5
Từ ngày nhận chức đội trưởng đội xe
trâu hợp tác ông Dẫn hoạt bát hẳn lên. Mọi công việc chủ nhiệm giao cho đội xe
ông đều hoàn thành một cách nhanh chóng. Đặc biệt, chiến dịch chở thóc giao nộp
thuế cho Nhà nước nhờ có đội xe trâu của ông mà tiến độ nhanh hơn hẳn các vụ
trước.
Phải nói rằng sự tái lập đội xe và
việc ông được giữ chức đội trưởng đội xe “vô lăng dây” này công lớn là nhờ phó
chủ nhiệm Dụ, thằng em trai láu lỉnh của ông. Không có Dụ thì đừng bao giờ ông
mơ được cái chân “lái xe trâu” chứ đừng nói đến cái chức đó. Thời buổi “5 khâu,
3 khâu” nhà nào có được con trâu thì chỉ có nhất. Ngoài việc đội chuyên làm đất
cày bừa ruộng cho nhà mình ra, gia đình có trâu còn tranh thủ con trâu đó để
cày đi, bừa lại cho kỹ, rồi còn phân của nó nữa tha hồ mà bón ruộng bảo sao mà lúa
không tốt. Hơn nữa, còn nhiều việc khác nhờ có con trâu mà tiện lợi thêm bao
nhiêu lần. Nào chở phân gio ra đồng, nào chở lúa ngô khi thu hoạch về nhà, xe
quệt, xe cải tiến không có con trâu làm sao mà kéo được. Người khác oằn vai, è
cổ ra mà gánh gánh gồng gồng, đằng này có trâu cứ vô tư gặt hái, trưa xếp lúa
lên xe quát một câu là trâu nó cõng về tận nhà.
Trâu cày đã vậy, trâu kéo còn quý hơn
nhiều. Nó là vạn năng. Ban ngày kéo việc hợp tác, ban đêm tranh thủ bừa thêm
lượt cho ruộng khoán quản nhà mình. “Nhất thì nhì thục”, các cụ chả dạy thế là
gì. Lại còn chở vôi, cát, gạch, ngói... nữa chứ. Có trâu rồi, cứ vô tư đi. Chả
thế mà nhà nào được nuôi con trâu kéo thì coi như nguồn lợi đang đổ về nhà ấy.
Người ta phải bốc thăm, phải có “chính sách” để sắp xếp người được nuôi trâu,
nhất là trâu kéo.
Ông Dẫn nhớ lại cái đêm mà Dụ phóng xe
tồng tộc đến nhà. Lúc ấy cũng khá khuya, ông vừa tắt đèn đang định đi ngủ thì
có tiếng gọi:
- Bác Dẫn! Còn thức hay ngủ rồi, dậy
em nhờ tí việc?
Ông Dẫn sờ soạng tìm chiếc máy lửa hỏi
vọng ra:
- Có việc gì mà chú tìm anh khuya thế?
- Việc quan trọng. Bác dậy ngay anh em
mình bàn gấp kẻo lỡ.
- Việc gì mà chú làm cứ như cháy nhà
chết người vậy?
Ông Dẫn cằn nhằn. Dụ thì thào:
- Đã bảo là việc quan trọng mà lị. Bác
cứ dậy khắc biết.
Ông Dẫn châm đèn. Dụ dựng xe vào hè
rồi nhảng chân trèo lên chiếc ghế băng ngồi đối diện với ông Dẫn. Chờ cho ông
Dẫn rót xong chén nước, Dụ vào đề:
- Em vừa tậu năm con trâu kéo cho hợp
tác bác ạ.
- Tậu trâu cho hợp tác à? Thế thì sao?
- Vâng - Dụ không để ý đến câu hỏi của
ông Dẫn tiếp tục nói - Em lên ăn giỗ trên quê nhà em thấy lũ trâu đẹp quá, ngon
ăn quá, em liền cho dắt về.
- Chú cho dắt về? Ban quản trị dạo này
lắm tiền quyết mạnh tay gớm nhỉ?
- Đâu có! Em quyết đấy!
- Chú quyết?
- Vâng! Em thấy hay thì em dắt về. Thế
thôi.
- Thế còn ông Hải? Ông ấy có quyết
không?
- Quyết chứ bác. Lằng nhằng mất một tí
rồi ông ấy cũng phải quyết. Trâu đang để ở trại chăn nuôi đấy. Xong việc em về
ngay đây.
Ông Dẫn trầm ngâm. Biết tính Dụ, ông
hỏi luôn:
- Chú giỏi thật. Dám một mình mua
trâu. Được khá không?
- Ăn thua gì bác. Cơ bản là em nghĩ
cho bác thôi.
- Chú nghĩ cho tôi? Ông Dẫn ngạc
nhiên.
- Vâng. Chính vì vậy mà em phải về đây
đấy.
- Chú nói gì tôi không hiểu?
Dụ vươn người qua chiếc bàn uống nước
ghé mặt sát mặt ông Dẫn thì thào:
- Em muốn phân cho bác một con.
- Con gì?
Dụ suýt bật cười:
- Con trâu chứ con gì nữa. Bác phải có
một con trong số trâu vừa mới mua về đó.
Ông Dẫn đặt vội chén nước đang định
uống xuống bàn nhìn trân trân vào Dụ. Dụ khẳng định lại:
- Thật đấy. Bác phải có một con trâu
kéo tốt nhất.
Là anh trai của Dụ, ông Dẫn hiểu khá
rõ tính nết của em mình. Tuy nhiên, từ ngày Dụ vào ban quản trị hợp tác xã lại
giữ chân phó chủ nhiệm đến nay, có nhiều việc Dụ làm mà ông Dẫn không tài nào
hiểu được.
Trong mấy anh em, Dụ là người ranh nhất
nhà. Thông minh, học giỏi, hoạt bát và rất hay tính toán làm kinh tế. Việc gì
không có lợi ít nhiều dứt khoát Dụ không làm. Ngay cả hồi đi học trung cấp chăn
nuôi cũng thế, trong khi bạn bè lo cơm nắm, gạo gói để đi học thì Dụ vẫn ung
dung cưỡi xe đạp với vài quyển sách đến trường. Dạo ấy, Dụ đã biết buôn thuốc
tây, thuốc thú y từ trường về nhà, mang chè, mang bưởi từ nhà đến trường gửi
vào các quán sá giao buôn để ăn chênh lệch giá. Khi nhà trường có giống rau,
giống quả hay giống lúa mới nào là Dụ tìm mọi cách lấy một ít về quảng cáo,
giao bán cho dân làng. Tiến bộ khoa học kỹ thuật mới dưới cái lưỡi dẻo quẹo của
Dụ ai mà không thích. Nhiều lần Dụ còn kết hợp với việc đi học để buôn gà, buôn
vịt ở quê lên phố. Thậm chí Dụ còn mối lái bán được cả mấy con trâu phế canh
của hợp tác nọ cho hợp tác kia. Đến khi học được một ít kỹ thuật về chăn nuôi
thú y, Dụ đã biết đi chữa bệnh trâu, bò, lợn gà, rồi đi hoạn lợn cho người ta
để kiếm tiền. Chả thế mà cùng cảnh học sinh nhiều anh đói rã họng đằng này Dụ
cứ ung dung tiêu tiền, thoải mái sắm sửa. Thầy giáo dạy Dụ cũng phải phục tài
làm ăn của Dụ, lấy Dụ làm gương điển hình về đổi mới tư duy kinh tế cho cả lớp
học tập.
Từ ngày giữ chức phó chủ nhiệm, mánh làm
ăn của Dụ càng được dịp phát huy. Dụ giàu lên trông thấy. Ông Dẫn thấy em vậy
vừa mừng vừa lo. Chẳng còn cảnh chú ấy dắt lợn nòi đi khắp xã nữa. Cũng chẳng
còn phải lo việc đi bán rau hỏng xe dọc đường. Giờ đây chú ấy nói bao nhiêu người
nghe, kiếm tiền dễ như không.
- Chú bảo sẽ phân cho nhà tôi một con
trâu kéo?
Ông Dẫn chưa tin hỏi lại. Dụ cười bí
hiểm:
- Vâng. Chẳng những phân cho bác một
con trâu kéo và một chiếc xe trâu mà còn cho bác giữ chức đội trưởng để điều
hành đội xe này.
- Tôi làm đội trưởng đội xe trâu?
- Vâng! Đúng thế!
Dụ khẳng định. Không để cho ông Dẫn
kịp suy nghĩ, Dụ hỏi tới:
- Bác có dám không?
- Tôi... tôi hơi bị bất ngờ. Từ bé đến
giờ đã làm cán bộ bao giờ đâu. Chỉ huy một con trâu với chiếc xe đã tốt rồi giờ
chú lại bảo tôi chỉ huy cả đội liệu có ổn không?
- Ổn chứ. Cứ làm khắc được tất. Như em
đấy, trong nhà ai bảo em làm được phó chủ nhiệm thế mà em làm được đấy.
- Chú khác. Tôi khác. Cả đời chả đi ra
khỏi làng giờ lại bảo làm cán bộ?
- Thế bác không nhận phải không?
Dụ hỏi cứng. Ông Dẫn đăm chiêu:
- Thì cứ từ từ cho tôi tính đã.
- Không từ từ được đâu. Trâu về rồi.
Vụ thuế đến nơi rồi. Không nhanh là chẳng bao giờ có cơ hội nữa đâu. Chỗ trong
nhà em nói thật.
- Chú cứ nhận cho nhà tôi.
Chợt có tiếng đàn bà vọng ra. Hai anh
em ông Dẫn giật mình ngoảnh về phía cửa buồng. Bà Dẫn vừa vấn lại lọn tóc trên
đầu vừa bước ra nhà ngoài. Bà nói:
- Nãy giờ nghe hai anh em nói chuyện
tôi nghe được hết cả. Tôi thấy chú Dụ nói đúng đấy. Mỡ để miệng mèo, không ăn
để cho người khác người ta ăn mất à. Ông Dẫn nghe chú, cứ nhận cái chân ấy đi.
- Bá - Dụ quay sang chào bà Dẫn - Em
tưởng bá ngủ rồi. Em đang bàn với bác chuyện làm ăn.
- Có. Tôi biết. Chú nghĩ thế là phải.
Một người làm quan cả họ được nhờ. Nhà ta chỉ được có mỗi chú thôi. Ông Dẫn anh
chú đấy, ù lì lắm. Nhiều lúc chị bực bực là... Dại hết cả phần người khác.
- Đấy. Bác thấy chưa? Đàn bà như bá em
còn nghĩ được như thế nữa là. Cứ thế nhé để em còn báo cáo ban quản trị kẻo
thằng khác nghe tiếng nó lại phá.
- Chú cứ báo cáo lãnh đạo đi. Chị
quyết.
- Cứ thế nhé. Anh chị đừng để em mất
mặt. Nhận mà không làm người khác họ tranh ngay.
- Đã bảo chị quyết rồi mà. Khó gì cái
việc đội trưởng đội xe cơ chứ. Xe gì bảo còn sợ đằng này vài cái xe trâu mà cũng
sợ thì...
Bà Dẫn nói có ý khích ông Dẫn. Ông Dẫn
thấy vợ quyết tâm như thế liền thủng thẳng:
- Ừ thì quyết. Chú cứ lo cho tôi.
- Có thế chứ.
Bà Dẫn sung sướng cười véo vào vai ông
Dẫn một cái rõ đau.
Sau đêm đó, ông Dẫn đã theo ý chỉ đạo
của Dụ và tài bày binh bố trận của vợ đã chiếm được cái chức đội trưởng đội xe
trâu.
Dụ soạn sẵn lá đơn bảo ông Dẫn chép
lại. Đại ý đơn trình bày về hoàn cảnh gia đình đông khẩu, nhiều lao động rất
cần có việc làm thêm để tăng thu nhập. Hơn nữa, nhà ông lại ở trung tâm hợp tác
xã, gần với trụ sở thuận tiện cho việc điều hành xe cộ của ban quản trị. Đặc
biệt, lời hứa chăm sóc trâu và bảo quản xe thì đảm bảo ai đọc đơn cũng cảm thấy
duyệt ngay được. Làm xong đơn, hai vợ chồng ông cùng đến nhà ông Hải. Ông Dẫn
chậm mồm chậm miệng bao nhiêu đã có bà Dẫn đưa đẩy. Được cái, bà Dẫn lại là bạn
học thuở nhỏ với vợ ông Hải nên hai người rất hiểu nhau. Một câu nói của bà Hải
bằng cả chục câu nói của ông Dẫn. Ông Hải tin ông Dẫn ở cái tính thật thà chất
phác, thương gia cảnh đông con của ông Dẫn nên đã đồng ý để cho gia đình ông
được nuôi trâu kéo.
Công việc coi như thắng lợi được một
nửa. Việc đưa ông Dẫn giữ chức đội trưởng đội xe đã nằm trong tầm tay của Dụ.
Dụ nháy nhủ với Bàn, uỷ viên ban quản trị phụ trách ngành nghề. Hôm hai người
ăn sáng ở quán “Tư ba toa”, Dụ chuốc cho Bàn mấy chén rượu liền. Anh bá vai bá
cổ Bàn chén chú chén anh như dốc lòng dốc ruột với Bàn. Đợi khi Bàn đã ngà ngà
say, coi Dụ như người anh chí cốt, Dụ mới thì thầm vào tai Bàn:
- Anh em mình cùng trong ban quản trị
có gì phải bảo ban nhau mà làm. Chú như anh, anh như chú, phải dựa vào nhau mà
sống. Trước hết là phải phục vụ đắc lực chủ nhiệm, đoàn kết quanh ông ấy cùng
lo việc hợp tác. Phải không chú?
- Dạ phải! Bác chả nói em cũng biết điều
đó.
- Cái vụ mua trâu vừa rồi thực tình là tớ
muốn khôi phục lại đội xe trâu để tăng thêm sức mạnh cho chú. Chú quản lý ngành
nghề hợp tác, có đội xe trong tay có phải hơn không?
- Tất nhiên rồi. Bác quả là cao kiến đấy.
- Ấy thế mà cái lão Trung lại cứ kèn cựa.
Thế mới bực.
- Chấp làm gì ông ấy. Kiểm
soát bao giờ họ chả vậy. Việc mình mình cứ làm.
- Chú nói rất đúng. Việc
mình mình làm. Mình làm cho xã viên, cho hợp tác chứ cho mấy ông kiểm soát đâu
mà lo. Phải lập lại ngay đội xe phải không chú?
- Lập thế nào hả bác?
- Cái đó là do chú. Trâu tôi mua về rồi,
giao cho các hộ rồi. Nghị quyết ban quản trị có rồi, quyền lập đội xe là do chú
tham mưu cho chủ nhiệm chẳng lẽ tớ lại làm việc này?
Bàn nghi ngơ vẫn chưa hiểu ý Dụ. Dụ vừa
nhồm nhoàm nhai miếng lòng lợn vừa giảng giải cho Bàn:
-
Chú kém lắm. Phải gom tất cả lũ trâu kéo và số xe hơi lại. Chuyển tất cả chúng
về đội 7 trung tâm hợp tác để ban quản trị trực tiếp điều hành. Nói ban quản
trị điều hành thực ra là nói chú đấy. Uỷ viên phụ trách ngành nghề lại không quản
lý điều hành đội xe hợp tác thì ai? Tớ chắc? Hay tay Quý phó chủ nhiệm trồng
trọt? Thế nên, phải khẩn trương chọn lấy một tay hiền lành dễ bảo mà mà giao
chức đội trưởng cho nó. Có vậy mới dễ điều hành nó. Thật đấy. Lúc đó chú chả
tha hồ mà sai nó chở cái nọ cái kia tôi cứ bé.
Dụ nuốt vội miếng lòng lợn rồi cười lớn.
Đoạn, anh cầm chén rượu lên nhìn chòng chọc vào Bàn:
- Nào, cạch chén, chú mày. Hiểu ra chưa?
Hai người dốc cạn chén rượu. Đặt chiếc
chén không đánh cạch một cái xuống bàn, Dụ rào đón, đưa đẩy:
- Chú nghĩ ra ai làm đội trưởng đội xe
chưa?
- Chưa. Em làm sao mà nghĩ nhanh như thế
được.
Dụ cười khà khà:
- Nếu chưa thì tôi giúp chú nhé!
Bàn gật đầu dỏng tai chờ đợi.
- Ai? Anh nói đi!
- Lão Dẫn nhà anh đó. Đảm bảo với chú cả
hợp tác này không ai hơn.
- Anh Dẫn á? Nhưng mà bằng cách nào?
Bàn thật thà hỏi lại. Dụ chủ động:
- Bầu cử chứ còn cách nào nữa. Cứ họp các
chủ xe lại cho họ bầu.
- Cho họ bầu?
- Chứ sao? Thế mới dân chủ - Dụ đủng
đỉnh.
- Nhỡ người ta không bầu cho bác Dẫn thì
sao?
- Cái đó chú không phải lo. Tớ tin tưởng
vào uy tín của ông Dẫn lắm chứ. Chú cứ cho họp đội lại và chủ trì cuộc họp đó.
Còn đâu mọi việc để anh lo. Nhưng phải nhớ là giúp cho ông Dẫn nhà anh vào được
cái chức đó đấy.
Sau bữa nhậu sáng đó, Bàn báo cáo chủ
nhiệm xin ý kiến thành lập đội xe. Ông Hải đồng ý vì đã có nghị quyết của ban
quản trị. Về nhân sự ông Hải giao toàn quyền cho Bàn. Đây là cách làm việc của
ông: tin tưởng cấp dưới, giao quyền tự quyết, chủ động, chịu trách nhiệm trước
cấp trên của cấp dưới. Cũng vì cách làm này mà Dụ đã lợi dụng lạm quyền trên
một số công việc.
Đội xe họp. Các chủ xe trâu đều rất phấn
khởi trước chủ trương của ban quản trị. Ai cũng hào hứng được tham gia vào đội,
được cầm “vô lăng dây” rong ruổi trên đường. Chả gì thì cũng là chân lao động
“gián tiếp”, chẳng phải “chân lầm tay bùn” như mấy lão nông trong đội làm đất.
Trước ngày họp, Dụ đã đến từng nhà nuôi
trâu kéo xe hơi gọi là thăm chơi uống nước nhưng thực chất là anh tuyên truyền
cho cái công lập lại đội xe trâu của mình. Số cũ thì mừng vì được trở lại
“nghề”. Số mới thì mừng vì không những họ được nhận trâu mà còn được nhận cả xe
và lại được vào đội chuyên vận chuyển của hợp tác xã nữa. Họ cũng biết việc có
số trâu mới này công lớn phải kể đến sự dám làm dám chịu trách nhiệm của phó
chủ nhiệm Dụ. “Công nhận anh ấy có học có hơn. Dám mua một lúc năm con trâu kéo
về để lập lại đội xe thì thật là táo bạo”. “Người có đầu óc làm kinh tế phải
thế chứ. Cứ ỉ nại dựa dẫm vào ôtô bộ đội thì bao giờ cho chủ động được”. “Phải
nói là cả chủ nhiệm Hải cũng có tầm nhìn xa đi. Chả thế đời nào ông ấy ủng hộ
tay Dụ”...
Những lời bàn tán tốt đẹp về Dụ cứ thế
loang xa. Và khi Dụ gợi ý bầu ông Dẫn làm đội trưởng đội xe thì người ta chẳng
ai bảo ai đều nhất trí liền. Thì cũng là một cách trả ơn anh Dụ chứ. Với lại,
thực ra ông Dẫn cũng hiền lành, chất phác, đúng mực, chẳng bầu cho ông ấy thì
bầu cho ai?
Ông Dẫn đắc cử đội trưởng đội xe một cách
rất tự nhiên. Sau cuộc họp đó, toàn đội ra mắt bằng một bữa liên hoan tuý luý
bằng “tiền đóng gạo góp” tại quán “Tư ba toa”. Ông Hải chủ nhiệm và Bàn uỷ viên
quản trị phụ trách ngành nghề cùng tới dự. Dụ giữ ý không tới với lý do đang lo
việc thanh lý hoá giá đàn lợn ở trại chăn nuôi.
Đội ra xe quân bắt tay ngay vào chiến
dịch chở thóc thuế lên kho lương thực huyện. Ông Dẫn thường ngày củ mỉ cù mì
vậy thế mà vào việc ông tính toán cắt cử đâu ra đấy. Dưới sự điều hành của Bàn,
đội xe mười hai chiếc của ông chở hết thóc từ đội nọ đến đội kia. Đội sản xuất
nào quá nhiều thóc cần chở gấp ông đề nghị huy động số xe cải tiến có trong đội
đó cùng với đội xe trâu của ông vận chuyển cho nhanh. Vì vậy, có hôm đoàn xe
chở thóc thuế lên huyện của hợp tác xã Hợp Nhất kéo dài tới gần cây số. Ba chục
chiếc vừa xe hơi vừa xe cải tiến trâu kéo túc tắc đi như diễu hành trên đường
trông rất khí thế. Các hợp tác khác trông thấy mà phát thèm. Tiến độ giao nộp
thuế của Hợp Nhất (xã Tân Phong) lại liên tục dẫn đầu huyện. Chủ nhiệm Hải mở
mày mở mặt. Dụ cũng mở cờ trong bụng vì kế hoạch của mình đã thành công.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét