Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

ĐÁM GIỖ ÔNG TÔI


Đã lâu lắm rồi, không nhớ từ khi nào nữa ba mẹ tôi đã di dời hài cốt ông cố về chôn ở mảnh vườn nhà, mỗi năm gia đình tôi đều tổ chức đám giỗ ông. Từ khi nhà còn nghèo cho đến lúc khấm khá, năm nào ba mẹ tôi cũng lo chu đáo ngày giỗ ông. Ông là người anh ruột của bà cố nội tôi, là con thứ 6 trong gia đình. Ông không có gia đình riêng, không vợ con gì cả. Nghe ba và bà nội kể lại, ông cố nội mất sớm, ba tôi xem “ông Sáu” như ông nội của mình. Mà không như ông nội sao được, mỗi sáng đi uống cà phê đầu ngõ ông đều cõng ba tôi theo. Ông “cưng” ba tôi lắm. Mấy đứa con nít trong xóm chơi với nhau đừng có hòng mà “ăn hiếp” thằng D (ba tôi). Vì không con cháu nên ông luôn coi ba tôi như đứa cháu đích tôn của mình.
Hồi ba tôi còn nhỏ, ông “cưng” ba tôi nhất. Đi đâu ông cũng cho đi theo. Nói đi theo vậy chứ ông hay “đùng đình” ba ở trên vai. Còn ba vịn hai lỗ tai hoặc nắm tóc ông vì sợ té! Riết rồi quen, đi đâu ông cháu cũng có nhau. Một ngày nọ, ông cố có việc phải đi vắng mà không đùng đình ba tôi theo. Là con trai, lại hiếu động nên ba tôi không lúc nào ở yên. Ngoài góc sân có cái cây vừa tầm lại có nhiều trái, ba tôi ra hái chơi. Bứt rời những trái, rồi ăn thử nữa chứ! Miệng cay xoè, một lát sau, hai tay ba tôi đỏ hồng lên. Vị cay nóng của quả ớt làm đứa trẻ lên bốn, lên năm không chịu nổi, khóc toáng lên. Khi ông cố về đến, biết chuyện, ông liền nhổ gốc ớt lên khỏi đất. Sợ bà nội tôi tiếc cây, lấy trồng lại, ông lấy dao băm nhỏ ra rồi quẳng vào góc vườn. Nội nói, cây ớt hiểm đó ông quý lắm, mỗi bữa ăn cơm đều phải có. Vậy mà vì thương thằng D. nên ông nhổ bỏ, không tiếc. 

Từ những hai ngày trước ngày giỗ “chính kỵ”, mẹ tôi cùng các cô tôi lo rọc lá chuối, phơi, lau sạch để gói bánh. Đến ngày tiên thường (trước chính kỵ một ngày) thì đông người hơn, bà con chòm xóm, láng giềng đến phụ, nhất là các bác, các bà trong xóm. Họ đến thật sớm, tinh mơ là đã có mặt. Rồi bà con ở xa cũng về từ hôm đó. Có mặt trước một ngày để thể hiện sự tôn kính của họ đối với người quá cố, mọi người đều tự nhủ như thế. Và điều đó là chất keo gắn kết họ hàng với nhau, tạo sự gần gũi, thân thiết dù họ có ở cách xa nhau.
Trong đám giỗ, dứt khoát phải có bánh chưng, mà là bánh chưng tự nấu lấy. Chứ không như bây giờ, cái gì cũng có sẵn ngoài chợ, lúc cần chỉ việc ra mua về là xong khiến cho không khí nhà có đám nhạt thếch. Tôi nhớ như in cảnh mọi người tranh nhau, thi nhau thể hiện nghệ thuật gói bánh. Người lau lá, người vo gạo, người chẻ lạt, người chuẩn bị thịt đỗ để làm nhân… Vừa xúm xít làm việc, mọi người vừa chuyện trò xi xao. Ai cũng luôn tay tất bật. Khi đêm về, mọi người rảnh tay rồi, không phải làm gì nữa ngoài việc canh nồi bánh chưng thì từng tốp tụm năm tụm bảy dưới bóng trăng, dưới chòm cau bên hông nhà nói chuyện ngày xưa, ngày nay, chuyện làm ăn, con cái…. Đàn bà nói chuyện vật giá leo thang, chuyện nhà cửa… Đàn ông thì bày tiệc nhậu nhẹt với thức ăn, mồi nhắm là những thứ mà đối với họ là rất quý. Ví như, ông Tư, nhà ở cạnh, mang sang con cá to mà ông bắt được lúc giăng câu. Chú Hai, mang tới cặp gà tre mà ông nuôi để dành từ mấy tháng trước. Và thế là họ lai rai đến sáng, đủ thứ chuyện trên trời dưới biển. Trẻ con chúng tôi tha hồ hóng hớt. Vừa háo hức nhìn nồi bánh sôi sùng sục vừa nghe người lớn kể chuyện. Có chuyện tôi hiểu được, có chuyện tôi chỉ biết hình dung, tưởng tượng theo cách riêng của mình. Thế mà nhớ đến tận bây giờ.
Ngày chính kỵ, bà con, họ hàng đông đủ mỗi người một tay. Các bà, các cô thì lo các món ăn, hoa trái… Các bác, các cụ ông thì lo sửa soạn ban thờ tinh tươm nhang đèn, trưng bày tươm tất để cúng tổ tiên, cúng ông. Ai cũng ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ, nhất là ba tôi. Ông chọn bộ quần áo đẹp nhất, lịch sự nhất để mặc. Ba nói, như thế mới tôn trọng các cụ. Mọi người cùng nhau làm và cùng kể lại những kỹ niệm về người đã khuất. Ai nhớ gì kể nấy, không theo một trật tự nào. Rộn ràng, ồn ào, vui cả xóm với tiếng nói cười, tiếng dao thớt, cả tiếng nô đùa của lũ trẻ…
Năm nào cũng vậy, vào ngày giỗ mọi người cùng bà nội, ba mẹ tôi ra cúng viếng mộ và nghe kể chuyện về ông. Với cách tổ chức cúng giỗ ông như thế, hình như ba mẹ tôi đã âm thầm dạy các anh em tôi về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”. Đó là tập quán lâu đời của nhân dân ta, là thuần phong mỹ tục của dân tộc ta. Ngày cúng giỗ là dịp để những người bà con dòng họ, những người thân trong gia đình họp mặt để tưởng nhớ người đã mất, để soi lại mình xem có gì xứng đáng, những gì còn phải sửa mình để giữ gìn truyền thống gia đình, dòng họ. Thế mà, ngày nay không khí đám giỗ không còn như xưa nữa. Còn đâu con cá to của ông Tư mang đến (vì ông không còn đủ sức để xách cần câu uống ruộng nữa). Và hôm nay ông không đến được. Chú Hai không kịp về dự vì bận đưa con gái lên thành phố học đại học. Cô Hai, cô Bảy cũng không về vì có việc. Nghĩ mà thương cô Hai nhất. Năm nào trước ngày giỗ ông cô cũng mang túi nếp về, không phải để gói bánh, mà cô dùng nấu xôi - một loại xôi gấc rất đặc biệt. Năm nào cũng có xôi gấc cúng ông. Sắp tới ngày giỗ là ai cũng nhắc và mong được ăn miếng xôi cô làm. Vậy mà hôm nay cô không về vì con gái lớn của cô bị vỡ hụi. Cô Bảy thì đang lo giấy tờ về vụ thưa kiện tranh chấp đất đai… Buồn thay, cơ chế thị trường đã len lõi phá vỡ dần cả nếp nhà, cuốn người ta vào những xô bồ, chụp giựt, bon chen để đến giỗ người thân cũng không còn như trước nữa.
Ngày mai là đến ngày giỗ ông, lòng tôi sao nhớ quá. Nhớ tiếng mọi người lao xao xé lá, tiếng khua của nồi niêu, chén bát. Nhớ nôn nao mùi hương của hơi nóng nấu bánh tét. Tôi cứ tưởng tượng cái hơi nóng đó bốc lên khỏa vào mặt làm cho tôi thèm đến nỗi phải hít hà thưởng thức. Đâu rồi cảnh người thân quây quần gói bánh, nấu mâm cơm chuẩn bị hương nhang để lễ cúng? Đâu rồi những lời thủ thỉ tâm tình của người già kể về ông bà tổ tiên, về những ngày xưa xa ngái của dòng họ cho chúng tôi nghe? Những câu chuyện không đầu, không cuối về truyền thống gia đình, dòng họ như nhắc nhở chúng tôi sống và đền đáp làm sao cho xứng đáng với công ơn của các bậc tiền nhân, với nền nếp gia phong, phép nước. Đâu rồi những ngày giỗ xưa?
Bất chợt, tôi nhìn lên ban thờ thấy hình ảnh các cụ với đôi mắt rạng ngời bao dung đang nhìn tôi vừa tỏ ý yêu thương hết mực vừa hình như có cả ý trách cứ nào đó. Lại sắp đến ngày giỗ ông rồi đó. Thương nhớ quá không khí đầm ấm, yên bình những ngày giỗ xưa.

10 nhận xét:

  1. Cũng vì cơ chế thị trường
    Kéo theo bao chuyện tơ vương ngoài đời
    Cho nên giỗ chạp đành lơi
    Biết làm sao được, trách người sao đây
    Thôi đành cam chịu vần xoay
    Tiếc phong tục đẹp từ ngày xa xưa
    Bao giờ cho đến ... ngày xưa

    Trả lờiXóa
  2. "Buồn thay, cơ chế thị trường đã len lõi phá vỡ dần cả nếp nhà, cuốn người ta vào những xô bồ, chụp giựt, bon chen để đến giỗ người thân cũng không còn như trước nữa".

    Một nhận định rất đúng và đáng để mọi người suy ngẫm. Đọc tản văn xúc động và ý nghĩa.

    Trả lờiXóa
  3. "Ngày mai là đến ngày giỗ ông, lòng tôi sao nhớ quá. Nhớ tiếng mọi người lao xao xé lá, tiếng khua của nồi niêu, chén bát. Nhớ nôn nao mùi hương của hơi nóng nấu bánh tét. Tôi cứ tưởng tượng cái hơi nóng đó bốc lên khỏa vào mặt làm cho tôi thèm đến nỗi phải hít hà thưởng thức. Đâu rồi cảnh người thân quây quần gói bánh, nấu mâm cơm chuẩn bị hương nhang để lễ cúng? Đâu rồi những lời thủ thỉ tâm tình của người già kể về ông bà tổ tiên, về những ngày xưa xa ngái của dòng họ cho chúng tôi nghe?"
    Hay! Rất xúc động. Đâu rồi ngày xưa yêu thương. Tản văn viết khá lắm. Chúc mừng Xuân My.

    Trả lờiXóa
  4. tản văn về đám giỗ người thân rất ấn tượng. Không khí ngày giỗ đầm ấm thân thương quá. Chúc mừng Xuân My.

    Trả lờiXóa
  5. Chúc mừng tản văn hay nha. Nước mình hơn các nước khác ở ngày giỗ chạp này đấy. Văn hóa Việt trường tồn cùng năm tháng.

    Trả lờiXóa
  6. một bài viết hay và xúc động, cơ chế thị trường làm mất đi nhiều giá trị trong đó có giá trị của tinh thần. Cảm ơn anh vì bài viết, nó là một lời nhắc nhớ cho thế hệ sau, và những người như em

    Trả lờiXóa
  7. Gửi anh QK
    Bao giờ cho đến ngày xưa anh ơi.

    Trả lờiXóa
  8. Gửi Minh Hải và Phương lời cảm ơn hai bạn đã đến và để lại lời nhắn rất chân tình. Mong gặp lại các bạn nhiều nhé!

    Trả lờiXóa
  9. Gửi Bích Phượng và Hoàng Trang
    Cảm ơn hai bạn đã có lời khen tản văn này. XM mong sẽ mang đến cho các bạn nhiều điều thú vị nữa nha. Trân trọng

    Trả lờiXóa
  10. Gửi Hà Công Trường
    Cảm ơn em thường xuyên đến thăm XM. Mong gặp nhiều nhé!

    Trả lờiXóa