Thứ Bảy, 3 tháng 1, 2015

THÁNG CHẠP MƯA PHÙN



           Không biết mọi người thế nào chứ với tôi, tôi rất thích mưa phùn. Tháng chạp mà không có mưa phùn gió bấc thì còn đâu là tháng chạp. Nghe mọi người ca cẩm mưa phùn làm cho củi lem nhem ướt không cháy được, áo quần ướt phơi bao giờ khô, hạt rau cải tra xuống rồi bao giờ mọc...tôi vừa buồn cười vừa khoái chí. Thì thế mới là mưa phùn. Đặc sản của tháng chạp miền Bắc đấy. Đố miền Nam có được cảnh mưa phùn này nha.
          Mưa phùn thường đi với gió bấc. Đã rét lại càng rét hơn. Ngày trước, nhìn mẹ tôi co ro trong mấy lần áo vá ra đồng quãi tro chống rét cho mạ, tôi thương lắm. Cả bố tôi nữa. Mưa rét thế mà vẫn cho trâu xuống bừa ngả nốt thửa ruộng để cho ngấu rạ ra giêng còn kịp cấy. Cái áo mưa lòe xòe choàng lên người bố tôi. Con trâu cũng được khoác mấy lần bao tải quanh mình cho đỡ rét. Có lần tôi thử nhúng chân mình xuống ruộng thì eo ơi, buốt thon thót, như ngàn mũi kim châm vào thịt da tê cóng. Bàn chân tôi đỏ lừ. Bố tôi quát. Tôi nhe nhẻn cười cự nự: “Rét thế bố cũng còn bừa được nữa là!”. Bố bảo: “Bố quen rồi. Xuống một lúc là ấm ngay”. Bố nói thì nghe vậy chứ tôi biết bố cũng đang phải cố đấy. Chợt nhớ câu thơ của Tố Hữu trong bài Bầm ơi: “Mưa phùn ướt áo tứ thân/ Mưa bao nhiêu hạt thương bầm bấy nhiêu”. Thế mà tôi vẫn cứ thích mưa phùn, chạy nhảy nô đùa cùng bạn trẻ trâu hun khói đốt đồng thì thật là vô tư, vô ý quá. Ôi, cái thú thích ngược đời và tuổi thơ khờ dại của tôi.

Thứ Sáu, 2 tháng 1, 2015

QUÁN CÓC CHIỀU CUỐI NĂM




          Chiều nay, gió mùa đông bắc lại tràn về. Bầu trời xám xịt. Mây như sà hẳn xuống. Gió thông thốc thổi từng cơn ào ào. Tôi co ro cúm rúm trong cái áo vét đi liêu xiêu trong chiều gió bấc. Hết giờ làm việc rồi. Không có gì vội vã cả. Tôi sà vào cái quán cóc quen bên đường gọi một chén trà nóng. Đón chén trà ấy từ tay bà cụ già chủ quán, tôi xoay xoay nó trên tay rồi đưa lên miệng nhấp một ngụm. Hương trà tỏa ra thơm ngào ngạt. Vị trà chan chát ngòn ngọt thấm sâu vào đầu lưỡi. Tôi chép chép miệng thưởng thức. “Rượu khà, trà chép”, các cụ chả bảo thế là gì. Nào tôi có định chép miệng đâu mà nó cứ tự nhiên thế đấy chứ. Phản xạ vô điều kiện đó chăng?
          Thế là chỉ có chén trà nóng thôi mà hầu hết các giác quan trong con người tôi đều được thưởng thức. Nước trà xanh như pha mật lợn để mắt nhìn. Mùi trà thơm ngào ngạt quyến rũ để mũi ngửi. Vị trà chát ngọt tê tê nơi đầu lưỡi để miệng uống. Cái nóng của chén trà tỏa vào lớp da tay, xoay xoay vào thành chén mà hít hà cho tai cũng được nghe, được sướng cùng. Chẳng phải nghệ thuật trà đạo, chỉ là chén trà nóng cuối năm quán cóc ven đường mà cũng thú vị, khoan khoái đến lạ lùng.
          Quán cóc của bà cụ này đơn sơ lắm. Cái chõng tre trên đó bày hoa quả, bánh kẹo và vài bao thuốc lá... Cái ấm giỏ trong đó là chiếc ấm tích lúc nào trà cũng nóng. Chiếc điếu cày dựng bên. Ba cái ghế băng kê ba góc, quây quanh lấy cái bàn. Lỏng chỏng quanh đó là mấy cái ghế chữ K phòng khi quán đông khách. Quán lợp lá, che phên nứa đủ để tránh được gió lùa. Vì đây là khu đất giải tỏa nên quán cũng chỉ làm tạm. Cạnh đó, một đống lửa được nhóm lên. Gốc tre cùng với trấu giữ cho bếp luôn đỏ than và ấm khói. Thi thoảng một đụn khói lại cuộn lên cay toét mắt. Ấy vậy mà khách cứ xúm xít bâu quanh chật ních. Ai nấy đều hơ tay xuýt xoa cùng gió rét. 

Thứ Năm, 1 tháng 1, 2015

CHIỀU CUỐI NĂM




Sao tuần này lại dài những hai năm?
Để mọi thứ tự nhiên thành cũ - mới?
Để chiều nay bỗng dưng buồn vời vợi
Dùng dắng thế này, em ơi biết chăng?

Có cách nào kéo dài chiều nay không?
Để viết nốt câu thơ còn dang dở
Chầm chậm nhé, sông ơi, đừng chảy nữa!
Đừng cũ những gì - kể cả nhé, mùa đông

                                  Ngày 31-12-2014