Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

CÔ ĐÔI THƯỢNG NGÀN



         Bà Hà ở xóm Mai chết. Tin đó bỗng chốc loang ra cả làng Cổ Cò. Chẳng ai bất ngờ cả vì ai cũng đoán được kết cục này. Bị ung thư phổi, bà ấy trụ được gần năm thế là giỏi lắm rồi. Tốt thuốc, tốt chăm lắm rồi. Mấy tháng nay, nằm liệt giường liệt chiếu, ăn dầm đái dề, dở sống dở chết trông bà ấy tội lắm. Thôi thì đi sớm cho nhẹ mệnh. Cứ nằm thế bà Hà khổ đã đành mà cả đến con cháu người nhà cũng khổ. Nghĩ là thế nhưng ai cũng thương bà. Chết sớm quá. Mới có hơn bốn chục tuổi đời, vừa qua đận gian khó thì đã phải ra đi. Âu cũng là số phận. Chống sao được mệnh trời.
          Bên nhà ông Khắc có tiếng “pịt pịt”. Mọi người biết ngay là ông ấy chuẩn bị đi đám. Đó là tiếng khởi động của “con 81” ghẻ. Có lẽ nó là cái xe máy cổ nhất còn sót lại của làng Cổ Cò. Ngày trước nó long lanh lắm. Kim vàng giọt lệ. Cúp tôm, yếm trắng. Vỏ nhựa màu cọ rêu bóng loáng... Trông đã thèm chứ chưa nói là được cưỡi lên nó nhé. Thế mà bây giờ nó cóc cạy, bong tróc hết sơn, trơ bộ khung sắt sét gỉ vàng khè. Không yếm che, không đuôi xe. Hai cái lốp mòn trọc lốc tha hồ rung lắc đuổi nhau trên đường làng. Cái yên cũng rách nát, lòi cả miếng mút cao su xám xỉn ra ngoài. Trên đó là bộ mông rúm ró cùng cái lưng dài ngoẵng, cái đầu vênh vênh của ông Khắc. Xe ông Khắc đi đến đâu cả làng biết đến đó, ngay cả lúc khởi động. Có bận, ông ấy chào chủ nhà đến mấy lượt mà con xe vẫn cứ pịt pịt, pẹt pẹt mãi chẳng chịu nổ để ông về. 

          Pịt pịt pịt. Pẹt pẹt. Pẹt...Pẹt pẹt. Pành pành pành... Nổ rồi! Y như rằng! Cái dáng cao nghều, lỏng khỏng của ông Khắc trên con xe 81 đang bám theo xe thằng Hòa, người nhà bà Hà, đi về phía đám. Đám chết nào cũng thế, dân làng Cổ Cò gọi ông Khắc đầu tiên. Ông ấy vừa là thầy cúng lại vừa là “giám đốc tổ thợ kèn” như chính ông Khắc tự nhận. Mọi việc trong đám tang ông ấy lo hết. Từ khâm liệm, nhập quan đến thủ tục gọi hồn nhập xác, rồi phát tang, cúng vong, rồi kèn trống, phúng viếng... tất tần tật các việc trong nhà đám ông ấy đứng ra chỉ bảo cho người nhà và ban tang lễ lo liệu. Quan trọng lắm. Lề lối lắm. Không biết mà làm theo sách Thọ Mai, theo lệ tục cổ truyền của các cụ xem, phạm vào điều kiêng kỵ thì khốn. Thế cho nên nhất nhất cứ phải gọi ông Khắc, theo ông Khắc. Cũng may, làng Cổ Cò có ông Khắc không thì những việc như thế này chẳng biết đâu mà lần.
          Chưa đầy năm mươi tuổi nhưng trông ông Khắc có vẻ già trước tuổi. Ông được cái dáng. Cao ráo. Lưng dài. Chân tay theo đó cũng lòng khòng dài theo. Ông ngồi đầu gối quá tai, trông lạ lắm. Cả khuôn mặt của ông cũng dài. Đã thế, ông lại để tóc rậm. Cả nửa năm trời ông không cắt cứ để nó dài trùm kín gáy rồi ông phải buộc túm nó lại như cái đuôi gà ở đằng sau đầu. Vì thế, mặt ông đã choắt lại càng choắt hơn. Có người gọi ông là Hai Sếu vì cái sự cao dài đó.
Chính giữa khuôn mặt ông là cái mũi cao nhô lên. Nó cũng dài theo các bộ phận khác, như dãy núi hùng dũng chạy từ giữa hai con mắt cao dần lên xuống đến gần cái miệng thì đột ngột dừng lại. Cái mũi chia đôi khuôn mặt thành hai nửa giống nhau như đúc. Hai gò má ông Khắc hơi nhô nhìn thấy cả hằn xương trăng trắng. Đôi mắt ông Khắc nhỏ ti hí, lúc nào cũng chớp chớp trông như người toét mắt. Người ta bảo những người ti hí mắt lươn thường gian giảo xảo quyệt nhưng với ông Khắc thì ngược lại. Ông lành hiền, thật thà hay giúp đỡ người. Miệng ông Khắc khá rộng chẳng ăn nhập với khuôn mặt tí nào. Đã vậy, ông lại hay cười. Mỗi khi ông cười, lợi hở ra, phô cả hai hàm răng vàng khè ám khói, hậu quả của việc hút thuốc lào, thuốc lá.
Ông luôn vỗ ngực tự hào về giọng nói sang sảng như triết gia hùng biện, có lúc lại the thé như đàn bà cùng với điệu cười phớ lớ như được của của mình. “Đàn ông rộng miệng thì sang”, người được như ông hiếm lắm. Đôi tai của ông cũng lạ. Nó như hai cái mộc nhĩ cỡ đại đặt cân đối ở hai bên đầu ông. Vành tai mỏng, luôn hồng hào, hướng về phía trước. Đó là tai đựng của. Chẳng biết đựng được nhiều của không nhưng nó rất thính, đặc biệt trong việc hóng hớt chuyện thiên hạ và...nghe nhạc.
          Ông Khắc mê nhạc từ nhỏ. Hễ ở đâu có kèn trống, đàn sáo là Khắc đến. Khắc chầu rìa xem người ta chơi đàn, kéo nhị, thổi sáo. Đôi mắt Khắc sáng lên. Lòng dạ Khắc rạo rực. Chân tay Khắc gõ gõ theo nhịp nhạc. Đầu Khắc lắc lư. Rồi Khắc bắt chước. Khắc về tiện ống nứa làm sáo, chặt đoạn tre, lấy vỏ ống bơ, dây phanh xe đạp làm đàn bầu. Rồi “sòn sòn sòn đô sòn”. Rồi “nhà bà có mấy cô”. Rồi “gió mùa thu mẹ ru con ngủ”. Mới đầu còn tò te tí, ư ử, ề à. Về sau, ngọt dần, réo rắt, nỉ non ra phết. Chỉ nghe lỏm, học mót thôi mà Khắc đánh bài nào ra bài ấy. Lại chơi được khá nhiều loại nhạc cụ nữa chứ. Kèn trống, nhị hồ, đàn sáo... Khắc chơi tuốt. Cả làng bắt đầu ngỡ ngàng về ngón đàn, tiếng sáo của Khắc. Đúng là giời cho Khắc cái khiếu âm nhạc.
          Chẳng những Khắc có đôi tai nhạy cảm, mười ngón tay thon đầy vân hoa mà Khắc còn sở hữu một giọng hát trời phú. Nghe Khắc hát đến người khó tính nhất cũng phải há hốc mồm mà nghe. Thôi thì ca mới, cải lương, chèo tuồng, quan họ, xoan ghẹo...loại nào Khắc hát cũng ngọt lịm, êm ru. Riêng khoản hát chèo, chầu văn thì thôi rồi. Nhiều diễn viên văn công chính cống cũng phải nể phục. Đã thế, Khắc lại có tài đóng kịch nữa chứ. Khắc nhập vai cứ như lên đồng lúc cúng bái, gọi hồn vậy. Chả thế mà, Khắc thường được mời đóng một số vai phụ, vai hề trong các vở chèo Quan Âm thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, Trương Viên mà bạn bè Khắc làm ở các đoàn văn công này nhờ vả khi bí diễn viên.
Dân làng Cổ Cò ai cũng bảo Khắc là người có tư chất nghệ sĩ. Tư chất gì, nghệ sỹ đích thực đấy. Thử hỏi có người nào không qua trường lớp mà hát hay, đàn giỏi, múa dẻo như Khắc? Hội diễn văn nghệ quần chúng nào Khắc cũng tham gia và luôn đạt giải vàng giải bạc hẳn hoi nhé. Đám xứ nào Khắc cũng có mặt. Từ đám ma, đám cưới, đến mừng thọ, hội làng không có Khắc thì đám ấy, hội ấy nhạt hẳn. Được cái, Khắc rất xởi lởi, vô tư. Chẳng bao giờ nghĩ tới công cán, tiền nong cả. Cứ được đàn hát làm cho mọi người vui là Khắc vui rồi. Bỏ cả việc nhà, đi tối ngày lo việc bàn dân thiên hạ. Đó chẳng là chất nghệ sỹ đích thực thì còn là gì? Dân làng Cổ Cò, bạn bè đồng nghiệp ai cũng quý mến Khắc.
Giời cho Khắc nhiều tài lẻ vậy nhưng đường công danh sự nghiệp thì lận đận quá. Mấy năm trong quân ngũ, Khắc ở đội tuyên văn sư đoàn. Tưởng sẽ nâng cấp thành đoàn văn công, nào ngờ đội tuyên văn của Khắc thu gọn lại thành đội ca nhạc xung kích. Sau đó thì đội giải thể vừa đúng lúc Khắc hết nghĩa vụ quân sự. Trở về quê hương, Khắc leo dần từ chân kẻ vẽ pano áp phích, diễn viên trong các kỳ hội diễn văn nghệ quần chúng lên làm chân cán bộ văn hóa xã. Rồi đùng một cái, xã người ta không sử dụng Khắc nữa vì Khắc mải theo các đám xứ, lại còn học cả thêm nghề thầy cúng. Cán bộ xã gì mà đi thổi kèn đám ma, đi cúng bái như thế? Nhiều hội nghị tìm mãi không thấy Khắc vì Khắc còn bận đi đám hiếu. Vẫn biết nghĩa tử là nghĩa tận nhưng việc Nhà nước đâu có thể tùy tiện thay đổi được. Thế nên, Khắc trở về đúng chất nghệ sỹ của mình làm trò mua vui, giải buồn cho thiên hạ. Khắc quen tính tự do, phóng túng rồi, giờ gò bó không chịu được. Thôi thì đi làm phúc cho thiên hạ cũng vui đấy chứ. Và Khắc trở thành thầy cúng, “giám đốc tổ thợ kèn” lúc nào không hay.
Hồi bố Khắc còn sống, ông ấy thất vọng về Khắc. Lẽ ra, Khắc phải theo đường công danh, làm cán bộ, đằng này lại đi làm cái thằng thổi kèn đám ma. Ông tự trách mình đã đặt tên con là Khắc. Đúng là khắc khổ. Riêng vợ Khắc thì thích. Ả nghĩ, Khắc như thế hóa lại hay. Chứ ti toe tí cán bộ, nay họp hành, mai hội diễn, nhiều tài lẻ thế mất chồng như bỡn. Phụ cấp thì chẳng bõ cho ả đi chợ đôi phiên. Đằng này, làm cái anh thợ kèn, ông thầy cúng tiền mỗi đám cứ gọi là bằng năm, bằng bảy cái phụ cấp còm của anh cán bộ văn hóa xã. Ấy là Khắc còn nhận thù lao bồi dưỡng theo sự tùy tâm của gia chủ đấy, chứ cứ ra giá như các cánh thợ kèn khác thì nhà ả giàu to. Và quan trọng hơn là ả yên tâm, chẳng lo gì gái nó theo Khắc. Cứ thế, Khắc cùng con 81 ghẻ đồng hành theo các đám xứ làm phúc cho dân làng, hàng xã.
          Liệm xác, nhập quan cho bà Hà xong, ông Khắc yêu cầu con cháu quỳ sụp tất cả trước linh cữu để ông cúng vong. Sau đó là lễ phát tang. Kèn trống nổi lên. Tiếng khóc xé ruột xé gan của con cháu bà Hà. Ông Khắc khăn xếp áo the, quần thụng khoanh chân ngồi xếp bằng trên cái chiếu ngoài hè đối diện với chiếc quan tài. Cánh thợ kèn so dây, chỉnh đàn, thử trống thêm lần nữa. Ông Khắc cầm chiếc micro gõ cộp cộp thử máy. Đúng lúc đó thì chiếc nokia to đùng của ông Khắc rung lên. “Em ơi! Mùa xuân đến rồi đó!”. Giời ơi! Khúc nhạc chờ ông để cứ thế vô duyên vọng vào mic-ro phát cho cả làng nghe. Ông Khắc luống cuống vén cáo áo thụng, lôi cái điện thoại đang vận trong cạp quần. Vướng víu lằng nhằng mãi nó mới tòi ra được. Ông điên tiết bấm nút đỏ cho nó câm tịt lại. Tại ông bảo đời là phải vui, phải lạc quan nên mới cài khúc nhạc chờ đó chứ. Ai ngờ nó lại báo hại ông vào lúc này.
          Như dể bù cho cái khúc nhạc chờ vô duyên lúc nãy, cả tổ thợ kèn theo nhịp tay vung của nhạc trưởng Khắc hòa tấu một khúc nhạc lâm ly, bi ai, thống thiết. Loa đài mở hết cỡ. Tất cả các tay đàn, tay trống, mấy ngọn kèn, cây sáo và lũ nhị, lũ hồ cùng lên tiếng. Cái the thé xé ruột xé gan. Cái nỉ non rên rỉ não nề. Cái thùng thùng dội vào tức ngực. Cái cheng cheng chập chập nhức tai. Giọt đàn bầu thánh thót. Ngọn kèn kêu thét lên. Tất cả hòa cùng tiếng khóc của con cháu người nhà bà Hà vang lên như ong vỡ tổ. Dân làng Cổ Cò ngác ngơ, sững sờ trước sự đau thương này. Người nào chưa biết tin thì theo hướng kèn trống ấy đều hiểu là bà Hà đã mất.  
          Vừa dứt màn trống kèn khóc lóc đó thì có một chiếc xe con bóng lộn đỗ sịch trước ngõ nhà đám. Một người đàn ông ăn mặc khá sang trọng bước ra khỏi xe. Đi theo ông là hai phụ nữ tay xách nách mang hoa quả, vàng hương. Cánh thợ kèn cùng người nhà bà Hà hướng cặp mắt về phía họ. Không ai biết họ là ai, trừ ông Khắc. Vâng, đó chính là bạn của ông. Họ là cán bộ, diễn viên của đoàn Chèo tỉnh. Chủ khách giới thiệu vắn tắt với nhau và đoàn khách với tư cách là bạn của ông Khắc xin được vào thắp hương viếng bà Hà. Ông Khắc vếch mặt lên có vẻ hãnh diện. Còn chủ nhà thì cũng cảm thấy sang hơn vì được đoàn cán bộ trên tỉnh đánh xe con về phúng viếng. Lại là đoàn đầu tiên nữa chứ. Thôi thế cũng là mát mặt cho người đã khuất.
          Thắp hương viếng xong, đoàn khách ra bàn uống nước. Người đàn ông nói với ông Khắc: “Lúc nãy gọi điện cho anh, anh không nghe. Chúng em đành đánh xe vào nhà anh thì chị ấy bảo anh đi đám. Thế là chúng em ra đây”. Thì ra thế. Cái cú “Em ơi mùa xuân đến rồi đó!” là của ông này. “Có việc gì quan trọng thế chú mày?”, ông Khắc hỏi người đàn ông. “Chả là thế này anh ạ. Hôm nay xã nhà đón nhận danh hiệu hoàn thành xây dựng chương trình nông thôn mới có đón đoàn Chèo về biểu diễn phục vụ buổi lễ. Cái cô Hiền chầu văn bị ốm bất ngờ không diễn được. May đoàn về xã anh, có anh ở đây rồi, chúng em muốn mời anh giúp cho tiết mục này thế chân cô ấy”. “Cô đôi Thượng Ngàn chứ gì?”. Ông Khắc cắt ngang lời, hỏi lại. Người đàn ông gật đầu. “Thế chú không thấy tôi đang bận đây à?”. “Em biết. Nhưng mà chỉ hai chục phút thôi. Anh tạm giao cho ai đó, ra giúp chúng em đi, cứu chúng em với. Hợp đồng rồi. Chương trình lên rồi. Không thể bỏ tiết mục đó được”. Người đàn ông năn nỉ. Đôi mắt ông ta chăm chăm nhìn vào khuôn mặt dài ngoẵng của ông Khắc chờ đợi.
Ông Khắc bặm môi. Khó nhỉ. Tính ông hay cả nể. Ông với cánh đoàn Chèo tỉnh lại rất thân thiết với nhau, cùng tuyên văn sư đoàn ngày xưa, giờ ra quân nhờ nhau những lúc như thế này là chuyện bình thường. Đó cũng là cách họ giúp ông. Tạo việc, thêm thu nhập đã đành, cái chính là hâm nguồn cảm hứng sáng tạo cho ông Khắc. Mà cũng nói thẳng ra rằng, phải có tài thì mới dám giao xuất diễn cho ông Khắc đấy. Gì chứ hát chầu văn Cô đôi Thượng Ngàn thì cả cái tỉnh này mấy người vượt được ông? Còn ông Khắc thì bóp trán suy nghĩ. Mặt ông thưỡn ra. Tình cảnh này không giúp họ thì tội quá. Mà giúp thì... lại phải đóng giả gái, diệu vợi chết đi được. Nhưng quan trọng hơn là ông đang hộ phúc ở đây, bỏ đi thì... Suy tính mãi, cuối cùng ông Khắc gọi chồng bà Hà ra trao đổi. Ông nói lại tình tiết và dự định của ông. Ông sẽ “chạy xô” hai chục phút trong lúc sớm mai chưa mấy người viếng, ông sẽ giúp đoàn Chèo, xong rồi sẽ về ngay đám đây để làm nhiệm vụ. Lúc ông vắng, tổ thợ kèn sẽ do cậu Đỉnh, phó của ông đảm nhận. Cậu ấy cũng hoạt bát, tháo vát lắm. Ba người cùng nể nhau và phương án đó được chấp thuận.
Diện bộ váy áo xanh đỏ tím vàng lộng lẫy trông chẳng khác gì chim công, ông Khắc bay ra sân khấu. Cả hội trường quan khách đang ồn ào bỗng lặng phắc. Đầu ông Khắc đội đĩa hoa quả, trầu cau và kẹo xanh kẹo đỏ. Hai tay ông cầm nến. Những ngọn nến lung linh lên lên xuống xuống theo nhịp vung tay múa may của ông. Nhạc tưng bừng, rộn rã. Đôi chân ông lướt một vòng quanh sân khấu. Thân hình dài cao lêu nghêu của ông bây giờ mới được dịp phát huy tác dụng. Người ông nhún nhảy đẹp như chim phượng hoàng bay. Ông cất giọng hát vỉa: “Ngọc điện chốn Kim môn/ Cô sa vào ngọc điện chốn Kim Môn/ Danh thơm ngoài cõi, tiếng đồn trong Cung”.
Dưới hội trường có tiếng xì xào. Ai như lão Khắc? Tưởng lão ấy ở đám bà Hà cơ mà? Đúng lão Khắc thật rồi! Hát hay, múa dẻo thế cơ chứ lị. Thì vưỡn! Tuyệt! Trên sân khấu, Cô đôi Thượng Ngàn chuyển sang làn Xá thượng: “Sông Thương nước chảy trong veo/ Thuyền xuôi thuyền ngược có tiếng hò reo vang lừng/ Nhìn núi đá mấy tầng cao thấp/ Ngàn cỏ hoa tăm tắp màu xanh/ Ối à ối a ới a a à-ới ì a/ Chi bay chấp chới mọi nơi/ Cá theo ngược nước lội bơi vẫy vùng/ Trên rừng tùng gió rung lác đác/ Đỉnh sườn non đá chất cheo leo/ Kìa con sông Thương nước chảy trong veo/ Ới à ới a-ới a a à-ới ì a”.
Một số người dưới hội trường lắc lư, nhún nhẩy. Quan khách trợn tròn mắt, há hốc mồm bám theo từng động tác cử chỉ của cô đôi Thượng Ngàn. Cô xoay người, uốn tay, đánh mắt và chuyển sang hát múa mồi: “Này ai đố điệu lục cung/ Này ân ái vốn dòng sơn trang/ Tính cô hay măng trúc, măng giang/ Á a a á à à a/ Thiều quang sáng tỏ lưng trời/ Một màu xuân sắc tốt tươi rườm rà/ Trên ngàn xanh lắm quả nhiều hoa / Í i a á à à a/ Ngàn xanh lắm quả nhiều hoa/ Cô đôi dạo gót vào ra sớm chiều/ Chiều thổ mây nặng trĩu lưng đeo/ Á a à á à à a”.
          Đoạn cao trào, cô đôi Thượng Ngàn hồn phách đã nhập núi rừng sông suối. Cô ngả nhiêng uốn éo. Ngọn nến cháy bùng trên tay cô như sao băng loang loáng. Đầu cô lắc lư như lên đồng. Thì đúng là đang lên đồng đấy là gì. Phải ví như thế nào nhỉ? A! Phải rồi! Như ngọn cây câu gặp bão. Nhạc càng lúc càng tưng bừng. Xênh phách cũng thế. Đàn nguyệt réo rắt. Đàn tam tong tong. Sáo trúc véo von... Tất cả quyện vào nhau rộn ràng ào ạt như thác đổ. Rồi tất cả bỗng im phắc. Cô đôi Thượng Ngàn hóa thành cô Tiên. Cô tươi cười vung hoa quả, trầu cau, kẹo, tiền vào đám đông... Các quan chức ngồi hàng ghế đầu tranh nhau nhặt tiền, nhặt kẹo. Lộc thánh, lộc của Cô đấy. Cuối cùng, cô đôi Thượng Ngàn chắp tay trước ngực cúi chào khán giả, kết thúc buổi diễn. Vừa lúc cặp vú giả của cô suýt bung ra. Ông Khắc thở phào bước vào sau cánh gà sân khấu.
Xe của trưởng đoàn Chèo đang chờ sẵn cấp tốc đưa ông về đám ma. Ông trưởng đoàn Chèo phấn khởi quá, ra tận cửa xe tiễn ông, dúi vào tay ông chiếc phong bì. Ông Khắc lóng ngóng cất cái phong bì vào túi áo và giục cậu lái xe khẩn trương. Ngồi trên xe, ông Khắc vội tẩy trang, thay đồ. Bỏ bộ xanh đỏ lòe loẹt thay bằng bộ khăn xếp áo the kiểu thầy cúng như lúc tinh mơ ở nhà đám ông đã mặc. Một mình một ghế sau xe, ông rọ roạy vướng víu. Đúng là biết cái gì khổ cái đó. Tuy vậy, cái cảm giác bay bổng của cô đôi Thượng Ngàn vẫn lâng lâng, rạo rực trong người ông. Ông phải cố trấn tĩnh lại để lát nữa bỏ cái tâm trạng, bộ mặt hơn hớn này bằng bộ mặt đưa đám cho nó hợp cảnh, hợp tình. Nghiệp diễn nó thế. Nghệ sỹ là phải thế. Khó ra phết chứ lị.
Xe đỗ. Ông Khắc quẳng đôi guốc mộc xuống trước rồi thò đầu chui khỏi ra. Ông lựa chân đi guốc lộc cộc bước vào đám. Mọi người xì xầm. Ông Khắc gật đầu chào họ. Cậu Đỉnh đang cầm mic-ro rên rỉ. Giọng cậu ta run run: “Ờ ờ ờ ới ơi ờ. Mẻ sao vội vã ra đi mẻ ơ-ời. Mẻ đi để lại một ơ ớ ơ trời nhơ ớ thư ư ư ương. Xo-óm làng ba-ao nỗi vơ-ấn vư-ư-ư-ương. Ca-ác co-on ăn gi-ó nằm sư-ư-ư-ương đau lo-ò-ò-òng. Cháu cha-ắt chiu chít ngo-óng trô-ô-ông...”.
          Nghe Đỉnh khóc lóc thở than, ông Khắc thấy hơi bị nghịch nhĩ. Chưa chuyển tải hết tình cảm đau thương xa xót. Chưa tròn vành rõ chữ. Run nấc nhiều quá hóa giả tạo. Đã trao đổi “nghiệp vụ” với nó bao nhiêu lần rồi, đã nhiều đêm trăng thanh gió mát tập như thế rồi mà giọng hát của Đỉnh vẫn chưa khá lên được. Ấy là so với ông, chứ trong tổ thợ kèn này, ngoài ông ra còn ai hơn nó nữa. Phải “đào tạo” nó kế cận, chứ một mình ông đứng hát khóc suốt buổi sao mà chịu được? Hai người cứ phải thay nhau là vì thế.
          Ông Khắc còn có tài “vận thơ” để kêu khóc cho hợp cảnh, hợp người. Nghe ông than khóc, đến người cứng rắn nhất cũng phải quay mặt đi chùi nước mắt. Tổ thợ kèn làng Nhị xã bên ít đám gọi không chỉ vì giọng hát, ngọn kèn kém mà họ còn không vận nổi cả thơ để than khóc. Ai đời, đoàn của Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã đến viếng mà tay khóc thuê cũng chỉ biết bê nguyên xi như thế, hát không ra hát, đọc chẳng ra đọc, kể lể ê a trên nền kèn trống, cả ooc-gan điện tử, ghi-ta điện  nữa thì có khác nào nhạc rap, nhạc rock? Nghe chối cả tai. Mất hết cả sự trang trọng. Còn đâu là sự buồn thương nữa? Ông Khắc thì khác. Ông vận thơ nhuần nhuyễn: “Được tin cụ vong quy tiên/ Chúng tôi đoàn thể, chính quyền tới thăm/ Lòng thành thắp một nén nhang/ Chúc cụ suối vàng an giấc ngàn thu... Hu hu hu...”. Đấy, đại loại là như thế. Nó phải thế mới chuẩn. Giọng ông nức nở như rút ruột, rút gan. Nhị hồ, kèn trống cứ Thập ân, Lưu thủy hành vân mà làm nền, mà họa cùng thì bảo sao mà không bi ai não nề?
          Ấy thế mà có đám, ông Khắc cũng bị người ta thử tài, chơi khó đấy. Cái lão Huy cuối xóm Hạ chẳng hạn. Hôm ấy, em gái lão mất. Lão tập trung tất cả anh em ruột thịt, dâu rể, cả cháu, cả con thành một đoàn vào viếng. Đủ các vai. Trên có, dưới có. Già có, trẻ có. Mấy người bảo đi riêng theo gia đình nhưng lão Huy không nghe. Đám xứ đông thế này, tập trung vào một đoàn cho nó gọn, viếng xong còn ra mà lo mỗi người một việc. Lão là trưởng, nói vậy ai mà chả phải nghe. Thực tình, lão Huy cũng định thử tài ứng biến của ông Khắc. Mọi người ai cũng lo cho ông. Không biết đoàn “hỗn tạp” thế này thì vận thơ mà khóc sao đây? Chẳng ngờ, ông Khắc vừa nhận lễ, dâng hương, ông vừa ông ổng khóc: “Ối chị ơi, em ơi, bác ơi, bà ơi! Nhà ta đông đủ thế này/ Mà sao giời nỡ đọa đày cách chia/ Bây giờ người vẫn còn kia/ Sớm mai cách biệt chia lìa sao đang/ Anh em, con, cháu xếp hàng/ Người đi bỏ lại khăn tang trắng đầu/ Những là rau cháo có rau/ Nhà cao cửa rộng đi đâu hỡi bà, hỡi chị, hỡi em ơi?”.  Thế là chẳng ai bảo ai, tất cả cùng nấc lên, khóc nức nở.
          Đấy, các đám trước có một vài chi tiết như thế đấy. Đến đám này thì xảy ra cái vụ cô đôi Thượng Ngàn. Giờ xong việc đó rồi, ông phải về bắt nhịp ngay mới được. Vỗ vỗ tay vào vai Đỉnh, ông ra hiệu chuyển mic-ro cho ông. Từ đó trở đi, ông đứng vai chính, giữ việc khóc than thay cho người đến viếng. Tập thể, cá nhân, lễ to, lễ nhỏ đều được ông và tổ thợ kèn đón rước chu đáo, đâu ra đấy. Ai cũng toại nguyện. Viếng xong rồi mà nhiều người còn nán lại chia buồn với gia đình. Thực ra, họ xem ông Khắc và cánh thợ kèn hát rước là chủ yếu. Nghệ sỹ đấy chứ còn đâu nữa.
          Khi vãn vãn người viếng, ông Khắc chuyển sang chèo đò. Ông cầm mái chèo nghiêng ngả hát những lời chợt nghĩ ra. “Ơ này đò đưa mẹ ngược sông/ Hỏi cháu con nội ngoại ở đâu mà không ra đẩy đò?/ A í a ì a ơi ờ i a...”. Lũ cháu nối đuôi nhau rời quan tài ra thả những tờ tiền lẻ vào cái vỏ hộp đựng bánh bích quy cao cấp mà tổ thợ kèn đang để cạnh cái đầu gậy ông Khắc đang chèo đò. “Ơ này đò đã đã vượt lên/ Nhưng lại gặp đoạn nước cạn không lên được nữa rồi/ Ới anh em của bà vong khắp bốn phương trời/ Hãy mau đến chỗ cạn mà tời đò lên/ A í a ì a ơi ờ i a...”. Mấy anh, chị, em ruột của bà Hà thò tay móc ví lấy tiền. “Ơ này đò đang lướt nhanh/ Bỗng gặp ghềnh đá nên đành mắc luôn/ Con dâu con rể khoan buồn/ Mau đến ghềnh đá khênh luôn cả đò/ A í a ì a ơ ời a...”. Dâu rể bà Hà áo xô, khăn tang, chống gậy ra thả tiền...
Cứ thế, hết vai nọ đến vai kia lần lượt được ông Khắc gọi ra thả tiền cho đò vượt lên. Cứ thế mà ông Khắc dô khoan. Cứ thế mà ông Khắc bươn bả. Hay thế cơ chứ lị! Cái vỏ hộp sắt đựng bánh bich-quy cứ thế bộn lên những đồng tiền thướng. Nghe và xem ông Khắc chèo đò, người ta như lạc vào cõi không không sắc sắc. Nỗi buồn về sự chết chóc đau thương phần nào cũng được nguôi ngoai. Hình như có thế giới bên kia cũng đáng “sống” lắm! Thì ông Khắc chẳng đang đưa mọi người bước tới đấy là gì? Có gì sợ hãi đâu? Thế mới tài!    
          Chôn cất bà Hà xong, lệ thường như các đám là mục chủ nhà thanh toán cho tổ thợ kèn. Đám này cũng thế. Chỉ khác là, trước khi làm cái thủ tục “đời thường” đó, ông Khắc lấy chiếc phong bì mà ông trưởng đoàn Chèo đưa ông ban sáng ra, vuốt lại cho phẳng phiu, đặt lên trên cái đĩa rồi ông bước đến linh án, trịnh trọng đặt trước di ảnh của người đã khuất. Không kèn, không trống, ông chắp tay khấn vái. Sau đó, ông cùng Đỉnh thay mặt tổ thợ kèn làm khoản thanh toán. “Tiền cọc” như các đám là một triệu hai trăm ngàn đồng. Ông chồng bà Hà cầm xấp tiền đưa cho ông Khắc. Ông Khắc ra hiệu cho Đỉnh nhận. Đỉnh nhận xong, ông Khắc lại bảo Đỉnh chuyển hết số tiền “thướng” của các lễ phúng viếng, chèo đò lại. Số tiền này đã được mấy người trong tổ thợ kèn vuốt thẳng, xếp loại nào đi loại đó. Dễ phải có tới gần chục triệu đồng.
          Ông Khắc bảo với ông Minh, chồng bà Hà, cho mượn cái đĩa. Rồi ông đặt cả xấp tiền đó lên đĩa và nói với chồng bà Hà. “Thế này chú Minh ạ. Tổ thợ kèn chúng tôi thống nhất có cái lễ chung viếng cô ấy. Gọi là tấm lòng mọn, mong chú nhận cho”. Ông Minh sững sờ, ngạc nhiên: “Chết! Sao nhiều vậy bác? Em không dám nhận đến ngần ấy đâu!”. Không để cho ông Minh nói thêm gì nữa, ông Khắc khoát tay gọi cả mấy anh em tổ thợ kèn tới. Hai tay nâng đĩa phong bì, ông đứng dậy cùng tổ thợ kèn xếp hàng trước bàn thờ bà Hà. Ông Minh lóng ngóng đứng dậy theo. Ông gọi thằng con trưởng tới. Hai bố con ông vội vã đứng hai bên bàn thờ. Chờ cho tổ thợ kèn thắp hương khấn vái xong, hai bố con ông Minh chắp tay lạy tạ lại. Rồi bất ngờ, cả hai bố con họ cùng bật ra tiếng khóc.
          Ông Khắc đến bên ông Minh an ủi: “Thôi mà chú. Nén đau thương lại cho con cháu nó có chỗ dựa. Tôi biết chú cả năm trời nay vất vả lắm rồi, tốn kém lắm rồi nhưng số phận cô ấy được đến thế đành phải chịu. Ung thư mà. Thế giới còn phải bó tay nữa là”. Sụt sùi, ông Minh ngàn ngạt nói trong nước mắt: “Các bác, các chú vất vả với nhà em từ hôm qua đến giờ, gia đình em biết ơn nhiều lắm. Nhưng các bác làm thế thì còn công xá ở đâu?”. Ông Khắc vỗ vỗ vai ông Minh: “Chú đừng nói công xá làm gì. Chúng tôi làm phúc là chính. Với lại, khoản tiền cọc đó đấy thôi. Hoàn cảnh nhà chú tôi biết mà. Thôi thì thêm được đồng nào quý đồng ấy, chú Minh nhé. Cứng rắn lên, vững vàng cho qua cái đận này”. Mấy người trong tổ thợ kèn mỗi người mỗi lời động viên an ủi ông Minh. Sau đó họ chào gia chủ và tất cả ra xe.
          Pịt pịt... pịt. Pẹt... pẹt pẹt. Pành pành...pành! Ông “Hai Sếu” lêu đêu trên con xe tám một ghẻ dẫn đầu tổ thợ kèn rời nhà ông Minh. Mọi người trong đám nhìn theo họ tỏa ra ai về nhà nấy cho đến khi hun hút cuối con đường.
          Tối hôm đó, cha con ông Minh ngồi kiểm đếm phong bì. Chiếc phong bì của ông Khắc được bóc mở đầu tiên. Một triệu. Thằng con trai ông Minh buột nói: “Sao nhiều thế hả bố?”. Ông Minh bần thần: “Xuất diễn đoàn Chèo của bác ấy đấy. Người đến lạ. Chẳng nghĩ gì tiền nong cả”. Vừa lúc đó, tiếng phành phạch của con tám mốt ghẻ của ông Khắc vọng tới. Hai bố con ông Minh cùng nhìn ra ngõ.
Đúng là ông Khắc thật. Vẫn cái dáng cao lêu nghêu, cái đầu vênh vếch ấy. Vẫn con cồ cộ nhẫn nại cõng ông Khắc đi khắp làng trên xã dưới ấy. Họ nhìn thấy trên cái ghi đông xe máy, kẹp giữa hai tay lái của ông Khắc là chiếc đầu sư tử xanh đỏ, tím vàng đang lấp lóa dưới ánh trăng. Những cái râu kim tuyến rung ring theo nhịp xóc của xe. Phía sau xe là đứa cháu nội của ông Khắc. Thì ra, ông cháu nhà ông ấy lại đi tập múa sư tử với lũ trẻ con ở xóm Hạ. Đúng là nòi nào giống ấy. Cháu mới năm tuổi đã được ông cho đi tập múa, tập hát. Mà nó lại múa dẻo mới hay chứ. Ông lêu nghêu áo váy xanh đỏ gõ trống cơm tum tum. Cháu loắt choắt đội cái đầu sư tử to tướng nhảy vờn cùng ông.
Cả tuần nay, tối nào cũng thế. Hết xóm Hạ lại đến xóm Trung, hai ông cháu ông Khắc cùng cái đầu sư tử, cái trống cơm tom tom mà làm náo động cả cái làng Cổ Cò này. Hễ trông thấy ông cháu ông Khắc ở đâu là lũ trẻ lại bu lại cùng hò reo ầm ĩ. Sắp trung thu rồi mà.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét