Thứ Ba, 2 tháng 2, 2016

THÚ CHƠI HOA ĐÀO TẾT

       “Chưa phải Tết mà hoa đào rộ nở/ Ào ào Xuân hớn hở từng giờ”. Câu thơ của nhà thơ Tố Hữu sao lại đúng vào năm nay đến thế. Sớm nay, trên đường tới cơ quan, bất ngờ nhìn sang bên đường tôi thấy cây đào trong vườn nhà ai đó bung nở những bông hoa đầu tiên. Rồi trên những chiếc ô-tô về xuôi, cùng với lá dong, ống dang là những cành đào chất trên nóc xe, để trong thùng phía sau xe nữa. Nhìn cảnh ấy cái rét cuối năm trong tôi cũng tự nhiên tan biến. Người tôi lâng lâng. Cảm giác hân hoan háo hức lạ thường. Và tự nhiên tôi nghĩ tới Tết, vui như Tết.
          Chẳng biết tự bao giờ hoa đào gắn với ngày Tết. Hoa đào nở ấy là Tết đã đến. Hoa đào nở là tín hiệu mùa Xuân về. Hoa đào là biểu tượng ngày Tết của miền Bắc, mang đến niềm vui tưng bừng, rực rỡ cho muôn người. Màu đỏ vốn dĩ là gam nóng, tính dương rồi cộng với không khí ấm áp mùa xuân nữa khiến cho hoa đào xứng vị chúa tể của các loài hoa ngày Tết. Chẳng biết Tết cỗ bàn ra sao, no đủ đến cỡ nào nếu không có cành đào thì xem ra không khí Tết của nhà ấy chưa được đầy đủ lắm. Bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ ư? Vẫn cần lắm một cành đào để cho ra khí Tết. Bởi thế chăng mà nhà nào nhà nấy khi sắm Tết dứt khoát phải sắm cho mình, nghèo thì một cành đào, khá giả thì một cây đào thế. Cành đào cắm trên ban thờ, chậu đào thế để ở phòng khách. Có thế mới ra Tết. Có thế mới ấm áp, mới là mùa Xuân.

          Chọn đào chơi Tết cũng một nghệ thuật. Đào bích, đào phai, đào ta, chọn cành, chọn cây, chọn chậu...tùy theo thú chơi của từng người để chọn. Nếu chọn cành thì tùy theo không gian trong nhà mà chọn cành to hay cành nhỏ. Điều quan trọng nhất là tán đào phải tròn, các nhánh phân bố đều. Không nên chọn cành có tán lệch và các nhánh đâm lên không cùng bắt đầu từ một điểm trên thân gốc. Ta nên tìm mua loại cành có dăm nhỏ. Đào dăm nhỏ thường có nụ rất nhiều và mập mạp, khi hoa nở có cánh dày trông rất đẹp. Cách tết khoảng 3 đến 5 ngày ta mới nên mua đào. Vì như thế đào sẽ nở hoa rộ vào đúng mấy ngày Tết. Nên đốt gốc cành đào trước khi cắm vào lọ. Nước ở trong lọ phải sạch. Nên cho vào lọ vài viên thuốc vitamin B1, một chút kali để có dinh dưỡng nuôi hoa.
          Còn nếu chơi đào cây thì cũng nên mua các cây có dăm nhỏ và ngắn, các nhánh chính tạo nên dáng cây xuất phát từ một điểm trên thân. Như vậy, cây sẽ đẹp, cân đối. Thân, cành càng sù sì, trông càng cổ kính càng có giá. Ngày này, nhà vườn thường tạo ra nhiều dáng, thế rất khác nhau. Ngũ phúc, tam đa, rồng cuộn, long thăng... Tùy theo sở thích người chơi mà chọn lựa. Đào cây nở chậm hơn đào cành nên ta phải chọn cây nở nhiều hoa vào lúc cận Tết. Nếu mua cây có ít hoa khi chỉ cách Tết vài ngày thì vào mấy ngày chính của năm, cây đào sẽ kém sắc hoa. Khi cho cây vào chậu, tuyệt đối không được tưới quá nhiều nước, bởi đào là loại ưa ít nước, độ ẩm vừa phải, nếu không nó sẽ chết vì thối rễ.
          Có cành đào, chậu cây đào như ý rồi người ta còn lấy những chiếc đèn lồng, khánh, chuông, những đồng tiền xu màu vàng, đỏ nhỏ xíu, có gắn chữ “Phúc, Lộc, Thọ” hoặc “Chúc mừng năm mới” treo lên những cành đào. Cả những thiệp “Chúc mừng năm mới” gấp vắt lên cành nữa. Rồi bóng bay xanh, đỏ, tím, vàng điểm xuyết buộc thả cho nó bay lên tự nhiên. Có người còn chăng dây đèn màu lên nữa, trông cành đào, cây đào càng bắt mắt hấp dẫn. Tuy nhiên, việc trang trí thêm này cũng phải đúng “liều lượng”, tránh át mất nụ, hoa và lá đào, làm cho việc chơi đào giảm mất ý nghĩa.
          Đào có đặc tính đơm nụ, nở hoa trước khi đâm chồi nảy lộc. Thế nên, có cành đào, cây đào nụ đã chúm chím, hoa đã đỏ thắm tưng bừng rồi thì lộc non, lá xanh lúc đó mới nhú. Cành đào chuẩn là cành có nụ ra đều, hoa to, cánh dày, màu đẹp. Còn cái thú nào hơn khi ngắm những nụ đào chúm chím như những cặp môi hồng, những lộc non he hé nở như ánh mắt của người con gái e ấp, non tơ, ngơ ngác đến diệu kỳ. Cành đào, cây đào đẹp nhất khi trên đó có đủ nụ, hoa và chồi xanh. Ba ngày Tết, đào ở trạng thái này thì năm đó tha hồ mà lộc đến.
          Mấy năm gần đây, cùng với hoa đào, nhiều người còn chơi thêm quất cảnh, hoa ly, hoa lan... Nhưng hoa gì thì hoa, quả gì thì quả, hoa đào vẫn là nữ hoàng của ngày Tết. Không có hoa đào, chưa phải là Tết. Cũng như miền Nam, không có hoa mai chưa thể ra Tết. Ngày Tết, sum họp gia đình, ngồi ngắm hoa đào để nhớ người đi xa, để mơ về một tương lai tốt đẹp đầy hứa hẹn. Nghe câu hát “Cây đào ngày Tết đã ra hoa mà người con gái ấy nơi đâu?” (Minh Quang), rồi câu thơ “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già...” (Vũ Đình Liên), tôi cứ bâng khuâng một nỗi buồn man mác nhớ mong người con gái tôi yêu đang lao động xuất khẩu ở xứ người. Cả hình ảnh ông cố nội tôi nữa. Tết đến rồi, hoa đào nở rồi mà ông không còn nữa. Đôi câu đối ngày xưa ông viết vẫn còn đây mà giờ ông đã thuộc về thế giới khác.

          Mưa xuân phơi phới bay. Gió xuân nồng nã ấm. Tôi thư thái dạo bước trên đường những ngày cuối năm ngắm hoa đào và nghĩ về ngày Tết. Đúng là “Ào ào Xuân hớn hở từng giờ”. Đào đã nở hoa rồi. Tết đã đến trước mặt. Nào bạn hỡi, hãy cùng tôi dang rộng vòng tay cùng với hoa đào đỏ thắm để đón mùa Xuân tràn trề hy vọng đang về. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét