Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

CHIỀU KHÔNG TẮT NẮNG (chương 6)



6
           Trụ sở hợp tác Hợp Nhất hôm nay người ra người vào khá tấp nập. Phòng chủ nhiệm Hải đang có khách của huyện. Quý, phó chủ nhiệm trồng trọt đang cùng ông Hải tiếp khách. Mấy vị trên phòng nông nghiệp huyện về kiểm tra tiến độ thu hoạch vụ mùa, làm phương án và kết quả gặt thống kê của hợp tác xã Hợp Nhất. Phòng bên, ban kế toán đang giải quyết các chứng từ thu chi xuất nhập với xã viên. Hôm nay là ngày giao dịch nên suốt từ lúc mở cửa trụ sở đến giờ người ra kẻ vào khá đông. Đông nhất vẫn là chỗ ông Huân, kế toán viên phụ trách ngành nghề. Biết hợp tác xã vừa ra mấy lò gạch nên các hộ thi nhau đến đòi nợ. Ai cũng chìa chiếc phiếu thu tiền mua gạch từ đời nảo đời nào của ban quản trị các khoá trước ra trước mặt ông Huân để đòi được ưu tiên phiếu xuất. Nhiều người bức xúc quá cáu om lên.
- Tôi mua gạch cách đây bốn năm rồi, đi năm lần bảy lượt mòn cổng nhà các ông, chai đít ở trụ sở mà vẫn chưa được viên gạch nào là thế nào? Định xây cái chuồng lợn mà đào móng đi, đào móng lại mấy lần cuối cùng vẫn không xong. Các ông làm ăn thế à?
- Bà mới có bốn năm. Tôi đây này, sáu năm rồi, từ đời ông Cát chủ nhiệm cơ. Ông ấy chết đã ba năm rồi, sang đến tiểu rồi mà tôi vẫn chưa có gạch nhé.
- Thì bà theo ông ấy mà đòi - Người kia vặc lại.
- Ông nói thế mà được à? Bảo bán gạch lấy tiền để Đại hội hợp tác xã, Đại hội xong sẽ trả thế mà giờ đã qua ba cái Đại hội rồi vẫn chỉ có mỗi tờ giấy này thôi đấy. Hợp tác với chả hợp te. Sốt cả ruột.
Bà Cúc vừa nói vừa giơ cái tờ phiếu thu nhàu nát dí sát mặt ông Huân. Ông Huân bực quá gắt:
- Các ông, các bà có bình tĩnh cho tôi làm việc không? Gạch ít, nợ nhiều phải để cho chúng tôi trả dần chứ?
- Dần. Dần đến bao giờ. Sao lúc thu tiền lo việc thì nhanh thế?
- Tôi chỉ là người giúp việc - Ông Huân nổi cáu - Các vị sang mà hỏi ban quản trị.

Vừa lúc đó, Bàn có việc đi ngang qua. Mọi người xúm lại:
- Đây, ông Bàn đây rồi. Ông uỷ viên quản trị phụ trách ngành nghề đây rồi. Ông trả lời đi, bao giờ thì trả gạch cho chúng tôi?
Bàn dừng lại phân bua:
- Các ông, các bà thông cảm. Chúng tôi cũng đang cố gắng hết mức để giải quyết. Chết cái, số nợ lớn quá, gạch, ngói, vôi đốt ra không kịp. Than, củi lại đắt đỏ. Vốn của hợp tác có gì đâu, toàn đi vay.
- Việc đó chúng tôi không biết. Chỉ biết rằng các ông nợ thì chúng tôi phải đòi. Hứa mãi rồi, lỡ mãi việc của chúng tôi rồi, chúng tôi không chịu được.
- Thì cũng phải để cho chúng tôi giải quyết từ từ chứ. Danh sách trả nợ ban quản trị phải duyệt từng người. Ai nằm trong chế độ ưu tiên thì lấy trước.
- Sao lúc bán gạch non không ưu tiên lại chỉ ưu tiền?
- Thì nào tôi có biết. Khi đó tôi cũng như các ông, các bà chứ hơn gì. Chẳng qua khoá này Đại hội bầu chúng tôi lên thì chúng tôi phải làm, phải giải quyết hậu quả chứ ai muốn.
Quay sang ông Huân, Bàn nói dứt khoát:
- Bác cứ theo danh sách ban quản trị duyệt mà giải quyết.
Phòng bên, làm việc với đoàn cán bộ huyện, Hải nghe thấy hết cả. Phức tạp quá. Thế mà hôm nọ ông Trung còn xui mình bán gạch non để lấy tiền trả tiền mua trâu của Dụ. Suýt nữa lại dẫm vào chân của những người đi trước thì khốn. Mấy chục triệu viên gạch, hàng vạn ngói, hàng chục ngàn tấn vôi nợ xã viên còn lù lù kia giờ lại bán non nữa thì... Cứ thấy lò gạch, lò ngói nào sắp ra là cổng nhà anh lại nhẵn bước chân người đến đòi nợ. Người ta năn nỉ anh, quà cáp cho con anh. Có bà dở mếu dở khóc vì đòi gạch. Thậm chí có kẻ còn doạ nạt anh. Tất cả họ chỉ mong anh cho họ được lấy số vật liệu xây dựng mà họ đã mua của hợp tác. Vì vậy, anh phải đề ra phương pháp giải quyết số nợ này bằng nghị quyết tập thể của ban quản trị mỗi khi có mẻ gạch, mẻ ngói nào ra lò.
- Xin lỗi các đồng chí - Hải nói với mấy vị cán bộ huyện - Tôi có chút việc xin các đồng chí dăm phút để hội ý với đồng chí Bàn.
Ông Hải bước vội ra khỏi phòng. Bàn đang chuẩn bị lên xe bị ông Hải gọi giật lại:
- Chú Bàn, dừng lại tôi nhờ tí.
Bàn dựng xe xách cặp đến bên ông Hải:
- Có việc gì vậy anh?
- Chú vừa ở chỗ ông Huân ra phải không?
Bàn gật. Ông Hải nói tiếp:
- Tình hình căng lắm hả?
- Vâng. Nhiều người đến đòi lấy gạch quá anh ạ.
- Đợt này ra mấy lò?
- Bốn lò, mười hai vạn. Hôm nọ giao ban em đã báo cáo rồi. Anh cho chủ trương trả nợ cũ sáu vạn, để lại sáu vạn bán lấy tiền trả tiền mua trâu là gì.
- Ừ nhỉ! Tình hình này khéo phải tính lại thôi Bàn ạ.
Ông Hải bặm môi suy nghĩ. Bàn sốt sắng:
- Tính sao hả anh?
Ông Hải đắn đo giây lát rồi quyết định:
- Chú bàn với ông Huân cho trả nợ tất 12 vạn đi. Ngoài danh sách đã duyệt hôm nọ ưu tiên cho mấy hộ gia đình chính sách, mấy hộ đang xây dở nhà. Ai lại để người ta xây nhà ba năm rồi vẫn chưa xong như thế.
- Thế còn tiền trâu?
- Cái đó tính sau. Thanh lý đàn lợn được bao nhiêu ta lại tính tiếp. Cứ thế nhé. Cậu quay lại hội ý với ông Huân đi để tớ làm việc với mấy ông ở huyện.
Nói xong, Hải vội vã trở lại phòng làm việc. Bàn cũng dắt xe đạp quay trở lại phòng kế toán.
Bên phòng kế hoạch, Dụ đang chỉ đạo duyệt công điểm với các đội sản xuất cụm ba. Mặc dù phải xem xét các biên bản nghiệm thu, các bảng kê điều động công việc của bốn đội sản xuất liền song Dụ vẫn nghe thấy hết những thắc mắc về gạch ngói từ phòng kế toán vọng sang. Anh hiểu rất rõ tác hại của việc lạm phát vật liệu xây dựng các khoá trước. Ngay như việc duyệt công điểm của anh hôm nay cũng vậy, nó cũng na ná thế cả.
 Hợp tác xã toàn xã quản lý điều hành mấy ngàn hộ, ruộng đất, đồi bãi rộng mênh mông như thế, bao nhiêu là ngành nghề, hàng tỉ công việc phát sinh, ấy vậy mà bây giờ mới gọi là duyệt công điểm. Bố ai biết đội này đã rào bao nhiêu mét ruộng, đào bao nhiêu mét mương, làm đường sửa bao nhiêu cái ổ gà? Rồi công diệt chuột, công tát nước nữa... biết thế nào mà tính. Làm từ đời tám hoánh nào rồi còn hiện trường đâu mà biết? Mà chẳng biết họ có làm hay không nữa cơ chứ? Bố ai mà nhớ mà kiểm tra. Căn cứ vào mấy cái biên bản nghiệm thu của các ông cán bộ kế hoạch vùng với mấy ông đội trưởng để “duyệt” ư? Đúng là trò mèo. Liệu có tin được họ? Các vị âý chẳng vẽ lên nhiều lần thì cứ bé. Thôi, đành liều liệu cắt cứa bớt đi gọi là có “duyệt”. Dụ tặc lưỡi vậy mỗi khi nâng lên đặt xuống bảng kê khai xin công điểm của các đội. Thế nên, công điểm nó mới lạm phát. Từ đầu đã dong công phóng điểm rồi, đến khi nghiệm thu lại thêm lên một tý, rồi lúc duyệt lại đại khái thêm tí nữa... Ông nào to mồm, giỏi chế biến bằng văn bản thì sẽ được nhiều. Có vị khôn lỏi cứ kê lên rõ lắm đến khi cắt xuống là vừa. Vì thế, công điểm đội nọ đội kia cứ thi nhau đội lên. Mặc dù đã “3 khoán”, đã “5 khâu 3 khâu” rồi song cái việc phát sinh thì ai mà lường trước được. Đúng là trò mèo. Bảo sao giá trị ngày công lại không giảm sút. Có mà thánh mới vực lên được nếu cứ theo cung cách quản lý này. Dụ biết sớm muộn cách làm này cũng sẽ không tồn tại.
Tuy nhiên, cũng chính nhờ cơ chế ấy mà Dụ cũng kiếm được gần ngàn công mỗi vụ gửi ở các đội sản xuất. Mấy tay đội trưởng thân thân, ma lanh đều gạ gẫm Dụ trước ngày duyệt công điểm. Có gì đâu, chúng nó cứ kê rõ nhiều lên, Dụ cũng cứ “mạnh tay cắt thật lực xuống, xuống đến bao giờ gặp con số chốt với nhau là được. Số công ấy đã có phần của Dụ. Tuy vậy, Dụ cũng không ăn bãm theo cách này lắm. Chẳng bõ. Mang tiếng là ngàn công thực chất ra cũng chỉ vài tạ thóc. Công giỏi lắm được bốn lạng. Bốn lạng một công vị chi ngàn công cũng chỉ có bốn tạ thóc. Bõ bèn gì. Lại mang tiếng. Chỉ chỗ nào thật tin tưởng Dụ mới làm theo kiểu đó. Thôi thì cũng thêm thắt tí chút gọi là...
Nghe lão Huân và tay Bàn giải quyết trả nợ gạch cho người ta mà Dụ thèm. Phải tay Dụ thì...
- Các bác ơi! Cho cháu hỏi có anh Dụ phó chủ nhiệm có ở đây không ạ?
Tiếng ai hốt hoảng phía cổng trụ sở.
- Có. Anh ấy đang duyệt công điểm trong phòng kia kìa.
Dụ giật mình ngó qua cửa sổ. Huê. Sao cô ấy lại hớt hơ hớt hải thế nhỉ? Dụ buông quyển sổ chạy ra. Vừa lúc Huê bước tới:
- Anh Dụ ơi! Đàn lợn ốm hết lượt rồi! Không giải quyết nhanh thì chết!
Huê kêu rõ to. Mọi người có mặt ở trụ sở đều ngỏng cổ ngó ra.
- Sao? Nó ốm thế nào? Lợn bột hay lợn nái?
Mặc dù đã bàn trước với Huê song nhìn nét mặt Huê lúc đó Dụ cũng hoảng. Anh đánh mắt mấy lần cho Huê thăm dò song Huê không thay đổi thái độ. Dụ chột dạ hỏi dồn dập.
- Chúng nó bỏ ăn ba ngày nay rồi anh ạ. Đàn lợn bột ấy. Em đã tiêm thuốc rồi những vẫn không chuyển. May mà còn mấy con lợn nái chưa thấy biểu hiện gì.
- Chết tôi rồi. Cửa nhà cơ nghiệp của hợp tác giờ chỉ trông vào mấy con lợn của cô thôi đấy.
- Thì em biết làm thế nào? Bệnh dịch thế em phải lên báo cáo các anh chứ.
Huê phân trần.
- Chắc là chớm dịch. Mọi năm mùa này là hay có dịch lắm.
- Cô đã cho nó uống “Sun phát đờ dao” chưa?
- Cái ông này. Đến nước này mà còn đùa được.
- Ba chục con lợn bột cũng khá của đấy.
- Kiểm tra xem, hay nó bị say sắn?
- Say sắn gì. Ba ngày nay say sắn thì nó chết mẹ nó rồi chứ lại còn.
Mọi người xi xao bàn tán. Những hộ đến đòi nợ gạch cũng quên cả cái nhiệm vụ “trọng đại” của mình là lấy được chiếc phiếu xuất gạch. Họ quay ra cùng với mấy ông đội trưởng góp mỗi người một ý.
- Cô với tôi sang phòng chủ nhiệm báo ngay cho ông Hải để ông ấy giải quyết.
Dụ nói với Huê.
Sau khi nghe Huê báo cáo tình hình, ông Hải thần người ra giây lát. Cái kế hoạch thanh lý hoá giá đàn lợn, từng bước giải thể trại chăn nuôi vừa mới đưa ra bàn hôm nọ chưa kịp thực hiện lại đã xảy ra thế này rồi. Đúng là hoạ vô đơn chí. Gạch thì vừa quyết trả nợ cho xã viên, trông vào đàn lợn giờ đàn lợn lại toi dịch. Chả lẽ phải bán đổ bán tháo? Sao cái cô Huê này lạ thế không biết. Lợn ốm ba ngày nay giờ mới báo cáo.
Mấy vị ở huyện tỏ vẻ thông cảm góp ý:
- Phải xuống kiểm tra cụ thể xem sao, anh Hải ạ. Cứu được thì cố giữ lấy. Không cứu được chúng thì liệu mà bán sớm đi cho được việc.
- Ấy ấy... Phải xem xét cụ thể đã. Nhỡ đó là lợn dịch thì chỉ có nước là đem chôn. Có mặt chúng tôi đây mà cho các anh bán lợn toi dịch thì về huyện kỷ luật chúng tôi chết.
- Dạ... Theo em nghĩ không phải nó bị dịch đâu - Huệ phân bua - Có lẽ chúng bị cảm gió thế nào ấy. Tuy vậy, không thể để được đâu các bác ạ. 
- Cô làm chuyên môn mà lại không rõ thì ai biết.
Ông Hải bực mình gắt. Huê lúng túng:
- Vâng, đúng thế. Căn bệnh này lạ lắm, em chưa gặp bao giờ. Cả đàn cùng nhau bỏ ăn. Không sốt. Không đi ngoài. Cứ nằm kêu thôi các bác ạ. Mấy hôm đầu nghe chúng kêu sốt ruột lắm. Đến hôm nay thì chúng chẳng kêu được nữa. Em tiêm đủ thứ thuốc rồi.
- Thôi, bây giờ thế này - Ông Hải nói - Xin phép các anh ở huyện cho chúng tôi tập trung giải quyết đàn lợn.
- Vâng. Các đồng chí hãy lo việc này ngay đi. Cần thiết chúng tôi cùng các đồng chí xuống trại. Ta bàn luôn cách thực hiện kế hoạch 09 của huyện.
Ông trưởng đoàn cán bộ huyện nói với chủ nhiệm Hải. Dụ hình dung ngay ra cái kế hoạch 09 của huyện là cái gì rồi: Thanh lý đàn lợn, từng bước giải thể trại chăn nuôi. Vẫn biết thế nhưng sao mà nhanh quá vậy? Lỡ lợn mà dịch bệnh lây lan huyện không cho bán thì khốn tất. Hợp tác mất, Dụ cũng mất. Không bán được lợn bao giờ Dụ mới lấy được tiền ứng cho hợp tác? Cầu trời cho chúng bị bệnh nan y nhưng không phải nằm trong diện cấm giết mổ. Mà sao cái cô Huê này lại cho nó ốm quá đi như vậy? Trong thâm tâm Dụ anh vẫn hy vọng ở sự sơ suất của Huê.
Ông Hải nói với Huê:
- Cô cứ về trước đi. Chúng tôi hội ý ban quản trị xong sẽ xuống thể.
Huê đáp:
- Vâng. Đề nghị các anh khẩn trương cho. Theo em, bán lợn thịt lúc này vẫn còn khả dĩ.
Huê đi khỏi, Dụ chạy theo gọi với:
- Cô Huê. Chờ tôi với.
Dụ chạy đến hỏi nhỏ Huê về tình hình thực hư của đàn lợn. Huê nháy mắt với Dụ:
- Anh bàn ngay với các ông ấy khẩn trương bán chúng đi kẻo lộ ra thì khốn. Em gặp lão Tư rồi đấy.
- Cô này giỏi! Làm tôi hết cả hồn.
Dụ lừ mắt nguýt yêu Huê. Anh trở lại phòng họp. Ông Hải cùng ban quản trị và đoàn cán bộ cấp tốc hội ý. Ông nói:
- Thưa các đồng chí. Việc triển khai thực hiện kế hoạch 09 của huyện ban quản trị chúng ta vừa mới bàn xong hôm nọ. Tuy nhiên, do phải lo thu hoạch, lo giao nộp thuế nên việc triển khai có phần chậm trễ. Bây giờ đã đến nước này rồi thì ta nên “đắm đò giặt mẹt” luôn một thể.
- Thế có nghĩa là thế nào thưa chủ nhiệm?
Dụ ngô nghê hỏi lại. Ông Hải quyết:
- Xuống thực tế. Nếu không phải toi dịch truyền nhiễm lây lan, có các anh ở huyện đây, thì ta giao bán.
- Nhưng mà bán cho ai? Ai mua bây giờ? Lợn như thế thì...
Ông Trung từ đầu đến giờ yên lặng liền lên tiếng. Tất cả trầm ngâm. Khó thật. Đúng là đã khó lại càng khó hơn. Bỗng Bàn đề xuất:
- Gọi ngay ông Tư ba toa lên giải quyết.
Dụ nghe thấy vậy mở cờ trong bụng. Sao tay này hôm nay thông minh thế, trúng kế của mình rồi. Dụ làm như khó đăm đăm, bo trán ra chiều suy nghĩ lung lắm. Tuy nhiên, Dụ không dại gì mà lên tiếng trước. May quá, Bàn loe xoe đã nói hộ rồi.
- Liệu ông ấy có mua lợn ốm không? Mà cả mấy chục con thế chắc đã có tiền?
Quý, phó chủ nhiệm băn khoăn.
- Thì đã gặp người ta đâu mà biết - Ông Trung tiếp tục - Cả cái xã này có mỗi lão ấy là kinh doanh giết mổ vào loại lớn nhất, chắc hẳn vốn phải khá chứ. Cần thiết cho hắn nợ dăm ngày không hơn bán chịu cho xã viên à? Mà dân mình thì ai rước cái của nợ ấy?
Dụ cứ như mở cờ trong bụng. Không ngờ hôm nay lão ma xó này lại thoáng thế. Còn ông Trung thì ông lo thực sự cho hợp tác. Ông là người đầu tiên được chủ nhiệm Hải bàn về kế hoạch hoá giá đàn lợn. Bấy lâu nay để cái trại chăn nuôi này chỉ có lỗ, nuôi khống mấy cô ở đó nữa. Hơn nữa, cũng là chỗ để các đoàn về xã dòm ngó ăn uống, xin xỏ và tệ nạn đánh chén của xã này ngày một tăng. Thôi thì nhân dịp này bán quách đàn lợn cho nó xong. Chẳng qua vận nó cũng chỉ được có đến thế, bao mãi thế nào được.
Cuối cùng, ý kiến của ông Trung được chủ nhiệm Hải và toàn ban quản trị nhất trí. Họ lục tục ra xe kéo tất cả về trại chăn nuôi. Kế toán trường Khuê cũng cắp cặp theo đoàn. Trụ sở còn lại mấy ông đội trưởng sản xuất đang duyệt dở công điểm và mấy bà đang chờ viết phiếu xuất gạch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét