Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

CHIẾC ĐIẾU CÀY GIA BẢO - LƯU GIỮ HỒN QUÊ

        Tập truyện ngắn "Chiếc điếu cày gia bảo" của Xuân Thu do Nxb QĐND ấn hành tháng 6-2011. Sau khi sách phát hành, tác giả đã nhận được nhiều ý kiến tham gia góp ý, cảm nhận của nhiều bạn đọc. Xuân Thu rất cảm động những tình cảm quý mến đó của độc giả. Dưới đây là bài viết của Hà Công Trường, biên tập viên tạp chí Văn nghệ Gia Lai, xin post lên để bạn bè tham khảo. Chân thành cảm ơn Hà Công Trường và các bạn ghé thăm Hoa Nhã My.
                                              Việt Trì lúc 0 giờ ngày 19-9-2011

                                

“CHIẾC ĐIẾU CÀY GIA BẢO” - LƯU GIỮ HỒN QUÊ

                                                                            Hà Công Trường

Khi cầm trên tay tập sách thứ 13 của tác giả Đỗ Xuân Thu - tập truyện ngắn “Chiếc điếu cày gia bảo” do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 2011 tôi đã bị lôi cuốn bởi cái tiêu đề của nó. Tôi đã đọc ngấu nghiến và khi gấp sách lại trong tôi một cảm giác lâng lâng khó tả, một chút mằn mặn cay cay của cảm xúc, một chút gì vừa thân quen vừa xa vắng. Tập sách dày 280 trang gồm 26 truyện ngắn, với ngôn ngữ nhẹ nhàng, đầy tính thơ, tính nhạc. Nhỏ nhắn, gọn gàng, các truyện ngắn trong “Chiếc điếu cày gia bảo” thể hiện rõ hơi thở của làng quê Việt Nam, dân dã ngay từ những tên gọi như: Lão “Chõe bò”, “Hội chọi trâu”, “Bà” thời sự, Bản nghị quyết họ Đỗ, Chiếc điếu cày Gia Bảo, Đi tàu bay… Tác phẩm lưu giữ trong mình hồn quê của nông thôn Việt Nam nó khiến cho ta ngỡ như đã gặp lão Chõe ở đâu đó hôm qua, hôm nay, hay ta gặp lão ngay trong chính tâm hồn của mình. Và ta còn gặp rất nhiều lão Chõe nữa trên mọi miền quê yêu dấu của Tổ quốc.


Mỗi truyện ngắn trong “Chiếc điếu cày gia bảo” là một khía cạnh về đời sống và sinh hoạt của người nông dân Việt Nam. Phần lớn các tác phẩm trong tập truyện hầu như không có cốt truyện ly kỳ hay sắp đặt một cách khôn khéo. Tác giả thể hiện sức mạnh và khả năng thu hút độc giả bằng chi tiết, sự quan sát và giọng kể thủ thỉ, tâm tình lúc gần lúc xa. Không quan sát một cách duy cảm, mà bằng những va chạm trực tiếp với đời sống hiện thực, Xuân Thu thể hiện sự cảm nhận sâu sắc về những nỗi đau có thực về những hiện trạng xã hội đầy những khiếm khuyết, không ít những nhức nhối, xót xa qua bức chân dung lão Chõe (Chõe bò). Nhân vật lão Chõe xuất hiện ở hầu hết 26 truyện ngắn, để rồi trở thành sợi dây liên kết, thành linh hồn của “Chiếc điếu cày gia bảo”.

Viết về nông thôn – đề tài quen thuộc mà trước anh đã có nhiều người cày xới và thành công. Dẫu vậy, những trang viết của Đỗ Xuân Thu có nhiều nét mới, riêng biệt và cho ta nhiều suy nghĩ. Đó là những day dứt, bâng khuâng, xen lẫn vị mằn mặn của nước mắt khi ta đọc lên những dòng viết về Lão Chõe bò: “Có nhiều đêm đang ngủ lão bỗng giật mình đánh “pách” một cái rồi choàng tỉnh giấc vì tiếng bò rống lên kêu gọi lão trong giấc mơ”. Khi xã hội kinh tế đang hội nhập, đang len lỏi vào trong từng ngõ ngách của cuộc sống, thẩm thấu vào trong từng tế bào của xã hội, lão lại có một giấc mơ không giống ai, bình dị nhưng khiến cho ta giật mình. Có lẽ lão đã thành một “tên hề” trong cái xã hội, khi mà người ta mơ những giấc mơ tiền tỷ “làm kinh tế bây giờ phải nhanh nhạy, thức thời. Cứ chân chỉ hạt bột như ông trẻ biết bao giờ mới giàu được”. Trước lời nói của Binh, lão cũng chỉ như một con người đang trong cơn mộng du vì “lão đang mải ngắm nghía, sờ mó cái xe ô tô. Oách quá. Êm thế cơ chứ”.  Quả thật, tác giả rất thành công trong việc khắc họa hình ảnh của lão Chõe  - nhân vật đại diện cho người dân ở nông thôn đơn giản, chất phác. Khi biết được mánh lới làm ăn của Binh ấy là một phần của cuộc sống hiện đại khi mà anh không có tiền và quen biết thì anh không thể làm được gì trong cuộc sống đầy tất bật, đầy toan tính này. Hơn thế, cuộc sống hiện đại này còn là những phi vụ đổi chác: “Diễm nài nỉ ôm Binh chặt hơn. Cái đai áo hai dây tụt xuống trễ nải. “Dự án mới à?”, Binh hỏi. Diễm nũng nịu: “Chứ lại còn. Người ta phần cho đấy. Đẹp giai, khỏe thế này ai mà chịu được”. Lão như thành kẻ “hâm” kẻ xa lạ trong trong chính cuộc sống đang hiện hữu. Truyện kết thúc trong trong cái màn đêm vâm vấp với sự trở về của lão Chõe trong tiếng hăm hở gọi bò, trong nhập nhòe phố xá. Sự chạy trốn của nhân vật như là sự rũ bỏ những giá trị xa hoa phù phiếm vật chất để trở về bên mái nhà yên vui thanh bình và trở về với những giá trị chân quê nhưng thắm thiết tựa thịt da, tựa hơi thở của chính mình.

Làng quê với bao con người, số phận khi hiện hình, khi thấp thoáng trong suốt tập truyện của nhà văn. Đó là lão Phách với bản tính bảo thủ cố hữu mà cái tính cố hữu ấy chỉ vì lão quá yêu đồng ruộng. Chính tình yêu đồng ruộng đã làm cho lão có suy nghĩ khác người “Mày có biết cái mảnh ruộng cánh đồng Sung có cái gì không? Không à? Mảnh ấy tuy có ba thước thôi nhưng tao có chôn cái thẻ ruộng từ ngày được chia ruộng đấy nhá. Bao nhiêu máu xương mới có được thước đất đấy con ạ”. Chính vì suy nghĩ ấy, lão trở thành tội đồ khi ngăn cản chủ trương đúng đắn của xã và là rào cản ngăn cách cho chính cả những người con trong gia đình, trở thành đề tài cho bà con dèm pha “cả làng này giờ chỉ còn mỗi nhà cụ ấy là nhiều ruộng nhất thôi. Có mà nhiều! Nhiều mảnh thì có”. Trong cái nhịp đi lên đổi mới từng ngày ở trong thôn thì gia đình lão vẫn bình ổn, bình ổn trong cái đói, cái nghèo. Đối lập với lão Phách là gia đình Chõe bò - hộ lao động tiên tiến của xã. Lão luôn đi đầu trong việc áp dụng khoa học và sản xuất nâng cao đời sồng “nhà “Chõe bò” vừa mới mua con “tắc te” đấy”. Truyện được đẩy lên cao trào khi cụ Phách bị ốm, Chõe bò đã bỏ qua mọi hiểu lầm để đến thăm và động viên cụ. Đến lúc này mọi thành kiến, mọi sự bảo thủ trong cụ Phách tiêu tan đâu hết chỉ còn lại sự hối hận muộn mằn.

Ta bắt gặp trong “Chiếc điếu cày gia bảo” những nhân vật mang đậm cốt cách thôn quê, với những số phận, tính cách đa dạng, tiêu biểu cho nhiều lớp người, nhiều thế hệ đã và đang sống ở nông thôn trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, trong đó những nét truyền thống văn hóa, lịch sử, phong tục, tập quán cùng những quan niệm xưa cũ không phải đã mờ nhạt, bị triệt tiêu. Như có người lầm tưởng, nhưng cũng không dễ còn được ngự trị khắp nơi. Một nông thôn với biết bao buồn vui muốn trào nước mắt. Ấy là điều mà Đỗ Xuân Thu luôn quan tâm trong hoạt động sáng tác văn học của mình.

Ở “Bản nghị quyết họ Đỗ”, anh lại cho ta một cái nhìn đầy đủ về tập quán xưa cũ về họ tộc, tông đường, dòng tộc được nhà văn mổ xẻ, khắc họa dưới góc nhìn đa chiều, mang đến cho người đọc bức tranh làng quê thời kinh tế thị trường đa dạng, phong phú và không kém phần phức tạp đến khó lường. Nhưng cũng đong đầy nước mắt khi gặp lại những kỷ vật linh thiêng của cha ông để lại, nó khẳng định một điều dù đi đâu về đâu sức sống của những giá trị tinh thần mãi luôn còn được gìn giữ và phát huy. Không né tránh vấn đề nóng đang diễn ra trên nhiều vùng quê mấy năm nay, nhà văn đi thẳng vào vấn đề công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông thôn, cụ thể là việc lấy đất lập khu công nghiệp thì người nông dân sẽ như thế nào, qua một số truyện như:  “Dự án mới”, “Của thiên trả địa”, “Bữa cơm bị bỏ dở”, “Công ty thơ”, “Coco – Chanu – Pho”. Từ những truyện ngắn này, nhà văn cảm thông với nỗi nhọc nhằn cơ cực của những con người suốt đời gắn bó với đất đai, với làng xã.

Bên cạnh những trang viết về người dân ở nông thôn thì mảng viết về cuộc sống dưới những bộn bề lo toan, dưới sự lẫn lộn trắng đen của cuộc sống được thể hiện qua: “Đi tết sếp”, “Cuộc thi hát”. Cuộc sống nhiện lên rõ mồn một qua những dòng chữ của ông, nó tái hiện lại cái góc khuất của xã hội khi mà đồng tiền trở thành thế lực vạn năng “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Để từ đó thoát ra một tiếng cười ròn tan của người vợ khi nghe chồng thắc mắc: “Thế em làm thế nào mà mấy vị kia ký lại cả thế? Vợ tôi phá ra cười: Ôi, ông ngốc ơi là ông ngốc ơi! Người ta tổ chức ra cuộc thi người ta có quyền chứ. Giải rổ là quyền ở ban tổ chức, giám khảo chỉ là cái vì. Có người đời như ông là không hiểu thôi ông ngốc ạ!”. Để rồi sau đó mới vỡ lẻ “mỗi người đã đút đôi triệu tiền thù lao chấm giải”. Hơi thở của cuộc sống được nhà văn thể hiện đầy đủ, với cái nhìn tinh tế, sắc sảo, với một giác quan quan sát nhạy cảm qua: “Đi tàu bay”, “Hàng Việt”, “Cá tháng tư”, “Giấu đầu hở đuôi”. Những trang viết về cuộc sống mượt mà như những lời thơ tâm tình thủ thỉ, như tiếng ngân của khúc nhạc lòng réo rắt: “Âm vang Trường Sơn”, “Lớp học trên sông”, “Tình mẹ”, “Mã số cuộc tình”, “Người viết điếu văn” là những truyện như vậy.

Tác phẩm thành công với nghệ thuật xây dựng truyện, nhất là nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ nhân vật mà Chõe bò là nhân vật điển hình. Lời nói của ông đúng là lời nói của người dân, mộc mạc, tự nhiên không trau chuốt, nó cho người đọc cảm giác gần gũi dễ hiểu, nó tự nhiên như cuộc sống của chính họ vậy. Với cốt truyện đơn tuyến, giảm thiểu tối đa sự kiện và nhân vật, lối khai triển của truyện nhanh chóng đưa người đọc xâm nhập ngay vào bối cảnh của sự kiện sau vài lời giới thiệu ngắn gọn tạo nên ấn tượng rõ nét. Nếu lối khai triển nhanh của cốt truyện có tác dụng đưa người đọc thâm nhập trực tiếp nhanh chóng vào bối cảnh câu chuyện, thì lối kết thúc truyện lại bất ngờ và logic. Cách kết thúc bất ngờ và logic của truyện ngắn Đỗ Xuân Thu tạo được dư âm trong lòng người đọc và chứa đựng những ý nghĩa triết lí sâu sắc về cuộc đời.

Dẫu có hoài nghi thì trong cội nguồn sâu lắng của cảm xúc, nhà văn Đỗ Xuân Thu đã chuyển tải bức thông điệp của khát vọng và trăn trở đối với cuộc sống đến độc giả. Tập truyện ngắn “Chiếc điếu cày gia bảo” đã đọng lại trong tâm thức mỗi độc giả về những con người giàu tình thương và sự bao dung nhưng cũng đang phải lam lũ, nhọc nhằn trên mảnh đất mỗi ngày một thu hẹp lại và lũy tre làng chỉ còn là hình ảnh trong ký ức người già.



                                                                                    Pleiku 15/9/2011

                                                                             H.C.T




 

11 nhận xét:

  1. Người đem gia bảo riêng mình
    Góp vào xã hội cái tình người quê
    Chỉ là rơm rạ ngô nghê
    Mà thành chất ngọc làm mê mẩn đời
    Mồ hôi đắng đót mặn mòi
    Vị yêu bùn đất rạch ròi không phai
    Mặc người chức lọng quyền ngai
    Chõe mê mải viết, vì ai ... không cần.

    Trả lờiXóa
  2. "Qua tình
    như tỉnh mùa say
    Qua em
    Hiu hắt nhớ đầy ngực đau
    Qua đời
    Nặng ngực chiêm bao
    hôn mê giữa tiếng xạc xào lá bay
    nhớ nào bằng nhớ chiều nay…!"
    Ôi trời hay quá là hay
    Câu thơ rõ máu, tình đày đọa thơ
    Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
    Nhớ ai chiều xuống bơ phờ trời ơi!

    Chia sẻ. Chia sẻ với anh. Ngàn lần chia sẻ.

    [góp ý]| Viết bởi Xuân Thu | 19 Sep 2011, 04:50
    ------
    "ông" chia...rồi đem đi đâu?
    gửi mây- mây ướt
    để sầu...em tôi
    hi hi! vui chút nha! xem hết comm trong "KHÔNG ĐỀ GỬI BẠN " của tui chưa? xin xem kỷ vào. chúc ngày càng "hoành tráng" trong...Y...!

    ------------
    "Chiếc điếu cày..." qua cảm nhận của nhà BT HCT đọc xong nghe ...

    hình như vùa chạm cơn mê
    tớ mà "ro" được cha81che6 hả...đời!
    hi hi. chúc vui nha!

    Trả lờiXóa
  3. xin sửa lại cho "thiệt" nha>
    VMT ngàn lần xin lỗi XT và các bạn!

    hình như vùa chạm cơn mê
    tớ mà "ro" được chắc hê hả...đời!
    hi hi. chúc vui nha!

    Trả lờiXóa
  4. Gửi anh VQK!
    "...Mồ hôi đắng đót mặn mòi
    Vị yêu bùn đất rạch ròi không phai
    Mặc người chức lọng quyền ngai
    Chõe mê mải viết, vì ai ... không cần".

    Cảm ơn anh đã hòa vần
    Từ văn xuôi bỗng chuyển dần thành thơ
    Nhà em đôi lúc lơ ngơ
    Người ta danh vọng, em mơ biển tình
    Điếu cày gia bảo vật linh
    Cha ông để lại nghĩa tình quê hương

    Trân trọng cảm ơn anh nhiều.

    Trả lờiXóa
  5. Gửi bác Vũ Miên Thảo!
    "hình như vùa chạm cơn mê
    tớ mà "ro" được chắc hê hả...đời!"
    Chưa rò được đã mê tơi
    Bùa yêu ai rắc say hơi thuốc lào
    Hút điếu cày, sĩ diện cao
    tiếng kêu rong róc trời sao giật mình

    Cảm ơn bác nhiều nha.

    Trả lờiXóa
  6. Cảm ơn, tấm lòng bao dung của anh nhé. Chúc anh luôn vui khỏe thành công và hạnh phúc

    Trả lờiXóa
  7. Nửa Nhớ22:03 19/9/11

    " Chiếc điếu cày gia bảo" HCT "rỉ tai" Nửa Nhớ đã thấy ngất ngu, nếu được cầm trên tay hút tham một hơi hết khói chắc nhũn đời cho tới khi tác giả đến vỗ mạnh vào đầu và dốc một cốc rượu đầy vào đường thực quản. Chúc mừng nhé! Nhà thơ, nhà văn, nhà báo Đỗ Xuân Thu(Lão Chõe).

    Trả lờiXóa
  8. @ Hà Công Trường!
    Mình phải cảm ơn bạn chứ? Bạn đã đọc, đã cảm nhận và đã viết nên bài này cơ mà? Cảm ơn! Cảm ơn thật nhiều.

    Trả lờiXóa
  9. @ Nguyễn Thế Yên!
    "Chiếc điếu cày gia bảo" HCT "rỉ tai" Nửa Nhớ đã thấy ngất ngu, nếu được cầm trên tay hút tham một hơi hết khói chắc nhũn đời cho tới khi tác giả đến vỗ mạnh vào đầu và dốc một cốc rượu đầy vào đường thực quản. Chúc mừng nhé! Nhà thơ, nhà văn, nhà báo Đỗ Xuân Thu(Lão Chõe).
    Gớm, làm gì mà anh vội trách cứ thế. Sẽ có sách nha. Rồi đọc, rồi vui nha. Trân trọng.

    Trả lờiXóa
  10. Chiều nay mưa, nửa nhớ cà phê ít khác nhưng thật là vui vì Xuân Thu đã kịp mang đến tặng một "chiếc điếu cày gia bảo". Có mấy điếu đã hút rồi tạm để đó còn lại vừa hút thử mấy điếu mới toanh mà chồng hít vợ say cứ lướt khướt cả chiều cứ như đang bơi trong một miền quê yêu dấu. Cái món điếu một này của anh là vợ chồng tôi thích lắm. Rất cảm ơn và chúc mừng anh nhá.

    Trả lờiXóa
  11. Gửi anh Nguyễn Thế Yên
    Trân trọng vợ chồng anh. "chồng hít vợ say cứ lướt khướt cả chiều" nghe mà phổng mũi XT quá đi.

    Trả lờiXóa