Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

CHIỀU KHÔNG TẮT NẮNG (chương 8)



8
 Chờ cho đoàn hoá giá đàn lợn về hết, Huê buông mình đánh phịch một cái xuống chiếc giường cá nhân trong căn phòng của trại. Thế là hết. Thế là xong. Từ nay chẳng còn phải lo lắng thức khuya dậy sớm vì lũ lợn ấy nữa. Hơn chục năm gắn bó với chuồng trại cám bã, với lợn với gà giờ cũng sắp sửa kết thúc. Hết cả mùi hoi nồng của lợn, mùi chua loét khẳm lặm của phân gà, phân vịt, cái mùi đặc trưng của trại mà nhiều hôm xa nó khiến cho Huê bỗng giật mình nhớ đến nôn nao. Cũng chẳng còn phải nghe tiếng lợn réo, gà kêu khi đến bữa nữa. Tất cả đang lùi về quá khứ. Còn hơn chục con lợn nái kia, chỉ tuần sau nữa thôi là nó cũng được thanh lý về theo chủ mới. Nghĩ đến đó, Huê tủi thân nước mắt cứ tự nhiên ứa ra.
Vào trại chăn nuôi từ năm hai mươi tuổi, trông đi ngoảnh lại Huê đã có chục năm theo đuổi gắn bó với nghề. Tiếng là nghề nhưng Huê đâu có được học đến đầu đến đũa. Hết lớp bảy, Huê được hợp tác xã La Hương cử đi học lớp sơ cấp chăn nuôi ba tháng. Tốt nghiệp xong, Huê về thì hợp tác xã cũ giải thể để thành lập hợp tác xã mới toàn xã. Là người có nghiệp vụ chăn nuôi duy nhất của năm hợp tác nhỏ nên cô được đảng uỷ, uỷ ban xã xếp ngay cái chân trại phó trại chăn nuôi của hợp tác xã lớn. Vốn tính nhanh nhẹn, hoạt bát, có khiếu ăn nói cộng với kiến thức đã học, Huê dần dần thay thế vị trí của bà trại trưởng. Cô giữ chân trại trưởng khi vừa tuổi hai lăm. Cả làng, cả xã ai cũng mừng cho Huê sớm có “địa vị” công tác. Quả thực, cô là điểm sáng trong việc tổ chức quản lý trại. Sản lượng thịt, trứng tăng dần qua các năm. Mấy năm dưới quyền Huê, trại hầu như không có dịch bệnh. 

Chị em trong tổ chăn nuôi đều tin tưởng yêu mến cô. Cán bộ xã, ban quản trị hợp tác thì khỏi nói. Họ rất tự hào về Huê. Hễ có đoàn khách nào là họ lại dẫn đến thăm quan trại chăn nuôi hợp tác. Rồi thì ăn uống. Rồi thì quà cáp. Nào lợn giống, gà thịt, nào trứng vịt, trứng gà, thậm chí cả đỗ tương, lạc, thóc là những sản phẩm làm thức ăn cho gia súc cũng được làm quà biếu cho khách. Khách vừa được ăn, được nói, được ngắm cô chủ trại xinh đẹp và được cả gói mang về nữa. Thế cho nên, tiếng tăm về trại chăn nuôi hợp tác xã Hợp Nhất này nổi lên như cồn. Hết khách huyện đến khách tỉnh, hết khách kinh tế đến nhà văn, nhà báo. Đoàn nọ đi thì đoàn kia đến. Huê bù đầu vì tiếp khách. Có tài ăn nói đưa đẩy như Huê mà nhiều khi cô cũng cảm thấy mệt mỏi nhàm chán. Mô hình ư, kinh nghiệm ư? Có quái gì đâu mà các vị thăm quan lắm thế? Hiệu quả ư? Trên phương án thì lời lắm, lãi lắm nhưng thực tế thì các vị biết đấy làm được đồng nào, có được con lợn, con gà ngon béo nào là các vị giải quyết hết rồi còn gì! Thế nhưng cái vòng xoáy bệnh thành tích của cán bộ xã, của ban quản trị hợp tác đã cuốn Huê theo.
Phải, Huê đã cuốn theo vòng xoáy cả chục năm trời mà cô không biết. Không chỉ tiếp khách, báo cáo cho các đoàn tới tham quan, cô còn được huyện, tỉnh mời đi báo cáo điển hình về công tác chăn nuôi của hợp tác xã Hợp Nhất. Tự bao giờ, ngấm trong dòng máu của cô cái căn bệnh vẽ phấn, tô son cho cái trại chăn nuôi của mình. Huê chìm trong ánh hào quang của thành tích. Năm nào, Huê cũng là lao động tiên tiến, là xã viên xuất sắc được cấp trên ngợi khen. Cô mải mê chạy theo ánh hào quang đó quên cả việc lấy chồng. Nhiều đám ngấp nghé cô chê là không hợp. Thực tình, khi đó Huê đang theo đuổi chân phó chủ nhiệm hợp tác xã phụ trách chăn nuôi. Cho nên, cô dành cả tâm huyết, thời gian để phấn đấu. Đến khi, Dụ, cái anh chàng hay bán bắp cải cho trại lợn của cô, học xong trung cấp chăn nuôi lù lù dẫn xác về đúng vào lúc chuẩn bị đại hội hợp tác đã ẵm mất cái chân phó chủ nhiệm mà cô hằng ao ước. Chán chường, Huê sực tỉnh thì đã ở tuổi hai bảy hai tám. Rồi chẳng biết ma dẫn lối, quỷ đưa đường thế nào mà Huê lại phải lòng chính cái tay bán bắp cải cho cô, cái tay đã chiếm mất cái ghế trong ban quản trị của cô. Ba, bốn năm trời hai người như ăn phải bùa mê thuốc lú để giờ đây Huê tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Giải thể trại chăn nuôi, thế là hết. Huê biết đi đâu về đâu. Bỏ mặc đống giấy tờ, sổ sách chỏng chơ trên bàn, Huê úp mặt xuống gối khóc rưng rức.
- Cô Huê chưa về à?
Tiếng ông già Tu làm cô giật mình. Ông đến lù lù ngay trước cửa phòng. Huê lau vội nước mắt, dọn dẹp đám giấy tờ.
- Cô khóc phải không? Sao mà phải khóc?
Giọng ông Tu chân tình. Quả thực, ông Tu coi các cô ở trại, nhất là Huê như con. Trại này bao nhiêu năm là bấy nhiêu năm ông gắn bó với nó. Ông và Huê là hai người có thâm niên nhiều nhất ở trại. Họ coi nhau như cha con. Ngoài việc trông coi bảo vệ trại ông còn thu vén, giúp đỡ chỉ bảo người nọ người kia trong công việc cũng như các mối quan hệ. Hễ có khó khăn gì là họ lại kêu tới ông.
- Sắp giải thể trại này rồi bác ơi!
Huê nói với ông Tu vậy rồi cô khóc rống lên. Ông Tu ôn tồn:
- Cái cô này hay nhỉ? Giải thể thì giải thể chứ làm sao mà phải khóc?
- Nhưng mà cháu buồn lắm bác ơi! Bác cháu mình sắp phải xa nhau rồi!
- Dễ tôi không buồn chắc? Thời thế nó phải vậy cưỡng lại cũng chẳng được.
Rồi ông Tu nhỏ nhẹ phân tích điều hơn lẽ thiệt cho Huê. Ông nói:
- Giải thể sớm là may cho hợp tác, may cho xã viên và may cho cả cô nữa đấy. Cô tính xem, mấy năm nay trại mình làm được những gì, xuất được bao nhiêu tấn thịt lợn? Hay chỉ làm nơi cho các ông ấy ăn uống chè chén, đãi đằng tiếp khách. Chẳng biết cô có nghe thấy không, tôi thì tôi nghe xã viên họ nói rác tai lắm. Cô cũng nên tỉnh táo lại đi, công việc vừa vừa thôi, còn lo chuyện chồng con nữa chứ. Giải thể là may đấy. Khóc cái quái gì cho mệt xác.
Dừng lại ít phút, ông Tu nhìn xoáy vào đôi mắt Huê:
- Tôi nói điều này có gì không phải mong cô bỏ quá cho. Cái vụ dịch bệnh lũ lợn bột vừa rồi sao tôi thấy lạ lắm. Dịch ư? Sao đàn lợn nái không bận gì? Tôi đồ rằng chắc có kẻ nào đầu độc đàn lợn này cũng nên.
Huê giật mình. Mắt cô thao láo, ráo hoảnh. Bản tính sắc sảo, nhạy bén của cô thức tỉnh. Cô cười cười:
- Bố chỉ được cái tính đa nghi. Con làm chuyên môn con biết chứ. Chuyển mùa, thời tiết độc lắm. Chúng bị cảm cúm đấy cụ khốt ạ. Ma nào lại đi đầu độc đàn lợn của hợp tác? Bố chỉ làm phức tạp vấn đề.
Huê “bố bố con con” ngọt xớt với lão Tu. Hiếm khi cô ngọt ngào như thế lắm. Mấy hôm trước khi thực hiện kế hoạch lợn ốm, Huê đã cho tổ chăn nuôi chuyển đổi chế độ ăn uống cho đàn lợn. Cô bí mật cho bao nhiêu là muối ăn, phân đạm vào thức ăn khiến cho chúng không thể ăn được. Chúng chỉ ngửi ngửi hít hít máng cám rồi bỏ đi. Có con dũi mõm vào rồi cố rít lấy tí nước. Chúng đứng túm tụm với nhau ở góc chuồng và kêu rống lên. Mấy cô thấy thế vội gọi Huê. Cô kiểm tra và lấy thuốc kháng sinh tiêm bừa cho chúng. Song rồi, sợ tiêm nhiều kháng sinh ảnh hưởng đến thịt lợn, Huê pha thuốc rồi đổ lên các máng ăn khiến cho mùi thuốc bốc lên nồng nặc. Đàn lợn cứ thế rộc đi. Hôm đoàn của hợp tác xuống, mùi thuốc pênixilin xộc vào mũi các vị quan khách. Trong khi đó, đàn lợn vẫn nằm rúm ró ở góc chuồng. Mấy vị có tí chuyên môn khám xét qua loa rồi cho lệnh “hoá giá”.
- Lợn ốm tiêm nhiều kháng sinh quá, thịt ra ma nó mua. Các vị xem gọi ai mua cho họ thì gọi. Tôi chịu.
“Tư ba toa” được thể làm già. Dụ săn đón:
- Ông xem lại đi. Cô Huê báo cáo với tôi là mới chỉ tiêm chúng có vài mũi thôi, ảnh hưởng gì đến thịt mà ông lo. Phải vậy không cô Huê?
- Vâng. Đúng thế. Em chỉ điều trị thăm dò một vài con thôi.
- Một vài con mà thuốc thiếc sực nức cả lên thế? Các vị bảo không ảnh hưởng ư, ảnh hưởng quá đi chứ. Các vị cứ thử ăn miếng thịt lợn tiêm kháng sinh mà xem, tôi đố các vị chịu được. Hơn nữa, cả đàn cả đống thế kia, tôi mà mua về thịt sao kịp. Nhỡ nó chết ra đấy thì mất cả chì lẫn chài.
“Tư ba toa” lọc lõi. Ông Trung điềm đạm:
- Chú cân nhắc kỹ đi. Giúp hợp tác lúc này, lúc khác hợp tác lại giúp chú. Đi đằng nào mà thiệt.
Mỗi người mỗi câu cùng xúm vào. Huê và Dụ biết thừa cái bụng của Tư. Chủ nhiệm Hải cứ chắp tay sau đít đi đi lại lại từ đầu đến cuối dãy chuồng lợn. Ông ngó đàn lợn trân trân. Sợ để lâu sẽ bại lộ, Dụ lại gần Tư ba toa nói nhỏ: “Ông quyết mẹ đi cho con nhờ. Kỳ kèo mãi lộ ra thì chết cả nút”. Tư ba toa không vừa: “Thế thì hạ giá nữa đi. Không thì mặc xác ông đấy”. Dụ rít qua kẽ răng: “Được rồi. giảm hai giá nữa. Nhanh chóng bắt đi cho khuất mắt tôi”.
- Nể lời ông Trung và các ông, tôi xin mua giúp. Mua cả mớ luôn. Không cân kiếc gì cả.
- Mua quạ?
Tiếng ai đó trong đoàn hỏi lại.
- Đúng thế. Mua quạ. Bây giờ mà cân kẹo nó lên con nào khoẻ còn khả dĩ, con nào yếu bắt về đến nhà mà chết thì tôi ăn cháo à?
Lại thế nữa. Dụ cáu lắm song không biết làm thế nào được. Còn Tư biết được điểm yếu của Dụ, của hợp tác nên hắn càng làm già. Giảm thêm hai giá, trả cho con Huê một giá, mình vẫn còn hời một giá so với cái giá tay Dụ đưa ra. Bây giờ đánh quạ nữa, thêm lãi cân càng chắc thắng.
- Đánh quạ cả hai chục con lợn này hả?
- Chứ sao?
- Thế ông tính bao nhiêu?
Ông Hải sốt sắng. Dụ nhẩn nha:
- Năm chục cân một con bình quân, vị chi cả đàn là một tấn.
- Một tấn? Cả đàn lợn nhông nhốc thế kia mà tính có một tấn thịt?
Dụ làm ra vẻ tính toán vặn lại Tư ba toa. Tư ba toa vẫn thủng thẳng:
- Một tấn là hơi quá đấy. Nhịn ăn cả tuần nay rồi, xương da thế kia, tính thế là cao đấy.
Hai bên trao đi đổi lại cuối cùng bên đông người hơn vẫn chịu thua cái bên duy nhất chỉ có một người. Huê làm nhiệm vụ ghi biên bản thanh lý. Sau đó tất cả các vị có mặt đều ký vào biên bản chứng kiến. Cả mấy vị cán bộ huyện tiện thể cũng làm chứng cho. Chặt chiệm thế ai thắc mắc thì còn lo gì nữa. Của tập thể chứ có phải của ai đâu. Đàn lợn được bán đi một cách chóng vánh. “Tư ba toa” gọi hai chiếc xe trâu của đội xe ông Dẫn đến chở hai chục con lợn về quán của mình. Lão Tu nhìn theo lũ lợn kêu eng éc trên chiếc xe trâu mà xót ruột. Cung cách làm ăn này, giải thể trại sớm ngày nào hay ngày ấy.
- Bác ơi! Giải tán trại này thì bác cháu mình đi đâu?
Huê đánh trống lảng hỏi ông Tu sang chuyện khác. Ông Tu thật thà:
- Đi đâu? Nhận ruộng mà làm chứ còn đi đâu nữa.
- Làm ruộng á? Cháu... cháu thế này mà làm ruộng thì...
- Thì sao?
- Chục năm nay rồi cháu có lội ruộng ngày nào đâu? Bây giờ mà đi cấy, đi gặt thì cháu chết.
- Chết thế nào được. Vài hôm lại quen ngay thôi mà.
Huê làm ra vẻ nhõng nhẽo:
- Bố nói nghe đơn giản. Đường đường là trại trưởng trại chăn nuôi của hợp tác xã toàn xã mà giờ con lại chịu xuống lội bùn ư? Còn lâu bố nhá. Con phải đề nghị các ông ấy cho con một chân ở trụ sở chứ. Kế toán viên chẳng hạn. Bố thấy có được không?
Ông Tu buồn rầu:
- Được, sao bảo là không được. Có điều cô có làm được không cơ chứ?
- Được chứ. Làm trại trưởng chăn nuôi còn được nữa là làm cái anh kế toán viên.
Huê bỗng cảm thây thích thú với ý nghĩ của mình. Cô quên hẳn cái nỗi buồn giải tán trại. Đột nhiên cô cười ré lên khiến ông Tu cũng ngờ ngợ không hiểu được Huê.
- Nói đùa thế thôi bác ạ - Huê lại chuyển cách xưng hô - Còn lâu mới giải thể được trại này nhé. Đàn lợn nái còn đây, cơ sở vật chất nghênh ngang thế này, đất đai ao ruộng thế kia nữa bảo xoá ngay một lúc ư? Xoá thế nào được. Bác với cháu phải bám trụ đến cùng. Cùng lắm thì chuyển đổi hình thức, làm kho, làm màu chẳng hạn. Từ nay đến lúc đó, khéo cháu lại nghĩ ra cái gì đó cũng nên.
Ông Tu không ngờ định đến an ủi Huê thì chính cô ta lại an ủi lại mình. Rít điếu thuốc lào, nhả khói lên trần nhà, ông Tu thong thả nói:
- Chịu cô. Cô đúng là người tháo vát, sắc sảo, không chịu bó tay đầu hàng trước hoàn cảnh. Chả trách bọn đàn ông chẳng đứa nào dám lấy cô là phải.
Huê cười tít mắt. Trong lòng cô tự nhiên lại nhớ đến Dụ. Cái tay buôn bán bắp cải cho trại ngày nào không ngờ lại có sức hút đối với cô đến vậy. Tuy nhiên, đừng hòng vượt được cô. Một tấn thịt lợn, một nghìn giá đâu có ít? Cứ thanh lý đi, cứ hoá giá đi, đây chấp hết. Chồng con vội gì, có vốn, có tiền khắc có tất cả. Nghĩ đến đó mặt Huê đanh lại. Mắt cô long lanh liếc xéo lên trần nhà. Da dẻ cô vốn đã ngăm ngăm rồi giờ cộng thêm cái ý nghĩ đắc chí đó càng làm cho người cô sạm đi.
Thấy tâm trạng Huê lúc đó như vậy, ông Tu chắp tay sau đít bỏ về phòng của mình. Qua khu lợn bột, ông ngó vào trong chuồng thấy trống toang. Không còn nghe thấy tiếng lợn rít lên quen thuộc nữa. Ông Tu bước những bước chuệnh choạng, chơi vơi. Mấy cô trại viên đang gánh nước rửa nền chuồng thấy bóng ông vội nhao nhao:
- Bác Tu ơi! Bán hết lợn rồi chúng cháu làm gì?
- Ngày mai bác có quát chúng cháu về cám bã nữa không hả bác?
- Hết lợn, hết gà, hết tham quan phải không bác?
Ông Tu chán nản:
- Hết. Hết tất. Rửa ráy, dọn dẹp làm đếch gì nữa chúng mày. Về. Về mà nghỉ. Đứa nào lấy chồng thì về mà lấy đi. Ở đây hôi hám lợn gà ma nó ngó.
 Cả bọn cười rinh rich:
- Sao cụ khốt hôm nay tiêu cực thế? Thoáng thế? Không quát chúng con nữa à? Chúng con đăng ký lấy con trai của cụ khốt đấy. Cụ duyệt đi.
Ông Tu lại thấy mình nguôi ngoai. Đúng là lớp trẻ. Vô tư quá. Chiều dần buông. Cái nắng đầu đông se sắt lành lạnh. Ông bước những bước lững thững về phòng. Chợt nghe thấy tiếng lợn bị chọc tiết từ phía nhà “Tư ba toa” rộ lên ông khẽ ôm ngực thảng thốt. Chắc con tai sứt mắt híp chuồng số 2 đi rồi. Nó là con lợn yếu nhất đợt này mà lị. Biết đâu, tay Dụ đang ở đó chờ tiết canh lòng sốt cũng nên.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét