MÊ MẢI LẠC TRONG “LÔNG GÀ VÀ LÁ CHUỐI”
(Đọc “Lông gà và lá chuối” - Nxb Tổng
hợp thành phố Hồ Chí Minh của Du An)
Mỗi
một người viết văn đều chọn cho mình một vùng đất để thể hiện trong văn chương.
Hay nói chính xác ra chính vùng đất mà tác giả sinh sống đã ảnh hưởng, đã quyết
định đến mạch nguồn cảm xúc, đến sắc màu tác phẩm văn học của mình. Vùng đất,
nghề nghiệp của tác giả là những cái thể hiện rõ nhất, không thể giấu được, tạo
nên sự thành công nhất qua mỗi trang văn của từng tác giả. Người ta thường gọi
đó là dấu ấn vùng miền, dấu ấn nghề nghiệp. Sống thế nào thì văn thế ấy.
Tập
truyện ngắn “Lông gà và lá chuối’ (Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh
- 2014) của Du An - hội viên Hội VHNT Điên Biên, có nhiều năm là giáo viên miền
Tây Bắc cũng mang đậm dấu ấn vùng miền và nghề nghiệp của anh. Bao trùm xuyên
suốt tập truyện là khung cảnh miền rừng núi Tây Bắc, là chuyện thầy trò vùng
cao. 17 truyện ngắn trong tập thì truyện nào cũng “dính dáng” đến bản làng,
nương rẫy và có đến 10 truyện viết về nghề giáo và giáo viên cắm bản. Hình ảnh
thầy trò, trường lớp vùng cao với các góc cạnh được anh “cắp lớp”, “chiếu chụp”
đưa thành truyện thật sinh động, hấp dẫn.
“Bồng
bềnh Pú Cai” kể về một cô giáo mới tốt nghiệp trung cấp sư phạm được phân công
về cắm bản. Với lòng tự tin có phần ngây thơ, trong trắng cô “cứ đi theo sự
phân công”, không cần chọn “khu trung tâm” mặc cho ai đó gợi ý này nọ. Cô lên
bản Pú Cai là bản của người Mông có 21 nóc nhà mà lớp học nằm trên một sườn núi
“nghe nói ngày xưa trồng toàn thuốc phiện”. Và buổi lên lớp đầu tiên của cô
thật buồn cười. “Cao thấp lố nhố học trò, véo von tiếng Mông, tiếng phổ thông.
Có đứa cao lớn khềnh khàng. Có đứa bé tí nằm ngủ trên địu. Đứa có cặp siêu nhân
như dưới phố. Đứa cầm mỗi cái bút. Chúng vòng trong vòng ngoài quây lấy tôi
phấn chấn. “Cô giáo đẹp quá!”... Cửa lớp, ngoài sân rất nhiều phụ huynh đang
xem... Tất cả nhìn tôi như tin, như không tin, xăm soi đằng trước, đằng
sau...”. Du An đã vẽ cảnh ngày đầu tiên đi dạy của cô giáo trẻ thật sinh động. Phải
sống ở vùng đó mới viết được như thế.
Hình
ảnh người giáo viên vùng cao thật đáng yêu và trân trọng biết nhường nào. Họ
phải lo giữ học sinh cho đủ lớp, đi trong rừng đêm để vận động từng gia đình để
ngày mai có học sinh đến lớp, phải lo chỗ ăn, chỗ ở cho học sinh khi chúng ở
nội trú. Rồi lúc trò ốm, trò đau, hết gạo, hết tiền mà gia đình chưa kịp tiếp
tế hoặc quá nghèo mà không tiếp tế được. Bao nhiêu khó khăn, họ đều vô tư vượt
lên, nhận về mình những gian khó, cả tiếng xấu nữa để tất cả vì học sinh thân
yêu.
Tôi
rất ấn tượng với truyện ngắn “Học trò nội trú”. Đóng vai là nhà báo tỉnh lẻ, có
vợ là giáo viên, ở ngôi thứ nhất, tác giả - tôi, đã cho ta thấy hình ảnh những
thầy, những cô dạy học ở một trường nội trú vùng cao thật đáng yêu. Trong các
tình tiết của câu chuyện có tình tiết một cặp vợ chồng một anh bạn dưới xuôi đi
du lịch vùng cao ở khách sạn mời vợ chồng nhà giáo, nhà báo này ra chiêu đãi.
Vợ chồng anh phấn khởi đi gặp bạn. Bạn chiêu đãi toàn món ngon vật lạ. Đang ăn
thì vợ anh lấy lý do “mai đoàn thanh tra phòng về dự” để kiếu về và bữa tiệc
giải tán. Thế rồi, chị xin hai cái túi nilon để nhặt, để đổ cả đĩa thức ăn, cả
nồi lẩu thừa vào mang về. Anh chồng xấu hổ quá “uống hết luôn chén trà, quay
mặt đi che đậy”. Đêm đó, nhà báo bật máy, mở nhạc, gõ ào ào. Anh làm thơ con
cóc. “Chẳng chữ gì ra cái chữ gì/ Chẳng
việc gì ra cái việc gì. Người đâu không còn chút sĩ diện. Đeo cái mo vào mặt
nhau gỡ bao giờ mới ra”. Thế rồi vợ anh đến đằng sau vớ chuột, tắt máy
và...nói “Em mang thịt thừa lên cho chúng nó”. Tức là cho thằng Mua và thằng
Sinh, hai học sinh của cô chiều nay vì đói quá, gục xuống chẳng học được. Thế
là “bao dự định lên lớp, giảng bài về mình nghèo nhưng không được để người ta
coi thường, về tự trọng, tư thế...tan biến hết trong cái chăn mùa đông” của anh
nhà báo. Rồi chuyện anh nhà báo viết bài chống tiêu cực bị chính nhân vật lừa
lại, lại là cơ hội để vợ anh định khai thác nguồn tài trợ của vị phó giám đốc
sở tham nhũng nhưng cuối cùng thì hắn ta “xong vụ quên luôn”, còn vợ anh thì xin
được món quần áo cũ của nhà hắn để phân phát cho học sinh của cô đang phải mặc
những bộ quần áo vá. Qua mấy đêm đi trực thay vợ anh mới thấy hết cảnh học sinh
ở nội trú thế nào. Và bài phóng sự “Tôi đi lùa trò” của anh đã gây được tiếng
vang, tạo được dư luận tốt trong tỉnh. Đoạn kết truyện thật nhân văn, cảm động.
Bức ảnh anh chụp chung với các cô giáo trong buổi tổng kết năm học do chính chị
hiệu trưởng chụp bằng máy của anh, ảnh rất nét nhưng anh không dám rửa ra vì
“Các cô giáo tươi tắn, tôi cũng cười. Nhưng thịt gà, thịt ngan, canh măng vẫn
rõ nét ở những cái tay cầm bên dưới”. Anh nói chuyện với vợ hay là...ỉm đi thì
vợ anh bảo: “Chẳng sao, đúng quá bao giờ chả ngại. Còn bao nhiêu quần áo cũ,
lên bản bị ngã, cõng trò đi viện...chưa cho vào được, anh lo cái nỗi gì”. Một
sự thật không biết nên buồn hay nên vui. Thương lắm những thầy cô giáo vùng
cao.
Truyện
“Từ lâu không nói” kể về hai giáo viên, một nam, một nữ ở tập thể. Cô giáo
nhiều tuổi hơn, lâu năm hơn. Thầy giáo trẻ, ít tuổi hơn, mới về. Mười ngày góp
gạo thổi cơm chung. Những động chạm, những ánh mắt chỉ có hai người trong khu
tập thể giữa rừng xanh núi thẳm. Cô giáo Cúc khát khao. Mỗi tuổi mỗi đuổi xuân
đi. Trước khi thầy giáo trẻ tên là Hào đến, Cúc đã cặp với lão Bắc buôn trâu.
Hào không nấu cơm chung với Cúc nữa vì anh muốn cho họ được tự nhiên. Thế nhưng
Bắc chỉ là trăng gió khiến Cúc ngả hết về Hào. Cái đêm Hào và Cúc đi trong rừng
để đến các gia đình vận động học sinh đến lớp suýt nữa thì họ nên chuyện với
nhau nếu không vì...mùi tỏi. Rồi những ngày Hào chăm Cúc ốm. Và cuối cùng thì
Cúc đành theo lão Bắc vì “còn ai nữa đâu mà chả gật”. Giáo viên cắm bản vùng
cao với thầy giáo đã khổ rồi, với cô giáo trẻ càng khổ hơn. Quá lứa nhỡ thì thì
“méo mó còn hơn không”. “Hôi nách hay mồm thối, không nghiện ngập, cờ bạc thì
cưới đi”. Và Cúc cũng ở trong trường hợp ấy, đành là như vậy.
Trong
mảng đề tài này còn có các truyện Ăn ớt, Cô Quỳnh, Đang trôi, Lên cao thấy trời
thấp thật, Mùa nương, Thần dược... Mỗi truyện một góc nhìn, một lát cắt. Những
chấm phá trong cuộc sống người thầy mỗi vùng đất được Du An phác thảo qua nhưng
nhân vật, tính cách, câu chuyện thì hiện lên thật rõ nét. Tâm lý nhân vật,
những giằng xé nội tâm, những quyết định cuộc đời dưới ngòi bút của anh đã làm
cho nhân vật tươi mới hơn, đáng yêu hơn. Ngay cái việc uống rượu cũng đã là
quyết tâm, là sự hòa nhập của những giáo viên cắm bản rồi. Nam đã vậy, nữ cũng
phải như vậy. “Thời gian ở đây đủ để Hạ biết rằng nếu không muốn thất bại thì
cứ thật thà, hết mình. Mười chén, Hạ qua đỉnh, tỉnh”. Chính trong những cuộc
rượu hết mình ấy là cơ hội để các giáo viên vận động các gia đình cho con em họ
đi học (Trên nương, trang 183).
Ngoài
mảng đề tài dạy học ra, Du An còn có một số truyện ngắn ở những mảng đề tài
khác, phong phú, đa dạng. Những câu chuyện xung quanh, được anh chắt lọc, chọn
lựa, viết lên theo ý tưởng của mình. “Ăn ớt” kể về một thời gian khó, thiếu
thốn, đói kém quanh năm, gia đình nọ phải có “sáng kiến” là làm một bát ớt đỏ
để giữa mâm. Ông bố “cầm cái thìa xúc, hắt nhẹ vào từng bát con, động tác rất
nhanh”. Lũ con ăn cay xè, nước mắt nước mũ chảy ròng ròng. Đọc mà thấy thương
quá một thời gian khó.
Nhân
vật trong truyện ngắn Du An toàn những người có nhiều góc cạnh nhưng rất đáng
yêu. Tôi rất thích truyện “Tỉnh rượu” của anh. Anh vẽ nhân vật Lung của mình
như thế này “Nhìn mặt gã rất khó đoán tuổi. Nó cứ phù phù, bì bì. Hai mắt như
bị ong đốt, cúp cùm cụp xuống, nhìn người hay không nhìn gì cả chẳng biết đằng
nào mà lần. Nói ngoa một tí thì mi trên mi dưới ngăn cách bằng một sợi chỉ. Nói
chẳng yêu chẳng ghét thì mắt bé quá, chẳng đủ nhìn, chắc chỉ nhìn được mỗi vợ”.
Lão là con người lao động, chịu thương chịu khó. “Làm xe trâu mệt tí nhưng có tiền. Tối mù về
đếm tiền, các đồng ướt rượt, dính vào nhau. Bàn tay chai sần không được, phải
lấy móng khẽ bóc từng tờ, đặt ra bên cạnh. Khổ, người ta trả, vo luôn vào túi.
Mồ hôi chảy đến ướt hết đũng quần mới về nhà”. Bề ngoài lão như thế, nghề
nghiệp như thế, ấy vậy mà lão sống với dân với làng thật nghĩa tình, đầy trách
nhiệm. Công to việc lớn nhà người cứ như công việc của nhà mình. Xem Du An tả
cảnh lão luộc gà, chặt thịt gà, phục vụ đám cưới thì biết. Rồi lão bắt trộm,
nhận thằng trộm và bạn của nó là những thằng nghiện đi phụ giúp xe trâu cho
mình. Làm “ông chủ” mà lão vẫn hùng hục bốc xúc như ba thằng làm thuê cùng xe,
lại còn phải luôn để mắt tới chúng nó nữa chứ. Lão sợ chúng hút hít đâu đó. Lão
“sợ bọn này vào nhà người ta nhanh tay, nhanh mắt. Bình thường đấy là trách
nhiệm của toàn xã hội nhưng gã đang là ông
chủ. Tốt đẹp khen chả cần, còn tiếng xấu gã chịu”. Rất trách nhiệm. Rất tự
giác. Lão muốn cải tạo lũ nghiện, hướng thiện cho chúng. Chủ như lão mà buồn
cười. Đúng là rước tội, rước nợ vào thân. Rồi chủ tớ nhà lão giúp bà cụ chặt
cây xoan vô tư. Rồi thì giúp công an bắt vụ án ma túy. Tật xấu của lão là
nghiện rượu. Ấy thế mà sau cái vụ cùng côn an xã theo dõi, phá án vụ buôn bán
ma túy thì lão lại cai được rượu. Nhịn rượu để phá án được cả giấy khen của
tỉnh. Vợ lão cũng bất ngờ về lão qua cái vụ bắt ma túy và cai rượu này.
Du
An còn viết về mối quan hệ trong gia đình với những cãi cọ, khúc mắc cùng bao
lo toan thường nhật của các thành viên; về mối quan hệ hàng xóm, về lân bang,
phố phường. Những con người ngày nào cũng giáp mặt, bao nhiêu chuyện phát sinh,
tưởng chừng như mâu thuẫn, như “quân thù, quân hằn” ấy vậy mà họ thật đáng yêu.
“Gà trong phố” là một truyện như thế. Tiếng chửi của hàng xóm vì phân gà thối
bẩn, chuyện ông tổ trưởng dân phố để trâu ỉa bãi phân to ngay cổng một nhà dân dẫn
đến xung đột cãi cọ nhau, rồi chuyện cơ quan...tưởng như sẽ chẳng ai nhìn mặt
ai nhưng cuối cùng họ đều lo cho nhau, đều có ý thức xây dựng xóm phố văn hóa
và cái kết câu chuyện thật hay, rất nhẹ nhàng mà lại ý nghĩa, chào “một câu rất
Việt Nam: Bác à”. Những nhân vật trong truyện ngắn của Du An đều đáng yêu và ấn
tượng như thế.
Truyện
“Lông gà và lá chuối” được lấy thành tên của cả tập truyện kể về mối tình của
cô Mận với anh chàng Tỉ. Một mối tình rất hồn nhiên, ngờ nghệch của cô Mận quá
lứa nhỡ thì với chàng Mận tinh quái, ma mãnh. Để rồi Mận có thai, một mình đẻ
con, nuôi con. Nguồn sống của mẹ con chị là những buồng chuối và đàn gà. Thế
rồi, ấm tổ, Tỉ lại đến tỉ tê, thẽ thọt “mình có hai đứa con. Mình sẽ phải làm
gì lớn lớn một chút em ạ... Anh định sắm một bộ xe trâu. Xe độ dăm triệu, trâu
ngót chục triệu”. Tin lời Tỉ, Mận đưa tất 8 triệu tiền bán chuối, bán gà để Tỉ
“hút xa, còn một làn khói ô tô nhờ nhờ quẩn lại”. Ngỡ tưởng được chồng, sống
với nhau, nào ngờ kẻ ấy đã cuỗm sạch rồi đi. Mận điên tiết vung dao phay chém
tan bụi chuối, hàng rào dâm bụt. “Từng đám lông gà bay lên, chỉ còn mấy mảnh lá
chuối khô treo treo như lá bùa vàng ố”. Một kết thúc thật buồn vì lòng tin gửi
nhầm chỗ.
Ngôn
ngữ truyện của Du an hoạt, câu văn ngắn, chuyển cảnh nhanh. Có cảnh anh chỉ tả
bằng một câu văn ngắn rất hình ảnh nên người đọc vẫn cảm nhận được. Những đoạn
làm tình là như thế. Kín đáo, ý nhị nhưng vẫn rất gợi. Trong 17 truyện có
truyện “Cam tròn” viết khá độc đáo. Lời truyện như ý thơ. Cảnh tình lớp lang
như phim. Đọc du dương và phải ngẫm nghĩ xem ý tứ của anh đằng sau con chữ.
Điệp ngữ “nàng học vừa đủ chữ” ngay từ câu đầu tiên của truyện và lặp đi lặp
lại mấy lần qua các đoạn tiếp theo. “Mẹ nàng bán cam” cũng thế. Mẹ dạy chị chữ.
Bắt đầu là chữ C. Phải chăng đó là “nghiệp bán cam” có từ đời bà chị, qua mẹ
chị, rồi đến chị? Đây là một đoạn trong truyện của anh: “Mẹ nàng vẫn bán cam.
Quả ủng con gái ở nhà. Quả quắt ngâm suối phồng phồng bợt bạt. Mẹ nàng ngồi gốc
muỗm, ngoan. Không thể nói một người ăn hai người vui, ăn vào hư như con ngựa.
Ăn cam thì ngoan, cánh rừng nghiêng bóng cơ mà. Ăn cam thì vui, váy áo vẫy đâu
mà khói xăng chậm lại kia mà”. Đại loại là như thế. Cứ miên man, mơ màng vừa
đọc vừa ngẫm nghĩ. Có lẽ truyện này là một bài thơ dạng hậu hiện đại chăng? Người
đọc chắc chắn sẽ phải suy ngẫm tìm hiểu ý tứ sau từng con chữ của anh.
“Lông gà và lá chuối” là tập truyện ngắn thành
công của Du An. Dư âm tập truyện còn đọng lại mãi trong tôi. Anh đã dắt tôi đi,
đưa tôi về thăm vùng Tây Bắc, với đồng bào nơi đây và những giáo viên ngày đêm
cắm bản, cõng chữ lên rừng; với những con người thật gần gũi, đầy tính cách
xung quanh ta, đâu đó thường ngày. Cốt truyện không cầu kỳ, hành văn gọn ghẽ,
câu văn ngắn, cách viết dí dỏm, chuyển cảnh nhanh, nhiều chi tiết sống động đã
hấp dẫn, lôi cuốn người đọc. Đọc truyện của anh, ta thấy yêu các nhân vật của
anh và yêu cuộc sống này hơn.
Tôi chưa gặp,
chưa biết nhiều về Du An. Có chăng chỉ biết anh trên Facebook và những truyện,
thơ anh đăng tải trên các báo. Nhưng trong tập “Lông gà và lá chuối” này anh đã
đưa tôi đi trong mê mải chuyện tình, chuyện đời để tôi có cảm giác như đã được
thân thiết với anh tự bao giờ. Xin chúc mừng Du An và mong chờ những tập truyện
mới hay hơn nữa của anh.
Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Trả lờiXóaNhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Trả lờiXóa