7
Từ ngày Dụ nhận chức phó chủ
nhiệm hợp tác xã, công việc gia đình đổ tất lên đầu Loan. Gần mẫu ruộng, hơn
hai sào soi khoán quản chị bơi không hết việc. Suốt ngày đầu tắt mặt tối ngoài
đồng, tối về chị lại lo cơm nước lợn gà phục vụ chồng con. Lắm hôm, chị phải
dậy từ ba bốn giờ sáng. Hôm thì xay thóc giã gạo, hôm thì băm bèo nấu cám lợn.
Ba đứa con chị đều đang tuổi ăn tuổi học, chẳng đứa nào giúp được việc gì. Thế
nên mới ngoài ba mươi tuổi mà trông Loan già xọm hẳn đi. Được cái, trời cho chị
sức khoẻ cùng cái tính hay lam hay làm, nhẫn nhịn yêu chồng, thương con. Chị
chẳng bao giờ kêu ca hay phàn nàn với ai về hoàn cảnh của mình. Người ngoài ai
cũng bảo chị sướng, có chồng là cán bộ đứng hàng thứ hai của hợp tác, chỉ sau
có mỗi chủ nhiệm Hải. Ba đứa con chị, trai có, gái có, đều ngoan và học giỏi.
Thằng cả đang theo học cấp ba. Ở làng chị, người học lên cấp ba ít lắm. Thế nên,
mặc dù rất vất vả song chị vẫn động viên Quân, đứa con đầu yêu quý nhất mực của
chị tập trung vào việc học hành.
Chiều nay, sau khi gánh thóc
giao nộp thuế cho đội xong, chị lại tranh thủ tạt vào thăm Quang, em trai chị,
một thương binh hạng đặc biệt suốt ngày gắn với chiếc xe lăn. Bố mẹ chị sinh
được ba anh em, chị là cả. Quang, đứa em kế của chị tham gia bộ đội chống Mỹ bị
thương liệt nửa người. Hiên, cô em út đi công tác và lấy chồng mãi tận Hải
Dương. Ở quê còn lại chị và Quang, hai chị em đùm dúm bên nhau. Hễ có thời gian
rảnh rỗi là chị lại sang thăm vợ chồng Quang. Chị giúp Hiền, em dâu mình, hôm
thì tắm rửa cho Quang, hôm thì đẩy xe lăn đưa Quang đi dạo quanh xóm. Do bị
liệt nửa người như thế nên Quang không có khả năng sinh con. Biết vậy song Hiền,
chị em kết nghĩa với Hiên (em gái chị) vẫn quyết lấy Quang làm chồng. Chuyện
tình cảm của vợ chồng Quang cũng khá ly kỳ, nhiều lúc chính Loan cũng cảm thấy
không thể hiểu nổi.
Ngày Quang đi bộ đội thì Hiên
cũng lên đường đi công tác. Hiên làm công nhân trong xí nghiệp gốm sứ Hải
Dương. Tại đây, Hiên gặp Hiền. Hai người hợp tính hợp nết nhau, cùng cảnh xa
nhà, ăn cơm tập thể, ngủ giường cá nhân, khác nhau chỉ mỗi cái dấu huyền nên đã
nhận nhau kết nghĩa chị em. Hiên hơn Hiền hai tuổi nên được giữ vai chị. Hiên
khoe có anh trai là bộ đội đặc công và giới thiệu về anh của mình với Hiền.
Hiên nói nhiều về Quang, coi anh trai của mình như một thần tượng. Nhiều hôm,
Hiền chống hai tay lên cằm nằm chăm chú nghe Hiên kể chuyện. Thời thơ ấu của
Quang, của anh em nhà Hiên với bao kỷ niệm của những ngày gian khổ nhưng vui vẻ
đầm ấm hiện dần lên trong Hiền. Trái tim đa cảm cộng với trí tưởng tượng phong
phú đã giúp Hiền hình dung ra Quang. Lâu dần, hình bóng tưởng tượng ấy lại hằn
lên in sâu vào trí óc của Hiền. Viết thư cho anh, Hiên lại nói rất nhiều về
Hiền. Ngược lại, lá thư nào của thư Quang gửi cho em gái, anh cũng gửi lời hỏi
thăm Hiền. Sau đó hai người gửi thư từ và cả ảnh nữa cho nhau. Lá thư nào của
Quang gửi cho Hiền, Hiền cũng cho Hiên xem. Hiên đôi lúc ỡm ờ “khéo sau này chị
em mình phải đổi vị trí cho nhau mất”. Nghe vậy, Hiền chỉ cười và đấm Hiên thùm
thụp.
Bẵng đi một thời gian khá lâu,
hai người không nhận được thư của Quang nữa. Chiến trường đang vào hồi ác liệt.
Họ mong tin Quang từng ngày. Tự bao giờ, Hiền đã coi Quang như máu thịt thân
thiết của mình. Nhiều hôm cô ngơ ngác trông về phương Nam, theo dõi
đài báo ngóng tin chiến trận. Xuân 1975 đại thắng, miền Nam hoàn toàn giải
phóng, đất nước thống nhất, Nam Bắc một nhà, ngày vui sum họp của bao gia đình
song tin Quang vẫn biệt vô âm tín. Hiền ôm Hiên khóc thầm hằng đêm. Hai người
vẫn động viên nhau và vẫn tiếp tục nuôi hy vọng. Thực ra, vẫn chưa có tin báo
tử Quang như vậy dứt khoát anh còn sống. Hiền nói với Hiên như thế. Còn Hiên lơ
mơ cảm nhận có điều gì đó chẳng lành đến với anh trai của cô. Trong khi đó, bao
chàng trai đến với hai người song họ đều tế nhị từ chối. Hiên như thế đã đành,
đằng này cả Hiền cũng vậy. Hiên càng cảm thấy tôn trọng và tin tưởng yêu mến
Hiền hơn.
Một hôm, Hiên nhận được điện
của Loan. Cô tức tốc về quê. Vừa tới nhà, Loan đã thông báo:
- Cậu Quang về rồi!
Hiên ôm chầm lấy chị reo lên:
- Thật thế hả chị? Thế anh ấy
đâu?
Loan lặng lẽ gật đầu.
- Nhưng... Sao trông chị buồn
vậy?
Hiên hỏi và nhìn xoáy vào đôi
mắt chị gái. Loan rầu rĩ trả lời:
- Quang nó đã về nhưng...
chẳng còn ra hồn người nữa...
Nói đoạn, Loan oà lên khóc nức
nở. Hiên cuống cuồng ôm lấy hai vai Loan lắc mạnh và hỏi dồn dập:
- Sao? Chị bảo sao? Anh Quang
về vậy thì hiện giờ anh ấy ở đâu? Anh ấy bị sao? Chị nói ngay cho em rõ xem
nào?
Loan càng khóc to hơn. Mãi
sau, chị mới chậm rãi nói:
- Quang bị liệt nửa người phải
nằm trên xe lăn. Hiện giờ cậu ấy đang nằm ở trại thương binh nặng Nam Hà. Cậu
ấy nhờ người báo tin cho chị, dặn chị là đừng vội nói gì với em. Song chị không
chịu nổi đành gọi em về để thông báo cái tin này.
Bố mất sớm, mẹ ở vậy nuôi ba
chị em Loan. Đến tuổi trưởng thành, Quang xung phong đi bộ đội. Rồi mẹ cũng ra
đi sau một cơn bạo bệnh khi Quang đang ở chiến trường. Loan trở thành người
chị, người mẹ của Hiên. Cô đứng mũi chịu sào lo cho em ăn học và đi công tác.
Nhiều lúc trước cuộc sống chật vật khó khăn, Loan phải gồng mình lên, cứng rắn
hơn làm trụ cho Hiên, làm hậu phương vững chắc cho Quang. Đất nước thống nhất,
không thấy Quang về, Loan đã thắt lòng thắt dạ vì lo lắng thương em. Đến khi
nhận được tin em còn sống trở về, Loan đã reo lên cười như trẻ con. Vợ chồng cô
lập tức bắt xe về trại thương binh thăm Quang. Nào ngờ khi gặp em, Loan dở khóc
dở cười trước tình cảnh của Quang như thế. Loan vật vã bên chiếc xe lăn. Dụ
phải động viên mãi Loan mới nguôi ngoai.
Sở dĩ Hiên và Hiền lâu không
nhận được thư Quang cũng vì cái lý do đó. Quang không muốn cho Hiền biết
chuyện, không muốn vì anh mà cô phải khổ. Anh không dám viết thư cho em gái sợ
qua em mình Hiền sẽ phát hiện ra hoàn cảnh của mình. Anh muốn thời gian sẽ trôi
đi, sẽ giải quyết được những việc mà con người hiện tại không làm nổi.
Sau hôm Hiên về quê, Hiền thấy
chị nuôi của mình có điều gì đó khang khác. Hiên ít nói hẳn. Đôi lúc cô còn bắt
gặp Hiên khóc một mình. Hỏi thế nào thì hỏi nhất định Hiên không nói. Rồi một
hôm, tình cờ Hiền đọc được lá thư viết dở của Hiên gửi cho Quang. Cô tức tốc
cầm lá thư đó hỏi Hiên:
- Thế này là thế nào hả chị? Anh Quang
còn sống à? Sao
chị không cho em biết?
Đến nước này, Hiên đành kể lại
hết sự thật về Quang cho Hiền. Nghe xong, Hiền quát:
- Chị là đồ tồi. Việc hệ trọng
thế mà chị không cho em biết. Chị không tốt. Cả anh Quang nữa. Anh chị coi em
là gì mà lại làm thế?
Nói xong, Hiền nức nở oà khóc.
Hiên an ủi:
- Hiền ơi! Em hiểu cho chị và
anh Quang. Thực tình, anh chị chỉ muốn điều tốt đẹp cho em. Em còn trẻ, tương
lai hạnh phúc còn đang ở phía trước. Em và anh Quang tuy chưa gặp nhau song qua
những lá thư chị hiểu tình cảm của em dành cho anh ấy. Giờ anh ấy đến nước này
rồi thì...
- Thì sao?
Hiền trợn mắt quát Hiên trong ràn rụa nước
mắt:
- Các người coi thường tôi quá
đấy.
Không ngờ, chính Hiên lại là
người an ủi lại Hiền. Mãi sau, Hiền ngẩng phắt đầu lên nói:
- Chị phải đưa em về gặp anh
Quang. Dứt khoát phải như thế.
Hai người báo cáo xí nghiệp
bắt xe sang thẳng trại thương binh Nam Hà. Mới chỉ thấy Quang qua những tấm
ảnh, song gặp Quang, Hiền không chút ngỡ ngàng. Gương mặt sáng sủa, mái tóc
xanh đen cùng với đôi mắt tinh anh tin cậy và khoé môi lúc nào cũng chỉ như
cười kia của anh thì không lẫn vào đâu được. Dù chỉ là trong ảnh hay giờ đây
người ấy nằm trên chiếc xe lăn kia cũng vậy, Hiền cảm thấy thân thương quá
chừng. Chẳng cần giữ gìn ý tứ Hiền sà xuống bên Quang. Cô cầm tay anh nắn bóp.
Những giọt nước mắt tự nhiên cứ tràn trên đôi má của Hiền.
Ngược lại với Hiền, Quang thờ
ơ, dửng dưng trước sự chăm sóc của cô. Mãi hôm chia tay, Quang mới gọi Hiền đến
bên và nói với cô:
- Hiền ơi! Cảm ơn em về những
ngày qua bên anh. Hai chị em em hãy về tiếp tục công tác vui vẻ nhé và hãy quên
anh đi. Anh nói thực lòng đấy. Em là em gái của anh, và xin được dùng đúng
nghĩa của từ này. Những lời tốt đẹp trong thư xưa xin em hãy quên đi và cất nó
vào kỷ niệm. Đừng đến thăm anh nữa, em nhé! Chúc em sớm tìm được hạnh phúc.
Hiền ù tai ngơ ngác. Rồi cô
bật khóc tức tưởi.
- Anh Quang! Xin anh đừng nói
điều gì thêm nữa. Em mãi ở bên anh. Dẫu có thế nào đi chăng nữa thì em cũng đã
xác định rồi, cuộc đời này chỉ có anh thôi.
Quang ngỡn cổ lên khỏi chiếc
xe lăn, hai tay xua xua:
- Không! Anh không có quyền
đó!
Hiền đanh lại, rắn rỏi:
- Anh Quang! Anh là một đảng
viên. Em cũng là một đảng viên. Chúng ta đều là những đảng viên trẻ. Những
người đảng viên không được làm điều gì trái với lương tâm, trái với lời thề
nguyện. Đó là danh dự. Đặc biệt với Tình yêu, điều thiêng liêng nhất của cuộc
đời. Về đợt này em sẽ xin phép gia đình, báo cáo tổ chức để được đến với anh.
Xin anh đừng nói thêm điều gì nữa.
Hiên ngẩn người trước lý lẽ và
thái độ kiên quyết của Hiền. Quả chị em trong xí nghiệp vẫn gọi Hiền là “Hiền
bôn” thật không sai. Miệng cô bật kêu lên:
- Chị Hiền!
Những giọt nước mắt tự nhiên
tuôn chảy trên đôi gò má của hai anh em Quang và Hiên.
Quả thực sau lần gặp Quang đó,
Hiền sốt sắng tất bật hẳn lên. Không chủ nhật nào là cô không đạp xe sang thăm
Quang. Ban đầu, Hiên còn ý tứ thăm dò sau thấy Hiền thực lòng cô cũng dần dần
khuây khoả. Thương anh, quý trọng tình cảm cô em gái nuôi, Hiên trở thành tác
nhân chính cho hai người. Hiên viết thư cho chị gái: “Cái Hiền nó thực lòng yêu
anh Quang nhà mình chị ạ. Anh chị tính sao bây giờ. Em thấy khó xử quá. Em thấy
ở Hiền ngoài tình yêu ra còn có một điều gì đó cao hơn nữa, khó giải thích
lắm”.
Đọc thư em, Loan xúc động lắm.
Cô dò hỏi Hiên xem ý tứ phía bên gia đình Hiền. Quả thật, họ người ta thương
Quang thực đấy song việc để Hiền lấy Quang thì không có ai ủng hộ cả. Đến nỗi,
Hiền báo cáo thẳng với chi bộ, với cơ quan rằng làm sao giúp cho cô được kết
hôn cùng Quang. Hiền xác định lấy Quang là xuất phát từ tình yêu thương, từ sự sâu
nặng của nghĩa tình chị em với Hiên và sự cảm phục trước hành động dũng cảm của
Quang trong chiến đấu. Quang bị thương để cứu cả một tiểu đội khỏi bị một quả
mìn sát hại. Và đồng thời với những điều đó nữa là thái độ và trách nhiệm của
một đảng viên trước đồng chí đồng đội của mình. Cô hoàn toàn tự nguyện, không
phải do lòng thương hại hay “hành động anh hùng” nào của cô như một số kẻ đã
nói.
Mặc dù, Quang kiên quyết từ
chối song Hiền vẫn nhất mực như thế. Bố mẹ cô, gia đình cô cuối cùng tuyên bố
“thôi thì mặc xác cô, sướng khổ do cô định liệu”.
Về phía gia đình Loan thấy
tình cảm của Hiền trong sáng như thế, kiên quyết như thế, Hiền nhân hậu quá nên
vợ chồng cô cùng với Hiên đã thuyết phục Quang. Dần đà, Quang cảm phục trước
tấm lòng yêu thương của Hiền, anh đã đồng ý lấy Hiền làm vợ. Đám cưới được tổ
chức ngay trong trại thương binh. Một đám cưới đặc biệt vui chưa từng có.
Chính trong đám cưới này mà
Loan gặp lại được “người ấy”. Chuyện ngẫu nhiên dở khóc dở cười đối với Loan để
đến bây giờ và mãi về sau nó cứ đau đáu mãi trong cô.
- Thôi, tối rồi, chị về với
các cháu đi!
Tiếng Quang cắt ngang dòng hồi
tưởng của Loan. Hiền ở dưới bếp cũng nói với lên:
- Chị cứ để chậu quần áo đấy
lát nữa em giặt. Chị về xem cơm nước cho anh ấy kẻo tối anh ấy về lại quát cho
thì tội.
Nhắc đến Dụ, Loan chạnh buồn.
Từ ngày giữ chân phó chủ nhiệm hợp tác xã, anh ấy khác xưa nhiều quá. Hình như
điều quan tâm nhất của Dụ bây giờ là tiền. Dụ lao vào làm ăn, lao vào đánh quả.
Có hôm, chính Dụ đã nói với Loan rằng phải mua được cái Ba-bét-ta. Phải nhặt
cho đủ ba chỉ để tậu xe đi cho oách. Họp huyện, cán bộ các xã họ đi xe máy ầm
ầm mà mình mang tiếng là cán bộ một hợp tác xã to nhất nhì huyện mà anh nào anh
ấy vẫn cọc cạch chiếc xe đạp cà khổ. Cả chủ nhiệm Hải nữa. Yếu lính lắm. Điều
này, Loan cũng không đáng lo lắm. Thôi thì anh ấy kiếm được thì cứ kiếm, miễn
là đừng tham ô, lợi dụng kẻo sau này người ta phát hiện ra thì mặt mo. Cái mà
Loan lo hơn cả là dư luận xì xèo quan hệ giữa chồng chị với cô Huê ở trại chăn
nuôi. Tiếng là lo vậy song Loan cũng chẳng rình mò, để ý để tứ chồng làm gì. Cô
vẫn tin tưởng ở Dụ.
- Bá Loan! Cháu chào bá!
Loan giật mình ngẩng lên bắt
gặp Hà, cô cháu gái nuôi đang dắt chiếc xe đạp vào sân.
- Đi học về hả cháu?
- Vâng ạ. Bá sang lâu chưa?
- Bá vừa sang.
- Cháu vừa gặp bác Dụ ở ngoài
quán nhà ông Tư. Các ông hợp tác đang tiếp khách thì phải.
Con bé loe xoe hồn nhiên. Nó là con
chị gái của Hiền. Nhà chị gái Hiền đông con nên khi Hiền gợi ý muốn đón nó về
nuôi thì vợ chồng anh chị nhất trí liền. Có nó, nhà Quang vui hẳn lên. Được
cái, con bé rất hợp với Quang và di nó. Mới đó mà đã hơn chục năm rồi, con bé
lớn phổng lên và đã học đến lớp mười một.
- Cậu mợ chỉ được
cái lo hão cho anh Dụ. Anh ấy á, còn xơi mới về. Tối nào cũng thế, phải chín mười giờ cơ.
Có đêm tôi ngủ chán ra rồi lão ấy mới mò về.
- Thì bác ấy làm cán bộ mà bá.
Phải họp hành này, phải tiếp khách này, phải giải quyết công việc này. Vất lắm
chứ bá tưởng.
Hà chống chế cho bác nó.
- Cả chị nữa. Chỉ được cái
khéo bênh bác thôi.
- Chả thế lại không ư. Ngay
như hôm nay đấy, cháu thấy bác ấy phải tiếp khách, bao nhiêu người cơ nhé.
Hà vẫn hồn nhiên nói với Loan.
- Vẫn biết thế song phải để
cho bá về chứ. Còn cơm nước lợn gà, còn phục vụ các anh, các chị con nữa chứ.
Quang nói với Hà. Hiền giục:
- Thôi, con cất sách vở rồi
dọn dẹp cho bá đi để bá về - Quay sang Loan, Hiền nói - Chị về đi kẻo tối các
cháu chúng nó mong.
- Ừ, tôi về. Hà bê chậu quần
áo này ra giếng để mẹ giặt, cháu nhé.
Loan quày quả bước ra ngõ.
Trăng đầu tháng đã nhú lên phía cuối trời. Hơi lạnh heo may ập đến khiến Loan
khẽ rùng mình. Lác đác, đây đó đã có nhà lên đèn. Tiếng lợn đòi ăn từ trong xóm
rít lên kêu eng éc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét