23
Đơn vị pháo
tên lửa lặng lẽ rút khỏi làng Ngọc Chúc vào một đêm tối trời cuối tháng hai.
Người ta bàn tán với nhau khá nhiều xung quanh việc này. Người nói: “Mất công
dàn trận địa mà chẳng bắn được phát nào, chán bỏ mẹ”. Kẻ chê: “Các ông chỉ huy
kém quá, sao không phụt cho nó một quả cho đã đời”. Người yếu bóng vía hơn thì
chép miệng: “Thôi, đi cũng được. Từ ngày họ về đây máy bay nó đánh dữ quá.
Không khéo chết lây ấy chứ chả bỡn?”. Ông Phơ cũng góp chuyện: “Khéo mà bị lộ
các ông ạ. Chả thế nó đánh ngay từ đêm đầu họ về?”. Lão Phia ra vẻ hiểu biết:
“Các bố chỉ được cái đoán mò. Chiến thuật quân sự nghi binh trận giả, biết thế
nào được. Năm “bốn bảy” đấy, pháo giả đánh lừa tàu bay thật của Pháp hẳn hoi,
biết đâu các vị bây giờ cũng giương đông kích tây cũng nên”… Đa số mọi người ai
cũng muốn đơn vị này ở lại bắn nhau với bọn nó một trận cho đã đời. Ai lại để
nó hoành hành mãi, tức bỏ cha đi ấy chứ.
Đúng là từ
ngày đơn vị pháo về đây mật độ oanh tạc của bọn Mỹ tăng lên thật. Điều này có
nguyên nhân chủ yếu của nó là bọn Mỹ bị thua đau ở miền Nam chúng mới mở rộng
chiến tranh ra phá hoại miền Bắc. Khu vực này từ lâu chúng đã nghi có kho trung
chuyển vũ khí nên chúng được thể càng ném bom vô tội vạ biến làng Ngọc Chúc và
khu vực ngã ba sông này thành biển lửa, thành Cồn Cỏ của Đoan Hùng. Và cũng có
thể biết đâu đấy trận địa bị lộ cũng chừng. Chúng vừa đánh vào trận địa, vừa
tìm diệt kho đạn của ta. Thôi thì cứ để giả giả hư hư như trước có khi lại an
toàn. Thì đấy, mấy năm rồi bọn chúng đánh hơi cả đấy nhưng có quả bom nào ném
trúng vào kho đạn của ta đâu? Thử bắn chúng một phát pháo xem, chúng lại chả
bâu vào như đỉa ấy à? Lúc đó, nguy hiểm biết chừng nào. Lợi bất cập hại là cái
chắc. Hơn nữa, nhiều nơi cần pháo bảo vệ hơn, đánh đấm vô tư hơn nên chuyển đơn
vị này đi là phải.
Chỉ có ông
Thạc, ông Chi cùng lãnh đạo xã và tổ công tác của Huân là nắm rõ lý do đơn vị
chuyển đi. Tình hình tuyến lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh ngày càng ác liệt. Cấp
trên đã lệnh cho đơn vị pháo này phải chuyển ngay vào trong đó để làm nhiệm vụ.
Vì thế đơn vị đã lặng lẽ rút đi, bí mật quân sự chỉ những người có trách nhiệm
mới nắm được. Cánh lính trẻ cũng bực lắm. Chưa được đánh đấm quả nào đã phải
chuyển đi ai mà không bực, nhưng đây là nhiệm vụ, là nghệ thuật chỉ đạo chiến
đấu của trên.
Đơn vị pháo
cao xạ, tên lửa đi rồi, ũ máy bay vẫn liên tục đánh phá ngã ba sông. Lưu lượng
ôtô trên tuyến quốc lộ 2 qua đây vẫn không hề giảm. Ban ngày xe qua phà, phải
tránh giờ cao điểm để đưa phà sang sông. Ban đêm, cầu phao được ghép lại. Nó
được làm bằng những vỏ tên lửa xếp cái nọ liền với cái kia nối hai bờ sông
Chảy. Ôtô bám đuôi nhau qua chiếc cầu này.
Mấy hôm nay,
xuất hiện loại bom mới: bom từ trường và thuỷ lôi trên sông Lô. Những quả bom
từ trường nằm rải rác suốt từ đầu xã đến cuối xã. Thỉnh thoảng những tiếng nổ
lộng óc lại bất chợt vang lên. Đã có mấy người chết tan xác vì loại bom này
trên bãi soi Lã Hoàng. Hôm ấy, có mấy người đi xa lâu ngày mới về, nhà họ ở bên
kia sông gàn họ thế nào thì gàn họ vẫn khăng khăng về quê. Mấy người tay xách
nách mang quấy quả qua bãi soi Lã Hoàng để xuống bến gốc đa. Vừa ra đến giữa
soi thì bom nổ. Xác họ văng lên trời tung toé ra khắp soi. Dân quân phải nhặt
nhạnh thu gom lại để chôn cất. Rồi cả bí thư xã đoàn Ngân cũng bị bom từ trường
sát hại. Không khí tang tóc trùm lên cả xã. Số bom từ trường chưa nổ ngày một
tăng. Cái giống bom chết người này bình thường thì chẳng sao hễ cứ gặp mảnh sắt
là nó bắt nổ. Đã được nghe nói đến từ lâu nhưng đợt này nó thả nhiều loại này
quá nên ai cũng lo lắng. Chẳng ai dám đi lại tự do nữa.
Dưới sông, bom
từ trường dạng thuỷ lôi cũng dày đặc. Ngã ba sông tắc ngẹn lại vì bom. Không
một chiếc tàu thuyền nào dám qua lại trên sông. Thỉnh thoảng những cột nước
giữa sông tự dưng lại dựng lên kèm theo một tiếng nổ “ục… oành” nghe tức cả
ngực. Sóng nước dội lên ập vào bờ. Cá, tôm chết nổi lềnh bềnh. Trong dân chúng
xuất hiện tư tưởng dao động.
Đến gần một
tuần rồi mà không chuyến hàng nào dám lên. Ngược lại, số vũ khí đã kiểm định
xong từ hai nhà máy cũng không làm thế nào mà xuôi dòng được. Bãi đạn vắng
tanh. Tổ công tác của Huân đứng ngồi không yên vì ngóng hàng. Chiến trường đang
dồn dập thế mà không cung cấp đạn kịp thì gay quá.
Trước tình
hình đó, trung tướng Bằng Giang đã trực tiếp về kiểm tra. Ông yêu cầu cấp uỷ,
chính quyền các xã thuộc huyện Đoan Hùng, nhất là hai xã Chí Đám và Hữu Đô cần
nhanh chóng có nghị quyết, phân công người lãnh đạo, bám sát cơ sở, ổn định
tình hình. Riêng lực lượng dân quân phải tổ chức ngay việc tháo dỡ bom nổ chậm
cả trên bờ và dưới sông. Tuyệt đối phải bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản
của nhân dân cũng như của quân đội, của Nhà nước, đặc biệt là sớm khơi thông
dòng sông để thuyền bè, xà lan có thể lên lấy hàng như trước. Tỉnh đội, huyện
đội sẽ cử cán bộ kỹ thuật bom mìn về giúp cơ sở giải quyết vướng mắc này. Cần
phải khẩn trương, nhanh, gọn. Trước mắt, 3 ngày tới phải thông được dòng sông.
Tiếp thu chỉ
lệnh đó, huyện đội cùng với xã đội đã chụm đầu tìm cách thực hiện. Trước hết,
về tổ chức: thành lập ngay những đội cảm tử phá bom, nòng cốt là lực lượng đoàn
viên thanh niên, là những dân quân có nhiều kinh nghiệm rà phá bom bi đợt
trước. Thứ hai là phát động trong nhân dân hiến công, hiến kế cho cuộc chiến
đấu này. Về tư tưởng phải vững vàng, lấy tinh thần xung phong, không gò ép bất
kỳ ai. Nghị quyết này được phổ biến rộng rãi trong toàn xã, cả vào trong khu sơ
tán. Không khí vào trận phá bom hừng hực khắp nơi.
Ngày đầu tiên,
ông Thạc thay mặt ban chỉ huy xã đội đã tiếp nhận 120 lá đơn tình nguyện phá
bom, trong đó có nhiều lá đơn viết bằng máu. Ông báo cáo thường vụ đảng uỷ xét
tuyển chọn lấy một đội cảm tử gồm những người hăng hái nhất, dũng cảm nhất để
vào trận đầu tiên. Thường vụ phân công ông Chi, xã đội phó trực tiếp làm đội
trưởng đội cảm tử này.
Vấn đề đặt ra
là: tinh thần anh em rất tốt nhưng phá bom bằng cách nào? Loại bom mới này tính
năng, tác dụng của nó ra sao thì chưa một ai nắm chắc. Chỉ biết rằng hễ gặp kim
loại là nó tự nổ. Lần trước phá bom bi thì công việc chủ yếu là nhặt, thu gom
chúng lại rồi huỷ nhưng lần này làm sao mà thu gom được những quả bom to tổ bố
ra thế? Đặt thuốc nổ để phá thì đặt thế nào, nhất là những quả bom lập lờ trên
sông kia? Mặt khác, làm thế nào để phát hiện ra vị trí từng quả bom chui sâu
dưới đất, lửng lơ dưới nước đó? Vân vân và vân vân… Vô vàn những câu hỏi xoáy
vào những cái đầu của ban lãnh đạo xã và anh em chiến sỹ cảm tử quân. Huân cũng
chịu không có câu trả lời. Chờ cấp trên về thì muộn mất.
Cuộc họp đột
xuất của lãnh đạo xã với anh em đội cảm tử phá bom tại nhà bà Sự kéo dài gần
hết nửa ngày mà vẫn không tìm ra lời giải đáp. Thỉnh thoảng ngoài sông lại vang
lên tiếng bom nổ càng làm cho mọi người thêm sốt ruột.
Gần trưa, đang
lúc chán nản nhất thì bà Sự bỏm bẻm nhai trầu lên tiếng:
- Này, các
đồng chí này. Theo tôi lên tập trung tìm cách phá bom trên sông đã. Việc này
cấp thiết hơn vì hơn tuần nay tắc đường rồi, hàng không lên và cũng chẳng
chuyển đi được.
Ông Thạc chúm
môi rít tọt nõ điếu thuốc lá, rít cho nó cháy đến sợi cuối cùng. Lúc nào bí ông
vẫn thường làm thế. Đoạn, ông nhổ đánh toẹt một cái bắn cục than đỏ lừ từ môi
ông văng tít ra xa.
- Thì vưỡn. Từ
nãy đến giờ ta vẫn bàn điểm đó thôi. Vấn đề coi như nà vẫn tắc tịt.
Tưởng bà có ý kiền gì hay thì ra vẫn chỉ chủ trương xa nắc.
- Đồng chí cứ
để cho đồng chí ấy nói - Ông Lạc bí thư ngắt lời ông Thạc.
Bà Sự ôn tồn:
- Tôi hỏi các
đồng chí: có phải loại bom này gặp kim loại thì nổ phải không?
- Thì vưỡn!
Ông Thạc nhấm nhẳn.
- Nếu vậy thì
tại sao ta không lấy kim loại để mà phá bom?
Bà Sự ngừng
nhai trầu hỏi mọi người. Một số tiếng cười nổi lên. Ông Duyên, chủ tịch xã này
giờ vẫn chỉ có chép miệng “chà chà” bỗng lên tiếng:
- Đồng chí Sự
nói vậy tôi chưa hiểu. Dùng kim loại để kích nổ nhưng làm thế nào để đưa nó
được vầo gần quả bom, nhất là những quả chui sâu dưới đất hay lập lờ ngoài
sông?
- Chẳng lẽ
đứng ở đằng xa mà ném sắt vào à?
- Hay là cho
người đeo sắt đến gần?
Mọi người nhao
nhao. Bà Sự vẫn bình tĩnh:
- Theo tôi,
riêng số bom trên sông các đồng chí nên tìm những thanh sắt, nhôm gắn nó vào
một vật nổi nào đó, ví như cây chuối chẳng hạn, rồi thả trên sông cho nó trôi
tự do. Gặp bom, tất phải nổ.
Chưa để bà Sự
nói hết câu, ông Thạc vỗ đùi đánh đét một cái:
- Hay! Quá
hay! Thế mà sao từ sáng đến giờ không ai nghĩ ra nhỉ? Thì ra phá cái thằng bom
trên sông này còn dễ hơn cả cái nũ chui sâu dưới đất. Coi như nà một phát minh vĩ đại. Hoan hô đồng chí chủ
nhiệm.
Ông Lạc, ông
Duyên cùng thở phào một cái. Mọi người tranh nhau cười nói không còn bí rị như
trước nữa. Lối thoát đã được mở. Kế hoạch chi tiết cho việc phá bom trên sông
Lô được bàn bạc một cách sôi nổi. Hội nghị thống nhất: huy động số cây chuối
trên trại trâu Hợp Thắng, làng Đồng Mầu và liên hệ với huyện đội dùng số mảnh
tôn của kho Quân đội H6 để làm phương tiện phá bom. Ngay buổi chiều nay, các bộ
phận sẽ triển khai thực hiện kế hoạch này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét