Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

NGÀY ẤY BÊN SÔNG (Chương 27)



27
 Sau thắng lợi phá bom trên sông Lô, đội cảm tử của ông Chi bắt tay vào phá bom trên đất liền. Đây là một việc vô cùng nguy hiểm, phức tạp. Những quả bom tấn, bom tạ chui sâu vào lòng đất, nằm yên dưới đó chờ dịp nổ. Cứ thấy hơi sắt là nó nổ. Những ngày đầu, mấy con trâu đeo mõ bằng dây xích sắt cũng đã tan xác vì chúng. Người ta phải thay hết dây treo mõ bằng chạc cho an toàn.
Tổ phòng không phải căng ra để theo dõi, đánh dấu toạ độ những quả bom từ trường chết người nọ sau mỗi trận ném bom. Mật độ khá dày đặc. Chỉ riêng mấy mảnh ruộng khu Cầu Cụt đã có tới sáu quả bom. Làng Ngọc Chúc, Phượng Hùng và Lã Hoàng có tới mấy chục quả bom chưa nổ. Huân và ông Chi đã lăn lộn cùng tổ cảm tử phá từng quả một. Hàng trăm người chia nhau ra để đào. Vừa đào vừa dò tìm. Cuộc truy tìm phá bom từ trường đã cuốn hút mọi người quên ăn, quên ngủ.

Cũng như việc phá bom bi, Huân lại hướng dẫn cho ông Chi và toàn đội cách phá loại bom này. Sau quả đầu tiên thành công, từ quả thứ hai trở đi công việc tiến triển thuận lợi hơn. Mọi người có kinh nghiệm hơn. Khổ nhất là việc đào dò theo dấu của nó. Có quả bom xiên lúc đầu đào chỉ rộng như cái miệng giếng, về sau càng đào càng mất hút phải mở rộng ra như cái ao, sâu hàng chục mét mới thấy. Không thể dùng đông người đào cùng một quả bom được, rất nguy hiểm và không có thế để đào. Cứ ba người một kíp đào, mỗi kíp mười lăm phút, sau đó lại thay kíp khác. Mọi người cởi trần, quần cộc, không có một tí kim loại nào dính trên người. Mấy tay thanh niên ham phá bom quá phải tháo cả răng vàng để được tham gia đội cảm tử. Người ta phải chui người, khom lưng, co gối để lựa thế xúc đất. Dụng cụ gồm cuốc, xẻng do Quân khu phát về. Lưỡi của nó làm bằng đồng, cán bằng tre, không có một tí sắt nào dính tới. Bom từ trường không làm gì được. Cả xã được phát mấy chục chiếc như thế. Xắn từng nhát đất một cách nhẹ nhàng rồi chuyển dần lên trên. Tiến độ rất chậm nhưng không thể làm khác được. Có kíp vừa mới xuống đã phải nhoi lên vì ngạt thở, khó chịu. Khi thấy bom, tuyệt đối không được động vào nó. Lúc này mọi người phải lên để ông Chi hoặc Phương xuống xử lý tiếp. Moi cho nó hở hẳn ra, ốp bộc phá vào, dòng dây điện lên rồi mới chập điện cho nó nổ.
Quả bom vườn nhà bà Giá là phức tạp nhất. Nó ở giữa khu trung tâm dân cư, sát ven lộ 2, gần ngã ba lối ra bến Xưởng. Các xe chở đạn đều phải qua đó. Không phá được quả bom này thì không yên tâm cho dân làng và người qua đường đã đành mà còn tắc hết cả đường vận chuyển vũ khí. Đã đào sâu tới mười bốn mét đất rồi mà vẫn không thấy nó đâu. Lỗ bom vẫn hun hút trêu tức mọi người. Đào sâu đến đâu lại phải mở rộng miệng hỗ ra đến đó cho nó dễ làm. Mạch nước ngầm lại phun ra ầm ầm mới ức chứ. Vừa đào lại phải vừa lo tát nước. Bùn đất nhão nhoét, tong tỏng rơi đầy vào đầu vào mặt xuống người ở dưới. Suốt mấy ngày trời quần quật, ai nấy đều mệt nhoài. Cuối cùng, huyện đội chỉ đạo: dùng quả bom khác thả xuống kích nổ quả bom này. Làm thế nào để dòng một quả bom 250 bảng Anh xuống dưới cái hố sâu hoắm kia một cách an toàn? Một câu hỏi mới được đặt ra. Những cái đầu trong đội cảm tử lại chụm nhau lại tìm cách.
Quả bom mỗi được chở từ huyện đội lên. Mấy thanh niên khỏe nhất đội có nhiệm vụ chằng dây vào cánh quạt của nó, ốp luôn cả bộc phá để dòng xuống. Hệ thống cây cọc chôn xung quanh hố làm đà được thiết lập. Chiếc tời cũng được thiết kế gấp. Người ta xúm lại bê quả bom ra miệng hố. Sau đó, nó được rê từ từ thả dần xuống hố. Sợi dây thừng căng ra. Chiếc cần đỡ và cánh tay tời kêu ken két. Những bắp tay cuồn cuộn thịt của đám thanh niên gồng lên. Ông Chi chăm chăm mắt, khom người, giơ tay ra hiệu, miệng quát liên hồi chỉ đạo mọi người.
Đang ngon lành thì bỗng đánh phựt một cái, chiếc cọc tre phía đối diện vọt lên đập vào trán Đỗ. Đỗ ngã quay cu lơ bất tỉnh nhân sự. Mọi người mất đà chới với. Ông Chi quát lớn. “Không được bỏ tay ra!”. Tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Nó mà rơi xuống bây giờ thì chỉ có chết. Bộc phá, bom mồi, bom tấn cùng nổ … sống thế nào được? Lại chả như bên Hữu Đô ấy chứ? Ai cũng thoáng nghĩ như vậy.
Ông Chi lao đến bên cái tời, cúi sát nó quan sát chỉ đạo. Mọi người mắm môi, mắm lợi, xoạc cẳng, choãi chân lấy hết sức bình sinh để giữ căng đầu sợi dây. Mấy cây cọc của chiếc tời rung bần bật rồi sau đó chịu đứng yên cho quả bom theo dây rơi dần xuống. Thì ra, lúc nãy một cái cọc quá tải đã bật lên. May mà chỉ có một chiếc nếu không nó mà sập xuống cả thì….
Ông Thạc cử người bế ngay Đỗ đi cấp cứu. Số còn lại vẫn tiếp tục làm việc. Quả bom mồi được thả từ từ xuống hố.
Tất cả các ngả đường đều được dân quân chốt chặn. Dân  xóm bà Giá sơ tán hết. Ai nấy đều hồi hộp theo dõi việc phá quả bom này.
Tổ của Phương chặn ở đầu trên quốc lộ 2, phía từ Tuyên Quang đi xuống. Hơn ba mươi phút rồi mà chưa thấy tình hình gì từ phía quả bom. Xe ôtô ùn lại khá đông. Đã chọn giờ cao điểm mà vẫn nhiều ôtô đi thế cơ chứ. Toàn xe quân sự kín lá nguỵ trang. Mấy bố lái xe này liều thật. Có vị cứ nằn nì mãi với Phương để được đi. Họ nói rằng sốt ruột quá. Bom biếc gì mà phá mãi chưa nổ? Nằm đây không khéo bị máy bay nó oanh tạc, bom dưới đất không chết lại chết bởi bom trên trời ấy chứ? Phương cũng sốt ruột không kém gì họ.
- Đề nghị đồng chí cho xe tôi đi trước đi. Tôi chạy vù cái là qua đoạn này thôi. Xe tôi thuộc diện ưu tiên đấy.
Một tay lái khá trẻ cứ bám lấy Phương năn nỉ. Phương kiên quyết:
- Tôi đã nói rồi, không có ưu tiên ưu tiếc gì ở đây cả. Tôi có nhiệm vụ chặn tất cả các loại xe lại, khi nào bom nổ xong thì đồng chí đi.
- Nhưng mà tôi phải đi công tác gấp.
- Gấp cũng vậy. Nhỡ xe đồng chí đang đi bom nó nổ thì sao?
- Nổ thế nào được mà nổ. Gần tiếng đồng hồ rồi có thấy nó nổ đâu? Giá đồng chí cho tôi đi từ nãy có phải tôi đã qua đây từ đời tám hoánh nào không?
Người lái xe vẫn cãi cùn. Mấy tay khác xúm lại nhao nhao:
- Phải đấy. Cho chúng tôi đi qua ào một cái là xong.
- Ở đây để chờ máy bay nó đến à?
- Người trông xinh thế mà nguyên tắc quá.
Mặc họ xi xao Phương vẫn đứng chặn trước ba-ri-e.
- Chú ý! Bom sắp nổ đấy!
Chợt có tiếng kêu từ phía quả bom. Phương ngoảnh lại thấy Huân vừa chạy vừa hô lớn. Theo sau là mấy chiến sỹ cảm tử chạy cùng. Phương giơ cao cờ đỏ, tuýt một hồi còi dài, đứng ra giữa đường ngay trước đầu chiếc xe thứ nhất. Khắp bốn phía rộn lên tiếng hô:
- Bom sắp nổ đấy!
- Xuống hầm đi! Bom nổ đấy!
Tiếng chân người chạy rình rịch. Tiếng quát tháo loạn xạ. Cánh lái xe im bặt. Mọi người nín thở chờ đợi. Một phút, hai phút, rồi ba phút trôi qua. Vẫn không thấy gì. Huân Sốt ruột. Không biết ông Chi “chập mạch” thế nào? Được hay lại đứt mất dây? Nó mà đứt thì làm sao chui xuống để mà nối lại được? Cánh lái xe đã có tiếng chửi tục.
Đang căng thẳng như thế mọi người bỗng thấy rùng mình. Mặt đất chao đảo. Và hai tiếng nổ lộng óc dội tới. Một cột khói dựng lên giữa xóm bà Giá. Đất đá bay rào rào. Có hòn văng tới tận chỗ họ đứng. Không gian chợt như lặng đi mấy giây. Sau đó, cánh lái xe cùng lao vội về xe của mình. Họ nhảy lên ca-bin. Tiếng đóng cửa xe rầm rầm. Các xe nhất loạt nỗ máy. Tiếng còi xe inh ỏi. Có chiếc rú ga ầm ầm. Nhận được tín hiệu an toàn, Phương nhấc ba-ri-e lên. Các xe lần lượt chạy qua. Mấy tay lái xe thò hẳn cổ ra ngoài mỉm cười chào Phương và mọi người.
Phương quay lại hỏi Huân:
- Sao lúc nãy lâu thế hả anh?
Huân kể lại toàn bộ sự việc bên hố bom cho Phương nghe. Phương sững người:
- Thế anh Đỗ có sao không anh?
- Chắc bị chấn thương thôi. Cậu Tiến đưa đi cấp cứu rồi, có khi mai cậu ấy lại về ấy mà.
- May quá! Thế là nhổ được quả bom chết tiệt này rồi. Em cứ lo lo là…
- Em lo cái gì?
- Lo cho anh chứ còn lo cái gì nữa.
Phương nguýt yêu Huân:
 - Đói rồi chứ?
Phương vừa hỏi vừa nhìn Huân âu yếm. Huân khẽ gật đầu.
- Chúng mình về nhanh nhà bà Sự đi. Hôm nay hợp tác xã tổ chức liên hoan cho đội mình đấy.
Phương cầm tay Huân lôi đi. Huân quên hết cả mệt nhọc ngoan ngoãn bước theo Phương.
Từ hôm mở đầu chiến dịch phá bom đến giờ hai người càng có điều kiện xoắn xuýt bên nhau hơn. Hoàn bỏ đi, Phương kiêm luôn cả chức bí thư chi đoàn. Ai cũng ủng hộ Phương. Sông Lô đã sạch bom, hàng lại lên. Phương liên tục cùng chi đoàn, B dân quân xông xáo khắp mọi nơi. Ngày ở đội cảm tử phá bom, tối lại tham gia vác đạn. Có hôm, tơ mơ sáng, Phương tranh thủ tát nước, làm các việc do đội sản xuất điều động. Người cô gầy rộc hẳn đi. Huân thương lắm.
Mọi người đã tập trung đông đủ trước sân nhà bà Sự. Quên hết cả cái mệt, ai cũng tranh nhau cười nói. Ban quản trị hợp tác xã có mặt cả. Ông Lạc, ông Duyên, ông Điều, mấy ông trong ban thường vụ hớn hở chào đón đội cảm tử. Nét mặt người nào người ấy rạng rỡ.
- Chà chà… Hôm nay phải ăn mừng chiến thắng. Các đồng chí làm chúng tôi lo thót cả tim.
Ông Duyên đánh lưỡi “chà chà” giơ tay bắt tay ông Thạc. Ông Lạc cũng xen vào:
- Đấy chốc, tôi đã bảo mà. Việc này không có bố Chi với bố Thạc là không xong. Giá không có việc của cậu Đỗ thì vui quá.
- Không sao đâu. Anh Đỗ chỉ bị chấn thương nhẹ thôi bác ạ. Vài hôm nữa là anh ấy lại về ngay mà.
Tiến, người đưa Đỗ đi cấp cứu nói để mọi người yên tâm.
- Thế hả? Tốt rồi! Coi như nà không có việc gì xảy ra. Các đồng chí no, tôi cũng no nắm  chứ.
Ông Thạc vừa móc túi lấy bao thuốc lá Trường Sơn vừa nói. Bà Sự từ dưới bếp nói vọng lên:
- Các ông no rồi thế có ăn nữa không đấy?
- Có chứ! Chỉ có lão Thạc là không cần ăn thôi.
Ông Lạc cười đáp.
- Cả anh Huân chị Phương nữa chứ!
Tịch vừa bê mâm vừa chọc Phương. Phương đỏ mặt. Huân lóng ngóng dở đứng dở ngồi. Ông Thạc rít một hơi thuốc, khoan khoái nhả khói:
- Tôi thì tôi vẫn phải ăn. Người không đói bây giờ khéo chỉ có cậu Huân và cô Phương thôi. Nhỉ?
Mọi người xúm lại trêu Phương và Huân. Cả hai người xấu hổ quá, mặt đỏ tưng bừng. Tim họ đập rộn lên. Thỉnh thoảng họ lại liếc trộm nhau ra hiệu “hãy im lặng”. Năm mâm cơm bày chật kín ba gian nhà bà Sự. Ông Hiếu hết chạy ra lại chạy vào cùng bà Sự lấy các thứ cho tổ cấp dưỡng. Cỗ khá sang. Cả một con lợn hơn ba chục cân nhà bà Ân ủng hộ được mổ ra. Thịt bày la liệt. Có cả tiết canh nữa. Hơi nóng bốc lên nghi ngút. Mùi thịt nướng thơm phức. Ai nấy túa nước bọt. Lâu lắm rồi họ mới có một bữa ăn ngon như hôm nay. Cái đói, cái mệt giờ mới ngấm. Trận đánh này vui như trận phá bom trên sông Lô. Ba tháng nay quần quật đào bới, căng thẳng phá hết quả bom nọ đến quả bom kia đến nay đội cảm tử vẫn nguyên vẹn ai mà không mừng. Phải ăn mừng như ông Duyên nói là quá đúng.
Họ vừa ngấu nghiến ăn vừa chuyện trò rôm rả. Những giây phút thót tim qua mỗi trận đánh được mọi người nhắc tới nhiều nhất.
- Chào cả nhà! Cho tôi góp vui với nào!
Tiếng ông Phia oang oang ngoài sân. Mọi người đang ăn cùng dừng cả lại ngó ra. Ông Phia dựng chiếc xe đạp Phượng Hoàng của mình vào gốc bưởi rồi xách cái lồng gà vào.
- Biết tin các vị phá được quả bom trong vườn bà Giá tôi có mấy con gà gọi là chào mừng cả đội. Cả chai rượu và cây thuốc lá này nữa.
Ông xách ngược mấy con gà và giơ chai rượu cùng tút thuốc lên. Ông Thạc vội đặt bát đũa xuống chạy ra:
- Chào ông Phia. Cảm ơn ông quá. Chúng tôi cũng vừa về đến đây. Mới ngồi vào mâm thôi. Mời ông vào vui luôn thể.
- Vào chứ lại. Hôm nay tôi phải uống cho nó say.
Vừa nói ông Phia vừa đưa mấy con gà cho Tịch cất. Ông Thạc đón lấy tút thuốc lá cười rạng rỡ.
- Bố già tâm lý quá. Kiếm đâu ra được của quý này thế? Khao quân thôi!
- Cái gì mà lão Phia này lại không có. Cứ hút thoải mái đi.
Ông Phia xởi lởi. Ông Lạc cầm lấy tay ông Phia:
- Vào đây. Vào đây ngồi với chúng tớ. Hôm nay vui lắm. Chúng tớ đang liên hoan đấy.
- Phải rồi! Liên hoan chứ! Thắng to thế mà không ăn mừng là xoàng.
Ông Phia khoanh chân, tay đón mấy cái chén bà Sự đưa cho rồi chắt rượu ra từng cái một. Mọi người cùng nâng chén lên. Không khí bữa ăn rôm rả hẳn. Có thêm chai rượu sắn của ông Phia mà ra thêm bao nhiêu là chuyện.
Những ngày đầu phá bom, lãnh đạo xã ai cũng lo là làm thế nào để có đủ lương thực, thực phẩm nuôi đội cảm tử này cho đến lúc phá xong bom? Trông mãi vào mấy hợp tác xã ư? Có núi cũng hết. Thế rồi sáng kiến được đưa ra: phải dựa vào dân. Và cuộc vận động quyên góp ủng hộ trong nhân dân cho đội cảm tử được phát động. Từ đó, lợn, gà, rau, gạo… cứ ùn ùn kéo đến. Nhiều nhà ủng hộ cả một con lợn, hàng chục con gà, hàng chục cân gạo… Trường hợp ông Phia hôm nay là một ví dụ. Lãnh đạo xã cùng anh em đội cảm tử cảm động lắm. Ai cũng hứa đem hết sức mình, không sợ hiểm nguy để phá cho hết số bom . Huân vô cùng cảm phục trước những tấm lòng của người dân nơi đây và cách làm của ban lãnh đạo xã.
Bữa liên hoan tưng bừng sang mãi tận chiều mới tan. Sau đó, mọi người ai về nhà nấy nghỉ để tối còn đi vác đạn. Phương theo Huân ra kho đạn. Hai người sóng đôi bên nhau thật tình tứ. Ai cũng khen và mừng cho họ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét