba tôi xem “ông Sáu” như ông nội của mình. Mà không như ông nội sao được, mỗi sáng đi uống cà phê đầu ngõ ông đều cõng ba tôi theo. Ông “cưng” ba tôi lắm. Mấy đứa con nít trong xóm chơi với nhau đừng có hòng mà “ăn hiếp” thằng D (ba tôi). Vì không con cháu nên ông luôn coi ba tôi như đứa cháu đích tôn của mình.
Hồi ba tôi còn nhỏ, ông “cưng” ba tôi nhất. Đi đâu ông cũng cho đi theo. Nói đi theo vậy chứ ông hay “đùng đình” ba ở trên vai. Còn ba vịn hai lỗ tai hoặc nắm tóc ông vì sợ té! Riết rồi quen, đi đâu ông cháu cũng có nhau. Một ngày nọ, ông cố có việc phải đi vắng mà không đùng đình ba tôi theo. Là con trai, lại hiếu động nên ba tôi không lúc nào ở yên. Ngoài góc sân có cái cây vừa tầm lại có nhiều trái, ba tôi ra hái chơi. Bứt rời những trái, rồi ăn thử nữa chứ! Miệng cay xoè, một lát sau, hai tay ba tôi đỏ hồng lên. Vị cay nóng của quả ớt làm đứa trẻ lên bốn, lên năm không chịu nổi, khóc toáng lên. Khi ông cố về đến, biết chuyện, ông liền nhổ gốc ớt lên khỏi đất. Sợ bà nội tôi tiếc cây, lấy trồng lại, ông lấy dao băm nhỏ ra rồi quẳng vào góc vườn. Nội nói, cây ớt hiểm đó ông quý lắm, mỗi bữa ăn cơm đều phải có. Vậy mà vì thương thằng D. nên ông nhổ bỏ, không tiếc. 

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

THÁC MƠ


Người ta mở mắt xem phim
Còn tôi
Nhắm mắt lại để nhìn em cho rõ
Những thước phim
Đen trắng. Trắng đen.
Tỏ mờ. Mờ tỏ.
Kỷ niệm ùa về em rờ rỡ nguyên khôi

Tôi thoát xác tôi
Kéo ngược thời gian về chốn xưa ngày cũ
Không có ai khác cả
Không có ai
Không có
Chỉ một em đang dắt tôi đi

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2011

CÀ PHÊ MỘT MÌNH

Chiều buông lơ lững nơi góc quán
Đèn màu nhập nhoạng thế ánh trời
Loạn xạ laser rọi vào tâm trí xanh đỏ vàng tím
Chập chờn bóng ai
Nơi góc quán cà phê Nasa
Kẻ vào ra chầm chậm thảy từng bước trên bậc đá
Cỏ xanh phủ dọc lối đi không còn xanh nữa như màu xanh ban ngày
Nền nhạc lõi chõi vu vơ gõ vào tâm trí
Góc quán có cô nàng khỏa thân đứng nhìn
Ngày nào cũng thấy một người giống nhau ngồi phía ấy
Chiều buông lơ lững
Có một người giống người hôm qua
giống người của hôm trước ngày hôm qua
Nơi góc quán
Không biết để làm gì.

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

ĐOẢN KHÚC MỘT CHIỀU MƯA


Chẳng phải vô tình mà chiều nay mưa đâu
Con đường cũ, bến sông xưa… tất cả đều vẫn thế
Cả góc quán này - như ngày nào - vẫn yên bình lặng lẽ
Chỉ ngoài kia là mưa trắng trời…

Anh vẫn ngồi chỗ cũ của mình thôi
Giọt giọt cà phê rỏ nỗi buồn tí tách
Chỗ em xưa bây giờ lạnh ngắt
Mưa hắt, gió lùa, trống hoác, mong manh?

Réo rắt giọt đàn, thánh thót giọt gianh
Quán vắng bên sông anh đằm trong nhạc Trịnh
Dốc ngược nỗi buồn cho trôi về vô định
Sấm chớp đì đoành có phải ngẫu nhiên không?

“Anh đến bến đò thì đò đã sang sông”
Không phải vô tình mà cây cứ gật đầu tạ lỗi?
Gió có nói gì không? Cây có gì nên tội?
Cả chiều nay cũng thế…có gì đâu?

Quá nửa đường đời lặn lội tìm nhau
Nay trở lại dòng sông xưa bến cũ
Trời đang nắng sao bỗng nhiên vần vũ?
Em ở phương nào có kịp trú mưa không?

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

CHIẾC ĐIẾU CÀY GIA BẢO - LƯU GIỮ HỒN QUÊ

        Tập truyện ngắn "Chiếc điếu cày gia bảo" của Xuân Thu do Nxb QĐND ấn hành tháng 6-2011. Sau khi sách phát hành, tác giả đã nhận được nhiều ý kiến tham gia góp ý, cảm nhận của nhiều bạn đọc. Xuân Thu rất cảm động những tình cảm quý mến đó của độc giả. Dưới đây là bài viết của Hà Công Trường, biên tập viên tạp chí Văn nghệ Gia Lai, xin post lên để bạn bè tham khảo. Chân thành cảm ơn Hà Công Trường và các bạn ghé thăm Hoa Nhã My.
                                              Việt Trì lúc 0 giờ ngày 19-9-2011

                                

“CHIẾC ĐIẾU CÀY GIA BẢO” - LƯU GIỮ HỒN QUÊ

                                                                            Hà Công Trường

Khi cầm trên tay tập sách thứ 13 của tác giả Đỗ Xuân Thu - tập truyện ngắn “Chiếc điếu cày gia bảo” do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 2011 tôi đã bị lôi cuốn bởi cái tiêu đề của nó. Tôi đã đọc ngấu nghiến và khi gấp sách lại trong tôi một cảm giác lâng lâng khó tả, một chút mằn mặn cay cay của cảm xúc, một chút gì vừa thân quen vừa xa vắng. Tập sách dày 280 trang gồm 26 truyện ngắn, với ngôn ngữ nhẹ nhàng, đầy tính thơ, tính nhạc. Nhỏ nhắn, gọn gàng, các truyện ngắn trong “Chiếc điếu cày gia bảo” thể hiện rõ hơi thở của làng quê Việt Nam, dân dã ngay từ những tên gọi như: Lão “Chõe bò”, “Hội chọi trâu”, “Bà” thời sự, Bản nghị quyết họ Đỗ, Chiếc điếu cày Gia Bảo, Đi tàu bay… Tác phẩm lưu giữ trong mình hồn quê của nông thôn Việt Nam nó khiến cho ta ngỡ như đã gặp lão Chõe ở đâu đó hôm qua, hôm nay, hay ta gặp lão ngay trong chính tâm hồn của mình. Và ta còn gặp rất nhiều lão Chõe nữa trên mọi miền quê yêu dấu của Tổ quốc.