Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (Chương 26)

26
            Sau mấy ngày tàu xe vất vả, cuối cùng Hoàn cũng đã lên được đến Sơn La, nơi anh trai của Hoàn đang làm thợ xẻ trên đó. Ông Phơ đã ở đây hơn tuần nay rồi. Không hiểu ông bị tai nạn gì mà vừa mới lên đã có điện khẩn về báo cho Hoàn? Hoàn vô cùng sốt ruột lo cho bố mình. Đang yên đang lành ông lại lên đó làm gì cơ chứ? Cứ ở nhà trong khu sơ tán thì đã sao? Mà cái anh Khải nhà mình nữa, suốt mấy tháng trời chẳng có tin tức gì cả? Người gì mà gan thế không biết? Ở nhà bom đạn ầm ầm mà cấm có lấy một lời hỏi thăm xem bố mẹ và các em ra sao? Lạ thật!
Thời chiến, xe cộ khó khăn, anh phải vẫy hết xe nọ đến xe kia, kể cả xe quân sự để đi. May quá, ra đến bến phà Hoàn đi nhờ được một chiếc xe quân sự lên đến Yên Bái. Sau đó đi nhờ tiếp mấy chặng nữa anh mới lên được đến chỗ anh trai mình đang làm thợ xẻ ở đó.

Nhớ cái sáng hôm ở bãi đạn về khu sơ tán, bố anh, ông Phơ đã chặn ngay ở cửa hỏi:
- Anh đi đâu suốt cả đêm qua giờ mới về? Lúc máy bay nó ném bom anh biết tôi lo cho anh thế nào không?
Hoàn ậm ừ trả lời:
- Con phải chỉ huy anh em ngoài bãi đạn. Bố chỉ được cái cả lo.
- Chả lo cho anh thì còn lo cho ai nữa? Dạo này tao thấy nó đánh rát quá. Có thân phải giữ đấy, con ạ. À, tao nghe xã thành lập đội cảm tử phá bom phải không?
- Vâng. Nhiều người tham gia lắm bố ạ.
- Thế còn anh?
- Con… con cũng sẽ tham gia.
- Tao cấm! Không tham gia tham vào gì cả. Loại bom này mới không như cái thằng bom bi đâu mà tí tởn nhặt với phá. Không khéo lại tan xác như mấy người ngoài bến bà Cầu đấy con ạ. Thằng Ngân đấy, đội khoa học kỹ thuật đấy, bom nó có chừa không? Rồi thằng Khang, con Hằng hôm đó nữa, chẳng đã suýt chết là gì? Chớ có dại, đồ ngu ạ.
Ông Phơ nổi cáu. Nhắc đến Ngân, Hoàn lại nghĩ đến cái chức phó bí thư xã đoàn. Anh định nói với ông Phơ rằng mình phải tỏ ra hăng hái để xã người ta bố trí cho cái chức đó. Theo Hoàn nghĩ, làm cán bộ thì chỉ cần hô hào anh em ra trận đông đảo là được, thiếu gì lý do trốn tránh lúc khó khăn. Chẳng qua là tay Ngân không biết cách làm thì mới thế, chứ vào tay Hoàn nhé… vừa được oai lại vừa được an toàn. Biết đâu lúc này lại là thời cơ để Hoàn bước thêm bước nữa? 
Ông Phơ vẫn rỉ rả bên tai Hoàn:
- Tao tính nát óc ra rồi. Lúc này mày phải tạm lánh một thời gian đã. Không có cảm tử cảm tiếc gì cả. Có ngu thì mới lao vào chỗ chết thay người khác.
Hoàn nhấp nhổm:
- Bố chỉ được cái...
- Cái gì? Chứ lại không à?
Ông Phơ vằn mắt lên. Chắp tay sau đít, ông đi lại mấy vòng quanh nhà. Đoạn, ông đổi giọng:
- Mai, tao lên Sơn La xem thằng anh mày làm ăn thế nào mà mấy tháng nay chẳng có tin tức gì. Ở nhà nhớ cẩn thận trông nom mẹ mày đấy. Công tác xã hội vừa vừa thôi , còn phải lo cho cái bản thân anh và gia đình đấy con ạ. Không ai lo thay cho anh đâu.
- Bố lên Sơn La?
Hoàn ngỡ ngàng hỏi lại. Có vẻ bố thử thách giao trách nhiệm gia đình cho mình chăng? Gớm, cụ chỉ được cái lo hão. Chẳng lẽ thằng Hoàn này lại không trông nom gia đình được vài ngày cho bố đi chơi chắc?
- Ừ. Nhớ không được a dua cảm tử cảm tiếc gì nghe chưa?
Và hôm sau ông Phơ lên Sơn La thật. Ông báo cáo uỷ ban xin giấy “thông hành” đàng hoàng.
          Hôm đầu tiên đội cảm tử ra trận, mãi gần trưa Hoàn mới lững thững ở nhà ra bến. Đến nơi, anh em đã tản ra làm các việc theo sự phân công rồi. Hoàn gặp ông Thạc và cũng xăm xoe chỉ đạo bộ phận tuyến hai. Thấy anh, Diệp nhìn một cách khinh bỉ. Hoàn tưng tửng cứ như không có chuyện gì xảy ra giữa họ. Thực ra, khi bắt tay vào việc, lúc máy bay chưa lên, Hoàn cảm thấy vui lắm. Anh xăng xái hết chỗ nọ đến chỗ kia, nhắc nhở anh em ra dáng một vị chỉ huy lắm. Ông Thạc nhìn Hoàn một cách tin tưởng. Đến khi có tiếng bom nổ từ bên bờ Hữu Đô vọng sang rồi cái tin sáu chiến sỹ cảm tử bên đó hy sinh mất xác thì Hoàn bủn rủn chân tay vì lo sợ. Lúc đó, anh mới thấm lời ông Phơ. Đang giữa buổi việc, Hoàn lang lảng tìm cách xa dần đội phá bom. Hoàn chẳng còn nghĩ gì đến cái chức phó bí thư xã đoàn đã tưởng tượng bấy lâu nay nữa. Những gương mặt của Diệp, Tịch, Phương, Xuân đã càng làm cho Hoàn thấy lạc lõng. Phải đi thôi! Đi bằng cách nào? Chẳng lẽ cáo ốm? Hoàn rối ruột vì lo. Đêm đó anh gần như thức trắng.
          Sáng sau, Hoàn vẫn cố ra với đội phá bom. Hôm nay, đội tiếp tục thả cây chuối và bưởi xuống sông Lô để vét nốt số bom còn lại. Tiếng bom nổ ùng oàng trên sông cùng với hình ảnh của những chiến sỹ Hữu Đô bị chết vẫn ám ảnh Hoàn. Anh vừa làm vừa nghĩ tận đâu đâu.
          Gần trưa, bà Phơ hớt hải tìm Hoàn. Bức điện khẩn từ Sơn La điện về cho hay bố anh bị tai nạn trên đó, anh phải lên ngay. Cầm bức điện mẹ trao, Hoàn vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì có cớ để ra đi lúc này. Lo vì không biết bố anh có làm sao không, tai nạn có nặng không? Anh báo cáo ban chỉ huy xã đội và tức tốc bắt xe ngược Sơn La. Lão Phia còn chạy theo dặn với: “Nếu có gì khó khăn cứ về quê vợ ông mà lo liệu. Nhớ điện về sớm để bà ở nhà khỏi mong”.
Ngồi trên ôtô, Hoàn cảm thấy như mình đang chạy trốn. Anh suy nghĩ mông lung. Là người lúc nào cũng nói về chiến tranh thế mà bây giờ hình như  anh lại đang bỏ mặc anh em để chạy trốn nó. Lo cho bố thì ít mà nghĩ về cuộc chiến tranh thì nhiều. Khốc liệt quá. Ghê sợ quá. Cứ nghĩ đến bà Dương, ông Tộ, rồi Ngân và mấy người khách nằm phơi thây giữa đồng, giữa bãi mà Hoàn cảm thấy rùng mình. Tự nhiên anh co rúm người lại. Tuần trước, khi nghe tin bên Hữu Đô sáu chiến sỹ cảm tử chết mất xác, thịt nát xương tan bắn tung toé khắp nơi Hoàn đã vã mồ hôi, chân tay run cầm cập. May mà lúc đó chỉ có mỗi mình Hoàn không thì… Hơn lúc nào hết, Hoàn thấy lời ông Phơ khuyên mình thật đúng. Cứ tình trạng này chưa biết chừng mình cũng như họ lúc nào cũng nên. Ôi, tuổi xuân, đời người! Sao lại có thể như thế được nhỉ? Uổng lắm! Phí lắm!
          Hỏi thăm mất mấy nơi Hoàn mới vào được đến chỗ anh trai. Nghề thợ xẻ, anh chuyển địa điểm liên tục. Được cái, anh vẫn ở trong khu vực mà những lần trước Hoàn đã lên nên hỏi thăm cái là người ta chỉ cho ngay. Khải, anh trai Hoàn đón Hoàn niềm nở. Hoàn sốt ruột hỏi:
          - Bố đâu rồi anh? Tai nạn thế nào? Có nặng không?
          Khải cười hở lợi:
          - Bố trong lán ấy. Chú cứ vào mà thăm cụ.
          Hoàn rón rén chui vào lán. Ông Phơ đang ngồi khoanh chân trên chiếc chiếu trải trên đống ván vừa xẻ. Vừa nhả khói thuốc lào, ông Phơ vừa hỏi Hoàn:
          - Thế nào? Đi đường có vất vả không con?
          Hoàn ngơ ngác:
          - Thế này là thế nào? Sao bảo bố bị tai nạn?
          - Sao? Mày muốn bố mày bị tai nạn hả?
          - Thì điện về thế mà lị.
          Khải cùng mấy người thợ cười rũ rượi. Mãi sau, Khải lên tiếng:
          - Chú đúng là là… Sách của bố đấy.
          - Sách gì?
          Mấy tay thợ xúm lại:
          - Sách “điệu hổ ly sơn”. Ông cụ thấy tình hình máy bay nó đánh rát quá, lại thêm loại bom mới từ trường từ triếc gì đó thì phải, cho nên ông cụ lo cho chú. Nghe đâu xã còn thành lập đội cảm tử phá bom nữa, đúng không?
          Hoàn gật đầu xác nhận.
          - Đấy. Thế nên cụ mới nghĩ ra cách lên trên này rồi điện về cho chú bức điện “tai nạn” để chú dứt ra khỏi cái chảo lửa đó. Được chưa?
          - Giời ạ? Sao bố lại làm thế?
          Hoàn giãy nảy. Ông Phơ khề khà:
          - Cũng bất đắc dĩ thôi con ạ. Để mày dưới đó a dua cảm tử, cảm tiếc để chết à? Thôi, giờ lên đây rồi, cứ tạm ở đây thời gian đã bao giờ hết cái đoạn phá bom thì về. Tham gì cái chức bí thư chi đoàn, thư ký đội sản xuất? Nó mà như mấy đứa Hữu Đô thì chẳng còn chức với chả tước.
          - Ở đây xẻ với tụi anh. Không khí miền rừng này chỉ có nhất. Chẳng phải lo bom đạn gì cả. Cứ vô tư đi.
          Khải cùng bọn thợ xẻ oang oang vào hùa cùng ông Phơ. Hoàn cun cút cất dọn đồ đạc. Anh thở dài đánh thượt. Phút chốc hình ảnh những gương mặt anh em trong chi đoàn với những ngày khói lửa hiện về. Thế là ta đã bỏ lại đằng sau tất cả thật rồi ư? Thôi, đành chấp nhận vậy, mặc cho sự đời trôi đến đâu thì đến. Mà mình đi nuôi bố tai nạn cơ mà? Ai biết mình chạy trốn đâu mà sợ. Mai kia về tiếp tục công tác có sao?
          Nghĩ vậy, Hoàn cảm thấy nhẹ hẳn cả người. Trưa đó, mấy cha con ông Phơ và cánh thợ đã có một bữa rượu rất vui vẻ. Ai cũng khen là ông Phơ cao kiến. Hình ảnh của những người làng Ngọc Chúc nhoà đi trong cơn say của Hoàn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét