Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2015

“TỔ QUỐC Ở TRƯỜNG SA” NHỮNG VẦN THƠ DUNG DỊ MÀ CHÁY RỰC TIN YÊU



Nguyễn Thị Việt Nga
                                                                      (Hội VHNT Hải Dương)

Trường Sa, chỉ hai tiếng thiêng liêng ấy thôi đã gợi lên biết bao xao xuyến, rưng rưng, thổn thức trong trái tim của mỗi người con đất Việt. Với các văn nghệ sỹ, những người “nhạy cảm nhất trong những người nhạy cảm”, thì Trường Sa càng gợi nhớ, gợi thương, nhất là với những ai đã từng may mắn được đến với Trường Sa một lần trong đời. Cái may mắn ấy, tác giả Đỗ Xuân Thu đã trải.
Là người con Đất Tổ, mảnh đất thiêng nơi cội nguồn dân tộc, Đỗ Xuân Thu luôn ao ước được đến Trường Sa. Nếu Phú Thọ là “Đất Tổ” thì biển Đông mênh mông sóng vỗ chính là “Quê Cha” của mỗi chúng ta - truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, bất cứ ai là con dân nước Việt cũng đều đã thuộc lòng. Cho nên, Đỗ Xuân Thu đến với Trường Sa không phải trong tâm thế đi khám phá một địa danh mới mẻ - dù mình chưa từng được đến trong đời - mà là đến với một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ Quốc, là người con lần đầu tiên về với “quê Cha”. Chính thế cho nên Trường Sa hiện lên trong thơ anh vừa thiêng liêng, xúc động lại rất đỗi bình dị, thân thương.
Chuyến hải trình gói gọn chỉ chục ngày, với 11 đảo và điểm đảo nhưng dâng trào biết bao cảm xúc. Những vần thơ mải miết tuôn trào, hối hả như đua cùng cảm xúc. Nhịp trái tim đang phập phồng náo nức cứ tràn trong mỗi dòng thơ. Tất cả 35 bài thơ trong tập đều rất chụm ở chủ đề: “Tổ quốc ở Trường Sa”. Chỉ có Trường Sa và Tổ quốc, Tổ quốc và Trường Sa, dẫu cho trong những vần thơ cháy bỏng gửi đến người yêu hay những phút lặng lòng xa xót trước biển lớn mênh mông, tưởng nhớ những người con đất Mẹ đã vĩnh viễn nằm trong lòng biển. 

Ở chuyến thăm “Quê Cha” này của Đỗ Xuân Thu, mọi thứ hiện lên trước mắt vừa thân thuộc như máu thịt lại vừa bỡ ngỡ, lạ lùng. Anh thấy được những thân yêu trong những điều mới lạ, và thấy những điều mới lạ trong những quen thân. Đến với Trường Sa (chính xác là các đảo, điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa), những lạ lùng của một vùng trời nước mà tác giả chưa từng đặt chân tới cuốn hút anh ngay từ phút đầu tiên. Chính bởi vậy, trái tim, tâm hồn nhà thơ như một thứ “ăng ten” cực nhạy, bắt sóng Trường Sa từ những điều nhỏ nhất, không bỏ sót bất cứ chi tiết nào. Riêng về các khoảnh khắc thời gian thôi, đã thấy hiện lên: Bình minh ở biển, Tiếng ru trưa ở đảo Sinh Tồn, Trăng Trường Sa. Về các hoạt động của đoàn công tác và của quân và dân trên các đảo và điểm đảo có: Lễ tưởng niệm liệt sỹ Gạc Ma, Mẹ đến Trường Sa, Tiếng ru trưa ở đảo Sinh Tồn, Trên tàu Trường Sa 571, Đền thờ Bác Hồ ở đảo Trường Sa, Chiến sỹ hải quân ru con, Nghệ sỹ nhí và con châu chấu, Thơ Bút Tre ở Trường Sa, Ra đây bỗng thấy… Những loài cây quen thuộc trên các đảo cũng đã có mặt đông đủ trong thơ Đỗ Xuân Thu: Hai loài cây ở đảo, Cây bàng vuông, Những khay rau trên nóc nhà giàn…
          Những lạ lùng của Trường Sa đi vào thơ Đỗ Xuân Thu với vẹn nguyên háo hức, say mê. Anh say sưa khám phá vẻ đẹp riêng của vùng biển đảo mênh mông và thiêng liêng này. Trường Sa và biển Đông trong “Tổ quốc ở Trường Sa” hiện lên diễm lệ lạ kỳ với vẻ đẹp đến sững sờ, bàng hoàng và siêu thực. Một dải cầu vồng không có gì lạ lẫm đối với chúng ta, nhưng cầu vồng ở Trường Sa thì lại khác. Tác giả lặng người trong phút chiêm ngưỡng ngất ngây:
Sớm nay trên đảo Đá Đông
Bỗng dưng bắt gặp cầu vồng đẹp chưa?
Biển trời xanh đến bất ngờ
Lung linh bảy sắc như mơ thế này!
(Cầu vồng trên đảo Đá Đông)
Rồi bình minh ở biển, một bình minh rạng rỡ, ngọt ngào được ví với “nụ hôn biển” thắm thiết, bất ngờ:
Em đã thấy đất, trời hôn nhau chưa?
Kỳ lạ lắm sớm mai này ở biển
Chân trời xa đột nhiên hiển hiện
Nụ môi hồng nhô lên, nhô lên…
(Nụ hôn biển)
Một ánh trăng đêm cũng mang vẻ đẹp huy hoàng, lộng lẫy. Vẻ đẹp không có ở nơi nào khác, ngoài Trường Sa thiêng liêng:
Trăng dưới biển, trăng trên trời
Trường Sa ở giữa ngời ngời trong nhau
Đảo trôi như một con tàu
Mênh mông vũ trụ một màu trăng thanh

Sao trời, sao biển long lanh
Bao nhiêu giọt ngọc đính thành gấm hoa
Sóng lấp lóa, gió hiền hòa
Tãi trăng ra biển loang xa cuối trời
(Trăng Trường Sa)
Những “vỡ lẽ” từ Trường Sa mới đáng yêu làm sao:
Bão táp, phong ba không phải một cây đâu
Ra Trường Sa mới hiểu rành điều đó
Hai loài cây hiên ngang cùng giông tố
Cùng kiên cường trước gió biển, nắng nung
(Hai loài cây ở đảo)
Những câu thơ về bao điều lạ lẫm ở Trường Sa nghe như tiếng hát say mê và náo nức. Đỗ Xuân Thu như người lạc giữa muôn vàn điều kỳ diệu. Trường Sa - cái địa chỉ thân thương như máu thịt, khi được thỏa nguyện đặt chân đến tận nơi là một kho những gì mới mẻ, cuốn hút đến lạ lùng.
Viết về Trường Sa đã có nhiều người viết, nhưng thơ Đỗ Xuân Thu vẫn mang đến một gương mặt Trường Sa khác với những gương mặt Trường Sa đã gặp ở trong thơ. Đó là một Trường Sa lung linh, ngời ngợi, đẹp đến bàng hoàng trong cảm nhận của một người con trung du Đất Tổ. Đó là một Trường Sa thân thương nhưng vẫn rất đỗi lạ lùng. Những thân thương gợi lên từ tiếng chuông chùa, từ lớp học trên đảo, tiếng ru con trên đảo, những cháu bé biểu diễn văn nghệ trên đảo hay đơn giản hơn là luống rau, ca nước ngọt, một buổi biểu diễn văn nghệ, một buổi chào cờ… Nhưng trong tất cả mọi thân thương ấy lại ẩn chứa những lạ lùng chỉ có thể có được ở Trường Sa. Lời ru con của anh chiến sỹ hải quân là ru qua sóng điện thoại:
Anh bấm máy hát à ơi ru bé
Tiếng ru từ chân trời góc bể
Tiếng ru hòa tiếng sóng dạt dào
…..
Cái cò, cái vạc, cái nông
Cái hải âu nữa bềnh bông ru hời…
(Chiến sỹ hải quân ru con)
Vẫn là tiếng ru quen thuộc, nhưng lại được cất lên từ nơi “chân trời góc bể”, gửi đến đứa con yêu dấu ở quê nhà mà “từ lúc mới sinh anh chưa gặp bao giờ”, bên cạnh cánh cò, cánh vạc quen thuộc của ca dao còn có cánh hải âu chớp trắng trên biển cả. Những chi tiết thực cứ dung dị vào thơ mà rưng rưng nước mắt. Dẫu ngàn trùng xa cách, người cha chiến sỹ hải quân vẫn ru con đêm đêm qua điện thoại, trong lúc chờ đến phiên gác đảo. Rồi những cốc nước lọc mời nhau khi nhà có khách, bình thường không mấy ai để ý, vì nước uống thông thường chứ đâu phải cao lương mĩ vị gì. Thế mà ở Trường Sa, nước uống không đơn thuần là nước nữa. Nước quý hơn vàng:
Mỗi chiến sỹ - hai mươi lít – năm ngày
Tắm rửa, giặt giũ, tưới cây…
Nước phải quay vòng mấy lượt
Nước phải chở từ đất liền ra
Cách xa cả ngàn cây số
Nước phải chờ từ trên trời mưa xuống
Ở đảo chỉ có gió và nắng
Một năm được mấy ngày mưa?
………….
Gió biển mặn mòi, giọt mồ hôi mặn chát
Nâng cốc nước lính đảo mời, nhấp từng ngụm rưng rưng…
(Nước ngọt ở Trường Sa)
Mỗi gốc cây, ngọn rau, mỗi đóa hoa, mỗi tiếng chim gù, mỗi nắm đất… ở Trường Sa đều chứa đựng những điều phi thường, thiêng liêng nhất. Và chính những điều phi thường, thiêng liêng trong cái quen thuộc, bình dị thường ngày đã tạo nên nét khác biệt của Trường Sa trong thơ Đỗ Xuân Thu. Cảm hứng của anh viết về Trường Sa là cảm hứng ngợi ca với cái Tôi - công dân thắm thiết, nhiệt thành. Chính sự thắm thiết, nhiệt thành ấy đã tạo nên nỗi xúc động chân thực trong “Tổ quốc ở Trường Sa”, tránh được những sáo mòn, công thức hay hô khẩu hiệu, lên gân khi viết về đề tài này. Những vần thơ dung dị thôi mà cháy rực trong cảm xúc dâng trào:
Xin giữ mãi phút giây này trong tôi
Từ Đất Tổ lần đầu tiên tới đảo
Xúc động, tự hào, tin yêu, hoài bão
Mãi mãi ngời lên cùng tên gọi Sinh Tồn
(Đảo Sinh Tồn)
Đất nước mình đây biển, đây trời
Đảo nổi, đảo chìm sao thiêng liêng đến thế!
Mẹ truyền lửa cho con, con làm yên lòng mẹ
Tin yêu này phơi phới khúc Trường Sa
(Mẹ đến Trường Sa)
Nét đặc sắc nữa trong tập thơ “Tổ quốc ở Trường Sa” của Đỗ Xuân Thu là anh đã khéo léo giới thiệu, quảng bá, đưa “cái chất Phú Thọ” vào trong thơ ra Trường Sa. Ta biết, hát Xoan là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Đỗ Xuân Thu đã làm cho những câu xoan vang lên giữa Trường Sa. Đọc “Hát Xoan ở Trường Sa” thấy sự dân giã, hồn nhiên, khoáng đạt, tự tin, yêu đời của người Phú Thọ nói riêng và của cả dân tộc ta nói chung trước mọi gian lao, thử thách. “Giữa Trường Sa nghe em hát câu Xoan/ Say sưa quá, ngỡ mình đang đất Tổ/ Không có trống thì lấy thùng mà vỗ/ Đũa cùng que gõ nhịp phách tưng bừng”. Rồi “xin huê, đỗ chữ” được anh khéo léo gắn với Trường Sa thật tài tình. Huê thì anh chọn “hoa bàng vuông”. Chữ thì anh chọn chữ “Trường Sa’. Tuyên truyền mà không khô cứng, trái lại, rất tình tứ, rất lắng sâu trong lòng người đọc. Tổ quốc ở Trường Sa là thế chứ còn gì nữa. Hay như trong bài “Thơ Bút Tre ở Trường Sa” chỉ bằng mấy câu này đã thấy “chất Phú Thọ” lạc quan, yêu đời, tếu táo, vượt lên mọi gian khó, hóa giải mọi hiểm nguy:
“Chuyện ran dưới biển trên trời
Vỗ đùi đánh đét - gặp người Văn Lang
Ở quê nói phét cả làng
Ra đây giữa biển lại càng vung tay
Bút Tre càng đọc càng hay
Dìm sóng biển xuống, kéo ngày dài thêm”
Tôi biết Phú Thọ có làng cười Văn Lang, “Văn Lang cả làng nói phét” và đã vào trong thơ Đỗ Xuân Thu ở Trường Sa rất nhộn bằng một động tác “Vỗ đùi đánh đét - gặp người Văn Lang” đọc mà thấy sướng như là người trong cuộc vậy. Chuyện cười Văn Lang cùng với thơ Bút Tre đã “Dìm sóng biển xuống, kéo ngày dài thêm”. Rất khí phách, rất lạc quan. Ở đảo, ngoài biển gian khó thế có “món cười” này thì tthật tuyệt.
Trong tập “Tổ Quốc ở Trường Sa”, thế mạnh của Đỗ Xuân Thu vốn là thơ lục bát tiếp tục được phát huy. Những câu thơ thích nhất của tập thơ là những câu lục bát, vừa ngọt ngào bình dị lại vừa tài hoa:
Thôi đừng khóc nữa mẹ ơi!
Các anh con ngủ ngàn đời biển ru
Bao nhiêu bông cúc mùa thu
Mang theo cả tiếng chim gù gọi anh
(Lễ tưởng niệm liệt sỹ Gạc Ma)
Này đây hoa cúc hoa hồng
Phong ba bám đá rau trồng xanh khay
Đất quê ra với đảo này
Chở bao nhiêu gói để nay thành làng

Này đây hoa mướp trổ vàng
Cũng bầu bí, cũng rộn ràng bướm ong
Từng ca nước ngọt đếm đong
Mồ hôi đổ xuống ròng ròng mà xanh
(Viết ở Trường Sa)
Hơn ba mươi bài thơ, viết trong thời gian ngắn ngủi trong và sau chuyến thăm Trường Sa (tháng 6 ra biển, tháng 7 ra sách) với cảm xúc dâng trào, tha thiết, tập thơ “Tổ quốc ở Trường Sa” của Đỗ Xuân Thu tuy tập trung vào một chủ đề nhưng không hề gây cảm giác nặng nề hay nhàm chán. Mỗi bài thơ là một kỷ niệm đẹp và xúc động. Mỗi bài thơ là một khám phá của riêng anh về “Tổ quốc ở Trường Sa”. Con người nghệ sỹ trong con người công dân được thể hiện ở tập thơ thực sự đáng quý biết bao!

                                                                    Tháng 8/2015
                                                                            N.T.V.N

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét