Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (chương 32)



32
Đò cập bến. Ông Thạc và Phương vội vã lên bờ. Hai người náo nức. Ai cũng muốn về nhà thật nhanh để loan báo cho mọi người biết không khí của cuộc họp Quân khu đồng thời vừa tránh được giờ cao điểm máy bay. Báo cáo của ông Thạc, của Phương được hội nghị đánh giá cao. Không ngờ sáng kiến phá bom trên sông Lô nói riêng và kinh nghiệm tổ chức phá bom nói chung của xã Chí Đám lại được cả hội nghị lắng nghe và hưởng ứng đến thế. Giờ giải lao, các đại biểu còn tranh thủ hỏi thêm hai người những chi tiết mà họ quan tâm. Thủ trưởng Quân khu kết luận hội nghị biểu dương cán bộ chiến sỹ dân quân xã Chí Đám đã phát huy tốt truyền thống sông Lô lịch sử lập chiến công mới trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và phát động phong trào thi đua toàn quân khu học tập Chí Đám.
Đáng ra, sau hội nghị, các đại biểu sẽ dự một lớp tập huấn mấy ngày nữa song do kế hoạch thay đổi, chương trình được rút ngắn lại. Vì vậy, ông Thạc và Phương được về sớm hơn kế hoạch ba ngày. Thực chất, Phương cũng nóng ruột lắm. Tự nhiên mấy ngày qua, ruột gan cô cồn cào như có lửa đốt. Hai tai cô nóng bừng. Cô hắt hơi liên tục. Ông Thạc cũng thế. Vừa lo nước lụt, vừa lo hàng lên. Và hình như có cả điều gì đó khiến ông và Phương cứ bứt rứt khó chịu. Họ chỉ muốn về. Cho nên khi nghe ban tổ chức lớp học tuyên bố rút ngắn thời gian tập huấn, hai người thở phào và tan lớp họ bắt xe về ngay.

          Có tiếng máy bay. Mặc, Phương và ông Thạc vẫn vừa đi vừa chạy. Chỉ khi nghe tiếng rú rít của lũ giặc trời họ mới nhảy xuống hầm trú ẩn. Ngồi trong hầm, ông Thạc lẩm bẩm: “Mẹ cha chúng nó chứ. Cấm có sai quy nuật bao giờ. May mà ông và cánh bộ đội vừa qua sông, không thì… Coi như nà ăn cứt cho chúng tao”. Ông vừa nói vừa móc túi lấy bao thuốc lá rút một điếu châm lửa hút. Ông rọ roạy trong căn hầm chống chéo miệng vẫn không ngớt chửi lũ máy bay. Vừa qua đợt mưa lũ, chiếc hầm này bùn nước vẫn còn lép nhép, càng làm cho ông Thạc bực tức hơn. Thấy ông Thạc thế, Phương chỉ cười thầm. Cô đang nghĩ về cánh lính trẻ lúc nãy qua sông. Họ ra trận sao mà vui thế. Ước gì mình cũng là đàn ông để được như họ.
Lũ máy bay cút. Kẻng báo yên vừa dứt, hai người vọt luôn lên khỏi hầm chạy về nhà bà Sự. Phải về ngay báo cho mọi người biết thắng lợi của hội nghị Quân khu. Đó là tâm niệm của cả ông Thạc và Phương.
Ông Chi cùng Tịch, Côi, Xuân, Đắn vẫn tập trung cả ở nhà bà Sự. Họ cũng vừa từ dưới hầm lên. Trông thấy ông Thạc và Phương, tất cả cùng reo lên.
- Sao bảo họp mấy ngày nữa mới về cơ mà, ông Thạc? Ông Chi lên tiếng.
- Thay đổi kế hoạch. Trên cho về trước mấy ngày để no chống nụt.
- Nước rút rồi việc gì phải chống mà chống.
- Thì về giải quyết hậu quả nũ nụt - Ông Thạc nhắc lại - À mà Quân khu khen xã ta nắm. Coi như nà điển hình đấy các đồng chí ạ.
Ông Thạc hớn hở nói. Nhìn trước nhìn sau không thấy Huân đâu, ông liền hỏi:
- Thế cậu Huân đâu rồi?
 Bà Sự bần thần:
- Nó chuyển đơn vị rồi. Vừa mới đi sáng nay.
Đang nói cười với mấy người bạn nghe thấy thế, Phương giật bắn mình:
- Sao? Anh Huân chuyển đơn vị hả bá?
- Ừ. Nó đi rồi. Mong mày mãi. Đi cùng đoàn với cánh tân binh Hà Giang.
- Có phải mấy chiếc ôtô chở bộ đội vừa qua phà không? Ông Thạc hỏi lại.
- Phải. Khéo phà vừa sang sông thì máy bay nó đến. Lúc đó ông và cái Phương ở đâu?
Phương ngơ ngác không nói được câu nào. Ông Thạc vò đầu:
- Thôi, thế thì đúng rồi! Lúc thuyền chúng tôi đang ở giữa sông thì chuyến phà ấy ở ngay trước mặt. Lão “Giá xồm” sợ sóng phà đánh vào thuyền nên lái nó tránh mãi ra xa. Thảo nào chúng nó gọi, chúng nó chào ghê quá. Khéo cả tiếng thằng Huân cũng nên.
Phương rời rã chân tay. Mặt cô thất sắc. Có lẽ nào…
Thay vì việc báo cáo, hỏi thăm tình hình họp Quân khu, mọi người quay ra nói chuyện về Huân. Tịch, Xuân, Côi, Đắn đến bên Phương an ủi. Ông Hiếu nãy giờ im lặng, lên tiếng:
- Ông và cái Phương đi họp. Sáng hôm kia có công văn hoả tốc yêu cầu thằng Huân bàn giao kho đạn lại cho xã quản lý. Cấp trên quyết định điều động nó vào  tuyến lửa, bổ sung cho chiến trường. Quyết định ghi rõ 8 giờ sáng nay có mặt tại bến phà để theo đoàn tân binh Hà Giang. Mấy đứa vừa tiễn nó ra bến về đấy. Giá ông và cái Phương về nhanh có phải kịp không? Nó cứ nhắc ông và con Phương mãi.
Phương ù tai. Hai khoé mắt tự nhiên rơi hai giọt lệ. Cô bặm môi nén không để phát ra tiếng khóc. Bà Sự lại gần Phương an ủi:
- Con phải bình tĩnh, vững tâm. Nó đi nó sẽ trở về. Thể theo yêu cầu của nó, hôm qua, bố mẹ cùng các bác ở xã, bạn bè của con đã làm lễ dạm hỏi con rồi đấy. Mẹ con, các ông bà bên ấy cùng bà con cả làng Ngọc Chúc vui lắm. Từ nay, con là dâu con nhà này, con phải xứng đáng với lòng yêu thương của thằng Huân, của cả nhà, nghe chưa?
Ông Thạc ngơ ngác nhìn ông Hiếu, ông Chi. Hai ông lặng lẽ gật đầu.
- Thế thì vui rồi! Coi như nà dâu con bà Sự rồi! Can đảm nên cháu.
Nghĩa và mấy đứa em của anh xúm lại quanh Phương. Cái Hiền nắm tay Phương. Nó dựa đầu vào Phương nũng nịu. Phương không kìm lòng được nữa, ôm lấy bà Sự khóc tức tưởi. Nước mắt cô ướt đầm vai áo của bà. Cô khóc vì thương Huân, thương cho số phận mồ côi của anh bấy nhiêu năm lăn lộn chiến trường chẳng được lúc nào ngơi nghỉ. Cô khóc vì tủi thân, phút Huân đi không được tự tay mình chăm sóc sửa soạn cho anh, không được nói với anh một lời nào. Cô còn khóc vì niềm hạnh phúc mà Huân, mẹ, bà Sự, ông Hiếu cùng tất cả mọi người dành cho cô.
Không gian chùng hẳn xuống. Ai cũng muốn để cho Phương có những phút giây tĩnh lặng riêng mình. Cứ khóc đi Phương ơi! Khóc cho nguôi ngoai niềm thương nhớ. Khóc cho bõ những lúc phải giấu lòng mình. Khóc để ngày mai tươi cười đợi chờ ngày chiến thắng, chờ Huân. Khóc vì miếng trầu hạnh phúc đang có trên tay…
Lát sau đợi cho Phương nguôi ngoai, bà Sự  nói:
- Thằng Huân nó gửi thư và quà cho con đấy.
Phương vội ngẩng đầu lên nói trong nước mắt:
- Đâu? Cho con xin.
Bà Sự ra hiệu cho ông Hiếu. Ông Hiếu với tay lên bàn thờ cầm những thứ của Huân đưa cho Phương. Phương gần như vồ lấy cái túi ni lông được gói khá cẩn thận đó. Tay cô run run mở nó ra. Ông Thạc, ông Chi và mấy cô gái dân quân cũng tò mò nhìn Phương. Sau lớp giấy đỏ là cái lược, là quả cau, lá trầu buộc sợi chỉ hồng và lá thư. Mắt Phương sáng lên. Tim cô như ngừng đập vì xúc động. Ông Thạc nói:
- Cái thằng! Rõ thâm thuý. Miếng trầu duyên, trầu nghĩa đấy con ạ. Cả đời gắn bó với nhau cũng chỉ vì miếng trầu này, phải không ông Hiếu, bà Sự. Coi như nà vợ chồng đấy. Bọn cái Tịch, cái Xuân, mấy đứa có hiểu không?
- Nhất chị Phương rồi còn gì?
Xuân loe xoe lên tiếng. Côi nén tiếng thở dài. Đắn nhìn giàn trầu trước sân nhà bà Sự mơ màng. Tịch an ủi Phương:
- Mày hơn chán vạn tao. Chúng tao lúc chia tay chẳng kịp có gì làm kỷ niệm. Có mỗi nồi sắn luộc cũng chẳng được ăn cùng nhau. Thế mà chúng tao tin và yêu nhau lắm. Anh Chất viết thư cho tao luôn. Đằng này lại dạm ngõ này, quà kỷ niệm như một lời thề này. Nhất mày đấy Phương ạ.
Phương nguôi ngoai trở lại. Cô hồi hộp mở lá thư ra đọc. Mọi người biết ý lảng ra ngồi nói chuyện với nhau.
- Thôi, Phương ở đây nhé. Bác phải về báo cáo ông Lạc, ông Duyên tình hình họp Quân khu và xem kế hoạch tiếp nhận kho bãi đạn thế nào. Kiên cường nhé. Coi như nà thằng Huân nó vẫn ở nhà cùng bác cháu mình nàm việc.
Ông Thạc đeo lại cái xà cột, đứng dậy nói với Phương. Ông Chi cũng vớ khẩu súng đi theo ông Thạc.
- Chúng cháu cũng lên trạm gác thay cho mấy đứa đây - Côi, Đắn cùng chào ông bà Sự và quay lại nói với Phương - Vui lên Phương nhé. Nhanh mà về kẻo mẹ mày mong. Xuân, Tịch ở đây với nó lúc nữa nhé.
- Được rồi. Chúng mày cứ đi đi mặc kệ chúng tao với nó.
Tịch đang nói chuyện với bà Sự quay ra trả lời Đắn.
Phương vẫn mê mải dán mắt vào lá thư.
Em thương yêu!
Khi em nhận được lá thư này thì anh đã phải xa em rồi. Anh có lệnh gấp đi chiến trường chẳng kịp ở lại để chào em được. Thế nhưng, trong lúc em đi vắng, anh đã cùng bố mẹ Sự làm một việc mà chưa kịp xin ý kiến em cụ thể. Đó là tổ chức dạm ngõ lo việc của hai chúng mình. Thực ra, đây là sáng kiến của bố Hiếu. Sáng kiến này lại rất hợp với mẹ Sự. Anh cũng không ngờ nó  được cả mẹ Thinh, bá Thi cùng bà con cô bác làng Ngọc Chúc ủng hộ. Anh thì chẳng còn gì phải nói, quá sức tưởng tượng rồi. Hạnh phúc đến với anh bất ngờ quá. Mà anh thì mong nó đến từ lâu rồi cơ. Chắc em cũng thế chứ? Cho nên, khi bố mẹ anh đưa ra ý tưởng này, anh nhất trí liền. Có gì chưa phải bỏ quá cho anh nghe Phương. Chiến tranh mà em. Có những điều trong cuộc sống bình thường, theo lẽ thường sẽ không xảy ra, thế nhưng chiến tranh tự tìm cho mình một con đường riêng, giải quyết sự vật hiện tượng theo một cách riêng mà lại hợp với quy luật của sự phát triển, được đông đảo mọi người đón nhận nó. Anh lại lý thuyết rồi phải không em? Không, đó là thực tế đấy Phương ạ. Không phải anh không tin em, không tin vào Tình yêu của chúng mình mà anh muốn có hình ảnh của em, của người yêu, người vợ chưa cưới theo anh ra trận để anh thêm vững lòng chiến đấu và chiến thắng quân thù. (Với lại, chúng mình chẳng đã bàn với nhau việc này rồi còn gì?). Thế là anh hơn nhiều bạn trẻ khác rồi đấy. Em đã cùng anh ra trận, cùng anh chiến đấu. Chúng mình tuy phải xa nhau nhưng thực ra lại đang ở trong nhau phải không em?
Em thương yêu!
Chiến tranh đã lấy mất của anh những người thương yêu nhất, cả xóm làng quê hương anh nữa. Thế nhưng cuộc đời lại cho anh rất nhiều thứ khác. Quân đội nuôi dạy anh nên người, cho anh biết phải chiến đấu vì Tổ quốc, quê hương, biết yêu thương quý trọng mọi người. Làng Ngọc Chúc (Chí Đám) cho anh tham gia trận đánh đầu đời với một chiến công vang dội nức lòng cả nước (chiến thắng thu đông năm 1947), cho anh những tháng năm vật lộn chiến đấu với máy bay giặc Mỹ để khuân vác hàng chục ngàn tấn đạn phục vụ chiến trường. Và đặc biệt, Ngọc Chúc đã cho anh gặp em để anh biết được thế nào là một Tình yêu đích thực. Có em rồi anh còn sợ gì nữa? Xa cách ư? Bom đạn ư? Thậm chí cả cái chết ư? Không. Tất cả những điều đó so với Tình yêu mà em dành cho anh chẳng là cái gì cả. Nếu được hy sinh vì em, vì Tình yêu ấy, vì Tổ quốc quê hương anh cũng sẵn sàng. 
Em ngàn lần thương yêu của anh!
Lúc này đây bao nhiêu kỷ niệm của chúng mình cứ ào ạt hiện về. Em còn nhớ ngày đầu tiên khi anh gặp em không? Cái ngày mà anh cùng Hiến, Tiến về làng mình đó. Bọn anh lơ ngơ, các em tinh nghịch, lũ trẻ hát đồng dao đời mới. Chúng nó hát rằng (theo giai điệu bài “Hành quân xa”): “Đường Tuyên Quang đi lối nào em nhỉ? Lấy em rồi em sẽ chỉ đường cho”. Thế mà thành sự thật em nhỉ? Bây giờ anh lấy em rồi, anh lại “hành quân xa” ra trận, em sẽ chỉ đường cho anh đi suốt cuộc đời này chứ? Đó là lẽ tất nhiên phải không em?
Rồi những đêm vác đạn, những ngày phá bom. Càng gian khổ bao nhiêu anh càng hiểu cuộc đời, hiểu mọi người bấy nhiêu. Có những điều tưởng như rất đơn giản, bình thường thế mà đã trở thành kỳ diệu, vĩ đại, làm nên những kỳ tích anh hùng. Quả bưởi quê mình là một ví dụ. Nó thành thuỷ lôi giả đánh tàu Pháp, phá bom Mỹ. Ngỡ tưởng bọn chúng có kỹ thuật tối tân, tinh vi, xảo quyệt thì muốn làm gì cũng được ư? Không, chúng đã lầm. Những con người hiền lành, chất phác quê em cùng những quả bưởi bé nhỏ ấy đã làm được cái điều mà những bộ óc chiến tranh của lầu Năm góc không ngờ tới. Bưởi đã cùng ta đánh giặc. Bưởi đã cùng ta lập công. Phương ơi! Hương bưởi đêm nào hai đứa bên nhau mãi đến lúc này đây anh vẫn cứ tưởng như mình còn đang bồng bềnh trong mộng vậy. Hương bưởi ngạt ngào đang dắt anh đi, theo anh cùng ra trận. Xa em rồi nhưng hình ảnh của em, hương bưởi quê em vẫn và sẽ còn mãi mãi trong anh.
Chẳng thể nào quên được làng Ngọc Chúc với bao gương mặt thân yêu. Từ cụ Bái, mẹ Thinh, bá Thi đến bố Hiếu, mẹ Sự; từ ông Thạc, ông Chi đến các bạn của em. Nào Tịch, Xuân, Côi, Đắn; nào Khang, Liên, Thân, Hoàn… tất cả mỗi người mtột tính sao mà đáng yêu đến thế. Ôi, làng nhỏ bên sông Lô đã trở thành quê hương thân thiết của anh tự bao giờ! Gốc si già, mái đền cổ, rặng tre ven bờ sông, vườn bưởi hoa ngào ngạt, bến phà dào dạt sóng nước sông Lô, những đêm trăng sáng, những chiều hạ về…  sao mà nên thơ đến thế! Quê hương, Tình yêu chắp cánh ước mơ cho anh, nâng bước anh đi. Nhất định sau này hết giặc anh sẽ về đi học viết văn để viết về quê hương, viết về làng Ngọc Chúc, viết về sông Lô và viết về em. Những kỷ niệm của chúng mình, của anh với Ngọc Chúc sẽ mãi là tư liệu đẹp nhất, nguồn cảm hứng vô tận để anh đưa vào tác phẩm, là niềm tin để cho anh đi tới.
Em thương yêu ngàn lần của anh!
Ở nhà, em nhớ giữ gìn sức khoẻ, chăm sóc mẹ Thinh, trông nom bố mẹ Hiếu Sự cùng các em giúp anh. Hãy là người vợ thuỷ chung em nhé. Cho phép anh gọi em như thế, được chứ?
Một lần nữa cho anh gửi lời chào mẹ, chào các ông, các bác lãnh đạo xã, chào các bạn bè của chúng mình nghe em. Đợi anh về, em nhé! Anh mãi mãi yêu em! Hôn em thật nhiều!
Anh của riêng em!”.
Phương đọc đi đọc lại mấy lần bức thư đó, đưa nó lên môi, ấp nó vào ngực mình nâng niu. Cô quên hẳn những người bên cạnh. Phương mỉm cười mơ màng.
Tịch quan sát thấy thế chạy đến:
- Con nỡm! Mày đọc thư lâu thế? Có gì bí mật không? Cho tao xem với!
Phương giật mình sực tỉnh:
- Không! Chẳng có gì bí mật cả. Tao thương anh ấy quá.
- Thế thì đưa em xem nào. Đọc to cho cả nhà nghe nhé?
Xuân nói và chạy lại giằng lấy lá thư. Phương vui vẻ đưa:
- Ừ. Mày đọc đi!
Bà Sự bỏm bẻm nhai trầu cùng ông Hiếu và các con nghe thư của Huân. Ai cũng tưởng như Huân đang thủ thỉ cùng mình. Càng đọc, họ càng hiểu thêm Huân, càng thấy yêu thêm quê hương mình Ngọc Chúc.
Ngoài kia nước sông Lô đã rút. Con sông trở về hiền hoà như mọi ngày. Ánh nắng chiếu lên mặt nó lấp loáng. Tiếng sóng nước vỗ vào bờ nghe róc rách. Dòng sông như  thì thầm cùng Huân kể chuyện làng quê những ngày đánh giặc. Thỉnh thoảng, gió từ ngã ba sông thổi tới làm rung rinh những cành bưởi sai trĩu quả trong vườn.
Xuân đọc xong lá thư, tất cả mọi người cùng nhìn Phương. Cô đang mơ màng nghĩ về Huân. Ánh nắng chiếu qua tán cây cau dọi vào Phương làm cho khuôn mặt của cô ngời lên hạnh phúc.
Câu chuyện xung quanh Huân rôm rả hẳn lên. Chợt ông Thạc bất ngờ quay lại:
- A! Phương vẫn đây à? Bác vừa ra đến quốc nộ thì gặp ông Duyên. Ông ấy cho biết tối nay hàng nên, triển khai ngay các B chuẩn bị vác đạn. Nhiều đấy. Nên bù các ngày nụt mà. Thôi, cô về nghỉ ngơi một chút đi để nấy sức tối mà vác đạn. Bà Sự chuẩn bị xôi ăn đêm cho chúng tôi nhé.
Nói xong, ông quay ra đi luôn. Phương, Tịch, Xuân chào bà Sự ra về. Ba cô ra đến bờ sông. Một làn gió thổi tới làm tung mái tóc của họ. Tiếng họ cười ríu rít vọng lại. Và dòng Lô vẫn êm đềm trôi xuôi… 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét