22
Họp uỷ ban xã
xong, ông Thạc lọc cọc đạp xe vào khu sơ tán. Cấp trên yêu cầu phối hợp chặt
chẽ hơn nữa với đơn vị pháo tên lửa bảo vệ ngã ba sông. Mấy ngày nay lũ máy bay
đánh rát quá. Hình như chúng đánh hơi thấy sự bố trí trận địa của ta? Làng xóm
triệt để sơ tán, vắng tanh, vắng ngắt. Hai bên đường hố bom chi chít. Mấy thửa
ruộng khu Tổ Đỉa bị bom đánh khoét thành những cái hố rộng như cái ao. Lúa đang
thì con gái mấy hôm trước xanh đen là thế, thế mà qua mấy trận bom ruộng nào
ruộng ấy xác xơ, nham nhở.
Đến dốc chỗ
nhà bà Út, cây ngái ở bên đường trùm ra loà xoà làm cho đoạn đường này chưa hết
chiều mà đã tối om. Chiếc xe vấp phải hòn đá giữa đường nhảy chồm lên. Ông Thạc
loạng choạng suýt ngã. Ông vội vã bóp phanh. Bỗng đánh phựt một cái và chếc xe
cứ thế ầm ầm lao xuống dốc. Phanh sau đứt, phanh trước không có, ông Thạc luống
cuống co chân trái lên đút bàn chân đang đi dép cao su của mình vào giữa hai
cái càng xe bánh trước. Rất may là chiếc lốp trước của ông bị rách khá rộng
phải lấy dây cao su cuốn vào nên ông đã tháo bỏ cả phanh trước, cả gác-đờ-bu đi
cho dễ chạy nên mới có chỗ để mà đút chân vào làm má phanh như cánh thanh niên vẫn
làm. Chiếc xe lực khực chồm nên mấy vòng thì đứng khựng lại. Bàn chân ông đã bị
đút quá nửa cùng với chiếc dép cao su vào giữa hai cái càng xe trước. Ông Thạc
không làm thế nào xuống được khỏi chiếc xe. Ông vẫn ngồi nguyên trên yên. Chân
phải ông chống xuống đất. Chiếc xe nghiêng đi như sắp đổ. Chiếc xà cột da thõng
xuống gần sát đất càng làm cho ông thêm vướng víu. Ông coi như nà ngã
ngồi.
- Ơ kìa bác
Thạc? Bác làm sao thế?
Phương vừa
trong đoạn cua ra thấy vậy chạy lại bên ông Thạc.
- Phương à. Xe
bị đứt phanh nàm tao suýt ngã. Mày đỡ cái xe cho bác cái.
Phương hai tay
đón lấy ghi đông, giữ chặt chiếc xe cho ông Thạc rút chân ra. Ông Thạc cầm
chiếc dép tập tễnh, xuýt xoa.
- Mẹ cha nó chứ! Coi như nà
ổn. Mày mà không đến kịp thì tao bị ngã mất. Xe với chả cộ. Chờ mãi vẫn
chưa đến nượt phân nốp để thay.
- Bác cứ nói
với ông Ưu một câu khắc ông ấy ưu tiên ngay cho mà. Tội gì mà đi chiếc lốp cố
vấn ấy có ngày ngã dập mặt thì khổ.
- Nói rồi.
Nhưng não ấy nguyên tắc nắm. Chỉ biết đốc thu mua thực phẩm cho
nhanh, cho hoàn thành nghĩa vụ chứ có quan tâm đếch gì đến người ta phải khổ sở
thế này.
Ông Thạc dồn
cả cái bực dọc về chiếc xe lên ông Ưu, chủ nhiệm cửa hàng. Phương dắt chiếc xe
trả ông Thạc. Ông Thạc dắt bộ nó xuống hết dốc. Đang chuẩn bị lên yên xe, bỗng ông
Thạc sực nhớ ra điều gì vội ngoái cổ lại gọi:
- Phương! Nại
đây tao bảo.
Phương vội
chạy trở lại dốc.
- Có việc gì
thế bác?
- Chi đoàn
chúng mày có vấn đề gì phải không?
- Vấn đề gì ạ?
Phương ngỡ ngàng hỏi lại.
- Thôi, đừng
có giấu tao nữa. Thằng Hoàn báo cáo hết cả rồi. Chúng mày yêu nhau ninh
tinh phải không? Cái Tịch, cái Xuân, cả mày nữa. Coi như nà hỏng, hỏng
hết.
Phương ngỡ
ngàng thực sự. Không ngờ Hoàn lại nhỏ nhen và tầm thường đến vậy. Việc chẳng ra
đâu vào đâu cũng báo cáo với chả báo cáo. Ghen ăn tức ở đến thế là cùng.
Sau
cái đêm phục vụ đơn vị pháo, tên lửa mấy hôm, Hoàn lại hẹn gặp Phương, Tịch, cả
Xuân nữa. Anh ta lấy tư cách là bí thư chi đoàn để lên lớp cho ba người:
-
Tôi thấy dạo này các đồng chí có biểu hiện yêu đương khá rõ nét làm ảnh hưởng
đến phong trào chung của chi đoàn. Không những thế mà còn ảnh hưởng cả đến các
đồng chí bộ đội. Như vậy là các đồng chí chưa thực hiện tốt “3 khoan”. Tôi yêu
cầu các đồng chí chấm dứt ngay tình trạng này.
Phương
nghe mà ức lên tận cổ. Cô nhớ lại cái đêm vác đạn trước đó mấy tuần, Hoàn cũng
cố tình hẹn Phương về sau để nói chuyện. Hoàn đặt thẳng vấn đề rằng anh ta yêu
Phương. Không có Phương anh ta chết mất. Hoàn còn nói xa nói gần rằng tổ bộ đội
về đây công tác đã làm cho sinh hoạt thanh niên có phần xáo trộn. Rồi là đầu
têu là Huân. Huân không cha, không mẹ, là sỹ quan nhưng không đứng đắn, tán
tỉnh các cô gái ở quê. Thơ phú nhăng nhít, tiểu tư sản. Cấp trên của anh ta mà
biết thì chẳng ra gì. Mới đầu Phương im lặng trước lời tỏ tình của Hoàn. Cô
đoán trước điều này từ lâu nhưng không ngờ về sau anh ta lại hèn mọn đến thế.
Cô đã đốp thẳng vào mặt Hoàn rằng là không bao giờ yêu loại người như anh. Anh
ta là đồ hèn, không đàng hoàng, quân tử, Phương không bao giờ để ý đến. Anh
biết điều thì coi như chưa có tối hôm nay. Thế mà không ngờ hắn lại còn làm to
chuyện kéo cả Tịch, Xuân vào cuộc.
Cả
ba đứa con gái của làng đều sững sờ trước cách xử sự của Hoàn. Phương giận tím
mặt, khinh bỉ anh ta. Cô không thèm nói một lời nào. Cái Xuân lanh chanh, hai
tay nó chống nạnh đứng trước mặt Hoàn:
-
Đồng chí bảo chúng tôi yêu đương nhăng nhít ảnh hưởng đến chi đoàn, đến các
đồng chí bộ đội? Vậy tôi hỏi đồng chí ảnh hưởng ở chỗ nào? Ảnh hưởng ai? Hay là
anh không yêu được cái Phương nên mới nhỏ nhen đến vậy?
Hoàn
cũng không vừa:
-
Đồng chí Xuân ăn nói cho cẩn thận. Tôi có bằng chứng hẳn hoi. Thanh niên bây
giờ hãy tập trung vào nhiệm vụ sản xuất và chiến đấu. Đừng có vội vã yêu đương
làm ảnh hưởng người khác. Tôi là bí thư chi đoàn tôi phải có trách nhiệm nhắc
nhở các đồng chí.
Tịch
nóng máu:
-
Xin lỗi đồng chí bí thư nhé. Sản xuất và chiến đấu không có nghĩa là không được
yêu. Chúng ta chiến đấu vì cái gì? Vì tình yêu Tổ quốc, vì tình yêu của mỗi
chúng ta. Ấy vậy mà đồng chí bảo yêu đương lúc này là có khuyết điểm? Tôi chẳng
biết đâu chỉ thấy rằng từ ngày tôi và anh Chất yêu nhau chúng tôi càng công tác
tốt hơn. Cả đồng chí Xuân đây cũng thế. Anh Thân viết thư về nói rõ rằng anh ấy
rất sung sướng trước tình yêu mà cái Xuân giành cho anh ấy, nguyện sẽ huấn luyện
thật tốt để đi chiến trường lập công sớm báo công về cho Xuân, cho quê hương.
Rồi cái Côi nữa. Năm, sáu năm rồi tình yêu của anh Dung ngoài chiến trường đối
với nó đã làm cho nó vui lên để chờ đợi, để công tác. Có đứa nào bỏ bê công
việc không? Đồng chí thử chỉ ra cho chúng tôi xem ai là người sợ chết lẩn trốn
các trận đánh lớn của máy bay Mỹ?
Hoàn
thoáng cau mặt lúng túng. Xuân tiếp luôn:
-
Tôi thấy đồng chí bí thư học hơn chúng tôi nhưng sao đồng chí không hiểu được
về tình yêu nhỉ? Tố Hữu chẳng đã từng viết “Có gì đẹp trên đời hơn thế? Người
với người sống để yêu nhau” đấy là gì? Bí thư đã yêu chưa, yêu thật sự chưa mà
biết?
Hoàn
bị hai người dồn vào thế bí. Anh ta nói kháy:
-
Đồng chí Xuân sách vở nhỉ? Yêu có khác. Nhưng mà tôi báo trước đừng để ảnh
hưởng đến phong trào đoàn, ảnh hưởng đến đơn vị bộ đội đấy. Lúc đó đừng có
trách tôi.
Tịch
bĩu môi:
-
Cảm ơn đồng chí bí thư quá lo xa. Xin đồng chí hãy tự lo lấy bản thân mình
trước đã. Nếu không còn gì nữa thì chúng tôi xin phép.
Tịch
kéo Phương, Xuân đi mặc cho Hoàn đứng trơ mắt ra bên bãi đạn.
Thế
mà cái chuyện ấy anh ta lại đi báo cáo ông Thạc? Đúng là đồ hèn. Không yêu được
đạp đổ chắc. Máu trong người Phương sôi lên bốc nóng hết cả mặt cô.
-
Cháu nói để bác biết, chúng cháu yêu đương đứng đắn, không ảnh hưởng đến ai cả.
Chẳng qua là anh ấy ghen ghét, nhỏ mọn mới sinh ra thế. Việc này bác cũng chẳng
nên quan tâm làm gì.
-
Ấy nà tao nói vậy. Không ai cấm chúng mày yêu nhau nhưng mà phải đảm bảo
công tác đấy. Ba khoan: khoan yêu, khoan cưới, khoan đẻ chỉ nà vận động
thôi. Còn yêu mà chúng mày công tác tốt hơn thì ai cấm. Coi như nà thuốc
tiên. Sức mạnh tình yêu mà nị.
Phương thấy nhẹ cả người nghe ông Thạc nói.
-
Bác nói thế cháu còn nghe được. Coi như nà yên tâm.
Phương
nhại lại ông Thạc. Ông Thạc mắng yêu Phương:
-
Cha bố cô. Nó mà ễnh bụng nên thì cứ ở đấy mà coi như nà.
Phương cười khúc khích. Ông Thạc nhảy lên xe đi. Trời
đã nhập nhoạng tối. Trăng hạ huyền mảnh mai như làn mi con gái đang hiện lên
phía trời tây sau đỉnh núi Hang Khay. Hương hoa bưởi nhà cụ Tráng toả ra thơm
ngào ngạt. Bất chợt Gái nảy ra ý định: phải gặp Huân, mình phải nói thẳng tình
yêu của mình với Huân mới được, không thể ỡm ờ lơ lửng như thế này nữa. Đã thế
mình phải chủ động. Chính mình chẳng đã khuyên cái Xuân thế là gì!
Đêm
tháng hai, trăng suông. Cóc nhái ngoài đồng kêu inh ỏi. Trong vườn tiếng giun,
dế cũng râm ran. Tiết xuân ấm áp lạ kỳ. Trời mấy hôm nay bậm bực như muốn mưa.
Đang giữa mùa hoa bưởi. Cả làng Ngọc Chúc bồng bềnh trong hương hoa. Ban ngày,
lũ ong, bướm không biết từ đâu về mà bay nhặng xị, xi xao khắp xóm. Hoa bưởi
rụng trắng vườn. Hồi nhỏ Phương thường cùng các bạn vun chúng lại thành đống,
vốc những vốc hoa bưởi ném vào nhau, tung lên trắng trời. Tiếng cười của cả bọn
vỡ ra nghiêng ngả cả trời chiều. Mấy con chim đang mê mải bắt sâu trong vườn
cũng phải giật mình ngơ ngác bởi tiếng cười vô tư của Phương và các bạn. Lớn
lên một chút, Phương nhặt những bông bưởi mới rụng đó gói vào chiếc khăn tay
rồi đưa lên mũi mà hít hà, mà tận hưởng cái hương vị hăng hắc, nồng nồng, ngan
ngát ấy. Đêm về, Phương giấu cái gói xinh xắn đó ở đầu giường để cho mùi hương
của nó tiếp tục dắt cô vào giấc ngủ.
Thú nhất là
được ăn bánh trôi ướp hương hoa bưởi do chính mẹ làm. Lúc đó tất cả các giác
quan của Phương đều được thưởng thức hương vị thơm ngon của bánh trôi, của hoa
bưởi. Trắng trong nuột nà qua ánh mắt, ngan ngát phập phồng nơi cánh mũi, mềm
mại man mát ở đôi môi, tê tê ngòn ngọt nơi đầu lưỡi… Tất cả vừa đủ để cho
Phương nhấm nháp nhâm nhi tận hưởng cái hương vị nồng nàn đó. Nhìn Phương ăn
bánh trôi như cụ non, mẹ Phương cười và bảo: “Bánh trôi này là quà quý của
thiên nhiên ban tặng cho con người. Khí trời, lộc đất, nước sông Lô, âm dương
hoà quyện vào nhau để tạo nên cái hương vị đặc biệt đó. Chả thế mà không những
bưởi là đặc sản của làng mình mà cả những viên bánh trôi này cũng trở thành nổi
tiếng có một không hai của xứ bưởi Đoan Hùng đấy con ạ”. Phương nghe chẳng hiểu
gì sất chỉ biết rằng nó ngon và hấp dẫn đến lạ kỳ.
Mùa hoa bưởi
mọi thứ ở làng Ngọc Chúc như được ướp trong hương bưởi. Ngay cả những hòm đạn
chất đầy ngoài đống kia bình thường chỉ thấy toàn mùi gỗ thông, mùi thuốc súng
thế mà bây giờ cũng sực nức hương hoa.
Đang bực tức
về chuyện của Hoàn sau khi gặp ông Thạc thế mà khi hương bưởi bất ngờ ập đến
Phương bỗng như thư thái trở lại. Cô vươn vai đón gió sông Lô, hít căng lồng
ngực chút hương bưởi nồng nàn giữa làn gió xuân nhè nhẹ mơn man. Bao bực dọc
trong người cô như tan hết. Trước mắt Phương chỉ còn lại hình ảnh của Huân và
hương bưởi ngạt ngào. Cô tìm đến với Huân không phải vì bực tức lúc nãy nữa mà
chính vì cái khung cảnh nên thơ mơ mộng này. Cô thấy tình yêu của mình hơn lúc
nào hết cần phải được lên tiếng, cần phải được thổ lộ.
- Ơ kìa! Có
phải Phương đấy không?
Phương giật
mình sững lại. Trong ánh trăng lờ mờ, một bóng người cao lớn đứng ngay trước
mặt. Phương bừng tỉnh lúng túng:
- Vâng! Anh
Huân đấy à?
Phương nhận ra
tiếng Huân bằng cả linh cảm của mình. Không hẹn mà gặp, cầu được ước thấy. Phải
chăng trời đã run rủi cho hai người? Trái tim trong ngực cô bỗng đập rộn lên.
Huân hỏi Phương trong hơi thở dồn dập:
- Đêm tối thế
này em đi đâu đấy?
- Em… Em đi…
đi tìm con trâu bị lạc.
Không hiểu sao
Phương lại bật ra cái lý do vớ vẩn, buồn cười ấy. Nói xong rồi cô mới biết mình
lỡ lời. Ai lại ngớ ngẩn thế cơ chứ? Không ngờ Huân lại sốt sắng:
- Sao? Trâu
lạc à? Lâu chưa?
- Mới… à
không… Em… em…
- Em làm sao?
Huân hỏi dồn.
Phương quan sát xung quanh thấy đoạn đường này vắng tanh. Cô bỗng mạnh dạn trở
lại. Phương suýt phì cười vì cái lý do ngô nghê của mình và thái độ lo lắng
thật thà dễ thương của Huân.
- Thế mà còn
hỏi? Anh ngốc lắm.
Huân ngớ người
lặng im ít phút. Chân tay Huân lóng nga lóng ngóng. Một lúc sau, anh mới lên
tiếng:
- Xin lỗi
Phương! Anh thật vô tâm. Chúng mình ra bờ sông ngắm trăng đi.
- Chúng mình!
Phương dài
giọng trêu lại Huân:
- Làm gì có
trăng mà ngắm. Với lại nhỡ việc của anh thì sao?
- Không. Anh
có việc gì đâu.
- Thế anh đang
đi đâu đấy? Phương hỏi lại.
- Tối nay hàng
không lên, hai cậu Tiến và Hiến trực ngoài bãi, anh định vào nhà bà Sự chơi một
lát thôi mà.
- Thế thì anh
đi đi kẻo lỡ.
Phương ngúng
nguẩy làm bộ. Huân nắm vội lấy tay cô:
- Không. Gặp
em đây, anh đổi ý rồi. Anh muốn dạo chơi với em cơ. Anh đang có điều muốn nói
với em.
Như để không
cho Phương chối từ, Huân năn nỉ:
- Đi. Em. Đêm
nay đẹp quá. Chúng mình có việc gì nữa đâu. Ra bờ sông phía Đền Mom kia nhé.
Chẳng để cho
Phương nói gì, Huân cầm tay cô lôi đi.
Hai người
thong dong một đoạn rồi mà chưa ai nói với ai một điều gì. Bao nhiêu điều ấp ủ
định nói khi gặp nhau bỗng bay đi đâu hết cả. Đến bãi cỏ sát bờ sông, dưới gốc
si cổ thụ, Huân dừng lại.
- Chúng mình
ngồi đây đi em.
Phương ngoan
ngoãn ngồi cạnh Huân. Ngã ba sông sóng nước vỗ ì oạp. Gió từ sông thổi tới mơn
man. Hương bưởi vườn nhà bà Nghĩa toả ra thơm ngan ngát. Đằng xa kia tiếng ôtô
rẻn rẻn lên phà cùng tiếng xích sắt của ca nô kêu loảng xoảng. Giữa dòng thuyền
ai thả lưới kêu tùm tũm. Cả hai người vẫn lặng yên. Họ đều như trong mơ trước
cuộc gặp gỡ bất ngờ này.
Cuối cùng,
Huân là người mở đầu câu chuyện:
- Gái này, anh
đã đi nhiều nơi nhưng chưa thấy ở đâu đêm trăng suông lại đẹp như ở đây đấy. Em
có thấy thế không?
- Em không
biết. Vì em đã được đi đâu đâu.
- Ấn tượng
nhất đối với anh là hương bưởi. Sao nó lại nồng nàn da diết thế cơ chứ? Nhiều
đêm anh không ngủ được vì nó đấy.
Huân say sưa
nói về hương bưởi. Không ngờ anh lại tâm huyết thiết tha với mùa hoa bưởi đến
thế. Mà sao anh ấy lại trùng với ý nghĩ của mình thế nhỉ? Huân kể về cuộc đời
quân ngũ của anh. Dấu ấn những năm tháng đầu đời người lính anh đã gắn chặt với
bến bờ sông Lô này, từ thu đông năm 1947, khi anh mới chỉ là cậu bé liên lạc.
Chuyện nọ xọ chuyện kia, không đầu không cuối, cả hai người như được dịp dốc
bầu thổ lộ.
- Phương còn
nhớ hôm đầu tiên bọn anh về đây không? Anh đang ngơ ngác tìm về chốn cũ thế mà
các em lại trêu đùa mới ác chứ. Cậu Tiến là nó ghét các em lắm đấy.
- Thế còn anh?
- Anh hả? Cũng
thế. Có khi còn trên cả thế nữa cơ.
- Được rồi
nhé. Đã thế em cho anh ghét luôn thể.
Phương làm bộ
ngồi dịch ra xa.
- Em chưa hỏi
tội làm thơ viết nhật ký của anh đâu đấy. Bọn chúng nó cứ trêu em hoài. Bắt đền
anh đấy.
- Thế em đã
đọc được những gì trong đó? Anh không bắt đền em thì chớ lại còn…
- Em… Em không
thèm đọc.
Phương ngúng
nguẩy.
- Không đọc?
Thật không?
- Thật!
Huân lặng đi
thở dài.
- Nói đùa
thôi. Chúng em vô tình đọc được chứ không phải tội xem trộm nhật ký của người
khác đâu nhé. Em… em chỉ đọc được đoạn thơ của anh thôi. Anh cũng lãng mạn lắm
nhỉ?
Huân nói lảng:
- Cái đêm đó,
lúc anh ra bến này anh gặp ma đấy.
- Gặp ma?
Phương ngạc nhiên hỏi.
- Ừ, gặp ma.
Thật đấy.
Huân khẳng
định và kể khá tỉ mỉ về cái đêm gặp bóng người áo trắng từ đền đi ra. Phương
yên lặng ngồi nghe. Chốc chốc, cô lại ngoái nhìn về phía đền. Dưới tán cây si
thâm u kia là ngôi đền cổ kính đang im lìm dưới bóng trăng suông. Nghe Huân kể,
người Phương nổi da gà. Cô dịch dần đến bên Huân.
- Kia kìa, nó
kia kìa!
Huân bất chợt
dừng kể và chỉ tay ra bãi cát ven sông. Phương hoảng quá ôm chầm lấy anh. Được
thể, anh vòng tay ôm chặt lấy Phương. Hai con tim họ cùng đập rộn lên một cách
loạn nhịp. Chẳng biết Phương sợ thật hay sợ vờ mà cô cứ ngồi yên khá lâu trong
vòng tay rắn chắc của Huân. Còn Huân, anh xiết chặt tay giữ Phương. Lần đầu
tiên trong đời anh dám làm cái việc động trời này. Mãi sau, Phương mới ngơ ngác
dụi mắt:
- Đâu? Anh bảo
cái bóng ấy đâu?
Huân cười rũ
rượi. Phương đẩy người Huân ra và giơ cả hai tay đấm anh thùm thụp. Huân giả vờ
ngã sõng soài ra bãi cỏ. Thế là cả người Phương đè lên anh. Tiếng cười của hai
người loang ra trên sông. Mãi sau họ mới sửa sang lại áo quần ngồi lại bên
nhau. Phương mơ màng:
- Thực ra hồi
bé mẹ em cũng hay kể về chuyện gặp người con gái ở Đền lắm. Thế nhưng hôm nay
nghe anh kể tại đây em cứ rờn rợn cả người. Các cụ bảo Đền này thờ các cô ấy
đấy. Em chưa gặp bao giờ cả.
- Đúng là hôm
ấy anh gặp thật. Mới đầu tưởng hoa mắt nhưng về sau càng đi theo thì cái bóng
người ấy như càng hút anh đi. Đến khi anh doạ nổ súng thì vừa lúc nghe thấy
tiếng các em cười khúc khích phía sau. Anh ngoái nhìn về lán, lát sau quay lại
thì không nhìn thấy gì nữa.
- Thôi, anh
đừng kể chuyện ấy nữa. Sợ lắm.
Phương can
Huân và nép vào anh tin tưởng. Huân được thể gợi chuyện:
- Thế hôm ấy
em đọc được anh ghi những gì?
- Em chỉ đọc
được mỗi bài thơ anh viết dở thôi.
Phương nói
dối. Huân thật thà hỏi lần nữa:
- Em mới đọc
được thế thật à?
- Thật.
Huân nhẹ nhàng
cầm lấy tay Phương. Phương thoáng rủn người rồi cô để nguyên tay mình trong tay
Huân. Huân lấy hết can đảm nói:
- Anh còn viết
nhiều lắm. Phương biết không? Anh viết về Ngọc Chúc, viết về sông Lô và viết
về…
- Thôi… Anh
đừng nói nữa… Em hiểu cả rồi.
Phương đưa bàn
tay đặt lên miệng Huân. Huân đưa cả hai tay nắm chặt tay Phương. Anh dồn dập
hỏi trong hơi thở:
- Em hiểu thế
nào?
Bỗng tiếng máy
bay roẹt qua đầu. Kẻng báo động dồn dập. “Các đồng chí chú ý. Chuẩn bị sẵn sàng
chiến đấu”. “Rõ”. Khẩu lệnh của người chỉ huy đơn vị pháo binh, tên lửa gần đó
dõng dạc vọng lại. Hai người như sực tỉnh. Phương nhẹ nhàng rút bàn tay khỏi
tay Huân:
- Lại báo động
rồi. Chúng mình về đi anh!
Huân bần thần.
Lũ máy bay rú lên lao xuống. Có ánh chớp lửa trên không trung. Nó lại thả bom
rồi. Mẹ cha nó chứ, sao đêm nay lại đánh sớm thế? Huân vừa rủa thầm lũ giặc
trời vừa nắm tay Phương cùng chạy về phía bãi đạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét