Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (Chương 25)



25
 Chưa sáng hẳn mà những người trong đội cảm tử phá bom đã có mặt ở nhà ông Chi. Ông Thạc cũng đợi ở đó từ lâu. Một lúc sau, toàn ban thường vụ đảng uỷ cũng có mặt. Ba gian nhà ông Chi được xếp dọn lại kê bàn ghế, trang trí cờ, hoa khá trang trọng. Mọi người long trọng làm lễ truy điệu các chiến sỹ cảm tử phá bom. Ai cũng xác định đây là nhiệm vụ cực kỳ nguy hiểm, sống chết chưa biết thế nào. Thế nhưng không một ai sợ chết. Lễ truy điệu này càng chứng tỏ tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của anh em trong đội.
Ông Thạc, ông Chi trong bộ quân phục mới với sắc mặt lạnh như tiền. Theo sau đó là đa số chiến sỹ dân quân trong B của Phương. Kia là Tịch, Xuân, Côi, Đắn; đây là Khang, Lý, Liên, Hải… Mọi người vẫn túm tụm nhau cười đùa. Một số cha mẹ của họ cũng từ nơi sơ tán về vội để chứng kiến sự kiện quan trọng này. Không một ai kêu ca, phàn nàn trách cứ. Họ đều tự hào phấn khởi vì có con em của mình tham gia đợt đầu trong đội cảm tử quân. Ai cũng như nhớ về cái thuở đánh Pháp năm “47” hồi nào. Số thanh niên viết đơn nhưng chưa được duyệt cũng kéo đến cả. Cũng có một vài lời kì kèo, năn nỉ với lãnh đạo xã trước khi vào buổi lễ nhưng ông Thạc quắc mắt: “Đây nà nệnh quân sự. Các đồng chí phải chấp hành. Coi như nà tham gia đợt sau”.

Đang chuẩn bị chào cờ thì Diệp hổn hển chạy tới:
- Cháu đề nghị các bác cho cháu tham gia ngay đợt này. Cháu trẻ nhất, làm việc gì cũng được.
Ông Thạc lại phải giải thích mất một hồi, Diệp mới chịu nghe. Ban chỉ huy xã đội đồng ý cho Diệp tham gia đội nhưng ở bộ phận phục vụ tuyến 2. Mấy người khác lại nhao nhao xin được như Diệp. Cuối cùng, ông Duyên, chủ tịch xã lên tiếng:
- Chà chà… Ai cũng đòi đi phá bom cả thì lấy ai vác đạn? Ai gác phòng không? Ai tham gia sản xuất? Xã rất hoan nghênh tinh thần các đồng chí nhưng do yêu cầu nhiệm vụ chúng ta chỉ cần sử dụng lượng người thế thôi. Như vậy mới đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, hôm nay là buổi mở đầu chiến dịch, tôi đồng ý tất cả các đồng chí có mặt đều tham gia. Chỉ một ngày nay thôi, còn mai, giao lại cho đội đồng chí Chi. Công việc cụ thể đồng chí Thạc và đồng chí Chi sẽ phân công.
Mọi người vỗ tay ý kiến của ông Duyên. Lễ truy điệu bắt đầu. Không khí trang ngiêm lặng phắc. Mọi người sởn gai ốc khi nghe ông Thạc hô “Nghiêm” chào cờ. Chào cờ xong, ông Lạc, bí thư lên phát biểu đôi lời, ông Duyên lên giao nhiệm vụ cho đội. Ông Chi thay mặt anh em trong đội lên hứa hẹn quyết tâm phá bom, đảm bảo an toàn cao nhất, sớm thông đường cho xà lan lên lấy đạn theo mệnh lệnh của cấp trên. Không có cảm giác chia ly nào giữa người đi và người ở. Trái lại ai cũng hào hứng ra trận.
Ông Thạc triển khai công việc:
- Hôm nay, chúng ta sẽ phá bom từ trường trên sông Nô. Nãnh đạo xã đã họp thống nhất cách phá nó. Chúng ta sẽ dùng sắt, tôn xiên vào những cây chuối rồi thả trên sông. Chuối sẽ nên trại trâu Hợp Thắng khu Đồng Mầu. Sắt, tôn vào kho H6 tận dụng. Đồng thời nhà đồng chí nào có dây thép, mảnh tôn thì mang đi coi như nà bổ sung vào dụng cụ phá bom. Đồng chí Chi trực tiếp phụ trách anh em đội cảm tử có nhiệm vụ tạo những công cụ phá bom này. Số anh em còn lại như ý đồng chí chủ tịch sẽ theo tôi chặt chuối, vận chuyển tôn, sắt ra bờ sông. Ta thả từ trên bến Đồng Mầu cho nó trôi xuôi theo dòng xuống dưới này. Coi như nà nấy thô sơ đánh hiện đại. Phần hậu cần ăn uống cho anh em các đồng chí chủ nhiệm sẽ no. Các đồng chí có hỏi thêm gì nữa không?
          Ông Thạc dừng lại hỏi mọi người. Phương giơ tay:
          - Tôi xin có ý kiến.
          - Vâng, xin mời đồng chí Phương.
          - Tôi thấy để tăng cường hiệu quả phá bom, theo tôi nên dùng cả bưởi nữa. Thả những quả bưởi xiên tôn, sắt trên sông một cách dày đặc chắc chắn sẽ hiệu quả hơn nhiều. Cây chuối dài chỉ trôi theo dòng xoáy như vậy không tìm hết được bom để phá. Những quả bưởi con nổi lềnh bềnh khắp sông tôi đảm bảo không quả bom nào sót.
          Mọi người nhao nhao:
          - Hay! Quá hay!
          - Rất nhẹ nhàng, dễ làm mà hiệu quả.
          - Nhưng có phải mùa bưởi đâu mà làm thế? Lấy đâu ra bưởi bây giờ?
          Đợi cho người vãn ý kiến, Phương nói tiếp:
          - Tuy bây giờ không phải là mùa bưởi nhưng theo tôi trong xã ta có rất nhiều nhà hạ bưởi cất để dành đến mùa hè bán. Ta nên mở cuộc vận động quyên góp bưởi trong dân. Dựa vào dân chứ dựa vào đâu nữa?
          - Đúng đấy. Ý kiến đồng chí Phương rất đúng.
          - Nhà tôi cũng cất vài trăm quả, tôi xin hiến cho xã làm “thuỷ lôi” phá bom.
          - Nhà tôi cũng có.
          Mấy ông, bà phụ huynh sôi nổi tham gia. Ông Duyên giơ tay ra hiệu mọi người trật tự:
          - Quả là sức dân ta vô hạn cả về kế, lẫn của. Tôi đồng ý bổ sung chi tiết này vào phương án phá bom trên sông. Bộ phận tuyến 2 chia thêm một tổ toả đi thu gom bưởi. Đồng chí Thạc, đồng chí Chi chịu trách nhiệm trước đảng uỷ, uỷ ban xã về chiến dịch này. Thay mặt uỷ ban, tôi chính thức ra lệnh phá bom trên sông của xã chúng ta.
          Khí thế thật hào hứng. Chẳng ai nghĩ là mình đang đi vào cái chết cả.
          Huân cùng Hiến và Tiến đã về từ nãy. Các anh nghe rõ toàn bộ việc triển khai. Ông Thạc vội hỏi Huân:
          - Thế nào đồng chí? Có cách gì phá bom chưa?
          - Dạ, báo cáo các bác, trên đã phổ biến cho anh em cháu cách phá bom từ trường trên đất liền rồi ạ. Còn trên sông thì chưa có cách gì cả. Nghe các bác triển khai thế cháu thấy mừng quá. Đúng nguyên lý. Thế mà anh em cháu chẳng ai nghĩ ra. Tỉnh đội đã tăng cường người về các xã của huyện. Đồng chí Chất về xã Hữu Đô. Bên này do anh em cháu cùng các bác thực hiện.
          - Thế hả? Ông Duyên nắm tay Huân nói - Cậu có tham gia gì vào kế hoạch phá bom trên sông vừa rồi không?
          - Không ạ. Các bác thật sáng suốt. Chúng cháu sẽ huy động hết số tôn trong kho ra để làm phương tiện phá bom theo phương án của các bác.
          - Thế thì ta bắt đầu đi.
          Mọi người tản ra ai vào việc đó.
          Tịch xoắn lấy Huân:
          - Anh Chất về Hữu Đô hả anh Huân?
          - Ừ, cậu ấy cùng dự lớp với tôi và cùng về Đoan Hùng đấy. Đoạn sông trên này bị phong toả, Chất phải qua sông đoạn dưới tận Hùng Long cơ. Cậu ấy phải sang luôn cho kịp chiến dịch không qua đây được. Chất nó gửi lời thăm em đấy.
          - Thật thế hả anh? Tịch không tin hỏi lại.
          - Chả thật lại không ư? Em lại không tin anh?
          - Không. Là em hỏi lại cho chắc chắn.
          Tịch cảm thấy lòng mình vui lên gấp bội. Thế là anh đã về. Chúng mình lại sát cánh bên nhau trong những lúc khó khăn, nguy hiểm này. Cẩn thận anh Chất nhé. Ôi, em mong gặp anh quá! Anh Chất ơi!
          Không khí phá bom trên sông rậm rịch cả xã y như hồi vào chiến dịch sông Lô năm xưa. Bao nhiêu là bưởi từ trong mỗi nhà được các xe trâu chở, xe đạp thồ, người người gồng gánh ra bến Đồng Mầu, mãi trên đầu thượng nguồn của xã. Những quả bưởi để qua mùa đông đã nhăn nheo hết cả vỏ. Chỉ hơn tháng nữa thôi, nó sẽ có giá lắm, gấp hai, gấp ba giá chính vụ. Dân làng Đám có thói quen là hạ bưởi từ đầu tháng mười một, mười hai, khi bưởi chín, sương muối xuống cất vào hòm kín để sang năm bán. Khi hạ phải rất thận trọng không để bưởi xây sát. Từng quả bưởi được bôi vôi vào cuống rồi xếp lần lượt vào chum, vào hòm tránh gió. Cứ một lượt bưởi lại một lượt lá chuối khô. Tháng ba, tháng tư nắng mới lên mà được ăn thứ bưởi này thì chỉ có nhất. Thơm, ngon, mát, bổ, tỉnh hẳn người. Trông nó nhăn nheo thế nhưng chất lượng thì đố giống bưởi nào theo kịp. Chính cái đó đã làm nên đặc sản của cả một vùng quê Đoan Hùng này.
          Bưởi được giao cho dân quân. Không một ai đếm cả. Được đem bưởi đi phá bom Mỹ là vinh dự lắm rồi. Thì cái hồi “47” chẳng đã vặt cả vườn đi làm thuỷ lôi giả đấy là gì? Nghĩ lại thế mà vui đáo để. Ai đời quả bưởi quê mình bé xíu thế mà làm cho lũ giặc Pháp hoảng sợ phải thua đau mới lạ chứ? Còn bọn Mỹ này nữa? Chắc cũng như nhau cả thôi.
          Huân cũng như sống lại những ngày chiến dịch sông Lô năm ấy. Nhìn những người dân kìn kìn vận chuyển bưởi ra bến sông mà lòng anh nghẹn ngào khó tả. Thế trận này làm sao mà bọn Mỹ thắng nổi? Những dòng nhật ký, những vần thơ chợt loé lên trong đầu anh. Nhất định đêm nay mình phải tốc ký ghi lại hình ảnh anh hùng này.
          Khí thế vào chiến dịch thật rầm rộ. Mấy người trong khu sơ tán sốt ruột quá cũng về tham gia. Lão Phia cong mông phóng chiếc xe đạp Phượng Hoàng tít mù, chở hết chuyến bưởi nọ đến chuyến bưởi kia lên đầu xã. Từ Ngọc Chúc lên đến đó hơn bảy cây số chứ ít gì. Chiếc xe đạp của lão đâm ra lại được việc. Lão cứ ngỡ như đang sống lại cái hồi Điện Biên, cả cái năm “47” nữa. Hồi Điện Biên xe lão chỉ dùng để thồ, phải đẩy lên dốc còn bây giờ lão tha hồ phóng. Hai sọt bưởi đầy ắp đằng sau chẳng có là gì đối với lão cả.
          Bộ phận xiên sắt, tôn vào từng quả bưởi cũng luôn tay. Mọi người vừa làm vừa cười nói vui vẻ. Cánh chặt chuối cũng tất bật không kém. Những xe trâu chở  cây chuối ùn ùn kéo ra bờ sông. Hai chiếc xe chở sắt, tôn cũng lặc lè từ phía cuối xã lên đầu xã. Bến Đồng Mầu chưa bao giờ nhộn nhịp như hôm nay. Những chiếc thuyền cũng được huy động tới chuẩn bị cho việc rải chuối và bưởi trên sông.
          Khoảng 10 giờ, phía bên Hữu Đô có tiếng bom nổ. Rồi tiếng kêu khóc từ phía đó vọng sang. Người ta nhớn nhác hỏi nhau. Tiếng khóc mỗi lúc càng rộ lên to hơn. Hình như cả làng Hữu đều khóc. Tin sét đánh  chuyển tới: toàn bộ tổ cảm tử phá bom phía bên đó đã hy sinh. Nghe được tin này Tịch gần như khuỵu xuống. Cô cuồng cuồng lo cho Chất.
          Đang ở nhà bà Sự, Tịch lao ra sông nhìn về bên Hữu. Cô định nhảy xuống sông bơi sang. Bà Sự chạy theo quát:
          - Cái con kia, muốn chết à? Bom nó đầy ở dưới sông đấy bơi thế nào sang được mà sang?
          Tịch sững lại. Phương chạy theo an ủi:
          - Mày phải bình tĩnh. Chắc gì anh Chất đã bị.
          Tịch ôm lấy Phương gào lên cùng với tiếng khóc từ bờ bên kia vọng lại.
          - Ối Phương ơi là Phương ơi! Anh ấy mà làm sao thì tao chết mất.
          - Thôi nào, Tịch. Sao cháu lại yếu đuối thế? Đã chắc thằng Chất bị à?
          Bà Sự vỗ về.
          - Cháu phải sang bên ấy với anh ấy bà ạ.
          - Nhưng mà sang bằng cách nào? Đoạn này bom đầy mặt sông ra kia, sang để chết à?
          - Để cháu lai nó lên bến Đồng Mầu rồi sang - Phương sốt sắng.
          - Phải đấy! Lên chỗ đội ông Chi đang làm đó mà sang cho an toàn.
          Bà Sự nói theo. Phương mượn chiếc xe đạp tồng tộc của ông Thạc. Huân giằng lấy lai Tịch đi. Hai người gò lưng, đạp hết tốc lực phóng trên đê. Mọi người ở hai bờ đều nhốn nháo, í ới gọi nhau.
          Lên đến bến, vớ được chiếc thuyền đang chuẩn bị rải bưởi, Huân cầm lái sang sông. Cả mấy người trong đội cảm tử Chí Đám cũng sang cùng. Thuyền vừa cập bờ, cả bọn chạy hộc tốc trở xuôi về phía bom nổ. Cảnh tượng thật hãi hùng hiện ra trước mắt họ. Một hố bom sâu hoắm cùng với bao người đứng xung quanh. Người quằn quại kêu khóc. Kẻ lặng câm nhìn trời. Một vài thanh niên đang đi gom những mảnh thịt của những chiến sỹ cảm tử lại. Có cánh tay người vắt lên tít mãi tận ngọn tre. Một đoạn ruột dài hơn mét lủng lẳng trên ngọn nhãn. Cây nhãn ấy xơ xác hết lá, trơ ra những cành đâm lên trời tua tủa. Mọi người cùng tản ra xung quanh tìm bới thu gom thịt xương còn sót lại của họ. Sáu chiến sỹ cảm tử đã hy sinh anh dũng trong khi đào phá quả bom đầu tiên của xã.
Tịch ngơ ngác hỏi mọi người. Rất may là Chất chưa về đến nơi. Anh vẫn đang còn ở Hùng Long. Xã đội Hữu Đô sốt ruột vẫn ra quân theo kế hoạch nên đã để xảy ra những cái chết đau thương này. Tịch thở phào nhưng trong lòng cô vẫn trĩu nặng một nỗi đau nhói buốt. Cô cùng Huân chia buồn với gia đình nạn nhân, với lãnh đạo xã Hữu Đô rồi cùng mọi người sang sông trở về lo tiếp việc phá bom của mình.
          Trả thù cho những chiến sỹ cảm tử Hữu Đô! Khẩu hiện được lan ra toàn bộ các chiến sỹ dân quân xã Chí Đám. Không nghỉ trưa nữa, mặc máy bay trên đầu oanh tạc, mọi người khẩn trương làm nốt công việc xiên sắt, tôn vào quả bưởi và cây chuối.
          Buổi chiều khi lũ máy bay đã cút, hơn chục chiếc thuyền chở đầy cây chuối, quả bưởi đồng loạt ra sông. Đoạn này cách đoạn có bom ba cây số nên rất an toàn. Mấy tay lái cừ chèo thuyền chia mặt sông toả ra. Người cầm chèo, người thả bưởi, thả những cây chuối xuống sông. Những quả bưởi nỗi lềnh bềnh trên mặt nước toả ra kín mặt sông làm cho mặt sông trông lốm đốm như thêu hoa, dệt gấm. Không như hồi “47” phải bôi đen chúng, neo chúng lại, lần này cứ để nguyên màu vỏ như thế tha hồ cho chúng tản tác trên sông. Bọn cây chuối xoay ngang, trở dọc rồi cũng cứ theo dòng nước mạnh nhất mà trôi đi. Thả xong đau đấy, các thuyền quay vào bờ. Mọi người cùng hồi hộp nín thở theo dõi.
          Ông Chi và Huân chạy trên đê xuôi theo dòng nước cùng lũ chuối, bưởi. Qua đoạn làng Đám, rồi Lã Hoàng. Bắt đầu vào vùng Ngọc Chúc, khu vực có bom rồi. Hai người đứng lại nín thở quan sát. Bỗng “ục…oàng”. Một cột nước dựng lên giữa sông. Tiếp theo đó là hàng loạt tiếng bom nổ trên sông. Tiếng reo hò dậy đất: “Thắng rồi!”, “Trả thù cho Hữu Đô! Thắng rồi!”. Không khí y như cái hồi năm “47” khi tàu Pháp bị đắm. Sông Lô gầm lên. Mặt nước dậy sóng. Những quả bưởi văng lên bắn tung toé sang những vùng khác. Ở đó, bom lại nổ. Cứ thành dây thành dẫy mà nổ. Ngày trước bưởi làm thuỷ lôi đánh đắm tàu chiến Pháp thì giờ đây nó lại làm nổ tung, nổ tan xác những quả bom từ trường và thuỷ lôi của Mỹ trên sông. Mọi người ôm lấy nhau hoan hỉ. Thế là thông được dòng sông Lô rồi! Buổi đầu ra trận đã hoàn toàn thắng lợi. Ông Lạc, ông Duyên cùng các vị trong ban chỉ huy xã đội vui ra mặt. Khi đó họ mới cảm thấy đói. Vừa lúc cánh hậu cần do các bà chủ nhiệm hợp tác xã mang cơm đến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét