Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2015

HỒN BIỂN VIỆT RÌ RẦM TRONG “TỔ QUỐC Ở TRƯỜNG SA”



(Thơ Đỗ Xuân Thu - Hội Liên hiệp VHNT Phú Thọ ấn hành tháng 7/2015)

                                                                   Trương Thị Thương Huyền
                                                                        (Hội VHNT Hải Dương)

          Không nhiều lời, không nhiều hình ảnh và câu từ chau chuốt, không có chỗ cho cả những gì màu mè, gượng gạo, “Tổ quốc ở Trường Sa” tập hợp tất cả những gì giản dị nhất, dễ gần nhất trong giọng thơ Đỗ Xuân Thu.
35 bài thơ gọn gàng và xinh xắn - 35 kỷ niệm (có lẽ là đẹp nhất) trong hải trình thăm Trường Sa găm lại trong trái tim của con người đa tình Đỗ Xuân Thu đã đủ để “dựng” nên tập thơ này. Số lượng không nhiều, con chữ không lắm nhưng tình ý gửi gắm trong “Tổ quốc ở Trường Sa” lại dạt dào như sóng biển. Và cái mảnh đất thiếu đủ thứ cho nhu cầu của cuộc sống và chỉ thừa nắng gió và muối mặn ấy đã neo vào thơ Đỗ Xuân Thu bằng những gì đời thường nhất, nói cách khác, trong hải trình đến “quần đảo bão tố” này, Trường Sa được Đỗ Xuân Thu tái hiện bằng cảm xúc chân thành nhất của trái tim một người viết.
Đọc “Tổ quốc ở Trường Sa”, điều đầu tiên người đọc nhận ra là mỗi hòn đảo của quần đảo thân yêu của Tổ quốc hiện lên bằng xương, bằng thịt, bằng nắng, bằng gió, bằng gian khổ, khó khăn và bằng cả lãng mạn bay bổng. Trường Sa trong thơ Đỗ Xuân Thu đủ địa danh, hình hài, đủ góc nhìn ấn tượng như Song Tử, Sinh Tồn, Len Đao, Gạc Ma, Đá Lớn B, Đá Đông… với những hình ảnh riêng có của mảnh đất này: “Cầu vồng trên đảo Đá Đông”, “Tiếng ru trưa ở đảo Sinh Tồn”, “Bên cột mốc chủ quyền”, “Tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma”, “Đền thờ Bác Hồ ở đảo Trường Sa”, “Bia liệt sĩ trên đảo Sinh Tồn”, “Cột mốc ở Trường Sa”, “Nước ngọt ở Trường Sa”… 

Khác với những hoạt động trong đất liền, những hình ảnh trên mảnh đất giữa vời vợi trùng khơi này dù giản dị nhưng lại đủ độ “độc” khiến người đọc xúc động, nhất là giữa lúc cuộc sống của quân dân trên các đảo nổi, đảo chìm của Trường Sa đang trở thành đề tài “nóng’ trong hành trình khám phá của những người ưa tìm hiểu. Và “Tổ quốc ở Trường Sa” phần nào đáp ứng được câu trả lời.
Vẫn là những chuyện thiếu nước, thiếu rau xanh. Vẫn là những chuyện lời ru, điệu hát… Và cũng vẫn là những chuyện nhớ thương, thương nhớ của những người ở hai đầu sóng biển… Tất tật tập trung ở những chữ “Vẫn” ấy để khẳng định, chỉ cần người viết thiếu kinh nghiệm thì việc viết về Trường Sa sẽ trở thành nhàm chán khi lặp lại bao điều những người đi trước đã viết. Nhưng Xuân Thu đã không rơi vào trạng thái ấy. Xuân Thu đã không để cảm xúc của mình bó hẹp trong mỗi hòn đảo, mỗi vuông biển mà bao đồng nghiệp đi qua đã từng đánh bắt”. Như một ngư dân lầm lũi vượt sóng tìm luồng cá mới, với từng điều giản dị của mảnh đất thừa gió mặn và muối biển, Xuân Thu đã để nó “ngấm” và bật thành con chữ theo cách riêng của “Chõe bò” (một nhân vật trong truyện ngắn đã trở thành biệt danh của anh). Cái khó khăn, vất vả tứ mùa giữa tứ bề là sóng gió của Trường Sa đi vào thơ Xuân Thu đằm nét duyên riêng:
“Giữa biển Đông trưa tháng sáu chang chang
Gió trốn biệt, biển mệt nhoài nằm thở
Sóng lấp lóa, nắng như đổ lửa
Đảo nổi, đảo chìm như luộc, như sôi”
(Tiếng ru trưa ở đảo Sinh Tồn)
Hay chuyện thiếu nước ngọt giữa đại dương mênh mông của những người lính đảo không phải đến Xuân Thu mới nói, mới viết, nhưng cái giọng thơ “tưng tửng” của anh lại khiến người đọc cứ phải rỉ rả, cứ phải rưng rưng:
“Một dãy can hai mươi lít xếp hàng
Rất chỉnh tề, ngay ngắn
Trên mỗi chiếc vỏ nhựa trắng
Là tên từng chiến sĩ đảo này…
… Mỗi chiến sĩ hai mươi lít… năm ngày
Tắm rửa, giặt giũ, tưới cây…”
                                                (Nước ngọt ở Trường Sa)
Hoặc cũng viết về trăng Trường Sa, hình ảnh “Trăng dưới biển, trăng trên trời/ Trường Sa ở giữa ngời ngời trong nhau…” cũng là một trong những hình ảnh lạ, một phát hiện rất riêng của Xuân Thu. Ai đã đến Trường Sa, đã từng chứng kiến đảo đẹp ảo huyền giữa bốn bề “trăng áp tải” có lẽ mới thấm được hình ảnh ấy.
Vượt qua những góc nhìn quen thuộc của bao đồng nghiệp đến Trường Sa khi cùng viết về những ngôi làng trên biển, những tiếng gà trưa, với cuộc sống bình yên như mỗi làng quê của đảo, với hình ảnh những người lính Trường Sa hiên ngang trong bão tố giữ gìn chủ quyền biển đảo quê hương, Trường Sa trong “mắt nhìn” của Đỗ Xuân Thu thật lãng mạn và khá độc đáo.
Ít đề cập đến những khó khăn, vất vả, chỉ thấy ngồn ngộn trong 35 bài thơ là những hình ảnh đẹp, đầy chất lạc quan. Đó là hình ảnh “cầu vồng bảy sắc lung linh như mơ” giữa “biển trời xanh đến bất ngờ” của đảo Đá Đông; là hình ảnh bình minh đội biển lên tràn chất thơ giữa biển:
“Em đã thấy đất, trời hôn nhau chưa
Kỳ lạ lắm sớm mai này ở biển
Chân trời xa đột nhiên hiển hiện
Nụ môi hồng nhô lên, nhô lên…
Mặt biển bồng bềnh chao nghiêng, chao nghiêng
Sóng cuốn nhau lăn về bờ cát
Biển thì thầm lời yêu dào dạt
Mặt trời lên đỏ thắm vành môi…”
(Nụ hôn biển)
Bằng góc nhìn của một người vốn hóm hỉnh và có khả năng quan sát khá tinh tế, tất cả những “sự kiện”, “hiện tượng” trong hải trình đến với Trường Sa trở thành “đặc sản” trong ‘Tổ quốc ở Trường Sa”, mang hơi thở riêng, hồn vía riêng của biển của Trường Sa trong trái tim thi sĩ:
“Bất ngờ nhất đêm văn nghệ Trường Sa
Mười em nhỏ, tuổi từ ba đến tám
… Vừa biểu diễn vừa nhìn con châu chấu
Đang chập choạng trước ánh đèn sâu khấu
Bài hát vừa xong, em vồ nó và cười…”
(Nghệ sĩ nhí và con châu chấu…)
Và ngộ nghĩnh tới bật cười khi chứng kiến một trận cầu nảy lửa giữa không gian “ rất hiếm cỏ” của cư dân trên đảo:
 “Này cú phạt sút xa
Quả này mười một mét
Đá nhẹ thôi cu Tít
Kẻo bóng phọt ra khơi
…Luật lệ thoang thoáng thôi
Không đủ quân cứ đá
Lính, trẻ con ồn ã
Cũng cãi nhau ra trò…”
(Đá bóng ở đảo)
Nhưng điều khiến người đọc xúc động nhất khi đọc “Tổ quốc ở Trường Sa” của Đỗ Xuân Thu chính là khi nhận ra cái chung, cái riêng hòa quyện. Có lẽ, khái niệm Tổ quốc trong tập thơ không chỉ là đất nước Việt Nam, không chỉ là mảnh đất vời vợi với biển với trời mà còn cụ thể hơn, hiện hữu hơn đó chính là mảnh đất cội nguồn “Đất Tổ”.
Viết về Trường Sa nhiều người viết. Yêu Trường Sa nhiều người yêu. Thổn thức, đau đáu về Trường Sa thì nhiều, nhiều lắm những con người đã nói. Nhưng Trường Sa trong Đất Tổ và Đất Tổ với Trường Sa thì hình như tôi mới chỉ gặp ở tập thơ này.
 Phú Thọ có hát Xoan là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại và thơ Xuân Thu đã khéo léo quảng bá, chuyển tải trong những vần thơ viết ở Trường Sa. Ta thấy “xin huê đố chữ” được anh khắc họa rất Trường Sa và rất hay:
“Giữa Trường Sa nghe em hát câu xoan
Say sưa quá ngỡ mình đang đất Tổ
Không có trống thì lấy thùng mà vỗ
Đũa cùng que gõ nhịp phách tưng bừng…

…Em đố hoa gì trên đảo nở về đêm?
Quả như cái chuông đung đưa trong gió
Lính đảo cười “hoa bàng vuông đó”
“Tềnh là tềnh”… tay mắt xoắn vào nhau

Em đố chữ gì dài nhưng chẳng xa đâu
Đảo nổi, đảo chìm đẹp trang thơ Tổ quốc
Lính đảo cười dang tay giơ phía trước
Chữ Trường Sa đang ở trái tim này”
 (Hát xoan ở Trường Sa)
Phú Thọ còn nổi tiếng với làng cười Văn Lang, với thơ Bút Tre. Mối ân tình của vùng quê phóng khoáng ấy theo Xuân Thu đến Trường Sa lộng gió, tiếp thêm sức mạnh cho những chàng lính biển. Những câu thơ này mới thấy con người Phú Thọ yêu đời, phóng túng, bản lĩnh biết bao nhiêu:
                             “Chuyện ra dưới biển trên trời
                             Vỗ đùi đánh đét, gặp người Văn Lang
                             Ở quê nói phét cả làng
                             Ra đây giữa biển lại càng vung tay
Bút Tre càng đọc, càng say
Dìm sóng biển xuống, kéo ngày dài thêm
Lính đảo cười ngả cười nghiêng…”
                                                          (Thơ Bút Tre ở Trường Sa)
          Có lẽ còn nhiều, nhiều lắm những điều muốn nói khi đọc tập thơ này. Dẫu có bấn loạn bởi rất nhiều điều định nói thì vẫn phải khẳng định “Tổ quốc ở Trường Sa” là trái tim, là tấm lòng, là ân tình của Xuân Thu đối với mảnh đất thiêng của dân tộc, cái mảnh đất mà khi đến đó, người ta sẽ chợt nhận ra mình thật bé nhỏ trước đại dương và bao bộn bề của cuộc sống bon chen sẽ trở thành vô nghĩa; Cái mảnh đất dù không quá lớn nhưng đủ độ nóng để đo sự “vĩ đại” thật sự của mỗi con người!
          Đọc “Tổ quốc ở Trường Sa” thêm một lần thấy hồn dân tộc rì rầm ngân nga trong tiếng sóng!  

                                                                                      T.T.T.H











Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét