Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

HOA SỮA




Chẳng thể nào nồng nàn hơn nữa đâu
Cả phố sáng nay ngạt ngào hương hoa sữa
Thơm gió, thơm sương, thơm cả từng hơi thở
Bồng bềnh thơm trong mái tóc em thơm

Cứ hít hà cho lồng ngực căng hơn
Không phải rượu mà sao say chuếnh choáng?
Ngước nhìn kìa, vòm cây xanh bừng sáng
Hoa sữa nở rồi trôi trong mơ chơi vơi

Muốn gọi toáng lên: Em ơi! Em ơi!
Phương trời ấy có nồng nàn hoa sữa?
Chẳng biết giờ này em có nhớ
Nụ hôn đầu thơm đến thế này chăng?

Sớm mai này sương mờ ảo giăng giăng
Đổ hương sữa tràn khắp nơi quấn quýt
Trời se lạnh càng nhớ em da diết
Cuối thu rồi em có về không?

Ngày 8-10-2013

Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

ĐỪNG TRÁCH MÙA THU



alt

Khắc khoải thế tiếng chim gù

Thôi đừng trách nữa mùa thu, thôi đừng

Bỗng dưng lại nhớ người dưng

Gió hiu hiu gió, buồn lưng lửng buồn



Thôi đừng tầm tã mưa tuôn

Khóc Ngâu bởi cánh chuồn chuồn thu rơi

Lá vàng bởi tiếng à ơi

Sông gầy bới cảnh bãi phơi nắng vàng



Cây buồn bởi mây lang thang

Giật mình đêm!

                    Bởi lỡ làng lời ru

Thôi đừng trách nữa mùa thu!

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

VIẾT SAU RẰM TRUNG THU

 

Muốn viết một cái gì để tiễn trung thu
Sao cứ ngồi ngay đơ trước màn hình vi tính?
Lỗi nhịp con tim hay tâm hồn bất định?
Đã lại chiều rồi ư, thu ơi, thu ơi?

Trời vẫn xanh, mây lang thang trôi trôi
Em xa tít, chốn chân trời góc bể
Như mọi chiều, chiều nay vẫn thế
Chỉ lạnh hơn se sắt gió heo may

Trống ếch rộn ràng như vẫn đâu đây
Tôi tìm em thêm một trung thu nữa
Vẫn không thấy, vẫn chỉ còn một nửa
Chẳng "hú oà", vẫn tay trắng bơ vơ...

Thắp đèn ông sao, nhặt chữ làm thơ
Không viết được, chỉ thấy trò đuổi bắt
Thu đã sang chiều, tôi vẫn ngồi ngơ ngác
Em ở phương nào thương nhớ của tôi ơi?

                                      Sau rằm Trung Thu Quý Tỵ

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

XIN ĐỪNG MƯA NỮA!


                         


Thế là mưa cũng ngớt rồi  
Nghe tin lở núi, sạt đồi mà kinh  
Ngồi phòng lạnh, xem truyền hình  
Thương quê ngập úng, mái đình nhoà mưa?

Mẹ đi cứu lúa về chưa?  
Đòng đòng chới với, phất phơ trắng đồng  
Cha còn lặn ngụp bến sông  
Hồ ao lũ cuốn chắc không còn gì?

Bước cao bước thấp em đi  
Tối đêm bì bõm, ầm ì mưa rơi!
Cái cò ướt sũng tả tơi  
Xin đừng mưa nữa trời ơi! Xin đừng..!

                            Cả ngày và đêm mưa 4/9/2013

Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

BÁNH ĐÚC BÀY SÀNG


alt

          Tự nhiên đêm qua tôi mơ được ăn bánh đúc. Lâu lắm rồi tôi mới lại được thưởng thức cái hương vị nồng nồng, ngòn ngọt của loại bánh này. Cầm miếng bánh cắt hình bình hành từ mẹt lót lá chuối tươi lên, tôi ngắm nghía không chán mắt. Đang định chấm miếng bánh vào bát tương để ăn thì đùng một cái, có cơn gió thật to thổi bay mất. Tôi chới với chạy theo rồi vấp ngã. Thế là tỉnh giấc. Thế là bị mất bữa bánh đúc ngon trong mơ.
          Thuở còn nhỏ, mỗi lần mẹ đi chợ là anh em tôi lại mong lắm. Đứa lớn bế đứa bé đứng ở đầu ngõ ngóng chờ mẹ về. Bao giờ cũng thế, khi mẹ gánh đôi quang thúng về ngõ là chúng tôi thi nhau lục quà của mẹ. Khi thì túi kẹo bột. Lúc thì gói bánh đúc. Hôm khác lại bánh đa. Nhưng có lẽ khoái hơn cả là những miếng bánh đúc còn dính lá chuối xanh thơm ngầy ngậy, màu vàng đục với những hạt lạc bám quanh. Bụng đang đói mà được ăn một miếng bánh đúc thì đúng là không còn cái khoái nào hơn. Quà quê ngày đó chỉ những thứ ấy mà ấn tượng với tôi đến tận bây giờ.

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

CHIỀU KHÔNG TẮT NẮNG (chương 10)



10
Tiến độ gặt mùa và giao nộp thuế đang thuận lợi thì ban quản trị nhận được nhiều đơn đề nghị “xét giảm” của các đội sản xuất. Cánh đồng trũng, giống bao thai cấy muộn vụ này tưởng khá nào ngờ khi trỗ gặp bão cuối mùa cộng với rét sớm đã “há mồm” ra cả lũ. Hết tháng mười ta rồi mà bông lúa vẫn chẳng ngậm được đòng cứ chơ chơ chỏng ngược lên trời. Có thửa còn bị sâu đục thân, sâu cắn gié phá hoại bông nào bông ấy trắng bệch cả ra. Đã vậy, đầu tháng rồi trận gió mùa đông bắc tràn về sớm đã làm cho cây lúa đổ rạp hết cả lượt. Những bông lúa ngắn tũn cố ngóc đầu lên mà vẫn không thoát khỏi mặt nước lấp xấp, lênh láng. Kiểu này rồi thì lửng lép hết. Trông vào mấy hạt thóc mẩy thì chúng lại có nguy cơ mọc mầm. Nhìn những thửa ruộng đó ai cũng cảm thấy xót ruột.  
Chủ nhiệm Hải đau đầu trước tập đơn xin “xét giảm” do Quý, phó chủ nhiệm đưa lại. Dự kiến ngày công phương án vụ này đang ở mức tám lạng, hơn vụ trước hai lạng lại đang có nguy cơ đổ vỡ. Ngay từ đầu vụ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của thường vụ xã, ban quản trị đã phổ biến chủ trương không “xét giảm”. Thực tế thời tiết vụ này so với các vụ trước cũng thuận lợi hơn, lúa đều và khá hơn. Kết quả gặt thống kê cũng chứng tỏ điều đó. Năng xuất các trà lúa đều cao hơn năng xuất khoán. Cứ theo số liệu ấy thì lợi ích của xã viên cũng sẽ bảo đảm. Như vậy, sản lượng chung của hợp tác xã sẽ đúng như kế hoạch dự kiến. Quản lý chặt khâu duyệt công điểm chắc chắn giá trị ngày công sẽ được nâng lên. 

CHIỀU KHÔNG TẮT NẮNG (chương 9)



9
 Loan quấy quả xuống sông gánh nước để tưới nốt luống rau cuối cùng. Đôi ô roa toòng teng trên vai chị rớt những giọt nước xuống làm lối đi nhão nhoét. Nhanh thế. Đã sắp tối rồi. Bờ bên kia khói bếp, hơi sương quyện với nhau làm thành một dải mây mỏng tang như chiếc khăn voan lượn lờ quấn lấy bờ tre, rặng chuối. Cả mặt sông cũng thế. Làn sương mỏng nhờ nhờ dắt những con thuyền như trôi vào huyền ảo. Tiếng gọi nhau í ới, tiếng sóng nước vỗ vào bờ oàm oạp, tiếng ai đó giặt quần áo vỗ đập bì bõm... tất cả những âm thanh ấy trộn vào nhau loang ra trên mặt sông. Mấy luống cải đang trổ ngồng sắc hoa vàng suộm trong ánh hoàng hôn. Cây đa từ cuối bãi bóng đổ dài theo bãi soi trùm lên cả lối đi của chị. Vạn vật hai bên bờ như dài ngoẵng ra nằm ườn lên hết cả mặt bãi. Vũ trụ đang bò dần vào ranh giới giữa ngày và đêm. Vạt rau nhà chị theo nải sông, trải dài từ sát mặt nước lên đến bờ trông như tấm thảm vàng ai bỏ quên ở bến.
Làng chị mùa này sống nhờ vào những thước soi rau. Mùa cạn, lòng sông thu hẹp lại. Nước sông lùi ra mãi tít ngoài kia để lại hai bên bờ những vạt đất trống. Dân làng thi nhau chiếm những khoảng đất đó để trồng rau. Vì là đất không ổn định, luôn thay đổi theo dòng nước nên hợp tác xã chẳng quản lý làm gì. Từ xưa cũng vậy. Tuy nhiên, chỉ từ khi có nghị quyết sáu “bung ra” người ta mới dám trồng rau màu trên những vạt đất đó. Trước kia, ai dám thế. Đất phù sa màu mỡ vậy mà chẳng ai dám động nhát cuốc nào. Rõ là đang mùa rau, đất đai thì bỏ không như thế mà nhà nào cũng phải ra chợ mua bắp cải, su hào mới tức chứ. Thì rau của đội chuyên rau hợp tác phân phối đủ làm sao được mà chả phải mua? 

CHIỀU KHÔNG TẮT NẮNG (chương 8)



8
 Chờ cho đoàn hoá giá đàn lợn về hết, Huê buông mình đánh phịch một cái xuống chiếc giường cá nhân trong căn phòng của trại. Thế là hết. Thế là xong. Từ nay chẳng còn phải lo lắng thức khuya dậy sớm vì lũ lợn ấy nữa. Hơn chục năm gắn bó với chuồng trại cám bã, với lợn với gà giờ cũng sắp sửa kết thúc. Hết cả mùi hoi nồng của lợn, mùi chua loét khẳm lặm của phân gà, phân vịt, cái mùi đặc trưng của trại mà nhiều hôm xa nó khiến cho Huê bỗng giật mình nhớ đến nôn nao. Cũng chẳng còn phải nghe tiếng lợn réo, gà kêu khi đến bữa nữa. Tất cả đang lùi về quá khứ. Còn hơn chục con lợn nái kia, chỉ tuần sau nữa thôi là nó cũng được thanh lý về theo chủ mới. Nghĩ đến đó, Huê tủi thân nước mắt cứ tự nhiên ứa ra.
Vào trại chăn nuôi từ năm hai mươi tuổi, trông đi ngoảnh lại Huê đã có chục năm theo đuổi gắn bó với nghề. Tiếng là nghề nhưng Huê đâu có được học đến đầu đến đũa. Hết lớp bảy, Huê được hợp tác xã La Hương cử đi học lớp sơ cấp chăn nuôi ba tháng. Tốt nghiệp xong, Huê về thì hợp tác xã cũ giải thể để thành lập hợp tác xã mới toàn xã. Là người có nghiệp vụ chăn nuôi duy nhất của năm hợp tác nhỏ nên cô được đảng uỷ, uỷ ban xã xếp ngay cái chân trại phó trại chăn nuôi của hợp tác xã lớn. Vốn tính nhanh nhẹn, hoạt bát, có khiếu ăn nói cộng với kiến thức đã học, Huê dần dần thay thế vị trí của bà trại trưởng. Cô giữ chân trại trưởng khi vừa tuổi hai lăm. Cả làng, cả xã ai cũng mừng cho Huê sớm có “địa vị” công tác. Quả thực, cô là điểm sáng trong việc tổ chức quản lý trại. Sản lượng thịt, trứng tăng dần qua các năm. Mấy năm dưới quyền Huê, trại hầu như không có dịch bệnh. 

CHIỀU KHÔNG TẮT NẮNG (chương 7)



7
 Từ ngày Dụ nhận chức phó chủ nhiệm hợp tác xã, công việc gia đình đổ tất lên đầu Loan. Gần mẫu ruộng, hơn hai sào soi khoán quản chị bơi không hết việc. Suốt ngày đầu tắt mặt tối ngoài đồng, tối về chị lại lo cơm nước lợn gà phục vụ chồng con. Lắm hôm, chị phải dậy từ ba bốn giờ sáng. Hôm thì xay thóc giã gạo, hôm thì băm bèo nấu cám lợn. Ba đứa con chị đều đang tuổi ăn tuổi học, chẳng đứa nào giúp được việc gì. Thế nên mới ngoài ba mươi tuổi mà trông Loan già xọm hẳn đi. Được cái, trời cho chị sức khoẻ cùng cái tính hay lam hay làm, nhẫn nhịn yêu chồng, thương con. Chị chẳng bao giờ kêu ca hay phàn nàn với ai về hoàn cảnh của mình. Người ngoài ai cũng bảo chị sướng, có chồng là cán bộ đứng hàng thứ hai của hợp tác, chỉ sau có mỗi chủ nhiệm Hải. Ba đứa con chị, trai có, gái có, đều ngoan và học giỏi. Thằng cả đang theo học cấp ba. Ở làng chị, người học lên cấp ba ít lắm. Thế nên, mặc dù rất vất vả song chị vẫn động viên Quân, đứa con đầu yêu quý nhất mực của chị tập trung vào việc học hành.  

CHIỀU KHÔNG TẮT NẮNG (chương 6)



6
           Trụ sở hợp tác Hợp Nhất hôm nay người ra người vào khá tấp nập. Phòng chủ nhiệm Hải đang có khách của huyện. Quý, phó chủ nhiệm trồng trọt đang cùng ông Hải tiếp khách. Mấy vị trên phòng nông nghiệp huyện về kiểm tra tiến độ thu hoạch vụ mùa, làm phương án và kết quả gặt thống kê của hợp tác xã Hợp Nhất. Phòng bên, ban kế toán đang giải quyết các chứng từ thu chi xuất nhập với xã viên. Hôm nay là ngày giao dịch nên suốt từ lúc mở cửa trụ sở đến giờ người ra kẻ vào khá đông. Đông nhất vẫn là chỗ ông Huân, kế toán viên phụ trách ngành nghề. Biết hợp tác xã vừa ra mấy lò gạch nên các hộ thi nhau đến đòi nợ. Ai cũng chìa chiếc phiếu thu tiền mua gạch từ đời nảo đời nào của ban quản trị các khoá trước ra trước mặt ông Huân để đòi được ưu tiên phiếu xuất. Nhiều người bức xúc quá cáu om lên.
- Tôi mua gạch cách đây bốn năm rồi, đi năm lần bảy lượt mòn cổng nhà các ông, chai đít ở trụ sở mà vẫn chưa được viên gạch nào là thế nào? Định xây cái chuồng lợn mà đào móng đi, đào móng lại mấy lần cuối cùng vẫn không xong. Các ông làm ăn thế à?
- Bà mới có bốn năm. Tôi đây này, sáu năm rồi, từ đời ông Cát chủ nhiệm cơ. Ông ấy chết đã ba năm rồi, sang đến tiểu rồi mà tôi vẫn chưa có gạch nhé.
- Thì bà theo ông ấy mà đòi - Người kia vặc lại.
- Ông nói thế mà được à? Bảo bán gạch lấy tiền để Đại hội hợp tác xã, Đại hội xong sẽ trả thế mà giờ đã qua ba cái Đại hội rồi vẫn chỉ có mỗi tờ giấy này thôi đấy. Hợp tác với chả hợp te. Sốt cả ruột.
Bà Cúc vừa nói vừa giơ cái tờ phiếu thu nhàu nát dí sát mặt ông Huân. Ông Huân bực quá gắt:
- Các ông, các bà có bình tĩnh cho tôi làm việc không? Gạch ít, nợ nhiều phải để cho chúng tôi trả dần chứ?
- Dần. Dần đến bao giờ. Sao lúc thu tiền lo việc thì nhanh thế?
- Tôi chỉ là người giúp việc - Ông Huân nổi cáu - Các vị sang mà hỏi ban quản trị.

3 THI SĨ, 300 CÂY SỐ VÀ 3 GIỜ HỘI NGỘ



       lưu 
       Biết tin tôi đi trại sáng tác ở Vũng Tàu, cũng chỉ qua mạng thôi, anh Nghiêm Khánh đã comment bài viết “Nụ hôn biển” trong trang của tôi rằng “Biết tin từ những chiếc còm”, bạn mình đang ở Vũng Tàu nhưng không biết có lịch trống không để mình ra chơi với bạn cho thoả chí? Mà không có thông tin? Giờ phát hiện bạn có thêm nụ hôn mới tặng đời nên ghé thăm tiện thể trình bày nguyện vọng như thế, không biết có được chăng?”. Ối giời ơi! Anh khiêm tốn quá. Cứ làm như là tôi cao xa quá vậy. Còn gì hơn đi xa mà có bạn đến thăm nữa cơ chứ? Tôi liền “alô” cho anh ngay. Hẹn anh sau chuyến ra Côn Đảo thì trân trọng mời anh và một số văn nghệ sỹ Tây Ninh tới thăm. Tôi nhắc anh mời giúp anh Tài, Nhã My đi cùng, nếu còn chỗ thì mời giúp ai nữa mà anh thân cho vui. Anh bảo “Dứt khoát sẽ gặp bạn. Lần trước xin gặp ở sân bay Tân Sơn Nhất không được rồi, lần này phải gặp được nhau đấy nhé”. Chả là lần trước tôi dẫn đoàn đi thăm các tỉnh miền Tây Nam bộ, tới mũi Cà Mau, anh theo dõi trên mạng thấy vậy muốn được gặp tôi trước lúc tôi lên máy bay về nhưng hôm đó, tôi đổi lịch đi Vũng Tàu thế là anh em tôi không gặp nhau được.
            Chưa biết mặt mũi anh thế nào, đọc thơ văn anh trên blog thấy cũng thú vị và đáng yêu lắm. Anh khiêm tốn, đôi lúc hình như còn tự ti nữa thì phải. Ngay trước nhà blog của anh, anh đã treo “Người yêu thơ và mới tập làm thơ. Hiện đang sinh sống công tác ở Long Hoa, Tây Ninh”. Qua tìm hiểu bạn bè, biết anh công tác ở ngành kiểm sát, nhà rất khá giả, có xe riêng và rất yêu thơ, quảng giao và cũng có máu…phượt như tôi. Anh thường tự lái xe tổ chức nhiều chuyến đi tham quan cùng một số văn nghệ sỹ bạn bè của anh. Con người này, chỉ ngần ấy thông tin tôi cũng cảm thấy “chơi” được. Thế nên, còn gì bằng chuyến đi này tôi được gặp anh. 

Thứ Ba, 11 tháng 6, 2013

MÙA HOA LỘC VỪNG



Bất chợt sớm nay, cây rùng mình, hoa nở
Những sợi buông như mưa rơi rơi
Và trong anh bỗng cồn cào nỗi nhớ
Lại mùa hoa lộc vừng em ơi!

Ta lạc nhau quá nửa đường đời
Nhớ mùa lộc vừng xưa rắc hoa thơm mái tóc
Em ngúng nguẩy đuôi gà, mấy lần chực khóc
Khi anh ngắt lộc vừng tung tứ phía lên mây

Nụ hoa xâu chuỗi ngọc còn đây
Sai lộc thế mà anh nghèo - vẫn thế
"Mở cửa vừng ơi!", em chân trời góc bể
Ván đóng thuyền rồi, vòng cầu hôn vô duyên

Lã chã cánh hoa rơi vào lãng quên

Đỏ ký ức cả một vùng rướm máu  
Chẳng còn chỗ cho ngày xưa nương náu  
Cứ buông nở hết mình đỏ thắm lộc vừng ơi!

Lại một mùa hoa nữa đến rồi  
Không có em hoa cứ buồn trong gió
Không đung đưa, không rì rào thắm đỏ  
Ngơ ngác nhìn anh trong mưa rơi rơi...


                             Ngày 11 tháng 6 năm 2013

Thứ Tư, 5 tháng 6, 2013

CHỜ ÁNH ĐÈN EM



 
Sao mới vừa loé lên đã lại tắt phụt rồi?
Cái đốm xanh nhỏ nhoi, phía bên phải màn hình là em đó
Làng facebook có bao nhiêu ngôi nhà bé nhỏ
Anh mơ về phương em
Đêm
Hằng đêm
Anh mỏi mắt kiếm tìm
Ánh đèn em, ngôi sao đêm nhấp nháy
Ngôi sao trên trời thì thấy
Ngôi sao màn hình - em đâu?
Ăm ắp nỗi buồn ở phía không nhau
Làng Facebook vắng em lại càng buồn thêm nữa
Riênh anh, bảy vía ba hồn kéo nhau bay ra ngoài khung cửa
Bỏ lại cái bóng đen sì - cái bóng của anh đây
Bao ngôi nhà đèn sáng đêm nay
Ơi làng "Phây"
Sao nhà em đèn tắt?
Chong chong đôi mắt
Chong chong ngọn đèn
Anh chờ em
Chờ em
Chờ
Em...

                          Đêm 03-6-2013

Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

CHIỀU KHÔNG TẮT NẮNG (chương 5)



5
           Từ ngày nhận chức đội trưởng đội xe trâu hợp tác ông Dẫn hoạt bát hẳn lên. Mọi công việc chủ nhiệm giao cho đội xe ông đều hoàn thành một cách nhanh chóng. Đặc biệt, chiến dịch chở thóc giao nộp thuế cho Nhà nước nhờ có đội xe trâu của ông mà tiến độ nhanh hơn hẳn các vụ trước.
          Phải nói rằng sự tái lập đội xe và việc ông được giữ chức đội trưởng đội xe “vô lăng dây” này công lớn là nhờ phó chủ nhiệm Dụ, thằng em trai láu lỉnh của ông. Không có Dụ thì đừng bao giờ ông mơ được cái chân “lái xe trâu” chứ đừng nói đến cái chức đó. Thời buổi “5 khâu, 3 khâu” nhà nào có được con trâu thì chỉ có nhất. Ngoài việc đội chuyên làm đất cày bừa ruộng cho nhà mình ra, gia đình có trâu còn tranh thủ con trâu đó để cày đi, bừa lại cho kỹ, rồi còn phân của nó nữa tha hồ mà bón ruộng bảo sao mà lúa không tốt. Hơn nữa, còn nhiều việc khác nhờ có con trâu mà tiện lợi thêm bao nhiêu lần. Nào chở phân gio ra đồng, nào chở lúa ngô khi thu hoạch về nhà, xe quệt, xe cải tiến không có con trâu làm sao mà kéo được. Người khác oằn vai, è cổ ra mà gánh gánh gồng gồng, đằng này có trâu cứ vô tư gặt hái, trưa xếp lúa lên xe quát một câu là trâu nó cõng về tận nhà. 

CHIỀU KHÔNG TẮT NẮNG (chương 4)



4
           Mới bảnh mắt trời đã oi bức, ngột ngạt đến khó chịu. Rôm sảy thi nhau cắn đốt khắp người. Mồi hôi dấp dính, Dụ đưa tay gãi sồn sột. Chắc lại cắp có bão. Vừa trên giường lăn xuống đất, Loan, vợ Dụ đã nhấm nhẳn: “Anh dậy sớm nhớ tắm cho con lợn. Oi bức thế này người còn không chịu được nữa là nó”.  Dụ rọ roạy, hai tay bo đầu, trở mình nằm quay mặt vào trong. Loan vừa vấn tóc vừa nói: “Cửa nhà cơ nghiệp trông tất vào nó đấy. Nó mà ốm thì treo niêu”. “Biết rồi! Lải nhải mãi!”. Dụ bực dọc cằn hằn. “Biết vưỡn phải nói - Vợ Dụ chặn họng - Em tranh thủ chạy chợ kiếm thêm mấy đồng đóng học cho con. Nhớ tắm cho nó cẩn thận vào”. Nói xong Loan quày quả đôi quang thúng ra ngõ. Dụ uể oải vươn vai, ngoác miệng ngáp một cái rõ dài rồi mới bước khỏi giường.
          Cắm máy bơm, bóp bẹp đầu ống dẫn, Dụ chĩa vòi nước vào con lợn nòi to như con bê đang đứng choán hết cả gian chuồng. Áp lực bơm khá mạnh nước phun ra re re. Lúc chuyển tay, tia nước bắn vào chân rát ràn rạt. Mát thật! Tỉnh cả người! Có vẻ thích thú con lợn đứng yên để cho Dụ phụt nước. Khoái quá, nó rên lên ụt ịt, lắc lắc cái đầu, vẫy đôi tai để những giọt nước bắn ra tung toé. Bụi, phân trên người nó theo tia nước rơi lả tả xuống nền xi măng. Dụ chĩa vòi nước dồn tất cả rác rưởi, bùn đất xuống hố phân.

CHIỀU KHÔNG TẮT NẮNG (chương 3)



3

 Trại chăn nuôi của hợp tác xã nằm ở chân đồi toàn sim mua lau lách. Trước kia vạt đồi này là cánh rừng khá rậm rạp, sau đó người ta phát đốt để làm nương sắn. Được mấy năm đầu sắn khá tốt. Mỗi gốc chí ít cũng được ba bốn cân củ. Dần dần, nước mưa xói mòn, đất màu trôi hết trơ lại toàn sỏi son. Cây sắn le ve bằng cái xe điếu. Đang mùa mưa đáng ra lá sắn phải xanh ri, rậm rịt, kín đất vậy mà nhìn vào nương sắn vẫn thấy khẳng khiu cành lá, trơ ra cả đất. Cỏ cũng chẳng mọc nổi. Củ sắn giờ chỉ là những cái rễ dài loằng ngoằng, dài hơn cả thân cây. Chán quá, người ta đành bỏ đất hoang. Cỏ tranh, sim, mua được dịp mọc lại. Tưởng có nghị quyết sáu “bung ra” cho phép mọi người khai hoang, phục hoá trồng cấy sẽ có người đến canh tác lại vạt đồi này nhưng cũng chẳng có ma nào ngó tới. Thế nên, mấy căn nhà của trại chăn nuôi vốn đã lụp sụp rồi giờ bị chìm lút trong cỏ hoang trông lại càng điêu tàn hơn.
Khu chuồng lợn trống huơ trống huếch. Mái ngói xập xệ. Đòn tay dui mè có gian mọt gãy cảm tưởng như khẽ động vào là xuống cả mái. Ngói vỡ xếp thành đống trên nền chuồng. Cỏ tranh, cây cứt lợn mọc vào cả hố phân, chọc qua cả nền xi măng thi nhau ngóc đầu xanh tốt. Gian kho thức ăn ẩm mốc mùi rất khó chịu. Khu bể chứa, chỗ nấu cám lợn tanh bành. Cả một khu ba dãy chuồng, hai dãy nhà và kho đều ở trong tình trạng ấy. Duy chỉ có khu tập thể là còn khả dĩ hơn.

CHIỀU KHÔNG TẮT NẮNG (chương 2)



2
         
           Thực hiện chủ trương “tiến lên sản xuất lớn” của Đảng, năm 1976, các hợp tác xã nông nghiệp theo quy mô làng của xã Tân Phong đã được hợp nhất lại thành một hợp tác xã với quy mô toàn xã. Chưa bao giờ khí thế làm ăn lớn lại hừng hực như giai đoạn này. Ai cũng kỳ vọng vào sự ăn lên làm ra, sự hỗ trợ tương tác lẫn nhau giữa các hợp tác xã nhỏ trong một hợp tác xã lớn. Vùng lúa năng xuất cao ư? Có Đại Hải. Cần ngô xuất khẩu ư? Có Biên Giang. Cần thịt lợn, thịt gà ư? Hợp tác La Hương đầy. Cần gạch ngói, vôi cát ư? Về Ngọc Hoà không thiếu. Muốn có gỗ, tre lâm sản ư? Ngược lên đầu xã đến hợp tác Lâm Hữu mà lấy. Chao ôi, thế mạnh của các hợp tác xã cùng trong một xã như vậy mà bấy lâu nay sao chẳng ai nhận ra nhỉ? Ấu trĩ quá. Manh mún quá. Cứ tách rời nhau để làm ăn nhỏ lẻ thế này bao giờ cho Tân Phong mở mày mở mặt lên được?
Khi có chủ trương của trên về đổi mới các hợp tác xã nông nghiệp, đưa nông nghiệp tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, lúc bấy giờ mọi xã viên trong năm hợp tác xã trên đều cảm thấy cần có nhau. Ai cũng muốn có gạo trắng, thịt ngon, có gạch hồng, ngói đỏ của hợp tác này, hợp tác nọ. Cái mà trước kia chỉ hợp tác ấy mới có thì nay đã là của hợp tác xã mình rồi. Phải dựa vào nhau mà sống, mà làm giàu chứ. Thế là, khi đảng bộ xã đưa ra nghị quyết sát nhập các hợp tác xã nông nghiệp của các làng lại với nhau thì từ cán bộ đến xã viên, từ Lâm Hữu đến Ngọc Hoà, từ Biên Giang đến Đại Hải ai ai cũng nhất trí liền. Được cái tài sản vốn liếng của cả năm anh này cũng sàn sàn như nhau nên chẳng ai quan tâm lắm đến việc vốn nhiều hay vốn ít khi hợp nhất. Với lại, đó là của tập thể có phải ở trong túi ai đâu mà suy tính. Hơn nữa, đây là góp lại với nhau để làm ăn lớn cơ mà, ai lại tính toán chi li làm gì? Ý thức tập thể, tinh thần xã hội chủ nghĩa để đâu?  Trước kia cá thể vào hợp tác xã phải đóng cổ phần, góp ruộng đất, trâu bò còn chẳng cân nhắc tính toán nữa là. Thế cho nên cái sự hợp nhất năm hợp tác xã nông nghiệp lên quy mô toàn xã của xã Tân Phong diễn ra thật chóng vánh, thuận lợi. 

CHIỀU KHÔNG TẮT NẮNG (chương 1)



1
 
          Cuộc họp ban quản trị hợp tác xã chiều nay làm Dụ trằn trọc mãi không sao ngủ được. Trở mình hết bên nọ lại bên kia hai mắt Dụ vẫn chong chong. Tức thật! Thế này thì tức thật! Cái lão Trung trưởng ban kiểm soát lại dám hoạnh hoẹ mình trước cuộc họp mới tức chứ! Chủ nhiệm chẳng nói gì thì thôi đằng này lão ta lại đưa cái việc tậu trâu kéo cho hợp tác xã của mình ra giữa hội nghị bảo sao mà không tức. Nào là “đồng chí Dụ tự ý quyết mua năm con trâu kéo khi chưa có nghị quyết của ban quản trị là sai, là vi phạm chế độ làm việc tập thể”. Nào là “năm con trâu đó chẳng hơn gì số trâu mà hợp tác xã đã có”. Lại còn giá cả nữa chứ. Lão làm cứ như là mình ăn lờ lãi ở đây nhiều lắm ấy.
          Cũng phải công nhận cái lão ma xó này tinh, y như lão nằm trong bụng mình vậy. Mọi động tác, mọi việc làm của Dụ không qua được mắt lão. Kể ra như người khác thì Dụ cũng “phân phối” cho lão một ít, đằng này lão lại khăng khăng phản đối khi Dụ vừa gợi ý. Chết là chết ở cái chỗ ấy. Lão nắm được thóp mình cũng ở cái chỗ ấy. Biết thế chẳng hở ra cho lão thì hơn. Cũng may, Dụ cũng chỉ mới nói gần nói xa thôi chứ chẳng có bằng cớ gì để cho lão diệt mình.

Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

SỰ CỐ NHẠC CHỜ

       alt

       Đua đòi với bàn dân thiên hạ, Choẽ bò em quyết định sắm cái điện thoại di động. Biết được ý định này của em, vợ em phản đối ghê lắm. Nào là: gọi cho ai? Ai gọi cho? Có ma nào để ý đến cái lão chăn bò như ông mà “alo” với chả “a liếc”. Suốt ngày trên đồi, theo đít đàn bò thì cần gì phải điện thoại di động? Mặt vợ tôi cong vênh. Môi bà vẩu lên. Mắt bà hấp háy có vẻ khiêu khích. Được lúc, bà ấy nghệt mặt ra: “Hay là ông tình ý với con nào nên di động để cho dễ trò mèo chuột? Nói đi. Khai mau ra đi. Đừng có bịt mắt gái già này. Ông cứ liệu cái thần hồn với tôi”.
        Khổ thế cơ chứ! Đúng là đàn bà. Hơi tí thì ghen lồng ghen lộn lên. Mà có cái gì để ghen? Nghĩ thì chỉ được cái nghĩ ngắn. Cả làng người ta “di động” kia kìa, bà biết chửa? Mang danh là hộ sản xuất kinh doanh giỏi thế mà vưỡn đếch có cái điện thoại di động. Bò nhiều để làm gì? Giàu mà làm gì? Giàu mà không sang thì cũng vứt nha! Ở đời, nhiều khi cũng cần phải có cái mác, phải tạo dáng. Chẳng thế ai biết anh là ai? Chưa chi đã gầm lên! Bực cả mình! Lũ trẻ nhà em thì ngược lại, chúng vỗ tay hoan hô ủng hộ bố. Thế là em quyết luôn cái “NÓ KÌA” đời mới nhất các bác ạ.
        Kể ra đầu tư vào cái đó thì nó cũng hơi bị phí vì đi chăn bò thì di động để làm cái quái gì cơ chứ? Kệ. Em cứ trang bị. Thời buổi công nghệ thông tin không có di động nó yếu lính đi. Đi đâu có cái di động nó tự tin hơn lên rất nhiều. Chả thế, cánh ca sĩ, “sâu bít” gì đấy chúng còn chơi đồng hồ đeo tay tiền tỉ, áo quần, váy, nhẫn tiền triệu đô cả. Chẳng qua cũng chỉ là muốn khẳng định thương hiệu cho mình mà thôi các bác nhỉ?

Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2013

SAO LẠI THI VÀO NHỮNG NGÀY NÀY?



 

Trời ơi! Sao lại thi vào những ngày này?
Khi tiếng ve ran trên những vòm cây nức nở
Khi tím ngắt bằng lăng và cháy trời phượng đỏ
Khi tuổi học trò dùng dắng sắp trôi qua

Buổi học cuối cùng tan lớp chẳng ai ra
Những ánh mắt nhìn nhau thảng thốt
Cô bé ơi, hình như em chực khóc?
Mười hai năm đèn sách hết rồi ư?

Giấu gửi cho em, nhận nhé một trang thư
Trong ngăn bàn đó, chỗ của me, xoài, ổi
Chẳng sin, cost đâu, chỉ những câu thơ viết vội
Và cánh phượng hồng ép trong sổ này đây

Sao lại thi vào những ngày này?
Khi bao nhiêu điều vẫn còn đang ấp ủ
Tiếc quá những ngày qua để bây giờ dang dở
Điên hết cả đầu đừng kêu nữa ve ơi!

Xin thời gian dừng lại, đừng trôi
Đừng thi nữa, dành mực tím để bằng lăng tím nữa
Dành mực đỏ, dấu son cho phương hồng rực lửa
Cháy bùng lên sáng mãi những ngày này

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (KHÚC VĨ THANH - chương cuối)



KHÚC VĨ THANH

Kể từ ngày đó, Huân đi biền biệt. Bảy năm trời không một dòng tin của Phương, của quê nhà. Chiến dịch này nối tiếp chiến dịch kia, địa chỉ thay đổi liên tục, cho nên thư từ bị thất lạc. Mấy năm đầu, Huân thường xuyên viết thư cho Phương. Về sau, anh không viết nữa, chỉ có ghi nhật ký. Quyển nhật ký của anh dày cộp, nặng trong ba lô. Huân nâng niu giữ nó chỉ có sau khẩu súng. Tôi, người bạn thân nhất của Huân, được Huân tin tưởng kể cho nghe về mối tình của anh bên dòng Lô lịch sử một cách say sưa nhất. Trong trí tưởng tượng của mình, tôi mơ màng nghĩ về Phương và trân trọng mối tình của họ.
Ngày 29-4-1975, Huân đã ngã xuống trước cửa ngõ Sài Gòn. Một quả pháo đã bắn tới chụp lên người Huân trong lúc cả đơn vị đang tấn công đồn giặc. Tôi bò tới bên Huân. Người anh bê bết máu. Tôi vòng tay ôm Huân. Anh từ từ mỏ to đôi mắt nhìn tôi. Giọng Huân thều thào: “Đạt ơi, tao chết mất. Mày giữ giùm tao quyển nhật ký. Khi nào giải phóng mày nhớ về sông Lô tìm Phương. Đưa cho… cô… ấy…nhé”. Nói xong Huân nhắm mắt lại. Tôi ôm chặt lấy Huân: “Không. Mày phải sống. Mày phải về với Phương”. Huân lại mở mắt ra đờ đẫn nhìn tôi. Anh nở một nụ cười và thều thào nói: “Muộn mất rồi... Ở lại mạnh giỏi nhé! Anh… đi đây… Phư…ơng… Phương… ơ… ơi!”. Huân ưỡn mình một cái rồi ngoẹo cổ trên tay tôi. Tôi ghì chặt lấy thi thể của Huân và gục đầu lên ngực bạn. Người tôi rung lên những tiếng nấc nghẹn ngào. 

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (chương 32)



32
Đò cập bến. Ông Thạc và Phương vội vã lên bờ. Hai người náo nức. Ai cũng muốn về nhà thật nhanh để loan báo cho mọi người biết không khí của cuộc họp Quân khu đồng thời vừa tránh được giờ cao điểm máy bay. Báo cáo của ông Thạc, của Phương được hội nghị đánh giá cao. Không ngờ sáng kiến phá bom trên sông Lô nói riêng và kinh nghiệm tổ chức phá bom nói chung của xã Chí Đám lại được cả hội nghị lắng nghe và hưởng ứng đến thế. Giờ giải lao, các đại biểu còn tranh thủ hỏi thêm hai người những chi tiết mà họ quan tâm. Thủ trưởng Quân khu kết luận hội nghị biểu dương cán bộ chiến sỹ dân quân xã Chí Đám đã phát huy tốt truyền thống sông Lô lịch sử lập chiến công mới trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và phát động phong trào thi đua toàn quân khu học tập Chí Đám.
Đáng ra, sau hội nghị, các đại biểu sẽ dự một lớp tập huấn mấy ngày nữa song do kế hoạch thay đổi, chương trình được rút ngắn lại. Vì vậy, ông Thạc và Phương được về sớm hơn kế hoạch ba ngày. Thực chất, Phương cũng nóng ruột lắm. Tự nhiên mấy ngày qua, ruột gan cô cồn cào như có lửa đốt. Hai tai cô nóng bừng. Cô hắt hơi liên tục. Ông Thạc cũng thế. Vừa lo nước lụt, vừa lo hàng lên. Và hình như có cả điều gì đó khiến ông và Phương cứ bứt rứt khó chịu. Họ chỉ muốn về. Cho nên khi nghe ban tổ chức lớp học tuyên bố rút ngắn thời gian tập huấn, hai người thở phào và tan lớp họ bắt xe về ngay.

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (chương 31)



31
 Sáng nay, trời quang mây tạnh. Không còn u ám như mấy hôm trước nữa, bầu trời đã được trả lại màu xanh và ánh nắng ban mai. Ngoài sông nước bắt đầu rút. Trong vườn chim chóc hót véo von đón chào một ngày mới.
Huân bần thần gấp quần áo cho vào ba lô. Ông Hiếu ngồi trầm tư quan sát Huân. Thỉnh thoảng ông lại rít một điếu thuốc lào kêu rong róc phá tan bầu không khí trầm lặng trong gia đình. Cái Hiền cứ quấn lấy anh năn nỉ:
- Anh Huân đi mấy hôm thì về nhé.
- Ừ. Anh đi công tác vài ngày thôi mà. Ở nhà chơi ngoan kẻo mẹ mắng, nghe chưa?
- Vâng. Nhưng anh nhớ phải về với em đấy.
Cái Hiền nũng nịu nhắc lại. Bà Sự cầm gói xôi đưa cho Huân:
- Đúc cái này vào ba lô đi đường lúc nào đói thì ăn.
Nghĩa chợt nhớ ra điều gì gọi Hà:
- Hà! Cầm quả bưởi ở chum thóc ra cho anh Huân.
- Vẫn còn bưởi à? Tao tưởng hôm nọ mang cho dân quân làm thuỷ lôi trên sông hết rồi? Ông Hiếu hỏi Nghĩa.
- Vâng. Anh em con còn mấy quả giấu trong hòm thóc từ hôm hạ bưởi cơ. Chúng con làm vốn riêng đấy.
Nghĩa thật thà đáp. Ông Hiếu bật cười:
- Cha bố anh. Chỉ được cái khôn lỏi. Thế lại đâm ra được việc. Xem giấu được mấy quả mang ra đưa cho anh mày tất đi.

Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (Chương 30)



30
          Phương đi được ba hôm thì nước sông đứng. Nó chỉ cách mặt đê chừng hai, ba chục phân nữa thì tràn qua. Công việc chống lụt coi như tạm ổn. Mọi người thở phào nghỉ bù mấy ngày vật lộn với sông nước. Huân ngủ một mạch từ nửa đêm hôm qua cho đến hơn mười giờ sáng hôm nay anh mới tỉnh giấc. Nắng le lói ngoài sân. Huân uể oải rụi mắt. Nhà bà Sự đi đâu vắng cả. Anh cựa mình vươn vai chưa muốn dậy.
          - Huân dậy rồi đấy à? Mệt thì cứ ngủ thêm đi.
          Tiếng bà Sự dưới bếp vọng lên. Huân nhỏm hẳn người:
          - Con mệt quá ngủ thiếp một mạch chẳng còn biết trời đất là gì nữa. Mấy giờ rồi hả mẹ?
          - Mười giờ.
          Huân giật mình:
          - Thôi chết! Trưa quá rồi. Bố con với các em đâu hả mẹ?
          - Vào cả trại rồi. Thôi, dậy ăn sáng đi cho nó tỉnh sự.
          - Con không ăn đâu - Huân vừa lấy khăn mặt vừa nói - Để trưa ăn luôn thể. Con không đói, chỉ mệt thôi.
          - Mấy ngày liền quần quật thế ai chẳng mệt - Bà Sự thông cảm - Cái Phương với ông Thạc đi được ba hôm rồi đấy nhỉ?
          - Vâng ạ!
          - Nó họp ở đâu thế? Mấy ngày hả Huân?
          - Ở Vĩnh Yên mẹ ạ. Một tuần thì phải.
          - Họp gì mà lâu thế? Bà Sự ca cẩm.
          - Không, họp chỉ có hai ngày thôi. Thời gian còn lại là tập huấn.
          - Thế hả? Lát nữa vào đây mẹ có chuyện muốn nói với con.
          Huân thoáng giật mình. Có điều gì để bà Sự quan tâm chăng? Chắc lại chuyện giục anh lấy vợ? Nghĩ thế Huân khẽ mỉm cười. 

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (Chương 29)



29
 “Keng… keng keng… Keng… keng keng…”. Tiếng kẻng báo động lại nổi lên. Suốt từ sáng đến giờ mấy lượt kẻng báo động. Hết báo động máy bay lại báo động đắp đê chống lụt. B dân quân của Phương mệt nhoài. Mấy ngày nay nước sông Lô, sông Chảy lên nhanh quá. Bầu trời lúc nào cũng xám xịt. Mưa tầm tã. Trong đồng ngập úng hết cả. Ngoài sông, nước thượng nguồn dồn về lưng lửng lưng đê. Cây cối, thậm chí cả nhà cửa nữa nổi lều bều xoáy tít rồi chìm nghỉm theo dòng nước chảy. Bọt đục ngầu. Ngã ba sông rộng ra một cách dễ sợ. Giun, kiến bò lổm ngổm trên bờ, bám đầy vào cây lá ven sông. Mới vào đầu mùa mưa đã dính ngay trận lụt to thế cơ chứ.
Tuyến đê dài hơn bảy cây số của xã toàn người là người. Trừ những người (chủ yếu là bà già và trẻ con) trong nơi sơ tán, ở làng còn ai đều ra đê hết. Mặc lũ máy bay quần đảo trên đầu, người ta vẫn hối thúc nhau giữ đê cứu lúa.
Vừa ở đê về xong, Phương và vội miếng cơm rồi khoác vội khẩu súng và chiếc áo mưa chạy về phía có tiếng kẻng. Đường mưa trơn lầy lội mấy bận cô suýt ngã. Những hạt mưa đầu mùa quất vào mặt cô rát ràn rạt. Phương vừa chạy vừa lấy tay vuốt nước mưa. Mọi người đã tập trung đông đủ tại sân kho hợp tác. Lệnh cứu đạn được ban ra. Nhiệm vụ của B dân quân của Phương là bốc toàn bộ số hòm đạn ngoài bãi kia lên ôtô trước khi nước ngập tới. 

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (Chương 28)



28
           Chuyện Phương và Huân yêu nhau loang ra cả làng Ngọc Chúc. Bà Thinh nghe thấy nửa mừng nửa lo. Mừng vì con gái bà đã tìm được người yêu, một sỹ quan quân đội hẳn hoi. Cậu Huân ấy lành hiền, chất phác và dũng cảm nữa. Hơn một năm công tác ở đây chẳng có điều tiếng gì xấu đối với Huân cả. Ngày đêm, Huân bám bến  kho, bãi đạn và liên tục có mặt trong các trận phá bom. Nó quan hệ với mọi người đúng mực, khiêm tốn. Ngay cả việc tìm hiểu Phương thôi mãi mới đây nó mới xin phép bà đấy chứ. Bà biết nó để ý con gái bà từ lâu nhưng nó vốn từ tốn và thận trọng không như những đứa thanh niên khác. Môi trường quân đội và tuổi tác đã cho Huân sự chín chắn và từng trải đó. Thế nhưng bà lại lo ở một vài điểm khác. Thứ nhất là Huân mồ côi cha mẹ, không anh em họ hàng, không quê hương bản quán. Chỉ nghe đồn rằng nó là người sống sót duy nhất của cả một bản nào đó qua một trận càn quét dã man của giặc Pháp. Thứ hai, Huân là bộ đội, cuộc chiến dữ dội ác liệt này sống chết biết ra sao? Nhiều đêm nằm trong khu sơ tán nghe tiếng bom nổ bà lo cho con thắt ruột. Bà thương con bao nhiêu lại nhớ chồng bấy nhiêu. Chẳng lẽ đời con mình lại giống bà nữa chăng? Chồng bà ngày trước nào có biết mặt đứa con gái yêu quý của mình. Chiến dịch nọ nối tiếp chiến dịch kia, quanh năm suốt đời những súng với đạn để rồi khi chiến thắng đã ở trong tầm tay thì ông ấy lại ngã xuống ngay ngày cuối cùng của chiến dịch Điện Biên phủ. Bây giờ lại đến Huân? Thì cứ cho nó là chồng của con Phương đi, là con rể của mình đi thì hòn tên mũi đạn kia nó có chừa ra không? Làng này đã có bao nhiêu người đàn bà goá như bà vì chiến tranh? Nghĩ đi lại nghĩ lại số con gái làng Ngọc Chúc này đứa nào chẳng có người yêu đi bộ đội! Cái Côi đấy, nó chờ thằng Dung bốn, năm năm rồi cũng chỉ từ một miếng trầu chạm ngõ. Lại con Tịch nữa, cũng yêu cái anh gì bộ đội về giúp làng phá bom đấy thôi? Thanh niên trai tráng làng này hỏi có mấy đứa được ở nhà? Chúng nó ngoài mặt trận cả. Chiến tranh đâu có chừa ai? Con gái làng đầy ra đấy. Đứa nào đứa ấy cứ hơ hớ cả ra. Chỗ nào cũng chỉ thấy rặt con gái. Việc gì cũng đến chúng nó cả. Ngay con Phương nhà mình cũng hai ba, hai bốn tuổi rồi mà có thằng con trai làng nào ở nhà mà tình với ý? Có thằng nào bà ưng ý thì chúng đi bộ đội hết cả. Chưa kịp nhắm nhe gì thì chúng nó đã đi. Ngỡ tưởng chúng hò hẹn nhau cuối cùng lại hoá không. Bây giờ nghe tin nó với thằng Huân bà mừng nhiều hơn là lo.

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (Chương 26)

26
            Sau mấy ngày tàu xe vất vả, cuối cùng Hoàn cũng đã lên được đến Sơn La, nơi anh trai của Hoàn đang làm thợ xẻ trên đó. Ông Phơ đã ở đây hơn tuần nay rồi. Không hiểu ông bị tai nạn gì mà vừa mới lên đã có điện khẩn về báo cho Hoàn? Hoàn vô cùng sốt ruột lo cho bố mình. Đang yên đang lành ông lại lên đó làm gì cơ chứ? Cứ ở nhà trong khu sơ tán thì đã sao? Mà cái anh Khải nhà mình nữa, suốt mấy tháng trời chẳng có tin tức gì cả? Người gì mà gan thế không biết? Ở nhà bom đạn ầm ầm mà cấm có lấy một lời hỏi thăm xem bố mẹ và các em ra sao? Lạ thật!
Thời chiến, xe cộ khó khăn, anh phải vẫy hết xe nọ đến xe kia, kể cả xe quân sự để đi. May quá, ra đến bến phà Hoàn đi nhờ được một chiếc xe quân sự lên đến Yên Bái. Sau đó đi nhờ tiếp mấy chặng nữa anh mới lên được đến chỗ anh trai mình đang làm thợ xẻ ở đó.