“MƯA DẮT NGANG CHIỀU” QUA MỘT RỪNG TỪ LÁY
(Nhân đọc tập thơ “Mưa dắt ngang chiều” - Nxb Hội Nhà
văn 2014 của Lâm Bằng)
Để
có bài thơ hay, người làm thơ phải tìm được tứ thơ độc đáo, tình thơ sâu lắng
để từ đó triển khai câu chữ chuyển tải ý tưởng, tình cảm của mình. Công đoạn
sắp xếp ý tứ, chọn câu, chọn từ thuộc về kỹ năng, nghệ thuật của từng người.
Cũng tứ ấy, tình ấy nhưng người này được bài thơ hay, người khác thì chỉ được
bài thơ nhàn nhạt, không tạo được ấn tượng gì. Làm thơ là nghệ thuật sử dụng
câu chữ. Mỗi câu, mỗi chữ phải cân nhắc, chọn lọc sao cho đắc địa, trở thành
“mắt thơ” làm cho câu thơ lấp lánh. Nhiều câu thơ lấp lánh sẽ có được bài thơ
hay.
Tập
thơ “Mưa dắt ngang chiều” (Nxb Hội
Nhà văn - 2014) của tác giả Lâm Bằng - Trưởng phòng Trị sự, biên tập viên tạp
chí Xứ Thanh, Phó Trưởng Ban Thơ Hội VHNT Thanh Hóa là một tập thơ dụng công tu
từ và đạt được hiệu quả khá rõ rệt. Anh có nhiều tứ thơ độc đáo, cảm xúc trào
dâng khi viết, đến độ mê mị, nhưng anh lại rất tỉnh táo trong việc tu từ, chọn
những từ đắt nên tập thơ rất ám ảnh. Bao trùm cả tập thơ là nghệ thuật dùng từ
láy, mà lại là những “từ láy độc” nên bài thơ nào trong tập cũng hay, cũng ấn
tượng, khiến người đọc phải ngỡ ngàng.
Tất
cả 66 bài thơ trong tập anh đều sử dụng từ láy một cách chọn lọc độc đáo. Có
bài câu nào cũng có từ láy, đọc mà sởn da gà. Câu chữ tượng thanh, tượng hình
làm cho người đọc như cầm được, thấy được, nghe được cảnh ấy, tình ấy của tác
giả. Ngay bài đầu tiên của tập đã có những câu đáo để như thế này:
Đồng tháng mười ngun ngút lúa
Thị giác nông phu rờ rỡ
Gió thiếu nữ mơn man bờ cỏ
Mưa nắng bỗng già nua
Hay “Tháng năm/ Ràn rạt lưỡi liềm...”; rồi
“Tháng Tám sầm sập/ Nước đồng ràn rụa hõm sâu khóe mắt nông phu/ Ràn rụa
nhánh đòng ở cữ/ Tháng Chín len lét mưa nắng thở dài/ Thính giác
đổi ngôi/ Khóe mắt trở trăn tiếng
sấm”. Mấy câu sau còn mấy từ rờ rỡ, ngút ngát nữa.
Những ngun ngút, rờ rỡ, mơn man, ràn rạt, sầm sập,
ràn rụa, len lét, trở trăn, ngút ngát là những từ láy rất gợi, rất mạnh mẽ.
Vì thế mà bài thơ tạo được sự ám ảnh cho người đọc.
Ta đều biết từ
láy là từ được tạo bởi từ hơn hai tiếng, trong đó có một tiếng gốc có nghĩa
(thường là tiếng đứng ở vị trí đầu tiên) và một tiếng láy lại âm hoặc vần của
tiếng gốc (thường là tiếng đứng sau). Từ láy cũng có hai loại: láy hoàn toàn (lặp lại cả âm lẫn vần của
tiếng gốc: đo đỏ, xanh xanh, rầm rập, ...) và láy bộ phận (chỉ lặp lại hoặc âm hoặc vần của tiếng gốc: xanh xao,
rì rào, mảnh khảnh, le te, ...). Từ láy
tiếng Việt có độ dài tối thiểu là hai tiếng, tối đa là bốn tiếng và còn có loại
ba tiếng. Tuy nhiên, loại đầu tiên là loại tiêu biểu nhất cho từ láy và phương
thức láy của tiếng Việt. Lâm Bằng thiên về loại này. Có điều, anh chọn được
những từ láy có cường độ mạnh, tạo nên sự độc đáo, mới mẻ của câu thơ.
Bài “Đồng sau bão” có các câu với các từ láy
mạnh như thế này: “Lũ mồng két dáo dác”... “Nầu nẫu gốc rạ/ Răng gầy nhơn
nhởn khóc cười/ cơ bắp nông phu bất chợt rệu rã/ Tướp táp mồ hôi
góa bụa/ Hạt căng ngực thiếu phụ ngập
ngụa bùn hoai”.
Hay
bài “Làng tôi ngày lũ” cũng thế: “Phù du đỏng đảnh trăng liềm/ Gặm
nhấm thời gian tướp táp/ Bầy ốc loi ngoi/ Cỏ tha hương hun hút đê dài/ Vểnh tai/ Gió đơn côi ràn
rạt chái hè”... Rồi “nghèn nghẹn tiếng thở dài”, “đòn gánh tre tất tưởi lối sỏi khan”, “rạc
cẳng cánh đồng làng ngập ngụa”,
“làng phờ phạc sau bờ tre còm cõi”, “trăng rụt rè lũy tre đầu xóm”, “Làng/ Bì bõm, lều bều rác rưởi”, “Cần le te phù du nước hối/ Tép tôm lách
tách vại chum”, “hố mắt trũng sâu ngân ngấn nước”, “đồng làng đau đáu mắt nhìn/ Xa xăm mỏi mòn đồng bái/ Làng lênh đênh
xống áo du miên”.
Đây
là bài “Cánh đồng làng tôi mùa lũ”: “Sau
trận mưa đêm/ cánh đồng làng tôi sầm
sậm nước sông/ ngọn lúa loi ngoi mặt nước/ dật dờ những mảng phù du”. Rồi với các động từ
mạnh của đoạn 2: “Ngư phu túa ra/ chài lưới, vó bè vó tay...quờ
quạng lòng sông như bầy kiến bâu vào
vệt mỡ/ con cá quẫy mình/ phù du lép tép cá đớp mồi”.
Tiếp là “ầng ậng nước mắt mùa màng”, “rừa rữa nước sông tháng tám” và 4 lần dùng từ láy “sầm sậm” trong một câu thơ dài đoạn gần cuối để kết một câu “Cánh đồng làng tôi rười rượi sau mưa”.
Nhan
nhản tính từ mạnh, từ láy mạnh tạo nên hiệu quả tượng thanh, tượng hình làm cho
câu thơ như cầm lấy được. Cảnh lụt lội, bão giông, mưa gió ở làng quê tác giả
như hiện ra rành rành trước mặt. Rất dữ dội, rất tàn phá, rất tan hoang. Thì
thế mới “rười rượi”, mới “mỏi mòn”,
mới “tướp táp” mồ hôi, mới “phờ phạc” lo toan đó chứ. Phải quan sát
tỉ mỉ, phải đầm mình trong mưa bão làng quê, phải có nghề mới viết được những
câu thơ giàu hình ảnh, ấn tượng sâu sắc như thế.
Cùng
với chủ đề làng quê này, Lâm Bằng còn có các bài thơ “Ký ức làng”, “Làng tôi dựng lại ngôi đình”, “Tháng Hai mùa hội”, “Đồng sau vụ”, “Cuối chạp”... đọc cũng rất ám ảnh. Anh sử dụng từ láy dân gian rất
độc đáo, tạo nên hiệu quả tươi mới cho bài thơ.
Không
chỉ nặng lòng với làng quê, với cánh đồng, Lâm Bằng còn trăn trở, suy tư trước
bao cảnh đời ngang trái. Với con mắt của nhà thơ, bằng trái tim đa cảm, công cụ
vẫn chỉ là những câu thơ giàu hình ảnh nghệ thuật qua các từ láy và những từ
được chắt lọc, chọn lựa kỹ càng nhưng qua các bài thơ anh viết ta thấy được
chính kiến, ưu tư, trăn trở của tác giả.
Đây
là bài “Ghi ở quán karaoke”: “Nhầu nhĩ ánh đèn/ Nhầu nhĩ âm thanh/ Nhầu nhĩ khóe môi cong kẩy/
đêm rũ rượi/ chơi vơi ánh đèn đỏ xanh/ loa thùng rên rỉ/ thán khí ông ổng thoát thai/ Độ cồn du dương hưng phấn/ khẩu ngữ rểnh rang vào mùa vũ hội” để “hoa trái
cuối mùa lòe loẹt/ ca nữ cũn cỡn xiêm y/ khăn áo te tua”... “nhập nhoạng không gian đặc quánh hơi men...”. Mở
đầu bài thơ Lâm Bằng đã dùng lặp lại tới ba lần cặp từ láy “nhàu nhĩ” rồi sau đó là “rũ rượi”, “chơi vơi”, “rên rỉ”, “ông ổng”,
“du dương”, “rểnh ráng”, “lòe loẹt”, “cũn cỡn”, “nhập nhoạng”. Đúng là một
bức tranh sống động cả âm thanh và hình ảnh được Lâm Bằng vẽ bằng những câu thơ
tài hoa như thế.
Còn
đây là bài “Chợ” có những cảnh như
thế này: “Lổn nhổn trái xanh/ Chát chát, chua chua gái dở/
Xống áo hững hờ/ Chợ đương đông...the thé mẹt trưa/ Nắng chéo rỡn rồ cua cáy/ Cột lều ngong
ngóng bánh đa/ Xoàm xoạp, xoàm xoạp váy nâu té bụi/ Hàng/ cũn cỡn chạy xô/ Rau rấp rau răm lõa
lồ nắng quái”. Kết thúc bài thơ,
tác giả vẽ những hình ảnh này: “Khúc biến
tấu cuối ngày lều bều rác rưởi/ ruồi nhặng đen xạm hoàng hôn/ Nhọc nhằn lao công...”. Lâm Bằng thật đáo để. Ngoa ngoắt vậy mà lại thơ mới
tài chứ.
Cũng
trong mảng đề tài này các bài “Ngẫu cảm
Nguyên đán”, “Trọc phú”, “Vô cảm”, “Ám ảnh đường phố” cũng dày đặc các từ
láy mạnh. Bài “Ngẫu cảm Nguyên đán” có những hình ảnh đối lập nhau rất ấn
tượng. Anh cho “Booc-đô, sâm banh chễm chệ thánh đường/ Thánh đường lung
linh/ Rốc, rap chạy ma-ra-tông” đối
lập với “Thịt mỡ, dưa hành nem nép vại chum”, giữa “Xế hộp hồn
nhiên đạp đất phú ông” với “Khuy bấm
gia phong cuối mùa lả tả”; rồi thì “Cây đu ngơ ngác sân đình” đối lập với “Lai xâu cợt nhả khăn đỏ khăn xanh”; để
kết là “Thịt mỡ, dưa hành nem nép vại chum/ Booc đô, sâm banh chễm
chệ”... Thói kệch cỡm, đua đòi
của cái cơ chế thị trường đã làm đảo lộn các giá trị đã được Lâm Bằng viết
thành thơ, cảnh báo bằng thơ sắc sảo, chua xót đấy chứ.
Bài
“Vô cảm” viết về cảnh tai nạn giao
thông trên đường đọc đến rợn người. Trong lúc nạn nhân, sinh linh đồng loại
đang bị “Tung tóe/ Những sinh thể bất tỉnh/ Những sinh thể nhầu nhĩ loang lổ hồng cầu/ Tướp táp thịt da” thì mọi người “Quần sinh xúm xít ngó nghiêng/ Lắc đầu/ lè lưỡi”
mặc cho “Sinh thể quằn quại cô đơn”.
Và anh phải kêu lên rằng: “Đầy rẫy những
nhãn quan ráo hoảnh/ Đầy rẫy những đáy võng mạc khô khốc chai lỳ/ Cảm xúc vào
hồi miễn dịch”. “Xúm xít ngó
nghiêng”, “Nhầu nhĩ loang lổ”, hai
cặp từ láy đúp này với những tính từ trong cụm “nhãn quan ráo hoảnh”, “võng mạc khô khốc chai lỳ” nói
được nhiều điều lắm anh Lâm Bằng ạ. Thơ thế này thì vô cảm thế nào được?
Cụm
bài thơ tình được Lâm Bằng chọn những từ láy cùng những tính từ mạnh cũng rất
gợi cảm. Những “lả lơi”, thiêm thiếp”,
“lướt khướt” (trong “Say”),
những “bồng bềnh”, “nao nao” (trong
“Đề ảnh II”), những “bồng bềnh”, “tưng tửng”, “ngất ngây”
(trong “Du ca”), rồi thì “chầm chậm”, “rơm rớm”, “hoang hoải”, “rưng
rức”, “thổn thức” (trong “Em -đề ảnh
III”); hay “thỏ thẻ”, “khát khao”,
“chòng chành”, “ngây ngất”, “lảo đảo” (trong “Trăng”). Gần như câu thơ nào cũng có từ láy. Những câu “Rưng
rức ngực đồng thiếu nữ”, “Trăng thỏ thẻ tuổi rằm” đọc mà sởn da gà về sự liên tưởng.
Chùm
bài thơ về triết luận của anh cũng rất ấn tượng. Không đao to, búa lớn, không
lên lớp giảng giải, chỉ bằng những tứ lạ, từ láy hay mà anh đã gửi gắm, chuyển
tải được những điều muốn nói của mình. Những bài “Phiếm luận về sáng tối và sự khinh bỉ loài dơi”, “Đăng đàn”, “Khúc
luân vũ của những giá trị”, “Sẽ là tội lỗi ở góc nhìn khác”, “Giảng giả”, “Dạ
ký Noel”... là những bài như thế.
Tôi
đã cẩn thận đọc, soi kỹ 66 bài thơ trong tập thì thấy tất cả các bài đều nhan
nhản từ láy. Bài “An nhiên” viết về
Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngỡ tưởng không có từ láy, vậy mà vẫn có một từ “triệu
triệu” ở câu cuối cùng: “Lá mang theo
mình triệu triệu trái tim đau”. Đúng là một rừng từ láy
nhấp nháy, lung linh trong “Mưa dăng
ngang chiều” của anh.
Tập
thơ này của anh gần như là sử dụng thể thơ tự do, ít vần. Cả tập chỉ có hơn 3
bài lục bát. Nói là hơn vì có một bài (Vu
lan 2010) anh dùng đoạn cuối bằng thể thơ lục bát, còn đoạn trên cơ bản thì
vẫn thể thơ tự do. 3 bài “trăm phần trăm” lục bát là các bài “Mẹ tôi”, “Em đi”, “Tên anh hòa với nước non
ngàn trùng”. Phải chăng những bài này khá thiêng liêng, rất máu thịt với
tác giả nên anh chọn thể thơ truyền thống, bản sắc dân tộc để chuyển tải tình
cảm, ý tưởng của mình cho thêm gần gũi? Lục bát của anh nhuyễn, lại sử dụng từ
láy đắt, tính từ mạnh nên càng gợi mở, ghi dấu ấn cho người đọc.
Thơ
Lâm Bằng hay bởi những tứ mới, lạ, chắc và cách triển khai độc đáo của anh bằng
những từ láy dân gian có chọn lọc, những tính từ mạnh đã làm cho những từ đó
mới lên, đắc địa hơn, lấp lánh hơn. Phải thế chăng mà thơ anh tuy tự do, khấp
khểnh, ít vần điệu mà vẫn ám ảnh, khắc sâu vào tâm trí người đọc? Nghiệp làm
thơ được anh tự họa mình như người đẽo chữ trong bài thơ “Tự phu” với ba đoạn
ngắn gọn, mỗi đoạn 4 câu, toàn những câu ngắn, với những “muộn
mằn”, “bạc phếch”, “nhọc nhằn” (Phu Một); “Nghuệch ngoạc”, “hý hửng”, “bồng bềnh” (Phu Hai); rồi “Ông ổng thoát thai” để ngỗng, ốc cùng vểnh tai nghe thì hình như... có cả
tôi trong đó.
Đã
đọc thơ anh nhiều trên các báo chí, song ở tập thơ này, tôi thấy một Lâm Bằng
thi sĩ, sáng tạo, đáo để và thăng hoa. Tôi đã lạc đi miên man giữa rừng từ láy
nhấp nháy, lung linh trong “Mưa dắt
ngang chiều” của anh. Xin chia vui và chúc mừng thành công mới của Lâm
Bằng. Mong được đọc những bài thơ, tập thơ hay và lạ hơn nữa của anh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét