Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

NGẢY ẤY BÊN SÔNG (chương 17)



17
          Sau cái hôm được ông Thạc và Hoàn cứu cho thoát chết ở hầm, lão Phia nhìn hai người này với con mắt khác hẳn. Với ông Thạc, lão Phia khá nể trọng. Ngồi đâu lão cũng ca ngợi ông xã đội trưởng làng mình. Còn Hoàn, ông phia phục anh lắm. Không ngờ cái thằng trông thư sinh ẽo ợt thế mà dũng cảm đáo để. Hôm lão Phia đến thăm bà Năm bà cũng không ngớt lời khen nó. Chả bù cho bố nó. Cái hồi năm bốn bảy, người ta chuẩn bị đánh tây ầm ầm, cả làng trên xóm dưới rậm rịch, ấy vậy mà lão ta lại dẫn vợ con chạy mãi vào tận trong Minh Cầm để sơ tán.
          Cuộc đời lão Phia khá đặc biệt. Năm chục tuổi đầu lão đã có năm người con. Toàn con gái cả. Vợ lão là người dân tộc, quê mãi tít tận trên Sơn La. Bà ấy lành như cục đất. Cả ngày bà chẳng nói lấy một lời. Việc đồng áng, vườn tược bà đảm đang hết. Một nách năm đứa con, bà lầm lụi bươn chải. Chẳng bù cho lão Phia lươn khươn hết chỗ nọ đến chỗ kia. Lão chán bà vì bà chỉ sinh cho lão toàn một lũ vịt giời. Càng cố đẻ càng vịt giời. Thế có ức không cơ chứ? Mấy tay trong làng được thể càng trêu lão. “Cái lão Phia ấy à, đái không qua ngọn cỏ chả trách đẻ toàn con gái là phải. Mâm dưới. Mâm dưới. Con người ta đi bộ đội ầm ầm mà con lão liễu yếu đào tơ chỉ quẩn quanh xó bếp. Cho lão ngồi mâm dưới”. Bố thằng Hoàn cứ phẩy tay về phía lão Phia mỗi khi nhà ai có cỗ mời hai người. Càng cãi, càng phản ứng thì làng lại càng lộ mình, họ lại càng trêu kích thêm. Thượng sách là im lặng và làm theo cách của mình. Bảo ông chỉ được làm bố đĩ nhưng làng này thử hỏi đã có thằng đàn ông nào được như ông? 

          Lão Phia bỏ đi buôn. Lão có máu buôn bán từ bé. Từ ngày còn đi dân công Điện biên Phia đã biết kết hợp công việc để tính lời lãi rồi. Người ta đi dân công chỉ mong cho chóng hết đợt rồi về còn Phia thì tụt tạt chán chê. Phia tăm tia hàng nọ, hàng kia, xuôi ngược mua măng, chè, mật ong của đồng bào dân tộc bán cho người dưới xuôi. Có khi Phia bán hàng luôn cho những người trong đoàn dân công nữa. Thuốc lào, thuốc lá, kim chỉ, xà phòng ở dưới xuôi được lão dắt vào chiếc xe thồ lên bán cho người dân tộc. Phia giàu lên nhờ những chuyến xuôi, ngược đó. Rồi Phia gặp Muôn, cô gái Thái đẹp như một bông hoa rừng. Nhớ lại những ngày đó, bây giờ lão Phia vẫn còn cái cảm giác rừng rực, lâng lâng đến ngột thở.
          Hồi ấy, Phia khoẻ lắm. Anh trèo đèo lội suối băng băng. Đoàn dân công của Phia đóng ở một bản của người Thái. Phia giữ chân tổ trưởng tổ xe thồ chuyên đôn đốc anh em xuôi ngược vận chuyển hàng cho chiến dịch. Xe của Phia có hôm chở đến hơn hai tạ gạo. Lúc lên dốc, anh cởi trần tì hẳn vai vào cái cọc xe thồ và dùng hết sức lực của toàn thân đẩy chiếc xe đi. Bắp chân, bắp tay nổi thịt cuồn cuộn. Bao giờ xe của Phia cũng hoàn thành kế hoạch sớm nhất. Anh thường tăng cung, vượt chuyến. Số người cùng đợt đi với Phia có anh ngã nước ốm lăn, ốm lóc. Riêng Phia hầu như không biết đến hắt hơi sổ mũi là gì.
          Một hôm, Phia giao hàng về sớm. Bạn bè rũ anh sang đơn vị bộ đội gần đó chơi, anh không đi. Một mình Phia lang thang vào rừng. Từ ngày lên đây, công việc bận túi bụi chưa có hôm nào đi rừng cả. Cho nên, chiều nay Phia quyết định tự thưởng cho một chuyến du ngoạn ngắm rừng.
          Càng vào sâu trong rừng không khí càng trong lành mát mẻ. Thiên nhiên thật là kỳ thú. Chim chóc hót véo von. Hoa rừng đua nhau khoe sắc. Nhiều loài cây, loài hoa Phia không biết gọi tên chúng. Có cây cổ thụ không biết mấy trăm năm mà thân cây của nó mấy người ôm không xuể. Phia ngửa cổ nhìn lên ngọn thấy nó hun hút mãi ở trên trời. Dây leo chằng chịt. Mặt đất âm ẩm dày những chiếc lá rụng. Thỉnh thoảng, một con sóc từ đâu đó lao ra. Chúng ngơ ngác nhìn anh rồi chạy biến vào bụi rậm. Tiếng bìm bịp gọi nhau càng làm cho khu rừng thêm thâm u, tĩnh lặng. Mặt trời cuối ngày chiếu những tia nắng xiên qua kẽ lá rơi xuống mặt nước những giọt nắng lấp loáng khiến con suối lung linh hẳn lên.
          Phia cứ bám theo bờ suối mà đi.
          Chợt anh bắt gặp một gánh củi khô ven suối. Chiếc khăn quàng diêm dúa vắt lên một bó củi. Anh quan sát xung quanh và nhẹ nhàng nấp vào bụi cây gần đó. Không có ai cả. Thình lình anh nghe thấy tiếng sóng nước lách rách từ dưới suối vọng lên. Phia đưa cặp mặt nhìn về phía đó. Trời ơi! Một cô gái đang tắm. Anh dụi mắt mấy lần nhìn đi nhìn lại mấy lần vẫn đúng cảnh tượng ấy. Tim Phia như ngừng đập. Hồi hộp quá. Muôn! Đúng là Muôn, cô con gái bà chủ nhà anh đang ở. Chắc là cô ấy vào rừng lấy củi về đến đây nóng quá nên xuống suối tắm. Lần đầu tiên trong đời nhìn thấy tấm thân ngọc ngà của con gái người anh nóng ran lên. Hai tai anh bừng bừng. Nhịp tim đập loạn xạ.
          Lát sau, Phia bình tĩnh trở lại. Anh dán mắt theo dõi cô gái. Muôn lội dần ra giữa dòng suối. Nước đến đâu cô lại vén váy cao dần đến đó. Nước đến thắt lưng rồi đến ngực của Muôn. Cô cuộn váy lên vai rồi bằng một động tác rất thành thục Muôn đưa cả váy áo qua đầu để cho toàn thân ngập chìm trong nước. Cả tấm thân ngọc ngà của Muôn hiện lên nhập nhoà trong làn nước suối trong văn vắt. Trời! Đẹp quá. Phia gần như rướn hẳn cả người lên để nhìn cho rõ. Mặt anh ngây ra.
          Muôn ngó quanh suối một lần nữa. Rồi như chắc chắn không có ai khác, cô tung cả mớ váy áo đó lên bờ rồi thoả thích đùa vui cùng làn nước. Muôn tha hồ vùng vẫy. Cô té nước ra xung quanh. Lúc thì cô nhô hẳn người lên. Lúc khác cô lại ngồi thụp hẳn mình xuống. Cô bơi. Cô đuổi theo giọt nắng đang nhảy múa trước mặt. Nhiều lúc, cả tấm thân nuột nà ấy nổi hẳn lên mặt nước. Sóng nước vỗ vào bờ nghe róc rách róc rách. Những tia nắng cuối ngày hình như cũng đuổi theo cô mà đùa rỡn. Chợt cô dừng bơi nhìn chăm chú về một góc suối. Một con bướm trắng đang đậu trên một cành hoa dại ven suooí. Muôn nhao người về phía đó. Cô đứng thẳng người lên nhẹ nhàng lội dần lại gần con bướm. Phia tròn xoe mắt nhìn rõ khuôn ngực trần nhễ nhại của Muôn. Cặp vũ thây lẩy trắng hồng rung rinh theo nhịp bước của Muôn. Phia đứng hẳn dậy nhòm. Anh kiễng cả đôi chân lên để nhòm cho rõ. Bất ngờ hòn đá dưới chân Phia đang đứng bửa ra lăn tòm xuống suối. Anh mất đà vội tóm lấy cành cây. Cành cây bị gãy kêu đánh rắc một cái. Phia bị trượt chân ngã ngửa ra bờ suối. Dưới suối, Muôn hoảng quá kêu ré lên. “Ai đó?”. Cô lao vội vào bờ đến chỗ để váy áo. Gặp Phia đang lồm cồm bò dậy, cô tròn xoe mắt ú ớ không nói được câu nào. Muôn cầm vội váy áo che thân. Người cô run lên cầm cập. Hai người kịp nhận ra nhau. Phia ba chân bốn cẳng chạy vội về nhà.
          Từ hôm đó trở đi, tuy không ai nói ra nhưng giữa Phia và Muôn đã có ấn tượng về nhau khá sâu sắc. Mấy hôm đầu, cả hai người ngượng ngập lắm. Về sau, quen dần. Họ đâm ra để ý đến nhau, truyền cho nhau những ánh nhìn đầy ý nhị.
          Mỗi chuyến hàng từ xuôi lên, bao giờ Phia cũng có quà cho Muôn. Khi thì cái khăn mùi xoa. Lúc lại cuộn chỉ màu, bánh xà phòng thơm. Rồi cả những tấm vải hoa sặc sỡ nữa. Ngược lại, Muôn cũng hay phần riêng cho Phia từ củ sắn lùi thơm phức đến chùm quả gắm bùi trong rừng. Hai người đã có những cuộc gặp vô tình riêng nhiều hơn. Họ chỉ nhìn vào mắt nhau, không nói. Và tình yêu giữa anh dân công xe thồ với cô gái Thái con nhà ông chủ nảy nở tự bao giờ chính hai người cũng không biết nữa.
          Thế rồi hết đợt dân công, người làng Phia kéo về cả. Riêng Phia vẫn cứ quanh quẩn ở nhà Muôn. Sau đó, Phia cũng về nhà và chuyển đi buôn chuyến ở Sơn La luôn. Thông thổ, thuộc đường và cái chính là có Muôn ở trên đó làm nơi đi về cho anh. Cuối cùng họ đã nên vợ nên chồng. Dân làng Ngọc Chúc tấm tắc khen mãi cho Phia. Sao cái thằng ấy lại vớ được cô vợ xinh thế không biết. Đúng là “đi chín về mười, đi tươi về tốt thật”. Đi dân công thế mới gọi là đi dân công hoả tuyến chứ.
          Hồi đẻ đứa con gái thứ hai, Phia vẫn thường xuyên nhắc lại kỷ niệm bên bờ suối với Muôn. Và bao giờ cũng thế khi kết thúc câu chuyện, Phia vẫn tự hào với cánh nghe chuyện rằng “Giời cho tớ được thế”.
          Những rồi lũ vịt giời cứ tranh nhau tòi ra. Đứa thư ba, thứ tư, rồi đến đứa thứ năm vẫn y nguyên như hai đứa trước. Phia đâm ra thất vọng. Lão nhấm nhẳn với vợ. Đẹp mà không biết đẻ cũng chẳng để làm gì. Lão chẳng nhắc tới huyền thoại tình rừng của lão nữa. Lão chỉ nói chuyện đi buôn. Chiến tranh ác liệt như thế, thế mà suốt ngày lão với chiếc xe đạp ở trên đường. Vẫn kim chỉ, xà phòng, vẫn thuốc lào thuốc lá, lão lại buôn thêm một số hàng mới nữa. Máy lửa Trung Quốc, đá lửa, mì chính, vải vóc, có khi cả chè khô, phân đạm nữa. Những thứ này Nhà nước cấm buôn bán những lão lại thấy chúng nhiều lãi nhất. Cấm thì cấm, lão vẫn có cách để có hàng. Không những ngược Sơn La lên quê vợ của lão mà lão còn xuôi Hà Tây, Hà Nội buôn đường dài. Càng đi xa càng lãi lớn. Lão ăn mối với một mụ gái hoá trên phố huyện làm ở cửa hàng thương nghiệp. Hai người chung một đường dây làm ăn khá chắc. Đã có tiếng xì xèo của dân Ngọc Chúc rằng là lão đang muốn gửi thằng cu ở cái chỗ bà gái hoá nọ.
          Công việc đồng áng, vườn tược lão đổ tất lên đầu vợ và các con. Chẳng tháng nào, vụ nào lão đạt ngày công cả. Khi xét duyệt định xuất ăn, ban quản trị hợp tác xã vẫn liệt gia đình lão vào hạng phải đong thóc giá cao. Lão bất cần. Có cao thế chứ cao nữa lão vẫn chấp. Một chuyến đi của lão có mà đong được cả tạ thóc giá ấy. Đến khi hai đứa lớn đi lấy chồng, lão Phia vẫn chân ngoài vẫn dài hơn chân trong như thế.
          Lão Phia có chiếc xe đạp phải nói là oai nhất nhì xã. Phượng hoàng xích hộp, sơn màu cánh trả bóng lộn. Ngồi trên xe chỉ cần nhấn pê-đan một cái là nó đã đi tận đâu rồi. Lúc thư giãn, để nguyên bàn chân trên hai chiếc bàn đạp cho xe chạy tự do mà nghe tiếng lách tách của râu tôm xích líp thì thật là khoái. Chuông xe của lão kêu kính coong. Hễ gặp ai trên đường là từ xa lão đã bấm chuông. Thậm chí có hôm chẳng có ai cả lão cũng bấm chuông kêu loạn xạ. Thế mới oách. Thế mới sang. Cả cái làng Ngọc Chúc này mấy ai được như lão. Được ngồi đằng sau xe của lão cho lão đèo “đi nhờ một đoạn” thì chỉ có nhất. Vinh hạnh lắm. Vừa được thưởng thức tiếng ro ro của hộp xích, tiếng lách tách của râu tôm và đặc biệt nhất là được nghe đài của lão nữa chứ. Lão có chiếc đài Sông Hồng lắp khá chuẩn. Đi đâu lão cũng đeo nó bên sườn. Lắm hôm vào giờ ca nhạc lão mở đài hết cỡ cho nó hát inh oang dọc đường. Lũ trẻ làng Ngọc Chúc, Phượng Hùng nhìn lão với con mắt thèm muốn. Có thằng không kìm được đã ơi ới gọi lão: “Ông Phia ơi! Dừng lại cho chúng cháu nghe đài lúc đã”. Có đứa con gái thấy lão đi qua cũng trêu: “Mấy giờ rồi anh Phia?”. Chả là lão có chiếc đồng hồ Pôn-giốt cũng gần như nhất nhì xã. Lúc nào nó cũng vàng choé ở cổ tay của lão. Kỳ thực thì lão cũng cố tình xắn tay áo để hở nó lên như thế. Lão tỉnh bơ phóng qua. Đằng sau xe, một tải hàng đang vắt ngang chiếc “poóc - pa – ga” chờ để giao mối. Có thể nói đường con cái của lão hơi bị “lận đận” nhưng đường làm ăn của lão thì đố có ai ở làng Ngọc Chúc này theo kịp.
          Lão Phia quý chiếc xe đạp hơn cả bản thân mình. Hiếm khi lão rời nó kể cả lúc ở nhà. Lúc ở nhà thì lão dở ra lau chùi cho nó. Lão lau nó đến nỗi nó bóng lộn lên không còn hạt bụi. Hôm bị bọn trẻ con Lã Hoàng lấy trộm mất hai cái vòng bịt lỗ tra dầu ở moay-ơ mà lão ngơ ngẩn mất mấy ngày. “Mẹ cha chúng nó chứ, nhẫn nhiếc gì cái đó mà chúng mày lấy của ông. Ông mà bắt được đứa nào lấy thì ông đánh cho nhừ tử. Xe không có cái vòng đó bụi nó vào moay-ơ bố nó chạy được à?”. Lão rủa chúng và ngầm để ý xem có đứa nào đeo cái vòng đó làm nhẫn không.
          Thế đấy, lão Phia của làng Ngọc Chúc là thế đấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét