Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

CHIỀU KHÔNG TẮT NẮNG (chương 9)



9
 Loan quấy quả xuống sông gánh nước để tưới nốt luống rau cuối cùng. Đôi ô roa toòng teng trên vai chị rớt những giọt nước xuống làm lối đi nhão nhoét. Nhanh thế. Đã sắp tối rồi. Bờ bên kia khói bếp, hơi sương quyện với nhau làm thành một dải mây mỏng tang như chiếc khăn voan lượn lờ quấn lấy bờ tre, rặng chuối. Cả mặt sông cũng thế. Làn sương mỏng nhờ nhờ dắt những con thuyền như trôi vào huyền ảo. Tiếng gọi nhau í ới, tiếng sóng nước vỗ vào bờ oàm oạp, tiếng ai đó giặt quần áo vỗ đập bì bõm... tất cả những âm thanh ấy trộn vào nhau loang ra trên mặt sông. Mấy luống cải đang trổ ngồng sắc hoa vàng suộm trong ánh hoàng hôn. Cây đa từ cuối bãi bóng đổ dài theo bãi soi trùm lên cả lối đi của chị. Vạn vật hai bên bờ như dài ngoẵng ra nằm ườn lên hết cả mặt bãi. Vũ trụ đang bò dần vào ranh giới giữa ngày và đêm. Vạt rau nhà chị theo nải sông, trải dài từ sát mặt nước lên đến bờ trông như tấm thảm vàng ai bỏ quên ở bến.
Làng chị mùa này sống nhờ vào những thước soi rau. Mùa cạn, lòng sông thu hẹp lại. Nước sông lùi ra mãi tít ngoài kia để lại hai bên bờ những vạt đất trống. Dân làng thi nhau chiếm những khoảng đất đó để trồng rau. Vì là đất không ổn định, luôn thay đổi theo dòng nước nên hợp tác xã chẳng quản lý làm gì. Từ xưa cũng vậy. Tuy nhiên, chỉ từ khi có nghị quyết sáu “bung ra” người ta mới dám trồng rau màu trên những vạt đất đó. Trước kia, ai dám thế. Đất phù sa màu mỡ vậy mà chẳng ai dám động nhát cuốc nào. Rõ là đang mùa rau, đất đai thì bỏ không như thế mà nhà nào cũng phải ra chợ mua bắp cải, su hào mới tức chứ. Thì rau của đội chuyên rau hợp tác phân phối đủ làm sao được mà chả phải mua? 

- Mẹ! Mẹ tưới sắp xong chưa?
Thằng Quân vừa dựng chiếc xe đạp vào rệ đê vừa hỏi vọng xuống. Loan dừng chiếc ô roa ngó lên:
- Học về rồi hả con?
- Vâng ạ. Con về nhà không thấy mẹ, đoán thế nào mẹ cũng ở đây nên con phóng xe ra ngay. Mẹ để con tưới nốt cho.
Quân vừa nói vừa cúi xuống xắn quần. Loan nhẹ nhàng:
- Thôi. Xong rồi. Con về trước dọn thóc cho mẹ. Bảo cái Thảo, cái Trang nấu cơm dần đi. Tưới nốt luống này mẹ về.
Quân vẫn xán đến giằng lấy đôi thùng nước. Loan khẽ gắt:
- Đã bảo thế mà lị. Còn tí nữa mẹ làm nốt. Dây vào làm gì cho ướt át ra. Về đi. Về dọn thóc lúa cho mẹ đi.
- Hai mẹ con cùng tưới cho nhanh.
Quân không chịu vẫn cố nài nỉ. Loan ôn tồn:
- Có mỗi đôi ô roa hai người tưới nhanh thế nào được. Mẹ ướt sẵn rồi để mẹ tưới nốt. Về mà cào thóc lại, nhớ che đạy cho cẩn thận kẻo bố anh về lại rách việc. 
Nhắc đến bố, Quân thoáng thần người. Nó đành nghe theo lời mẹ. Chạy lại chiếc xe đạp, nó dùng hai tay nhấc bổng chiếc xe quăng lên mặt đê. Cái thằng, rõ táo tợn. Làm gì cũng ầm ầm ầm ầm. Nhìn dáng nó nằm rạp, cong mông trên chiếc xe, hai chân guồng lấy guồng để, tóc tai dựng ngược lên lòng Loan bỗng thấy vui vui. Lớn ra phết rồi đấy. Ra dáng thanh niên, đàn ông rồi đấy. Thì cũng mười sáu, mười bảy rồi còn gì. Vỡ tiếng rồi còn gì.
Quân về khỏi, Loan hối hả hai tay hai chiếc thùng ô roa. Những tia nước từ hai chiếc hoa sen thi nhau chảy xuống những tàu lá cải nghe rào rào rào rào. Những ngọn ngồng cải xô nghiêng theo làn nước. Cánh hoa vàng bé xíu rung rinh như đùa rỡn. Đất soi thẫm đẫm nước đen sì. Vụ rau này thu hoạch chắc khá.
Xong xuôi đâu đấy, Loan nhổ mấy cây cải ngồng về để làm dưa. Dúi chúng vào hai chiếc ô roa không, chị gánh toòng teng rảo bước về nhà. Đi được một đoạn đê, chị chợt nghe thấy tiếng chuông xe đạp kính coong sau lưng. Theo phản xạ, Loan né vào mép đường.
- Chào Loan. Em tưới rau về muộn thế?
Rồi người đó phanh kít xe lại, bước xuống dắt xe. Loan chợt nhận ra khuôn mặt quen thuộc, một khuôn mặt dị dạng, nhăn nhúm ai mới gặp lần đầu cảm thấy sẽ rất ghê. Chỗ đen sì như cột nhà cháy, chỗ lại trắng nhởn như bị bạch tạng. Nó đầy vết sẹo, chằng chịt chồng lên nhau. Thậm chí, có chỗ còn nổi lên thành đường, thành gờ vắt qua gò má. Một bên tai người ấy rúm ró như bị ai cắt. Cả khuôn mặt của anh chỉ còn đôi mắt. Đôi mắt sáng sủa đủ cho người ta nhận biết đó là một con người. Trẻ con hay người yếu bóng vía gặp anh vào lúc chập choạng tối như thế này sẽ phát khiếp rú lên chứ chẳng bỡn. Quả thật, đã có lần có người như thế. Thế nhưng, với Loan, cái người có khuôn mặt dị dạng ấy lại chính là người mà chị đã từng yêu thương nhất, đau đớn nhất. Đó chính là Việt, người yêu đầu đời của chị.
Việt xuống xe. Anh dắt chiếc xe đạp đi bên Loan.
- Anh Việt! Tối rồi anh còn đi đâu?
- Anh lên nghĩa địa.
- Lên nghĩa địa? Loan ngạc nhiên hỏi lại.
- Ừ, anh lên đó trông nom trang trại. Hơn trăm con gà với bao nhiêu cây mới trồng phải giữ chứ.
Là thương binh hạng hai, Việt được hợp tác xã giao cho cái chức quản trang. Anh quản lý khu đất nghĩa địa rộng hơn ba mẫu, một khu đất thoai thoải ven đồi cách xa làng chừng gần bốn trăm mét. Đó là khu riêng biệt chỉ dành cho việc chôn người chết. Từ ngày nhận nhiệm vụ này Việt đã chú tâm dốc sức vào đây làm cho nghĩa địa của làng ấm cúng dần lên. Tính anh vậy, đã không làm thì thôi mà đã làm thì làm đến nơi đến chốn.
Hai người sánh bước bên nhau lặng lẽ. Mãi sau, Loan mới nhỏ nhẹ:
- Dạo này có được khoẻ không? Gặt hái bận quá em không lên thăm anh được.
- Anh vẫn bình thường Loan ạ. Tuy vậy, mấy hôm nay thời tiết chuyển mùa đêm đến người anh đau như dần.
- Để mai em sắp xếp thời gian đến đánh gió cho anh nhé.
Loan sốt sắng đề nghị. Chị có biệt tài về cạo gió. Dân làng có ai bị cảm cúm, đau nhức xương khớp gọi Loan đến đánh gió là khỏi ngay. Nhiều lần, Việt đã được Loan làm việc đó. Đang đau nhức như thế mà với bát rượu thuốc cùng đôi bàn tay mềm mại của Loan anh lại cảm thấy nhẹ nhõm trở lại.
- Loan này!
Đột nhiên Việt gọi Loan. Loan ngước cặp mắt nhìn anh chờ đợi.
- Có việc gì vậy anh?
- Hay là em đừng lên chỗ anh nữa?
- Sao thế?
- Anh... anh thấy ... không được tiện lắm.
- Thế nghĩa là sao?
- Biết nói với Loan thế nào bây giờ nhỉ?
Việt thoáng chút đăm chiêu. Rồi anh dắt chiếc xe đạp vượt lên đứng chắn trước mặt Loan.
- Anh sợ Dụ nó hiểu lầm, nghĩ không tốt về chúng ta. Rồi cả dân làng nữa...
- Anh chỉ được cái nghĩ linh tinh. Ai nghĩ thế nào thì mặc họ. Cây ngay sợ gì chết đứng.
Loan nói cứng.
- Không đơn giản thế đâu em ạ.
Việt ôn tồn.
- Thế thì anh lấy vợ đi.
Loan tấn công. Việt phân bua:
- Anh muốn lắm chứ. Nhưng mà...
- Nhưng mà sao?
- Chẳng làm sao cả. Anh không muốn. Thế thôi.
- Thế thì em cứ đến chăm sóc anh. Ai nói thì mặc xác họ.
Loan nhắc lại một cách kiên quyết.
Thực ra, Dụ đã mấy lần bóng gió gần xa về mối quan hệ giữa Loan và Việt. Mỗi lần Loan đến cạo gió cho Việt về là mỗi lần Dụ kiếm cớ chửi mèo mắng chó. Có hôm, Dụ chì chiết Loan mãi tới tận khuya. Tuy vậy, chẳng có bằng cớ gì nên Dụ càng bực tức.
Dụ và Việt trước kia cùng yêu Loan. Loan học sau họ hai lớp. Cô bé vô tư có đôi má bầu bĩnh, nước da trắng hồng, nụ cười tươi và ánh mắt hút hồn ấy đã lọt vào mắt xanh của bao chàng trai mới lớn trong đó có Dụ và Việt. Việt cao ráo đẹp trai, cư xử lịch lãm. Dụ gầy hơn, tính lại hiếu thắng, bảo thủ. Trong các cuộc chơi bao giờ Dụ cũng giành phần thắng. Còn Việt thì lại hay nhường nhịn nên anh thường chịu thua mỗi khi có Dụ. Loan đã chọn Việt. Hai người yêu nhau say đắm.
Năm 1972, có lệnh tổng động viên, Việt xung phong ra trận. Việt lên đường đi tuốt một mạch vào Nam. Ở nhà, Dụ liên tục tấn công Loan. Không như Việt, Dụ nhằm vào mẹ Loan. Mẹ Loan lúc này lại đang ốm nặng. Bệnh tình của bà ngày càng trầm trọng. Suốt ngày đêm Dụ đến chăm sóc bà. Nhà chỉ có ba mẹ con đều là đàn bà con gái. Dụ bỗng nhiên trở thành chỗ dựa của họ, đặc biệt là mẹ Loan và Hiên. Mấy lần hấp hối, mẹ Loan chỉ có một nguyện vọng duy nhất là trông thấy một đứa con của mình yên bề gia thất. Trong khi đó, Quang đang ở chiến trường. Hiên thì chưa đến tuổi và quá hồn nhiên vô tư. Bà dồn tất cả niềm hy vọng cuối đời vào Loan. Mặc dù biết Loan yêu Việt song khi đó bà chỉ muốn Loan có chồng trước khi bà nhắm mắt.
Đùng cái, tin Việt hy sinh trên đường vào Nam bay về. Tin này do một người cùng đơn vị với Việt, anh ta đào ngũ bỏ về cho hay. Rồi bằng nhiều nguồn khác nữa, tin này được đa số dân làng xác nhận. Loan chết lặng. Trong khi đó, bệnh tình của mẹ ngày càng nguy kịch. Suốt ngày bà lảm nhảm kêu Loan lấy chồng. Cuối cùng, Loan đã nhắm mắt đưa chân theo số phận. Thế là, Việt đi bộ đội tháng trước, tháng sau Loan lấy Dụ. Bạn bè cùng trang lứa nhiều người dè bỉu chê bai Loan. Loan chấp nhận tất cả chỉ vì mẹ. Và cũng chỉ được mấy tháng, mẹ Loan cũng ra đi. Trước lúc hấp hối, bà chỉ lặng nhìn Loan và khóc. Dẫu sao bà cũng yên lòng giao phó cô con gái út cho vợ chồng Loan.
Không ngờ, bốn năm sau, Loan và Dụ gặp lại Việt chính trong ngày cưới của Quang ở trại thương binh Nam Hà.
- Thôi thế nhé. Anh cảm ơn Loan về những gì em dành cho anh những ngày qua.
Tiếng Việt làm Loan sực tỉnh. Chị ngẩng lên bắt gặp ánh mắt vời vợi của Việt. Bỗng lù lù phía trước mặt hai người đoàn xe trâu chở thóc thuế của hợp tác đang thũng thẵng đi về. Ai như tiếng ông Dẫn đang quát giục. Nghe thấy thế, Việt chào Loan rồi nhảy lên chiếc xe đạp phóng đi. Bóng anh nhập nhoà mờ dần phía cuối con đê. Loan nhìn hút theo anh khẽ thở dài.

    
*
*      *

- Loan! Loan ơi! Anh được đi bộ đội rồi!
Cả đội 202 đang vét mương khu Chằm Cọ cùng dừng tay lại quay đầu về phía tiếng gọi. Thằng Việt! Đúng thằng Việt cồ rồi! Mọi người cùng ồ lên. Mấy hôm nay mất mặt. Thì ra hắn trốn để đi khám tuyển quân sự.
- Tôi được đi bộ đội rồi mọi người ơi! Loan ơi!
Việt hớn hở giơ cao tờ giấy chạy lại gần cả đội. Anh thở hổn hển vì mệt, vì xúc động. Mọi người xúm lại bên Việt. Họ chuyền tay nhau tờ giấy “Lệnh nhập ngũ”. Loan bẽn lẽn đứng ở đằng xa đôi mắt trong veo lặng lẽ nhìn Việt. Người đến lạ, đã quyết cái gì thì làm bằng được. Mới nói ý định đi bộ đội với người ta hôm nọ thế mà hôm nay đã chuẩn bị đi thật rồi.
- Phải liên hoan đội đi, ông Liên ơi!
Tiếng ai đó nhanh nhảu đề xuất.
Ông Liên, đội trưởng đội thuỷ lợi 202 đến bên Việt:
- Cậu giỏi thật. Đi bộ đội mà cấm có báo cáo tớ. Tớ không cho cậu đi thì sao?
- Không cho cháu cũng cứ đi. Trên đang tổng động viên chẳng ai giữ được cháu cả. Không đi nhanh thì chẳng có thời cơ nào mà diệt Mỹ đâu bác ạ. Với lại, cháu tin là bác sẽ ủng hộ cháu.
Việt vẫn hào hứng. Ông Liên nheo mắt cười cười. Trong đội, ông quý nhất chàng thanh niên này. Mới tí tuổi mà có chí khí đáo để. Tình cờ hôm ông cầm được cuốn sổ tay của Việt, ông vội giở ra đọc. Ngay trang đầu tiên cậu ta đã viết nắn nót những dòng này: “Cái quý nhất của con người là đời sống. Đời người chỉ sống có một lần phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận với những năm tháng đã sống hoài sống phí, với những dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của đời mình. Và để khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao quý nhất trên dời - sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”. Pa ven Cô-sa-ghin, “Thép đã tôi thế đấy”. Giỏi! Giỏi lắm! Cậu này rồi sẽ tiến xa đây. Ông nghĩ vậy.
Thế mà hôm nay nó đã làm được điều đó. Chỉ tiếc rằng ông chưa kịp báo cáo với chi bộ để kết nạp nó vào Đảng. Nhưng không sao, con người đó, tính cách đó, nhất định nó sẽ sớm trở thành đảng viên. Thép sẽ được tôi chính ở cái nơi cần tôi luyện.
- Liên hoan. Phải liên hoan. Tớ sẽ báo cáo ban quản trị xin hẳn một con lợn để cho đội liên hoan chia tay thằng Việt. Mọi người thấy thế nào?
Ông Liên vừa dứt lời thì tiếng reo hò vang lên:
- Đồng ý. Hoan hô đội trưởng Liên. Hoan hô đồng chí Việt.
Sáng sau, đội 202 nghỉ để liên hoan cho Việt lên đường. Bao lời chúc tụng. Ông Liên xúc động thay mặt cả đội tặng Việt cuốn sổ tay. Khăn mùi xoa, khăn mặt, tem thư, bút, giấy... bao nhiêu thứ của mọi người nữa tặng Việt. Dụ đến bên Việt nói những lời như có cánh. Trong thâm tâm, Việt nhập ngũ là Dụ mừng lắm. Biết đâu đây chẳng là cơ hội cho Dụ. Cuối cùng, mọi người yêu cầu Việt và Loan hát song ca một bài trước ngày lên đường. Loan bồi hồi chỉ muốn khóc. Song trước tình cảnh đó, cô đành cố vui rắn rỏi bước đến bên Việt.
- Anh hát chứ?
Loan ghé sát tai Việt hỏi nhỏ. Việt gật đầu.
- Hát bài gì hả em?
Không trả lời vào câu hỏi của Việt, Loan dõng dạc:
- Thưa các đồng chí. Vinh dự cho đội 202 chúng ta, cho chi đoàn ta là ngày mai đồng chí Việt lên đường nhập ngũ. Trước khi hát song ca, tôi xin được hát một bài tặng riêng đồng chí Việt có được không ạ?
- Được! Quá được! Thế mới là đoàn viên thanh niên chi đoàn La Hương chứ.
- Quân của thủ trưởng Liên mà lị.
- Hát đi! Hát ngay đi.
Mọi người reo hò tán thưởng. Loan quay sang nhìn thẳng vào mắt Việt. “Yên tâm vững bước mà đi hỡi người mà em yêu...”. Giọng Loan cất lên trong trẻo. Cả đội từ ông Liên đến mấy vị thanh niên mới lớn đều ngồi yên, lặng phắc. Không khí thiêng liêng quá. Ai cũng như nổi da gà khi nghe Loan hát.
Loan hát xong một lúc rồi mà mọi người vẫn còn như trong mơ. Mãi sau ông Liên vỗ tay. Rồi tất cả cùng vỗ tay rào rào. Hay! Hay quá! Thật là tuyệt. Chưa thấy bao giờ cô Loan lại hát hay như thế. Sau đó, Loan và Việt song ca bài “Hành khúc ngày và đêm”. Tiếng hát của họ quyện vào nhau bay bổng. Tiếng vỗ tay của cả đội rầm rập, rầm rập. Người lớn trẻ con gần đó nghe tiếng hát kéo đến vây kín quanh nhà kho hợp tác.
Đêm ấy, Việt hẹn Loan ra bến sông. Cây đa từ lâu là nơi hẹn hò của họ.
Trăng tháng mười trong vắt nhìn rõ cả những ngồng cải hoa vàng trên những luống rau hợp tác. Gió từ dưới sông thổi lên nhè nhẹ. Thoáng chút lành lạnh cuối thu. Bóng trăng trùm lên tán đa làm cho xung quanh gốc đa một khoảng tối đủ để cho các đôi lứa yêu nhau tình tự. Đêm nào cũng thế, Việt và Loan đều chọn bãi cỏ gần gốc đa đó, sát mé bờ sông. Ngồi đây vừa được ngắm sông vừa được bóng đa che chở. Cứ cơm tối xong, khoảng tám chín giờ là hai người lại tìm đến đây để tâm sự. Thôi thì đủ thứ chuyện trên đời, họ líu ríu với nhau, vui lắm. Kể cũng lạ, suốt ngày bên nhau, cùng nhau làm trong đội 202 rồi ấy thế mà chẳng đêm nào họ hết chuyện. Lại có khi, cả hai chẳng nói với nhau một câu nào, chỉ lặng lẽ ngắm nhau và ngắm sông. Ấy là khoảng lặng hạnh phúc nhất của họ. Mọi ngôn từ đều trở thành thừa.
Đêm nay là đêm đặc biệt, đêm của sự chia tay. Chẳng như mọi lần, Loan cố tình đến muộn, đêm nay Loan đến sớm hơn giờ hẹn dễ chừng đến nửa tiếng. Thắc thỏm mong mãi để được gặp Việt, để nói bao nhiêu điều muốn nói cùng anh. Khi sáng, liên hoan đội nào Loan đã nói được gì. Với lại nói thế nào được những điều thầm kín của lòng mình trong bối cảnh như thế. Chọn bộ quần áo đẹp nhất, Loan hồi hộp ra bến. Khổ nỗi, dạo này Loan phổng phao nhanh quá nên cái áo nào cũng chật. Lựa mãi Loan mới chọn được cái áo xanh xi lâm vừa ý. Tuy vậy, nó cũng như bị căng cứng ra bởi khuôn ngực đẫy đà mơn mởn như đang cựa quậy của Loan.
Chẳng phải đợi lâu, Việt cũng đang từ trên đê đi xuống. Anh đi như chạy. Trốn khách để ra với Loan. Cảm giác được gặp Loan y như lần hò hẹn đầu tiên vậy. Xốn xang lắm, rạo rực lắm. Chưa phải xa nhau mà đã cảm thấy bâng khuâng quá. Ban sáng, giữa không khí tập thể như thế, tinh thần cách mạng như thế Việt thấy mình lâng lâng hãnh diện. Giờ đây, chỉ còn lại chính mình trong giờ phút sắp phải xa Loan, Việt mới cảm thấy bồi hồi, xao xuyến. Anh muốn dành nhiều thời gian bên Loan. Thế nên, chưa đến giờ hẹn Việt đã vội vã hấp hổi chạy ra bến, tìm đến gốc đa, tìm về nơi hẹn hò yêu dấu. Linh cảm mách bảo anh Loan đang đợi anh ở đó. 
Quả đúng vậy, Loan đứng đó hiện rõ dưới bóng đa và trăng. Mặt nước sông được ánh trăng chiếu xuống như chiếc gương hắt lên tôn hình bóng của Loan một cách rờ rỡ. Việt chạy ào đến bên Loan. Anh giơ cả hai tay ôm chặt Loan vào lòng.
- Em ra lâu chưa? Việt thì thào.
- Cũng vừa được lúc thôi anh ạ - Loan nói dối - Thế anh bỏ khách ở nhà à?
- Ừ. Có bố mẹ rồi. Anh chỉ cần có em thôi.
Họ ngồi xuống bên nhau nhìn ra sông. Việt vòng tay ra sau lưng Loan ôm cô vào lòng. Chẳng như mọi lần Loan sẽ ý tứ gỡ tay anh, đêm nay cô cứ ngồi yên ngoan ngoãn như thế. Cũng chẳng líu ríu chuyện trò như mọi đêm, Loan trở nên tư lự ngồi im lặng, thỉnh thoảng cô buông một tiếng thở dài. Việt cũng vậy, trầm tư hơn. Mãi lúc sau, hai tay Việt ôm hai má Loan, quay đầu Loan hướng về mình. Anh nhìn thẳng vào đôi mắt Loan khẽ hỏi:
- Anh đi, em có buồn không?
Loan cũng nhìn sâu vào mắt Việt:
- Buồn lắm chứ anh. Nhưng vì nhiệm vụ, anh cứ lên đường đi.
- Em sẽ chờ anh chứ?
Loan khẽ gật đầu.
- Anh nhớ giữ gìn sức khoẻ. Em sẽ đợi anh ngày chiến thắng.
- Cả em nữa, cũng thế. Ở nhà nhớ trông nom, chăm sóc bố mẹ dùm anh.
- Nhớ phải viết thư đều cho em đấy nhé. Không có là không xong với em đâu.
Loan nói và cốc nhẹ vào trán Việt. Việt giơ tay nắm chặt tay Loan.
- Không chỉ viết thư mà còn gửi rất nhiều cái “hòm” cho em nữa đấy. Lúc đó không nhận không được đâu.
- Em ứ nhận “hòm”, chỉ nhận “tái bát” thôi.
Loan nhõng nhẽo. Cả hai cùng cười. Họ giằng co tay nhau.
- Bát này.
- Hòm này.
- Bát này.
- Hòm này...
Cứ mỗi lần “bát”, “hòm” như thế là Việt lại ghì mặt Loan lại với mặt mình, hôn lấy hôn để lên mặt cô. Ngược lại, Loan lại cố đẩy Việt ra, hai tay cô đập túi bụi vào hai cánh tay rắn chắc của Việt. Họ khúc khích sung sướng. Việt bế Loan ngồi lên đùi mình, ôm chặt Loan hơn nữa. Đầu Loan ngửa ra, mái tóc đen dài thơm mùi bồ kết xoã xuống.
Dưới trăng, khuôn mặt hai người rờ rỡ. Ánh mắt họ ngời lên cùng ánh trăng. Việt nhìn như thôi miên vào khuôn ngực trắng ngần của Loan. Chiếc cúc áo ở đó bật ra tự lúc nào. Không hiểu vì áo chật hay vì những động tác yêu thương của Việt. Loan cũng biết điều đó. Song đêm nay, cô không muốn dối mình. Loan muốn dành những gì yêu thương nhất của mình cho Việt trước ngày anh nhập ngũ. Việt rúc đầu vào ngực Loan. Anh hôn như mưa như gió vào môi, vào mặt, vào khuôn ngực phập phồng hơi thở của Loan.
- Loan, anh yêu em.
Việt thì thầm nhắc lại không biết bao nhiêu lần câu nói đó. Loan rên rỉ đứt quãng:
- Việt ơi! Anh... Việt! Em... em cũng thế!
Họ vòng tay ôm xiết lấy nhau. Mất đà, Việt ngã ra kéo theo Loan cùng rơi xuống bến. Hai người ôm chặt lấy nhau lăn vào luống rau cải. Những bông cải vàng li ti bám đầy lên quần áo họ. Việt vội bế Loan đứng dậy. Rồi cứ tư thế như thế, anh nâng bổng Loan lên nằm ngang trên đôi tay rắn chắc của mình chạy dọc theo bờ sông. Cát dưới chân anh mát lịm. Sóng nước bắn tung toé. Không cần biết xung quanh có ai không, Việt gào to:
- Anh yêu em, Loan ơi!
Mặc cho Loan cười giãy rụa, Việt cứ chạy trên mép nước như thế. Mặt sông vọng lại lời Việt mênh mang. Ánh trăng thia lia theo sóng nước như cười đùa cùng họ. Một ngọn ngồng cải vương vào ngực Loan làm cho cô buồn buồn nhột nhột. Mùi hoa cải sực nức thơm thơm. Cả hai như bay trong mơ. 
Đến một bãi cỏ rộng, Việt dừng lại nhẹ nhàng đặt Loan xuống. Loan nằm ngửa duỗi thẳng hai chân hai tay. Việt quì bên úp mặt vào ngực Loan. Cả hai thi nhau thở. Sau đó anh nằm xuống cạnh Loan, vòng tay lên ngực cô. Cúc áo Loan buột ra gần hết. Lúc sau, họ cùng ngồi dậy.
Loan đang định đóng cúc áo lại thì Việt giữ tay cô. Anh nhìn đắm đuối vào mắt Loan. Lại hôn như mưa. Vũ điệu ánh trăng lặp lại. Lần này dữ dội hơn. Loan ngả vào lòng Việt. Họ cùng nhau ngã xuống vạt cỏ. Không còn gì để gìn giữ. Bàn tay Việt mơn trớn khắp thân thể ngồn ngộn của Loan. Ánh trăng nhễ nhại như cũng đồng tình cùng họ. Anh hôn mọi chỗ có thể trên người Loan. Loan đờ đẫn rên rỉ. Cô nắm tay Việt thì thầm: “Đừng... Đừng anh... Việt... Việt...! Đừ...ừ...ng...”. Miệng nói vậy nhưng Loan vẫn ưỡn người lên chờ đợi và đón nhận. Ngày mai xa nhau rồi, biết đâu..? Dâng hiến. Tận hưởng. Hạnh phúc. Cứ thế Việt đi vào trong Loan lúc nào không biết. Phút giây họ trở thành đàn ông, đàn bà thật tự nhiên.
Đến bây giờ, mỗi khi ân ái với Dụ, Loan không thể nào quên được cái cảm giác bồng bềnh trong mơ với Việt trong cái đêm trước ngày anh nhập ngũ năm đó.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét