Thứ Bảy, 3 tháng 1, 2015

THÁNG CHẠP MƯA PHÙN



           Không biết mọi người thế nào chứ với tôi, tôi rất thích mưa phùn. Tháng chạp mà không có mưa phùn gió bấc thì còn đâu là tháng chạp. Nghe mọi người ca cẩm mưa phùn làm cho củi lem nhem ướt không cháy được, áo quần ướt phơi bao giờ khô, hạt rau cải tra xuống rồi bao giờ mọc...tôi vừa buồn cười vừa khoái chí. Thì thế mới là mưa phùn. Đặc sản của tháng chạp miền Bắc đấy. Đố miền Nam có được cảnh mưa phùn này nha.
          Mưa phùn thường đi với gió bấc. Đã rét lại càng rét hơn. Ngày trước, nhìn mẹ tôi co ro trong mấy lần áo vá ra đồng quãi tro chống rét cho mạ, tôi thương lắm. Cả bố tôi nữa. Mưa rét thế mà vẫn cho trâu xuống bừa ngả nốt thửa ruộng để cho ngấu rạ ra giêng còn kịp cấy. Cái áo mưa lòe xòe choàng lên người bố tôi. Con trâu cũng được khoác mấy lần bao tải quanh mình cho đỡ rét. Có lần tôi thử nhúng chân mình xuống ruộng thì eo ơi, buốt thon thót, như ngàn mũi kim châm vào thịt da tê cóng. Bàn chân tôi đỏ lừ. Bố tôi quát. Tôi nhe nhẻn cười cự nự: “Rét thế bố cũng còn bừa được nữa là!”. Bố bảo: “Bố quen rồi. Xuống một lúc là ấm ngay”. Bố nói thì nghe vậy chứ tôi biết bố cũng đang phải cố đấy. Chợt nhớ câu thơ của Tố Hữu trong bài Bầm ơi: “Mưa phùn ướt áo tứ thân/ Mưa bao nhiêu hạt thương bầm bấy nhiêu”. Thế mà tôi vẫn cứ thích mưa phùn, chạy nhảy nô đùa cùng bạn trẻ trâu hun khói đốt đồng thì thật là vô tư, vô ý quá. Ôi, cái thú thích ngược đời và tuổi thơ khờ dại của tôi.

          Rất may, bây giờ bố mẹ tôi ra đồng không phải lội ruộng nữa. Đã có máy cày, máy bừa thay trâu. Đã có ủng, có tất tay cao su chống rét. Với lại, cấy trồng bây giờ đều có kế hoạch, theo lịch cuốn chiếu nên không phải vội như xưa nữa. Thế nên, những ngày mưa phùn gió bấc, bố mẹ tôi tính làm việc khác. Thích nhất là chuẩn bị cho Tết. Tháng chạp rồi, “Tết đến sau lưng” rồi, chuẩn bị mọi thứ đi là vừa. Kiểm lại lá gai, dọc xếp lá chuối khô, xem lại lượng măng, chè đã cất, tính toán ngày đi chợ bán bưởi Tết, rồi chẻ lạt dang, ép lá dong...đủ thứ việc trong những ngày mưa phùn. Cả nhà quây quần quanh bếp lửa hồng mặc cho ngoài kia mưa phùn gió bấc. Chuyện Tết cứ râm ran. Mưa phùn là cái cớ để cả nhà ở nhà bàn chuyện Tết. Không còn gì sướng bằng những lúc ngoài trời mưa lay lắt như vậy mà ngồi bên bếp lửa, giơ hai bàn tay lạnh cóng hơ bên bếp rồi đặt vào má, vào dái tai mà xoa xuýt, hít hà. 
          Ngày trước, mưa phùn làm cho đường làng trơn trượt. Bao người ngã ậm oạch vì mưa. Chúng tôi đi học cũng thế. Đã rét rồi, đường lại trơn nữa chứ. Nhiều đứa ghét mưa phùn lắm. Thế mà tôi vẫn cứ thích mới lạ. Nhìn những giọt mưa long lanh đậu trên má ửng hồng của lũ con gái đang co ro vì rét tôi rất thích. Hình như mưa và rét làm cho chúng xinh hơn lên thì phải? Giá mà tôi biết làm thơ hay là họa sĩ thì tốt quá. Cái giai điệu, sắc màu mưa phùn ấy có lẽ chỉ có tôi nhận ra. Bây giờ, đường làng bê tông hóa, còn sợ gì mưa phùn trơn trượt nữa. Ước gì trở lại ngày xưa để tôi ngắm khuôn mặt em hồng hào, xuýt xoa trong gió bấc mưa phùn!
          Đêm, mưa phùn tí tách rơi ngoài vườn, dẫu có trùm kín chăn tôi vẫn nghe thấy cây cối rì rào trò chuyện. Chúng đang chờ xuân đến để đâm chồi nảy lộc. Mưa phùn chính là yếu tố, là tác nhân đánh thức cái ngủ đã lười biếng nằm lỳ trong cây trong suốt 3 tháng mùa đông. Những cây xoan, cây đào và bao loài cây khác nữa, trơ cành khẳng khiu, gầy gò kia như đang cố hứng lấy những giọt mưa phùn sau bao tháng khô hạn để kịp nhú những mầm xuân đầu tiên cho một mùa trổ hoa. Mưa phùn như một khúc nhạc dạo đầu của ông trời trước thời khắc lập xuân, chuyển sang năm mới để bản tình ca mùa xuân thêm náo nức tưng bừng. Mưa phùn gió bấc buồn tê tái nhưng có lẽ cái buồn ấy chuẩn bị cho những gì sắp đến rồi đi, rồi tàn phai theo ngày tháng. Hết mưa là lại nắng lên thôi. Đó là quy luật. Bất chợt tôi nhớ tới câu kết của Bài ca Hy vọng của nhạc sỹ Văn Ký: “Gió mưa, buồn thương, mùa đông và mây mù sẽ tan”. Ôi, dạ khúc mưa phùn thương yêu của tôi.
          Em ở phương Nam chẳng có mưa phùn, cũng không nhiều rét. Chẳng biết em còn nhớ mưa phùn xưa ngày chúng mình đi học? Mưa vẫn đang rơi rơi nơi đây. Gió mùa đông bắc lại mới tràn về rồi đấy. Ai đưa tháng chạp về để bây giờ em đâu bỏ mình tôi da diết với mưa phùn?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét